Tôm Hùm giống tăng giá

Nếu vào thời điểm trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất giá tôm hùm giống ở Bình Định chỉ có 220 ngàn đồng/con tôm sao thì hiện đã tăng đến 260 ngàn đồng/con. Tuy nhiên, đang vào cuối mùa nên sản lượng đánh bắt giảm mạnh.

Tôm hùm tăng giá do vào cuối mùa sản lượng khai thác ít.

Ngư dân Huỳnh Văn Sỹ (43 tuổi), chủ tàu cá BĐ 01187 TS chuyên đánh bắt tôm hùm giống ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) cho biết, thời điểm trước tết tôm hùm giống chỉ xuất hiện nhiều do biển động mạnh. Những con thuyền đánh mành lớn ở xã Nhơn Hải sau một đêm ra khơi đánh bắt được từ 40 – 60 con tôm hùm giống cả tôm sao lẫn tôm xanh, cá biệt có thuyền đánh bắt được trên 100 con. Đặc biệt năm nay tôm sao là loại tôm có giá trị kinh tế cao xuất hiện nhiều nên ngư dân có thu nhập khá.

Cả ở xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) vào thời điểm trước tết ngư dân cũng trúng đậm tôm hùm giống. Ông Nguyễn Xuân Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Lý cho biết: “Từ đầu vụ đến trước tết, ngư dân trong xã khai thác được 7.000 con tôm sao, trị giá trên 1,4 tỉ đồng”.

Tương tự, ngư dân xã Cát Tiến (huyện Phù Cát) cũng đã khai thác được khoảng 3.000 con tôm sao, 20.000 con tôm xanh.

Do sản lượng đánh bắt cao, sức mua lại yếu đi do các vùng nuôi tôm hùm trọng điểm ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa bị “vỡ trận” do cơn bão số 12 xảy ra vào cuối năm 2017 vừa qua, nên năm nay giá tôm hùm giống ở Bình Định vào thời điểm trước tết bị mất giá đến hơn 100.000 đồng/con.

Theo ngư dân Huỳnh Văn Sỹ, nếu cùng kỳ năm trước giá tôm sao bán được 320.000 đồng/con thì thời điểm trước tết chỉ có 220.000 đồng/con; còn tôm hùm xanh năm trước có lúc bán được 70.000 đồng/con thì năm nay chỉ có giá 25.000 đồng/con.

“Năm nay ngoài nguyên nhân tôm hùm giống được mùa mất giá đã đành, thời gian gần đây tôm hùm giống nhập về từ Malaysia, Indonesia và Philippines cũng nhiều, do đó càng kéo giá tôm hùm giống tuột thấp. Nhiều ngư dân Việt Nam sang định cư các nước nói trên cũng đánh bắt tôm hùm giống, đánh bắt xong họ nuôi ủ đến khi tôm to bằng ngón tay mới đưa về Việt Nam bằng được hàng không bán với giá rẻ hơn tôm của ngư dân mình vừa đánh bắt từ biển về từ 40.000 – 60.000 đồng/con”, ngư dân Huỳnh Văn Sỹ cho biết.

Nguồn: Báo Nông Nghiệp kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trăn trở sản xuất giống tôm hùm

Việt Nam là một trong những nước có nghề nuôi tôm hùm phát triển. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là chưa chủ động được con giống mà hoàn toàn lệ thuộc vào khai thác tự nhiên. Để nghề này phát triển bền vững và hiệu quả hơn, cần sớm xây dựng được quy trình, công nghệ sản xuất giống nhân tạo.

Cơ hội phát triển

Trên thế giới, tôm hùm (tên gọi chung của một nhóm giáp xác có kích thước lớn thuộc họ Palinuridae) phân bố chủ yếu ở các vùng biển nhiệt đới đến bán nhiệt đới như: Australia, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia… Ở Việt Nam, có 3 loài chiếm sản lượng đáng kể là tôm hùm bông, tôm hùm đá (hùm xanh) và tôm hùm đỏ; trong đó tôm hùm bông là loài có kích thước và số lượng tương đối lớn.

Phát triển nghề nuôi tôm hùm ở nước ta tập trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận, nhiều nhất là ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận – nơi có nhiều vũng, vịnh, đầm, phá như đầm Cù Mông (Bình Định – Phú Yên), vịnh Xuân Đài, Vũng Rô (Phú Yên), vịnh Vân Phong, Cam Ranh (Khánh Hòa), vịnh Vĩnh Hy, Phan Rang (Ninh Thuận)…; những nơi ít bị ảnh hưởng của gió bão, có dòng chảy do thủy triều, có độ sâu, chất đáy và các yếu tố thủy lý hóa rất thuận lợi cho nghề nuôi tôm hùm.

Có thể nói, Việt Nam là một trong những nước có nghề nuôi tôm hùm phát triển, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế về tự nhiên; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho hàng nghìn lao động; đồng thời tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Chưa sản xuất được con giống

Nhiều chuyên gia cho rằng, tuy đưa lại giá trị cao song việc phát triển nghề nuôi tôm hùm tại các tỉnh Duyên hải miền Trung hiện cũng đang phải đứng trước nhiều thách thức.

Từ năm 2014 đến nay, tình hình thiệt hại trên tôm hùm nuôi có chiều hướng gia tăng. Khảo sát cho thấy, số lượng lồng nuôi quá nhiều so quy hoạch, mật độ nuôi dày, lượng thức ăn cho tôm tồn đọng ngày một nhiều gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo Tổng cục Thủy sản, nhu cầu tôm hùm giống mỗi năm hiện là 3 – 10 triệu con. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa chủ động được nguồn giống mà chủ yếu phụ thuộc vào khai thác tự nhiên bằng nhiều nghề như đánh lưới mành, bẫy chà, lặn… và nhập khẩu từ nước ngoài. Tôm hùm giống đánh bắt thường có kích cỡ không đồng đều, chất lượng kém; thậm chí còn được đánh bắt bằng thuốc gây mê hoặc thuốc nổ, dẫn tới tôm thường chết vào thời gian đầu thả nuôi, con nào sống cũng èo uột, chậm lớn. Giá đắt đỏ cộng với nguồn khai thác tự nhiên ngày càng giảm nên cung không đủ cầu; chất lượng con giống kém là những nguyên nhân khiến người nuôi gặp nhiều rủi ro.

Mặt khác, tuy Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã có những đề tài nghiên cứu sinh sản nhân tạo tôm hùm nhưng mức độ đầu tư thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật và chưa có cán bộ được đào tạo có trình độ nghiên cứu chuyên sâu về tôm hùm nên chưa thực hiện thành công.

Thúc đẩy cách nào?

Tại Hội thảo “Giải pháp quy hoạch chi tiết và quản lý nuôi tôm hùm bền vững ở tỉnh Phú Yên tổ chức tháng 8/2017, PGS.TS. Võ Văn Nha, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III cho rằng, hướng đi phát triển bền vững cho tôm hùm là tất yếu; trong đó khâu giống cần được chú trọng. Vì vậy, cần xây dựng vùng ương nuôi con giống để dễ kiểm soát chất lượng. Giải quyết được điều này sẽ không phụ thuộc bởi tự nhiên và nhập khẩu từ bên ngoài.

Cũng có ý kiến cho rằng, hiện nay, sản xuất giống nhân tạo là khó khăn lớn nhất của nghề nuôi tôm hùm; do đó nên tiến hành công nhận nghề khai thác tôm hùm giống là một nghề, cấp phép khai thác cho các hộ dân làm cơ sở cho việc quản lý chặt chẽ về số hộ khai thác, số lượng tàu, ngư cụ, hình thức và sản phẩm khai thác tôm hùm giống. Tuy nhiên, các địa phương sẽ phải phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học… tiến hành điều tra nguồn lợi tôm hùm giống để xây dựng cơ chế giám sát, quản lý nhằm khai thác bền vững nguồn giống. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung xây dựng để sớm ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn, định mức về quy trình công nghệ cho các hình thức nuôi, tiêu chuẩn con giống và khu nuôi tập trung. Trong khi chờ đợi sản xuất giống nhân tạo thì phải nghiên cứu giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình ương giống.

Trong Quy hoạch hệ thống nghiên cứu, sản xuất và cung ứng giống thủy sản đến năm 2020 đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt cũng chỉ rõ những định hướng đối với quy hoạch sản xuất, cung ứng giống tôm hùm. Cụ thể, khoanh vùng bảo vệ bãi giống tôm hùm trên vùng biển các tỉnh Nam Trung bộ (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa), ổn định khai thác tôm hùm giống tự nhiên 600.000 – 700.000 con/năm. Hình thành Trạm nghiên cứu, sản xuất giống tôm hùm tại Khánh Hòa thuộc Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Trung để nghiên cứu công nghệ sản xuất giống, sản xuất giống cho nuôi thương phẩm và tái tạo nguồn lợi.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tôm hùm giống đầu mùa có giá thấp

Hiện nay, ngư dân các xã, phường ven biển TP Quy Nhơn như: Nhơn Lý, Nhơn Hải, Ghềnh Ráng… đã bắt đầu vào vụ khai thác tôm hùm giống.

Tôm hùm giống đầu mùa đang ở mức thấp. 

Hiện tại, tôm hùm sao (tôm hùm bông) có giá dao động từ 220 – 240 ngàn đồng/con, tôm xanh có giá 20 – 30.000 đồng/con. So với cùng kỳ mùa vụ năm trước, giá tôm sao giảm từ 130 – 150 ngàn đồng/con, tôm xanh giảm từ 30 – 50.000 đồng/con.

Theo ngư dân làm nghề đánh bắt khai thác tôm hùm giống cho biết, do ảnh hưởng của bão số 12 vừa qua đã làm thiệt hại nặng nề đối với các vựa nuôi, nên hiện tại nhu cầu nuôi tôm chưa có nên giá bị sụt giảm mạnh. Ngoài ra, do ảnh hưởng thời tiết bất thường, tôm hùm giống chưa xuất hiện nhiều nên việc đánh bắt không đạt.

Nguồn: Báo Bình Định được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật khai thác và vận chuyển tôm hùm giống.

Tôm hùm hiện chưa thể sản xuất giống nhân tạo nên việc cung cấp con giống phụ thuộc hoàn toàn vào đánh bắt tự nhiên. Để khai thác và vận chuyển tôm có hiệu quả, cần thực hiện đúng kỹ thuật.

Kỹ thuật khai thác và vận chuyển tôm hùm giống

Khai thác bằng lưới:

Ngư cụ khai thác là lưới trủ: Mắt lưới có kích cỡ 5mm (2a =5mm). Kích thước lưới phụ thuộc vào quy mô khai thác. Ðộ dài lưới dao động khoảng 100 – 150m, độ cao 4 – 6m.

Các hoạt động khai thác được tiến hành vào ban đêm .Sử dụng ánh sáng đèn neon có cường độ khoảng 1000 – 2000W.

Lưới được giăng xuống biển bằng thuyền vào khoảng 8 giờ tối, sau 4 – 5 tiếng (vào khoảng 12 – giờ khuya) lưới được kéo lên thuyền lần thứ nhất để thu gom những con tôm hùm giống dính lưới. Ngay sau đó, lưới được giăng tiếp xuống biển, vào khoảng 4 giờ sáng lưới được kéo lên lần 2. Một đêm khai thác thường kết thúc vào khoảng 5 giờ sáng của ngày hôm sau.

Những tôm hùm giống mắc lưới được gỡ ra rất nhanh và được lưu giữ trong các thùng nhựa tròn có thể tích 4 lít, khoảng 100-150 con/thùng và máy sục khí. Kích cỡ tôm giống thu được khá đồng đều, chúng trong suốt và chiều dài giáp đầu ngực chỉ dao động từ 7 – 8mm/con và trọng lượng từ 0,25 – 0,35 g/con.

Khi thuyền cập bến, tôm hùm giống được chuyển sang các thùng xốp với nước biển sạch. Kích thước của thùng là 30 x 50 x 25 cm, dưới đáy rải một lớp cát mỏng 5 -7mm. Mật độ lưu giữ khoảng 200 – 300 con/thùng và có sục khí liên tục. 

Tôm hùm giống mới nở

Khai thác bằng bẫy:

Loại bẫy được làm bằng lưới thường có chiều dài 60cm và đừơng kính khoảng 40cm. Riêng san hô được sử dụng làm bẫy có nhiều kích cỡ khác nhau tuỳ thuộc vào từng loại san hô. Ða số san hô tảng được chọn là những khối có trọng lượng khoảng 2-5kg, các lỗ trên bền mặt được khoan cách nhau khoảng 10 – 15cm, kích thước mỗi lỗ từ 2 – 2,5cm. Ðối với bẫy được làm bằng những gỗ cây cũng được khoan lỗ tương tự như đối với san hô.

Các loại bẫy được thả xuống nước ở độ sâu khoảng 4-5 m vào tháng 11 hàng năm, nghĩa là vào thời gian xuất hiện tôm hùm giống. Sau khoảng 3-5 ngày, khi bẫy đã ổn định ngư dân sẽ thu bắt tôm hùm hàng ngày vào các buổi sáng bằng cách giũ bẫy vào trong vợt lưới hoặc bắt chúng ra bằng tay từ các lỗ đã khoan. Kích cỡ con giống thu được khoảng 7,5 – 10 mm CL/con và trọng lượng xấp xỉ  0,3 – 1 g/con. Vào cuối tháng 5 bẫy cũng được thu lên bờ và cất giữ ở nơi thoáng mát để sử dụng cho mùa khai thác năm sau.

Với cách khai thác này, trong một diện tích thả bẫy khoảng 50 x 100m có thể thu gom được khoảng 50 – 200 con/ngày vào những tháng đỉnh cao như tháng 1 hoặc tháng 2 trong năm. Và tôm giống cũng được giữ trong các thùng xốp hoặc xô nhựa với nước biển có sục khí.

 Khai thác bằng lặn bắt:

Ðây là loại hình khai thác truyền thống của ngư dân miền Trung. Năm 1998 trở về trước, tôm hùm giống được khai thác chỉ bằng lặn bắt. Hình thức này đảm bảo con giống khỏe, với kích cỡ lớn từ 12 – 15 mm CL/con và trọng lượng 7 – 9 g/con. Song số lượng con giống được khai thác mỗi ngày tối đa chỉ được 100 – 150 con/thuyền/10 ngày/5 người vào mùa khai thác chính trong năm. Vào các tháng sau số lượng khai thác chỉ đạt 3 – 10% so với vụ chính.

Ngư dân khai thác và bán tôm hùm giống

Kỹ thuật vận chuyển tôm hùm giống:

Tôm hùm giống đã được vận chuyển bằng nhiều phương pháp khác nhau từ các vùng khai thác đến các vùng nuôi dọc ven biển miền Trung. Từ những số liệu điều tra cho thấy các hình thức vận chuyển đều đảm bảo tỷ lệ sống trong vận chuyển đạt khoảng trên 80%

Phương pháp vận chuyển khô:

Thường được sử dụng để vận chuyển con giống lớn khoảng 30 – 100 g/con. Dụng cụ vận chuyển là các thàng xốp có kích thước 30 x 40 x 25 cm; hoặc 60 x 70 x 45 cm tùy thuộc vào số lượng giống cần vận chuyển. Mật độ tôm vận chuyển khoảng 150 – 300 con/thùng xốp. Thời gian vận chuyển khoảng 3 – 7 giờ với nhiệt độ được duy trì 21 – 22 0C bằng đá cây lạnh giữ trong các hộp nhựa hoặc túi ni-lon kín. Tôm được giữ độ ẩm của nước biển bằng rong hoặc bằng khăn vải dày và chuyên chở bằng xe máy hoặc xe ôtô. Tỷ lệ sống trong vận chuyển đạt 90 – 95%.

Phương pháp vận chuyển nước

Ðược sử dụng để vận chuyển con giống nhỏ, từ post-puerulus (tôm trắng) đến juveniles (tôm bò cạp). Trọng lượng của cỡ giống này chỉ xấp xỉ 0,25 – 1 g/con, và rất nhạy cảm với sự thay đổi đột ngột của môi trường sống.

Dụng cụ vận chuyển cũng là các thùng xốp có kích cỡ 30 x 50 x 25 cm hoặc 45 x 60 x 35 cm. Dưới đáy thùng được phủ một lớp rong câu tươi hoặc một lớp cát dày 0,5 – 1cm. Ðổ nước biển sạch vào thùng xốp cao ngập cát hoặc rong khoảng 5 -7cm và sục khí trong suốt thời gian vận chuyển. Nhiệt độ nước được duy trì 21 – 220C với thời gian vận chuyển từ 5 – 15 giờ; và khoảng 23 – 25 0C với thời gian vận chuyển 3 – 5 giờ bằng đá cây lạnh giữ trong các hộp nhựa hoặc túi ni – lon kín.

Tôm giống được đưa vào thùng xốp với mật độ 300 – 400 con/thùng nhỏ hoặc 700-1000 con/thùng lớn. Song hầu hết các phương tiện vận chuyển bằng xe máy thường sử dụng các thùng nhỏ vì tính gọn, nhẹ và dễ dàng xử lý trên đường vận chuyển. Thùng lớn được sử dụng khi chuyển giống với số lượng lớn bằng xe ô tô. Tỷ lệ sống trong vận chuyển thường đạt 95 – 97%.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam