Tỉnh Khánh Hòa: Thông báo sâu bệnh số 47 từ ngày 16/11 đến ngày 22/11/2017

Thời tiết tỉnh Khánh Hòa trong tuần qua do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên có mưa vừa đến mưa to trên toàn tỉnh. Cây lúa và các cây trồng khác sinh trưởng và phát triển bình thường.

Bệnh đạo ôn trên lúa

I .Cây trồng và giai đoạn sinh trưởng:

– Cây lúa:

Vụ Mùa: Đã thực hiện được 9.011 ha (chủ yếu ở Ninh Hòa, Vạn Ninh), lúa giai đoạn đẻ nhánh – chín, đã thu hoạch 800 ha, năng suất ước đạt 47 tạ/ha. Cơ cấu giống gồm ML48, ML202,TH6 ….

+ Trà 1: Gieo từ ngày 25/7/2017 đến ngày 31/8/2017, diện tích 2.500 ha, lúa giai đoạn đỏ đuôi – chín. Đã thu hoạch 800 ha.

+ Trà 2: Gieo từ ngày 10/9/2017 đến ngày 10/10/2017, diện tích 6.511 ha, lúa giai đoạn đẻ nhánh – trổ.

II. Nhận xét tình hình sinh vật gây hại trong 7 ngày qua:

1. Cây lúa: Trong tuần qua có những đối tượng gây hại cây lúa như sau:

+ Bệnh đạo ôn lá: Gây hại 13,5 ha ở Vạn Ninh, Cam Lâm, TLB 5-10%. Đã được phòng trừ. Tăng 8,5 ha so với cùng kỳ năm trước.

+ Ốc bươu vàng: Gây hại 03 ha, mật độ 3-5 con/m2 ở Vạn Ninh. Đã được phòng trừ. Giảm 06 ha so với cùng kỳ năm trước.

+ Sâu cuốn lá nhỏ: Gây hại 03 ha, lúa giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng ở Cam Lâm, mật độ 25-50 con/m2. Đã được phòng trừ. Giảm 21 ha so với cùng kỳ năm trước.

+ Sâu đục thân hai chấm: Gây hại 6 ha, lúa giai đoạn đẻ nhánh ở Vạn Ninh, TLH phổ biến 3 -5%. Đã được phòng trừ. Tăng 29 ha so với cùng kỳ năm trước.

+ Bệnh bạc lá: Gây hại 02 ha lúa giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng ở Cam Lâm, TLB 10-20%, đã được phòng trừ. Tăng 02 so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, Chuột gây hại 25 ha lúa giai đoạn đẻ nhánh – làm đòng, TLH 1-3%. Sâu đục thân hai chấm gây hại trên trà lúa đẻ nhánh, đứng cái, làm đòng, trổ với diện tích 13 ha, TLH 1- 5%, sâu tuổi 2, tuổi 3. Sâu cuốn lá nhỏ: gây hại rải rác trên các trà lúa đẻ nhánh, diện tích 14 ha, mật độ: 5-10con/m2, T3- T4.

2. Cây trồng khác:

Cây rau, đậu: Trên cây rau, đậu đang hồi phục sau bão và một số diện tích rau, đậu đang trồng mới. Bệnh thán thư gây hại rải rác nhiều giai đoạn trên cây dưa leo, ớt, khổ qua, hành, ở Diên Khánh, Ninh Hòa, Nha Trang diện tích 04 ha, TLB 3-5%. Sâu xanh, bọ nhảy gây hại rải rác trên cây rau cải, mồng tơi với diện tích 05 ha ở Nha Trang, Diên Khánh, Cam Ranh với TLH 10-15% cây.

Cây xoài: Ở Cam Lâm, bọ trĩ gây hại giai đoạn ra hoa – đậu trái với diện tích 11 ha, mật độ 5-20 con/cành. Bệnh thán thư gây hại ở nhiều giai đoạn, TLB 5-10%, diện tích 48 ha.

III. Đề nghị các biện pháp xử lý hoặc các chủ trương cần triển khai thực hiện ở địa phương:

Hiện nay chuẩn bị gieo sạ vụ Đông xuân, vậy đề nghị các trạm hướng dẫn bà con nông dân tiến hành vệ sinh đồng ruộng, làm đất, chuẩn bị giống để xuống giống theo đúng lịch thời vụ, chú ý thu lượm ốc bươu vàng, phòng trừ bọ trĩ trên trà lúa mới gieo. Theo dõi tình hình sâu bệnh trên lúa vụ mùa để có biện pháp phòng trừ kịp thời không ảnh hưởng đến năng suất.

Trạm Trồng trọt và BVTV Ninh Hòa có diện tích mía bị bệnh trắng lá mía cần chú ý theo dõi phát sinh phát triển bệnh và khuyến cáo hướng dẫn bà con nông dân cách phòng trừ nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại.

Trạm Trồng trọt và BVTV Khánh Sơn và Khánh Vĩnh thường xuyên kiểm tra theo dõi vườn cây chú ý bệnh sâu đục vỏ, xì mủ, nấm hồng, khô cành, chết cây….Đặc biệt là sâu đục thân, sâu tiện vỏ khi thấy có biểu hiện sự có mặt của sâu lập tức có biện pháp tiêu diệt như bắt thủ công, xông hơi, sử dụng thuốc lưu dẫn…Ngoài ra, cần tập trung hướng dẫn bà con bón phân cân đối hợp lý, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào các khâu chăm sóc nhằm tạo điều kiện tốt cho cây phát triển ở vụ sau.

Nguồn: Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Khánh Hòa.

Cách phòng trị bệnh đạo ôn hại lúa

Bệnh đạo ôn là bệnh quan trọng gây hại ở hầu hết các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa từ giai đoạn mạ – đẻ nhánh – trổ – chín và trên các bộ phận của cây như lá, cổ lá, đốt thân, cổ bông, hạt . Tuỳ theo bộ phân bị hại mà người ta gọi là bệnh đạo ôn lá (cháy lá), đạo ôn cổ lá hay đạo ôn cổ bông…

Bệnh đạo ôn có thể xảy ra quanh năm và thường gây hại nặng vào vụ Đông Xuân, những diện tích bị bệnh nặng có thể làm thất thu năng suất.

1. Triệu chứng:

– Trên lá: Bệnh gây hại chủ yếu giai đoạn mạ – đẻ nhánh. Lúc đầu vết bệnh chỉ là những chấm nhỏ, màu xanh xám, sau lớn lên có dạng hình thoi (mắt én) đặc trưng, viền nâu, tâm màu xám trắng. Trên các giống nhiễm đốm bệnh rất to, ngược lại giống kháng thì vết bệnh chỉ cở bằng đầu kim. Bệnh nặng, các vết bệnh liên kết lại làm lá bị cháy khô.

– Trên cổ lá, thân và cổ bông: triệu chứng ban đầu cũng có màu xám xanh sau chuyển sang nâu, do nấm tấn công vào mạch dẫn gây cản trở việc vận chuyển các chất dinh dưởng nuôi lá, thân và hạt làm cho lá, thân dễ gãy, hạt bị lép , lửng.

– Trên hạt : bệnh xảy ra vào giai đoạn trổ, vết bệnh trên hạt cũng có dạng mắt én, viền nâu, tâm xám trắng. Nếu bệnh tấn công sớm sẽ làm hạt bị lép, lửng.

2. Tác nhân gây hại:

Do nấm Pyricularia oryzae hay P. grisea gây ra. Bào tử nấm rất nhỏ, có thể bay cao và bay xa nên bệnh rất dễ lây lan nhanh trên diện rộng. Nhiệm vụ của bào tử này là hút các chất dinh dưỡng có trong cây lúa và ngoài ra còn tiết ra độc tố Pyricularin gây độc cho cây . Bào tử nấm Pyricularia oryzae hay P. grisea phát triển tốt trong điều kiện nhiệt độ mát từ 24 – 28 độ C, ẩm độ cao trên 80%, Trường hợp trong điều kiện khí hậu mát mẻ, sáng nắng, chiều mưa xen kẻ, trời có nhiều sương mù rất thích hơp cho bệnh xảy ra. Nấm bệnh thường lưu tồn trên ruộng, trong các gốc lúa và trong các loại cỏ dại mọc ven ruộng như cỏ lồng vực, cỏ đuôi phụng, cỏ chỉ, lúa chét…

3. Các yếu tố làm bệnh tồn tại và phát triển:

– Thời tiết : ẩm độ không khí cao, mưa nắng xen kẻ, sáng sớm và chiều tối có sương mù rất thuận lợi cho bệnh phát sinh gây hại.

– Nước : Tình trạng khô hạn gây thiếu nước trên ruộng khiến cây sinh trưởng kém, mất khả năng chống chọi nên bệnh xảy ra nặng.

– Giống : sử dụng giống dễ nhiễm bệnh đạo ôn

– Mật độ gieo sạ : gieo sạ càng dầy, tán lúa càng rậm, ẩm độ trên ruộng càng cao, bệnh càng dễ xảy ra.

– Bón phân : Bón không cân đối giữa N-P-K, bón thừa đạm, bón đạm muộn, phun phân bón lá có đạm nhất là giai đoạn đòng trổ … tạo điều kiện cho bệnh phát triển nặng hơn.

– Nguồn bệnh : nấm bệnh lưu tồn trong rơm rạ, cỏ dại, hạt giống… là nguồn bệnh lây lan qua vụ sau.

4. Các giai đoạn cần lưu ý bệnh đạo ôn :

– Giai đoạn mạ: thường phát sinh trên các giống nhiễm, làm cây suy yếu ảnh hưởng năng suất về sau.

– Giai đoạn cuối đẻ nhánh đến làm đòng.

– Giai đoạn trước và sau trổ.

Để hạn chế bệnh phát sinh phát triển gây hại , bà con thường xuyên thăm dồng, nhất là vào các giai đoạn cần lưu ý (quan sát kỹ từng bụi lúa, đặc biệt những nơi lúa tốt, rậm rạp nằm giữa ruộng hoặc gần bờ bao, cống bộng dẫn nước) để phòng trị kịp thời.

5. Phòng trị :

Áp dụng các biện pháp tổng hợp để phòng trị bệnh như :

– Sử dụng giống kháng bệnh hay kháng vừa. Có thể kết hợp để chọn giống có tính kháng bệnh đạo ôn và tính kháng rầy phù hợp với điều kiện địa phương, cho năng suất cao và phẩm chất tốt.

– Chọn hạt giống sạch bệnh, sạch cỏ và xử lý giống trước khi gieo sạ.

– Gieo sạ với mật số vừa phải , không gieo sạ dày . Lượng giống gieo sạ trung bình khoảng 80 – 120 kg/ha (tuỳ địa phương)

– Bón phân cân đối N-P-K. Lượng đạm bón vừa đủ từ 80 – 100 kg /ha (lưu ý nên bón đạm theo nhu cầu chứ không bón quá nhiều hay bón muộn,.,có thể dùng bảng so màu lá lúa để bón) Khi bệnh xảy ra ngưng bón đạm hay phun phân bón lá có đạm.

– Sau thu hoạch nên cày vùi rơm rạ để trả lại chất hữu cơ cho đất.

– Vệ sinh đồng ruộng, diệt lúa rày, lúa chét, làm sạch cỏ bờ… hạn chế mầm bệnh lưu tồn và lây lan sau này.

– Giữ mức nước trên ruộng phù hợp với từng nhu cầu sinh trường của lúa, tránh để ruộng khô khi bệnh xảy ra.
– Sử dụng thuốc hoá học đặc trị bệnh đạo ôn : Trizole 75WDG, 20WP, Lúa vàng 20WP, KiSaigon 10H, 50ND, Py Saigon 50WP.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Cách phòng trị bệnh khô vằn hại lúa

Là loại bệnh hại toàn thân, bệnh gây hại bẹ lá, phiến lá và cổ bông. Các bẹ lá sát mặt nước hoặc bẹ lá già ở dưới gốc thường là nơi phát sinh bệnh đầu tiên.

1. Triệu chứng:

Vết bệnh khô vằn trên toàn bộ cây lúa

Vết bệnh khô vằn trên bẹ lá đòng

– Trên bẹ lá xuất hiện các vết đốm hình bầu dục màu lục tối hoặc xám nhạt, sau lan rộng ra thành dạng vết vằn da hổ dạng đám mây. Khi bị nặng, cả bẹ lá và lá phía trên bị chết lụi.
– Vết bệnh lá tương tự như ở bẹ lá, thường vết bệnh lan rộng rất nhanh chiếm hết bề rộng ở phiến lá tạo ra từng mảng vân mây hoặc vằn da hổ. Các lá già ở dưới hoặc lá sát mặt nước là nơi phát sinh trước sau đó lan lên các lá phía trên.
– Vết bệnh ở cổ bông thường là vết kéo dài bao quanh cổ bông, hai đầu vết bệnh có màu xám loang ra, phần giữa vết bệnh màu lục sẫm co tóp lại.
– Trên vết bệnh ở các vị trí gây hại đều xuất hiện hạch nấm màu nâu, hình tròn dẹt hoặc hình bầu dục nằm rải rác hoặc thành từng đám nhỏ trên vết bệnh. Hạch nấm rất dễ dàng rơi ra khỏi vết bệnh và nổi trên mặt nước ruộng.

2. Tác nhân:

– Bệnh đốm vằn do nấm Rhizoctonia solani sống trong đất gây ra. Ngoài lúa, nấm còn gây hại trên rau cải, ngô, bầu bí, dưa, cà rốt, ớt… mầm bệnh lây lan qua nước tưới, đất mang mầm bệnh và tàn dư thực vật của cây trồng bị bệnh vụ trước.

Sợi nấm và hạch nấm Rhizoctonia solani Kuhn

3. Đặc điểm phát sinh, phát triển bệnh:

– Điều kiện thời tiết : Bệnh phát sinh mạnh trong điều kiện nhiệt độ cao, ẩm độ cao. Bệnh thường phát sinh trước tiên ở các bẹ lá và lá già sát mặt nước hoặc ở dưới gốc. Tốc độ lây lan lên các lá phía trên phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết mưa nhiều, lượng nước trên ruộng quá cao, đặc biệt ở vùng cấy dày. Giai đoạn đòng trỗ đến chín sáp là thời kỳ nhiễm bệnh nặng nhất.
– Ảnh hưởng của phân bón : Bón thừa đạm, bón đạm muộn, bón không cân đối N-P-K cùng với cấy mật độ cao tạo điều kiện cho bệnh phát triển mạnh.
– Nấm tồn tại dưới dạng hạch, sợi nấm trong đất, tàn dư cây trồng, rơm rạ, cỏ, lúa chét. Hạch nấm có thể sống một thời gian dài sau khi thu hoạch lúa, thậm chí trong điều kiện ngập nước vẫn có tới 30% số hạch giữ được sức sống, nảy mầm thành sợi.

4. Biện pháp phòng trừ :

– Làm vệ sinh đồng ruộng, thu gom sạch tàn dư cây bệnh từ vụ trước. Cày bừa, xới đất kỹ để chôn vùi hạch nấm, hạn chế sức sống của chúng ;
– Không dùng hạt giống ở những ruộng bị nhiễm bệnh. Cấy lúa dày vừa phải, bón cân đối NPK, phân chuồng trước khi bón phải được ủ hoai mục ;
– Kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phun trừ những diện tích lúa bị nhiễm bệnh khô vằn (có tỷ lệ từ 20% số dảnh bị bệnh), đặc biệt những ruộng lúa đang làm đòng, những ruộng lúa xanh tốt. Các loại thuốc hóa học có thể sử dụng để phun trừ bệnh như: Camilo 150SC, Chevil 5SC, Tilt 250ND, Anvil 5SC, Rovral 50WP, Callihex 5SC, Hecwin 5SC, A.v.tvil 5SC, Til calisuper 300EC …

Nguồn: Nongnghiep được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam