Na Hoàng Hậu đậu quả ngọt ở Đông Trường Sơn

Na Hoàng Hậu từ lúc xuống giống cho đến khi ra quả chỉ 2 năm, là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, ít đòi hỏi nước…

 

Huyện Kông Chro nằm ở phía Đông của tỉnh Gia Lai, theo tiếng địa phương có nghĩa là khu vực nhiều núi. Đây là nơi khí hậu khắc nghiệt, khô khan, nguồn nước khan hiếm nên người dân chủ yếu canh tác các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như mía, mỳ, bắp lai, dưa hấu, ớt… Gần đây, Kông Chro liên tục gặp đại hạn cũng như sâu bệnh hại trên các loại cây truyền thống.

 

Chuyển đổi để thích ứng thực tiễn

Huyện Kông Chro dù là nơi có con sông Ba chảy qua, song nhiều năm trở lại đây, nơi này chịu cảnh khan hiếm nước do hậu quả của các thủy điện ở phía thượng nguồn gây ra. Chính vì vậy, cấp ủy và chính quyền chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm khắc phục và ứng phó với tình hình thời tiết. Một trong những nơi đi đầu là xã Yang Trung, nông dân mạnh dạn đưa nhiều cây trồng mới hiệu quả cao như na Hoàng Hậu, xoài, nhãn muộn, gấc, dừa xiêm lùn, chanh dây… vào canh tác.

Hiệu quả kinh tế từ cây na Hoàng Hậu là mô hình điểm để địa phương nghèo này mạnh dạn chuyển đổi cây trồng.

 

Hơn 3 năm nay, kể từ khi cây na Hoàng Hậu bén rễ vùng đất này, nó đã từng bước khẳng định ưu thế vượt trội, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Đến vườn trái cây của gia đình ông Vũ Văn Nhất ở thôn 9, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những quả na Hoàng Hậu to vật, cây nào cũng lúc lỉu trái.

Ông Nhất sở hữu gần 8ha đất trồng các loại cây như na Hoàng Hậu, nhãn muộn, xoài, dừa xiêm lùn, mía và đậu đỗ… Riêng na Hoàng Hậu có 600 cây, trong đó 300 cây đã cho thu hoạch trái 2 năm. Theo ông Nhất, phần đất trồng na Hoàng Hậu trước đây được luân phiên trồng mía, mì và đậu đỗ các loại nhưng hiệu quả sản xuất không cao do thiếu nước, sâu bệnh hại và giá cả bấp bênh.

Năm 2016, nhận thấy na Hoàng Hậu đang được trồng nhiều, thu nhập ổn định nên ông Nhất đã mạnh dạn cải tạo lại vườn, mang giống cây có tên gọi vương giả này về trồng thử nghiệm. Gia đình ông đã phải lặn lội vượt cả ngàn cây số vào tận tỉnh Bến Tre để tham quan, học hỏi kinh nghiệm cũng như mua cây giống. Nhờ được chăm sóc bài bản, đúng cách nên năm thứ hai, vườn na của ông Nhất đã cho quả ngọt.

“Na Hoàng Hậu từ lúc xuống giống cho đến khi ra quả chỉ 2 năm, là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, ít đòi hỏi nước nên phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng. Trái na Hoàng Hậu chín có mùi thơm, vỏ màu vàng, da căng, mẫu mã đẹp, trọng lượng gấp 3 – 5 lần so với na thông thường (trái nhỏ nhất đạt 300gr, lớn nhất là 1,5kg). Na Hoàng Hậu được bạn hàng đánh giá ngon không kém sản phẩm cùng loại đang được bày bán trên thị trường”, ông Nhất phấn khởi cho hay.

Gia đình ông Nhất thu hoạch na bán cho thương lái.

 

Cũng trồng na Hoàng Hậu, hàng xóm của ông Nhất là hộ chị Vũ Thị Đào cho hay, gia đình có hơn 2ha đất trồng nhãn, gấc, chanh dây và na Hoàng Hậu. “Trước đây, riêng nhãn, gấc, chanh dây đã đem lại thu nhập mỗi năm hơn 220 triệu đồng, song các loại cây này rất nặng công chăm sóc. Hai năm nay, gia đình đã cải tạo lại vườn để trồng 0,5ha na Hoàng Hậu. Tôi thấy việc đa dạng cây trồng, mùa nào thức ấy sẽ mang lại nguồn thu nhập thường xuyên, ổn định. Bởi nếu bỏ nhiều trứng vào cùng một rổ thì dễ rủi ro khi bị dội chợ”, chị Đào tính toán.

 

Nâng cao thu nhập bằng cây ăn quả trái vụ

Sau 3 năm na Hoàng Hậu bén rễ vùng đất này, nông dân cho rằng loại cây này chính là một hướng đầu tư có tương lai. Nhược điểm của nó là na chính vụ thường rơi vào tháng khoảng 5 – 6, đợt 2 thu hoạch vào áp Tết Nguyên đán. Lúc này, na rất nhiều trên thị trường nên giá không cao.

Chính vì vậy, ông Nhất đã mày mò tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật xử lý na ra hoa trái vụ để cây cho thu hoạch vào thời điểm tháng 10. Theo ông, biện pháp chính là cắt tỉa cành cho cây luôn được trẻ hóa, thường xuyên đâm chồi mới và bung hoa. Khi nụ hoa hé màu trắng thì ông thụ phấn nhân tạo. Sau khi đậu quả, ông còn vài lần loại bỏ quả lép, méo mó để cây tập trung dinh dưỡng nuôi những trái đạt chuẩn.

Trung bình na trái vụ có giá 47.000 đồng/kg, được thương lái đến cắt tại vườn, cao hơn nhiều so với chính vụ (từ 25.000 – 37.000 đồng/kg).

 

“Tháng 10 năm nay, 300 cây na nhà tôi đã bắt đầu cho thu hoạch trái vụ. Trung bình na trái vụ có giá 47.000 đồng/kg, được thương lái đến cắt tại vườn, cao hơn nhiều so với chính vụ (từ 25.000 – 37.000 đồng/kg). Đợt quả này, 300 cây nhà tôi cắt được trên 2 tấn quả, thu nhập 95 triệu đồng, gần bằng hai đợt chính vụ năm ngoái (100 triệu đồng), trong khi vẫn còn 1 đợt thu nữa. Chính vì vậy, các vụ sản xuất tiếp theo, tôi sẽ tiếp tục xử lý cho cây ra quả trái vụ”, ông Nhất chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Quang Quốc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kông Chro, huyện có khoảng 624ha cây ăn quả, riêng xã Yang Trung có hơn 91ha. Tại thôn 9, có hơn 72ha cây ăn quả, trong đó na Hoàng Hậu hơn 30ha. Thời gian qua, hạn hán nặng nề, dịch bệnh cây trồng hoành hành, huyện đã vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình mới, đáng kể nhất là mô hình trồng na Hoàng Hậu của ông Nhất.

Mô hình này được đánh giá rất cao, đã mở ra hướng đi mới để người dân chuyển đổi diện tích vườn tạp, vườn cây trồng kém hiệu quả cho phù hợp với điều kiện địa phương. “Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình làm kinh tế hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, giúp cải thiện một số tiêu chí trong việc xây dựng nông thôn mới”, ông Quốc cho hay.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Nông dân tìm cách “sống chung” với bệnh trắng lá mía

Trước tình hình bệnh trắng lá mía lây lan nhanh trên đồng ruộng nhưng chưa có giải pháp chữa trị hữu hiệu, chính quyền huyện Ia Pa (Gia Lai) đang chỉ đạo ngành chuyên môn vào cuộc, phối hợp với Nhà máy Đường Ayun Pa và người dân tìm biện pháp “sống chung” với loại bệnh này.

Bệnh trắng lá mía bùng phát mạnh

Huyện Ia Pa là địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất khu vực Đông Nam tỉnh. Toàn huyện hiện có gần 7.000 ha mía, trong đó có 3.300 ha mía trồng mới và hơn 3.600 ha mía lưu gốc. Theo báo cáo của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Ia Pa thì hiện nay gần như chân ruộng nào cũng có mía bị trắng lá.

Bệnh trắng lá mía

Tại xã Chư Răng-nơi có diện tích mía bị trắng lá lớn nhất huyện Ia Pa, nhiều hộ trồng mía đang lâm vào cảnh khốn đốn khi bỏ ra số tiền đầu tư khá lớn nhưng chưa thu hồi lại được vốn, nay lại tốn thêm công, tiền của để thuê máy, công cày, cuốc bỏ… Bà Tình (một người dân xã Chư Răng) cho biết: “Ruộng mía của tôi trồng theo kỹ thuật hàng đôi, ở chu kỳ năm thứ hai, là thời điểm đạt năng suất cao nhất thì bị nhiễm bệnh trắng lá. Bệnh bùng phát quá nhanh, trong vòng 1 tháng chưa kịp xử lý cuốc bỏ gốc nhiễm bệnh theo khuyến cáo của ngành chuyên môn vì diện tích quá lớn thì bệnh đã lan ra cả 16 ha. Chúng tôi buộc phải cày phá bỏ toàn bộ ruộng mía, thiệt hại lên đến cả tỷ đồng”.

Tương tự, anh Trần Công Sơn (thôn Bình Trung, xã Chư Răng) có 19 ha mía mới thu năm đầu chưa đủ bù đắp cho số tiền đầu tư (hơn 500 triệu đồng, trung bình khoảng 30 triệu đồng/ha) nay càng khó thu hồi khi diện tích nhiễm bệnh trắng lá ngày càng tăng. Tính đến nay, gia đình anh đã có hơn 5 ha mía bị nhiễm bệnh trên 40% buộc phải cày bỏ. “Lúc đầu, ruộng mía của gia đình tôi chỉ bị nhiễm ít thôi, tỷ lệ rất thấp. Tôi đã thuê công cuốc bỏ nhằm ngăn chặn sự lây lan nhưng chỉ sau 1-2 cơn mưa đầu mùa (khoảng giữa tháng 5) thì thấy ruộng mía trắng xóa. Tốc độ nhiễm bệnh rất nhanh khiến tôi không kịp trở tay”-anh Sơn cho biết.

Tìm cách “sống chung”

Trước tốc độ bùng phát của bệnh trắng lá mía, UBND tỉnh đã chỉ đạo ráo riết các ngành, địa phương triển khai các biện pháp phòng bệnh. Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với UBND huyện Ia Pa, Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai tổ chức nhiều cuộc họp tìm biện pháp tháo gỡ tình hình. Huyện Ia Pa và Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, mời các chuyên gia vào cuộc để tìm nguyên nhân, giải pháp đối phó với bệnh trắng lá mía.

“Sống chung” với bệnh trắng lá mía

Huyện Ia Pa hiện có 435,4 ha mía nhiễm bệnh trắng lá dưới 30% phải cuốc bỏ những gốc cây bị bệnh đem tiêu hủy và 79,9 ha mía gốc bị nhiễm nặng trên 30% phải cày phá bỏ tiêu hủy hoàn toàn, diện tích nhiễm bệnh còn lại đang được tập trung xử lý. Tuy nhiên, đến nay, nguồn bệnh trắng lá mía vẫn tồn tại tiềm tàng trong tàn dư thực vật, hom giống ở hầu hết các xã trồng mía. Tất cả các giống mía đang trồng trên đồng ruộng đều bị nhiễm bệnh trắng lá đã tạo môi trường cho bệnh lây lan khó kiểm soát. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng chỉ ra tồn tại là hiện các địa phương và Nhà máy Đường Ayun Pa chưa kiểm soát được nguồn giống mía của nhân dân sử dụng dẫn đến bệnh lây lan từ nguồn hom giống trước khi đem ra trồng là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, chưa có hệ thống sản xuất, nhân giống mía sạch bệnh 3 cấp: cơ bản, kiểm định và thương phẩm. Ngay cả trang trại mía giống của Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai đặt tại xã Pờ Tó cũng bị bệnh trắng lá hoành hành nhiều hơn ruộng của dân.

Bà Nguyễn Thị Hường-Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Ia Pa, cho hay, thời tiết nắng hạn kéo dài trong những năm gần đây, nhất là thời điểm có cơn mưa đầu mùa gây khí hậu nóng ẩm là điều kiện để vi rút Phytoplasma gây bệnh trắng lá mía bùng phát, kết hợp lúc này cây mía đang thời kỳ đẻ nhánh rất mẫn cảm với mầm bệnh. Theo bà Hường, biện pháp phòng trừ bệnh hiện tại vẫn là khuyến cáo người dân cuốc bỏ những gốc mía bị bệnh để đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy đối với diện tích có tỷ lệ gốc bị nhiễm dưới 30% và cày bỏ tiêu hủy hoàn toàn ruộng mía với diện tích bị nhiễm trên 30%, sau đó trồng luân canh cây họ đậu 1 năm rồi mới trồng mía trở lại. Khi làm đất phải thực hiện cày trục, cày sâu, thâm canh cây mía áp dụng quy trình trồng mía có tưới nước; sử dụng nguồn mía giống sạch bệnh. Đối với diện tích đất cát pha sét thì nên chuyển đổi cây trồng khác chứ không nên trồng mía…

Vì chưa có thuốc đặc trị nên huyện Ia Pa nói chung và cả vùng nguyên liệu mía Đông Nam tỉnh đang phải “sống chung” với bệnh trắng lá mía. Theo đó, một trong những giải pháp đang được Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Ia Pa triển khai là mô hình quản lý tổng hợp bệnh trắng lá mía với diện tích 1 ha cho 2 hộ dân là Nguyễn Viết Xuân và Đỗ Văn Cường ở thôn 2, xã Chư Răng. Sau 3 tháng trồng giống mía K95-84, đến nay, mía đang sinh trưởng và phát triển tốt, chưa phát hiện mầm bệnh trắng lá gây hại. “Trên cơ sở mô hình này, Trạm đang xây dựng kế hoạch cho năm sau nhân rộng lên 10 ha trên địa bàn huyện”-bà Hường nói.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa, bệnh trắng lá mía phát sinh gây hại cục bộ đầu tiên ở huyện trong niên vụ 2013-2014 với diện tích nhiễm 131,7 ha. Sang niên vụ 2014-2015, bệnh bùng phát mạnh với tổng diện tích nhiễm 1.079,7 ha (chiếm gần 17% diện tích mía toàn huyện). Niên vụ 2015-2016, tổng diện tích nhiễm bệnh trắng lá mía là 981,7 ha. Vụ mía 2017-2018, tổng diện tích nhiễm bệnh trắng lá 712,4 ha. Huyện Ia Pa đang là địa phương chiếm phần lớn diện tích mía bị bệnh trắng lá trong toàn tỉnh (thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tính đến 15-8, toàn tỉnh có 836,4 ha mía nhiễm bệnh trắng lá). Hầu hết các giống mía người dân đang trồng đều bị nhiễm bệnh trắng lá.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam