Tình hình sản xuất và cung ứng giống nhuyễn thể

Đối tượng nhuyễn thể đang được phát triển nuôi chủ yếu là ngao (nghêu Bến Tre), hàu Thái Bình Dương, tu hài, ốc hương, vẹm xanh, sò huyết… Đây là những đối tượng đã có công nghệ sản xuất giống.

Nghêu, ngao

Nuôi nghêu Bến Tre đang phát triển rất mạnh ở các tỉnh ven biển phía Nam, nhất là Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và một số tỉnh ven biển phía Bắc như Thái Bình, Nam Định. Nguồn con giống cung cấp chủ yếu từ khai thác tự nhiên. Nhiều địa phương như Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh đã thực hiện được quy chế quản lý bãi nghêu giống. Lượng ngao, nghêu giống cỡ nhỏ (nghêu cám) tự nhiên của Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau cung cấp cho các địa phương phía Bắc đã hình thành nghề ương nghêu giống trong ao ở Thái Bình, Nam Định, mang lại hiệu quả cao và góp phần tích cực cho việc giải quyết giống nuôi. Hiện nay, một số địa phương đang tiếp nhận công nghệ sản xuất giống nghêu từ các viện nghiên cứu bước đầu khá tốt như Tiền Giang, Bến Tre, Thái Bình, Nam Định.

Ốc hương

Ốc hương được nuôi ở các tỉnh ven biển miền Trung và giống được sản xuất chủ yếu ở các tỉnh Khánh Hòa, Thừa Thiên – Huế, Phú Yên và Ninh Thuận. Nhu cầu mỗi năm khoảng trên 10 – 20 triệu giống và tăng dần vì phần lớn diện tích ao nuôi tôm không hiệu quả ở vùng ven biển đã chuyển sang nuôi ốc hương. Tuy nhiên, sản xuất giống ốc hương chưa được quan tâm kiểm soát, chưa có tiêu chuẩn chất lượng.

Sò huyết

Nuôi sò huyết phát triển khá mạnh ở vùng ĐBSCL, tuy vậy con giống vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào khai thác tự nhiên, chưa sản xuất giống nhân tạo. Một số vùng nuôi cũng bắt đầu khoanh vùng bảo vệ các bãi sò huyết phân bố tự nhiên, cấm khai thác trong mùa sinh sản như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Phú Yên, Bình Định.

Trai ngọc

Trai ngọc được phát triển nuôi ở vùng biển Đông Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng) và đang được phát triển nuôi ở Kiên Giang do những công ty có vốn đầu tư lớn nuôi với mục đích cấy ngọc. Do nuôi ở vùng biển xa, đầu tư lớn, thị trường tiêu thụ hẹp có tính chất chuyên sâu nên mức độ nuôi còn rất hạn chế, con giống nuôi do các công ty nuôi tự sản xuất giống.

Tu hài

Nuôi tu hài phát triển mạnh ở vùng vịnh Bái Tử Long (Vân Đồn, Quảng Ninh) và đang nuôi ở một số tỉnh ven biển miền Trung. Hiện nay, sản xuất giống đã hoàn thiện công nghệ và chủ động cung cấp đủ giống, đáp ứng nhu cầu.

Hàu Thái Bình Dương

Nuôi hàu đang được phát triển ở nhiều địa phương ven biển và có triển vọng khả quan về thị trường tiêu thụ. Vùng nuôi tập trung nhất ở Quảng Ninh. Hiện đã sản xuất được giống bằng sinh sản nhân tạo nhưng số lượng chưa nhiều. Công nghệ sản xuất giống hầu tam bội được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III nhập và đang triển khai ứng dụng sẽ góp phần tạo được giống có chất lượng và chủ động sản xuất giống cho nhu cầu nuôi.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng dưa hấu tháp bầu

Tháp bầu là ghép trên gốc cây bầu, cho hiệu quả cao. Việc sử dụng biện pháp kỹ thuật ghép trên gốc của một số họ bầu, bí… nói chung, sẽ phòng ngừa được bệnh chết héo do nấm Fusarium gây ra một cách hữu hiệu. Với cách làm cũng đơn giản, bà con có thể tự sản xuất giống dưa hấu tháp bầu.

GHÉP DƯA HẤU LÊN GỐC BẦU

Từ nhiều năm nay, cứ gần đến Tết, ông Nguyễn Văn Long, quê ở Tiền Giang lại lên An Ngãi, huyện Long Điền thuê đất trồng dưa hấu bán Tết. Khác với nhiều người, ông Long chỉ thuê đất cố định một chỗ để trồng dưa. Theo nhiều người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề trồng dưa, cách làm này rất dễ bị thất bại do dưa bị bệnh. Nhưng thật bất ngờ, những năm dưa hấu bị thất mùa do bị chạy dây (bệnh héo dây) thì ruộng dưa của ông Long vẫn xanh tốt, không một dây dưa nào bị bệnh, thậm chí cho năng suất rất cao, bình quân mỗi năm ông thu hoạch từ 40 – 45 tấn dưa/ha, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi trên 100 triệu đồng. Bí quyết của ông Long là dùng giống dưa hấu ghép lên gốc bầu, trước khi xuống giống ông đã cùng vài người khác thuê hẳn một nhân công từ Long An lên chuyên ghép ngọn dưa vào gốc bầu. Theo nhiều người trồng dưa hấu, đa phần các hộ trồng dưa lại là những người đi thuê đất nên tâm lý chung là ít đầu tư, khi đất bị nhiễm bệnh họ chỉ cần bỏ đất và đi thuê đất nơi khác là tránh được bệnh này. Ngoài ra họ cũng ít chọn phương pháp ghép vì sợ tốn công và tăng chi phí.

Chị Trần Thị Đèo (Thạnh Phú, Bến Tre) đang ghép cây dưa hấu trên gốc cây bầu

Theo tính toán của ông Long, chi phí ươm bầu và ghép ngọn dưa đến khi đem trồng tốn khoảng 1.500 đồng/cây con giống, chi phí này cao hơn cách làm bình thường không ghép khoảng 900 đồng/cây. Nếu tính ra trên 1 ha chi phí tăng thêm từ 7,2 – 8 triệu đồng, nhưng chắc ăn vì dưa hấu kháng hoàn toàn bệnh chạy dây, năng suất ruộng dưa cao hơn trước đây từ 6 – 7 tấn/ha do gốc bầu mạnh, hấp thu nhiều dinh dưỡng hơn. “Điều quan trọng là trồng theo cách này, người trồng dưa hoàn toàn yên tâm với bệnh chạy dây do nấm Fusarium hoành hành như hiện nay. Nhờ vậy, bảo tồn được đồng vốn, luôn có lãi hơn so với cách trồng dưa hấu không ghép” – ông Long khẳng định.

Kỹ thuật ghép: Dùng lưỡi dao lam sắc cắt bỏ ngọn cây bầu phía trên 2 lá mầm khoảng 2mm, đồng thời cắt xiên lấy ngọn dưa hấu cách 2 lá mầm khoảng một cm về phía dưới. Dùng một chiếc ghim tre vót hơi dẹp nhọn xiên chéo sát bên lá mầm cây bầu khoảng 4 – 5mm rồi cắm ngọn cây dưa vào đó. Chú ý đường kính cây ghim tre chỉ lớn vừa bằng thân cây dưa hấu khi để vào để chúng tiếp hợp tốt thì tỷ lệ ghép sống mới cao, đồng thời khi đặt ngọn dưa hấu vào ghép phải chọn sao cho hai lá mầm của ngọn dưa hấu nằm chéo hình chữ thập với hai lá mầm gốc bầu. Sau đó, các bầu cây đã ghép được đặt trong trại che kín gió 2 – 3 ngày. Hàng ngày, tưới nhẹ, giữ đủ ẩm cho ngọn dưa hấu không bị héo. Khi cây dưa hấu đã liền sẹo, vén mái che kín dần dần lên để đưa cây ra thích nghi với ánh sáng và nắng cho đến khi có 2 – 3 lá thật thì đem ra ruộng trồng. Thời gian từ ngâm ủ hạt cho tới khi bầu dưa hấu đạt tiêu chuẩn trồng khoảng 18 – 20 ngày. Chỉ nên ghép vào lúc trời mát, không mưa, và cứ ghép 5 – 10 cây thì nhúng dao lam, ghim tre vào dung dịch Benlat 1% để khử trùng, tránh nhiễm khuẩn từ cây này sang cây khác trong khi ghép. Với kỹ thuật ghép này, mỗi ngày có thể ghép được khoảng 2.000 – 2.500 cây dưa hấu giống.

DỄ LÀM, HIỆU QUẢ CAO

Theo hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư: Cách ghép dưa lên gốc bầu rất đơn giản, người trồng dưa chỉ cần tham gia một lớp tập huấn ngắn hạn là có thể ghép được. Điều quan trọng là phải chịu khó thực hành để quen tay và mạnh dạn đầu tư. Nếu bà con tự ghép chi phí này sẽ thấp hơn nhiều.

Mô hình trồng dưa hấu tháp bầu

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, dưa hấu là cây trồng rất nhạy cảm với dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh: héo dây, thối rễ…, dẫn đến thất thoát lớn và mất thu nhập. Dưa trồng trên những chân đất đã có mầm bệnh nếu cứ tiếp tục trồng mầm bệnh tích lũy trong đất ngày càng cao, tỷ lệ dưa bị thiệt hại do bệnh tăng lên đến 60 – 70%. Vì vậy, muốn dưa hấu đạt được kết quả cao cần chú ý chọn giống kháng bệnh, chọn thời điểm xuống giống thích hợp, nắm vững quy trình chăm sóc, đặc biệt phải ghép trên gốc bầu để kháng bệnh héo dây chứ không cần phải thay đổi đất như cách suy nghĩ của nhiều người. Ngoài ra, thị trường dưa hấu hiện nay rất chú trọng đến sản phẩm sạch, do vậy cũng phải tổ chức sản xuất theo quy trình GAP… để sản phẩm sản xuất ra đáp ứng nhu cầu thị trường, cũng như đạt chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam