Khắc tinh bệnh chết nhanh, chết chậm

Bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu được xem như là căn bệnh nan y mà hầu hết bà con nông dân ai cũng đều lo ngại, nhưng không hẳn vì điều đó mà chúng ta phải bỏ cuộc, vì căn bệnh này hoàn toàn có thể phòng ngừa và hạn chế được tác hại của nó.

Ông Lê Đình Thường (ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai), là một trong những người đã có kinh nghiệm trên 20 năm đã chiến thắng được căn bệnh chết nhanh, chết chậm trên tiêu và ông đã làm thế nào?

Tìm hiểu cặp “song sát”

Trạm Khuyến nông Thị Xã Long Khánh cho biết: đối với cây tiêu, một khi đã mắc căn bệnh chết nhanh chết chậm thì chắc chắn cây tiêu sẽ chết. Nhưng khi bà con đầu tư phòng bệnh ngay từ đầu thì khả năng mắc bệnh này sẽ rất thấp.

Căn bệnh chết nhanh còn được gọi là bệnh thối rễ, do nấm Phytophthora capsici tồn tại trong đất kết hợp với các loại nấm khác gây nên, khiến cây tiêu đổ bệnh và chết nhanh chóng. Đặc điểm của loài nấm này là khả năng tấn công bộ rễ và phần thân của cây tiêu nằm trong đất, khiến cho mầm cây không phát triển được, lá chuyển dần từ màu xanh sang màu vàng và rụng dần, còn phần dây trên mặt đất có hiện tượng bị héo.

Triệu chứng này thường diễn ra rất nhanh, chỉ trong vòng 1 vài tháng thì cả cây tiêu sẽ chết. Nên lưu ý, nếu tình trạng bệnh xảy ra vào mùa mưa sẽ khiến nước mưa kéo theo mầm bệnh lây truyền từ cây này sang cây khác và cả vườn tiêu sẽ bị chết hàng loạt. Ngoài ra, môi trường đất, dụng cụ canh tác cũng là một trong những nguyên nhân khiến mầm bệnh này lây lan nhanh.

Nguyên nhân gây ra bệnh chết chậm là do các loại nấm Fusarium sp., Rhizoctonia sp., Pythium sp,…và một số loại nấm khác gây hại lên bộ rễ. Một khi tiêu mắc căn bệnh này, đặc điểm đầu tiên để bà con nhận biết đó chính là biểu hiện cây tiêu sinh trưởng chậm lại, lá hơi nhỏ lại, màu nhạt dần hoặc chuyển sang màu vàng giống hiện tượng thiếu phân, thiếu nước. Sau một thời gian thì lá, hoa, quả dần dần bị rụng hết đi từ gốc lên tới ngọn. Bệnh này là nguyên nhân gây ra thối vỏ ở phần gốc cây, làm phần lõi thân bên trong màu nâu lợt. Lâu ngày sẽ khiến toàn bộ lớp rễ và gốc bị thâm đen, cây chết khô dần. Quá trình nhiễm bệnh của cây tiêu có thể kéo dài cả năm, làm cho tiêu nhiễm bệnh từ nhẹ tới nặng và chết luôn cả cây. Bệnh này thường gặp nhất ở các vườn tiêu đọng nước và ẩm ướt.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Theo ông Lê Đình Thường thì nguyên nhân gây ra 2 căn bệnh này là do việc bà con lạm dụng thuốc hóa học quá mức, dẫn đến tình trạng càng ngày cây càng suy yếu, sức đề kháng của cây yếu dần đi và không thể chống chọi lại bệnh tật. Ngoài ra, việc chăm sóc vườn tiêu không chu đáo, thiếu thoáng mát và vườn tiêu không có hệ thống thoát nước cũng là nguyên nhân gây ra bệnh tật cho tiêu.

Ông Thường bên gốc tiêu miễn dịch

Để phòng ngừa bệnh cho tiêu một cách hiệu quả, ông Thường chia sẻ: Việc quan trọng nhất để có một vườn tiêu khỏe đó chính là phải tạo ra một hệ thống mương thoát nước triệt để vào mùa mưa, giúp tiêu hạn chế phát sinh nấm bệnh. Mặt khác mương cũng phải đảm bảo cung cấp đầy đủ lượng nước tưới vào mùa khô. Bà con nên bón phân một cách hợp lý, sử dụng chủ yếu các loại phân vi sinh tối ưu, hạn chế sử dụng các loại phân bón hóa học. Việc sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, cây sẽ không phát triển nhanh bằng phân hóa học, nhưng lại giúp cho cây khỏe mạnh về lâu về dài.

” Vườn tiêu sử dụng phân bón hóa học sẽ cho năng suất cao, nhưng chỉ được trong những năm đầu, còn những năm về sau thì không đảm bảo vì khi sử dụng phân bón hóa học thì cây tiêu sẽ rất nhanh bị kiệt quệ. Vườn tiêu nhà tôi vẫn cho năng suất đều đặn hàng năm, cây sống khỏe mạnh, tuổi thọ kéo dài. Cả vườn đã được hơn 20 năm tuổi”, ông cho hay.

Biện pháp cuối cùng là sử dụng thuốc men theo đợt. Vào đầu mùa mưa phun 2 đợt để phòng ngừa tuyến trùng, 1 đợt phòng trừ nấm, phun thêm 2 đợt vào cuối mùa mưa thì hoàn tất. Khi bà con phòng ngừa bệnh cho tiêu, nên lưu ý sử dụng những loại thuốc được khuyến cáo của ngành Bảo Vệ Thực Vật.

Với diện tích 3,5 ha hồ tiêu, cho năng suất thu hoạch ổn định hàng năm từ 3,5-4 tấn/ha mang lại nguồn thu nhập cho gia đình ông Thường 800-1 tỷ đồng/năm. Có năm, ở địa phương ông có hơn 60 ha hồ tiêu bị dịch bệnh chết, nhưng vườn tiêu của ông vẫn phát triển khỏe mạnh.

Nguồn: giongcaytrongeakmat.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nên lựa chọn trụ tiêu nào ?

Tiêu là một cây thân bò, mảnh mai, trên những đốt trên thân có rễ bám, để giúp cây có khả năng vươn lên và mọc thành cụm. Để dễ dàng chăm sóc và thu hoạch chúng ta cần trồng trụ tiêu để tạo điểm tựa cho thân tiêu.

Hiện nay có 3 loại trụ tiêu cơ bản được bà con nông dân sử dung là trụ đúc bê tông, trụ gạch xây và trụ sống. Tùy vào loại trụ sử dụng mà mật độ và khoảng cách trồng của dây tiêu sẽ thay đổi. Để nắm rõ được mật độ cũng như yêu cầu về trụ cho cây tiêu, chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.

1. Cây trụ sống.

Cây trụ sống sẽ cùng sinh trưởng với cây tiêu và là điểm tựa cho cây tiêu nên cần chọn những cây trụ vững chắc, thân dài và thoáng để tạo điều kiện cho dây tiêu dễ leo bám. Cây cần có bộ rễ ăn sâu ra khỏi tầng đất từ 20-70 cm để không tranh chấp chất dinh dưỡng và nước với cây tiêu.

Yêu cầu chọn trụ sống:

Cây sinh trưởng nhan, phát triển mạnh để nhanh chóng vươn lên đáp ứng sự sinh trưởng của dây tiêu, lớp vỏ cần tương đối nhám để cây tiêu dễ bám vào và leo lêm.

Bộ rễ của cây cần ăn sâu để không cạnh tranh dinh dưỡng với cây tiêu.

Cây thuộc loại ít tán hoặc có tán thưa để không che ánh sáng, tạo điều kiện thông thoáng khí. Có thể chịu được việc cắt xén nhiều lần mà cây không chết.

Cây phải ít sâu bệnh và không có chứa những kí sinh trùng bệnh của cây tiêu.
Bạn có thể chọn một số cây họ đậu hoặc cây trồng bằng cành để dây tiêu dễ dàng leo bám.

Một số trụ sống đang được sử dụng hiện nay:

Ở vùng Đông Nam Bộ thường sử dụng cây keo đậu, cây lồng mức, cây gòn hoặc cây đỗ quyên để làm cây leo cho tiêu. Với cây trụ sống chúng ta có thể trồng tiêu ở mật dộ 2.5×2.5m hoặc 2.5×3.0m với mật độ là 1300- 1600 cây/ha.

Ở vùng Duyên Hải Miền Trung những cây thường được sử dụng là cây lồng mức, keo dâu hoặc mít và trồng với khoảng cách 2.5×2.5 m hoặc 2.5×3.0m với mật độ khoảng 1300 -1600 trụ/ha. Ngoài ra còn có muồng, keo hoặc cây núc nác cũng được người dân sử dụng những ít phổ biến hơn.

Vùng Tây Nguyên: Thường sử dụng cây keo dâu, giá anh đào, muồng đen hoặc lồng mức để làm trụ tiêu, với khoảng cách trồng là 2.5×2.5m hoặc 3.0×3.0m đạt mật độ khoảng 1100 -1600 trụ/ha.

Ưu điểm của cây trụ sống:

  • Cây trụ sống có tuổi thọ sống cao, đáp ứng trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây tiêu.
  • Trụ sống cần vốn đầu tư thấp, hoàn toàn dễ tìm.
  • Cây có thể tạo bóng râm cho cây tiêu, thích hợp cho những dây tiêu mới trồng.
  • Các rễ bám của cây tiêu có thể tận dụng được lượng nước từ cây sống và thích nghi tốt hơn trong mùa hạn.

Hạn chế của cây trụ sống:

  • Trụ sống có sức ảnh hưởng lớn và thường cạnh tranh dinh dưỡng với cây tiêu
  • Hàng năm phải cắt tỉa cành, lá để tạo thông thoáng cho cây.
  • Cây trụ sống cần được trồng trước cây tiêu từ 1-2 năm.

2. Cây trụ gỗ.

Cần chọn trụ gỗ chắc chắn, có chất lượng gỗ tốt, có khả năng chống chịu được mối ngọt cũng như sức ảnh hưởng của môi trường, cây không bị mục quá nhanh,…

Thân thẳng đứng có chiều cao từ 2- 5 m trở lên, đường kính thân dài từ 10-15 cm.

Ưu điểm của sử dụng trụ gỗ:

  • Cây không bị cạnh tranh về nước và dinh dưỡng.
  • Mật độ trồng của trụ gỗ cao hơn, có thể tùy ý chọn lựa độ cao của trụ để dễ dàng chăm sóc vườn đạt hiệu quả cao nhất.
  • Hàng năm không phải mất công cắt cành, tỉa lá.
  • Hoàn toàn có thể chủ động quy hoạch, thời điểm trồng, mật độ. Và không mất quá nhiều thời gian chờ đợi trụ đủ chiều cao như trụ sống.

Hạn chế của việc sử dụng trụ gỗ:

  • Trụ gỗ có thời gian tồn tại ngắn, chỉ đạt từ 10- 15 năm là không thể giữ được cây tiêu và dần bị mục. Trong khi đó cây tiêu có thời gian phát triển đến 25- 30 năm. Trong thời gian trồng cần phải thay thế trụ tiêu khiến mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến bộ rễ bám của cây tiêu dẫn đến quá trình phát triển của cây tiêu bị chậm từ 1- 2 năm, năng suất trong 2 năm này giảm đáng kể.
  • Chi phí mua gỗ lớn, hiện nay để có thể mua được đủ số lượng trụ gỗ để trồng 1 ha tiêu thường phải đốn mất 4- 5 ha rừng mà tính khả thi không cao.
  • Những loại gỗ được sử dụng để làm trụ tiêu gồm có: Xoan rừng, Kiền kiền, Tràm, Viết và Sỏi mật.

3. Trụ xây bằng gạch.

Rễ cây có thể bám vào những bề mặt nhám như gạch, đá. Để tăng thời gian sử dụng của trụ tiêu lên cao hơn người ta thường đổi từ trụ gỗ sang trụ gạch để tăng tính khả thi.

Ưu điểm của dùng trụ xây bằng gạch:

  • Hạn chế được việc phá rừng để lấy gỗ.
  • Có thời gian sử dụng lâu dài phù hợp với sự phát triển của cây tiêu, không phải thay đổi trụ trong thời gian cây tiêu đang cho năng suất cao ảnh hưởng đến kinh tế.
  • Không mất thời gian chăm sóc hàng năm.
  • Có thể tận dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương.
  • Tùy vào mục đích sản xuất và yêu cầu ánh sáng của giống trồng mà thay đổi thiết kế của trụ và giúp điều chỉnh được ánh sáng trong vườn được tốt nhất.
  • Mỗi trụ có thể trồng tới 8- 10 bầu đất, tăng khả năng định hình cho vườn cây. Năng suất mỗi trụ đạt được cao hơn.

Hạn chế của trụ xây bằng gạch:

  • Chi phí đầu tư ban đầu lớn hơn sử dụng trụ sống và trụ gỗ từ 1.5 – 2 lần.
  • Gạch, đá, xi măng có khả năng hút nhiệt cao, chính vì vậy trong mùa khô hoặc thời tiết nắng nóng trụ có thể nóng tới 40- 45 độ C, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của cây tiêu. Bạn cần có kỹ thuật chăm sóc, nhất là cây che bóng cho cây.

Cách xây dựng trụ tiêu bằng gạch xây:

Bạn có thể xây trụ hình tròn hoặc vuông.Tuy nhiên trụ ống tròn được sử dụng nhiều nhất.

  • Chiều cao trụ từ 2 m trở lên.
  • Đường kính đáy từ 1 – 1.2 m.
  • Đường kính ngọn khoảng 0.6 – 0.8 m.
  • Móng trụ đào sâu 0.5m.
  • Khoảng cách: 2.0×2.0m hoặc 2.5×2.5m.
  • Thân trụ rỗng, vách trụ có những lỗ cách nhau 10 cm.

Những vườn cây sử dụng trụ gỗ hoặc trụ bằng gạch xây cần xây dựng một hệ thống cây bóng che để tạo bóng che cho cây, nhất là giai đoạn cây mới đem trồng cần có môi trường thoáng mát. Nhiều người người thường áp dụng những biện pháp thúc đẩy năng suất tăng cao, bón phân và tưới nước để đạt sản lượng lớn khiến cây nhanh chóng bị suy kiệt và dễ mắc phải những bệnh hại nguy hiểm.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Cảnh báo sâu bệnh tổng hợp trong tuần (28/11 – 4/12)

Bọ trĩ, sâu năn, dòi đục nõn hại chủ yếu trên lúa Đông Xuân giai đoạn mạ – đẻ nhánh. Rầy, sâu đục thân, bạc lá hại lúa Mùa giai đoạn chín – thu hoạch.

1. Các tỉnh phía Bắc

Cây ngô: Sâu đục thân, bắp, rệp, chuột tiếp tục tăng.

Rau màu: Bọ nhảy, sâu ăn lá, rệp tiếp tục phát sinh gây hại.

Cây mía: Bệnh chồi cỏ tiếp gây hại và có xu hướng tăng.

Cây cam, chanh, bưởi: Bệnh chảy gôm, loét, sẹo, ruồi đục quả tiếp tục gây hại các vườn cây già cỗi.

Cây nhãn: Nhện lông nhung tiếp tục phát sinh gây hại.

Cây sắn: Nhện đỏ, rệp sáp, bọ phấn gây hại cục bộ trên đồng ruộng. Châu chấu lưng vàng tiếp tục gây hại tại Nghệ An, Thanh Hóa.

2. Các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên

Cây lúa: Bọ trĩ, sâu năn, dòi đục nõn hại chủ yếu trên lúa Đông Xuân giai đoạn mạ – đẻ nhánh. Rầy, sâu đục thân, bạc lá hại lúa Mùa giai đoạn chín – thu hoạch. Bệnh bạc lá vi khuẩn hại cục bộ trên các giống nhiễm vùng ổ dịch. Ốc bươu vàng di chuyển và lây lan theo nguồn nước .

Cây ngô và rau màu: Sâu tơ, sâu xanh, bọ nhảy hại rải rác; bệnh xoăn lá cà chua tiếp tục gây hại.

Cây cà phê: Rệp sáp, rệp vảy, khô cành tiếp tục gây hại.

Cây tiêu: Rệp sáp, bệnh chết chậm tiếp tục gây hại.

Cây điều: Sâu đục thân, bọ xít muỗi, bệnh nấm hồng tiếp tục gây hại.

Cây mía: Bệnh trắng lá do phytoplasma,… gây hại cục bộ mía vùng ổ dịch.

3. Các tỉnh phía Nam

Cây lúa: Rầy nâu phổ biến tuổi 4,5, trưởng thành, cần theo dõi diễn biến của rầy nâu trên đồng ruộng để có biện pháp xử lý kịp thời. Đối với những diện tích chuẩn bị xuống giống lúa Đông Xuân khuyến cáo vệ sinh tốt đồng ruộng, làm đất kỹ, gia cố bờ bao, tăng cường bơm rút nước, đặc biệt phải theo dõi bẫy đèn để tập trung xuống giống đồng loạt, né rầy. Bệnh đạo ôn lá và bệnh bạc lá tiếp tục phát triển ở nhiều địa phương trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trỗ.

Cây thanh long: Bệnh đốm nâu tăng diện tích nhiễm.

Cây hồ tiêu: Bệnh chết nhanh và chết chậm tăng diện tích nhiễm.

Cây điều: Diện tích nhiễm bọ xít muỗi tăng.

Cây dừa: Diện tích nhiễm bọ cánh cứng và diện tích nhiễm bọ vòi tăng.

Cây cà phê: Rệp sáp tăng nhẹ diện tích nhiễm.

Nguồn: Cục bảo vệ thực vật được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.