Khuyến cáo xử lý sâu bệnh từ 19 – 25/12

Để trừ ốc bươu vàng hại lúa, sử dụng Honeycin 6G (5 – 6kg/ha), rải trên ruộng lúa xăm xắp nước 3 – 5cm khi ốc xuất hiện. Hoặc rút nước cho ốc tập trung theo rãnh, rồi rải thuốc diệt ốc.

1. Cây lúa:

+ Để trừ ốc bươu vàng hại lúa, sử dụng Honeycin 6G (5 – 6kg/ha), rải trên ruộng lúa xăm xắp nước 3 – 5cm khi ốc xuất hiện. Hoặc rút nước cho ốc tập trung theo rãnh, rồi rải thuốc diệt ốc.

+ Đối với diện tích gieo sạ mới, sử dụng Thuốc trừ cỏ Rainbow 410SE với cơ chế “Diệt mầm 2 lớp”, mạnh mẽ hơn diệt cỏ chưa mọc mầm và đã mọc mầm. Sử dụng 1 cặp Rainbow 410SE (gồm Rainbow 125ml + Chất an toàn Fenclorim 50ml) cho 1.000m2 , trừ hiệu quả cỏ dại trong ruộng lúa ở giai đoạn 0 – 3 ngày sau sạ. Với phổ diệt cỏ rộng, diệt cả 3 nhóm cỏ: hòa bản, chác lác, lá rộng, an toàn cho mầm lúa.

+ Sử dụng Clincher 200EC với hoạt chất Cyhalofop – buty 20% w/w do Dow AgroSciences B.V sản xuất để phòng trừ cỏ đuôi phụng, cỏ lồng vực trên lúa (giai đoạn 5 – 12 ngày sau sạ) với liều khuyến cáo 0,5 – 0,7 lít thuốc/ha, pha 50 – 70ml/bình máy 25 lít.

Để trừ cỏ đuôi phụng (giai đoạn 12 – 18 ngày sau sạ): Liều khuyến cáo 0,7 lít thuốc/ha, pha 70ml/bình máy 25 lít. Với lượng nước phun: 400 lít/ha.

+ Để phòng trừ rầy nâu gây hại mạnh và phát sinh trên diện rộng, sử dụng Applaud 25WP – Giải pháp trừ rầy nâu (môi giới truyền bệnh Vàng lùn – lùn xoắn lá) hiệu quả, sử dụng với liều lượng 700g/ha. Hoặc sử dụng Wellof 3GR (12 – 15kg/ha), rải đều trên ruộng lúa, khi rầy ở tuổi 1, 2.

+ Đối với sâu cuốn lá nhỏ phun ở ngưỡng phòng trừ sử dụng Opulent 150SC (6ml/bình 16 lít, phun 2,5 – 3 bình/1.000 m2) hoặc Wellof 330EC (0,8 – 1 lít/ha, pha 40 – 50ml/bình 16 lít nước).

+ Để trừ sâu đục thân hại lúa, sử dụng Nurelle D 25/2.5EC (1 – 1,5 lít/ha), phun sau khi bướm nở rộ 5 – 7 ngày.

+ Bệnh đạo ôn trên lúa (đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông) đang có xu hướng gia tăng mạnh. Để phòng trừ hiệu quả, sử dụng thuốc đặc trị BEAM 75WP – ”Cắt ngay cháy lá” (250g/ha) phun khi vết bệnh chớm xuất hiện.

+ Sử dụng Aviso 350SC (0,35 lít/ha, 14ml thuốc/bình 16 lít nước) để phòng trừ bệnh lem lép hạt. Phun ở giai đoạn trước trổ và sau khi lúa trổ đều.

+ Phối hợp BEAM 75WP (250g/ha) + Bonny 4SL (500ml/ha) + Aviso 350SC (0,35 lít/ha) để phòng trừ hiệu quả bệnh đạo ôn, bạc lá do vi khuẩn và lem lép hạt cùng lúc tấn công cây lúa. Phun ở giai đoạn trước trổ và sau khi lúa trổ đều.

+ Sử dụng Pulsor 23DC (0,22 – 0,33 lít/ha), Catcat 250EC, Vali 5SL phun khi bệnh vết bệnh khô vằn (trên lúa, ngô) lúc mới xuất hiện.

2. Cây rau:

+ Sử dụng sản phẩm phân bón lá Foliar Blend (50ml/16 lít nước) để cung cấp dinh dưỡng vi lượng dễ hấp thụ cho cây trồng. Kích thích sự sinh trưởng phát triển của cây trồng (thúc đẩy quá trình sinh tổng hợp và trao đổi chất) đồng thời kích thích sự phát triển của vi sinh vật có ích trong đất, giúp cây trồng khỏe mạnh, tăng năng suất và chất lượng nông sản khi thu hoạch.

+ Sử dụng Gekko 20SC với hoạt chất Amisulbrom 200g/lít, liều dùng 12 – 20ml/bình 16 lít nước để phòng trừ bệnh Sương mai, giả sương mai trên dưa leo, cà chua. Phun thuốc khi tỷ lệ bệnh từ 5 – 10%.

Cây ngô (bắp): Sử dụng Maxer 660SC (1,25 – 2,5 lít/ha) trừ cỏ ở giai đoạn từ 7 – 20 ngày đối với ruộng ngô (bắp) biến đổi gen.

3. Cây tiêu:

+ Đối với bệnh chết nhanh, chết chậm trên tiêu, khuyến cáo phòng bệnh định kỳ. Kết hợp phun phủ trụ các sản phẩm Manozeb 80WP (1kg/phuy 200 lít nước) + Bonny 4SL (250ml/phuy 200 lít nước), phun 4 – 6 lít nước/gốc và kết hợp rải Wellof 3GR (20-25g/gốc) trừ rệp sáp gốc và rễ.

+ Để trừ tốt nấm Phytophthora (nguyên nhân gây ra bệnh chết nhanh cây tiêu), sử dụng sản phẩm Gekko 20SC – Chứa hoạt chất Amisulbrom (sử dụng 200ml thuốc/200 lít nước), tưới 4 – 6 lít/gốc để tiêu diệt mầm bệnh.

Cà phê: Phòng bệnh thán thư (khô cành, quả) sử dụng Manozeb 80WP (80g/bình 16 lít nước) kết hợp Aviso (20ml/bình 16 lít nước) để phòng và trị bệnh cho cà phê.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

 

Kỹ thuật mới trồng chuối già hương

Với giải pháp luân chuyển hố trồng chuối già hương để tăng năng suất và tránh bệnh tuyến trùng rễ, ông Lê Hoàng Oanh (thôn Xuân Lạc, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang), Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Ngọc đã được trao giải khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VII (2016 – 2017).

Sau gần chục năm trồng chuối già hương, ông Oanh nhận thấy, cây chuối thường chỉ cho năng suất cao trong khoảng 2 năm đầu. Năm đầu tiên, buồng chuối có thể đạt 12 nải. Năm thứ hai, cây mẹ đẻ ra nhiều cây con, số buồng cũng tăng thêm. Tuy nhiên, từ năm thứ ba, khi các cây con tạo thành bụi chuối um tùm, mật độ trồng dày đặc thì bắt đầu có hiện tượng thân cây kém phát triển, hoặc vẫn cho buồng nhưng buồng chuối ít nải, trái nhỏ. Đặc biệt, gốc bụi chuối bắt đầu xuất hiện bệnh tuyến trùng rễ, thường biểu hiện là rìa lá vàng, cuộn lá, không thể cung cấp dưỡng chất nuôi cây và trái. Do các cây ở gần nhau nên bệnh lây lan nhanh từ cây này qua cây khác. Vì vậy, từ năm thứ ba, thu nhập từ vườn chuối gia đình cứ giảm dần, có năm chỉ được chừng 30 triệu đồng. Không bỏ cuộc, ông Oanh tích cực tìm hiểu, từ đó cải tiến cách trồng chuối già hương trên diện tích 1.200m2 đất nhà. Nguyên tắc cơ bản của kỹ thuật này là luân chuyển hố trồng sau lần thu hoạch thứ 2. Qua 3 năm áp dụng thực tế, kỹ thuật này đã chứng minh hiệu quả.

Ông Oanh kiểm tra những cây có dấu hiệu bị tuyến trùng rễ do để bụi chuối mọc tự phát

Theo ông Oanh, mỗi bụi chuối, tốt nhất chỉ nên thu hoạch 2 lứa, sau đó phải phá bỏ hố cũ, chọn cây con khỏe mạnh chuyển sang hố trồng mới. Mỗi bụi chuối chỉ nên giữ lại 2 cây con khỏe nhất, còn lại chặt bỏ để tập trung dinh dưỡng cho cây. Đối với hốc cũ, ông cuốc xới, rải vôi để bệnh tuyến trùng rễ không lây lan. Để luân chuyển hố trồng, ngay năm đầu tiên, sau khâu làm đất, ông chú ý bố trí phân chia khoảng cách hố trồng. Ngoài các hố được bố trí thẳng hàng cách 2 – 3m để trồng chuối trong năm đầu, ông còn dự trù đặt hàng hố xen kẽ so le giữa 2 hàng hố trồng năm đầu để luân chuyển cho năm sau. Hố nên sâu 0,5m, rộng 0,5m, dài 0,5m, được bón phân chuồng và vôi rồi trồng cây con vừa ra 3 lá vào, tưới đậm một lần, sau đó tưới phun. “Trước đây, để cung cấp nước cho cây, nông dân thường dẫn nước vào vườn chuối cho ướt đất. Nhưng cách làm này dễ làm bí đất. Cây chuối thường bị rệp sáp trên buồng. Để trừ bệnh, nông dân thường phải mua thuốc, vừa tốn kém, vừa hại sức khỏe. Tôi phát hiện ra loại rệp sáp này rất kỵ nước. Do đó, nếu phun tưới cho trôi xuống đất, chúng sẽ chết hết, đất cũng được thông thoáng, chưa kể tưới lên lá và buồng cũng giúp trái chuối mau to hơn”, ông Oanh chia sẻ kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, biết cây ngò gai không ưa ánh nắng, nên khi cây chuối phát triển đến tháng thứ ba, xòe lá rộng, ông Oanh còn trồng xen canh thêm ngò gai để tăng thu nhập. Trong điều kiện bóng mát, cây ngò gai phát triển khá tốt, cứ nửa tháng có thể cắt bán một lần.

Với cách làm này, cứ 2 năm ông Oanh thu hoạch được 3 lứa chuối, buồng luôn đạt 12 nải, trái chuối to đẹp, trọng lượng trung bình 30kg/buồng, cao hơn buồng trồng theo cách truyền thống. Từ ngày ông Oanh trồng theo cách này, nhiều người còn tới đặt mua tại vườn. “3 năm nay, trung bình thu nhập của gia đình từ chuối và ngò gai đạt 150 triệu đồng/năm. Năm nay, nếu không bị cơn bão đốn ngã cả vườn chuối, tôi cũng sẽ thu được như vậy. Bây giờ, tôi phải chờ đất khô hẳn mới trồng lại được”, ông Oanh nói.

Ông Phan Văn Cường – Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Ngọc cho biết, giải pháp của ông Oanh bước đầu có hiệu quả. Sắp tới, Hội Nông dân xã sẽ truyền đạt cách làm này cho người trồng chuối. Trước mắt, hội sẽ định hướng cho 2 hộ có diện tích trồng chuối trên 1.000m2 áp dụng. Sau này, khi số hộ trồng chuối áp dụng kỹ thuật này tăng lên, hội sẽ xúc tiến hình thành tổ hợp tác trồng chuối theo kỹ thuật cải tiến của ông Oanh.

Nguồn: Báo Khánh Hòa được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Ca cao Việt Nam được ví ngon nhất thế giới, dân vẫn chê ồ ạt phá bỏ

Chỉ trong 5 năm, diện tích cây ca cao tại Việt Nam đã giảm đến 56%. Nguyên nhân khiến loại cây này thăng trầm liên tục là bởi giá hạt ca cao nguyên liệu giảm mạnh, năng suất thấp, nông dân không có lợi nhuận so với một số loại cây trồng khác như sầu riêng, bưởi, cà phê…

Người dân huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk bên vườn ca cao đang cho thu hoạch

Đó là một trong những thông tin được Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đưa ra tại Hội nghị tổng kết hoạt động Ban điều phối phát triển cây ca cao Việt Nam (VCC) năm 2017, do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vào ngày 13.12 vừa qua.

Theo Cục Trồng trọt, hiện cả nước có 11.559 ha diện tích ca cao, tăng 1.487 ha so với năm 2016. Trong đó, tập trung chủ yếu 15 tỉnh ở khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích ca cao đang cho thu hoạch chiếm khoảng 70% và diện tích trồng xen chiếm khoảng trên 90%. Vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ chủ yếu trồng xen cây điều, còn tại ĐBSCL trồng xen dừa và cây ăn quả.

Tuy nhiên, tính từ năm 2012 đến nay, diện tích ca cao lại giảm 10.551 ha, tương ứng với 56%, mặc dù chất lượng hạt ca cao nguyên liệu trồng tại Việt Nam được các doanh nghiệp nhập khẩu, nhà chế biến chocolate đánh giá là thơm ngon nhất thế giới.

Nguyên nhân khiến diện tích ca cao giảm sâu là do giá cả biến động, có thời điểm xuống thấp, hiện nay chỉ còn dao động từ 4.500 – 5.000 đồng/kg; một số vùng trồng xen canh ca cao với cây ăn quả như bưởi, hồ tiêu…, đến khi cây ăn quả cho thu nhập ổn định, nông dân lại đốn bỏ ca cao.

Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu khiến năng suất giảm chỉ còn trung bình khoảng 7,5 tạ hạt khô/ha; doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu ca cao chưa xây dựng mối liên kết với nông dân nên người dân chưa yên tâm trồng ca cao.

Sơ chế ca cao tại huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. 

Theo quy hoạch phát triển cây ca cao được phê duyệt, đến năm 2020 sẽ tăng diện tích trồng đạt 50 nghìn ha, năng suất bình quân 12 tạ/ha. Để đạt mục tiêu đề ra, Bộ NN&PTNT đưa ra một số giải pháp chủ yếu là: các địa phương bổ sung cây ca cao vào đối tượng cây trồng trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển ngành hàng ca cao theo chuỗi, từ sản xuất, chế biến, đến tiêu dùng…

Tại hội nghị, Ban điều phối phát triển cây ca cao Việt Nam cho biết, trong năm 2018, Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị lần thứ 21 câu lạc bộ ca cao ASEAN. Do vậy, VCC sẽ tập trung vào công tác thống kê chính xác lại diện tích ca cao, xây dựng các mô hình để các đoàn khách quốc tế sẽ tham quan, trao đổi kinh nghiệm.

Hơn nữa, thông qua đó sản phẩm ca cao Việt nam cũng có dịp quảng bá về vùng trồng cững như chất lượng ra khu vực và thế giới. Đồng thời, năm tới VCC sẽ tiếp tục nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ các địa phương phát triển ca cao theo hướng chất lượng, trên cơ sở thâm canh tăng năng suất, hiệu quả kinh tế và thu nhập cho nông dân. Đồng thời, phát triển ngành hàng ca cao theo chuỗi, từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ…

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Hợp tác đưa công nghệ tưới Israel đến nông dân Việt Nam

Sáng 12.12, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư Hội NDVN) Lều Vũ Điều tiếp đoàn Tập đoàn Công nghệ tưới tiết kiệm NaanDanJain (NDJ) của Isarel do ông Ammon Ofen – Giám đốc Tập đoàn làm trưởng đoàn.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Lều Vũ Điều đã giới thiệu với Tập đoàn NDJ về tình hình nông nghiệp, ND, nông thôn và hoạt động của Hội NDVN. Phó Chủ tịch Thường trực Lều Vũ Điều cho biết, Hội NDVN là tổ chức chính trị xã hội thành lập đến nay được 87 năm. Hội có chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của ND; cung cấp các dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ, dạy nghề cho ND; tham gia trực tiếp các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại nông thôn. Hệ thống Hội NDVN có tổ chức chặt chẽ với 4 cấp từ T.Ư đến cơ sở, với trên 10 triệu hội viên, ND.

Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN Lều Vũ Điều (phải) trao đổi với ông Ammon Ofen – Tập đoàn Công nghệ tưới tiết kiệm NaanDanJain.

Chủ tịch Thường trực Lều Vũ Điều nhắc lại kết quả chuyến thăm Israel mới đây của đoàn cán bộ Hội NDVN; đánh giá cao chương trình hợp tác giữa Hội NDVN và NDJ nhằm đưa công nghệ tưới tiêu hiện đại áp dụng cho ND để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

“Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, thời tiết ở Việt Nam ngày càng khắc nghiệt, hạn hán, công nghệ tưới tiết kiệm nước của NDJ rất thích hợp với sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt ở những vùng khô hạn” – Phó Chủ tịch Thường trực Lều Vũ Điều bày tỏ.

Ông Ammon Ofen – Giám đốc Tập đoàn NDJ đánh giá cao vai trò, vị trí của Hội NDVN. T.Ư Hội NDVN là kênh quan trọng để Tập đoàn NDJ chia sẻ với ND Việt Nam về kinh nghiệm hơn 80 năm xây dựng hệ thống tưới tiêu phục vụ nông nghiệp. “Chúng tôi tin tưởng sẽ giúp ND Việt Nam phát triển nông nghiệp mạnh mẽ hơn” – ông Ammon Ofen bày tỏ.

Phó Chủ tịch Thường trực Lều Vũ Điều mong muốn thời gian tới hai bên hợp tác xây dựng mô hình nông nghiệp sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm của Tập đoàn NDJ để đánh giá và nhân rộng. Phó Chủ tịch Thường trực Lều Vũ Điều giao Ban Hợp tác quốc tế và Trung tâm Môi trường T.Ư Hội NDVN làm đầu mối nghiên cứu hợp tác quan hệ quốc tế, triển khai xây dựng mô hình…

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Niềm vui làng cúc Ninh Giang

Kể từ ngày 7-12, hoa cúc Ninh Giang chính thức được pháp luật bảo hộ quyền sở hữu nhãn hiệu. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy nghề trồng cúc phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân.

Vững vàng cúc Ninh Giang

Những người trồng hoa cúc ở phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa cho biết, gần 20 năm nay, hoa cúc Ninh Giang đã dần trở thành cụm từ quen thuộc trên thương trường vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Từ chỗ dăm ba hộ trồng với số lượng ít, quy mô nhỏ, những đóa hoa cúc nơi đây ngày càng tươi thắm hơn, vươn xa hơn, được nhiều người biết đến hơn. Đến nay, toàn phường có gần 300 hộ trồng hoa cúc, đưa ra thị trường hơn 150.000 chậu cúc lớn nhỏ vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Theo ông Trần Ngọc Hiếu – Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang: “Với chất lượng ngày càng được nâng lên, màu sắc, dáng thế có phần đặc trưng nên hàng năm, có đến 70% số chậu cúc trồng nơi đây được các thương lái ở một số tỉnh bạn đến mua tận vườn. Số còn lại bán trong tỉnh”.

Ông Trịnh Xuân Thanh – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Ninh Giang cho biết, những năm qua, phường đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để người dân phát triển ngành nghề trồng hoa cúc. Nhất là trong 2 năm gần đây, tình hình thời tiết có phần không thuận lợi cho người trồng hoa, phường đã tạo điều kiện bằng cách tạo mặt bằng, cho người dân thuê với giá rẻ. Bất kể hộ nào có nhu cầu đều được lãnh đạo phường xem xét giải quyết. Trong tương lai, phường tiếp tục tạo mặt bằng thuận tiện về giao thông, thủy lợi tại khu vực núi Sầm rộng từ 4 đến 5ha để phục vụ nhu cầu mặt bằng cho người dân trồng hoa cúc. Phường đặt tham vọng biến khu vực này trở thành nơi giao thương, quảng bá sản phẩm hoa cúc Ninh Giang.

Gặp gỡ một hộ đang chăm sóc hoa cúc tại Tổ dân phố Tân Châu, ông Hồ Hiệp cho biết: “Năm nay nhà tôi trồng 500 chậu cúc. Xuống giống từ tháng 8 âm lịch, gặp cơn bão số 12 có ảnh hưởng ít nhiều, nhưng may là thời điểm bão vào cây còn nhỏ, nên chủ yếu bị nghiêng, đổ chậu, có thể phục hồi. Cũng như năm trước, năm nay, tình hình thời tiết khá thất thường, nên việc tính toán chăm sóc cây sinh trưởng đúng thời vụ của người dân có phần khó khăn hơn. Nhưng đã là nghề gắn bó nhiều năm nên tôi không thể bỏ được. UBND phường cũng tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi thuê khu đất này để đặt chậu”. Trên mảnh đất rộng chừng 4ha là khu vực đang được quy hoạch xây dựng trụ sở mới của UBND phường Ninh Giang, chúng tôi được biết khu vực này có hơn 20 hộ đang trồng hơn 10.000 chậu cúc lớn nhỏ để phục vụ Tết Nguyên đán.

Nâng tầm một sản phẩm

Không phải đơn thuần mà hoa cúc Ninh Giang được đưa vào Chương trình phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của Khánh Hòa giai đoạn 2016 – 2020. Toàn tỉnh chỉ có 6 sản phẩm được đưa vào chương trình này. Và với đặc trưng của mình, hoa cúc Ninh Giang đã có thể sánh ngang với những “tên tuổi” đặc trưng nhất của tỉnh gồm: yến sào Nha Trang, nước mắm Nha Trang, xoài Cam Lâm, sầu riêng Khánh Sơn, dừa xiêm Ninh Đa.

Nhãn hiệu tập thể “Hoa cúc Ninh Giang” đã được pháp luật bảo hộ độc quyền

Theo lãnh đạo Hội Nông dân phường Ninh Giang, ngoài cây lúa chiếm hơn 300ha, Ninh Giang còn là thủ phủ của nghề chế tác đá mỹ nghệ. Làng chế tác đá mỹ nghệ Phong Phú 1 là làng nghề truyền thống duy nhất của tỉnh. Ngoài ra, gần 40 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng, hàng trăm hộ trồng rau màu với diện tích hơn 17ha và hàng chục hộ chuyên trồng nấm rơm cũng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Việc cấp nhãn hiệu tập thể sẽ khẳng định thương hiệu cho cúc Ninh Giang, góp phần thúc đẩy ngành nghề này phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân.

Hẳn nhiên, việc xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu là bước tiến quan trọng trong quá trình bảo vệ, phát triển thương hiệu và giá trị sản phẩm hoa cúc Ninh Giang. Tuy nhiên, với đặc trưng là một sản phẩm chỉ làm ra trong một thời điểm nhất định, đó là Tết Nguyên đán, hình thức canh tác vẫn còn mang tính thời vụ, chủ yếu được trồng trên đất vườn qua cải tạo và thuê mướn một số khu đất trống, bằng phẳng để trồng. Những năm gần đây yếu tố thời tiết ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng và hiệu quả của loại cây trồng này. Vì vậy, theo lãnh đạo Hội Nông dân phường Ninh Giang, trong thời gian tới, cùng với việc chuyển đổi một số diện tích đất lúa ở những nơi có chân đất cao, kém hiệu quả sang trồng hoa cúc, hoạt động trồng các loại hoa cúc quanh năm để phục vụ vào các dịp lễ, ngày rằm, cuối tháng… đã được tính đến. Về vấn đề này, ông Huỳnh Kỳ Hạnh cho biết thêm, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác nông nghiệp nói chung là hoạt động hết sức quan trọng, có vai trò quyết định đến năng suất, chất lượng của cây trồng. Đối với hoa cúc, việc tính toán thời điểm ra hoa rộ nhất càng đòi hỏi phải áp dụng tối đa các giải pháp kỹ thuật. Vì vậy, đơn vị quản lý nhãn hiệu “Hoa cúc Ninh Giang” cần có mối liên kết chặt chẽ với các nhà chuyên môn, nhà khoa học để tìm kiếm và triển khai nhiều hơn các giống cúc, kỹ thuật canh tác quy mô, hiện đại nhằm nâng cao hơn nữa thương hiệu này.

Nguồn: Báo Khánh Hòa được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Giống xoài Úc Khánh Hòa: 3 năm liền được tôn vinh là sản phẩm tiêu biểu

Vừa qua, tại thủ đô Hà Nội, giống xoài Úc của Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao Khánh Hòa được bình chọn là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2016. Đây là năm thứ 3 liên tiếp giống xoài Úc Khánh Hòa được tôn vinh.

Hoạt động tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Thông tin và Truyền thông tổ chức. Qua đó, có 157 sản phẩm trong cả nước được công nhận danh hiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2016. Hoạt động này nhằm tôn vinh tài năng, công sức, sáng tạo của nông dân và doanh nghiệp trong việc làm ra sản phẩm có thương hiệu, góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, chất lượng đảm bảo, được người tiêu dùng tin cậy và đánh giá cao.

Nguồn: Báo Khánh Hòa được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Ngô sinh khối thu về 150 tỷ/năm tại Nghệ An

Ông Nguyễn Bá Trường, người trực tiếp quản lý và thu mua nguyên liệu làm thức ăn cho trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung của Tập đoàn TH ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) cho biết: Hiện đàn bò sữa của TH ở huyện Nghĩa Đàn đã vượt qua mốc 45.000 con, cung cấp sữa tươi nguyên liệu để SX các sản phẩm sữa mang thương hiệu TH true MILK. Tổng đàn lớn như vậy thì mỗi năm đàn bò sữa “ngốn” tới vài trăm ngàn tấn thức ăn thô xanh (chưa kể việc phải nhập khẩu cỏ Alfalfa chịu lạnh để kích thích tiết sữa và các loại thức ăn tinh).

Trong khi đó, diện tích ngô, cỏ Monbasa, hoa hướng dương, cây cao lương, cỏ Mulato II… của trang trại TH mới cung cấp được khoảng 60% nhu cầu thức ăn thô xanh của cả đàn bò. Bởi thế, những năm trước đây, mỗi năm TH phải nhập khẩu thêm các loại cỏ của Mỹ, Australia, Brazil… về để đáp ứng nhu cầu thức ăn xanh cho đàn bò. Điều đáng nói là khi hàng trăm nghìn tấn cỏ này về đến trang trại thì giá đội lên rất cao.

Người dân trồng ngô cung cấp cho đàn bò sữa của TH

Để giảm bớt gánh nặng tài chính, Tập đoàn TH đã chủ động lấy mẫu rơm, rạ tại các địa phương ở Nghệ An về phân tích độ an toàn và hàm lượng chất dinh dưỡng của chúng và sau đó triển khai mua mỗi năm hàng trăm tấn rơm rạ/năm về chế biến ủ chua cho đàn bò.

Năm 2014, bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH đã chủ động mở ra một hướng đi mới để giải quyết vấn đề này. Đó là phối hợp với địa phương để liên kết với nông dân trong vùng dự án và các huyện lân cận để SX ngô sinh khối. Trước mắt bà con trực tiếp ký hợp đồng liên kết với trang trại TH để trồng ngô. Sau đó, nếu bà con thấy có lợi ích thực sự thì sẽ tiến tới việc thành lập HTX. Theo đó, từng hộ nông dân sẽ là cổ đông chỉ chuyên SX các loại thức ăn thô xanh cung cấp cho đàn bò sữa của TH.

Ông Nguyễn Bá Trường tâm sự: “Khi chúng tôi đến các HTX để bàn với họ triển khai thực hiện chủ trương này thì đa số bà con không ủng hộ phương án trồng ngô cung cấp cho TH vì họ chưa quen với tập quán canh ngô sinh khối mà chỉ trồng ngô lấy hạt dùng cho chăn nuôi hoặc bán ra thị trường.

Kiên trì vận động rồi cuối cùng một số bà con mới chịu bắt tay vào SX ngô sinh khối vụ đông. Khi ngô vừa chín sáp, tập đoàn tiến hành thu mua với giá từ 850.000 – 900.000 đồng/tấn ngay tại ruộng, ngay trong năm đầu thu nhập của bà con đã tăng gấp rưỡi”.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, cứ thế, vụ sau người dân vùng dự án và các huyện lân cận bắt đầu mở rộng diện tích. Trồng ngô sinh khối, do trồng dày hơn ngô lấy hạt nên năng suất đạt bình quân từ 39 – 40 tấn/ha, thu nhập từ 32 – 34 triệu đồng/ha. Bà con không phải lo xử lý sản phẩm sau thu hoạch, đất đai lại giải phóng nhanh nên có thêm thời gian để tăng vụ.

Chị Trần Thị Lệ, trú tại xóm Tân Lâm, xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn phấn khởi cho biết: “Nhà tôi có 4ha đất đồi, sau khi cam hết chu kỳ, tôi đều chuyển sang trồng ngô sinh khối cho TH. Hàng năm nếu thuận lợi, tôi trồng 3 vụ ngô/năm. Do đất đồi, hạn hán và chất dinh dưỡng trong đất kém nên mỗi vụ chỉ được 34 – 39 tấn/ha (tùy vụ). Năm 2016, tôi trồng được 3 vụ thu nhập trên 200 triệu đồng, trừ giống, phân bón và công cày còn lãi hơn 100 triệu.

Ngô non sinh khối được trồng rất nhiều để cung cấp thức ăn cho bò sữa

Năm nay, do thời tiết không ổn định nên tôi chỉ trồng 2 vụ nhưng vẫn thu được 160 triệu, trừ chi phì còn lãi trên 80 triệu. Nói chung, nếu so với trồng mía thì trồng ngô sinh khối cho lãi gấp 1,5 lần nên tôi và bà con rất yên tâm”, chị Lệ nói.

Ông Võ Quang Niên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Nghĩa Thịnh (Nghĩa Đàn) khi nghe chúng tôi đề cập đến việc liên kết SX ngô sinh khối cho TH thì phấn khởi nói: “HTX chúng tôi có 75ha đất màu thì có tới 65ha đất trồng ngô sinh khối. Bình quân mỗi năm làm 3 vụ chắc ăn, mỗi vụ thu được từ 40 – 50 tấn/ha. Giá bán tại ruộng TH thu mua là 860.000 đồng/tấn, doanh thu bình quân 105 – 110 triệu đồng/ha/năm. So với SX ngô hạt thương phẩm lãi ít nhất gấp 1,5 lần, nông dân không phải lo lắng về thời tiết, giá cả, thất thoát sau thu hoạch…”.

Khi được hỏi hàng năm có phải vận động bà con làm ngô sinh khối hay không? Ông Niên nói chắc nịch: “Hoàn toàn không! Sau khi nông dân thực hiện chương trình trồng ngô bán nguyên cả cây và bắp cho TH, mọi việc tiến hành thuận lợi, có thu nhập tốt và ổn định, bà con đều tự giác đăng ký SX”.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Bưởi hồ lô mất mùa, sản lượng giảm tại Hậu Giang

Nông dân Nguyễn Trung Thành, ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Hậu Giang), chủ vườn bưởi hồ lô gần 2ha cho biết, ông trồng bưởi hồ lô trên 600 trái để bán dịp Tết Mậu Tuất 2018, nhiều hơn năm trước 3 – 4 lần.

Nông dân Nguyễn Trung Thành chủ vườn bưởi hồ lô gần 2ha

Năm nay vườn bưởi hồ lô của ông Thành dùng giống bưởi Năm Roi, tạo dáng khá độc đáo, đang được nhiều Cty ở ĐBSCL và TP.HCM xuống bao tiêu sản phẩm. Giá bán một quả bưởi hình hồ lô có chữ nổi dao động từ 150.000 – 600.000 đồng/trái tùy loại, tăng khoảng 10% so với năm trước, còn bưởi vừa có dáng hồ lô và có chữ “Tài – Lộc” hoặc “Phúc- Lộc- Thọ” giá 500.000 đồng/trái. Nếu so ra, một trái bưởi hồ lô có chữ “Tài – Lộc” sẽ tương đương với hai chục bưởi thường (chục 14 trái) bán ngoài thị trường.

Bưởi giảm năng suất do ảnh hưởng thời tiết mưa nhiều

Theo phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, toàn huyện có khoảng 1.300ha bưởi. Diện tích trồng bưởi tạo hình phục vụ bán tết năm nay mất năng suất do ảnh hưởng thời tiết mưa nhiều, sản lượng giảm mạnh khoảng 25 – 30% so với năm ngoái.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Thanh Chương – Nghệ An: Nuôi thành công tôm càng xanh trên ruộng lúa

Trạm Khuyến nông Thanh Chương đã xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa ở Thanh Chương và đã thành công.

Người dân xã Thanh Hưng (Thanh Chương) thu hoạch tôm càng xanh.

Mô hình được thực hiện ở ruộng của ông Trần Văn Hải ở xóm Trung Đường, xã Thanh Hưng huyện Thanh Chương. Với 1,5 ha ruộng lúa; sau 4 tháng nuôi ông Hải đã có tôm thu hoạch, loại to 6 con/kg, loại trung bình 10 con/kg. Với giá bán bình quân 220.000 đồng/kg ông thu về 235 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 100 triệu đồng, chưa kể tiền thu về từ 2 vụ lúa.

“Tôi thấy nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa có hiệu quả nhiều so với nuôi cá vụ 3. Sắp tới tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích và hướng dẫn cho những ai muốn phát triển nghề nuôi tôm càng xanh” – ông Hải vui mừng chia sẻ”.

Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Thanh Chương nghề nuôi trồng thủy hải sản phát triển đáng kể; với nhiều hình thức nuôi trồng khác nhau, song đối tượng nuôi chủ yếu là cá truyền thống mà hiệu quả lại không cao. Xuất phát từ thực tế trên, Trạm Khuyến nông huyện đã tham mưu, xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa tại xã Thanh Hưng.

Sau 4 tháng triển khai thực hiện mô hình đã mang lại giá trị thu nhập cao góp phần hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế ô nhiễm môi trường và tăng tính bền vững trong sản xuất.

Ông Trần Đình Bình – Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thanh Chương đánh giá, qua quá trình nuôi cho thấy, tôm càng xanh là đối tượng nuôi mới nhưng nó phù hợp với điều kiện thời tiết của địa phương, kỹ thuật nuôi đơn giản, hiệu quả cao.

Thực tế cho thấy, trong quá trình nuôi tôm càng xanh cũng gặp không ít khó khăn nhất là về con giống và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bởi con giống phải vận chuyển từ các tỉnh Long An, An Giang về bằng đường máy bay nên chi phí rất lớn. Trong lúc đó tỷ lệ sống chỉ đạt từ 40 – 50%.

Thêm vào đó, giá của tôm càng xanh cũng cao nên đối tượng tiêu thụ cũng chỉ dành cho những người có thu nhập cao và các nhà hàng, quán ăn nên đối tượng nuôi trồng cũng phải lựa chọn cụ thể, rõ ràng.

Chính vì thế, trước khi nhân ra diện rộng, huyện đang phối hợp với nhà cung cấp giống và các nhà khoa học thực hiện nghiêm các quy trình.

Việc xây dựng thành công mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa ở Thanh Chương đã giúp người dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện tiếp cận được với đối tượng nuôi mới, phương thức nuôi mới có hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích; khai thác có hiệu quả các chân ruộng trũng trên địa bàn huyện, tăng tính bền vững trong sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Nguồn: Báo Nghệ An được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Chàng trai Huế đầu tiên đầu tư nhà kính ‘cực’ hiện đại làm nông nghiệp cao

Chỉ sau 5 tháng xây dựng, một khu nhà kính rộng 1.500m2 do Công ty Nhà màng Watanabe Pipe Việt Nam thiết kế và thi công đã hình thành. Khu nhà này làm bằng khung thép mạ kẽm chịu lực có thể chịu được sức gió 120km/h.

Đam mê nông nghiệp công nghệ cao, anh Trương Như Hải (phường Thủy Biều, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) quyết định thôi việc ở công ty bia, mạnh dạn đầu tư số tiền lớn làm nhà màng ứng dụng kỹ thuật tiên tiến của Israel, Nhật Bản để trồng dưa lưới và rau xanh.

Khu nhà màng của anh Trương Như Hải rộng 1.500m2 với kinh phí 1,2 tỷ đồng

Trương Như Hải sinh ra và lớn lên bên dòng sông Hương êm đềm. Thủy Biều có vườn cây quanh năm xanh mướt với nhiều loại trái cây ngon như thơm, mít, dâu, nhãn, chuối… và đặc biệt là vườn cây đặc sản thanh trà nức tiếng, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu “Thanh trà Huế”. Hiện người dân Thủy Biều vẫn canh tác nông nghiệp theo cách truyền thống.

Anh Hải tâm sự: “Mặc dù làm việc ở nhà máy bia, không liên quan nhiều đến lĩnh vực nông nghiệp nhưng tôi lại mê tìm hiểu về các mô hình nông nghiệp tiên tiến của nước ngoài và các địa phương khác ở Việt Nam. Sau giờ làm việc tôi vào internet tìm kiếm các thông tin về những mô hình ấy, hình ảnh nhà kính hiện đại, vườn rau xanh mượt khiến tôi rất thích”.

Qua 2 năm tìm hiểu các mô hình nhà kính trên mạng, anh khăn gói đi Lâm Đồng, Quảng Bình, Hải Dương… để học tập kinh nghiệm. 38 tuổi, anh quyết định xin thôi việc ở nhà máy bia để toàn tâm toàn ý bắt tay vào xây dựng nhà kính hiện đại như mình đã ấp ủ nhiều năm qua.

Anh Hải có niềm đam mê đặc biệt với nông nghiệp công nghệ cao

Chỉ sau 5 tháng xây dựng, một khu nhà kính rộng 1.500m2 do Công ty Nhà màng Watanabe Pipe Việt Nam thiết kế và thi công đã hình thành. Khu nhà này làm bằng khung thép mạ kẽm chịu lực có thể chịu được sức gió 120km/h. Phía trên phủ lớp màng dày 180 – 200 micromet, xung quanh có lưới chắn côn trùng và hệ thống màng lưu động có thể đóng mở tùy điều kiện thời tiết.

Dẫn chúng tôi tham quan khu nhà, anh Hải vui vẻ cho biết, các hệ thống điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng thông minh như hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel, hệ thống quạt đối lưu không khí, hệ thống phun sương trong nhà, hệ thống tưới mái, các cảm biến nhiệt độ và độ ẩm… Tất cả được đấu nối với bộ điều khiển trung tâm lập trình sẵn để tự động điều chỉnh nước tưới, bón phân, thông gió, phun sương theo yêu cầu của từng loại cây trồng, đảm bảo môi trường lý tưởng, chất dinh dưỡng cho cây phát triển.

Dưa lưới được trồng trên giá thể và chăm sóc theo phương pháp thủy canh. Sau khi làm luống xong anh đặt dây nhỏ giọt chạy dọc theo luống, song song và cách hàng cây khoảng 5-7cm. Khi cây phát triển tốt được treo lên dây của hệ thống cáp treo giúp tiết kiệm diện tích, cây có đủ không gian, ánh sáng để phát triển cũng như thuận lợi cho việc chăm sóc cắt tỉa cành nhánh, chọn quả, thụ phấn và phòng trừ bệnh cho cây.

Phía trên nhà kính được phủ lớp màng dày và lưới chắn bao quanh để ngăn sâu hại cây trồng, ngăn các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa bão, rét, nắng nóng gây hại cho cây trồng

Khu nhà kính còn được trang bị hệ thống tưới mái và quạt đối lưu không khí. Hệ thống này được lập trình sẵn, khi gặp thời tiết nắng nóng sẽ tự động vận hành để tưới làm giảm nhiệt độ và lượng ánh nắng chiếu từ mái xuống, quạt hòa trộn không khí trong nhà màng, giúp các vùng nhiệt độ trong nhà đều nhau rồi đẩy không khí nóng ra khỏi nhà qua cửa nóc nên triệt tiêu khí nóng và tránh hiện tượng sốc nhiệt cho cây vào mùa nắng.

“Khi áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật như tưới tự động, treo cây, thông gió, làm mát và sưởi ấm nên cây trồng được bảo vệ và chăm sóc một cách tốt nhất, tránh được các điều kiện thời tiết cực đoan và tránh gần như 100% sâu hại cây, phòng tránh được 80% nguồn bệnh hại cây trồng. Nhờ đó, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật gây hại cho sức khỏe con người, đồng thời tăng năng suất và chất lượng của cây trồng”, anh Hải nói.

Anh Hải chia sẻ, lý do chọn dưa lưới để trồng bởi với mùi vị thơm ngon được người tiêu dùng ngày càng yêu thích. Tuy nhiên, trong địa bàn tỉnh gần như chưa có đơn vị nào tư nhân đầu tư phát triển sản phẩm này, trong lúc đó các tỉnh bạn lân cận đã có mô hình tư nhân trồng dưa lưới khá thành công như Nghệ An, Quảng Bình.

Sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel 

Hệ thống quạt đối lưu không khí

Dưa lưới được trồng trên các luống giá thể

Anh Hải dự kiến sản xuất 4 vụ/năm gồm 3 vụ dưa lưới, 1 vụ cà chua hoặc rau sạch. Ước tính sẽ cho thu hoạch 13.5 tấn dưa lưới, 9.5 tấn rau sạch hoặc cà chua.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.