Trồng 1ha măng cụt VietGAP trên đất lúa, mỗi năm thu về trăm triệu

Với 1ha măng cụt trồng theo VietGap, mỗi năm, ông Nguyễn Văn Tỵ ở Bình Dương thu về trăm triệu.

Vườn măng cụt của ông Tỵ

Ông Tỵ bắt đầu trồng thêm cây măng cụt trên đất lúa từ năm 2004. Cây có thể cho trái đến gần 100 năm, sản lượng mỗi năm sẽ một tăng. Hơn nữa, cây măng cụt sinh trưởng mạnh, khả năng chống sâu bệnh tốt, ít phải chăm sóc giống các loại cam, quýt.

Ban đầu, ông học kỹ thuật trồng từ người bán giống và tự tìm hiểu thêm qua sách vở. Năm 2015, sau khi tham gia lớp tập huấn quy trình, kỹ thuật trồng măng cụt theo chuẩn VietGap do Trung tâm khuyến nông tỉnh Bình Dương tổ chức, ông đem kiến thức học được về áp dụng cho vườn cây của gia đình.

Ông Tỵ cho biết, chăm sóc cây măng cụt không khó mà cái khó hơn là tuân thủ các yêu cầu khi trồng theo VietGap. Chi phí đầu tư gồm giống, phân bón cho 1ha tốn khoảng 20 triệu đồng, trong đó cây giống khoảng 1,6 triệu đồng trên 200 cây. Ông tuân thủ kỹ càng các yêu cầu từ cách đào hố, bón lót, tỷ lệ đạm, lân, kali, phân chuồng để cây sinh trưởng tốt.

Tại Bình Thuận, mùa nắng kéo dài nên nước tưới là yếu tố quan trọng. Để vườn đủ nước, ông đào rãnh, mương dẫn nước vào vườn, xen giữa các hàng cây. Để tránh nắng cho cây, nhiều nhà vườn còn chăng lưới che. Riêng vườn ông, tận dụng thêm những cành dừa khô để chắn cho cây con thay lưới. Từ khi trồng đến nay, suốt 13 năm, vườn nhà ông chỉ xuất hiện kiến. Mỗi năm, ông chỉ xịt thuốc sinh học một lần.

Ông Tỵ tự tay chăm bón 1ha măng cụt, từ bón phân, làm cỏ, tỉa cành. Sau 5 năm, vườn măng cụt bắt đầu cho thu hoạch, năm sau cao dần hơn năm trước. Thời điểm thu hoạch từ tháng 3-4 Âm lịch hàng năm.

Vụ măng cụt 2017, ông Tỵ phấn khởi vì sản lượng tiếp tục tăng thêm 0,4 tấn so với vụ 2016. Giá bán tại vườn là 45.000 -50.000 đồng một kg. Giá cả các năm ổn định mang về đều đặn cho ông trên 100 triệu đồng mỗi năm. Theo ông, giá măng cụt ổn định như vậy là do chất lượng quả ngon, đều và thị trường tiêu thụ khá rộng. Ông cho biết, măng cụt có thể bảo quản cả tháng mà không bị hư nên chúng có thể vận chuyển ra thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Theo xu hướng phát triển của cây măng cụt, địa phương đang có các chủ trương khuyến khích hộ trồng giữ vững tiêu chuẩn trồng VietGap, liên kết thành hợp tác xã trồng măng cụt VietGap, tạo nền tảng hình thành vùng chuyên canh và xây dựng thương hiệu măng cụt địa phương.

Nguồn: VNE được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kính nể lão nông ‘gàn’ lên núi trồng rau công nghệ cao

Mới nghe chuyện có người lên núi trồng rau công nghệ cao, tôi cứ ngỡ ấy là việc làm của chàng thanh niên gàn dở nào đấy, không ngờ nhân vật đó lại là một nông dân đã chạm tuổi “cổ lai hy”!

Đã gần 70 tuổi, nhưng qua cuộc trò chuyện, tôi cảm nhận từ ông toát ra sự năng động hừng hực. Ông nói về chuyện trồng rau công nghệ cao như một “ma men” nói đến rượu ngon.

Ông Ba Thành nói chuyện trồng rau CNC như “ma men” nói đến rượu ngon

Ông họ Ba tên Thành, ở thôn Diễn Khánh, xã Hoài Đức (huyện Hoài Nhơn, Bình Định).

Lên núi kiếm cơm

Nhà nghèo, con đông, vốn liếng có mấy sào ruộng, vợ chồng ông Ba Thành dù có cố đến mấy cũng không thể nuôi nổi 5 đứa con ăn học. Bàn đi tính lại miết, cuối cùng vợ chồng ông Ba Thành dắt díu con cái rời nơi chôn nhau cắt rốn là thôn Lại Đức, kéo nhau lên vùng đồi núi quanh năm không bóng người, nằm trên địa bàn thôn Diễn Khánh ở xã Hoài Đức để bày cuộc làm ăn.

Đó là vào năm 1990. Khi ấy, con cái còn nhỏ, vợ chồng ông Ba Thành ngày đêm gắn với cây cuốc cái rựa để phát dọn, biến vùng đồi hoang vu ngày nào thành 6 sào đất bằng phẳng nhìn mát mắt.

Vốn con nhà nông, đi đến đâu ông Ba Thành cũng nghĩ đến cây lúa. Ngày ấy, cái đói luôn ám ảnh, nên cây lúa nhanh chóng xuất hiện trên vùng đất mới của ông Ba Thành. Nước tưới đã có những con suối từ trên núi chảy xuống cung cấp. Nhưng vì nằm cạnh núi, nên vùng đất ông Ba Thành khai hoang chẳng mầu mỡ gì mấy.

Lại thêm nạn chuột. Vào mùa mưa lũ, lũ chuột ở đồng bằng “sơ tán” hết lên núi ẩn nấp. Lũ qua, chúng kéo xuống cả đoàn, vậy là những ruộng lúa xanh mướt của ông Ba Thành trở thành nơi “chè chén” của chúng.

Không chỉ có chuột, những con thú trong rừng lâu lâu “đổi gió” xuống đồng cũng “góp tay” phá nát những đám lúa của ông. Đến mùa, số lúa thu hoạch được chẳng bõ công vợ chồng Ba Thành bỏ ra suốt mấy tháng trời.

Khó khăn kích thích năng động. Trồng lúa không hiệu quả, ông Ba Thành chuyển sang trồng cỏ nuôi trâu, bò. Phương án này hiệu quả trông thấy, vợ chồng ông rủng rỉnh tiền cho con đi đại học. Đến bây giờ, ông Ba Thành vẫn không dấu được tự hào khi nói: “Chính lũ trâu lũ bò ngày ấy đã nuôi ba đứa con lớn của tui học hành đến nơi đến chốn, giờ một đứa thành bác sĩ, một đứa giáo viên và một đứa đang làm trong ngành vật tư nông nghiệp TP.HCM”.

Khi đã có thu nhập ổn định từ chăn nuôi, năm 2005, ông Ba Thành bắt tay đầu tư trồng cây lâu năm với 150 gốc bưởi da xanh và 150 gốc cam sành. Những loại cây ông chọn trồng cách đây hơn 10 năm bây giờ trở thành loại cây “thời thượng” trong bảng “xếp hạng” các loại cây ăn quả ở Bình Định.

Vườn bưởi da xanh của ông Ba Thành sẽ “hốt tiền” trong dịp Tết Mậu Tuất 2018

Ghé thăm trang trại của ông Ba Thành vào những ngày cuối năm 2017, đi dạo vườn, mắt tôi không thể rời những cây bưởi da xanh lúc lỉu quả non. Ông bảo, lứa bưởi này kịp bán Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Chừng này bưởi bán vào dịp tết để người ta chưng mâm ngũ quả là hốt tiền!

Khi đã có của ăn của để, và có thêm chân thêm tay của 2 người con trai nhỏ theo nghề nông của cha đỡ đần công việc, ông Ba Thành mở rộng quy mô chăn nuôi. Bò đã có 30 con, ông Thành xây dựng mấy dãy chuồng kiên cố để nuôi heo. Bây giờ, góc đồi hoang vắng ngày xưa thêm rộn ràng bởi tiếng kêu của 100 con heo thịt và 50 heo nái sinh sản, nhất là đến giờ chúng đòi ăn.

“Bén duyên” rau công nghệ cao

Dường như một việc làm hoài khiến ông buồn hay sao mà ông Ba Thành không để cái đầu ngơi nghỉ. Lần này, ông nghĩ đến cái điều mà tôi dám chắc, chưa một nông dân nào ở Bình Định dám nghĩ tới, đó là trồng rau công nghệ cao. Vốn liếng trong tay có 6 sào đất (500 m2/sào), bưởi cam chuồng heo chuồng bò chiếm mất 2 sào, còn lại 4 sào ông “quăng trất” vào công cuộc trồng rau công nghệ cao.

Tôi hỏi: “Điều gì dẫn dắt chú đến với rau công nghệ cao?”. “Từ báo chí. Tui mê nghề nông nên hễ báo chí nói gì đến nông nghiệp là tui đọc tuốt. Có bữa tui vớ phải tờ báo có bài viết về làm rau công nghệ cao ở Đà Lạt (Lâm Đồng), tui đọc ngấu đọc nghiến. Đọc xong bài báo ấy thì chuyện trồng rau công nghệ cao cứ ám ảnh miết trong đầu. Ngủ mơ cũng thấy nhà màng, béc phun. Vậy là tui ghim trong ruột chuyện đó, quyết tâm sẽ có ngày mình làm!”, ông Ba Thành bộc bạch.

Những nhà kính trồng rau bề thế của ông Ba Thành trên ngọn đồi hoang vắng

Đi theo sau sự quyết tâm là cả chuỗi ngày dài tìm tòi học hỏi. Ở Bình Định chưa có nông dân nào làm, ông đành học từ các phương tiện truyền thông. Tivi thì xem chương trình nói về rau công nghệ cao, báo chí thì đọc những bài viết về rau công nghệ cao. Sợ mình tuổi già lú lẫn tiếp thu không hết, ông Ba Thành còn nhờ người con trai ở TP.HCM lên Đà Lạt học hỏi trực tiếp nông dân làm rau trên ấy rồi về truyền đạt lại. Cách làm nhà màng trồng rau như thế nào, con trai ông vừa quan sát vừa chụp ảnh, mang về diễn giải lại cho cha.

Tháng 5/2017, ông Ba Thành quyết định thực hiện ước mơ. Chỉ trong một thời gian ngắn, vùng đồi núi heo hút ngày nào mọc lên 4 nhà kính có tổng diện tích 2.000m2 bề thế với khoản đầu tư trên 500 triệu đồng. Nếu quy số tiền này ra heo ra bò thì không biết bao nhiêu con, nhưng đã “lỡ mê” là ông Ba Thành làm tới.

“Toàn bộ vườn rau của tôi được bao bọc kỹ bằng màn nhà kính do hãng Ginegar của Israel sản xuất. Nhà kính vừa ngăn côn trùng xâm nhập vào vườn gây hại rau, vừa đảm bảo những điều kiện cần thiết về độ ẩm, ánh sáng; bên cạnh đó hệ thống tưới nước tự động giúp rau sinh trưởng, phát triển tốt”, ông Ba Thành hồ hởi khoe.

Để đảm bảo đầu ra, ông Ba Thành trồng nhiều loại rau: Cải cay, cải ngọt, rau muống, xà lách, khổ qua, dưa leo, bầu, bí, cà tím… các loại rau ăn lá. Mỗi thứ một ít diện tích, theo kiểu cuốn chiếu để thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Để có được nguồn nước tưới rau, ông Thành phải đào giếng. Do là vùng đất đồi núi nên giếng ông đào phải sâu đến 70m mới có nước. Nước được bơm từ giếng lên chiếc bồn có dung tích chứa 7.000 lít đặt trên cao rồi được xả xuống hệ thống tưới tự động trong các vườn rau.

Hiện bình quân mỗi ngày vườn rau của ông Ba Thành cung ứng cho người tiêu dùng khoảng 200kg rau các loại. Ngoài cửa hàng rau do con ông mở bán tại thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn), rau của ông Ba Thành còn đi vào bệnh viện, các trường học. Tuy giá cả có đắt hơn rau ngoài thị trường, nhưng rau của ông Ba Thành vẫn được người tiêu dùng lựa chọn. Nhân viên siêu thị cũng đã ghé thăm vườn rau của ông đặt vấn đề thu mua, nhưng rau của ông không đủ bán. Ngoài vợ chồng và mấy đứa con suốt ngày lúc thúc trong những vườn rau, ông Ba Thành còn thuê thêm 3 lao động làm việc thường xuyên, với mức lương ổn định gần 4 triệu đồng/người/tháng.

Cái máu tìm tòi luôn “sôi” trong người, nên ông Ba Thành không ngừng “săn lùng” những giống rau mới mang về trồng. Ngoài những giống rau bản địa, hiện trong vườn rau của ông Ba Thành còn xuất hiện những dây dưa leo giống mới, nhập ngoại, cứ mỗi mắc đã cho 1 quả mà theo ông Thành, loại dưa này trồng chỉ 25 ngày là đã cho thu hoạch và giống dưa hấu Nam Mỹ.

Ông Ba Thành nói về những giống rau mới

“Ở Bình Định chắc chưa có ai trồng hai loại cây này, tôi bảo con trai mua giống về trồng thử nghiệm, nếu hiệu quả thì tui sẽ nhân rộng trong những năm tới”, ông Ba Thành nói.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tiềm năng phát triển chanh leo tại Việt Nam

Là đơn vị tiên phong trồng, chế biến và XK chanh leo cách đây hàng chục năm, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) đánh giá: Việt Nam hiện là nước có tiềm năng, lợi thế hàng đầu thế giới về chanh leo.

Mới đây, Tập đoàn Nafoods cũng đã chính thức khởi công xây dựng NM chế biến chanh leo tại Sơn La (dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2018), đồng thời đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu chiến lược với diện tích khoảng 5.000ha chanh leo tới năm 2020 tại Sơn La. Đây là những động thái cho thấy chanh leo đang là mặt hàng mang rất nhiều triển vọng XK trong năm 2018 và những năm tới.

Theo ông Đinh Cao Khuê, khí hậu Việt Nam rất phù hợp với cây chanh leo, đặc biệt là 6 tỉnh khu vực Tây Nguyên, bởi độ cao thích hợp nhất cho cây chanh leo phát triển từ 400 – 700m so với mực nước biển. Năng suất chanh leo tại Tây Nguyên có nơi đạt trên 100 tấn/ha, vào loại cao nhất thế giới. Trên thị trường quốc tế, chanh leo thuộc mặt hàng trái cây rất được ưa chuộng tại châu Âu, Mỹ và các nước phát triển, bởi cung cấp nguồn dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe con người.

“Năm 2017, Doveco chúng tôi dự kiến đạt con số 2.000 tấn chanh leo cô đặc XK sang các thị trường Mỹ, Canada, Israel, EU, Nhật Bản… gấp đôi sản lượng so với năm 2016, giá trị kinh tế ước đạt trên 10 triệu USD. Tháng 6/2018, Doveco sẽ khánh thành thêm một nhà máy chế biến chanh leo tại tỉnh Gia Lai với công suất 60.000 tấn chanh leo tươi/năm (tương đương 5.000 tấn chanh leo cô đặc), đồng thời chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán và mở rộng thị trường cho mặt hàng trái cây lợi thế này”, Chủ tịch Doveco Đinh Cao Khuê tiết lộ.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Rau màu vụ đông Bắc Đông tăng cao

Giá cao gần gấp đôi

Hiện rau màu vụ đông đang cho thu hoạch rộ. Tuy nhiên, điểm khác biệt so với những năm trước là sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó. Ghi nhận ở một số vùng chuyên canh rau màu cho thấy, giá nông sản bình quân cao gần gấp đôi so với cùng thời điểm năm trước.

Đơn cử, cà chua 12 – 15 nghìn đồng/kg, bắp cải 8 – 9 nghìn đồng/cây; su hào 7 – 8 nghìn đồng/củ; đậu cô ve 18 – 20 nghìn đồng/kg; cà chua bi 8 – 12 nghìn đồng/kg; 50 – 60 nghìn đồng/kg ớt…

Khảo sát tại cánh đồng thôn Ghép, xã Thái Đào (huyện Lạng Giang), chúng tôi cảm nhận được niềm vui của nông dân khi rau được mùa, được giá. Gia đình bà Nguyễn Thị Là đang thu hoạch lứa bắp cải thứ hai tính từ đầu vụ để chuẩn bị xuống giống súp lơ thu vào tháng Giêng. “Mấy năm trước, rau chỉ bán được giá vào thời điểm đầu vụ, về sau hạ dần và có lúc rẻ như cho, nhiều nhà lấy chăm cá hoặc bỏ thối ngoài đồng. Năm nay thì khác, rau luôn được giá, cứ mỗi lứa bắp cải, gia đình tôi thu về gần chục triệu đồng/sào”, bà Là cho biết.

Bà con phấn khởi khi rau màu tăng giá

Tương tự, người dân trồng cây ưa lạnh tại thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện (huyện Lục Nam) cũng thắng lớn. Theo bà Đỗ Thị Thúy, người dân trong thôn, năm nay, trời rét sớm, lạnh sâu, cây trồng ít sâu bệnh. Người trồng rau không tốn công, giảm chi phí khâu chăm sóc, sản phẩm lại bán giá cao đã góp phần tăng giá trị rau màu. Với hai sào su hào vừa thu hoạch, trừ chi phí, gia đình bà thu về hơn 15 triệu đồng.

Đến nay, tỉnh Bắc Giang có hơn 12 nghìn ha rau, màu các loại. Đánh giá của Sở NN-PTNT Bắc Giang, nhìn chung, cây vụ đông năm nay cho giá trị kinh tế cao, bình quân đạt khoảng 100 triệu đồng/ha, cao hơn 20 triệu đồng/ha so với năm trước. Cá biệt có một số cây cho thu nhập từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha như dưa lưới, các loại ớt, cà chua.

Bám sát diễn biến thời tiết, chủ động nguồn cung

Đang trong thời điểm chính vụ song nông sản không đủ cung cấp theo nhu cầu thị trường. Vì vậy, các tiểu thương đều phải trực tiếp thu hoạch, cân rau cùng bà con tại ruộng. Anh Tống Văn Thọ ở thôn Ghép nói: “Trước đây, tôi chỉ cần ở nhà và cân nông sản khi người dân chở rau, củ đến. Mấy ngày nay dù đã tăng giá nhưng vẫn không có rau để mua vì khan hiếm, tôi chủ động đến một số vùng chuyên canh đặt cọc trước. Chậm chân là hết rau, lỡ đơn hàng với khách”.

Các tiểu thương trực tiếp thu hoạch, cân rau cùng bà con tại ruộng

Ông Dương Thanh Tùng, PGĐ Sở NN-PTNT Bắc Giang cho rằng, giá rau tăng mạnh do một số địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai dẫn đến sản phẩm khan hiếm. Hơn nữa, nhiều nơi nông dân không còn “mặn mà” với ruộng đồng, bỏ ruộng vụ đông, không còn “tự cung, tự cấp” như trước mà phải mua rau, quả để sử dụng hằng ngày. Bên cạnh đó, công tác liên kết cũng được thực hiện tốt với hơn 3 nghìn ha rau, quả có hợp đồng bao tiêu chặt chẽ.

Còn theo một tiểu thương có hơn chục năm trong nghề tiêu thụ nông sản tại xã Thái Đào, nhiệt độ xuống thấp, rau dễ bảo quản, vì vậy người buôn rau lựa chọn hàng trong nước để kinh doanh. Còn nếu thời tiết ấm, nóng thì giới “chạy chợ” luôn ưu tiên mặt hàng của Trung Quốc vì thường có chất bảo quản, nông sản tươi lâu hơn sẽ ít rủi ro.

Cùng đó, biện pháp xây dựng mô hình điểm tại các địa phương, điểm mới trong chỉ đạo vụ đông đã phát huy hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 34 mô hình điểm với diện tích hơn 500ha và đạt hiệu quả cao. Điển hình, huyện Yên Dũng xây dựng 10 mô hình điểm sản xuất tập trung. Ông Hoàng Hữu Lân, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện thông tin: “Lo ngại khó đạt kế hoạch diện tích đề ra, huyện đặt mục tiêu nâng cao giá trị cây vụ đông. Theo đó, ưu tiên hỗ trợ vùng tập trung với mức 100 nghìn đồng/sào; đồng thời tổ chức hội nghị mời gọi doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ với hợp tác xã, nhóm hộ”.

Đến nay mô hình điểm về rau an toàn ở xã Tiến Dũng, Đồng Việt đã cho thu hoạch, lợi nhuận đạt 130 triệu đồng/ha. Các mô hình khoai tây chế biến hứa hẹn bội thu. Ở Tân Yên, huyện hỗ trợ 50% giá giống, chuyển giao kỹ thuật cho 6 mô hình điểm theo chuỗi khép kín, tập trung tại xã Ngọc Lý, Đại Hóa, Lan Giới; quy mô bình quân 5 – 10 ha/mô hình.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Khánh Hòa: Nguy cơ mất vụ xoài Tết

Thời gian qua, mưa bão đã khiến diện tích lớn xoài ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) bị rụng trái, hư hỏng. Người trồng xoài đang đứng trước nguy cơ mất vụ xoài Tết.

Ông Nguyễn Chí Hiếu (tổ dân phố Bãi Giếng Bắc, thị trấn Cam Đức) có hơn 2ha xoài Úc và xoài cát Hòa Lộc. Đợt cơn bão số 12 vừa qua, lượng lớn xoài cát Hòa Lộc của ông bị rụng trái, chỉ còn lại xoài Úc. Gia đình ông đang ra sức chăm sóc số xoài còn lại cho kịp bán vụ Tết thì mấy ngày qua, trời mưa to, gió lớn làm xoài rụng trái gần hết, những cây đang ra hoa cũng bị hư hỏng. Sản lượng xoài của gia đình ông bây giờ chỉ còn lại khoảng 20% đến 30% kịp phục vụ bán Tết. Tuy nhiên, nếu thời tiết vẫn tiếp tục mưa, gió lớn, nguy cơ mất trắng rất lớn. “Đến bây giờ, tôi may mắn còn giữ lại được một ít, chứ có nhiều nhà đã mất sạch, xoài rụng chỉ biết mang về ăn chứ bán được cho ai. Chắc năm nay người trồng xoài mất vụ Tết”, ông Hiếu nói.

Vườn xoài của ông Nguyễn Chí Hiếu chỉ còn lại hơn 20% sản lượng do mưa và gió lớn những ngày qua.

Ông Thái Minh Ngưu (thôn Bãi Giếng 2, xã Cam Hải Tây) cho biết, hơn 60 gốc xoài Úc của gia đình ông đang ra trái, chờ đến gần Tết thu hoạch đã bị mất một nửa trong cơn bão số 12; vừa qua, trời gió lớn đã khiến số xoài còn lại bị rụng gần hết. Ông Ngưu cho biết: “Bây giờ có làm cách nào cũng không kịp để cho xoài ra trái kịp vụ Tết. Chưa có năm nào thời tiết xấu như năm nay, người trồng xoài như tôi giờ không mất trắng thì cũng lỗ”.

Tại xã Cam Hòa, người dân trồng xoài cũng chịu chung tình cảnh. Ông Phùng Minh Vang – Phó Chủ tịch UBND xã Cam Hòa cho biết, sau cơn bão số 12, diện tích xoài còn trái để phục vụ Tết của toàn xã chỉ còn khoảng 50ha, nhưng những ngày qua, mưa to và gió lớn đã khiến diện tích xoài này rơi rụng, hư hỏng hết. Xoài Úc hiện nay có giá 80.000 đồng/kg, đến gần Tết sẽ tăng lên hơn 100.000 đồng/kg. Đây không phải là vụ chính nhưng là thu nhập Tết của người trồng xoài, nhưng thời tiết xấu đã ảnh hưởng khá nhiều.

Khảo sát ở nhiều vườn, chúng tôi đều ghi nhận tình trạng trên. Nhiều người chạy đôn chạy đáo mua thuốc về xử lý, hy vọng gỡ gạc để kịp có xoài bán dịp Tết nhưng đều bất lực. Vườn xoài nào cũng xơ xác, bông, trái đều rụng hết. Bà Trần Thị Hải – thương lái thu mua xoài ở xã Cam Hiệp Bắc cho biết: “Với tình hình này thì xoài chắc chắn mất vụ Tết, giá xoài sắp tới sẽ cao. Không những người trồng mất mùa mà thương lái cũng không có mà bán”.

Ông Lê Đình Cường – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cam Lâm cho biết, vụ xoài chính thường bắt đầu từ tháng 4, sau Tết Nguyên đán, nhưng trước đó, hầu hết người dân trồng xoài đều xử lý cho ra bông sớm hơn, làm xoài trái vụ để lấy trái bán dịp Tết. Theo thống kê mới nhất của địa phương, năng suất xoài đang đạt 73,29 tạ/ha, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng với tình hình mưa, gió lớn những ngày qua, năng suất thực tế đã giảm thấp hơn rất nhiều. Qua cơn bão số 12, toàn huyện bị đổ ngã 1.733,8ha/5.021,5ha xoài, người trồng vừa khôi phục được phần nào thiệt hại thì lại thêm đợt mưa lớn và gió làm xoài bị rụng, nên nguy cơ người dân mất vụ xoài Tết rất cao.

Nguồn: Báo Khánh Hòa được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cà phê Tây Nguyên thối, rụng, bung hoa, nông dân điêu đứng

Người trồng cà phê Tây Nguyên không chỉ điêu đứng vì giá liên tục giảm mà còn bất lực chứng kiến cảnh cà phê đang chín rộ khiến quả thối rụng. Chưa hết, hiện tượng hoa bung nở trong lúc thu hoạch còn làm giảm năng suất, chất lượng cà phê vụ kế tiếp.

Chị Ngân nhặt từng quả cà phê sau bão

Cơn bão số 12 đổ bộ vào các tỉnh Tây Nguyên đúng lúc nông dân đang bước vào vụ thu hoạch khiến nhiều diện tích cà phê bị quật đổ. Chị Đinh Thị Ngân ở thôn Xuân Lạng 1, xã Ea Đah, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) có 400 cây cà phê đang cho thu hoạch bị bão quật gãy cành lá, trái non, già vùi lẫn dưới đất. Tiếc của, chị phải bới từng gốc nhặt quả, vớt vát thiệt hại. Năm trước chị thu được 2 tấn cà phê nhân nhưng nay chỉ được 1 nửa, năm sau còn giảm nữa do nhiều cây gãy chết.

Sau bão, tiếp tục xuất hiện nhiều cơn mưa lớn kéo làm chậm tiến độ thu hoạch, phơi sấy cà phê. Nhà chị H’ Djuang Niê ở buôn xã Cuôr Đăng, huyện Cư Mgar (Đắk Lắk) có hơn 5 sào cà phê nhưng cả tháng nay vẫn chưa thu hoạch xong.

Theo chị H’ Djuang, tầm này mọi năm nhà chị đã thu hoạch xong cà phê nhưng hiện tại vẫn phải vừa hái, vừa phơi rất tốn thời gian. “Trời mưa liên tục, cà phê hái về đổ đầy sân không phơi được nên không dám thu hoạch nữa. Gọi là hái chứ nhặt dưới gốc là phần nhiều vì cà phê chín quá rụng trắng gốc. Nước mưa thấm vào làm quả nở tét, nhân bị thâm đen, bán mất giá.

Năm vừa rồi thu được 3 tấn, năm nay cao lắm là 2 tấn, hiện giá cà phê bán ra cũng giảm từ 50 nghìn đồng/kg (2016) xuống còn khoảng 36 nghìn đồng/kg. Để tiết kiệm chi phí thu hoạch, nhà tôi tự hái hoặc đi đổi công ở các nhà khác chứ không dám thuê nhân công”, chị H’ Djuang chia sẻ.

Cà phê chín rụng khó thu hoạch

Không riêng Đắk Lắk, nông dân các tỉnh khác cũng lao đao vì thời tiết. Ông Vương Đình Danh (51 tuổi, ở xã Ia Bă, huyện Ia Grai, Gia Lai) có 2ha cà phê chín rộ vẫn chưa thu hoạch xong do khát nhân công. Từ đầu vụ đến nay ông đã thuê 10 nhân công từ các tỉnh miền Trung vào hái nhưng được vài ngày thì họ phải quay về khắc phục hậu quả mưa lũ tại quê nhà. Số người còn lại do không quen với khí hậu nắng mưa thất thường nên tiếp tục bỏ về khiến tình trạng khan hiếm nhân công xảy ra trên diện rộng.

Ông Danh xót ruột cho biết: “Ở đây nhà nào cũng có cà phê nên họ lo thu hoạch cho xong phần mình. Giờ tôi mới tìm thêm được vài nhân công nên năn nỉ họ cố hái hết vụ chứ nhà tôi không thể xoay xở hết 2ha đang chín đỏ trên cây. Với tình hình thời tiết, giá cả như hiện nay tôi chỉ mong đủ vốn để tiếp tục đầu tư cho vụ sau”.

Nỗi lo mất mùa vụ đang hiện hữu thì hiện tượng hoa cà phê nở trắng cành khi việc thu hái chưa xong càng khiến nông dân lo lắng hơn. Thông thường, sau khi kết thúc thu hoạch, vườn cà phê phải trải qua một mùa nắng nữa để dưỡng chất dồn lên búp hoa, lúc này người dân mới tưới nước tập trung cho cây nở hoa đều, khả năng đậu quả cao và cho trái chín đúng mùa vụ. Tuy nhiên, năm nay thời tiết thất thường, mưa kéo dài sang mùa khô khiến cây ra hoa nhiều khi đang thu hoạch.

Anh Nguyễn Văn Việt ở huyện Cư M’gar có vườn cà phê nở hoa khi đang thu trái cho hay, mưa nhiều làm gián đoạn việc thu hoạch, giảm năng suất, chất lượng cà phê cho vụ hiện tại, lại kích thích hoa nở sớm, ảnh hưởng đến vụ năm sau.

Thu hoạch cà phê gián đoạn vì thời tiết

Giờ anh đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan” nếu hái quả khi hoa đang nở sẽ gây rụng hoa chắc chắn làm giảm năng suất vụ sau. Còn nếu kiên nhẫn chờ hoa khô rụng rồi mới hái thì quả chín quá, rơi hỏng, vừa nhọc công thu hoạch, nâng suất cũng giảm.

Đằng nào cũng ảnh hưởng nên anh và một số hộ khác chọn cách tuốt bỏ bông hoa nở sớm, khi thu hoạch quả xong thì cho cây nghỉ một thời gian rồi tưới nước để kích thích cho hoa ra đồng loạt nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nguồn: Báo Nông nghiệp được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Phương pháp phục hồi vườn cây ăn trái khi bị ngập lũ

Trong đợt bão lũ vừa qua, nhiều vườn cây ăn trái bị ngập nước, gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân. Sau khi nước rút, bà con cần áp dụng các phương pháp kỹ thuật để vườn cây phục hồi nhanh, đảm bảo năng suất cho vụ tiếp theo.

Hàng trăm ha thanh long bị nước lũ nhấn chìm tại tỉnh Ninh Thuận

Bộ rễ suy yếu trong mưa lũ

Trong mùa mưa lũ, hầu hết các yếu tố về môi trường đều tác động gây bất lợi cho các vườn cây ăn trái. Đặc biệt là những vườn cây được nông dân xử lý ra hoa mùa nghịch trong mùa mưa thì càng chịu tác động bởi thời tiết mưa lũ nhiều hơn.

Trong mùa mưa, sức khỏe của cây bị ảnh hưởng nhiều nguyên nhân như: Cây thiếu ánh sáng quang hợp để tổng hợp chất đường bột nhằm tạo ra năng lượng để nuôi cây. Quang hợp ít hơn dẫn tới tình trạng thiếu năng lượng, làm cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cây bị hạn chế.

Tùy theo điều kiện về đất đai, loại cây trồng, tuổi cây, giai đoạn sinh trưởng mà các vườn cây ăn trái do ngập lũ có thể bị thiệt hại với mức độ khác nhau.

Mặt khác, khi thiếu ánh sáng, mưa nhiều ẩm độ không khí cao thì sẽ tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển và tấn công gây hại. Trong thời điểm này, bà con cần hạn chế đi lại trong vườn làm cho đất bị lèn chặt, ảnh hưởng đến bộ rễ cây và khả năng phục hồi của cây sau khi nước rút.

Các vườn cây ăn trái chẳng may bị ngập nước thì bề mặt đất bị phủ bởi một lớp phù sa và nước sẽ chiếm đầy các khoảng trống trong các khe hở của đất.

Vì vậy, các khí khổng trong đất sẽ không còn đủ oxy cung cấp cho bộ rễ cây hô hấp. Khi đất thiếu oxy, hệ sinh vật yếm khí sẽ hoạt động mạnh càng làm cho sự thiếu oxy thêm trầm trọng và thải ra nhiều chất độc hại như khí cacbonic và các axit hữu cơ làm cho rễ cây bị thối.

Đồng thời rễ cây cũng rất dễ bị các loại nấm bệnh như Fusarium, Phytophthora,… tấn công ngay sau khi bị ngập lũ. Ngoài ra, hiện tượng nghẹt rễ cũng làm cho cây bị “stress”, tổng hợp Ethylene bên trong cây gây ra ngộ độc làm cho lá bị vàng nhanh và rụng.

Cắt tỉa cành và chăm bón hợp lý

Để tránh bị thiệt hại do vườn bị ngập lũ, cần chú ý áp dụng các biện pháp sau đây:

Khi xảy ra sự cố vỡ bờ bao hoặc bị nước tràn vào vườn thì nên để nước chảy tự nhiên trên mặt liếp, không cần lội vào vườn đắp chặn hay ven ví nước lại.

Vườn cây ăn quả bị ngập nước trong đợt mưa lũ vừa qua tại Thanh Hóa.

Hạn chế tối đa việc đi lại trong vườn cây ăn trái, vì làm như vậy cây càng dễ bị thiếu oxy và chết nhanh hơn. Dòng nước chảy thoáng sẽ cung cấp một phần oxy và giúp rễ cây dễ dàng hô hấp hơn. Nếu cây đang ra hoa, trái hay tược non thì nên tỉa hoặc cắt bỏ hết tược non và đợt hoa, trái này.

Nên cắt tỉa các cành vô hiệu, chồi vượt để hạn chế tiêu hao chất dinh dưỡng, tránh lay động gốc ảnh hưởng đến rễ khi bị ngập.

Có thể xử lý giúp cây ngừng ra tượt non bằng cách phun dung dịch Phosphat Kali + Urê với tỷ lệ (Phosphat Kali: Urê là 4:5) ở nồng độ 1- 1,5% hoặc hỗn hợp phân DAP và KCl với tỷ lệ (DAP: KCl là 2:1) ở nồng độ 1- 2%, nên xử lý vào chiều mát nếu cộng thêm chất bám dính thì càng tốt vì sẽ hạn chế phần nào lượng phân bị rửa trôi do mưa.

Phun từ 2-3 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 7-10 ngày đến khi cây ngưng ra đọt. Việc xử lý này nhằm làm cho lá mau già, cây chậm tăng trưởng và đi vào giai đoạn ngủ nghỉ, ít tiêu hao năng lượng vì rễ cây không đủ khả năng cung cấp dinh dưỡng hoặc có thể phun dung dịch có chứa Cytokynin nhằm ngăn cản quá trình tổng hợp Ethylen và sự oxit hóa diệp lục tố, giúp cây tăng cường khả năng chống chịu khi bị ngập úng.

Tuyệt đối không nên sử dụng các chế phẩm kích thích ra hoa, ra đọt, trong giai đoạn này. Dùng dụng cụ tỉa bớt hoa, trái hoặc tỉa bỏ toàn bộ (thu hoạch trái sớm), tùy theo tình trạng sức khỏe của từng cây.

Sau khi nước rút cần xẻ rãnh phụ giữa các hàng cây để thoát nước thật nhanh nhằm hạ mực thủy cấp trong vườn. Dùng cào răng xới nhẹ mặt đất bằng để phá váng, giúp mặt đất được thông thoáng cho rễ dễ tiếp nhận oxy. Sau đó dùng rơm hay cỏ khô để che phủ mặt đất (nên che xa gốc cây khoảng 20cm để hạn chế phần nào nấm bệnh tấn công vào gốc cây).

Bón phân cân đối, đặc biệt là kali. Không nên bón đạm làm cây ra nhiều chồi non. Hạn chế bón phân hữu cơ, đặc biệt phân hữu cơ chưa hoai vì sẽ làm vi sinh vật hoạt động mạnh, tiêu hao nhiều oxy của cây trồng khi bị ngập úng.

Không nên bón nhiều phân NPK, nhất là phân chứa nhiều đạm, mà nên bón phân có chứa nhiều lân và kali như bón phân DAP và Clorua Kali với tỷ lệ (DAP: Clorua Kali là 2:1) liều lượng 0,2- 1kg hỗn hợp/cây tùy thuộc vào tuổi và loại cây nên kết hợp với phân chuồng nhằm kích thích cho vi sinh vật hoạt động tốt, rễ phát triển nhanh, cây mau phục hồi.

Có thể phun các loại phân qua lá có chứa N, P, K đặc biệt là các dạng phân bón lá có chứa nhiều lân, các dạng phân K-humat, humic,… nhằm giúp cây mau ra rễ mới và phục hồi nhanh; kết hợp với việc phun các loại thuốc đặc trị các loại bệnh gây hại ở vùng đất và rễ.

Đồng thời tỉa bỏ lá non, cành khô chết, tỉa bớt những cành quá xum xuê. Quét vôi vùng thân gốc từ mặt đất lên 0,5- 2m (tùy loại và chiều cao cây). Nên sử dụng nấm đối kháng Trichoderma hay các loại thuốc đặc trị nấm, để tưới vùng gốc rễ, ngăn chặn bệnh hại rễ.

Giai đoạn này, cần chú ý quản lý cỏ hợp lý vì cỏ là những “bơm sinh học” làm tầng đất sâu mau khô ráo. Do đó, không nên diệt sạch mà chỉ cắt thấp khi cỏ vườn phát triển quá cao.

Ngoài ra, sau mùa mưa lũ cũng nên bổ sung phân vi lượng cho vườn cây ăn trái bằng cách phun một số loại phân bón lá có chứa vi lượng. Đồng thời chú ý phòng trừ các loại bệnh như bệnh loét, bệnh xì mủ gốc hoặc bệnh vàng lá thối rễ sẽ xảy ra nếu trên vườn không có hệ thống thoát nước tốt

Nguồn: Trangtraiviet.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Người dân Bình Định hồ hởi vì rau tăng giá

Các loại rau cải như cải xanh, cải ngọt… trước đây chỉ 15-16 ngàn đồng/kg thì hiện có giá đến 24 ngàn đồng/kg. Các loại rau ăn quả như khổ qua, dưa leo, đậu cô ve… cũng đều tăng so với trước đây khoảng 5-7 ngàn đồng/kg.

“Hiện thị trường tiêu thụ đang ăn mạnh các loại rau xanh, nhưng các nhà vườn không đủ cung ứng do nhiều diện tích rau bị chết trong những đợt bão lũ vừa qua. Tại thời điểm này, các siêu thị Co.op mart Quy Nhơn, Co.op mart An Nhơn, Big C Quy Nhơn và những quầy hàng bán lẻ rau xanh quanh TP Quy Nhơn có nhu cầu thu mua mỗi ngày đến 500kg rau các loại, nhưng bà con chỉ cung ứng được khoảng 300kg”, ông Hùng nói ra vẻ tiếc nuối.

Mô hình rau an toàn VietGap tại Thuận Nghĩa, Phú Phong, Tây Sơn

Rau ở HTXNN Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định) cũng đang sốt giá. Ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTXNN Thuận Nghĩa, phấn khởi: “Nếu như trước đây rau muống chỉ có giá hơn 10 ngàn đồng/kg thì hiện nay đã tăng đến 23-24 ngàn đồng/kg, rau ngò trước đây chỉ 20-30 ngàn đồng/kg thì nay tăng đến 40 ngàn đồng/kg. Các loại rau ăn quả cũng đang có giá rất cao, tăng bình quân 5-7 ngàn đồng/kg. Với giá cả hiện nay, nông dân trồng rau trên địa bàn có lãi từ 2,5-3 triệu đồng/sào/vụ (từ 25 đến 30 ngày), riêng ai trồng rau muống có lãi nhiều hơn. Lãi cao nhất là những hộ trồng hành ăn lá, hơn 5 triệu đồng/sào/vụ”.

Cũng theo ông Cầu, hiện bà con ở HTXNN Thuận Nghĩa trồng được 36 ha rau các loại, trong đó có 4 ha rau an toàn (RAT). Riêng diện tích RAT mỗi năm  HTX cung ứng ra thị trường khoảng 700 tấn rau các loại.

Bà con Bình Định phấn khởi khi giá rau màu tăng cao

“Hiện trên địa bàn Bình Định vẫn chưa dừng mưa, nếu thời tiết kiểu này kéo dài thì bà con SX rau trong tỉnh sẽ gặp bất lợi, do đó thị trường rau trong dịp tết sẽ còn tăng hơn hiện nay. Tuy nhiên, vùng SX rau Đà Lạt vẫn ổn định nên rau cung ứng cho dịp tết ở Bình Định sẽ không thiếu và giá cũng sẽ chỉ tăng chút ít chứ không có biến động lớn”, ông Thái Lương Hùng, Giám đốc Co.op mart Quy Nhơn, nhận định.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Trồng hoa công nghệ cao trên vùng kinh tế mới, thu 15 – 20 triệu đồng/tháng

Nói tới trồng hoa công nghệ cao, người ta nghĩ ngay tới “thành phố Đà Lạt ngàn hoa”. Ít ai ngờ tại vùng kinh tế mới huyện Lâm Hà, Lâm Đồng chuyên canh cây cà phê lại có những nhà kính, trồng hoa theo công nghệ Israel cho hiệu quả kinh tế cao…

Ông Lăng Văn Trọng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Văn, huyện Lâm Hà dẫn chúng tôi tham quan khu nhà kính rộng 5.000m2 trồng hoa công nghệ Israel đang cho thu hoạch của ông Giáp Mạnh Kiểm (thôn Tân Thành, xã Tân Văn).

Nhờ trồng hoa công nghệ cao, nhiều nông dân Lâm Hà có thu nhập tốt

Ông Kiểm cho biết, quê ông ở Bắc Giang, sau 5 năm từ quân ngũ trở về, năm 1994 ông đưa gia đình vào huyện Lâm Hà xây dựng kinh tế mới. Thời gian đầu rất vất vả, vợ chồng ông phải đi làm thuê làm mướn kiếm ăn. Nhờ chịu khó cần cù, tích cóp ông mua được 5.000m2 đất và trồng hoa cẩm tú cầu.

Do hiệu quả không cao, đầu năm 2017, ông mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà kính trồng hoa cát tường với tổng kinh phí 135 triệu đ/1.000m2 và hệ thống tưới Israel kinh phí 35 triệu đ/1.000m2; trong đó có hệ thống tưới phun sương và tưới nhỏ giọt, đèn chiếu sáng. Loài hoa cát tường màu sắc đẹp, được nhiều khách hàng ưa chuộng, thị trường tiêu thụ lớn. Đặc biệt, loài hoa này là chỉ cần xuống giống một lần nhưng thu hoạch hai lần (lứa thứ nhất cắt hết, rồi bón phân theo hệ thống nhỏ giọt để tiếp tục thu lần hai).

Ông Kiểm cho biết, trồng hoa theo công nghệ Israel thấy rất hiệu quả, hệ thống tưới phun sương làm mát cho cả nhà kính, còn hệ thống tưới nhỏ giọt vừa làm mát gốc, vừa trực tiếp cung cấp phân bón và dinh dưỡng cho cây, thời gian thu hoạch từ khi trồng tới lúc thu là 3 tháng.

“Tôi đang liên kết với Hasfarm Đà Lạt, chợ hoa Hồ Thị Kỷ (TP.HCM) và các mối khác để tiêu thụ sản phẩm. Với 5.000m2 trồng hoa công nghệ cao, gia đình tôi thu nhập 100 triệu đồng mỗi tháng. Đặc biệt, tôi vừa ký hợp đồng trồng hoa xuất cho một công ty Nhật”.

Qua cánh đồng kế bên, chúng tôi sang thăm nhà kính trồng hoa của chị Bùi Thị Sáu (thôn Dam Pao, xã Đạ Đờn). Chị Sáu cho biết, quê chị ở tỉnh Hà Tây (cũ), nay là Hà Nội. Năm 1994 gia đình vào huyện Lâm Hà trồng lúa, cà phê. Năm 2016 chị mạnh dạn phá bỏ 4.000m2 cà phê, chuyển qua trồng hoa.

Thời gian đầu chị trồng hoa hướng dương, khi được thu hoạch thì thị trường tiêu thụ yếu, bán giá thấp. Chị lặn lội lên Đà Lạt tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm về áp dụng cho vườn hoa của mình. Năm 2017 chị mạnh dạn đầu tư 2.000m2 nhà kính và 2.000m2 nhà lưới để trồng hoa cát tường.

“Qua quá trình làm tôi thấy trồng hoa cát tường hiệu quả kinh tế cao hơn trồng cà phê gấp nhiều lần. Tháng nào cũng có thu nhập, tiền đóng học cho con cái không phải lo nghĩ như trước đây. Nhờ trồng hoa gia đình tôi có tiền nuôi con học đại học”, chị Sáu khoe.

Tương tự, anh Phan Quốc Vũ, người cùng thôn Dam Pao cũng mạnh dạn đầu tư 1.500m2 nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt Israel để trồng hoa đồng tiền. Anh Vũ cho biết, trồng hoa theo công nghệ Israel có hệ thống tưới phun sương tự động, đặc biệt là bón phân và dinh dưỡng qua hệ thống tưới nhỏ giọt rất hiệu quả, tiết kiệm và nhàn hạ. Đặc biệt, trồng trong nhà kính chủ động về nhiệt độ, tránh được nắng, mưa, hoa không bị dập nát, ngăn ngừa côn trùng từ bên ngoài xâm hại…

“Từ khi trồng tới thu hoạch chỉ 2,5 tháng, hoa thu quanh năm, cứ 3 ngày cắt bán một lần, 4 năm mới phải thay giống. Chỉ với 1.500m2 trồng hoa đồng tiền, mỗi tháng tôi thu được từ 15 – 20 triệu đồng”, anh Vũ hồ hởi nói.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thu về 500 tỷ đồng nhờ trồng cây rau màu

Ông Nguyễn Văn Khoa, Giám đốc HTXNN xã Gia Xuyên phấn khởi cho biết: “Vụ đông này các xã viên thắng lớn. Đến nay, toàn xã đã tiêu thụ hết 150ha bắp cải lứa đầu. Mỗi ha trung bình nông dân thu được 240 triệu đồng, thời điểm cao thu đến 350 triệu đồng/ha. Tính ra mỗi hộ trừ chi phí còn thu nhập ngày công và lãi khoảng 200 triệu đồng/vụ. Thôn Tranh Đấu có vài chục hộ thu hàng trăm triệu đồng bắp cải như ông Hồ Văn Kiển, bà Vũ Thị Dưỡng…”.

Ông Phạm Văn Mát, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoàng Diệu, vùng trồng bắp cải lớn, hồ hởi khoe với chúng tôi: “Bắp cải năm nay thắng như năm 2015. Hội viên nông dân chúng tôi thu nhập khá. Tết này sẽ ăn to. Thôn Đại Tỉnh và thôn Long Tràng đã thu hoạch xong 70ha bắp cải, thu thấp nhất là 7 triệu đồng/sào, phổ biến là 8 – 10 triệu đồng/sào.

Gia đình tôi trồng 4 sào rưỡi bắp cải đã đút túi 45 triệu đồng. Đến nay, thôn Long Tràng có hàng chục hộ thu bắp cải 150 triệu đồng trở lên như bà Son, ông Chí, ông Hiến… Có hộ mượn ruộng, thuê ruộng trồng cây vụ đông thì thu từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng như ông Trần Văn Đoàn sản xuất 20ha rau”.

Người dân trồng bắp cải thắng lớn, thu được lợi nhuận rất cao

Bà Nguyễn Thị Tâm ở thôn Đông Thượng, xã Đồng Quang chia sẻ: “Gia đình vừa thu hoạch xong 6 sào su hào, 5 sào bầu và bí ngô cũng đang thu hái. Bầu bán được từ 5 – 10 ngàn đồng/kg, trung bình 1 sào bầu thu được 9 – 10 triệu đồng, bí ngô chỉ cho thu nhập 2 triệu đồng/sào nhưng nhàn và dễ trồng. Su hào tôi bán non cho đại lý nên mỗi sào chỉ được 5,5 triệu đồng nhưng yên tâm. Đến nay tôi đã thu được 90 triệu đồng, vào loại khá của thôn”.

Theo bà Tăng Thị Hạnh, Phó phòng NN-PTNT huyện Gia Lộc: Vụ đông 2017 – 2018, toàn huyện phấn đấu gieo trồng 3.100ha cây màu và đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch trên 100ha. Diện tích vụ đông đã thu hoạch trên 50%, doanh thu đạt khoảng 300 tỷ đồng. Bình quân 1ha cây vụ đông thu khoảng 200 triệu đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch 66,66%.

Nét mới của vụ đông năm nay là nông dân tiếp thu đưa nhiều giống cây trồng mới vào SX như bắp cải No71, su hào TV16, bầu Trầm hương, khổ qua, đậu bắp… Diện tích cây vụ đông có hợp đồng bao tiêu sản phẩm tăng so với năm trước, với 340ha chủ lực là bắp cải 190ha, súp lơ 65ha”.

Huyện quy hoạch vùng SX rau theo hướng an toàn ở 11 xã với 61 vùng tổng diện tích là 1.011ha. Diện tích SX áp dụng công nghệ cao tăng mạnh ở các xã Toàn Thắng, Phạm Trấn, Cty Hưng Việt… Khối lượng sản phẩm rau an toàn tăng, giá bán cao, mang lại lợi nhuận cao cho người SX. Mô hình mang lại hiệu quả, là điểm sáng để nông dân các nơi trong huyện đến học tập…

“SX vụ đông năm nay cơ bản thuận lợi về thời tiết và tiêu thụ, kênh tiêu thụ đa dạng, tiêu thụ trong các siêu thị, các bếp ăn tập thể, nhà trường, doanh nghiệp. Thị trường tiêu thụ suốt từ Bắc vào Nam. Rau quả bán được giá, không có sản phẩm bị quá lứa. Nhiều hộ nông dân bán sản phẩm non cho các đại lý, không mất công thu hoạch nên hiệu quả SX tăng cao, ước giá trị ước đạt trên 500 tỷ đồng”, bà Hạnh chia sẻ.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.