Trồng lúa GlobalGAP

Những câu hỏi người dân luôn đặt ra là làm sao để làm ra hạt gạo chất lượng cao? Làm sao để thay đổi thói quen SX nông nghiệp không còn phụ thuộc vào thuốc BVTV hóa học? Làm sao để nhân rộng ý thức “hạt gạo sạch” cho chính những người làm ra?

Những hạt gạo sạch được tạo ra từ mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP

SX nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu (GlobalGAP) chính là câu trả lời của Cty TNHH Thương mại Tân Thành. Tại huyện Tri Tôn (An Giang), Tân Thành thực hiện mô hình liên kết với nông dân làm 40ha lúa sạch. Đây là một trong 4 điểm đầu tiên tại ĐBSCL liên kết cùng Cty quyết tâm áp dụng hướng SX an toàn.

Từ vụ lúa ĐX 2013 đến nay, việc áp dụng công nghệ mới vào quy trình SX đã dần dần đi sâu vào nhận thức của người nông dân và thực sự mang lại hiệu quả rõ nét. Đây chính là nguồn động lực cho Cty tiếp tục mở rộng hướng SX GlobalGAP.

Trồng lúa GlobalGAP  mang lại hiệu quả rõ nét cho bà con ngư dân

Một trong những minh chứng cụ thể là nông dân liên kết cùng Cty tham gia áp dụng công nghệ sinh thái trồng hoa trên bờ ruộng. Mô hình tận dụng những bờ ruộng thường bỏ trống để trồng các loại hoa sao nhái, hướng dương, đậu bắp… có sắc rực rỡ dễ thu hút các thiên địch trong tự nhiên đến ruộng lúa. Trên những cánh đồng lúa GlobalGAP, thuốc BVTV hóa học được kiểm soát, ưu tiên sử dụng sản phẩm sinh học nhằm bảo vệ các thiên địch.

Những bờ ruộng đầy hoa thu hút thiên địch đến tiêu diệt các dịch hại trên đồng ruộng, góp phần giảm hoạt động sử dụng thuốc BVTV hóa học. Qua đây có thể thấy sự liên kết chặt chẽ giữa GlobalGAP và công nghệ sinh thái trong hoạt động SX nông nghiệp. Đây là bước đột phá, thay đổi thói quen canh tác và SX chạy theo sản lượng để chuyển hướng chuyên canh theo chiều sâu. Sản lượng ít nhưng giá trị vượt trội, đáp ứng nhu cầu sử dụng gạo đúng chất “sạch” của người tiêu dùng.

Vụ lúa ĐX 2015 – 2016 sắp kết thúc, trên cánh đồng SX GlobalGAP lại chuẩn bị hạt giống, ươm cây hoa con cho vụ mùa hoa tiếp theo.

Cây lúa đơm hoa trĩu hạt chuẩn GlobalGAP

Bà Trần Thị Bích Trân, Trưởng phòng Kỹ thuậ,t Cty TNHH Thương mại Tân Thành cho biết, ban đầu Cty liên kết thực hiện SX lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại Tri Tôn với 40ha, thu về 700 tấn lúa/năm. Vụ ĐX 2014-2015, Cty kết hợp cùng Chi cục BVTV An Giang triển khai mô hình công nghệ sinh thái trên toàn tỉnh An Giang, trong đó có 32ha lúa GlobalGAP, số nông dân tham gia chiếm 80% tổng diện tích SX theo tiêu chuẩn sạch của Cty.

Qua 2 năm áp dụng công nghệ sinh thái kết hợp SX lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP, điều rõ nét là thu hút thiên địch trên ruộng, tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường. Tới đây Cty sẽ tiếp tục triển khai mô hình công nghệ sinh thái ở Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng… lên hàng trăm ha.

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

VietGAP có gì khác với JGAP và GlobalGAP ?

VietGAP, GlobalGAP, JGAP có gì khác biệt?

GAP là viết tắt của cụm từ “Good Agricultural Practices” nghĩa là Thực hành tốt nông nghiệp.

GlobalGAP (Good Agricultura Pratices)

Đây là tiêu chuẩn Toàn cầu do hơn 80 Quốc gia đặt chung và lấy tên là GlobalGap để đề ra tiêu chuẩn chung sản xuất trong ngành Nông nghiệp bao gồm Trồng trọt, chăn nuôi thủy hải sản.

GlobalGAP với hơn 100 tiêu chí kiểm soát, theo đó yêu cầu các nhà sản xuất phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm xuyên suốt bắt đầu từ khâu sửa soạn nông trại canh tác đến khâu thu hoạch, chế biến và tồn trữ. Chẳng hạn như phải làm sạch nguồn đất, đảm bảo độ an toàn nguồn nước; giống cây trồng, vật nuôi được chọn cũng là giống sạch bệnh bởi nếu giống không an toàn sẽ ảnh hưởng nhiều tới năng suất, chất lượng; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng phải đảm bảo là những thuốc trong danh mục, chủ yếu là thuốc có nguồn gốc hữu cơ an toàn cho người sử dụng.

Ngoài ra, người sản xuất phải ghi chép lại toàn bộ quá trình sản xuất, bắt đầu từ khâu xuống giống đến khi thu hoạch và bảo quản để phòng ngừa khi xảy ra sự cố như là ngộ độc thực phẩm hay dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép và có thể truy nguyên được nguồn gốc.

Có thể thấy, để một mặt hàng nông nghiệp đáp ứng được GlobalGAP nghĩa là được thừa nhận đảm bảo chất lượng trên toàn cầu thì mặt hàng đó phải trải qua một hệ thống kiểm soát vận hành nghiêm ngặt, tối ưu nhất, và chưa kể đến việc phải bỏ ra một khoản chi phí đáng kể.

Chính từ ưu điểm và một số khó khăn hệ thống này, một số nước đã dựa trên GlobalGAP để xây dựng bộ tiêu chuẩn riêng để phù hợp với tình hình sản xuất và nhu cầu tiêu dùng tại địa phương.

VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Pratices)

Năm 2008, tiêu chuẩn VietGAP đã chính thức được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành để áp dụng phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam, dựa trên 4 tiêu chí như:

  • Tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất.
  • An toàn thực phẩm gồm các biện pháp đảm bảo không có hóa chất nhiễm khuẩn hoặc ô nhiễm vật lý khi thu hoạch.
  • Môi trường làm việc mục đích nhằm ngăn chặn việc lạm dụng sức lao động của nông dân.
  • Truy tìm nguồn gốc sản phẩm. Tiêu chuẩn này cho phép xác định được những vấn đề từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Hệ thống này bước đầu đã mang lại hiệu quả đáng kể, tuy nhiên hiện nay vẫn còn gặp một số bất cập như quản lý kiểm soát chưa chặt chẽ, người nông dân chưa hưởng ứng triệt để làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm do thói quen nông nghiệp lạc hậu, và chi phí duy trì, tái đánh giá,v.v..

JGAP (Japan Good Agricultural Practices)

Tương tự, JGAP là bộ tiêu chuẩn của Nhật Bản được xây dựng vào năm 2007. Ngay từ khi mới ra đời, JGAP đã được công nhận là bộ chuẩn đạt chất lượng tương đương tham chiếu với GlobalGAP.

Như đã biết, bên cạnh thị trường nổi tiếng kiểm soát về chất lượng sản phẩm là EU thì Mỹ và Nhật Bản là hai thị trường có những quy định riêng nghiêm ngặt hơn nữa. Đó là lý do bộ chuẩn JGAP được quy định với hơn 130 tiêu chí kiểm soát đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng đầu thế giới.

PHẠM VI – SỰ KHÁC BIỆT

Như vậy sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ được thừa nhận trên thị trường Việt Nam.

Sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn GlobalGAP hay các tiêu chuẩn tương đương (JGAP) sẽ được thừa nhận trên quy mô toàn cầu, dễ dàng được chấp nhận bởi các nhà phân phối lớn và thâm nhập các thị trường khó tính. Sản phẩm được chứng nhận GlobalGAP sẽ được nhận biết thông qua hệ thống định vị tọa độ địa lý toàn cầu, tham gia hệ thống dữ liệu toàn cầu, đảm bảo truy xét nguồn gốc nên có thể trở thành đối tượng của thương mại điện tử.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Tiêu chuẩn GAP là gì?

Hẳn chúng ta ai cũng đã từng nghe qua những câu “Sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP”, “Sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn GloabalGAP”, tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về VietGAP, GlobalGAP . Vậy những tiêu chuẩn đó là gì?

Gap là cụm từ Good Agricultural Pratices được viết tắt là G-A-P dịch sang tiếng Việt là “Thực hành nông nghiệp tốt”.

   Nguồn gốc GAP

Từ năm 1997, theo sáng kiến của những nhà bán lẻ Châu Âu (Euro-Retailer Produce Working Group) nhằm giải quyết mối quan hệ bình đẳng và trách nhiệm giữa người sản xuất sản phẩm nông nghiệp và khách hàng của họ. Họ đã đưa ra khái niệm GAP.

2   GAP trên toàn thế giới- GLOBALGAP

Từ ngày 7/9/2007, hệ thống EurepGAP (GAP của Châu Âu) được nâng lên thành GLOBALGAP (GAP của toàn Cầu). Đó là một tổ chức GAP của tư nhân được toàn thế giới hưởng ứng. Điểm quan trọng nhất của GLOBALGAP:

  1. An toàn thực phẩm.
  2. Truy nguyên được nguồn gốc của sản phẩm khi có sự cố xảy ra.
  3. Sự an toàn của người lao động.
  4. Sức khỏe và an sinh xã hội.
  5. An toàn cho môi trường. GLOBALGAP là tiêu chuẩn quy trình sản xuất của tổ chức làm ra sản phẩm (Prefarmgate).

Nghĩa là chứng chỉ đó bao trùm một chuỗi quy trình sản xuất xuyên suốt từ gieo hạt giống cho đến khi đưa sản phẩm ra khỏi nông trại.

GLOBALGAP được áp dụng cho rau, cây ăn quả, hoa, cây cảnh, cà phê hạt, trà, heo, gia cầm, cừu và gia súc, bò sữa, thủy sản, một số sản phẩm khác đang xây dựng.

Những yêu cầu chính để thực hiện GLOBALGAP

– Sản phẩm sản xuất ra phải được đăng ký nơi sản xuất rõ ràng.

– Cơ sở phải xây dựng hệ thống kỹ thuật và quản lý sản xuất hoàn chỉnh đến sản phẩm cuối cùng.

– Quy trình sản xuất, bón phân, BVTV có thể linh họat điều chỉnh cho phù hợp.

– Quản lý chặt chẽ kho thuốc, và dư lượng thuốc BVTV trong nông sản.

– Hồ sơ sản xuất (trước và sau thu họach) ghi chép, hồ sơ đầy đủ để có thể truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm.

Thực hành sản xuất theo GAP có lợi gì cho người sản xuất, và sẽ gặp những trở ngại gì?

Sự có lợi của GAP ở chỗ những quy định, quy tắc và tiêu chuẩn của chất lượng và độ an toàn của nông sản được xác định rõ ràng, minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường đánh giá, làm giảm đi những rủi ro của dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) và những tạp chất có hại khác.

Những thử thách, trở ngại chính của chương trình GAP là sự tăng giá thành sản phẩm do công việc ghi chép chứng từ, tập hợp hồ sơ suốt quá trình sản xuất, kiểm tra dư lượng hóa chất và những tạp chất khác trong nông sản, để đủ dữ kiện để có thể truy nguyên được nguồn gốc của sản phẩm. Ngoài ra còn phải đầu tư cho những công việc như đánh giá, và xây dựng hệ thống thông tin để quản lý GAP.

3   GAP của  khu vực Châu Á – ASEANGAP

ASEANGAP được thành lập bởi Hiệp Hội ASEAN, năm 2006. ASEANGAP có những tiêu chí như sau:

–         An toàn nông sản.

–         An toàn môi trường.

–         Sức khỏe cho người lao động, an sinh xã hội.

–         Chất lượng nông sản.

4   GAP của một số nước

Một số nước đã có GAP áp dụng cho thị trường của mỗi nước.

– Thailand: Q GAP và ThaiGAP, do Bộ Nông Nghiệp & Hợp tác xã Thailand đưa ra.

– Japan: JGAP, do một nhóm người sản xuất xây dựng nên năm 2005, đến 2006 Bộ Nông nghiệp công nhận JGAP là quy trình sản xuất tốt của Nhật Bản. Tháng 8/07 Nhật Bản công nhận GLOBALGAP là quy trình sản xuất tốt của Nhật.

– Ấn độ: IndiaGAP: được thành lập bởi tổ chức quản lý chế biến xuất nhập khẩu nông sản của Ấn độ. Riêng nông sản xuất sang Châu Âu, Ấn độ sử dụng tiêu chuẩn GLOBALGAP.

– Trung Quốc: ChinaGAP được thiết lập bởi Nhà Nước Trung Quốc cho nông sản và thực phẩm. Tháng 4/2006 ChinaGAP được hòa nhập với GLOBALGAP đối với nông sản xuất khẩu.

– Malaysia: SALMGAP, do Bộ Nông Nghiệp Malaysia đưa ra. Phòng kiểm tra chất lượng (Crop Quality Control Division) thuộc Cục Nông nghiệp- Bộ Nông nghiệp Malaysia là đơn vị tổ chức hướng dẫn, kiểm tra và cấp chứng chỉ SAlMGAP cho rau hoa quả.

5   GAP của Việt Nam

VietGAP: Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn tại Việt Nam (Good Agricultural Practices for production of fresh fruit and vegetables in Vietnam) được Bộ Nông Nghiệp&PTNT Việt Nam ban hành vào 28/01/2008.

Mười hai nội dung quy trình thực hành VietGAP

  1. Đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất.
  2. Giống và gốc ghép.
  3. Quản lý đất.
  4. Phân bón và chất phụ gia.
  5. Nước tưới.
  6. Hóa chất (Bao gồm cả thuốc BVTV).
  7. Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch.
  8. Quản lý và xử lý chất thải.
  9. Người lao động.
  10. Ghi chép, lưu trữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc và thu hồi sản phẩm.
  11. Kiểm tra nội bộ.
  12. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.