Với lợi thế về điều kiện tiểu khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, thời gian gần đây, diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Hòa Bình ngày càng tăng, bước đầu hình thành những vùng sản xuất mang tính hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác của người dân.
Hòa Bình thúc đẩy phát triển cây có múi
“Thủ phủ” cam Cao Phong
Có thể nói, thời gian gần đây, cây có múi, nhất là cây cam đã và đang khẳng định được thương hiệu, hiệu quả trên đồng đất Hòa Bình. Trong đó, huyện Cao Phong được biết đến là một trong những “thủ phủ” cam ở các tỉnh phía bắc. Riêng năm 2016, sản lượng cam đạt hơn 23.000 tấn, bình quân mỗi héc-ta cho thu hoạch khoảng 25 đến 30 tấn quả, với giá bán từ 25 nghìn đến 30 nghìn đồng/kg người dân thu lãi từ 400 đến 600 triệu đồng/ha.
Là một trong những gia đình trồng cam lâu năm và có kinh nghiệm sản xuất, hiện nay, gia đình anh Nguyễn Đức Thủy (khu 3 thị trấn Cao Phong) nổi tiếng là một trong những tỷ phú nhờ trồng cam. Anh Thủy chia sẻ: “Gia đình tôi trồng cam từ năm 1996, đến nay, đang trồng 10 ha cam, trong đó có 7 ha ở thời kỳ thu hoạch, còn lại 3 ha chuẩn bị cho quả. Vụ cam năm 2016, với 7 ha, gia đình thu khoảng 210 tấn quả, bình quân thu khoảng 780 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu về 500 triệu đồng/ha”.
Cũng như nhiều hộ khác, anh Bùi Văn Đồng ở thị trấn Cao Phong, đang mở rộng diện tích trồng cam sau một thời gian canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Đồng cho biết: “Trước đây, gia đình chỉ trồng 1 ha cam, sau một thời gian thấy hiệu quả, nên đã thuê thêm 2 ha để trồng. Hiện nay, 2 ha cam đã bước vào năm thứ 5 và cho bói năm trước được hai tấn quả. Dự kiến năm nay, 2 ha cam sẽ thu khoảng 20 tấn, với giá bán như hiện nay, chắc chắn sẽ thu lãi hàng trăm triệu đồng”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình Vương Đắc Hùng cho biết, đến nay diện tích cây có múi trên địa bàn khoảng 6.300 ha, trong đó, diện tích cam là 3.600 ha, bưởi 2.700 ha. Đặc biệt, cây cam hiện có mặt ở hầu khắp các huyện, nhưng chủ yếu vẫn tập trung nhiều nhất ở Cao Phong. Qua thống kê, bình quân mỗi héc-ta cam đạt năng suất 30 tấn quả, thu nhập từ 650 đến 700 triệu đồng/ha. Ngoài ra, hiện nay cây bưởi, chủ lực là cây bưởi đỏ cũng đang phát triển mạnh ở huyện Tân Lạc, với thu nhập từ 400 đến 450 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, có những gia đình trồng bưởi đỏ hơn 10 năm, có cây cho thu hoạch khoảng 700 đến 800 quả, giá bán 25.000 đồng/quả, bình quân thu nhập hơn 18 triệu đồng/cây. Ngoài ra, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 117 ha cây ăn quả được cấp chứng nhận VietGAP.
Nhằm phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương, tạo sản phẩm mang tính hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ phát triển, trong đó chú trọng các loại cây ăn quả chủ lực. Đặc biệt, tỉnh triển khai hỗ trợ tiêu thụ nông sản hàng hóa; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Hiện nay, sản xuất cây ăn quả trên địa bàn đã hình thành các vùng sản xuất tập trung có giá trị kinh tế cao ở các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Sơn… Từ các vùng sản xuất tập trung hình thành các hình thức liên kết sản xuất hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ, nhằm mục đích trao đổi kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất.
Đẩy mạnh tiêu thụ
Điều đáng mừng là hiện nay cây cam, bưởi trên địa bàn Hòa Bình đang được tiêu thụ tốt do nhu cầu thị trường ngày càng tăng. Tuy nhiên, về lâu dài cây cam cần có giải pháp thúc đẩy chế biến tại chỗ cũng như tìm hướng xuất khẩu, tránh trường hợp phát triển nhiều sẽ gây bão hòa, cung nhiều hơn cầu gây khó khăn cho tiêu thụ.
Cũng như cam, mặc dù diện tích bưởi đỏ trên địa bàn đã tăng nhanh trong những năm gần đây nhưng nhìn chung hầu hết người dân đều trồng tự phát, chưa được tập huấn kỹ thuật; diện tích trồng nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng giống chưa bảo đảm, kỹ thuật trồng trọt chưa cao, ít có sự hỗ trợ để áp dụng sản xuất theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, an toàn (VietGAP).
Bưởi đỏ trên địa bàn đã tăng nhanh trong những năm gần đây
Bên cạnh đó, việc bảo quản hoàn toàn bằng thủ công; thời gian bảo quản ngắn chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch còn cao; việc tiêu thụ sản phẩm mang tính nhỏ lẻ, sức cạnh tranh thấp do chất lượng không ổn định, số lượng còn ít, giá trị sản phẩm chưa cao. Trong khi đó, theo mục tiêu tại Quyết định số 1178/QĐ-UBND ngày 29-4-2016 của UBND tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020, tỉnh xây dựng vùng sản xuất bưởi đỏ ổn định, tập trung quy mô 2.000 ha; phấn đấu giá trị thu nhập bình quân đạt hơn 500 triệu đồng/ha/năm.
Vì vậy để khắc phục tình trạng này, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vương Đắc Hùng, cần có bộ quy chuẩn quốc gia về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả, trong đó chú trọng giống cây ăn quả lâu năm để có cơ sở quản lý giống. Triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án đã được phê duyệt trong sản xuất quả an toàn; hỗ trợ triển khai các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng khu sơ chế sản phẩm có công nghệ tiên tiến đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích lưu thông, thu mua sản phẩm bảo đảm lợi ích người sản xuất, chú trọng liên kết bốn nhà trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, thâm canh cây ăn quả an toàn, nhất là cây có múi; hỗ trợ, xây dựng mạng lưới tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP; đẩy mạnh việc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác và sản xuất theo hướng trang trại, gia trại quy mô tập trung để tạo sản phẩm lớn thu hút thị trường.
Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.