Trồng sen kết hợp nuôi cá

Trồng sen kết hợp nuôi cá ở Thừa Thiên Huế

Mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá ở huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, mà còn giúp cải thiện môi trường. Ở huyện Phong Điền đã hình thành được một số vùng chuyên canh trồng sen kết hợp nuôi cá như ở các xã Phong An, Phong Thu và thị trấn Phong Điền với khoảng gần 70 ha. Người dân địa phương thường tận dụng ao, hồ, bàu, đầm… hoang hóa để trồng sen kết hợp nuôi cá rô phi, cá chép…

trồng sen kết hợp nuôi cá

Từ việc chuyển đổi được trên 20 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen, Chủ tịch UBND xã Phong An, Hồ Đôn cho biết, địa phương khuyến khích người dân khai phá ao, đầm hoang hóa hoặc ruộng lúa chỉ sản xuất được một vụ chuyển đổi sang trồng sen kết hợp nuôi cá. Mỗi năm, 1 ha sen cho thu nhập khoảng 50 – 60 triệu đồng, chưa kể khoản thu nhập từ bán giống, ngó, hoa, lá sen và cá. Qua những mô hình trồng sen, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, tạo thêm việc làm giúp nhiều hộ thoát nghèo vừa giúp cải thiện môi trường.

Tại thành phố Huế sen trắng được trồng tập trung ở các hồ: Tịnh Tâm, Mân, Tàng Thơ… Ở huyện Quảng Điền, sen trồng nhiều ở các xã vùng thấp trũng như: Quảng An, Quảng Thọ… Những ngày này dọc các tuyến đường ở thành phố Huế như: Đinh Tiên Hoàng đoạn qua hồ Tịnh Tâm, Trần Hưng Đạo, Huỳnh Thúc Kháng hay ở các chợ Đông Ba, An Cựu đều có thể mua được nhiều sản phẩm từ sen. Tính theo giá bình quân hạt sen tươi chưa bóc vỏ trên 50.000 đồng/kg; sen bóc vỏ gần 200.000 đồng/kg; sen đã bóc vỏ, phơi khô từ 400.000 đồng/kg trở lên; Hoa sen 15.000 – 20.000/bó gồm 10 cành; ngó sen 7.000/kg.

Theo kinh nghiệm của những người trồng sen, đầu tháng Hai âm lịch, khi thời tiết ấm dần lên là thời điểm thích hợp để xuống giống sen. Nếu chăm sóc tốt, chỉ khoảng hơn một tháng sen sẽ ra hoa. Sen rất dễ trồng, ít công chăm sóc,chi phí phân bón thấp. Một thuận lợi với người trồng sen ở Thừa Thiên – Huế là đầu ra rất ổn định. Thương hiệu “sen Huế” cũng được nhiều người biết đến.

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Trồng xen sả dưới tán cây cao su – hướng đi mới hiệu quả cho nông dân quảng trị

Trồng xen sả dưới tán cây cao su – hướng đi mới hiệu quả cho nông dân Quảng Trị

Gio Sơn là một xã miền núi thuộc huyện Gio linh tỉnh Quảng Trị, nổi tiếng với các nông trường cao su bạc ngàn. Trong những năm gần đây việc nông trường giao cao su cho người dân quản lí, khai thác, vệ sinh đã tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế từ mô hình trồng sen sả dưới tán cao su còn nhỏ.

Sả là loại cây trồng rất phổ biến ở thế giới, có thể trồng quanh nhà với quy mô hộ gia đình hay trồng lớn theo quy mô nông trường. Hiện nay trên thế giới có 9 giống sả, nhưng ở Việt Nam phổ biến nhất là 2 giống sả chanh và sả Java. Hiện ở vùng Gio Sơn, người dân phát triển trồng chủ yếu là cây sả chanh( sả tím) – sả tím là loại cây không kén đất, nhưng với đất đỏ ở vùng Gio Sơn thì rất thuận lợi để cây sả phát triển. Khi xen canh với cây cao su, nông dân có thể tận dụng công chăm sóc cao su để làm sạch đất cho sả. Sả với thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ tầm 3-4 tháng cho 1 vụ thu hoạch, tiềm năng kinh tế cao khi được dùng cho cả thực phẩm lẫn nấu tinh dầu phục vụ cho dược phẩm,…giá sả cũng khá ổn định, giao động từ 6000- 8000đồng /1kg sả thương phẩm và 7000-9000 đồng/1kg cho sả giống. với 1ha cao su, khi xen canh với cao su có thể thu hoạch được từ 7 – 8 tấn sả thương phẩm, mang lại thu nhập 50-70 triệu đồng 1 năm. Hiệu quả kinh tế lớn hơn rất nhiều so với trồng các loại cây trồng khác.

cây sả được trồng xen canh

Việc chăm sóc sả cũng không quá khó khăn vì sả cũng khá ít bệnh, chủ yếu là bệnh gỉ sắt do nấm , hay rệp, thối gốc,… những bệnh này dễ dàng xử lí , phòng ngừa được.

Bên cạnh đó, 1 số người dân trong vùng mở rộng thêm diện tích cũng như học thêm cách nấu tinh dầu sả để tận dụng lá sả trong quá trình thu hoạch, nâng cao giá trị kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm và tạo được thị trường ổn định hơn cho bà con nông dân.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Trồng cây lạc dại bổ sung hữu cơ và vi sinh vật tốt cho đất

Để đủ dinh dưỡng cho cây trồng và bảo vệ đất, ngoài tăng cường bón các loại phân hữu cơ, người ta còn phải sử dụng biện pháp phủ bổi (multring) bằng thân xác thực vật và trồng cây phủ đất

Lịch sử cây lạc dại

Ở Việt Nam, cây lạc dại được biết đến và trồng lần đầu tiên thẹo dự án nghiên cứu hệ thống nông nghiệp miền núi phía Bắc từ năm 1999 và bắt đầu nghiên cứu ứng dụng tại Bắc Kạn, được Bộ NN & PTNT công nhận công nhận tiến bộ kỹ thuật.

Theo Lê Quốc Doanh, năm 2007 Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã làm thí nghiệm với kết quả: trồng cây lạc dại trong một số vườn mận trên vùng sườn đồi tại huyện Mộc Châu có khả năng làm giảm 72,4% lượng đất bị xói mòn và năng suất mận tăng 25% khi thảm lạc dại đã phát triển mạnh. Trong những tháng khô hạn thì ẩm độ đất dưới thảm lạc dại bao giờ cũng cao hơn so với đối chứng từ 10 đến 50% tuỳ thuộc vào độ dày của thảm che phủ và điều kiện đất đai.

Sau khi trồng cây lạc dại được 6 tháng, tỉ lệ che phủ vườn đạt 100% và lượng chất khô thu được là 4.800 kg/ha. Năng suất xanh cây lạc dại ước đạt hơn 136 tấn/ha/năm tương đương 20 – 25 tấn chất khô. Hàm lượng đạm tổng số 2,87%, lân tổng số 0,95%, kali 1,78%. Cây lạc dại có khả năng cố định đạm từ 200 – 300 kg N/ha/năm hoặc với lượng chất xanh trên một năm cây lạc dại có thể trả lại cho đất lượng dinh dưỡng rất cao (595 kg N/ha, 140 kg P O /ha và 200 kg K O/ha).

 Kiểm tra một số chỉ tiêu của đất trong vườn tiêu, so sánh giữa lô có trồng lạc dại và lô đối chứng không trồng lạc dại, số liệu khảo sát một số chỉ tiêu của đất và biến động số lượng tuyến trùng trong đất trong sáu tháng mùa khô cho thấy:

  • Độ ẩm đất trong lô trồng lạc dại suốt trong mùa khô luôn cao hơn nhiều so với lô không trồng lạc dại
  •  Hợp chất hữu cơ đất được tăng dần trong lô trồng lạc dại

 Qua thực tiễn trồng cây lạc dại phủ đất trong vườn cây ở các nơi, chúng ta có nhận xét: Cây lạc dại có tranh dinh dưỡng với cây trồng, nhưng cuối cùng cây lạc dại đã bảo vệ, chống rữa trôi, giữ ẩm đất và đưa lại cho đất một khối lượng hữu cơ lớn.

Công dung của cây lạc dại

  •  cây lạc dại cố định lượng phân đạm rất lớn cho đất và cây trồng
  • Trồng cây phủ đất, đặc biệt là cây lạc dại, trong vườn cây là hình thức bón phân hữu cơ và bảo vệ đất rất hiệu quả cho cây trồng
  • Trồng cây lạc dại đã làm phong phú, đa dạng hóa sinh học có lợi
  • Làm giàu quần thể vi sinh vật có ích, vi sinh vật đối kháng
  •  Là tác nhân rất quan trọng, tăng sức sống và độ phì đất, làm tăng sức sống và sự đề kháng của cây trồng và quản lý dịch hại có hiệu quả

Thực trạng hiện nay

Trồng lạc dại xen lẫn cây tiêu

Hiện nay, có người còn phân vân rằng cây lạc dại cũng có sâu bệnh, nếu trồng xen sẽ lây bệnh cho cây trồng. Ý kiến này đúng, tuy nhiên kinh nghiệm trong nước và trên thế giới cho thấy, trồng cây lạc dại trong vườn cây đều đem lại lợi lớn cho cây trồng hơn là mặt có hại. Ở nước ta, việc trồng xen cây lạc dại đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật. Từ những lợi ích nói trên, trong vườn cây không nên làm sạch cỏ. Nên trồng cỏ có định hướng để bảo vệ và làm giàu cho đất. Không nên dùng thuốc trừ cỏ trong vườn cây. Thuốc trừ cỏ gây hại cho đất nhất là làm suy giảm hệ vi sinh vật, làm giảm đa dạng hóa sinh học đất. Sử dụng biện pháp trừ cỏ “lợi bất cập hại”.

Tiến bộ kỹ thuật trồng cây phủ đất trong vườn cây lâu năm đưa vào nước ta đã rất lâu, nhưng những nghiên cứu và khai thác còn quả hạn chế.

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Dùng kính phủ nano kích thích tăng trưởng rau xanh

Kính nano sẽ chuyển màu ánh sáng sang xanh và đỏ, giúp cây trồng dễ quang hợp và mau lớn.

Trường Bách khoa Nanyang Polytechnic (NYP) và tập đoàn sản xuất kính an toàn Singapore Safety Glass (SSG) hợp tác phát triển loại kính ứng dụng công nghệ nano nhằm mục đích nâng cao năng suất nông nghiệp.

Qua thử nghiệm, loại kính trong suốt không màu dùng làm nhà kính trồng xà lách, rau mùi và xà lách rocket đã giúp các loại rau này tăng chiều cao nhanh gấp 3 lần so với thông thường, diện tích lá cũng lớn hơn 40% mức trung bình.

Đội ngũ nghiên cứu của NYP đã tạo nên một hỗn hợp chứa các hạt nano có khả năng thay đổi màu sắc ánh sáng mặt trời thành màu xanh và đỏ, giúp cây dễ quang hợp hơn. Các hạt nano được nhúng vào một lớp polymer tích hợp trong tấm kính an toàn.

Ông Gan Geok Chua – Giám đốc Điều hành Tập đoàn SSG cho biết sự phát triển nhanh chóng của dân số và biến đổi khí hậu trên thế giới sẽ khiến nguồn lương thực sẽ không đủ cung cấp trong vòng 10-20 năm tới. Do đó việc ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp rất cần thiết để góp phần giải quyết vấn đề này.


Công nghệ mới này giúp tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời mà không cần dùng đến nguồn điện.

Công nghệ kính mới mang tên Nano Glo-n-Grow giúp tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời mà không cần dùng đến nguồn điện. Nhờ vậy giá thành sản xuất rẻ hơn nhiều so với những phương pháp tăng cường sinh trưởng cây trồng đang thực hiện như dùng hệ thống đèn LED chiếu sáng màu đỏ và xanh dương.

“Dự kiến chúng tôi sẽ thương mại hóa phát minh này trong vòng 1-3 năm nữa sau khi nghiên cứu hoàn thiện vật liệu hiệu quả hơn”, ông Gan Geok Chua chia sẻ.

Bà Hannah Gardner – giảng viên cao cấp tại NYP, người đứng đầu dự án, từ chối tiết lộ các thành phần chi tiết của loại kính này. Tuy nhiên bà nói rằng việc sản xuất không quá phức tạp, nguyên liệu dễ kiếm và giá rẻ, có thể mua được ngay ở các cửa hàng tạp hóa bình thường.

Các nhà nghiên cứu phát triển hạt nano bằng phản ứng hóa học và nhiệt độ. Đường kính mỗi hạt trong khoảng từ 3-20 nanomet, tùy thuộc vào mục đích chuyển màu sắc ánh sáng. Đây là kích thước nhỏ hơn bề rộng của một sợi tóc người khoảng 10.000 lần. Các hạt nhỏ này sẽ chuyển đổi bước sóng ánh sáng ngắn hơn hoặc tạo màu xanh hơn.

Dự án này thu hút nhiều sinh viên năm cuối tại NYP tham gia như một đề tài nghiên cứu về khoa học vật liệu mới. Các thành viên gặp nhiều khó khăn trong việc kết hợp giữa chất hóa học và nhiệt độ để cho ra vật liệu lý tưởng. Tuy nhiên sau 12 tuần thử nghiệm, họ đã thành công trong việc dùng kính nano để chuyển đổi màu sắc ánh sáng.

“Cách làm này giúp sinh viên thêm tính sáng tạo, giúp họ có thêm nhiều kiến thức hữu ích có thể ứng dụng trong nền kinh tế tri thức và nông nghiệp sạch sau này”, Tiến sĩ Choo Keng Wah – Phó giám đốc NYP nhấn mạnh.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Đua nhau tự phát trồng chuối già nam mỹ xuất khẩu, lĩnh ‘quả đắng’!

Đua nhau tự phát trồng chuối già Nam Mỹ xuất khẩu, lĩnh ‘quả đắng’!

Sự việc chuối cấy mô giống Nam Mỹ ở tỉnh Đồng Nai không ai mua, người dân TP.HCM phải chung tay “giải cứu” mua với giá 2.000-3.000 đồng/kg thì tại tỉnh Tây Ninh cũng đang xảy ra tương tự. Tổng diện tích trồng chuối già Nam Mỹ xuất khẩu của địa phương hiện có trên 371 ha, trong đó có khoảng 50% diện tích là người dân trồng tự phát không theo quy hoạch……

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, tổng diện tích trồng chuối già Nam Mỹ xuất khẩu của địa phương hiện có trên 371 ha, trong đó có khoảng 50% diện tích là người dân trồng tự phát không theo quy hoạch và không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đây cũng là một trong những lý do chính kéo giá bán chuối già Nam Mỹ xuống cực thấp trong thời gian qua, khiến sản phẩm này bị ứ đọng không thể tiêu thụ do cung vượt cầu. Người dân TP.HCM chung tay “giải cứu” chuối già Nam Mỹ vì không xuất khẩu được   Thậm chí, ngay cả diện tích có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cũng không tiêu thụ được. Trường hợp nông dân trồng chuối ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Cty TNHH TM DV Nông sản Ngọc Đĩnh (ấp 2, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM) là một ví dụ. Kết quả khảo sát của Sở NN-PTNT cho thấy, Cty Ngọc Đỉnh ký kết bao tiêu sản phẩm toàn phần với 5 hộ nông dân trồng chuối già Nam Mỹ của huyện Tân Châu với diện tích hơn 10 ha. Theo hợp đồng, Cty Ngọc Đỉnh có trách nhiệm cung cấp giống chuối cấy mô Nam Mỹ với giá 14.000 đồng/cây giống F1, bảo đảm chất lượng và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Trong quá trình trồng, chăm sóc, sản lượng chuối thành phẩm của người dân địa phương đạt năng suất khá cao, ước tính gần 80 tấn/ha. Tuy nhiên, từ đầu năm 2017 đến nay, chuối già Nam Mỹ chín rục đầy đồng nhưng Cty Ngọc Đĩnh vẫn không chịu thu mua do đơn vị này đến nay vẫn chưa ký được hợp đồng xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Sơn ở ấp Đông Thành, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, trồng 3 ha chuối Nam Mỹ từ năm 2016 có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Cty Ngọc Đĩnh cho biết, có lúc ông phải kêu thương lái vào bán chuối giá 2.000 đồng/kg nhưng thương lái cũng chỉ chọn chuối chưa có dấu hiệu chín, trái đẹp, còn những quày chuối đã có vài trái chín thì không mua. Ông Nguyễn Văn Sơn đành phải để chuối chín rục ngoài đồng vì không tiêu thụ được   “Tôi trồng chuối bằng giống cấy mô, hiện nay mỗi ngày chín cả tấn, nếu không tiêu thụ kịp thì chỉ có vứt bỏ”, ông Sơn bức xúc nói. Theo ông Nguyễn Duy Ân (PGĐ Sở NN-PTNT), Cty Ngọc Đĩnh ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người trồng chuối nhưng đã không thực hiện cam kết theo hợp đồng. Trước đó, do khi ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra nông sản, người nông dân và doanh nghiệp không thống nhất ký quỹ tại ngân hàng nên không có cơ sở để ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau. “Vì vậy, người dân trước khi chọn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cần phải cân nhắc, kiểm tra năng lực của doanh nghiệp đối tác, nếu doanh nghiệp không đồng ý ký quỹ thì người dân cần phải cân nhắc. Đặc biệt, nếu gặp khó khăn nên báo ngay cho ngành chức năng làm trung gian để giải quyết”, ông Ân khuyến cáo. Vấn đề đặt ra, hiện nay vẫn còn nhiều vườn chuối già Nam Mỹ với diện tích rất lớn đang chuẩn bị thu hoạch, cụ thể như trên địa bàn xã Tân Đông, theo ông Bùi Quốc Trung, Chủ tịch Hội nông dân xã thì diện tích lên gần 50 ha. Vì vậy, nếu vẫn tiếp tục tình trạng không có đầu ra và giá chuối xuống thấp, thì người trồng chuối có nguy cơ phá sản! Theo ông Võ Đức Trong (GĐ Sở NN-PTNT), thời gian qua, nhất là trong dịp tết vừa qua sức tiêu thụ chuối (các loại chuối không dùng để chưng mâm ngũ quả – PV) không mạnh, dẫn đến tình trạng giá chuối giảm xuống, thương lái ép giá người trồng. Đối với những người trồng chuối ký hợp đồng với các doanh nghiệp có uy tín, được bao tiêu sản phẩm, bảo đảm giá cả ổn định thì không có vấn đề gì. “Có thể nói, trong thực tế đang có một số doanh nghiệp hoạt động mập mờ, không minh bạch. Không riêng gì chuối, mà bất cứ giống cây trồng nào khác cũng thế. Nếu có ký hợp đồng cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm đầu ra với các Cty, doanh nghiệp, người dân cần phải thông qua chính quyền địa phương cũng như cơ quan chuyên môn trước khi đặt bút ký kết, như thế mới có cơ sở đảm bảo quyền lợi sau này”, ông Trong chia sẻ.

“Việc không tiêu thụ chuối già Nam Mỹ theo hợp đồng là ngoài ý muốn của doanh nghiệp do không có thị trường tiêu thụ. Nguyên nhân một phần khác là do nông dân tự ý trồng chuối quá sớm, không nghe theo khuyến cáo của Cty. Hiện nay, chúng tôi đang tích cực ráo riết tìm đối tác xuất khẩu để phần nào giảm thiệt hại cho bà con nông dân” – ông Trần Quốc Toàn, GĐ Cty Ngọc Đĩnh….

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam