Nhãn Việt lần đầu tiên xuất khẩu sang Úc

Sau vải, xoài, thanh long được xuất sang Úc, ngày 9/9/2019, quả nhãn đầu tiên của Việt Nam chính thức được cấp phép nhập khẩu vào thị trường Úc, mở ra cơ hội cho nhiều loại trái cây Việt tiếp tục xuất ngoại. Tuy nhiên, để trái cây Việt xuất khẩu bền vững vẫn còn nhiều thách thức.

 

Nhãn Việt được quản bá tại thị trường Úc

Vào được các thị trường khó tính nhất

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2017, trái cây Việt Nam xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2016 (1,7 tỷ USD). Năm 2018, đạt trên 4 tỷ USD. Tính đến nay, trái cây Việt Nam đã thâm nhập thị trường của 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc trái nhãn tươi của Việt Nam tiếp tục được xuất khẩu vào Úc không chỉ mở ra cơ hội mới cho trái cây Việt mà còn là nền tảng rất tốt để trái cây Việt Nam thâm nhập vào các thị trường khác, bởi một khi đã vượt qua được sự kiểm duyệt từ một thị trường khắt khe như Úc, sẽ thuận lợi để tỏa đi nhiều thị trường mới nữa với giá bán  tốt hơn. Đến thời điểm này, Việt Nam đã xuất khẩu nhãn vào nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc , EU… và đều đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn, đồng nhất, chất lượng và có đủ sản lượng cung ứng quanh năm.

Đại diện Hiệp hội Xuất khẩu rau quả Việt Nam cũng cho biết, hiện nay trái thanh long, nhãn tươi là một trong hai mặt hàng có kim ngạch cao nhất trong top 10 hoa quả xuất khẩu có kim ngạch cao của Việt Nam. Mặc dù Úc là một nước nông nghiệp và cũng có nhãn tươi nhưng diện tích trồng không nhiều, chủ yếu tập trung tại bang Queensland và một phần tại phía Bắc bang New South Wales. Nhãn tươi của Úc chỉ có một mùa kéo dài từ tháng 1 đến giữa tháng 6. Vì vậy, nếu nhãn tươi Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Úc, nhất là vào thời điểm trái mùa thì có thể được tiêu thụ với giá cao. Bên cạnh đó, cơ hội thị trường cũng rất lớn khi giao dịch thương mại giữa Việt Nam và Úc trong 10 năm gần đây tăng bình quân gần 10%/năm và Úc cũng là bạn hàng xuất khẩu lớn thứ 8 và nhập khẩu đứng thứ 12 của Việt Nam.

Hình thành chuỗi liên kết là rất cần thiết

Theo các chuyên gia trong ngành, việc được cấp phép nhập khẩu mới chỉ là giai đoạn đầu, thách thức lớn nhất với các doanh nghiệp là làm sao  trụ vững trên thị trường Úc và các thị trường khó tính khác. Muốn vậy, các doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa để hướng đến một nền sản xuất sạch hơn, ở đó chất lượng sản phẩm luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu chứ không phải là sản lượng và giá cả thấp. Do vậy, việc hình thành chuỗi liên kết là rất cần thiết.

Nhìn lại quá trình thâm nhập thị trường Úc của trái cây Việt trước đó, mới thấy chặng đường không hề dễ dàng. Chỉ tính riêng vải thiều và xoài, quá trình đàm phán hai loại trái cây này vào thị trường Úc mất lần lượt là 12 năm và 7 năm. Tương tự, lô thanh long tươi đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang Úc cũng mất 9 năm đàm phán và làm thủ tục.

Tuy nhiên, vào được thị trường rồi vẫn chưa vội mừng. Bởi thực tế, những chuyến hàng vải thiều và xoài đầu tiên khi nhập khẩu vào Úc có chất lượng rất tốt, bảo đảm, mang ra chợ bán được giá rất cao, nhưng sau đó giá bị giảm nhanh chóng do trong các lô hàng xuất khẩu tiếp theo, doanh nghiệp không đáp ứng được đủ các quy trình như các lô hàng đầu tiên, dẫn tới việc mất khách hàng.

Theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp Úc, các doanh nghiệp cần lưu ý về liều lượng chiếu xạ tối thiểu và tối đa trong việc xử lý quả nhãn, phải tuân thủ hàng loạt các quy định về kiểm tra chất lượng, dịch bệnh, đóng gói và các vấn đề kiểm dịch, vệ sinh thực phẩm. Ngoài việc phải được chứng minh nguồn gốc, sản xuất và xuất khẩu, quả nhãn cũng phải trải qua các biện pháp quản lý rủi ro bắt buộc. Đó là một trong những điều kiện để xuất khẩu nhãn tươi từ Việt Nam vào Úc được Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Úc chính thức công bố mới đây.

Ông Nguyễn Đình Tùng-  Tổng giám đốc Công ty T&T Vina cho biết, trái cây Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh rất lớn tại thị trường Mỹ, Úc, EU… Tuy nhiên, thông thường, trong 10 tấn sản phẩm thì chỉ lựa được vài ba tấn hàng đáp ứng thị trường. Tuy nhiên, đây chỉ một phần trong các điều kiện cần, doanh nghiệp còn phải xây dựng quy trình thu hoạch, đóng gói, vận chuyển, đặc biệt là sở hữu được công nghệ bảo quản mới giữ được chất lượng trái cây tốt cho đến khi đến tay người tiêu dùng”. Đơn cử như quả bưởi của Việt Nam hiện mới chỉ có 30% sản lượng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Con số này sẽ tăng lên 70-80% nếu có đầu tư về chế biến, bảo quản.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi FarmTech Vietnam

Tư thương Trung Quốc đến tận nhà gom Mít Thái, trả giá cao chót vót

Với mức giá 43.000 đồng/kg tại vườn, người dân một số tỉnh vùng ĐBSCL như Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang đang lãi lớn vì đây cũng là mức giá cao nhất trong 5 năm qua. Đặc biệt với mít Thái không hạt, giá có lúc lên tới 60.000 đồng/kg.

Ông Năm có 15 cây mít Thái ở Tiền Giang cho biết, vì chăm sóc khá cẩn thận nên vườn nhà ông cho trái khá đều và ổn định. Đa phần là trái loại một và hai, trung bình 1 cây chỉ có khoảng 2-3 trái loại 3. Riêng trái loại một, thương lái đến thu gom ngay tại vườn với giá mỗi trái lên tới 300.000 đồng.

Nhà vườn xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) chăm sóc mít Thái.

“Nếu giá đỉnh điểm của 2017 có khi lên tới 30.000 đồng/kg thì nay đã nhảy vọt lên 43.000 đồng/kg. Do tư thương thu gom mua mạnh nên không dễ có hàng để bán. 3 năm trước giá bán tại vườn 15.000 đồng là tôi đã có lãi, còn năm nay với mức giá trên thì vụ mít năm nay… siêu lãi. Chỉ với 15 cây mít mà có thể thu về cả trăm triệu”, ông Năm nói.

Cũng có vườn mít Thái lớn, ông Bảy Ẩn, ở huyện Cai Lậy, Tiền Giang cho biết, năm nay nhà ông thu hoạch 5 tấn. Vì là hàng chất lượng đa phần loại 1 và 2 nên bán rất nhanh.

“Tôi bán 43.000 đồng/kg cho trái loại một (trái trên 9kg) và 35.000 đồng/kg cho loại 2 (trái trên 7kg). Đây là năm mà mít Thái có giá cao nhất từ trước tới nay”, ông Bảy Ẩn nói và cho biết, khi mới trồng mít Thái có giá 15.000 đồng/kg cho trái loại một nhưng nay chỉ với hàng dạt ông đã bán được với giá này.

Ông cũng cho biết, năm nay thị trường Trung Quốc thu gom mít Thái với số lượng lớn nên hàng ngon được tuyển đi hết. Mít bán tại chợ hiện đa phần là hàng “dạt”, trái bé, hoặc bị sâu phần đầu.

“Chưa có đầu năm nào thuận lợi như năm nay. Thương lái liên tục đi gom hàng tận nhà và trả với giá cao nhưng không còn hàng để bán. Có ngày có 3-4 người hỏi nhưng vì bán hết cho người hỏi mua đầu tiên nên không còn hàng để bán”, ông Bảy chia sẻ thêm.

Hiện mít Thái loại 1 giá lên tới 43.000 đồng/kg tại vườn, cao nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây.

Tương tự, ông Trần Văn Sáu có 2 công mít Thái siêu sớm ở xã Bình Trưng, huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) cũng cho biết, vườn của ông trồng đã thu hoạch khi cây được 2 – 3 năm. Hiện giờ, vườn ông thu hoạch bình quân mỗi trái nặng từ 8 – 20 kg, sau khi trừ chi phí thu lợi 70 – 80 triệu đồng, cao gấp 3 lần giá đỉnh điểm năm 2017.

Không chỉ ở Tiền Giang, Bến Tre nhà vườn bán được mít với giá cao mà tại Cần Thơ, Hậu Giang cũng lãi lớn với mít Thái sớm năm nay.

Cẩn trọng khi giá mít tăng cao kỉ lục

Khảo sát tại các chợ trên địa bàn TP HCM cho thấy, mít loại 3 cũng được bán với giá khá cao. Chị Hoa, tiểu thương chợ Hòa Bình (quận 5) cho biết, tại chợ đầu mối lượng mít không nhiều đa phần bị sâu đầu nhưng cũng đã có giá trên 20.000 đồng một kg nên khi bán ra có giá 30.000 đồng. Riêng với mít Thái không hạt, giá lên tới 60.000 đồng nhưng cũng chưa phải là loại nhất.

Giá mít Thái tăng cao nên nông dân rất phấn khởi. 

Lý giải cho giá mít tăng cao, hầu hết nhà vườn và thương lái cho biết, vì Trung Quốc thu gom ồ ạt nên lượng hàng khan hiếm. Nếu như những năm trước đây thị trường này chỉ thu mua trái mít đã tách múi, bỏ hạt và đóng vào hộp thì nay họ tăng mua mặt hàng mít nguyên trái. Mặt khác, do hiện chưa phải là chính vụ nên giá cao hơn so với thời kỳ vào mùa.

Theo Sở Nông nghiệp & Nông thôn tỉnh Tiền Giang, giá mít loại một bán tại vườn đang trên 40.000 đồng/kg, còn tại chợ là 60.000 đồng/kg. Đây là mức cao kỷ lục so với 5 năm trở lại đây.

Trước tình hình giá mít tăng đột biến, giúp bà con có lãi cao như hiện nay, người dân một số nơi đang phá bỏ diện tích vườn cây ăn trái để chuyển sang trồng mít. Vì vậy các chuyên gia nông nghiệp cũng lo ngại, nếu diện tích trồng mít tăng với tốc độ nhanh và không có định hướng thì nguy cơ cung vượt cầu. Mặt khác, Trung Quốc ngừng thu mua sẽ khiến giá giảm mạnh.

Thực tế là đã có thời điểm, giá mít Thái sụt giảm chỉ còn từ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Nhiều hộ dân ở Châu Thành (Hậu Giang) không bán được mít đã phải bổ ra ném xuống ao cho cá ăn.

Nguồn: Dân Việt được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cho Bưởi Da Xanh xen Mít Thái ruột vàng, mới thu bói đã ra 300 triệu

Anh anh Đỗ Thanh Toàn, xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) hiện có 7 ha trồng cây ăn trái đặc sản. Trong đó, anh Toàn có 3,5 ha chuyên trồng bưởi da xanh ruột đỏ, 1 ha trồng mít Thái Lan, 2,5 ha trồng mít vàng sấy xen bưởi da xanh. Tuy mới thu trái bói, nhưng diện tích trồng bưởi da xanh xen mít Thái ruột vàng đã mang về cho anh Toàn hơn 300 triệu đồng.

Anh Trần Quốc Hoàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam giới thiệu anh Đỗ Thanh Toàn trồng cây ăn trái đặc sản đạt giá trị kinh tế cao trên vùng đất gò đồi xã Nhị Hà.

Chúng tôi “tận mục sở thị” vườn cây ăn trái đặc sản tỏa bóng xanh mát vùng đất đồi tục danh Láng Dầu ở thôn Nhị Hà 2. Anh Toàn nhiệt tình đưa chúng tôi đi thăm khu vườn ngọt ngào hương thơm mít chín đầu mùa.

Anh Đỗ Thanh Toàn cho biết, mặc dù mới là mùa quả chiến (quả bói), nhưng những cây mít Thái ruột vàng trong trang trại của gia đình đều cho ra những trái đẹp với sản lượng tốt.

Trao đổi với người chủ sở hữu vườn cây ăn trái đặc sản thuộc diện bậc nhất của huyện Thuận Nam, chúng tôi được biết anh từ xã Phước Minh lên xã Nhị Hà khởi nghiệp trồng cây ăn trái từ năm 2004 đến nay. Buổi đầu, anh đầu tư trồng 1 ha mãng cầu theo phương pháp cắt cành cho ra bông trái vụ. Thổ nhưỡng, khí hậu xã Nhị Hà thích hợp với các loại cây ăn trái này, anh liên tiếp thu hoạch những mùa mãng cầu trái vụ cho thu nhập cao. Chỉ với 1 ha mãng cầu qua gần 10 năm thu hoạch 2 vụ/năm, anh Toàn tích lũy trên 1 tỷ đồng.

Anh tiếp tục sang nhượng đất mở rộng diện tích vườn cây ăn trái hiện nay lên 7 ha. Trong đó, có 3,5 ha chuyên trồng bưởi da xanh ruột đỏ, 1 ha trồng mít Thái Lan, 2,5 ha trồng mít vàng sấy xen bưởi da xanh. Anh trồng bưởi da xanh và mít vàng sấy với mật độ 400 cây/ha. Trong vài vụ tới, khi bưởi da xanh giao cành, anh sẽ bỏ gốc mít để cây bưởi thông thoáng hấp thụ tốt dinh dưỡng và ánh sáng. Anh đào 7 ao chứa nước và lắp đặt hệ thống bơm tưới tiết kiệm cho vườn cây canh tác theo hướng an toàn sinh học.

“Từ nguồn hoa lợi của vườn cây trái đặc sản tuy mới cho những mùa trái chiến nhưng đã giúp gia đình tôi có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Trong thời gian tới, khi vườn bưởi da xanh 3,5 ha cho thu hoạch sẽ nâng mức thu nhập cao gấp nhiều lần so với hiện nay”, anh Đỗ Thanh Toàn.
Bóc vỏ trái bưởi da xanh ruột đỏ đầu mùa mời khách thưởng thức, anh Đỗ Thanh Toàn phấn khởi, chia sẻ: Bưởi da xanh trồng trên đất Nhị Hà ruột chín có màu hồng tươi, hương thơm, vị ngọt thanh, không hạt. Do mới trồng từ năm 2012 tới nay nên tôi mới thu hoạch trái chiến trên diện tích 2,5 ha trồng xen với mít ruột vàng. Thương lái đến tận vườn thu mua bưởi da xanh với giá 35-40 ngàn đồng/kg.

Anh Toàn cho biết thêm, có lẽ chưa có loại cây nào trồng trên đất Nhị Hà cho thu nhập cao như bưởi da xanh ruột đỏ. Riêng vườn mít Thái Lan rộng 1 ha đã bước vào năm thu hoạch thứ ba, chất lượng thơm ngon được người tiêu dùng trong tỉnh ưa chuộng. Tôi bán sỉ cho bạn hàng ở Phú Quý thu mua với giá 15 ngàn đồng/kg, cao hơn 3 ngàn đồng so với mít cùng loại trồng ở các tỉnh phía Nam đưa ra tiêu thụ tại thị trường Ninh Thuận.

Anh Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhị Hà nhận xét: Anh Đỗ Thanh Toàn là nông dân đầu tiên đưa cây bưởi da xanh ruột đỏ và mít Thái Lan về trồng trên vùng đất gò đồi thôn Nhị Hà 2 cho hiệu quả kinh tế cao. Anh nêu cao ý chí vượt khó vươn lên làm giàu nhờ trồng các loài cây đặc sản. Vườn cây ăn trái của gia đình anh được nông dân địa phương học tập kinh nghiệm thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao.

Vườn bưởi da xanh ruột đỏ, mít Thái Lan của gia đình anh Toàn trở thành điểm đến của nông dân địa phương tham quan, học tập kinh nghiệm chuyển đổi hiệu quả cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện.

Nguồn: Báo Ninh Thuận tổng hợp bởi Farmtech VietNam.