Sốt giống lúa OM18

Tuy mới chuẩn bị bước vào đầu vụ ĐX 2019-2020 nhưng giống lúa OM18 đang dấy lên cơn sốt chưa từng có, làm thay đổi hoàn toàn cơ cấu giống của Viện Lúa ĐBSCL cung ra thị trường so với những năm qua.

 

Giống lúa OM 18.

 

Thông tin trên được Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và Sản xuất nông nghiệp (Viện Lúa ĐBSCL) cho biết. Hiện nay, Viện lúa chỉ đáp ứng giống cấp siêu nguyên chủng và giống nguyên chủng cho các đơn vị sản xuất giống. Trong khi đó giống cấp xác nhận hầu như không đủ bán trước nhu cầu đang tăng cao.

Trên thực tế, giống lúa OM18 đã được chuyển giao từ hơn 4-5 năm qua. Nông dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau sau khi thực hiện các mô hình trình diễn ban đầu nhận thấy giống thích nghi, chống chịu hạn, mặn tốt.

Hơn nữa, nhờ đặc tính kháng rầu nâu và bệnh đạo ôn khá tốt, năng suất cao, nhất là chất lượng hạt gạo trắng trong, cơm thơm nhẹ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu dùng gạo nội địa nên OM18 được thương lái đặt cọc mua từ đầu vụ. Từ đó, nông dân chuyển sang chọn canh tác giống lúa OM18 càng nhiều, diện tích tăng nhanh, lấn át giống lúa OM5451 trên địa bàn các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu…

Lúa gạo OM 18

 

Giống lúa OM18 có nguồn gốc từ tổ hợp lai OM8017/OM5166 được lai tạo bởi Bộ môn Công nghệ sinh học, Viện Lúa ĐBSCL. OM18 là giống lúa ngắn ngày, có thời gian sinh trưởng 95-100 ngày (lúa sạ), 100-105 ngày (lúa cấy), chiều cao cây 100-110 cm, cứng cây: độ 1, đẻ nhánh khỏe. Năng suất vụ ĐX 7-8 tấn/ha, vụ HT 5-6 tấn/ha. Phẩm chất gạo: Tỷ lệ gạo lức 78-79%, gạo trắng 67-68%; gạo nguyên 40-45%. Chiều dài hạt gạo 7,0-7,1 mm. Hạt gạo thon dài, cơm mềm và ngọt. Tính chống chịu: Kháng đạo ôn (cấp 2), hơi nhiễm rầy nâu (cấp 5), chống chịu mặn 3-4‰

Giống canh tác được các vụ trong năm, thích hợp cho các vùng sinh thái ở ĐBSCL và vùng nhiễm mặn.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

 

Những dịch bệnh hại cần chú ý trong tuần (từ 26-31/12)

1. Các tỉnh phía Bắc

Rầy, sâu đục thân 2 chấm, ốc bươu vàng,… hại nhẹ trên mạ chiêm, lúa gieo sạ. Sâu đục thân, chuột, đốm lá,… hại trên ngô. Bọ nhảy, sâu ăn lá, rệp,… hại trên rau màu. Bệnh héo xanh, mốc sương,… hại trên cà chua, khoai tây; sâu khoang, bệnh đốm lá,… hại trên lạc, đậu tương.

Bệnh chồi cỏ có xu hướng tăng trên mía tại Nghệ An; Bệnh chảy gôm, bệnh loét, sẹo, ruồi đục quả, nhện… hại trên cam, chanh, bưởi. Bệnh chết nhanh xu hướng tăng trên tiêu. Bệnh gỉ sắt tăng trên cà phê. Nhện đỏ, rệp sáp, bọ phấn,… hại trên sắn.

2. Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên

Cây lúa: Rầy, bệnh khô vằn, đen lép hạt,… hại trên lúa mùa, lúa vụ 10+12 giai đoạn chín – thu hoạch. Bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, sâu năn,… hại trên lúa ĐX giai đoạn mạ – đẻ nhánh. Bệnh bạc lá vi khuẩn hại cục bộ trên các giống nhiễm, vùng ổ dịch. Ốc bươu vàng di chuyển và lây lan theo nguồn nước.

Cây trồng khác: Bệnh xoăn lá cà chua tiếp tục gây hại; bệnh phấn trắng, mốc sương,… hại rau họ bầu bí; bệnh héo xanh, thán thư,… hại rau họ cà; sâu khoang, gỉ sắt,… hại nhẹ trên cây lạc và đậu đỗ. Bệnh đốm lá, khô vằn,… hại ngô giai đoạn trỗ cờ – thu hoạch. Rệp sáp, rệp vảy, đốm mắt cua,… hại cà phê. Tuyến trùng rễ, rệp sáp, bệnh chết nhanh, chết chậm,… hại hồ tiêu. Sâu đục thân, bọ xít muỗi, thán thư,… hại điều. Sâu non bọ hung, bệnh sọc đỏ, trắng lá do Phytoplasma… hại cục bộ mía ở Gia Lai. Bọ cánh cứng phát sinh gây hại dừa. Bệnh đốm nâu, thán thư,… tiếp tục hại thanh long.

3. Các tỉnh phía Nam

Cây lúa: Rầy nâu phổ biến tuổi 4,5, trưởng thành. Đối với lúa ĐX đã xuống giống cần theo dõi rầy di trú, che chắn nước kịp thời đối với lúa dưới 20 ngày sau sạ. Đối với lúa ĐX xuống giống đợt cuối tháng 12/2017 đầu tháng 1/2018 cần theo dõi rầy nâu vào đèn, khí tượng thủy văn, xuống giống tập trung, đồng loạt né rầy. Bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá hại trên lúa giai đoạn đẻ nhánh – đòng trỗ. Ngoài ra, lưu ý đối với ốc bươu vàng, sâu năn, chuột, đen lép hạt.

Cây trồng khác: Tuyến trùng hại rễ, bệnh chết nhanh, chết chậm tăng trên tiêu. Bọ xít muỗi giảm và bệnh thán thư tăng nhẹ trên điều. Bọ cánh cứng tăng nhẹ và bọ vòi voi giảm nhẹ trên dừa.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Phát hiện cơ chế giúp thực vật sinh tồn trong thời tiết cực đoan

Thực vật có thể học cách “quên đi” những ảnh hưởng của các hình thái thời tiết cực đoan.

Đây là khám phá mới hứa hẹn sẽ giúp ích cho các nhà nghiên cứu trong quá trình chuẩn bị các biện pháp giúp vụ mùa và cây cối vượt qua các điều kiện thời tiết khắc nghiệt được cho là sẽ xảy ra ngày càng nhiều hơn trong tương lai.

Trong thông báo đưa ra ngày 4/8, giáo sư Barry Pogson đến từ Đại học Quốc gia Australia, cho biết nhóm nghiên cứu đã thí nghiệm cho các mẫu thực vật vào môi trường có áp lực ánh sáng cao trong 60 phút sau đó lại cho ra hồi phục trong 60 phút sau đó.

Các loại áp lực thiên nhiên đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng của thực vật.Các loại áp lực thiên nhiên đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng của thực vật.

Kết quả cho thấy các mẫu thực vật này có khả năng tự phục hồi lại trạng thái bình thường như trước khi được đưa vào môi trường thử nghiệm để đảm bảo các chức năng sống như hấp thụ dinh dưỡng được tiếp diễn và sinh trưởng khỏe mạnh.

Nhóm nghiên cứu cũng thử nghiệm trong các môi trường áp lực cao khác và kết quả là các mẫu thực vật cũng có thể hồi phục một cách “thần kỳ” về trạng thái ban đầu.

Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sỹ Peter Crisp cho biết về cơ bản, thực vật có thể “phớt lờ” các điều kiện cực đoan bằng cách tự động “tắt” chức năng tiếp nhận thông tin từ các yếu tố gây áp lực như ánh sáng hay sức nóng. Đây là một trong những cách mà thực vật dùng để sinh tồn trong các điều kiện môi trường khắc nghiệt và thay đổi liên tục.

Các loại áp lực thiên nhiên đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng của thực vật, có ảnh hưởng lớn tới lục lạp, một đơn vị chức năng quan trọng trong tế bào thực vật, có vai trò thực hiện chức năng quang hợp.

Các tác giả tin tưởng kết quả nghiên cứu này sẽ sớm giúp giới khoa học xây dựng các biện pháp cải thiện quá trình hồi phục cho các loại cây lương thực dễ bị tác động bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Thành phần dược tính một giống lúa đỏ tại đồng tháp

Với những ưu điểm nổi trội về hàm lượng chất dinh dưỡng, giống lúa đỏ mang tên Ngọc Đỏ Hương Dứa do ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc HTX giống Định An, huyện Lấp Vò, lai tạo đang tạo được sức hút lớn từ thị trường trong và ngoài nước. Hiện tại, không những thị trường trong nước có nhu cầu cao với loại gạo đỏ quý này mà các đối tác ở Châu Âu cũng đang đặt hàng với sản lượng lớn.

Giống lúa đỏ tại Đồng Tháp

Anh Dũng chia sẻ: “Trong một lần tình cờ đi thăm đồng, tôi phát hiện được một cá thể lúa có mùi thơm lạ. Sau đó tôi mang về nghiên cứu, tuyển chọn, phân ly và nhân giống”. Sau khi tuyển chọn được dòng thuần nhất, năm 2014 anh Dũng tiến hành sản xuất hàng hóa trên giống lúa có màu đỏ và mùi thơm lá dứa này. So với những giống lúa cùng dòng trên thị trường thì giống lúa Ngọc Đỏ Hương Dứa này có hạt dài, mùi thơm lá dứa đậm, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất đạt từ 6 – 7 tấn/ha.

Theo kết quả phân tích của Trường ĐH Cần Thơ cho thấy các chỉ tiêu dinh dưỡng của gạo Ngọc Đỏ Hương Dứa đều vượt trội so với gạo trắng cao cấp Jasmine. Trong đó, hàm lượng chất sắt của gạo này tới 26,4mg/kg, cao hơn 81,8% so với gạo trắng và bằng hàm lượng chất sắt có trong 0,9kg thịt bò. Còn hàm lượng canxi là 137mg/kg, cao gần gấp ba lần gạo trắng. Các khoáng chất khác đều cao hơn gạo trắng, có tác dụng kiểm soát huyết áp, giảm nguy cơ các bệnh tim mạch.

Ông Nguyễn Phước Tuyên, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Thông tin, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết: “Hiện nay, giống lúa đỏ Ngọc Đỏ Hương Dứa của HTX giống Định An đang có nhiều triển vọng bởi giống lúa này sở hữu lợi thế về nhiều mặt như: đặc tính sinh trưởng, phẩm chất gạo… Đặc biệt ưu điểm mà thị trường đánh giá cao đối với giống lúa này là hàm lượng protein cao gấp đôi so với gạo trắng. Ngoài ra, lượng đường ở gạo này thấp, chất sơ, chất sắt, canxi cao… rất thích hợp cho bệnh nhân bị tiểu đường. Vì vậy ngay khi loại gạo này được tung ra thị trường được sự đánh giá cao của thị trường nội địa lẫn khách hàng Châu Âu”.

Theo thông tin từ HTX giống Định An, hiện nay HTX đang hợp tác liên kết với công ty Docimexco trong việc sản xuất và tiêu thụ đối với giống lúa Ngọc Đỏ Hương Dứa. Theo cam kết thì công ty sẽ bao tiêu toàn bộ sản lượng của HTX với mức giá sàn là 7 ngàn đồng/kg lúa tươi (trong khi đó, hiện giá lúa thơm Jasmine chỉ có 5.200 đồng/kg, còn lúa IR50404 là 4.200 đồng/kg). Với giá này, nông dân lãi gần 20 triệu đồng/ha. Trong vụ Đông xuân tới, HTX dự kiến sẽ tiếp tục hợp tác với một số HTX lân cận mở rộng diện tích sản xuất khoảng 100 ha. Để đảm bảo chất lượng gạo đồng nhất và an toàn, ngoài cung cấp giống HTX còn hướng dẫn và hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng an toàn cho các hộ dân thực hiện liên kết.

 Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam