Ứng dụng cntt trong nuôi đà điểu

Ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ là những mô hình thương mại điện tử quy mô, những website thiết kế phức tạp. CNTT trong nhiều trường hợp chỉ là việc sử dụng một vài máy tính với những phần mềm đơn giản nhất, nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho các doanh nghiệp. Ứng dụng CNTT cũng không chỉ dừng lại trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, trong những toà nhà cao tầng ở trung tâm thành phố mà được áp dụng ngay cả trong trang trại chăn nuôi đà điểu.
                                     Ứng dụng CNTT trong nuôi đà điểu

Khoảng 700 con đà điểu giống được nuôi dưới chân núi Bà Nà. Công việc khó khăn là phải quản lí chặt chẽ loài gia cầm hay chạy và chạy rất nhanh này theo phả hệ, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng lai tạo đà điểu đồng huyết thống gây thoái hoá giống. Tuy nhiên, khó khăn đó đã giảm đi nhiều khi việc quản lí bằng tay trên sổ sách được thay thế bằng cách quản lí trên máy tính… 2 chiếc máy tính, máy in và phần mềm Excel thông dụng đã giúp cho ông chủ và các công nhân tại trang trại của doanh nghiệp Minh Hưng ở thành phố Đà Nẵng bớt được nhiều phần việc so với cách làm thủ công.

Ông Trần Minh Đức, Giám đốc công ty cho biết: “Làm thủ công hết 6 người, riêng hệ thống kế toán thôi. Nhưng từ khi áp dụng CNTT vào thì tôi chỉ cần 2 người, mà sự nhầm lẫn lại giảm. Trước muốn tìm số liệu về một con đà điểu rất lâu, mà vẫn bị lộn. Nhưng giờ tra trên máy biết ngay nó ở khu nào, mã số gì, ở đâu, bố mẹ nó tên gì, sinh ngày nào, bấm máy lên là biết ngay”.

Ấp trứng, chăm sóc, quản lí đà điểu con cho đến khi trưởng thành… Sử dụng CNTT để quản lí cả quy trình liên hoàn đó cũng được ông chủ trang trại tính đến. Với đà điểu trưởng thành, việc quản lí càng được đặt ra chặt chẽ hơn, vì chúng thường có những biểu hiện bất thường. Và thế là những chiếc camera được lắp đặt để nâng cao hiệu quả của công tác theo dõi.

Ông Đức bổ sung: “Chúng tôi gắn camera để quản lí từng khu cả ngày lẫn đêm. Trung tâm quản lí sẽ theo dõi và gọi bộ đàm cho cán bộ kĩ thuật bên ngoài để xử lí theo từng ô chuồng. Ví dụ nếu thấy ở ô nào có con đà điểu biếng ăn hay có biểu hiện lạ, người ở trung tâm sẽ kiểm tra và báo cho kĩ thuật bên ngoài”.

Ban đầu, công ty Minh Hưng ứng dụng CNTT với 2 chiếc máy tính để bàn và phần mềm Excel đơn giản. Nhưng khi đàn đà điểu ngày càng gia tăng về số lượng, thì doanh nghiệp cũng nhận thấy phải quản lí phả hệ đà điểu một cách chuyên nghiệp hơn. Đơn hàng đã được đặt, và đàn đà điểu này sắp được quản lí bởi phần mềm chuyên nghiệp do một công ty phần mềm chuyên nghiệp viết.

Ông Harrison Li, Giám đốc thương hiệu các sản phẩm dành cho DN nhỏ, Tập đoàn Intel phân tích lợi ích từ việc ứng dụng CNTT: “Giả dụ tôi là một doanh nghiệp nhỏ, thì việc sử dụng một chiếc máy tính và những phần mềm thông dụng cũng là ứng dụng công nghệ thông tin. Ở mức độ đó, có thể tận dụng chiếc máy tính để quản lí sổ sách chứng từ, bảng biểu tài chính, kế toán. Nhưng nếu điều kiện tài chính cho phép, hay khi việc kinh doanh phát triển, thì nên ứng dụng CNTT sâu rộng hơn để tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ví như với một phần mềm quản lí dữ liệu khách hàng chuyên nghiệp, bạn có thể biết ai là khách mua hàng nhiều nhất, ai là khách hàng lâu năm nhất, rồi nhận ra cả những khách hàng đã không còn mua hàng của mình trong một thời gian dài, từ đó có thể đưa ra những giải pháp một cách dễ dàng. Như với khách hàng tốt nhất thì phải có chế độ đãi ngộ, còn với người đã lâu không mua hàng thì phải tìm đến họ giải thích về những mặt hàng mới, chính sách giá mới, từ đó kéo họ mua hàng trở lại. Như vậy ứng dụng công nghệ thông tin cũng có thể theo nhiều cấp độ, tuỳ theo điều kiện tài chính và quy mô sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng ở cấp độ nào, doanh nghiệp cũng có lợi ích từ việc ứng dụng CNTT”.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Nuôi đà điểu cho hiệu quả kinh tế cao

Nuôi đà điểu hướng phát triển kinh tế triển vọng

Gọi là vật nuôi “đặc biệt” bởi trước ông Lượng ở Hòa Bình chưa có ai chăn nuôi đà điểu. Nhớ lại ngày đầu bắt tay nuôi đà điểu, ông Lượng chia sẻ: “Vận động mãi vợ con mới nhất trí đầu tư mua đà điểu giống song ngày mang về, hàng xóm đến xem rất đông. Nhiều người lắc đầu vì “chỉ thấy nó ở trên ti vi”. Tôi càng thêm quyết tâm phải nuôi bằng được đà điểu”.

Trước đó, với bản tính cần cù, chịu khó, nhưng ông Lượng vẫn luôn trăn trở một điều, đó là dù đã gắn bó cùng nhiều nghề mà kinh tế gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn.

Tình cờ một lần đọc Báo Nông nghiệp Việt Nam, thấy giới thiệu mô hình nuôi đà điểu thành công ở một số địa phương như Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, ông Lượng đã nhanh chóng bị lôi cuốn.

Sau khi dành nhiều thời gian để nghiên cứu về đặc tính sinh học, đặc điểm sinh trưởng và kinh nghiệm nuôi đà điểu trong sách, báo, đầu năm 2010, ông Lượng khăn gói tìm đến trại đà điểu Thiên Lan (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) để tìm hiểu và quyết định đầu tư mua con giống với giá 5 triệu đồng/đôi.

Sau khi đưa con giống về nhà nuôi, ông Lượng cũng thường xuyên trở lại trang trại để tiếp tục học hỏi về cách chăm sóc, kỹ thuật phòng, trị bệnh… cho đà điểu.

Cũng theo ông Lượng, từ những kết quả khả quan bước đầu, thời gian tới gia đình ông sẽ tiếp tục xuất bán đà điểu để quay vòng vốn, đầu tư mở rộng đàn.

Nhờ chịu khó chăm sóc đúng quy trình do các kỹ thuật viên của trại đà điểu Thiên Lan hướng dẫn nên đà điểu của gia đình ông Lượng sinh trưởng khá tốt và không bị bệnh tật. Nhận thấy triển vọng của loại vật nuôi mới, cuối năm 2010, ông Lượng lại đầu tư mua thêm 1 cặp đà điểu giống. Đến nay, đàn đà điểu của gia đình ông Lượng đã phát triển lên tới 10 con lớn, nhỏ.

Theo quan sát của chúng tôi, khu vực chuồng nuôi đà điểu được ông Lượng thiết kế khá đơn giản. Ngoài một lán dựng bằng gỗ bạch đàn và tre, nứa có lợp ngói proxi-măng là khu vực chăn thả tương đối rộng rãi được rào chắc chắn bằng hệ thống cọc tre cao khoảng 1,5 – 2 m kết hợp với lưới các loại vì khi phát triển đến khoảng 30 kg là chủ yếu đà điểu chỉ chạy nhảy ngoài trời.

Theo kinh nghiệm của ông Lượng, do là loại động vật hoang dã mới được thuần chủng nên thời gian đầu, đà điểu con khá nhát. Ngoài vốn đầu tư ban đầu khá lớn thì chi phí nuôi đà điểu không tốn như các loại vật nuôi khác bởi thức ăn chủ yếu của nó là rau, cỏ, ngô, khoai, sắn, thóc… chứ không phải mua cám công nghiệp đắt tiền.

Hơn nữa, công nuôi cũng không mất nhiều vì trên thực tế, mỗi ngày ông Lượng chỉ dành khoảng 2 giờ để chăm sóc đàn đà điểu. Mặt khác, đà điểu là loại động vật hoang dã nên có sức đề kháng tốt, có khả năng chịu nóng, chịu rét và rất ít khi bị bệnh dịch. Nếu chăm sóc đúng quy trình, bảo đảm tốt về dinh dưỡng thì đà điểu sau khi nuôi từ 12 – 14 tháng là có thể xuất bán với trọng lượng trung bình đạt trên 1 tạ đối với con đực và khoảng 90 – 95 kg đối với con cái.

Tìm hiểu được biết, hiện nay nhu cầu thịt đà điểu của thị trường là khá lớn và ổn định. Tại Hòa Bình, thịt đà điểu đang được thu mua với giá tương đối cao để chế biến các món ăn đặc sản tại các nhà hàng, khách sạn. Riêng năm 2014, với việc xuất bán 2 con đà điểu thương phẩm, gia đình ông Lượng đã thu về gần 50 triệu đồng.

                                    Nuôi đà điểu cho hiệu quả kinh tế cao

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam