Giá cá tra tăng cao nhất trong 20 năm: Lo kiểm soát nguồn cá giống

Giá cá tra đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, việc này khiến cho người dân, các doanh nghiệp và nhà quản lý lĩnh vực thuỷ sản đều rất vui mừng. Tuy nhiên, xen lẫn với niềm vui, cũng có không ít nỗi lo về nguy cơ bùng phát diện tích nuôi và chất lượng con giống để đáp ứng nhu cầu của hộ nuôi đang tăng cao.Lãi 10.000 đồng/kg

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Nguyễn Ngọc Hải  – Chủ nhiệm hợp tác xã cá tra Thới An (quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) cho biết: “Hiện giá cá tra đã ở mức 34.000 – 35.000 đồng/kg (đối với loại  trọng lượng từ 0,7 – 1,2kg), cao hơn từ 1.500 – 2.000 đồng/kg so với tháng trước. Với mức giá này, nông dân lãi đến 10.000 đồng/kg nếu ao nuôi được quản lý tốt, không dịch bệnh làm tăng chi phí nuôi”.

Ông Hải nói thêm: “Trải qua nhiều năm thăng trầm, giá cá hiện nay mới là giá thật của nó. Trước đây, giá không thật vì nó không vượt qua giá thành nuôi, người nuôi bị thua lỗ”.

“Do giá cá tra tăng cao nên nhu cầu mở rộng diện tích nuôi của người dân ngày càng cao. Sở đã và đang phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, điều chỉnh bổ sung lại quy hoạch cá tra trên địa bàn tỉnh cho phù hợp tình hình thực tế và nhu cầu phát triển của các địa phương”. Ông  Nguyễn Văn Công -Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp

Theo ông Hải, nguyên nhân giá cá tăng có phần do người dân, doanh nghiệp có ý thức nâng cao chất lượng cá nguyên liệu, nhu cầu nhập khẩu của một số quốc gia khó tính như Mỹ tăng lên.

“Tới đây, giá cá có thể tăng hơn nữa do từ nay đến cuối năm 2018, các quốc gia nhập khẩu nhập hàng để chuẩn bị cho tết, trữ trong mùa đông, lễ hội, Noel. Hơn nữa, nhiều quốc gia chuyển sang mùa lạnh khó nuôi loại cá này nên cũng có nhu cầu mua vào” – ông Hải dự đoán.

Ông Huỳnh Thanh Bình (ấp Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ) cũng khẳng định, hiện nay giá cá tra nguyên liệu bán ra đang ở mức khá cao nên lợi nhuận của người dân thu được rất phấn khởi. Ông Bình nhấn mạnh: “Với giá này thì người nuôi có thể đến 10.000 đồng/kg cá bán ra”.

Khác với ông Hải, ông Bình lo sợ mức giá khó giữ được lâu trong thời gian tới, bởi “cách đây không lâu, giá cá lên mức 31.000-32.000 đồng rồi lại rơi xuống 24.000-25.000 đồng/kg”.

Không riêng gì ở TP.Cần Thơ, người dân nhiều địa phương có diện tích thả nuôi cá tra lớn như An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang cho biết, chưa bao giờ giá cá tra tăng cao ở mức kỷ lục như vậy. Nhờ giá bán này, nhiều hộ dân đã có cơ hội trả nợ ngân hàng, tiền thuê ao, thức ăn cho các đại lý, đồng thời có vốn để củng cố ao nuôi, liên kết với doanh nghiệp để rộng đầu ra sản phẩm, tránh lệ thuộc vào các thương lái nhỏ lẻ.

Theo ông Lê Chí Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản tỉnh An Giang, Ủy viên thường trực Hiệp hội Cá tra Việt Nam, giá cá tra tăng cao do nguồn cá nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu đang bị thiếu hụt. Vùng cá nguyên liệu tự thả nuôi của các doanh nghiệp không còn nhiều nên buộc phải ra bên ngoài tìm mua cá tra của nông dân, đẩy giá tăng cao để thu mua được cá…

Chủ nhiệm hợp tác xã cá tra Thới An cho hay, một trong những lo lắng của hợp tác xã nói riêng và người nuôi cá tra nói chung ở ĐBSCL là chất lượng cá tra giống. “Quá trình sản xuất cá tra giống hiện cực kỳ khó khăn so với những năm trước do thời tiết ngày càng khó khăn và nguồn cá bố mẹ bị thoái hoá” – ông Nguyễn Ngọc Hải chia sẻ.

Ông Hải nói: “Thật ra, bài toán cá tra giống đã tính cách nay 10 năm rồi nhưng vẫn chưa giải xong. Phần lớn người dân vẫn tự làm cá giống nuôi hoặc mua trôi nổi ngoài thị trường. Cây lúa có Viện Lúa ĐBSCL, cây ăn trái có Viện Cây ăn quả miền Nam hỗ trợ về giống, còn con cá tra mặc dù sản lượng xuất khẩu khá lớn nhưng không có đơn vị lớn hỗ trợ chuyên cứu, chuyển giao con giống chất lượng. Còn đề án giống cá tra 3 cấp có rồi nhưng cũng mới hình thành, quy mô chưa cao”.

Ông Hải cho hay, do giống cá tra ít mà nhu cầu nhiều nên giá đã lên mức 70.000 – 80.000 đồng/kg, trong khi vài năm trước đây chỉ ở mức từ 20.000-30.000 đồng/kg.

Theo Chi cục Thuỷ sản tỉnh An Giang, thời gian qua, đa số các cơ sở ương, dưỡng giống cá tra chưa thực hiện việc ghi chép hồ sơ theo dõi quá trình ương, dưỡng làm ảnh hưởng đến công tác quản lý truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, có  một số cơ sở mua cá tra bột trôi nổi (ngoài tỉnh) về ương dưỡng làm xuất hiện tình trạng cá giống có tỷ lệ dị hình cao gây thiệt hại cho hộ nuôi. Đây là vấn đề thách thức đối với nghề ương cá tra giống trong thời gian tới.

Tránh tình trạng người dân mở rộng diện tích nuôi cá tra khi giá tăng cao, Chi cục Thuỷ sản tỉnh An Giang phối hợp với các ngành chức năng có liên quan kiểm tra, hướng dẫn người dân thực thả nuôi theo quy hoạch của UBND tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho hay, toàn tỉnh này hiện có 1.228 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá tra giống, năm trước số cơ sở trên đáp ứng được nhu cầu con giống trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2018 tình hình thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tỷ lệ sống cá tra giống ương nuôi, gây ra tình trạng thiếu giống cục bộ vào thời điểm các cơ sở nuôi thương phẩm thả nuôi đồng loạt.

Mặt khác, các cơ sở sản xuất giống hiện chỉ dựa vào kinh nghiệm sản xuất và hướng dẫn lẫn nhau, không có bằng cấp chuyên môn theo đúng quy định. Các cơ sở này còn sử dụng quá nhiều thuốc, hóa chất, kháng sinh trong khâu sản xuất.

Tìm hiểu của phóng viên, diện tích nuôi cá tra ở Đồng Tháp đã trên 1.800ha, tăng 2,4% so với 9 tháng đầu năm 2017. Sản lượng cá tra đạt 319.000 tấn (tăng 14.000 tấn so với cùng kỳ năm trước). Hầu hết các hộ nuôi  đều có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nuôi gia công hoặc liên kết với các doanh nghiệp để đảm bảo được đầu ra. Do giá cá tăng cao nên dự báo diện tích thả nuôi loại cá da trơn này trong thời gian tới sẽ tăng nhiều.

Nguồn: Tổng hợp, duyệt bởi Farmtech Vietnam

Cá Tra ĐBSCL: Niềm vui nối tiếp niềm vui

Những ngày đầu năm 2018, tình hình nuôi cá tra ở nhiều tỉnh, thành khu vực ĐBSCL có nhiều khởi sắc khi giá cá tăng, thị trường tiêu thụ có nhiều thuận lợi.

Nuôi cá tra ở ĐBSCL có nhiều khởi sắc 

Niềm vui từ giá

Nhiều hộ nuôi cá tra ở thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang năm nay sẽ ăn tết lớn vì trúng đậm cá tra; bởi, thời điểm này, giá cá tra đã đạt mức 28.000 đồng/kg. Tại Hậu Giang, địa phương có diện tích nuôi cá cũng thuộc hàng nhất nhì tại khu vực ĐBSCL, hoạt động sản xuất cá tra đầu năm 2018 khá nhộn nhịp nhất là tại HTX Nuôi thủy sản Đại Thắng (xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy). Theo Phó Giám đốc HTX Phạm Hùng Minh cho biết, năm trước, giá cá rớt thê thảm tưởng chừng ai cũng thua lỗ. Nhưng nhờ HTX duy trì được hợp đồng cung ứng thức ăn, làm các dịch vụ nên phần nào hỗ trợ cho các thành viên không bị lỗ hoặc ít bị lỗ. Các thành viên được nợ 50% số tiền thức ăn với công ty; 15 hộ duy trì được ao cá, chỉ có 4 hộ treo ao hoặc cho hộ khác thuê nuôi. Một hội viên HTX chia sẻ, những năm trước, ông hùn vốn nuôi cá chung với một người bà con trên diện tích 2.000 m2. Tuy nhiên, do năm rồi thua lỗ nên người bà con đã rút vốn khiến ông không đủ tiền đầu tư. Nhận thấy khó khăn của ông, HTX Đại Thắng đã đứng ra bảo lãnh cho ông được mua nợ 50% tiền thức ăn của công ty và trợ vốn nuôi cá. Năm nay, được HTX cho mượn vốn mua thức ăn, cá giống nên ông vẫn tiếp tục thả nuôi, ước sản lượng khoảng 30 tấn, thương lái đã đặt giá 28.000 đồng/kg.

Theo thống kê, diện tích nuôi cá tra của thị xã Ngã Bảy đến thời điểm này là 40,6 ha, tăng 4 ha so năm trước. Mặc dù, tình hình nuôi cá có nhiều biến động, nhưng HTX Đại Thành vẫn cố gắng vượt khó bằng nhiều việc làm cụ thể thông qua các dịch vụ, liên kết. Đồng hành cùng hộ chăn nuôi, ngành chức năng luôn quan tâm hỗ trợ HTX, người nuôi cá tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tập huấn kỹ thuật mới… để người nuôi có lợi nhuận. Đồng thời, HTX cũng thường xuyên cập nhật tình hình giá cả thị trường, kỹ thuật nuôi để giúp người nuôi cá mang lại hiệu quả. Cách làm này cũng là sự động viên, khích lệ tinh thần cho bà con nuôi cá tra tiếp tục có động lực gắn bó với nghề.

Yếu tố thị trường

Năm 2017, xuất khẩu cá tra gặp nhiều thách thức ở các thị trường truyền thống như EU hay Mỹ, nhưng cơ hội đã rộng mở ở những thị trường mới, như Trung Quốc. Bởi, giá trị và cấu trúc thị trường xuất khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường này ngày có xu hướng tăng. Theo thống kê, năm 2014, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc chiếm 6,4%, năm 2015 là 10,3%, 2016 là 17,8% và năm 2017 tới 40%.

Mặt khác, việc đa dạng hóa sản phẩm cá tra cũng được các doanh nghiệp chú trọng, nhất là sản phẩm từ phụ phẩm cá tra. Điển hình như sản phẩm Dầu ăn cao cấp Ranee của Tập đoàn Sao Mai đã chinh phục được thị trường tiêu dùng tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Hay DNTN Cỏ May (trụ sở ở Đồng Tháp) được phía Singapore và châu Âu đề nghị mua da cá tra làm sản phẩm ăn liền (snack).

Nếu trước đây giá phụ phẩm chỉ 6.000 – 8.000 đồng/kg thì khi bán cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm giá đã tăng 71,4% (giá nhập tại kho); nếu có thêm chi phí đóng gói, cấp đông… thì có thể tăng gấp 3 lần, khoảng 22.000 -24.000 đồng/kg; Snack da cá tra tại thị trường Singapore hiện có giá 8 SGD (khoảng 136.000 đồng) cho gói nhỏ 230 g. Mỗi tháng Cỏ May xuất sang thị trường Singapore 50 – 60 tấn da cá. Năm 2018, phía Cỏ May sẽ mở rộng nhà máy, nâng công suất lên cao hơn. Hiện tại lượng hàng xuất đi đã đến mức cung không đủ cầu.

Một trong những yếu tố quan trọng khác trong việc phát triển ngành hàng cá tra trong năm 2018 chính là vấn đề chất lượng con giống. Đến nay cả nước có 230 cơ sở sản xuất cá tra giống, hơn 4.000 hộ ương dưỡng cá giống với diện tích hơn 2.250 ha, sản xuất khoảng 25 – 28 tỷ con cá bột (hơn 2,2 tỷ cá tra giống), tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang.

Theo kế hoạch của Bộ NN&PTNT, mục tiêu đến năm 2020, cung cấp khoảng 50% nhu cầu giống cá tra và đến năm 2025 cung cấp 70% nhu cầu giống cá tra tương đương gần 2,5 – 2,8 tỷ giống cá tra cung cấp cho các địa phương tại khu vực ĐBSCL. Điều này cho thấy tạo được nguồn giống tốt là rất quan trọng trong chuỗi sản xuất cá tra, do đó việc phải hoàn thiện liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp để tạo ra giống có chất lượng có tính di truyền chọn lọc có khả năng tăng trưởng nhanh, kháng bệnh, chất lượng thịt tốt… phục vụ cho nuôi thương phẩm là điều cấp thiết hiện nay, để phát huy tiềm năng, thế mạnh và phát triển bền vững thị trường cá tra. Được biết, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với tỉnh An Giang thực hiện Đề án sản xuất giống cá tra 3 cấp; nhằm chủ động cung ứng nguồn giống chất lượng cho sản xuất cá tra. Hiện, Đề án đã thu hút sự tham gia của một số doanh nghiệp như Tập đoàn Việt – Úc, Công ty CP XNK Thủy sản An Giang (Agifish)…

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.