Chuyện lạ: Mạ non đắt như tôm tươi, dân xứ Nghệ kiếm tiền triệu/ngày

Tại Nghệ An, rất ít khi mạ non trở thành món hàng. Nhưng vụ xuân năm nay, nhiều diện tích gieo, cấy bị chết rét, một số hộ đã tỉa thưa mạ để bán, kiếm tiền triệu mỗi ngày.

Đắt như tôm tươi

Trước tết, bà Lê Thị Minh ở xóm 2, xã Hòa Sơn (huyện Đô Lương) gieo 7 sào lúa Thiên ưu 8. Do gặp rét, 2 sào lúa (500m2/sào) chết hết nên bà phải đi các huyện lân cận để tìm mạ về cấy lại.

“Không có nhân lực nên gia đình tôi phải gieo thẳng. Không ngờ gặp rét, mạ non chết mất 2 sào. Đi một số nơi, họ cho mình vào tỉa thưa rồi lấy mạ, nhiều nơi họ tỉa sẵn, bán 8 – 10 nghìn/nắm nhỏ. Biết đắt nhưng chẳng lẽ bỏ hoang ruộng đành phải mua về cấy khép kín diện tích. Mà cũng có mua được cùng loại mạ đâu, nơi thì mua được giống Thái Xuyên 111, nơi thì Khang dân 18… Chẳng biết khi trỗ có cùng thời điểm hay không?”, bà Minh lo lắng.

Cũng theo bà Minh, tại xã Hòa Sơn, người dân phải xuống các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, ra Yên Thành để mua mạ về cấy. Cả làng sáng sáng kéo nhau đi mua mạ. Có những gia đình gần như mạ bị chết sạch.

Theo tính toán của nông dân, mỗi nắm mạ mua với giá 8 – 10 nghìn đồng, mỗi sào 500m2 cần khoảng 100 nắm mạ mới đủ cấy. Như vậy, tính ra mỗi sào bị hỏng, nếu không thể tự túc mạ, nông dân phải cay đắng bỏ thêm khoản tiền 800.000 – 1 triệu đồng.

Theo quan sát, Quốc lộ 46 đoạn đi qua huyện Thanh Chương, QL 7 đi qua huyện Yên Thành, mạ được bày bán cùng với rau quả bên lề đường, người đến hỏi mua tấp nập. Người bán ra giá bao nhiêu người mua không cần đắn đo, sợ người khác mua mất nên trả tiền tươi lấy liền.

Chúng tôi gặp vợ chồng ông Lê Thế Dũng ở xóm 7, xã Ngọc Sơn (huyện Thanh Chương) trên cánh đồng sát QL 46. Vụ xuân năm nay, ông Dũng gieo 4 sào lúa Thái Xuyên 111. May mắn sau khi gieo, mạ nảy mầm tốt, đủ nước nên phát triển nhanh. Chỉ qua một ngày tỉa thưa, vợ chồng ông đã bán được hơn 1 triệu đồng.

“Tôi gieo 4 sào lúa Thái Xuyên 111. Theo hướng dẫn thì chỉ gieo 1,8kg/sào nhưng tôi gieo 2kg/sào. Nay lúa phát triển tốt, dày quá, hai vợ chồng tỉa thưa mới 2 sào mà đã bán được hơn 1 triệu đồng. Cứ vừa đưa lên bờ là đã có người đến hỏi mua. Nhiều người chạy xe dọc đường sáng đến tối để gom mạ về cấy. Có nhà bán được hơn 2 triệu tiền mạ rồi. Ở đây có nhiều nhà gieo thẳng cũng bị chết hết nhưng một số chủ động chuẩn bị mạ san nên không phải đi mua. Người mua có cả Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn…”, ông Dũng cho biết.

Trên 1.000 ha lúa bị ảnh hưởng bởi giá rét

Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt & BVTV Nghệ An, tính đến ngày 20/2/2018, toàn tỉnh đã gieo, cấy được 88.438,9ha lúa/kế hoạch 90.000ha, đạt 98,3%, trong đó có 63.302,9ha lúa cấy. Dù ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo không gieo thẳng nhưng vẫn có 25.136ha được gieo sạ thẳng.

Từ ngày 14/2 đến nay thời tiết ấm nên diện tích lúa đã gieo cấy phát triển bình thường, sâu bệnh chưa có đối tượng nào gây hại đến mức phải phòng trừ. Tại một số huyện, sau vài trận mưa đầu xuân, ốc bươu vàng cũng đã xuất hiện với mật độ thưa gây hại lúa xuân.

Tuy nhiên, bước vào sản xuất vụ xuân 2018, Nghệ An gặp thời tiết bất lợi, rét đậm rét hại xảy ra liên tục. Đặc biệt là trong thời gian gieo cấy lúa, nền nhiệt độ thấp có thời điểm dưới 10 độ C ảnh hưởng không nhỏ đến trồng trọt. Bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp địa phương, nông dân vẫn ra đồng gieo cấy. Một số diện tích mạ gieo, lúa mới cấy bị chết khiến nông dân rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt – BVTV Nghệ An, những đợt rét liên tiếp trước tết đã khiến 1.026 ha lúa xuân bị ảnh hưởng. Trong đó có gần 300ha bị chết trên 70%.

Trước diễn biến thời tiết bất thường, Chi cục đã ban hành 3 văn bản về hướng dẫn chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng vụ xuân 2018 trong dịp tết.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thanh Chương – Nghệ An: Nuôi thành công tôm càng xanh trên ruộng lúa

Trạm Khuyến nông Thanh Chương đã xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa ở Thanh Chương và đã thành công.

Người dân xã Thanh Hưng (Thanh Chương) thu hoạch tôm càng xanh.

Mô hình được thực hiện ở ruộng của ông Trần Văn Hải ở xóm Trung Đường, xã Thanh Hưng huyện Thanh Chương. Với 1,5 ha ruộng lúa; sau 4 tháng nuôi ông Hải đã có tôm thu hoạch, loại to 6 con/kg, loại trung bình 10 con/kg. Với giá bán bình quân 220.000 đồng/kg ông thu về 235 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 100 triệu đồng, chưa kể tiền thu về từ 2 vụ lúa.

“Tôi thấy nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa có hiệu quả nhiều so với nuôi cá vụ 3. Sắp tới tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích và hướng dẫn cho những ai muốn phát triển nghề nuôi tôm càng xanh” – ông Hải vui mừng chia sẻ”.

Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Thanh Chương nghề nuôi trồng thủy hải sản phát triển đáng kể; với nhiều hình thức nuôi trồng khác nhau, song đối tượng nuôi chủ yếu là cá truyền thống mà hiệu quả lại không cao. Xuất phát từ thực tế trên, Trạm Khuyến nông huyện đã tham mưu, xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa tại xã Thanh Hưng.

Sau 4 tháng triển khai thực hiện mô hình đã mang lại giá trị thu nhập cao góp phần hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế ô nhiễm môi trường và tăng tính bền vững trong sản xuất.

Ông Trần Đình Bình – Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thanh Chương đánh giá, qua quá trình nuôi cho thấy, tôm càng xanh là đối tượng nuôi mới nhưng nó phù hợp với điều kiện thời tiết của địa phương, kỹ thuật nuôi đơn giản, hiệu quả cao.

Thực tế cho thấy, trong quá trình nuôi tôm càng xanh cũng gặp không ít khó khăn nhất là về con giống và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bởi con giống phải vận chuyển từ các tỉnh Long An, An Giang về bằng đường máy bay nên chi phí rất lớn. Trong lúc đó tỷ lệ sống chỉ đạt từ 40 – 50%.

Thêm vào đó, giá của tôm càng xanh cũng cao nên đối tượng tiêu thụ cũng chỉ dành cho những người có thu nhập cao và các nhà hàng, quán ăn nên đối tượng nuôi trồng cũng phải lựa chọn cụ thể, rõ ràng.

Chính vì thế, trước khi nhân ra diện rộng, huyện đang phối hợp với nhà cung cấp giống và các nhà khoa học thực hiện nghiêm các quy trình.

Việc xây dựng thành công mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa ở Thanh Chương đã giúp người dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện tiếp cận được với đối tượng nuôi mới, phương thức nuôi mới có hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích; khai thác có hiệu quả các chân ruộng trũng trên địa bàn huyện, tăng tính bền vững trong sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường do dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Nguồn: Báo Nghệ An được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.