Kỹ thuật nuôi cá giò thương phẩm

Cá giò hay còn gọi là cá bớp (Cobia/Black King fish) phân bố ở vùng biển nhiệt đới, cận nhiệt đới và vùng nước ấm của biển ôn đới. Đây là một loài cá có giá trị kinh tế lớn, mang lại giá trị xuất khẩu cao.

Trong tự nhiên cá giò sống ở vùng nước mặn hoặc nước lợ ven biển, rạn san hô cho đến vùng biển khơi. Cá giò thuộc loại cá dữ, ăn thịt động vật, thức ăn tự nhiên của cá gồm cua, tôm, ốc và các loại cá con. Tốc độ sinh trưởng của cá nhanh, có thể đạt cỡ 4-6 kg sau một năm nuôi. Cá giò thành thục lần đầu tiên sau 2 năm tuổi, mùa sinh sản của cá giò ở miền Bắc từ tháng 4 – 7 hàng năm.

Do cá giò có tốc độ sinh trưởng nhanh, giá thị trường khá cao nên được nuôi phổ biến ở nhiều tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Phú Yên, Khánh Hoà, Vũng Tàu, Kiên Giang. Hình thức nuôi chủ yếu là nuôi lồng trên biển.

Lồng nuôi

Có 2 kiểu lồng nuôi phổ biển là lồng gỗ có kích thước từ 27-216m3, thường được nuôi ở vùng kín sóng gió và lồng nhựa chịu lực HDPE hình tròn (thể tích từ 300m3 trở lên) có khả năng nuôi được ở những vùng biển hở. Cỡ mắt lưới lồng dùng cho lồng nuôi cá thương phẩm tăng dần theo sự tăng trưởng của cá, từ 2a = 3-7cm.

Thả giống

Kích thước cá giống: Cỡ giống thả nên đạt khối lượng trung bình 30g, chiều dài 18-20 cm (70-75 ngày tuổi). Con giống phải đồng đều, khoẻ mạnh, không bệnh tật. Mật độ thả: cá giò có tốc độ sinh trưởng nhanh, khi thu hoạch cá thịt đạt trung bình 5kg/con nên mật độ thả nuôi ban đầu cần dừng ở mức 5 – 6 con/m3.

Trong giai đoạn khi cá đạt từ 1 – 3 kg cần phân cỡ cá một số lần để đảm bảo cá lớn đồng đều. Khi cần có thể giảm bớt mật độ cá trong lồng.

Thức ăn và chế độ cho ăn

Cá tạp:

Khi sử dụng thức ăn là cá tạp cần phải dùng cá tươi. Ngày cho ăn 1 lần vào buổi sáng. Mỗi lần cho ăn đến no, khoảng 5-8% tổng khối lượng đàn cá nuôi. Hệ số thức ăn sử dụng cá tạp dao động từ 8 – 10 kg cá tạp/kg cá thịt.

Thức ăn công nghiệp:

Sử dụng thức ăn công nghiệp chất lượng tốt để nuôi cá Giò mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cá tạp, vừa chủ động nguồn thức ăn, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Có các cỡ thức ăn phù hợp theo tăng trưởng của cá: từ 2-16 mm. Cho cá ăn ngày 2 lần (sáng và chiều), khẩu phần 1.5-2% khối lượng cá/ ngày. FCR: 1,5 -1,8 kg thức ăn cho 1kg tăng trọng

Khối lượng cá ( g )      Cỡ thức ăn công nghiệp ( mm )
15 – 50                                       2
50 – 160                                     3
160 – 1000                                5.0
1000 – 1500                              7
1500 – 3000                              9
>3000                                         16

Quản lý lồng nuôi

Trong quá trình nuôi cần theo dõi tình trạng sức khoẻ và bệnh tật của cá để kịp thời xử lý. Cần định kỳ vệ sinh và thay lưới lồng 2-3 tháng/lần để đảm bảo thông thoáng cho lồng nuôi. Cần định kỳ kiểm tra neo, lưới …) và khi cần thì kịp thời bảo dưỡng hoặc thay thế để giảm thiểu rủi ro do hư hỏng lồng. Hàng tháng đo mẫu để xác định tăng trưởng của cá (chiều dài và khối lượng cá), qua đó xác định được khối lượng đàn cá trong lồng để điều chỉnh lượng thức ăn cho hợp lý.

Thu hoạch cá

Cỡ cá thu hoạch tốt nhất từ 5-10 kg. Trong quá trình nuôi khi cá đạt cỡ thương phẩm có thể thu tỉa để bán dần và nên thu hoạch và bán hết khi có đầu ra để quay vòng chu kỳ nuôi mới.

Thị trường

Cá giò hiện được tiêu thụ ở các thành phố lớn trong nước và xuất khẩu quy mô nhỏ ra nước ngoài ở dạng cá sống (Quảng Ninh, Hải Phòng) hoặc được chế biến hay đông lạnh (Khánh Hoà, Vũng Tàu).

Nguồn: VACVINA được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Giá vật liệu làm lồng, bè nuôi thủy sản tăng mạnh

Hiện nay, người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đang tất bật làm lại lồng, bè để nuôi tôm, cá. Với nhu cầu lớn đó, giá vật liệu làm lồng, bè không chỉ tăng mà còn khan hiếm.

Gần nửa tháng qua, ông Nguyễn Văn Thiều (thôn Khải Lương, xã Vạn Thạnh) chạy đôn chạy đáo khắp nơi mua gỗ, phuy nhựa, lưới để làm lại lồng, bè nuôi tôm hùm nhưng vẫn không đủ. Ông Thiều cho biết: “Đợt bão vừa qua, 80 ô lồng nuôi tôm của gia đình tôi bị sóng biển đánh tan, không vớt vát được gì. Hiện nay, do nhu cầu làm lại lồng, bè của người dân tăng cao khiến các vật liệu như: gỗ, lưới, cước, phuy nhựa… khan hiếm, giá thành tăng gấp đôi. Để làm lại 60 lồng, bè có diện tích hơn 240m2, gia đình tôi phải bỏ ra hơn 1 tỷ đồng, chưa kể công thợ. Trong khi trước đây, chỉ mất khoảng 600 triệu đồng vốn đầu tư. Bên cạnh đó, hàng đã đặt gần 1 tháng nay nhưng đến giờ họ vẫn chưa cung cấp đủ”.

Giá gỗ tăng cao nên nhiều hộ mua tre làm lồng, bè nhằm giảm bớt chi phí

Do giá gỗ làm lồng, bè tăng cao nên ông Huỳnh Văn Thức (thị trấn Vạn Giã) phải ra tận tỉnh Phú Yên để mua tre về làm lồng, bè nuôi tu hài, sò huyết, sò mồng nhằm giảm chi phí. Ông Thức cho hay: “Tre tôi mua với giá 50.000 đồng/cây, tăng 20.000 đồng so với trước đây. Tiền công chặt tre, vận chuyển do gia đình tự thuê. Hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi biển, bây giờ mà không làm thì biết lấy gì để sống. Tuy giá vật liệu tăng cao, nhưng chúng tôi phải chấp nhận mua để tiếp tục tái đầu tư”.

Bà Lê Thị Thanh Hồng (thị trấn Vạn Giã), người chuyên cung cấp vật liệu làm lồng, bè cho biết, hơn 1 tháng nay, kho hàng của gia đình bà lúc nào cũng trống rỗng, bởi hàng nhập về đến đâu khách mua hết đến đó. Chính vì nhu cầu sử dụng vật liệu, nhất là gỗ và lưới làm lồng tôm, cá tăng mạnh nên giá thành cũng tăng theo.

Không chỉ vật liệu làm lồng, bè tăng giá mà hiện nay, giá công thợ đóng bè cũng tăng gần gấp đôi so với trước nhưng cũng không dễ để tìm thợ. Ông Nguyễn Thanh Phong (thị trấn Vạn Giã) cho biết: “Sau gần nửa tháng liên hệ, đến nay, gia đình tôi mới thuê được 3 thợ mộc về đóng lồng, bè nuôi tôm. Giá công thợ hiện nay tăng từ 300.000 đồng lên 700.000 đồng/người/ngày và phải bao ăn 3 bữa. Với 70 ô lồng có diện tích hơn 300m2, phải mất hơn 2 tuần gia đình tôi mới đóng xong bộ khung lồng, bè. Tiếp đó, phải mất 2 tuần làm khung lưới lồng trên biển thì mới thả nuôi tôm trở lại được”.

Theo lãnh đạo UBND huyện Vạn Ninh, toàn huyện có 16.530 lồng, bè nuôi tôm, cá của người dân bị thiệt hại do bão, chưa kể hàng trăm lồng, bè nuôi thủy sản của một số doanh nghiệp. Huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn vận động các cửa hàng không tăng giá nhằm hỗ trợ người dân, đồng thời tiến hành kiểm tra để ổn định thị trường. Tuy nhiên, vì lợi nhuận nên nhiều cửa hàng vẫn bán giá cao. Còn công thợ là sự thỏa thuận giữa chủ lồng, bè và người thợ nên chính quyền không thể can thiệp.

Điều đáng nói, do nhu cầu gỗ làm lại lồng bè tăng mạnh nên đã gia tăng tình trạng người dân vào rừng khai thác gỗ trái phép. Tuy lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường chốt chặn, đẩy đuổi các đối tượng khai thác gỗ trái phép nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết triệt để tình trạng này. Hiện nay, huyện Vạn Ninh phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động tỉnh tăng cường lực lượng cùng với Hạt Kiểm lâm Vạn Ninh, chủ rừng và chính quyền các xã tổ chức chốt chặn, tuần tra truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác rừng trái phép…

Nguồn: Báo Khánh Hòa được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Giải pháp nuôi biển bằng lồng nhựa HDPE

Hiện nay ngành nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa đang định hướng việc ứng dụng công nghệ trong vật liệu làm lồng bằng nhựa HDPE (kiểu lồng Na Uy) với nhiều tính năng vượt trội…

Cơn bão số 12 đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa vào đầu tháng 11 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân, đặc biệt là các vùng nuôi trồng thủy sản.

Tâm bão quét qua huyện Vạn Ninh – vùng nuôi trồng trọng điểm gây sóng lớn, gió giật mạnh đã đánh chìm toàn bộ lồng bè truyền thống bằng gỗ, cá tôm trôi theo bọt nước, người nuôi “khóc ròng” vì bao nhiêu vốn liếng đều mất sạch.

Gượng dậy sau bão

Gia đình chị Cao Thị Yến Châu ở tổ 8, thị trấn Vạn Giã là một trong những trường hợp bị thiệt hại nặng. Cơn bão vừa qua đã làm gia đình chị mất trắng hơn 20 lồng nuôi tôm hùm (1.000 con), trọng lượng 0,3 – 0,5 kg/con và 20 lồng nuôi cá bớp (2.000 con) đã đến ngày thu hoạch, trọng lượng 4 – 5 kg/con, ước thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Không chỉ thế, gia đình chị hiện còn nợ hơn 1 tỷ đồng do vay ngân hàng và vay nóng bên ngoài để đầu tư SX.

Các lồng bè nuôi truyền thống bằng gỗ bị bão số 12 đánh tan nát

Theo chị Châu, việc khôi phục SX gặp rất nhiều khó khăn do không còn vốn liếng. Sau bão gia đình chị có mót lại một số cây gỗ, phi nhựa và lồng bè rách nát nhưng chẳng tận dụng được bao nhiêu. Do đó để tái SX, chị mong nhà nước sớm hỗ trợ để làm lại từ đầu.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh cũng than vãn vì bão đã khiến gia đình ông trở nên trắng tay. Gần 30 lồng bè nuôi tôm hùm và cá bớp đã bị bão cướp sạch, ước thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Ngay cả chiếc bè còn sót lại của gia đình ông cũng tan nát nên muốn nuôi lại phải mất thời gian dài làm bè gần như toàn bộ và cần số tiền rất lớn, hàng trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đối với người nuôi trồng thủy sản khi các vật tư làm lồng bè từ gỗ, phi nhựa, lưới đều tăng mạnh từ 15 – 20%, kể cả công thợ đóng bè cũng tăng gấp đôi, từ 300.000 đồng/công lên 600.000 đồng/công. Ngoài ra, con giống thả nuôi hiện nay cũng khan hiếm.

Ông Nguyễn Thành Thênh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thạnh xác nhận, đúng là nhu cầu vật tư làm lồng sau bão đều tăng khiến người nuôi gặp khó khăn, trong khi vốn liếng người dân đã mất sạch. Vì vậy, theo ông Thênh nếu nhà nước không sớm hỗ trợ cho bà con, đồng thời tạo điều kiện cho vay vốn tái SX thì khó mà khôi phục lại như từ đầu.

Nên có mô hình thích ứng BĐKH

Qua thiệt hại nuôi trồng thủy sản vừa qua tại Khánh Hòa mới thấy được sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão. Mặc dù các lồng bè nuôi ven biển đã được người nuôi gia cố, chằng chéo nhưng hầu như bị phá hủy. Bởi lẽ vật liệu làm lồng của người dân chủ yếu bằng gỗ, khung sắt, thùng nhựa nên dễ bị sóng gió mạnh đánh vỡ là điều hiển nhiên.

Để khắc phục tình trạng trên, hiện nay ngành nông nghiệp tỉnh Khánh Hòa đang định hướng việc ứng dụng công nghệ trong vật liệu làm lồng bằng nhựa HDPE (kiểu lồng Na Uy) với nhiều tính năng vượt trội. Sở NN-PTNT đề xuất xây dựng mô hình nuôi tôm hùm bằng lồng nhựa HDPE tại các vùng nuôi chính như huyện Vạn Ninh, TP Nha Trang và TP Cam Ranh, để bà con nắm bắt và tham quan học tập.

Các lồng nuôi bằng nhựa HDPE chịu được bão cấp 12

Trao đổi NNVN, ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, hiện các nước trên thế giới đang áp dụng rộng rãi mô hình nuôi biển bằng lồng nhựa HDPE. Bởi hệ thống lồng này có khả năng đánh chìm khi có gió bão và chịu được bão cấp 12, lưới và dây giềng có tuổi thọ từ 7 – 10 năm, bảo hành 20 năm.

Theo đó, về lồng nuôi, có nhiều dạng (hình vuông, lồng tròn) có kích cỡ khác nhau, bằng nhựa HDPE đặc chủng. Cụ thể, như lồng tròn đường kính 10m, sâu lưới 5 – 6m, thể tích 500m3; lồng tròn đường kính 12m, sâu lưới 6 – 7m, thể tích 800m3; lồng tròn, đường kính 16m, sâu lưới 7 – 8m, thể tích 1.500m3; Lồng tròn, đường kính 20m, sâu lưới 8 – 10m, thể tích 3.000m3; lồng vuông kích thước: 5x5m, sâu lưới 5m, thể tích 125m3; lồng vuông kích thước 5x5m, sâu lưới 3m… với giá dao động từ 40 – 50 triệu cho đến 350 triệu/lồng.

Toàn bộ hệ thống lồng được neo trên biển bằng công nghệ neo lồng đặc biệt tiên tiến nhất của Na Uy có tác dụng cố định, giảm lực tác dụng của sóng gió lên khung lồng. Do đó, toàn bộ lực tác dụng của sóng gió được hấp thụ qua hệ thống phao chịu lực độc lập. Còn hệ thống neo tự động điều chỉnh cho lồng lên xuống theo mực nước thủy triều.

Về giá đỡ khung lồng được làm 100% bằng nhựa HDPE được SX tại Việt Nam, có độ bền, độ mềm dẻo và độ vững chắc của khung lồng. Túi lưới được dệt không gút, bền, không bị lão hóa và có khả năng chống sinh vật bám được gia cường bởi các dây giềng.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Bột vỏ chanh làm tăng khả năng sinh trưởng và miễn dịch của cá

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cho thấy bổ sung bột vỏ chanh vào thức ăn có thể kích thích tăng trưởng và hoạt động miễn dịch của cá

.

Tác dụng bột vỏ chanh với động vật thủy sản.

Chanh (Citrus limon) là loài thực vật có múi quan trọng thứ ba trên thế giới, trong đó Tây Ban Nha là quốc gia sản xuất chính ở châu Âu. Nhiều tác dụng có lợi của chanh đã được biết, điều này giải thích việc sử dụng chúng một cách rộng rãi trong y học cổ truyền.

Bột vỏ chanh

Bài báo cáo này mô tả ảnh hưởng của vỏ chanh (sản phẩm phụ của ngành công nghiệp tinh dầu chanh) đối với khả năng tăng trưởng, miễn dịch và chống oxy hoá của cá tráp (Sparus aurata L.) trong thời gian 30 ngày.

Thí nghiệm

Cá được phân chia ngẫu nhiên thành ba bể (mỗi bể 12 cá thể), tương ứng với ba nhóm: đối chứng (chế độ ăn không bổ sung bột vỏ chanh – DLP), chế độ ăn uống bổ sung 1,5% DLP và chế độ ăn uống bổ sung 3% DLP. Cá được cho ăn với lượng thức ăn 1,5% trọng lượng cơ thể/ngày trong 30 ngày.

Kết quả

Cá nuôi có chế độ ăn bổ sung bột vỏ chanh vào thức ăn (1,5% và 3%) trong 15 ngày cho thấy sự tăng trưởng tốt hơn và cả hệ thống miễn dịch (Serum immunoglobulin M) và hoạt động của tế bào (peroxidase và khả năng thực bào) tăng lên đáng kể.

Hoạt tính của các enzyme chống oxy hóa cũng có biểu hiện tăng lên và các gen chống stress trong gan đã được cải thiện theo chế độ ăn. Tuy nhiên sau 30 ngày thí nghiệm, khác biệt lại không có ý nghĩa. Điều này chứng tỏ đáp ứng miễn dịch của chế độ ăn bổ sung bột vỏ chanh đạt được trong thời gian ngắn (15 ngày).

Kết luận

Từ các kết quả nghiên cứu trên, có thể kết luận bột vỏ chanh (DHP) có thể được đưa vào chế độ ăn của cá có để tạo ra các hiệu ứng miễn dịch trong một thời gian ngắn một cách rất hiệu quả.

Nguồn: tạp chí Sciencedirect được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam