Đem cá tươi ủ làm phân bón, kết quả là 2000 gốc cam sai trĩu quả

Mọi người lên thăm vườn cam của lão thì bảo “lão này hâm, cá không có mà ăn lại đem ủ phân bón cho cam”, người thì bịt mũi không chịu được cái mùi hôi thối của cá ủ bốc lên nồng nặc. Nhưng ít ai ngờ đây là chiêu độc mà ông Phạm Bá Tiến, đội 5, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên làm để “sai khiến” gần 2.000 gốc cam của ông vụ nào cũng trĩu quả.Giảm chi phí phân bón

Đã 7 vụ cam, ông Tiến thành công với cách bón phân lạ lùng của mình. Phân bón cam của ông được làm từ cá tươi, ủ với các chế phẩm sinh học. Theo ông Tiến thì chi phí từ việc ủ cá làm phân, thấp hơn nhiều so với đầu tư các loại phân bón khác. Không phải ai làm nghề trồng cây ăn quả cũng biết cách ủ cá làm phân như ông Tiến, vì mọi người vẫn quan niệm phân bón là dùng phân vô cơ, hữu cơ mới tốt.“Lúc đầu, thấy tôi làm như vậy, ai cũng bảo hâm, cá không có mà ăn, lại đem ủ phân bón cho cam, họ chỉ quen dùng các loại phân bón bán trên thị trường. Nhưng tôi ủ cá làm phân không phải chỉ có cá mà tôi còn mua thêm nhiều loại men vi sinh phân hủy trộn lẫn để ủ cá. Nhờ thế chất lượng phân rất tốt mà cây cũng dễ hấp thu” – ông Tiến chia sẻ cách ủ cá làm phân của mình. Khi nước lòng hồ thủy điện Sơn La dâng cao, các loại cá nhỏ được bà con đánh bắt rất nhiều, bán rất rẻ trên thị xã Mường Lay. Ông Tiến đã cất công lên tận Mường Lay để mua cá về ủ phân bón cho cam.

Theo ông Tiến thì chi phí ủ cá bón cho 1.500 gốc cam của ông trung bình mỗi năm hết 20 triệu đồng cả cá và men vi sinh, giảm 1/3 chi phí so với bón các loại phân khác. Cá được ông Tiến mua về, ông đào hố, lót cẩn thận để nước phân không ngấm ra ngoài, ông mua thêm chế phẩm EMUNIV là loại chế phẩm sinh học có chứa nhiều vi sinh vật có tác dụng phân hủy xác, bã hữu cơ và khử mùi hôi. Sau đó cho thêm nước, mật rỉ đường cùng ủ, thời gian ủ khoảng hơn 1 tháng thì bón cho cam.“Cách làm này không mới với bà con vùng trồng cây ăn quả lớn nhưng lại rất mới với bà con nông dân của các vùng quê nghèo như tỉnh Điện Biên. Cả vùng này tôi chưa thấy ai ủ cá làm phân bón như tôi, cách này tôi học được chính là trong chuyến thăm quan vùng trồng cam nổi tiếng – Cao Phong, tỉnh Hòa Bình”. Ông Tiến chia sẻ thêm.

Bón đúng thời điểm cho cam chất lượng

Cách bón phân cá cho cam của ông Tiến cũng rất khoa học, đảm bảo cung cáp đủ dinh dưỡng cho cam, vì thế 7 năm gần đây năm nào vườn cam nhà ông cũng trĩu quả. “Để bón phân hiệu quả nhất, trước đó phải cuốc quanh gốc nhằm làm đứt các rễ già, khi cây ra rễ mới tôi mới bón phân cá cho cam. Sau khi cây ra hoa được hơn 1 tháng tôi lại tiếp tục bón phân cá, như vậy cây sẽ hấp thu được hết các chất dinh dưỡng, cho quả sai và chất lượng cam cũng rất tốt. Khi bón, cần pha loãng phân với nước, tưới đều xung quanh gốc cây với lượng vừa đủ, như thế cây cam sẽ hấp thu hết chất dinh dưỡng” – ông Tiến bảo vậy.Trung bình 1 cây cam của ông Tiến cho thu hoạch hơn 40kg quả, đạt hơn 1 triệu đồng/cây.

Trung bình 1 cây cam của ông Tiến cho thu hoạch hơn 40kg quả, đạt hơn 1 triệu đồng/cây

Những năm nguồn cá làm phân khan hiếm trên thị trường và giá đắt, ông Tiến lại tìm kiếm gom nhiều nguồn cá tạp để làm phân. Năm nay, ông Tiến phải đánh bắt gần 1 tấn cá tạp trong chính ao nhà mình và hàng xóm, chủ yếu là rô phi, để ủ phân bón cam. Theo cách tính của ông thì nếu bán cả tấn cá rô phi may lắm cũng chỉ được 25 triệu đồng, đấy là cá loại to. Nhưng để mua phân bón cho cam thì cả vườn cam nhà ông cũng ngốn ngót nghét cả trăm triệu. Vì thế ông quyết định đầu tư toàn bộ số cá trong ao nhà cho vườn cam.

“Họ bảo tôi hâm chính là thấy tôi bắt cá ủ phân bón cam. Nhưng mọi người có biết đâu, để đầu tư mua phân bón cho vườn cam còn đắt hơn rất nhiều mà chất lượng chưa chắc đã đảm bảo. Họ cũng không biết phân ủ từ cá có nhiều khoáng chất cần thiết cung cấp dinh dưỡng cho cây nên tạo sức phát triển mạnh và tăng tuổi thọ cây trồng. Qua gần chục năm thử nghiệm, tôi đã đúc rút ra bài học ấy cho nghề làm vườn” -ông Tiến khẳng định như vậy.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Một số giống bưởi đặc sản miền Bắc

Viện nghiên cứu rau quả đã chọn lọc thành công nhiều giống bưởi bản địa đặc sản, đánh giá được một số dòng bưởi nhập nội có triển vọng cao cho các tỉnh miền Bắc.

Bưởi Phú Diễn

Cây sinh trưởng khỏe. Dạng quả tròn, khi chín vỏ quả vàng chanh. Sau trồng 7 năm cây sẽ cho chất lượng quả ổn định. Năng suất trung bình 80 – 100 quả/cây. Thời gian cho thu hoạch từ tháng 12 – 1. Khối lượng quả trung bình 0,8 – 1kg. Tỷ lệ phần ăn được 60 – 65%. Múi và vách múi dễ tách rời nhau. Thịt quả màu trắng ngà, ăn giòn ngọt không the đắng. Quả có thể bảo quản tự nhiên được 2 – 3 tháng.

Bưởi Đoan Hùng

Khả năng sinh trưởng khá. Dạng quả hình cầu dẹt. Khi chín vỏ quả màu vàng xám. Khối lượng quả trung bình 0,8 – 1kg. Tỷ lệ phần ăn được 55 – 60%. Múi và vách múi dễ tách rời nhau. Thịt quả màu trắng ngà, ăn giòn ngọt, mùi thơm nhẹ. Sau trồng 6 năm cây sẽ cho chất lượng quả ổn định. Năng suất bình quân 120 – 150 quả/cây. Thu hoạch tháng 10 – 11. Quả có thể bảo quản tự nhiên được 3 – 4 tháng.

Bưởi Phúc Trạch

Cây sinh trưởng khá. Dạng quả hình cầu. Vỏ màu xanh vàng. Khối lượng quả trung bình 1 – 2kg. Tỷ lệ phần ăn được 55 – 60%. Múi và vách múi dễ tách rời nhau. Thịt quả màu hồng nhạt hoặc màu trắng trong, vị ngọt hơi thanh chua. Sau trồng 5 năm cây sẽ cho chất lượng quả ổn định. Năng suất bình quân 120 – 150 quả/cây. Thu hoạch cuối tháng 8 đầu tháng 9. Quả có thể bảo quản quả tự nhiên được 1 – 2 tháng.

Bưởi đỏ Hòa Bình

Cây sinh trưởng khỏe. Dạng quả hình cầu. Vỏ màu vàng cam, khi chín màu vàng phớt hồng. Thịt quả màu hồng đỏ. Khối lượng quả trung bình 0,8 – 1kg. Tỷ lệ phần ăn được 55 – 60%. Múi và vách múi dễ tách rời nhau. Thịt quả màu đỏ hồng, mọng nước, ăn giòn ngọt không he đắng. Sau trồng 7 năm cây sẽ cho chất lượng quả ổn định. Năng suất bình quân 150 – 200 quả/cây. Thu hoạch tháng 11. Quả có thể bảo quản tự nhiên được 2 tháng.

Bưởi Hoàng

Xuất xứ giống ở thôn Hoàng Trạch, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang (Hưng Yên). Cây sinh trưởng rất khỏe. Dạng quả tròn màu xanh, khi chín chuyển màu vàng xanh. Sau trồng 5 năm cây cho chất lượng quả ổn định. Năng suất bình quân 80 – 90 quả/cây. Thời gian thu quả tháng 9 – 10. Khối lượng quả trung bình khoảng 1,5kg. Tỷ lệ phần ăn được đạt 50 – 55%. Thịt quả màu trắng xanh, ăn giòn ngọt rôn rốt. Quả có thể bảo quản tự nhiên được 1 tháng.

Bưởi Quế Dương

Cây sinh trưởng rất khỏe, chịu hạn chịu úng khá. Lá dầy màu xanh đậm. Dễ cho quả. Thời gian thu hoạch tháng 9 – 10. Khi chín vỏ quả màu xanh hanh vàng, vách múi dễ tách. Tỷ lệ phần ăn được từ 55 – 57%. Thịt quả màu trắng xanh, vị ngọt thanh hơi hôi. Khối lượng quả trung bình 1,2 – 1,5kg. Năng suất trung bình 150 – 200 quả/cây. Quả có thể bảo quản tự nhiên được 30 ngày.

Một số dòng bưởi triển vọng:

Bưởi Diễn sớm (chọn lọc từ giống bưởi Diễn Việt Nam)

Khả năng sinh trưởng rất khỏe, năng suất cao, thời gian thu hoạch quả cuối tháng 9 đến đầu tháng 10. Vỏ quả khi chín có màu xanh vàng, tép màu trắng ngà, khá dễ tách vách múi, vị ngọt đậm, không the.

Bưởi đỏ (nhập nội từ Philippines)

Cây sinh trưởng khỏe, năng suất cao, thời gian thu hoạch cuối tháng 10 đến đầu tháng 11. Quả có khối lượng từ 0,8 – 1,1kg, hình dáng đẹp. Khi chín vỏ có màu vàng, tép màu đỏ, rất dễ tách vách múi, vị ngọt chua cân đối, không the đắng.

Bưởi Thái Lan 1 (nhập nội từ Thái Lan)

Cây sinh trưởng khỏe, năng suất cao, thời gian thu hoạch quả sớm hơn so với các giống bưởi đặc sản tại miền Bắc từ 10 – 15 ngày. Khối lượng quả 0,8 – 1,1 kg, hình dáng đẹp. Khi chín vỏ có màu vàng rơm, tép quả màu trắng ngà, quả có mùi thơm, vị ngọt rôn rốt, rất dễ tách vách múi, không hạt khi trồng thuần.

Dòng bưởi Quan Khê (nhập nội từ Trung Quốc)

Cây sinh trưởng khá, năng suất cao, thời gian thu hoạch quả từ 1 – 15/10. Khối lượng quả 0,9 – 1,3kg, hình dáng đẹp. Khi chín vỏ có màu vàng rơm, tép quả màu hồng nhạt, quả có mùi thơm, vị chua ngọt cân đối, dễ tách vách múi, không hạt khi trồng thuần.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Ngổn ngang… sầu riêng sau bão số 12

Sau cơn bão số 12, hàng trăm héc-ta sầu riêng đang cho thu hoạch ổn định trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) bị gió lốc quật gãy. Nhiều hộ đang có cuộc sống sung túc nhờ loại trái cây đặc sản này bỗng chốc trở nên trắng tay. Buồn trước cảnh vườn cây tan hoang đã đành, nhưng người nông dân còn nhiều nỗi lo phía trước.

Các vườn tan hoang

Đến thôn Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp) những ngày sau bão, chúng tôi thấy một không khí trầm buồn, xót xa. Những cây sầu riêng ngã đổ, lá đã úa màu. Gặp chúng tôi, ông Luân Trung Thắng cố nén tiếng thở dài: “Bây giờ các chú đừng hỏi tôi về sầu riêng. Tôi cũng không muốn ra vườn, bởi cây cối ngổn ngang thế kia lòng tôi chịu không được. Vườn sầu riêng là nguồn thu chính của gia đình, bây giờ bị như thế này…”. Được biết, vườn nhà ông Thắng có 250 gốc sầu riêng có tuổi từ 15 đến 20 năm. Mùa sầu riêng vừa qua, bình quân mỗi cây cho thu nhập 6 triệu đồng. Đặc biệt, có những cây 20 năm tuổi cho thu nhập gấp đôi. Cơn bão đi qua đã làm cây ngã đổ la liệt, gây thiệt hại hoàn toàn 60 gốc sầu riêng. Đó là chưa kể còn một lượng cây khá lớn bị nghiêng gốc, khả năng phục hồi cũng rất thấp.

Vườn sầu riêng nhà ông Trương Nguyên Quốc Việt ở xã Sơn Hiệp cây ngã đổ chỏng chơ, lác đác một vài cây đã được ông Việt cho người cưa dọn. Vườn sầu riêng của ông Việt từng là mô hình điểm trồng xen sầu riêng, cà phê, hồ tiêu từ cách đây gần 30 năm. Với diện tích 2ha vườn, hơn 100 gốc sầu riêng cho thu hoạch từ 10 năm trở lên, nhưng nay bị đổ gần hết. “Mùa vừa qua, gia đình tôi không tốn công chăm sóc nhưng vườn sầu riêng vẫn thu được 120 triệu đồng. 2 tháng trước tôi thuê kỹ sư về chăm sóc, đầu tư hơn 30 triệu đồng mua phân, thuốc để dưỡng cây chuẩn bị cho vụ năm sau. Lúc cây đã đâm nhiều chồi non, hứa hẹn một vụ mùa năng suất thì bão ập đến”, ông Việt tâm sự.

Thôn Liên Hòa và thôn Xóm Cỏ ở xã Sơn Bình lâu nay vẫn nổi danh với tên gọi “làng trang trại”. Bởi nơi đây tập trung khá nhiều trang trại trồng sầu riêng cho năng suất, sản lượng cao. Cơn bão đi qua, hơn 10ha trồng sầu riêng trong vùng với khoảng 2.000 cây cho thu hoạch từ 4 năm nay bị thiệt hại hoàn toàn. Trang trại của ông Đậu Dương Trần Nguyễn (thôn Liên Hòa) có khoảng 1.700 cây sầu riêng giống Mong Thoong đã cho thu hoạch cũng đã có tới 400 cây bị ngã đổ hoàn toàn. Một lượng khá lớn khác bị nghiêng, nhiều khả năng cũng bị chết trong những ngày tới. “Hầu hết những cây đổ là cây lớn, chủ lực trong vườn. Mùa vừa qua, những cây này năng suất bình quân đạt từ 2,5 đến 3 tạ/cây. Với giá bán khoảng 45.000 đồng/kg thì giá trị kinh tế của mỗi cây là rất lớn”, ông Nguyễn cho biết. Ông Nguyễn cũng đã đầu tư 200 triệu đồng mua phân, thuốc, thuê 6 nhân công từ tỉnh Tiền Giang ra và 5 nhân công địa phương chăm sóc cây trong vòng gần 1 tháng trước bão. Việc dưỡng sức cho cây vừa hoàn tất thì bão đến, cây đã bị gió, lốc quật đổ. Cây đổ còn đè lên mấy trăm cây măng cụt, tăng thêm thiệt hại.

Gắng gượng cho những mùa sau

Theo ông Nguyễn Quốc Thái – Chủ tịch UBND thị trấn Tô Hạp, mấy ngày vừa qua, một số hộ có sầu riêng bị ngã đổ đã bắt đầu cắt cành, dựng lại những cây nghiêng 45 độ. Nhưng cách làm này cũng không hiệu quả, vì sầu riêng ra trái bằng cành mà bây giờ cắt cành đi rồi chỉ giúp cây sống lại. “Rất may, không có hộ nào phải vay nợ vì các diện tích sầu riêng này đã cho thu nhập ổn định từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, với những thiệt hại to lớn về cây sầu riêng đã làm nhiều người không còn dám đầu tư trở lại. Nhìn chung, sẽ rất khó khăn và mất nhiều năm để có thể khôi phục lại được diện tích cây sầu riêng như trước đây”, ông Thái nhận định.

Ông Đậu Dương Trần Nguyễn chuyển giống cây sầu riêng để chuẩn bị trồng mới

Quả thật, việc khôi phục lại vườn sầu riêng của những hộ bị thiệt hại trong thời điểm này gặp khá nhiều khó khăn. “Tôi muốn dọn những cây bị ngã đổ để có thể trồng lại, nhưng tiền công thợ cao quá, đến 300.000 đồng/người/ngày. Không có tiền thuê nhân công dọn cây, cho người ta cưa lấy củi mà họ cũng không mặn mà. Bên cạnh đó, hiện nay, giống cây vừa hiếm vừa cao giá. Trước đây cây sầu riêng giống đẹp, đốt đều, chiều cao khoảng 60cm có giá 100.000 đồng/cây. Nhưng hiện nay giống không đẹp, chiều cao 40cm giá đã là 120.000 đồng/cây. Tôi đã đến xã đăng ký mua cây giống, nhưng phải đợi đến tháng Tư năm sau mới có”, ông Việt nói. May mắn hơn ông Việt, hộ ông Nguyễn đã mua được 300 cây giống sầu riêng có xuất xứ từ Bến Tre. Tuy nhiên, nhìn vào chất lượng cây giống với số tiền đã bỏ ra thì ông Nguyễn cũng không mấy hài lòng. “Mình đã thiệt hại, bây giờ muốn khắc phục sớm mà khó khăn về giống. Bây giờ mình cần thì phải mua chứ giống này không được tốt. Với những cây giống này, nếu trồng và chăm sóc tốt thì cũng phải đến 5 năm nữa mới cho trái bói”, ông Nguyễn chia sẻ.

Bên những gốc sầu riêng bị đổ do bão đã có những cây giống mới trồng

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Sau bão, toàn huyện có hơn 110ha sầu riêng bị thiệt hại hoàn toàn, chiếm hơn 20% tổng diện tích. Trong đó, những địa phương bị thiệt hại nặng là: thị trấn Tô Hạp 47ha, Sơn Lâm 24ha, Ba Cụm Bắc 12ha, Sơn Bình 10ha …

Về vấn đề hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại cây sầu riêng do bão, đến thời điểm hiện tại ở Khánh Sơn vẫn chưa có phương án cụ thể. “Theo chế độ hiện hành về việc hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại nông nghiệp do thiên tai, bão lũ đối với các diện tích bị thiệt hại từ 70% trở lên là 4 triệu đồng/ha. Trong khi giống cây sầu riêng tương đối cao, nên nếu có thì sự hỗ trợ đó cũng không đáng kể”, ông Nguyễn Quốc Thái chia sẻ. Còn ông Trần Tấn Chóng – Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết, xã đang cho cán bộ chuyên môn đến từng nhà để người dân đăng ký mua giống. Nhưng việc có cây giống để cung ứng cho người dân cũng phải chờ đến quý I/2018. Còn những hộ nào muốn trồng sớm thì phải tự túc nguồn giống.

Trao đổi với ông Đinh Ngọc Bình – Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, chúng tôi được biết, huyện đang thống kê, kiểm đếm lại diện tích sầu riêng bị thiệt hại sau bão một cách cụ thể. Trên cơ sở đó, sẽ có công văn để trình tỉnh có chính sách hỗ trợ, bởi huyện không chủ động được nguồn kinh phí. Về nguồn giống cung ứng cho người dân cũng phải chờ chính sách của tỉnh, nhưng tiêu chuẩn năm nay đã hết, nên chắc phải chờ đến năm sau mới có thể có giống để cung ứng cho người dân tái sản xuất.

Nguồn: Baokhanhhoa.com.vn được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Khánh Hòa: Bão số 12 gây thiệt hại trên 13.500 tỷ đồng

Theo báo cáo mới nhất của BCH PCTT – TKCC tỉnh Khánh Hòa, cơn bão số 12 khiến toàn tỉnh có 44 người chết cùng nhiều thiệt hại về tài sản, cây trồng, gia súc gia cầm và thủy hải sản, ước tính thiệt hại trên 13.500 tỷ đồng.

Theo đó, Khánh Hòa có 44 người chết, 1 người mất tích; 212 người bị thương; có 2.792 nhà sập hoàn toàn, 114.098 nhà tốc mái; 29.381 ha cây trồng bị thiệt hại. Trong đó có hơn 4.374 ha lúa, 2.066 ha rau màu, 668 ha cây lâu năm, 15.072 ha cây hàng năm, hơn 7.200 ha cây ăn quả.

Về gia súc, gia cầm và thủy hải sản, toàn tỉnh có khoảng 153.204 con gia cầm, 286 con heo và 626 con bò bị cuốn trôi và chết. Diện tích nuôi trồng thủy sản các loại là 133.023 ha, 68.864 lồng nuôi thủy sản bị cuốn trôi, 1.141 tàu thuyền bị đánh chìm.

Ngoài ra, nhiều công trình thủy lợi, giao thông, điện, thông tin liên lạc, trường học, trạm y tế, trụ sở cơ quan, cơ sở sản xuất và cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng nặng.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Sản xuất giống cà phê bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào

Nhằm đáp ứng nhu cầu tái canh cà phê của người dân, cũng như áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, các nhà khoa học làm việc tại Phòng Sinh hóa và Công nghệ sinh học -Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã ngày đêm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sản xuất giống cà phê bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào.

Đây được xem là một công nghệ sinh học hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả khi đã nhân giống hàng nghìn cây cà phê đạt chất lượng cao. Một số hình ảnh tại phòng nghiên cứu nuôi cấy mô tế bào của WASI:

Bước đầu tiên của hình thức nhân giống cà phê bằng phương pháp nuôi cấy mô, các nhà khoa học phải lựa chọn những giống cây đạt chất lượng tốt nhất để lấy mẫu. Trong ảnh: Cà phê lựa chọn lấy mẫu là TR4 và TR11 (đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận)

Các mẫu lá sau khi được lựa chọn sẽ khử trùng và đưa vào bình thí nghiệm để tiến hành tạo mô sẹo, công đoạn này mất khoảng 5 tháng 

Sau đó các bình thí nghiệm được đưa lên máy lắc để nhân thêm mô sẹo

… sau 4 tháng những mô sẹo mới được hình thành

Để bảo đảm cây giống cà phê được phát triển tốt, các bình thí nghiệm chứa mô sẹo đều được bảo quản trong môi trường tốt nhất

Mất thêm 5 tháng để mô sẹo hình thành cây trong hệ thống nuôi cấy mô

… và mất thêm 50 ngày để các nhà khoa học tạo thành cây con hoàn chỉnh trong các box thí nghiệm nhỏ.

Sau đó được cắm vào các bầu đất trong vườn thực nghiệm để cây sinh trưởng

Nhằm giúp cây con phát triển tốt, vườn thực nghiệm phải được trang bị một hệ thống tưới phun sương hiện đại

Hệ thống phải bảo đảm được điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây con

Nhờ chăm sóc tốt, các cây cà phê được nhân giống tại đây đều sạch bệnh, phát triển tốt

Mất gần 2 năm kể từ khi lấy mẫu lá cho đến lúc phát triển thành cây cà phê, tuy nhiên chất lượng cây giống này luôn được bảo đảm. Trong ảnh: các nhà khoa học kiểm tra tình trạng phát triển của cây cà phê được nhân giống bằng hình thức nuôi cấy mô

Như vậy, từ một mẫu lá của một cây mẹ đạt chuẩn, bằng hình thức nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, các nhà khoa học có thể nhân lên hàng nghìn cây con có chất lượng tương đương hoặc tốt hơn, nhờ loại bỏ được những khuyết điểm tồn tại trên cây mẹ.

Nguồn: Báo Daklak được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật chăm sóc cây cà phê sau vụ thu hoạch

Sau khi thu hoạch, cây cà phê bị mất sức sinh trưởng rất nhiều và cần có thời gian phân hóa mầm hoa, nở hoa, đậu trái… điều này ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cà phê mùa vụ tiếp theo.

Ở Tây Nguyên, mùa khô thường kéo dài từ tháng 11- tháng 4 hàng năm. Bước vào đầu mùa khô sẽ có những đợt gió lạnh, nhiệt độ hạ xuống thấp hơn nhưng vào giữa và cuối mùa khô, xuất hiện nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao. Đây lại là giai đoạn cây cà phê bắt đầu phân hóa mầm hoa, nở hoa và quả non phát triển, giai đoạn này sẽ ảnh hưởng rất quan trọng đến năng suất và chất lượng của cà phê.

Vì vậy để giúp bà con có các biện pháp, kỹ thuật chăm sóc cây cà phê đạt hiệu quả cao nhất, cây cà phê sinh trưởng và phát triển tốt, đạt năng suất cao, chất lượng đảm bảo và đặc biệt  tăng thu nhập kinh tế cho người dân. Sau đây là một số kỹ thuật cơ bản chăm sóc cây cà phê sau thu hoạch.

1. Cắt tỉa cành cây cà phê sau thu hoạch

Cây cà phê cần phải có thời gian phân hóa mầm hoa sau khi thu hoạch (siết nước) như vậy tỷ lệ đậu quả đạt cao,người dân cần đốn đau kể kích thích cây cà phê ra hoa, đậu quả.

Cần tỉa những cành khô, lá héo,cành tổ quạ, cành chân vịt, cành già, cành sâu bệnh, cành còi cọc hay cành vô hiệu mọc trong tán sát mặt đất hay những cành thứ cấp quá dày vượt trên tán sau khi thu hoạch. Việc tỉa cành cần tiến hành cẩn thận bằng cưa hay kéo sắc để vết cắt ngọt sẽ không làm cành bị xước. Xác định vị trí cắt sao cho thích hợp để có được bộ tán cân đối, tập trung dinh dưỡng nuôi quả đạt hiệu quả cho năng suất cao.

2. Bón phân cho cây cà phê

Cây cà phê sau khi thu hoạch xong sẽ bị mất đi phần lớn dinh dưỡng, làm cây suy kiệt. Vì thế việc bón phân cung cấp dinh dưỡng kịp thời để cây phục hồi tốt, chuẩn bị cho lần ra hoa vụ sau rất quan trọng.

Phân bón đa lượng

– Đạm rất cần thiết để cà phê tăng trưởng mạnh trong điều kiện thời tiết khô hanh, nắng nóng kéo dài, giúp cây cà phê ra hoa đậu quả tốt, quả phát triển nhanh. Nếu thiếu đạm trong mùa khô sẽ làm cây bị cằn cỗi, lá ít, cành trơ , năng suất và chất lượng quả cà phê thấp.

 – Lân là một trong những yếu tố cần thiết cho việc phân hóa mầm hoa, nở hoa, nâng cao lượng hoa và quả. Nếu thiếu lân ở giai đoạn này, thì quá trình phân hóa mầm hoa bị ngừng hoặc chậm ra hoa, tỷ lệ đậu quả sẽ rất thấp, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cà phê. Trời nắng nóng, đất khô cằn trong mùa khô sẽ  làm lân trong đất bị cố định ở các dạng cây không hút được, dẫn đến tình trạng thiếu lân ở cà phê càng trở nên trầm trọng và việc bón các loại phân có lân dễ tan trong mùa khô là rất quan trọng và cần thiết.

– Kali sẽ là yếu tố giúp tăng tỷ lệ kết quả, tăng sức chống chịu sâu bệnh và thời tiết thất thường. Thiếu kali lá cây cà phê sẽ mỏng, mép lá khô, lá già sẽ nhanh rụng, nguy hiểm là sẽ rụng hàng loạt khi gặp những đợt gió đầu mùa. Thiếu kali cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hoa và quả non rụng nhiều, tỷ lệ quả 1 nhân cao, năng suất và chất lượng giảm thấp.

Bón phân trung, vi lượng

Các yếu tố dinh dưỡng trung lượng như lưu huỳnh,  canxi, magiê là rất cần cho cà phê trong mùa khô, giúp cho nở hoa tốt, tỷ lệ kết quả cao, năng suất chất lượng tăng cao.

– Thiếu lưu huỳnh, lá sẽ non mỏng, giòn lá, lá chuyển vàng.

– Thiếu magiê, canxi, dễ gãy cành,cây yếu, rụng quả cho năng suất thấp.

– Các nguyên tố vi lượng như kẽm, sắt, đồng, bo, mangan, molypđen và clo cũng rất cần thiết cho việc tượng hoa, ra hoa, đậu quả, hạn chế rụng quả non của cà phê trong mùa khô. Ngoài ra các nguyên tố vi lượng này còn có tác dụng giúp cà phê tăng sức chống chịu sâu bệnh và chịu được nắng nóng trong mùa khô kéo dài. Khi thiếu các nguyên tố vi lượng này , cây sẽ  cằn cỗi, lá non nhăn hoặc dài ra, hạt phấn chậm phát triển, khả năng đậu quả thấp, sâu bệnh xuất hiện nhiều, năng suất và chất lượng thấp.

3. Phòng trừ sâu bệnh cho cây cà phê sau thu hoạch

Cần chú ý phòng trừ các loại sâu bệnh như: rỉ sắt, đốm mắt cua, rệp sáp, rệp vẩy, bọ xít trong mùa khô, đặc biệt bệnh rệp sáp rất phổ biến.

Phòng ngừa bệnh hại cho cây cà phê

Người dân cần phải theo dõi thường xuyên để phun thuốc ngay khi phát hiện có sâu bênh tránh để tình trang bệnh dịch phát triển nhanh, xâm nhập vào chùm quả sẽ rất khó diệt. Phun thuốc Fastac 5EC, Motox 2.5 EC hay Butal 10WP. Nếu cà phê bị rệp vẩy nên  phun Binhmor 40EC. Nếu cà phê bị bọ xít nên phun thuốc Cypermap 10EC.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Dự báo sâu bệnh tổng hợp trong tuần (13.11.2017)

Ở các tỉnh thành phía Nam, rầy nâu phổ biến tuổi 2 – 4, gây hại chủ yếu ở mức nhẹ – trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, hại nặng cục bộ trên lúa giai đoạn làm đòng trỗ.

1. Trên lúa

1.1. Các tỉnh phía Bắc: 

Rầy, sâu cuốn lá, chuột, nhện gié, bệnh khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, lem lép,… hại nhẹ trên lúa mùa muộn tại Hà Tĩnh.

1.2. Các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: 

– Trên lúa đông xuân cực sớm giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng các đối tượng bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông hại nhẹ; giai đoạn mạ – đẻ nhánh sâu năn, sâu keo, bọ trĩ, dòi đục nõn… phát sinh gây hại nhẹ. Rầy, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh bạc lá… hại lúa mùa giai đoạn đẻ nhánh – chín.

– Chuột gây hại cục bộ trên lúa đông xuân giai đoạn đẻ nhánh và trên lúa gieo.

– Ốc bươu vàng di chuyển và lây lan theo nguồn nước và gây hại diện rộng sau mưa lũ.

1.3. Các tỉnh phía Nam: 

– Rầy nâu phổ biến tuổi 2 – 4, gây hại chủ yếu ở mức nhẹ – trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, hại nặng cục bộ trên lúa giai đoạn làm đòng trỗ.

– Bệnh bạc lá có khả năng phát triển mạnh trên lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh đến trỗ, trên những diện tích lúa quá tốt do bón thừa phân đạm, nhất là trên các giống nhiễm C10, OM 4900, OM 5451, OM 7347…

2. Trên cây trồng khác

– Trên ngô và cây rau màu: Các đối tượng gây hại tiếp tục hại nhẹ – trung bình.

– Cây hồ tiêu: Tuyến trùng rễ, bệnh chết chậm giảm; bệnh chết nhanh gây hại tăng nhẹ.

– Cây cà phê: Bệnh khô cành, gỉ sắt; rệp vảy xanh, rệp sáp, bệnh đốm mắt cua… gây hại tăng.

– Cây có múi: Sâu vẽ bùa, ruồi đục quả, bệnh loét, bệnh sẹo… hại tăng.

– Cây thanh long: Bệnh đốm nâu tăng nhẹ.

– Cây điều: Bọ xít muỗi và bệnh thán thư tiếp tục phát sinh gây hại tăng.

– Cây mía: Bệnh chồi cỏ, bệnh trắng lá… gây hại cục bộ mía ở vùng ổ dịch.

– Cây sắn: Nhện đỏ, bệnh chổi rồng, bệnh khảm lá sắn… tiếp tục gây hại.

Nguồn: Cục Bảo vệ thực vật được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Quy trình sơ chế “Ủ” phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê

Vỏ cafe là nguồn nguyên liệu rất tốt để chế biến phân hữu cơ vi sinh chất lượng cao. Chất dinh dưỡng trong 1kg vỏ cafe tương đương 3 kg phân chuồng loại tốt . Vì hàm lượng hữu cơ cao trên 30% nên vỏ cafe đem bón mà không được ủ hoai mục thì lại là nguồn gây bệnh cho cây trồng.

Sử dụng 01 kg men HB-01 ủ cho lượng vỏ cafe của 1,2 – 1,5 tấn nhân.

CÁCH 1 : ủ theo quy trình chuẩn để được phân hữu cơ vi sinh chất lượng cao.

Chuẩn bị nguyên liệu:

  • Vỏ café : 1 tấn
  • Phân chuồng : 0,5 m3 (nhiều hơn càng tốt)
  • Lân nung chảy : 25-50 kg
  • Urê : 5 kg
  • Mật mía (hay đường vàng) : 0,5-1 kg
  • Men HB-01 : 1 kg (có thể nhiều hơn)

Qui trình :

Bước 1 : làm ẩm toàn bộ vỏ cà phê, tưới nước nhiều lần trước khi ủ sao cho vỏ mềm, để ráo nước (nếu không có điều kiện tưới thì khi trộn men có thể dùng ít nước tưới cho đều, hạn chế để róc nước, rồi sau 1 tuần ủ sẽ bổ sung thêm nước).

Bước 2 : hòa toàn bộ men trong nước đường (mật), lượng nước nhiều hay ít tùy vào lượng men và độ ẩm của vỏ cafe, tưới hỗn hợp vào đống vỏ, để thời gian 3-5 tiếng đồng hồ cho ngấm đều (làm sao khi tưới trộn hỗn hợp men phải bám tương đối đều cả trên lẫn dưới đống vỏ, nước men không bị rỉ xuống dưới).

Bước 3 : tiến hành ủ : hỗn hợp vỏ cafe + lân + urê + phân chuồng được trộn đều, chọn chỗ đất bằng và nhẵn, rải một lớp vỏ quả 40cm rộng ít nhất 2,0m, chiều dài tùy thuộc vào lượng vỏ café thành luống rồi tưới nước men đều lên mặt luống. Tiếp tục rải một lớp hỗn hợp dày 30cm và tưới nước men….làm khoảng 5 lớp sao cho đống ủ cao >1,5m. Ủ xong phủ toàn bộ bạt để giữ ẩm và nhiệt. Tuyệt đối không được nén chặt đống ủ ( không dẫm đạp lên đống ủ) .

Bước 4 : Sau khi ủ một tuần thì tiến hành kiểm tra đống ủ: đống ủ nóng, có nhiệt độ 70 độ C trở lên, có màu nâu đen là tốt, màu nâu nhạt là do thiếu nước, phải tưới thêm nước (hầu như toàn bộ đều phải tưới thêm nước). Lượng nước nhiều quá hoặc ít quá đều ảnh hưởng đến quá trình phân hủy của men.

Sau 20 ngày tiến hành đảo trộn, lên đống và nén thật chặt, khoảng 75 – 90 ngày đống ủ sẽ hoàn toàn hoai mục, ta tiến hành rỡ bạt để 1- 2 ngày rồi mang đi bón hoặc hong khô đóng bao

CÁCH 2: ủ tắt để phân hủy vỏ trấu caphe hoai mục (cách này không dùng chất phụ gia)

Qui trình :

Bước 1 : làm ẩm toàn bộ vỏ cafe, tưới nước nhiều lần trước khi ủ sao cho vỏ trấu mềm, để ráo nước, (nếu không có điều kiện tưới thì khi trộn men có thể dùng ít nước để tưới cho đều, hạn chế rỉ nước rồi sau 1 tuần ủ sẽ bổ sung thêm nước).

Bước 2: hòa 1kg men trong 50– 100L nước (lượng nước nhiều hay ít tùy vào lượng men và độ ẩm của vỏ quả cafe, làm sao khi tưới trộn men phải bám tương đối đều cả trên và dưới của đống ủ, nước men không bị rỉ xuống dưới), để thời gian 3-5 tiếng đồng hồ. Chọn chỗ đất bằng và nhẵn, rải một lớp vỏ cafe 40cm rộng tối thiểu 2,0m, chiều dài tùy thuộc lượng vỏ cafe, rồi tưới nước men đều lên mặt luống. Tiếp tục rải 30cm vỏ và tưới nước men… làm khoảng 5 lớp sao cho đống ủ cao >1,5m. Ủ xong phủ bạt lên toàn bộ để giữ ẩm và nhiệt, tuyệt đối không được nén chặt đống ủ ( không đi lại trên đống ủ) .

Bước 3: Sau khi ủ một tuần thì tiến hành kiểm tra đống ủ: đống ủ nóng (có nhiệt độ > 70oc), đống ủ có màu nâu đen là tốt, màu nâu nhạt thì thiếu nước khi đó phải tưới thêm nước. (Hầu như toàn bộ phải tưới thêm nước).
Lượng nước nhiều quá hoặc ít quá đều ảnh hưởng đến quá trình phân hủy của men.

Sau 20 ngày tiến hành đảo trộn, lên đống và nén thật chặt, khoảng 75 – 90 ngày đống ủ sẽ hoàn toàn hoai mục ta tiến hành dỡ bạt để 1- 2 ngày rồi mang đi bón hoặc hong khô đóng bao.

Cách sử dụng phân vi sinh :

  • Cafe kiến thiết cơ bản bón 2-3 kg/cây ; cà phê kinh doanh bón 4-6 kg/cây.
  • Phân ủ có mật độ vi sinh vật sống cao nên khi bón đất phải ẩm càng nhiều càng tốt (bón vào mùa mưa là tốt nhất).
  • Không nên trộn chung với các loại thuốc hóa học để vi sinh vật tiếp tục hoạt động giúp cho cây cafe chống bệnh thối rễ vàng lá.
  • Những cây cà fê nào bị thối rễ vàng lá thì bón nhiều phân ủ và giảm phân vô cơ.

*** Ghi chú thêm :

  • Cách tưới nước bổ sung: dùng ống nước cắm trực tiếp vào đống ủ rồi bơm nước, thường xuyên tưới bổ sung cho đống ủ.
  • Không sử dụng nước máy hay các loại phân khác để ủ.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Hướng dẫn cách phơi cà phê kiểu mới đem hiệu quả cao

Cách phơi cà phê kiểu mới đem hiệu quả cao Viện khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên đề xuất cách phơi cà phê mới đơn giản, dễ áp dụng ở từng nông hộ và có thể vừa hái vừa phơi trên rẫy.

Phơi cà phê trên giá

Dùng những cây tre/thanh gỗ đóng giá phơi giống như kiểu làm cây thang. Tùy vị trí đặt và phương tiện chuyên chở giá phơi đến vị trí phơi, chiều dài một khung tre có thể từ 2 – 6 m. Cắt các khúc ngọn tre làm thanh đà ngang dài 1,2 hoặc 1,4 m. Đục các lỗ tương ứng cách nhau 40 cm trên hai thanh dài để lắp các thanh đà ngang. Dùng ngàm/chốt nối 2 đoạn tre dài với các đoạn tre ngắn thành khung giá. Chẻ những thanh tre có bản rộng 2 – 3 cm, chuốt sơ, tề đầu, đóng cách nhau 3 cm vào các thanh đà. Chân giàn cao 0,7 – 0,8 m tiện cho việc đứng phơi, thu gom; có thể đóng cố định xuống đất, tạo thành ngựa hay dùng các sọt nhựa hình chữ nhật dễ di chuyển. Dựng giá phơi ở chỗ nhiều nắng và có gió càng tốt. Dùng bạt nhựa loại 2 da hay có chỉ (bền, xài được nhiều năm) rộng 1,5 – 1,6 m trải lên mặt giàn. Hái được bao nào, đổ lên giàn, trải mỏng phơi liền. Gặp mưa chỉ cần kéo nửa tấm bạt đậy lại, trời hửng giở ra, lâu lâu quơ tay đảo trở.

Phơi cà phê trên giá kết hợp với hiệu ứng lồng kính

Giá phơi làm như trên. Làm thêm tấm “kính” bằng nylon hay polyester trong suốt có kích thước bằng hay lớn hơn một chút với giá phơi. Trong 1 giờ đầu buổi sáng, tấm “kính” được đậy lên giàn phơi. Khi bên ngoài nhiệt độ 20 – 30 độ C, bên trong lồng kính tăng đến 40 – 50 độ C, hơi nước trong trái cà phê bay hơi nhanh hơn. Sau 1 – 1 giờ 30, dùng đoạn cây dài 30 – 40 cm chống một bên của tấm “kính” lên, việc này quan trọng giúp hơi nước bay đi mà không thấm lại vào trái cà phê. Nắng vẫn xuyên qua tấm “kính”, nhiệt độ trong lồng kính cao vẫn làm sự bay hơi nước liên tục, cà phê mau khô. Nếu trời mưa, chỉ cần sập tấm “kính” xuống là cà phê không bị ướt.

Nhà kính phơi cà phê

Phát triển từ phơi giá và tấm “kính” làm tăng nhiệt độ, phơi cà phê mau khô. Theo cách này, chế nhà vòm mỗi chiều khoảng 2,5 – 3 m lợp “kính”, dựng ngoài trời, có “nồi hút gió” trên nóc. Phủ “kính” kín từ nóc, tứ bề đổ xuống nền xi măng. Bố trí 2 – 3 cửa thông (lấy) gió dài 30, rộng 15 cm ở hai bên, cách mặt đất 20 cm. Trong nhà vòm có nhiều tầng đặt giá lưới sắt hay nan tre, giá dưới cùng cách mặt đất 30 – 35 cm, các tầng trên cách nhau 25 – 30 cm. Khi trời nắng, nhiệt độ ngoài trời đạt 30 độ C thì trong nhà vòm là 60 độ C, cà phê rất mau khô. Không khí trong nhà vòm bị nung nóng bởi hiệu ứng nhà kính bốc lên cao đi qua các giàn cà phê cần phơi, bay ra ngoài qua nồi gió. Các luồng không khí đi vào từ bên dưới, vào nhà vòm, bốc lên cao một cách tuần hoàn; trong khi không khí nóng di chuyển giúp cà phê khô mau.

Nguồn: Trung tâm nguyên cứu nông vận nông được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Người dân trồng mía Khánh Hòa trắng tay sau bão

Hàng ngàn ha mía ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) đổ rạp, gãy ngọn, bật gốc sau bão 12 đi qua. Một vụ mía trắng tay.

Đã nhiều năm, người trồng mía Khánh Hòa mới chịu thiệt hại nặng nề đến như thế. Nhiều người thua lỗ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng.

Đổ rạp, bật gốc toàn bộ

Là địa phương có diện tích mía lớn của tỉnh Khánh Hòa, khi cơn bão số 12 đi qua, hầu hết các cánh đồng mía ở TX Ninh Hòa đều bị hư hại. Thống kê sơ bộ, có 7.768ha mía chịu thiệt hại do bão. Trong đó, nhiều địa phương như Ninh Thượng, Ninh Tây, Ninh Sim… diện tích thiệt hại trên 1.000ha.

Sau bão, diện tích trồng mía trên địa bàn TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) chịu thiệt hại nặng nề

Ông Lê Thiện Nhất, Phó chủ tịch xã Ninh Sim, cho biết, trên địa bàn có khoảng 1.800ha mía gãy đổ, bật gốc. “Tùy từng cây ở độ tuổi nào mà chịu ảnh hưởng ở mức độ khác nhau. Những cây lớn thường bị gãy ngọn, thân, còn  cây nhỏ thì đổ rạp, bật gốc. Nói chung là tỷ lệ diện tích thiệt hại lên đến 100%. Chắc chắn năng suất mía sẽ giảm khoảng 50%”, ông Nhất nói.

Được biết, vụ thu hoạch mía tại Ninh Hòa sẽ bắt đầu từ cuối tháng 12 cho đến tháng 5 năm sau. Qua quan sát, hầu như toàn bộ những cây mía lớn, chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là thu hoạch đều bị gió bẻ gãy ngang thân, ngọn đứt lìa. “Năng suất sẽ giảm khoảng 50 – 70% vì cây đã gãy như thế thì không phát triển được nữa”, ông Cao Văn Cảnh (Ninh Sim) – một người dân trồng mía cho biết.

Vụ mía này, ông Cảnh canh tác diện tích 20ha. Tính tất cả chi phí đầu tư, phân bón, nhân công… ông đã bỏ ra khoảng 800 triệu đồng. Bình thường với diện tích này mỗi năm sẽ đem lại cho ông khoảng 200 – 300 triệu tiền lời thì năm nay, gia đình ông sẽ thua lỗ với con số tương tự.

Trắng tay sau bão

Cũng giống như ông Cảnh, do ảnh hưởng của bão, toàn bộ 57ha mía của gia đình ông Nguyễn Hữu Điền (Ninh Xuân, Ninh Hòa) cũng thiệt hại hoàn toàn. Ông Điền nghẹn ngào: “Còn gì đâu mà nhắc đến nữa. Tôi bỏ ra hơn 2 tỷ đồng đầu tư cho đồng mía giờ toàn bộ vốn liếng gần như đi sạch. Dù có vớt vát lại cũng phải lỗ gần cả tỷ đồng rồi. Số tiền lỗ còn có thể hơn nữa vì năm nay, mía đổ nghiêng ngả nên thu hoạch khó. Tiền công chặt năm ngoái trung bình 200.000 đồng mỗi tấn chứ năm nay có thể lên đến 300.000 đồng, càng thêm lỗ”.

Những cây mía sắp đến thời kỳ thu hoạch đều bị gió bão làm gãy ngọn

Đau xót không kém là trường hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Được (Ninh Tây). Mấy ngày nay, dù căn nhà của ông bị đổ sập, mọi thứ còn ngổn ngang chưa dọn dẹp nhưng vì quá buồn bã ông cứ đi loanh quanh khắp nơi cho khuây khỏa. Toàn bộ diện tích 45 ha mía của ông đều bị bão tàn phá hư hại.

“Mất sạch rồi chú à. Mấy ngày nay người trồng mía chúng tôi đã khóc cạn nước mắt. Trồng mía ở đây mấy chục năm chưa có năm nào cây mía bị tàn phá hoàn toàn như thế. Trong 6 tiếng đồng hồ, bao nhiêu tiền bạc, vốn liếng ra đi sạch”, ông Được nói.

Lặng lẽ đi vào ruộng mía, ông Được cho biết thêm, với cây mía đã ngã đổ thì người dân chỉ biết để vậy chứ không có cách nào khắc phục. Khi nào thu hoạch chặt được chừng nào hay chừng đó. “Mía chưa phát triển tối đa đã gãy đổ thì tỷ lệ chữ đường cũng thấp, giá bán thấp hơn. Những cây mía còn nhỏ, khoảng 6 – 7 tháng nữa mới thu hoạch giờ bị ngã như thế chỉ bỏ luôn chứ làm gì được. Tính ra năm nay nhà tôi thua lỗ gần 700 triệu đồng”, ông Được nói.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.