Nhân giống Hoa Đỗ Quyên bằng phương pháp gieo hạt

Cây đỗ quyên lai giống tự nhiên cho rất ít hạt, nên cần phải thụ phấn nhân tạo.

Phương pháp như sau: khi hoa đỗ quyên nở, chọn cây khỏe hoa đẹp vào nhà kính, mỗi chậu chọn 3-4 bông, hái nhị và chồi mới gần hoa, để tập trung dinh dưỡng, chờ khi nhụy có chất nhầy tiết ra thì dùng bút lông quét mấy lần phấn hoa lên nhụy.

Sau khi thụ phấn 1 tuần đem chậu hoa di chuyển ra ngoài, tăng cường tưới nước, bón phân quản lý, qua 6 tháng sinh trưởng và phát triển, đến tháng 11-12 là có quả, quả biến từ xanh đến nâu. Sau khi thuhais tiến hành hong khô nơi thoáng gió. Hạt đỗ quyên rất nhỏ, không nên cất trữ lâu, nên hái xong gieo ngay, nếu là loài hoa đỗ quyên rụng lá thì có thể cất đến mùa xuân năm sau mới gieo.

Chậu gieo hạt nên dùng chậu sành nông, đất gieo hạt nên là đất bề mặt sườn núi hướng dương (đông nam), tốt nhất dùng formalin 40% pha loãng 100 lần phun lên đất để khử trùng, sau đó hong khô, hoặc hấp 15-2 phút, chờ khô để dùn. Trước lúc gieo bỏ vào đáy chậu 1 lớp than gỗ 2cm, sau đó phủ lên một lớp đất khử trùng dày 5-6cm,cào bằng và gieo hạt, nén nhẹ ròi dẫn nước vào đáy chậu, không nên tưới. Khi đất chậu khô có thể tưới nước, nhưng không tưới nhiều.

Sau khi gieo 5-6 tuần là có thể nảy mầm, khi cây con có 2-3 lá, nhổ cây bằng kẹp tre rồi cấy vào chậu, không nên cấy dày quá. Sau 2 năm cây con mọc cao 10cm, có thể tách cây đem trồng, đến năm thứ 3 cây con mọc được 20cm, nếu nuôi tốt một số cây con đã có hoa.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nhân giống Hoa Đỗ Quyên

Đỗ Quyên là một trong những loại hoa đang được ưa chuộng trên thị trường do có màu sắc đa dạng và giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên hiện nay việc sản xuất hoa Đỗ Quyên còn ở qui mô nhỏ do chưa có các kỹ thuật nhân giống phù hợp.

Trong những năm qua, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh đã nghiên cứu, xây dựng quy trình kỹ thuật nhân giống hoa Đỗ Quyên, với một số lưu ý sau:

1. Kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp giâm cành:

– Thời vụ giâm cành: Vụ Xuân (tháng 3) và vụ Thu (tháng 9).

– Chọn cắt cành giâm và kỹ thuật giâm cành: Cành mẹ 3 tháng tuổi, cành dài 7-10cm, có 3-4 lá, nhúng vào dung dịch IBA nồng độ 1500-2000ppm, rồi giâm vào giá thể gồm 2/3 đất bùn ao+1/3 xỉ than. Cắm cành đứng thẳng, sâu từ 1,5-2,0cm, khoảng cách giâm từ 4-5cm là phù hợp cho sự ra rễ của cành giâm.

– Kỹ thuật chăm sóc cành giâm: Nhặt bỏ những cành lá úa. Tưới phun nhẹ nhàng. Sau 2-3 tuần, phun Atonik 1,8% DD với liều lượng 10ml/bình 8 lít và phân bón lá AT vi sinh 0,1%, định kỳ 10 ngày/lần, để cành mau ra rễ, bật lộc sớm, tỷ lệ xuất vườn cao.

2. Kỹ thuật nhân giống bằng phương pháp chiết cành:

– Thời vụ chiết cành: Tháng 3 và tháng 4, cành chiết nhanh ra rễ và cho tỷ lệ sống cao.

– Giá thể và chọn cắt cành chiết: 2/3 đất bùn ao+1/3 rơm mục. Bầu chiết có đường kính 5-6cm, trọng lượng 100-200g, chiều cao bầu 8-10cm. Cành chiết lấy từ cây mẹ 24 tháng tuổi, chiều cao cành 30-35cm, có 2 nhánh, đường kính 0,5-0,7cm.

– Kỹ thuật chiết cành và chăm sóc cành chiết: Cách gốc cành 6-8cm, dùng dao sắc cắt một khoanh vỏ rộng khoảng 1cm, cạo sạch vỏ, dùng bông nhúng vào dung dịch IBA nồng độ 3000ppm, bôi vào vết cắt khoanh vỏ rồi bó bầu. Khi chỗ chiết ra rễ có màu vàng là cắt đem trồng. Trước khi hạ bầu chiết cần cắt bớt cành lá rườm rà, bị sâu bệnh, sau đó đưa cành chiết vào vườn ươm hoặc vào chậu để thuận tiện cho việc chăm sóc.

Nguồn:  Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh – Viện Nghiên cứu Rau quả -Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.