Phòng, trị côn trùng ký sinh trên da trâu bò

Ruồi, chấy, rận, bọ chét, ve, ghẻ, trong số đó, có nhiều loài ký sinh trên da trâu bò ở nước ta, gây tác hại lớn nhất là ve, ghẻ, rận, ruồi trâu và mòng.

Phòng bệnh:

– Tăng cường nuôi dưỡng, chăm sóc trâu bò, bê, nghé. Tắm cọ thường xuyên, nhốt riêng gia súc bị rận, ghẻ, ve.

– Phát quang đồng cỏ quá rậm rạp, thực hiện việc đốt đồng cỏ trước mùa mưa, luân canh đất canh tác có tác dụng diệt ve, tiêu nưới để trừ ruồi trâu, các chất độn chuồng đem đốt, phân đem ủ kỹ đúng kỹ thuật có tác dụng diệt ghẻ và ấu trùng ruồi mòng.

Trị bệnh:

Biện pháp cơ giới đơn giản nhất đối với ruồi trâu và mòng là đập chết.

Dùng hoá chất: Thuốc bôi, tắm, phun… Có thể dùng một trong các loại thuốc sau để tiêu diệt các động vật chân đốt ký sinh ngoài da gia súc như: Dipterex; Pyrethroids tổng hợp; Permethrin; Cypermethrin; Spinosad; Amitraz… (Cách sử dụng từng loại thuốc trên theo hướng dẫn của nhà sản xuất).

 Thuốc tiêm: Dùng Ivermectin tiêm dưới da với liều 0,2 mg/kg thể trọng, tiêm trong 2-3ngày liền và tiêm nhắc lại sau 10 ngày để diệt nội, ngoại ký sinh trùng gia súc.

 Dùng thuốc nam: Các loại hạt có chất độc để diệt ghẻ như: Hạt thàn mát, hạt máu chó, hạt củ đậu, giã nhỏ hoà với dầu ăn bôi lên chỗ ghẻ của gia súc. Sau 9 ngày bôi lại lần 2 diệt những con ghẻ mới nở.

Dùng lá cây thuốc lá diệt rận: 50 gram giã nhỏ cho 1 lít nước, cắt gọt lông gia súc, xát thuốc ngâm lá thuốc lá lên trên da gia súc mắc bệnh.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kinh nghiệm thiến trâu, bò

Thiến bò nhằm phá hủy hoàn toàn chức năng sinh lý của dịch hoàn và các tuyến sinh dục phụ của gia súc đực. Gia súc đực sau khi bị thiến sẽ bớt hung hăng, thuần tính, việc chăn dắt và sử dụng gia súc sẽ dễ dàng hơn. Gia súc nuôi lấy thịt thì sau thiến sẽ nhanh béo, thịt mềm, không có mùi hôi… Là 1 phương pháp chọn giống, giúp loại bỏ những con đực không đạt yêu cầu về phẩm chất.

Phương pháp cố định

Đứng nằm đều được. Đứng là tốt nhất: cố định trong giá 4 trụ.  Hai chân sau cố  định hình số  8. Phần ngực và bụng có dây thừng buộc đỡ để tránh khi thiến mà gia súc nằm xuống ( tránh gây nhiễm trùng vết mổ)

Chuẩn bị gia súc và vệ sinh

Dùng xà phòng rửa 2 bên bẹn, dịch hoàn 2-3 lần sau đó lau khô lại bằng khăn. Tiến hành sát trùng bằng cồn Iốt 5 % thật kỹ toàn bộ dịch hoàn

Vị trí mổ và Phương pháp gây tê

Vị  trí mổ:  Kẻ  đường thẳng chia dịch hoàn làm 3 phần, tiến hành cắt 1/3 phía dưới rạch vòng sang bên cạnh 100% để dịch rỉ viêm chảy hết, vết thương khô ( sau mổ)

Gây tê: với trâu bò thì không cần gây mê- mà ta chỉ tiến hành gây tê thấm : mổ đâu gây tê đó. Gây tê dẫn truyền :  gây tê thừng dịch hoàn bằng cách tiêm Novocain 3% 10ml. Dùng tay ép da đâm kim vào thừng dịch hoàn. Sau đó sát trùng lại.

Đồng thời có thể tiêm 50-100ml dd Novocain nồng độ thấp ( <1%) vào dưới da bao dịch hoàn ở giữa 2 dịch hoàn.

Phương pháp phẫu thuật

Dùng tay đưa trước dịch hoàn dồn toàn bộ bao dịch hoàn về lòng ban tay nhìn rõ dịch hoàn. Sau đó cắt 1 đường bằng 1/3 kích thước bao dịch hoàn, khi rạch cần rạch thẳng, dứt khoát  ở  chính giữa rãnh 2 dịch hoàn.

Bỏ dao ra, tay trái cầm dịch hoàn, tay phải đẩy dịch hoàn bên phải về phía trước. Sau đó dùng dao lướt nhẹ giác mạc riêng dịch hoàn chui ra, ta bóc tách hai lớp giác mạc ra khỏi dịch hoàn và vuốt ngược lên thường dịch hoàn bộc lộ thừng dịch hoàn, sau đó dùng panh kẹp thừng dịch hoàn , xuyên kim chỉ (đã đc tiệt trùng) qua thừng dịch hoàn (tránh mạch máu) rồi thắt lại.

Sau đó dùng dao cắt đứt thừng dịch hoàn và cắt đoạn chỉ  thắt để  thừa 20cm sau đó cắt và kéo ra kiểm tra xem máu có chảy ra không, nếu vẫn chảy thì thắt thêm 1 nút nữa. Sau đó sát trùng lại với cồn iod 5-10% thấm vào vết cắt trên thừng dịch hoàn  rồi mới cắt đoạn chỉ thừa.

Làm tương tự với dịch hoàn bên kia. Sau khi cắt xong cả 2 bên dịch hoàn ta dùng tay vuốt dịch hoàn từ trên xuống cho máu chảy ra, không đọng lại trong bao dịch hoàn.

Cuối cùng quan trọng nhất là cho cồn Iốt 5% vào trong bao dịch hoàn và bóp mạnh bao dịch hoàn để còn Iốt thấm đều bao dịch hoàn ( 3 lần) sau đó rửa sạch bằng nước sinh lý. Sau đó rắc kháng sinh vào trong vết mổ của bao dịch hoàn.

Ngoài ra chúng ta có thể dùng phương pháp thiến kín: là phương pháp dùng kìm  phá huỷ  thừng dịch hoàn hoặc dùng hóa chất (hỗn hợp fomalin 38% với cồn 960  theo tỷ  lệ  4:1) tiêm vào thừng dịch hoàn gây ra quá trình viêm không nhiễm trùng làm hủy hoại thừng dịch hoàn mà không cần phải phẫu thuật.  Nhưng  phương pháp này chỉ  tiến hành được với những gia súc non, gia súc già cho kết  quả không chắc chắn.

*Chú ý: Tuyệt đối không được khâu bao dịch hoàn lại. bên ngoài vết mổ có thể dùng các chất chống ruồi muỗi đậu vào để bôi tránh nhiễm trùng, tránh ruồi muỗi đẻ trứng.

Chăm sóc sau phẫu thuật

–  Có thể tiêm kháng sinh 5-7 ngày sau thiến, tránh nhiễm trùng

–  Không để trâu bò vào hồ, ao, đầm lầy, nước bẩn… trong vòng 15 ngày.

– Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, không được để trâu bò nằm lên phân, nước tiểu.

– Thường xuyên kiểm tra vết mổ. Nếu có dòi, mủ chảy ra do vệ sinh kém…Cố định gia súc rửa lại với betalin sau đó sử  dụng dipterex và hút kèm ít nước  –> phun vào hoặc dùng hoa trinh nữ  vò nát cho vào.

– Sau đó rửa sạch lại với nước muối sinh lý hoặc rửa bằng betalin (cồn iod) rắc kháng sinh. Tuyệt đối không khâu

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Nuôi bò nhốt chuồng hiệu quả cao

Trong nhiều năm trở lại đây, nghề nuôi bò đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con, khi mà thịt bò trở thành thực phẩm chính yếu của người tiêu dùng cả nước. Để đạt được hiệu quả cao trong chăn nuôi bò, dưới đây là một số kinh nghiệm chia sẻ đến bà con.

1. Chuẩn bị chuồng trại

– Để thuận lợi cho công tác nuôi dưỡng, quản lý đàn bò, xây dựng chuồng nuôi bò ở những nơi cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Hướng chuồng xây theo hướng Nam hoặc Đông Nam, diện tích chuồng nuôi bình quân 3-5 m²/ con.

– Tuỳ theo qui mô mà chuồng có thể xây dựng 1 dãy hoặc 2 dãy. Nền chuồng phải làm chắc, không láng trơn, có độ dốc 2-3% về phía rãnh thoát. Cần trang bị máng ăn, máng uống dọc theo hành lang, kích thước máng ăn 60 cm x 120 cm, cao phía sau 80 cm, cao phía trước 50 cm, trong lòng máng hình lòng mo.

Chuồng nuôi bò rộng rãi, thoáng mát

– Kích thước máng uống dài x rộng x sâu là 60 cm x 60 cm x 40 cm. Rãnh thoát nước thải thiết kế phía sau rộng 30 cm, sâu 30 cm, độ dốc 5-8%. Ngoài ra cần bố trí thêm hố ủ phân hoặc hầm biogas, hệ thống rèm che cách tầm bò với 1-1,5m, hệ thống cây xanh chống nóng cho bò trong mùa hè.

2. Vệ sinh chuồng trại

– Tiêu độc, khử trùng và vệ sinh chuồng trại.

– Vệ sinh phòng bệnh: Thực hiện phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chuồng trại, máng ăn, máng uống, môi trường xung quanh và cơ thể bò phải luôn được sạch sẽ. Định kỳ tẩy uế chuồng trại, khu vực xung quanh chuồng nuôi, phát quang bờ bụi, khơi thông cống rãnh, thu gom xử lý chất thải. Tích cực diệt chuột, dán, ve, ruồi muỗi, hạn chế tối đa các động vật trung gian truyền bệnh vào khu vực chăn nuôi bò.

Vệ sinh chuồng trại

– Thức ăn nước uống phải đảm bảo sạch sẽ, an toàn vệ sinh.

– Thường xuyên kiểm tra theo dõi đàn bò khi có dấu hiệu biểu hiện không bình thường cần can thiệp ngay.

– Tiêm vacxin phòng bệnh đầy đủ các loại bệnh bắt buộc cho bò 2 lần / năm như: bệnh tụ huyết trùng trâu bò, lở mồm long móng, …

– Chuồng nuôi phải được làm vệ sinh hàng ngày và phải được khử trùng định kỳ theo chế độ phòng bệnh của thú y.

– Sau khi xuất toàn bộ vật nuôi phải tiến hành khử trùng toàn bộ chuồng nuôi theo chế độ tổng vệ sinh và khử trùng trước khi nuôi lứa mới.

– Trường hợp trong chuồng nuôi có vật nuôi bị chết vì bệnh dịch thì phải thực hiện chế độ khử trùng cấp bách theo hướng dẫn của thú y.

3. Tẩy ký sinh trùng cho bò

Để bò khỏe mạnh lớn nhanh cần tẩy ký sinh trùng theo các phương pháp dưới đây:

–  Đối với ngoại ký sinh trùng:

Sử dụng các loại thuốc có phổ hoạt lực rộng như Neuguvon hoặc Asuntol hòa thành dung dịch tắm hoặc xoa. Pha và sử dụng thuốc Nevugvon với liều phổ biến 1à 25g/lít nước, bổ sung 50ml dầu ăn và 20g xà phòng bột lắc đều trước khi sử dụng. Dùng bình phun đều lên cơ thể bò, đặc biệt là vùng bẹn, nách và yếm. Có thể đeo găng tay, dùng giẻ để bôi thuốc. Không để thuốc bám vào người, quần áo. Không hút thuốc, ăn uống trong khi pha và bôi thuốc.

Tẩy ký sinh trùng cho bò

–  Đối với nội ký sinh trùng:

Sử dụng các loại thuốc có phổ hoạt lực rộng như: Levamisole, Tetramisole điều trị nội ký sinh trùng đường ruột và Fasinex điều trị sán lá gan.

Liều lượng: Levamisole 7,5%, dùng 1ml/20kg thể trọng. Fasinex dùng 1 viên /75kg thể trọng. Cách sử dụng: Cho uống, trộn vào thức ăn hoặc tiêm theo hướng dẫn.

4. Khẩu phần ăn cho bò

– Để bò có tốc độ lớn nhanh nhất thì lượng thức ăn đảm bảo năng lượng cao được ăn vào hàng ngày là 2,5% trọng lượng cơ thể.

Ví dụ: bò nặng 200kg cần khoảng 5kg vật chất khô trong một ngày, còn thức ăn thô xơ khoảng 15 – 20kg.

– Khẩu phần hoàn chỉnh là đủ tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết cho bò. Bò có thể tự do lựa chọn sau khi đã trộn lẫn hoàn toàn cả hai loại thức ăn tinh và thô với nhau.

– Phương pháp cho ăn và tập cho bò ăn thức ăn tinh vô cùng quan trọng. Lúc đầu nên cho bò ăn nhiều thức ăn thô xanh, ít thức ăn tinh để bò làm quen với khẩu phần năng lượng cao. Nếu ngay từ đầu bò ăn nhiều thức ăn tinh có thể bị chết do ngộ độc axít (acidosis). Thức ăn thô xanh cần sử dựng kết hợp với thức ăn tinh để tạo ra một khẩu phần ăn hoàn chỉnh.

– Khẩu phần ăn cho bò nhốt chuồng bao gồm: thức ăn thô xanh, phụ phẩm, thức ăn tinh, thức ăn bổ sung khoáng và vitamin. Căn cứ vào nguồn thức ăn sẵn có để lựa chọn các nguyên liệu chính như sau:

+ Thức ăn thô xanh: Các loại cỏ băm nhỏ, thức ăn băm nhỏ ủ chua, phụ phẩm nông nghiệp băm nhỏ, phụ phẩm công nghiệp (bã bia, rượu, rỉ mật, bã đậu, bã dứa, vỏ hoa quả) chiếm 55-60% vật chất khô trong khẩu phần.

Thức ăn tinh hỗn hợp: Các loại Sắn Nghiền, ngô Nghiền, khô dầu lạc, bột keo dậu. Thức ăn tinh hỗn hợp… chiếm 40-45% vật chất khô trong khẩu phần.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Ủ chua ngọn và lá mía để nuôi bò thịt

Bà con các vùng trồng mía nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đường đã  tận dụng ngọn, lá mía sau khi thu hoạch để ủ chua làm thức ăn nuôi bò thịt mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Sau khi thu hoạch mía, lá mía và ngọn được sử dụng để ủ chua làm thức ăn cho bò

Kinh nghiệm này xuất phát từ đề tài “Nghiên cứu biện pháp ủ chua ngọn lá mía làm thức ăn chăn nuôi bò thịt” của các nhà khoa học Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội do TS. Đặng Vũ Bình làm chủ nhiệm.

Theo TS. Bình thì ngọn, lá mía dùng cho chăn nuôi bò thịt có giá trị dinh dưỡng tương đối cao, có thể thay thế được nguồn thức ăn xanh. Với phương pháp ủ chua, nông dân có thể tận dụng được từ 60 đến 80% ngọn lá mía tại các vùng nguyên liệu mía đường làm thức ăn dự trữ cho những tháng thiếu cỏ để chăn nuôi bò thịt rất tốt.

Ông Nguyễn Công Nhân ở xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân là người đầu tiên được Sở NN-PTNT Thanh Hóa và nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội giúp đỡ xây dựng mô hình theo phương pháp này phấn khởi cho hay: “Phương pháp này dễ làm, tận dụng nguyên liệu sẵn có, các phụ gia cũng dễ tìm, dễ kiếm, rẻ tiền”. Nhiều hộ chăn nuôi bò thịt ở Xuân Châu đã bắt đầu làm theo. Cách làm như sau:

– Ngọn lá mía sau khi thu hoạch được băm nhỏ với kích thước 1-3cm rồi trộn đều với urê (2%), rỉ mật (2-4%) hoặc bột sắn, bột ngô, cám gạo… (tỷ lệ 4-6%). Nếu là rỉ mật thì có thể dùng vòi phun hoặc pha trong bình ô doa để tưới đều vào đống lá và ngọn đã băm nhỏ; nếu là bột mì, bột ngô hoặc cám gạo thì dùng tay trộn đều trước khi đem ủ trong các silo.

Lá mía sau khi thái nhỏ

– Silo là những ống tròn rỗng có đường kính khoảng 1,2-1,4m, cao 1,3-1,4m được làm bằng nhiều loại vật liệu khác nhau như bê tông, gỗ, tôn sắt… và có thể chồng lên nhau để có chiều cao theo ý muốn. Trong trường hợp không có các silo thì có thể đào hố đất, xây bể xi măng hoặc dùng các bao nilon chắc chắn để nén ủ cũng được. Dùng nilon để lót đáy và xung quanh silo trước khi cho hỗn hợp ngọn, lá mía và chất phụ gia gây lên men vào ủ. Cứ sau 1 lớp ngọn, lá mía dày 10-15cm lại dùng đầm hoặc chân để nén chặt xuống cho đến khi đầy silo. Sau cùng dùng nilon đậy kín rồi lấp 1 lớp đất dày 20-30cm (nện chặt) lên trên. Dùng bao đựng cát hoặc đất xếp 1 lớp lên trên, làm giàn mái che mưa nắng.

– Sau từ 30-45 ngày có thể lấy ra cho bò ăn dần. Nếu không có nhu cầu cho ăn ngay thì có thể bảo quản dự trữ được từ 5-7 tháng. Sản phẩm đảm bảo chất lượng là có mùi thơm dễ chịu, màu hanh vàng, trâu bò rất thích ăn. Có thể cho ăn với khối lượng 6-8kg/con/ngày cùng với các loại thức ăn tinh khác.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Một số bệnh sinh sản trong chăn nuôi bò sữa

Các giống bò sữa hiện nuôi ở nước ta đều có nguồn gốc từ các nước ôn đới nên khả năng chống chịu với bệnh tật không cao, tỷ lệ máu ngoại càng cao thì sức đề kháng càng giảm. Bên cạnh đó việc khai thác sữa và chế độ nuôi dưỡng chăm sóc không phù hợp dễ làm bò mắc một số bệnh. Sau đây là một số bệnh sinh sản thường gặp trong nghề chăn nuôi bò sữa.

1. Chậm sinh và vô sinh:

Đó là trường hợp bò cái đến tuổi thành thục (14 tháng tuổi trở lên) mà không thấy động dục hoặc không thể phối giống; hoặc có động dục, phối giống đúng thời điểm nhưng không thụ thai.

Bò cái sau khi sanh 3-5 tháng mà không lên giống hoặc có lên giống nhưng phối giống nhiều lần không đậu thai.

1.1. Đối với bò cái tơ:

Nguyên nhân có thể là do bộ máy sinh dục phát triển không bình thường (buồng trứng, tử cung kém phát triển, có khối u trên buồng trứng…), có thể do viêm nhiễm đường sinh dục (âm đạo, tử cung…) hoặc do chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc không tốt bò còi cọc như thiếu khoáng: Photpho, Selenium, đồng, Vitamin A…

Để xử lý cần tìm hiểu tình trạng chăm sóc, nuôi dưỡng nếu tình trạng này xảy ra ở một số cá thể thì có thể là do những bất thường ở bộ máy sinh dục, còn nếu có nhiều cá thể mắc phải (trên 50 % số bò cái sinh sản trong trại), thì cần lưu ý đến các yếu tố chăm sóc, nuôi dưỡng, chuồng trại hoặc bệnh truyền nhiễm.

1.2. Đối với bò cái đã trưởng thành:

Trước hết lưu ý đến chế độ chăm sóc nuôi dưỡng, vì nhiều hộ chú trọng đến việc khai thác sữa mà không cung cấp dinh dưỡng đủ, cân đối cho việc hồi phục hoặc không cung cấp đủ dinh dưỡng trong thời kỳ cạn sữa do tâm lý sai lầm là “sợ cho bò ăn cám hỗn hợp trong giai đoạn cạn sữa sẽ làm thai to, bò đẻ khó”, bò cái ít được vận động.

Một sai lầm khác là nông dân cung cấp quá nhiều thức ăn tinh, hèm bia, xác mì, tỷ lệ thức ăn tinh trên thô không phù hợp trong quá trình chăn nuôi. Cũng có thể do các viêm nhiễm từ lần sinh sản trước (viêm tử cung, viêm âm đạo…) mà không được điều trị triệt để.

Để xử lý trước hết người chăn nuôi cần kiểm tra và điều chỉnh quá trình chăn nuôi của mình, nhờ nhân viên thú y kiểm tra đường sinh dục của bò để có quyết định điều trị phù hợp (viêm đường sinh dục, tồn lưu thể vàng, u nang buồng trứng…)

Cần lưu ý là việc phát hiện chính xác thời điểm lên giống để phối giống đúng lúc góp phần quan trọng vào kết quả đậu thai nên người chăn nuôi cần ghi chép vào sổ sách các thời điểm như ngày sanh, ngày lên giống kỳ trước, tình trạng bệnh sau khi sanh (viêm tử cung, viêm âm đạo, viêm vú…), dự đoán ngày lên giống (sau khi sanh 45- 60 ngày) để tập trung quan sát (nhất là vào ban đêm) báo cho dẫn tinh viên kịp thời phối giống.

2. Viêm vú (Mastitis):

Đây là loại bệnh phổ biến trên bò sữa, dễ lây lan và gây thiệt hại về kinh tế rất lớn vì nó làm giảm sản lượng sữa và chất lượng sữa.

Bệnh gây ra do vệ sinh chuồng trại, vệ sinh vắt sữa không tốt, tạo điều kiện cho các vi khuẩn (như liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, song cầu khuẩn hay trực khuẩn gây mủ) hay nấm Candida albicals xâm nhập vào bầu vú và gây bệnh. Bệnh viêm vú thường có hai thể: Viêm vú lâm sàng và viêm vú tiềm ẩn.

2.1. Viêm vú lâm sàng: Tình trạng viêm vú có thể xãy ra ở 1, 2 hoặc cả 4 thùy vú, có thể ở các thể sau:

– Viêm vú thể tương mạc: Vú bị sưng ở một thùy hay toàn bộ bầu vú. Khi ấn mạnh tay vào bầu vú bò bị đau, lượng sữa giảm rõ rệt, sữa loãng và có hạt lổn nhổn.

– Viêm vú thể Cata: Đặc trưng là tế bào thượng bì bị tróc ra, ở những ổ viêm có dịch thấm xuất. Sữa bị cặn hoặc cục sữa vón do dịch thẩm xuất và bạch cầu. Thể viêm vú này thường không làm bầu vú bị sưng nhưng làm cho núm vú tăng thể tích (to ra) do biểu bì dầy lên. 

– Viêm vú có mủ: Biểu hiện đặc trưng là vú có mủ và dịch thẩm xuất. Bò sốt cao, mệt mỏi, bỏ ăn; bầu vú bị sưng đỏ, nóng và đau. Đầu tiên sữa loãng có màu hồng do xuất huyết nhẹ và sau đó có lẫn các cục sữa vón và dịch mủ màu vàng nhạt.

– Viêm vú có máu: Biểu hiện đặc trưng là các tổ chức của tuyến tiết sữa bị xuất huyết và tụ huyết. Bệnh thường ở thể cấp tính như bò sốt cao, kém ăn, mệt mỏi, bầu vú sưng to có những đám tụ huyết. Lượng sữa giảm nhanh có khi ngừng tiết sữa. Sữa loãng có màu hồng hoặc đôi khi đỏ như máu do xuất huyết. Bò có thể nhiễm trùng huyết và chết sau 7-9 ngày.

2.2. Thể viêm vú tiềm ẩn:

Viêm vú thể tiềm ẩn rất phổ biến và gây những thiệt hại kinh tế rất lớn vì nó làm giảm sản lượng sữa và chất lượng sữa.

Bệnh này nguy hiểm ở chỗ là bò mắc bệnh không có những biểu hiện để người chăn nuôi có thể quan sát được mà muốn phát hiện bệnh phải thực hiện các test kiểm tra trên sữa. Do vậy, mầm bệnh tồn tại lây lan cho những bò khác mà người chăn nuôi vẫn không hề hay biết.

Theo một số chuyên gia tình trạng viêm vú tiềm ẩn có thể gây giảm lượng sữa đến 20%, làm tổn thương lâu dài các tế bào, mô tiết sữa mà người chăn nuôi hoàn toàn không hề biết. Bò ít có triệu chứng bên ngoài, nhưng thường thì kém ăn, thỉnh thoảng sữa bị tủa và không có biểu hiện triệu chứng ở bầu vú.

Để phát hiện viêm vú tiềm ẩn cần dựa vào dấu hiệu của sữa và xét nghiệm sữa. Hiện nay có thể dùng test CMT mà thao tác thực hiện không phức tạp người chăn nuôi có thể tự kiểm tra.

Phòng bệnh viêm vú trước hết phải làm tốt khâu vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, vệ sinh vắt sữa (dụng cụ, nơi vắt sữa, cơ thể bị, bầu vú, núm vú, tay người vắt sữa). Tốt nhất người chăn nuôi không sử dụng “người vắt sữa thuê”.â Cho bò ăn cám hỗn hợp ngay sau khi vắt sữa để bò không nằm xuống sàn khi vắt sữa xong. Kiểm tra định kỳ, cách ly và điều trị triệt để khi bò mắc bệnh.

3. Viêm tử cung:

Bệnh do nhiễm khuẩn khi gieo tinh nhân tạo hoặc do bò đực bị viêm cơ quan sinh dục. Viêm tử cung còn do vệ sinh khi đẻ không tốt (chuồng trại bẩn, can thiệp của người chăn nuôi…). Bệnh viêm tử cung còn do kế phát của bệnh viêm âm đạo và viêm phúc mạc. Khi các vi khuẩn xâm nhập vào tử cung, phát triển nhanh và gây viêm xung huyết, có mủ, gây tróc niêm mạc, xuất huyết.

Khi mắc bệnh, bò luôn mệt mỏi, ăn ít, sốt cao, đau vùng hông (bò luôn luôn quay đầu lại phía sau, đi lại bồn chồn). Vài ngày sau, âm hộ chảy dịch nhầy tanh, có lẫn máu, mủ. Thông thường khi bò mắc bệnh viêm tử cung thì thường mắc bệnh viêm âm đạo và ngược lại.

3.1. Bệnh viêm âm đạo:

Nguyên nhân gây bệnh cũng giống như bệnh viêm tử cung và thường hai bệnh này xảy ra cùng lúc. Vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào âm đạo và phát triển trên niêm mạc âm đạo và gây viêm. Bò có triệu chứng giống như viêm tử cung.

Tuy nhiên, khi dùng kềm mỏ vịt để khám thì thấy những đám tụ huyết, xuất huyết, loét… Khi bò bệnh thì báo cho cán bộ thú y đến khám và điều trị.

3.2. Sót nhau:

Sau khi đẻ, nhau thai sẽ được tống ra trong vòng 8-12giờ. Nếu nhau không ra sau 18 giờ, ta gọi là sót nhau.

Nguyên nhân của hiện tượng sót nhau là do bất thường của tử cung; bò gầy yếu, nuôi dưỡng kém bò đẻ khó, đẻ sinh đôi thời gian đẻ kéo dài nên lực co bóp của tử cung yếu không đẩy nhau ra.

Thông thường bò sót nhau sẽ ăn kém, sốt, nhưng đôi khi không có biểu hiện gì, vẫn ăn bình thường. Tỉ lệ sót nhau thường chiếm khoảng 5-15% số bò sinh sản trong đàn, nếu tỉ lệ này lớn hơn thì vấn đề nuôi dưỡng chăm sóc đàn bò cái sinh sản chưa tốt.

Khi bò sót nhau, cần gọi cán bộ thú y đến xử lý,  không tự tiện xử lý sẽ gây nên những tổn thương trên tử cung và từ đó ảnh hưởng đến sự sinh sản của bò sau này (giảm tỉ lệ thụ thai).

4. Bệnh sa tử cung sau sinh

Tử cung bị lộn hoàn toàn ra ngoài sau khi sanh.thường xảy ra ở bò già,đẻ nhiều lứa,chăm sóc kém,ít vận động hay do thai quá lớn, thao tác kéo bò quá mạnh.
Phải xử lý càng sớm càng tốt để lâu hiệu quả điều trị càng thấp do tử cung khô,xung huyết, nhiễm trùng hoặc gia súc kiệt sức mà chết.

Hướng xử lý(theo kinh nghiệm):

Cho bò đứng vào giá đỡ,chuồng ép hay dùng cây ép lại, khi bò không thể đứng dậy nổi do mệt,mất sức cũng có thể xử lý khi nằm nhưng cực hơn.Bò trên hình vứa mới sanh nên còn đứng nên ta xử lý dễ hơn.

Rửa sạch phần lộn ra ngoài bằng nước sạch pha phèn chua hay nước sinh lý mặn,bóc nhau dính ở đó,nếu bò nằm ta phải lót nilon sạch ở dưới.

Chích thuốc tê vào khum đuôi cho bò bớt rặng. Tuỳ vào tử cung lòi ra lớn hay nhỏ ta nhờ thêm 1.2 người phụ đưa vào.Một người nâng tử cung ngang âm hộ,người còn lại nhét vào cho đến khi lọt vào trong,trước khi thực hiện phải rửa tay sạch sẽ, móng tay cắt ngắn tránh tổn thương tủ cung.

Bơm rửa bằng dung dịch sát trùng hay đặt thuốc kháng viêm.Nhờ một người đặt một tay trong tử cung phòng khi bò rặng mạnh lòi ngược ra trong khi ta chuẩn bị may âm hộ lại.Nên khâu âm hộ lại khoảng vài ngày an toàn hơn.

Điều trị chống viêm bằng kháng sinh,thuốc trợ sức,thuốc cầm máu(khi ta thao tác ít nhiều gì cũng gây tổn thương tử cung).Thường bơm rửa tử cung tống để chất dơ ra ngoài. Sau khoảng tuần âm hộ teo nhỏ không thấy dấu hiệu căng chỉ nữa thì cắt chỉ ,sát trùng ,rửa sạch dấu may.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật phát hiện động dục ở bò cái

Trong truyền giống nhân tạo bò, việc phát hiện bò cái động dục rất quan trọng, nếu không phát hiện được thì sẽ không tiến hành phối giống được hoặc phát hiện động dục sai thì phối sẽ không có chửa.

Mọi tốn kém cho các công việc chăn nuôi bò cái coi như bằng không. Phát hiện động dục là công việc quan sát, theo dõi bò cái để nhận biết các hiện tượng động dục và đưa bò cái vào nơi chờ phối giống.

Khi phát hiện bò cái động dục, cần chú ý quan sát các triệu chứng hoặc hiện tượng sau:

– Bò hay đi lại, ăn ít, hay kêu rống, có xu thế tìm gặp con khác (tìm đực), có con muốn tách khỏi đàn.

– Bò cái tỏ ra thân thiện theo đuổi nhau, hay tụ lại thành nhóm, húc liếm vờn nhau, tỏ ra thích nhau, nhảy chồm lên lưng nhau.

– Bò cái dễ bị kích thích, không ở yên, hay đi lại, có xu hướng đến gần người và người dễ đến gần; mắt tinh và sáng hơn thường lệ; bò tỏ ra bồn chồn ngơ ngác.

– Nếu là bò vắt sữa thì lượng sữa trong ngày động dục sẽ giảm chút ít so với các ngày liền kề trước đó.

– Phần lông ở mông, lưng có để lại các dấu vết do bò cái bị các con khác nhảy lên hay bị con khác liếm.

– Âm hộ sưng, căng phồng, hơi ướt bóng, các lông xung quanh âm hộ cách xa nhau và dựng đứng lên so với các ngày thường.

– Niêm dịch chảy ra dính xung quanh âm hộ, loãng, trong suốt hay đục keo dính, đứt đoạn; nhiều khi dính xung quanh âm hộ, khấu đuôi, mông, tùy theo pha động dục. Niêm dịch là dấu hiệu thường được dùng để xác định chính xác giai đoạn động dục đang ở pha nào để xác định thời điểm phối giống tốt nhất.

– Chịu nhảy là hiện tượng mà bò cái khi con khác nhảy lên lưng thì đứng lại. Đây là dấu hiệu dễ nhận biết và để xác định thời điểm phối giống thích hợp nhất. Cần nhớ rằng con đứng dưới mới là con động dục, còn con nhảy chồm lên thì có thể là con sắp động dục hoặc đã qua pha động dục.

– Có trường hợp về cuối kỳ động dục, thấy có máu chảy ra. Dấu hiệu này cho biết là bò vừa động dục trước đấy vài ba ngày, cần phải để ý phát hiện động dục bò cái đó sau 15-18 ngày.

Phát hiện động dục bằng quan sát hàng ngày

Hiện nay, tuy có nhiều dụng cụ để hỗ trợ cho việc phát hiện động dục ở bò cái, nhưng chưa có dụng cụ nào thay thế được việc quan sát bằng mắt hàng ngày của chính người chủ nuôi bò.

Việc phát hiện động dục cần phải tiến hành ít nhất 4 lần trong 1 ngày (sáng sớm – buổi trưa – chiều tối – đêm). Tùy theo số lượng cái trong đàn mà phát hiện hàng ngày hay phát hiện theo chu kỳ động dục. Để phát hiện động dục dễ dàng, không bỏ sót bò cái động dục, không tốn công, nên đeo số cho bò và tổ chức phân đàn bò cái như sau, nhất là khi có nhiều bò cái:

– Đàn bò đã có chửa: Đã được khám thai xác định để nuôi riêng, không phải phát hiện động dục.

– Đàn bò bị bệnh sinh sản: Để điều trị riêng và tránh lây nhiễm sang con khỏe.

– Đàn bò chưa có chửa: Để theo dõi riêng biệt hoặc có thể sử dụng đực thí tình để phát hiện động dục; cần tổ chức phát hiện động dục riêng.

Chú ý: cần tạo cơ hội tốt cho bò cái thể hiện các hiện tượng động dục như cho bò ăn uống đủ no, che nắng, che mưa, che rét, tránh vật lạ; cho tiếp xúc với bò cái khác. Bò cái cột buộc phải được thả ra để bò có cơ hội tiếp xúc con khác và thể hiện các hiện tượng động dục tự nhiên, dễ nhận biết.

Khi phát hiện được bò cái động dục, cần phải xem số hiệu, đánh dấu đưa về nơi phối giống; xác định rõ ràng hiện tượng động dục và bò cái đang động dục ở pha nào, đồng thời báo ngay cho người phối giống biết càng sớm càng tốt.

Trong điều kiện của nông hộ chăn nuôi bò ở Việt Nam, do trình độ phát hiện động dục bò cái còn yếu, chưa có kinh nghiệm và chưa có ý thức đầy đủ về việc phát hiện động dục, nên cán bộ kỹ thuật phải từng bước đào tạo, hướng dẫn chủ bò phát hiện động dục. Mặt khác khi được báo có bò động dục, cần phải khẩn trương đến ngay để tiến hành khám lâm sàng (bò cái chịu nhảy, trạng thái niêm dịch…) để xác định pha mà bò cái đang động dục và xác định thời điểm phối thích hợp nhất.

Trong thực tế, thời điểm phối giống thích hợp nhất là từ nửa sau của pha chịu nhảy cho đến sau pha chịu nhảy 6 tiếng đồng hồ (trước thời điểm rụng trứng 6-12 tiếng), như sơ đồ sau:

Việc áp dụng nguyên tắc “sáng – chiều hay chiều – sáng” chỉ sử dụng được khi phát hiện được bò cái động dục ở pha trước động dục hay lúc bò cái chưa chịu nhảy, niêm dịch còn rất trong và loãng. Vì thế phải chú ý phát hiện được bò cái động dục ở ngay pha đầu (pha trước động dục) thì phối giống mới có chửa.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Những chiếc lỗ kinh hoàng trên bụng bò sữa

Chúng ta vẫn hay thưởng thức những giọt sữa ngon ngọt, béo ngậy từ những hộp sữa đóng hộp. Vậy có bao giờ bạn nghĩ, để có được những sản phẩm như thế con người đã sản xuất như thế nào và hàng triệu con bò sữa đã từng chịu đựng sự đau đớn đó như thế nào không?

Con bò sữa

Trong trí tưởng tượng của nhiều người, bò sữa sẽ được chăn nuôi trên những cánh đồng đầy cỏ. Nhưng thực chất trong suốt cuộc đời mình, bò sữa sẽ được nhốt trong chuồng, liên tục mang thai để cung cấp sữa cho nhà sản xuất.

Không chỉ bị nhốt, những con bò sữa còn phải trải qua những cuộc phẫu thuật khá man rợ nhằm phục vụ cho công việc đánh giá tình trạng sức khỏe để đem lại hiệu suất sữa cao.

Nhân viên trực tiếp tiếp cho tay vào dạ dày bò để xử lý thức ăn

Mỗi con bò sữa đều trải qua ca phẫu thuật gắn một thiết bị dạng ống vào cơ thể cho phép nhân viên có thể trực tiếp tiếp cho tay vào dạ dày bò để xử lý thức ăn. Nếu tình trạng tiêu hóa của bò sữa gặp trở ngại, những người nhân viên sẽ trực tiếp kiểm tra thông qua chiếc ống đó, trong trường hợp cần thiết, họ sẽ trực tiếp đổ thuốc vào dạ dày, giúp đàn bò tiêu hóa dễ dàng hơn.

Thiết bị dạng ống được lắp vào cơ thể bò

Những chiếc lỗ hổng này có kích thước khá lớn, bằng mắt thường con người có thể nhìn thấy nội tạng bên trong con vật.

Nhiều người lo ngại, những con bò này chịu sự áp bức, lạm dụng từ những người nuôi chúng, nhưng cũng không ít người cho rằng có thể chúng mắc căn bệnh nào đó cần được gắn thiết bị này để hỗ trợ chữa trị. Những con bò sữa bị gắn chiếc ống trên cơ thể dù với mục đích khoa học, cơ bản đã giúp người nông dân nâng cao sản lượng lẫn chất lượng sữa bò đi chăng nữa thì phương pháp này là phản tự nhiên và khá tàn nhẫn.

Những chiếc lỗ hổng kích thước khá lớn khá đau đớn đối với bò sữa

Tuy vậy, việc sản xuất này vẫn còn diễn ra khá nhiều cũng chỉ vì mục đích nhằm tạo ra những sản phẩm từ sữa bò tốt nhất.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Sản sinh kháng thể chống virus HIV từ bò

Trên hành trình tìm kiếm phương cách chống lại virus HIV kéo dài hàng chục năm nay trên thế giới. Người ta đã không tưởng khi phát hiện: bò có thể sản sinh kháng thể chống HIV.

Bò có thể sản sinh kháng thể chống HIV

Các nhà khoa học cho biết họ đã tiêm vào 4 con bò một loại protein chứa HIV, sau đó chúng phát triển nhanh chóng một loại kháng thể phản ứng mạnh mẽ với virus HIV.

Kháng thể trên thuộc loại kháng thể trung hòa có tác dụng ngăn chặn quá trình phát triển ở nhiều loại virus HIV. Những con bò có khả năng sản sinh được những kháng thể này chỉ 42 ngày sau khi được miễn dịch.

Trước đây, vấn đề tạo ra vắcxin phòng ngừa HIV vô cùng khó khăn bởi virus HIV thay đổi liên tục, trong khi có rất nhiều loại virus khác nhau tồn tại trên khắp thế giới. Virus HIV thậm chí biến đổi ngay trong cơ thể một người.

Thông thường, các nhà khoa học có thể phát triển những kháng thể đặc trị một loại virus nào đó, tuy nhiên lại vô dụng với những loại khác. Vắcxin phòng ngừa HIV được thử gần đây đã thất bại, không thể đưa vào sản xuất rộng rãi.

Chỉ khoảng 1% người bị nhiễm HIV cuối cùng có thể sản sinh ra được kháng thể trung hòa đủ mạnh và có thể chống lại nhiều loại HIV. Các nhà khoa học đã thử phát triển loại kháng thể này, nhưng dường như không giúp được người nhiễm HIV.

Những kháng thể trung hòa có đặc trị virus HIV thì có một số đặc điểm thú vị, trong đó có sự tồn tại của một vùng dài những amino axit trồi lên trên bề mặt của kháng thể. Phần trồi ra này sẽ kết chặt với bề mặt của virus, vì virus cũng cần tìm cánh cổng để vào tế bào.

“Bề mặt dày của virus HIV gây khó khăn cho các kháng thể kết dính với loại virus này. Những đoạn trồi amino axit dài hơn giúp kháng thể dễ xuyên qua lớp này”, Vaughn Smider – nhà nghiên cứu miễn dịch phân tử ở Viện nghiên cứu Scripps ở Califonia.

Ở người bị nhiễm HIV được phát triển kháng thể trung hòa, vùng kháng thể này (gọi là HCDR3) có khoảng 30 amino axit, dài gấp 2 lần so với bình thường, dẫu vậy vẫn rất ngắn so với vùng của bò, Smider cho biết. Đoạn amino axit dài hơn có thể gợi ra phương pháp mới giúp đặc trị virus HIV.

Smider và cộng sự đã lấy huyết thanh từ 4 con bò được miễn dịch và thử chúng với những loại virus HIV khác nhau. Kết quả là, tất cả con bò đều phát triển được những kháng thể trung hòa. Nhóm nghiên cứu sau đó quyết định thử nghiệm bò với một số lượng lớn các loại virus khác.

Sau 281 ngày, kháng thể của nó đã ngăn chặn 96% trong tổng số 117 loại virus HIV từ những tế bào bị lây nhiễm. Phải nói thêm, HCDR3 chứa đến 60 amino axit góp phần ngăn chặn 72% loại virus HIV.

Nếu các nhà khoa học có thể sản xuất ra những đoạn dài HCDR3 ở người, thì đây có thể là bước đi đầu tiên để phát triển vắcxin chống lại “căn bệnh thế kỷ”.

Phát triển vắcxin chống lại virus từ bò

Ngoài ra, cũng có thể tính đến việc sử dụng những sản phẩm từ kháng thể của bò để tạo ra thuốc điều trị HIV nếu kháng thể ở bò có thể ngăn chặn virus HIV trên những động vật khác.

Nguồn tuoitre.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Hiện tượng sinh sản kém ở bò liên quan tới nhiễm sắc thể y

Theo một nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), một lý do tại sao một số con bò không thể mang thai là có thể trong ADN của chúng có đoạn nhiễm sắc thể Y. Hiệu quả sinh sản là đặc điểm quan trọng nhất về kinh tế trong sản xuất giống bê.

Khi một con bò không sinh ra được một con bê thì người chăn nuôi sẽ không có lợi nhuận, nhưng vẫn phải trả chi phí thức ăn, nhân công và các chi phí khác. Với sự giúp đỡ của nhà chăn nuôi bò, nhà di truyền học Tara McDaneld của Cơ quan Nghiên cứu nông nghiệp (ARS) và các đồng nghiệp của ông là Roman L. Hruska – Trung tâm Nghiên cứu Thịt động vật của Mỹ (USMARC) tại Clay Center, Nebraska đã kiểm tra dữ liệu sinh sản ở khoảng 6.400 con bò cái từ đàn gia súc ở Colorado, Florida, Nebraska và USMARC.

trang trại bò sữa

Nhóm nghiên cứu bao gồm: nhà sinh học phân tử John Keele và nhà di truyền học Larry Kuehn sau đó đã lập kiểu gien cho các động vật nuôi này, sử dụng một phương pháp sàng lọc di truyền tiết kiệm chi phí gọi là phương pháp tổng hợp ADN kết hợp ADN của các loài động vật đơn lẻ vào một tổ hợp duy nhất.

Những con bò cái thường kế thừa một nhiễm sắc thể X từ bố mẹ chúng (XX), trong khi những con bò đực lại thừa hưởng một nhiễm sắc thể X và một Y (XY). Trong nghiên cứu này, chỉ có những con bò cái được kiểm nghiệm. Các nhà nghiên cứu tìm thấy các đoạn nhiễm sắc thể đực Y duy nhất trong tổ hợp ADN từ những con không mang thai. Tất cả các kết quả đáng nhẽ phải là XX trong số các con bò cái, McDaneld cho biết.

Để xác minh những phát hiện của mình, các nhà khoa học đã sử dụng một kiểm nghiệm bổ sung được gọi là phản ứng chuỗi polymerase (PCR) – một phương tiện hiệu quả và ít tốn kém để xác định các đoạn nhiễm sắc thể Y. Trong số các con vật có hiệu quả sinh sản thấp, nghiên cứu PCR cho thấy 25% bò cái trong quần thể bò của Florida và 20% trong đàn của USMARC có ít nhất một marker di truyền đoạn của nhiễm sắc thể Y. Không có con vật nào trong số các con vật có khả năng sinh sản cao có các marker này, cho thấy rằng những con bò cái không mang thai bởi chúng mang đoạn nhiễm sắc thể Y.

Các nhà khoa học của USMARC là những người đầu tiên xác định sự xuất hiện của các marker di truyền nhiễm sắc thể Y ở những con bò có khả năng sinh sản thấp.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Hành vi của bò thay đổi cho thấy dấu hiệu của sự suy giảm sức khỏe

Một con bò sữa trở nên bồn chồn trong bốn giờ sau khi bị viêm vú do nhiễm vi khuẩn. Đồng thời, các triệu chứng khác của viêm nhiễm tăng triển như tăng nhiệt độ cơ thể và sưng vú trở nên rõ ràng. Tuy nhiên, một người chăn nuôi chu đáo có thể phát hiện các dấu hiệu của một tình trạng chớm nhiễm trong sữa hai tiếng đồng hồ trước đó, theo luận án tiến sĩ của Jutta Kauppi, người đứng đầu Nghiên cứu Sản xuất Động vật tại Cơ quan Nghiên cứu Nông phẩm MTT của Phần Lan (MTT Agrifood Research Finland).

“Nghiên cứu cho thấy rằng, triệu chứng đầu tiên của một căn bệnh có thể được phát hiện trong sữa, trong khi những thay đổi trong hành vi của con bò lại được bộc lộ như một chỉ báo cho sự thay đổi về sức khỏe của bò”, Jutta Kauppi cho biết. 

                                                        chăm sóc bò

Tuy nhiên, rất khó để phát hiện những thay đổi hành vi và sự thay đổi trong chất lượng sữa đủ sớm. Tại một chuồng nuôi bò lấy sữa truyền thống, bệnh viêm vú thường được phát hiện muộn, chẳng hạn như trong một đợt vắt sữa, và khi sử dụng một hệ thống robot vắt sữa, trong trường hợp xấu nhất, khi một con bò không kết nối được với robot vắt sữa hoặc khi nó đã có một số thất bại trong nỗ lực vắt sữa trước đây. Luận án tiến sĩ của Kauppi tìm cách xác định các điểm quan trọng trong hành vi của con bò hướng vào sự suy giảm sức khỏe của bò.

“Những thay đổi trong hành vi của con bò, bao gồm bồn chồn, chứng minh cho những chỉ báo về một sự thay đổi mới chớm trong tình trạng sức khỏe của bò. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, những thay đổi trong thành phần sữa đã được xác định trước khi các triệu chứng trở nên rõ ràng, trong khi một máy ảnh hồng ngoại có thể phát hiện những thay đổi cho chứng viêm trong bầu vú bốn giờ sau khi tình trạng viêm xảy ra”,Jutta Kauppi nói.

Nghiên cứu cũng khảo sát những thay đổi trong hành vi của con bò liên quan đến hoàn thành các quy trình vắt sữa bằng robot một cách thành công, cũng như trong các hoạt động quản lý sữa và những thay đổi trong phương pháp vắt sữa.

Bên cạnh việc người chăn nuôi phải có quan sát tốt đối với gia súc, chuồng nuôi bò hiện đại hiện đang sử dụng công nghệ cho gia súc ăn, đảm bảo hoàn thành thành công việc vắt sữa, theo dõi sức khỏe và mức độ hoạt động của bò. Bởi vì một số con bò hoạt động nhiều hơn so với những con khác, chỉ riêng công nghệ thôi là không đủ để phát hiện sự suy giảm sức khỏe của một con bò.

“Chúng tôi có một loạt các ứng dụng phần mềm và công nghệ sản xuất hữu hiệu, nhưng chính người chăn nuôi là người hiểu được gia súc của họ và có vai trò quan trọng trong việc giải thích các tín hiệu mà các công cụ kỹ thuật tạo ra và trong việc đưa ra quyết định liên quan đến điều trị”, Jutta Kauppi nói.

“Trong đàn gia súc lớn, các chuồng nuôi bò hiện đại và công nghệ cao, kỹ năng của người chăn nuôi và tương tác chức năng giữa người chăn nuôi, bò và công nghệ trở nên rõ rệt”.

Nghiên cứu về sức khỏe vật nuôi và công nghệ về sức khỏe sẽ hướng mục tiêu vào phát hiện sớm các dấu hiệu dự báo một vấn đề sức khỏe của con vật. Điều này sẽ cho phép đưa ra các biện pháp phòng ngừa ở giai đoạn sớm hơn so với trước đây, gây ảnh hưởng cho quá trình nhiễm bệnh của một con bò và rút ngắn thời gian phục hồi.

“Viêm vú là căn bệnh gây thiệt hại cho người nông dân và bò. Khi tình trạng viêm ở mức nhất định, con bò bị bệnh nặng. Sữa được lấy từ bò bị bệnh cũng không phù hợp cho các dây chuyền sản xuất thực phẩm, gây thiệt hại đáng kể do việc điều trị bằng thuốc kháng sinh. Liên quan đến sức khỏe của bò và tác động tài chính gây ra bởi căn bệnh này, các tín hiệu cảnh báo sẽ giúp ngăn chặn sớm và toàn diện nhất có thể”, Jutta Kauppi kết luận.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam