Chi phí và lợi nhuận cho một vụ Lúa

Trong sản xuất cây lúa hay bất cứ các cây trồng nào khác, muốn có lợi cao, thường phải có năng suất cao và bán được giá lời.

Về năng suất thì phụ thuộc giống tốt hay xấu, kỹ thuật tiên tiến hay lạc hậu, thời tiết có thuận hòa không. Về giá cả thì thường phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng hơn là phụ thuộc vào người sản xuất. Nhưng năng suất và chất lượng của sản phẩm thì chủ yếu là phụ thuộc vào người sản xuất, là yếu tố chủ quan.

Để có được năng suất cây trồng cao cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố: cả khách quan và chủ quan…

Về yếu tố khách quan, đó là thời tiết thuận lợi. Yếu tố này là yếu tố vũ trụ, con người khó kiểm soát. Tuy nhiên có kinh nghiệm và có kỹ thuật cao thì con người vẫn có thể khắc phục hay né tránh được các điều kiện khách quan để có được năng suất cây trồng cao và ổn định (trường hợp của Israel sống trên sa mạc mà vẫn sản xuất được mọi loại rau, cây trái năng suất cao, chất lượng tốt).

Về yếu tố lời, lỗ thì vừa phải kết hợp năng suất cao vừa phải kết hợp nguồn chi phí đầu tư hợp lý, bất kể giá bán cao hay thấp. Vậy làm sao để thực hiện được các khoản chi phí thấp mà vẫn đạt được năng suất cao, chất lượng tốt.

Để trả lời câu hỏi này ta hãy tham khảo kết quả chương trình sản xuất lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu, do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã thực hiện từ năm 2016 đến 2017.

Các số liệu thu được trong tài liệu này là do các cán bộ khuyến nông các huyện cùng theo dõi, tính toán với người nông dân mà có, vả lại đây là số liệu thu được mỗi vụ từ 65 nông dân thực hiện tại 13 tỉnh ở ĐBSCL, đại diện cho các vùng tiểu sinh thái khác nhau, vì vậy các thông tin này rất đáng tin cậy.

1. Vụ đông xuân năm 2015 – 2016:

Dưới tiêu đề “Từ ruộng vườn đến trường quay”. Vụ này với mục tiêu là biến ruộng đồng thành trường học, cán bộ kỹ thuật và nông dân cùng nhau ra đồng để trao đổi về cách làm lúa có lời cao. Chỉ tiêu chủ yếu trong vụ này là sử dụng loại phân hợp lý, chưa đề cập đến giảm lượng giống sạ, lượng giống sạ giữa mô hình và trong ruộng của dân vẫn 140kg/ha.

Thế nhưng trong mô hình nhờ sử dụng loại phân Đầu trâu có chất lượng cao, đầy đủ dinh dưỡng, nên dù chất N giảm xuống 29%, mà năng suất lúa của mô hình vẫn cao hơn đối chứng 754kg/ha.

Trong vụ này bình quân 65 mô hình có chi phí là 15.172.000đ/ha, còn bình quân ruộng đối chứng có chi phí 16.441.000 đ/ha, cao hơn ruộng mô hình là 1.269.000đ/ha. Nhờ vậy mà tiền lời thu được trong ruộng mô hình cao hơn đối chứng là 7.760.000 đ/ha.

2. Vụ hè thu năm 2016:

Quy mô thực hiện cũng trải khắp 13 tỉnh, 65 nông dân cùng tham gia. Vụ này tiêu chí đặt ra là mô hình phải giảm lượng giống sạ còn 80kg/ha,đồng thời vẫn sử dụng phân Đầu Trâu để giảm số lượng bón. Áp dụng các kỹ thuật làm giảm phèn mặn, quản lý nước và sâu bệnh đồng bộ. Vụ này chi phí của mô hình là 15.947.000 đ, còn ở ruộng đối chứng là 16.958.000 đ, vẫn cao hơn mô hình là 1.101.000 đ/ha. Năng suất ruộng trong mô hình cao hơn đối chứng 496kg thóc/ha. Nhờ vậy làm giá thành cũng hạ hơn đối chứng là 420 đ/kg thóc, nên cuối cùng ruộng mô hình vẫn có lời hơn đối chứng 3.660.000 đ/ha.

3. Vụ đông xuân năm 2016-2017:

Xét về chi phí đầu tư cả mô hình và đối chứng tương đương nhau. Nhưng do mô hình có năng suất lúa cao hơn đối chứng là 775 kg/ha, nên cuối cùng lợi nhuận của mô hình cũng cao hơn đối chứng 4.960.000đ/ha.

4. Vụ hè thu năm 2017:

Về suất đầu tư thì mô hình vẫn giữ mức sạ 80kg, còn đối chứng dân vẫn sử dụng 150kg/ha và phân bón sử dụng cũng cao hơn mô hình, nên tổng chi phí của ruộng đối chứng bình quân 15 địa điểm là 17.551.429 đ, còn ở mô hình chi phí là 15.619.136 đ/ha, thấp hơn ruộng đối chứng là 1.932.293 đ/ha. Trong đó chi cho giống cao hơn mô hình là 676.100 đ, phân bón là 348.350 đ; thuốc bảo vệ thực vật là 1.025.522 đ; chi phí khác là 324.534 đ/ha. Thực tế năng suất lúa khô của mô hình cao hơn đối chứng là 601kg/ha,dẫn đến giá thành hạ là 695 đ/kg thóc nên lợi nhuận của mô hình cao hơn đối chứng 5.792.398 đ/ha.

Nguồn: nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

 Làn sóng trồng lúa hữu cơ ở Thái Lan

Các giống gạo hữu cơ đang được nông dân tại Thái Lan hướng tới. Gạo hữu cơ tại Thái Lan cũng đang dần khẳng định được vị thế trên thị trường.

Trồng lúa hữu cơ tại Thái Lan

Theo Vitoon Panyakul, người đứng đầu Cty Green Net Cooperative – một DN xã hội kết nối nông dân SX bền vững với người tiêu dùng: SX thực phẩm hữu cơ nói chung, gạo nói riêng đang tăng trưởng với tốc độ trung bình 8%/năm tại Thái Lan trong 5 năm qua, với hơn 13.150 nông dân tham gia vào SX hữu cơ tính trong năm 2015. Ông Vitoon ước tính, những nông dân chuyển sang trồng lúa hữu cơ nhìn chung có thu nhập tăng khoảng 10 – 15%, mặc dù cuối năm 2016, Green Net mua gạo hữu cơ từ hơn 750 thành viên với mức giá cao hơn 40% so với các giống gạo phi hữu cơ thông thường.

Ông Chomchuan Boonrahong, giáo sư tại Đại học Mae Ko của Chiang Mai, đồng thời cũng là một nông dân trồng lúa, nuôi gà và cá cho hay: Nếu bạn có 5 rai (0,8ha) đất trồng lúa hữu cơ, bạn có thể trang trải cho con cái đi học đại học. Nhiều giống lúa gạo như gạo berry, đại học Kasetsart phát triển từ năm 2012, được bán với giá gấp đôi gạo trắng thông thường.

Bà Fah Mui, một nông dân trồng lúa tại Chiang Rai, bắt đầu ghi nhận những kết quả tuyệt vời của việc lựa chọn theo đuổi Hệ thống Thâm canh lúa, trong đó thâm dụng lao động, ít sử dụng nước để tăng năng suất, cộng với các thực hành SX hữu cơ như sử dụng các nước thảo mộc lên men để xua đuổi côn trùng và quản lý mực nước kiểm soát cỏ dại, cua và ốc. Bà tự xát và đóng gói gạo, sử dụng một trang thông tin điện tử và mạng xã hội Facebook để marketing trực tiếp.

Từ gạo lứt của chính mình, bà cũng SX bột acid gamma amino butyric (GABA), thường được sử dụng như một chất an thần hoặc giảm đau. Có một số sản phẩm từ gạo có lợi nhuận cao, như thức uống ngũ cốc và bánh quy, thậm chí có cả một loại bia tên gọi là “Cheers” làm từ gạo berry. Gạo lứt của bà Fah Mui được bán với giá khoảng 4.000 USD/tấn tại Bangkok (so với mức giá 266 – 422 USD/tấn của gạo phi hữu cơ). Sản phẩm GABA của bà còn có giá lên tới 10.000 USD/tấn.

Theo ông David Dawe, chuyên gia ngành gạo châu Á tại FAO, khi người dân châu Á giàu lên, họ có thể trang trải cho thực phẩm hữu cơ và quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề sức khỏe. Do đó, đây là ngành kinh doanh đang lớn mạnh. Thị trường thực phẩm hữu cơ có tiềm năng ở mọi nơi tại châu Á. Chính phủ Thái Lan đang đề ra Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Hữu cơ thứ 2. Bộ Nông nghiệp Thái Lan ra các chính sách hỗ trợ giúp tăng thêm 162.000ha đất SX gạo hữu cơ đến năm 2021.

Nguồn: Nikkei Asia được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trồng lúa GlobalGAP

Những câu hỏi người dân luôn đặt ra là làm sao để làm ra hạt gạo chất lượng cao? Làm sao để thay đổi thói quen SX nông nghiệp không còn phụ thuộc vào thuốc BVTV hóa học? Làm sao để nhân rộng ý thức “hạt gạo sạch” cho chính những người làm ra?

Những hạt gạo sạch được tạo ra từ mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP

SX nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu (GlobalGAP) chính là câu trả lời của Cty TNHH Thương mại Tân Thành. Tại huyện Tri Tôn (An Giang), Tân Thành thực hiện mô hình liên kết với nông dân làm 40ha lúa sạch. Đây là một trong 4 điểm đầu tiên tại ĐBSCL liên kết cùng Cty quyết tâm áp dụng hướng SX an toàn.

Từ vụ lúa ĐX 2013 đến nay, việc áp dụng công nghệ mới vào quy trình SX đã dần dần đi sâu vào nhận thức của người nông dân và thực sự mang lại hiệu quả rõ nét. Đây chính là nguồn động lực cho Cty tiếp tục mở rộng hướng SX GlobalGAP.

Trồng lúa GlobalGAP  mang lại hiệu quả rõ nét cho bà con ngư dân

Một trong những minh chứng cụ thể là nông dân liên kết cùng Cty tham gia áp dụng công nghệ sinh thái trồng hoa trên bờ ruộng. Mô hình tận dụng những bờ ruộng thường bỏ trống để trồng các loại hoa sao nhái, hướng dương, đậu bắp… có sắc rực rỡ dễ thu hút các thiên địch trong tự nhiên đến ruộng lúa. Trên những cánh đồng lúa GlobalGAP, thuốc BVTV hóa học được kiểm soát, ưu tiên sử dụng sản phẩm sinh học nhằm bảo vệ các thiên địch.

Những bờ ruộng đầy hoa thu hút thiên địch đến tiêu diệt các dịch hại trên đồng ruộng, góp phần giảm hoạt động sử dụng thuốc BVTV hóa học. Qua đây có thể thấy sự liên kết chặt chẽ giữa GlobalGAP và công nghệ sinh thái trong hoạt động SX nông nghiệp. Đây là bước đột phá, thay đổi thói quen canh tác và SX chạy theo sản lượng để chuyển hướng chuyên canh theo chiều sâu. Sản lượng ít nhưng giá trị vượt trội, đáp ứng nhu cầu sử dụng gạo đúng chất “sạch” của người tiêu dùng.

Vụ lúa ĐX 2015 – 2016 sắp kết thúc, trên cánh đồng SX GlobalGAP lại chuẩn bị hạt giống, ươm cây hoa con cho vụ mùa hoa tiếp theo.

Cây lúa đơm hoa trĩu hạt chuẩn GlobalGAP

Bà Trần Thị Bích Trân, Trưởng phòng Kỹ thuậ,t Cty TNHH Thương mại Tân Thành cho biết, ban đầu Cty liên kết thực hiện SX lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại Tri Tôn với 40ha, thu về 700 tấn lúa/năm. Vụ ĐX 2014-2015, Cty kết hợp cùng Chi cục BVTV An Giang triển khai mô hình công nghệ sinh thái trên toàn tỉnh An Giang, trong đó có 32ha lúa GlobalGAP, số nông dân tham gia chiếm 80% tổng diện tích SX theo tiêu chuẩn sạch của Cty.

Qua 2 năm áp dụng công nghệ sinh thái kết hợp SX lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP, điều rõ nét là thu hút thiên địch trên ruộng, tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường. Tới đây Cty sẽ tiếp tục triển khai mô hình công nghệ sinh thái ở Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng… lên hàng trăm ha.

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Kiên trì làm lúa chuẩn Global G.A.P

HTX Mỹ Thành (ấp 5, Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) vừa tiếp tục được tái cấp chứng nhận Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (Global G.A.P) năm 2017 cho vùng nguyên liệu gần 100ha lúa.

Ông Nguyễn Khắc Lân, Phó tổng giám đốc IQC trao giấy chứng nhận Global G.A.P cho Cty ADC và HTX Mỹ Thành Nam giấy chứng nhận Global G.A.P

Mỹ Thành Nam đươc đánh giá là HTX kiểu mẫu với sự hợp tác của bốn nhà (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà kinh doanh (doanh nghiệp) đồng thời được tổ chức quốc tế chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.

Tất cả các thành viên của HTX đều tham gia trồng lúa và đạt chuẩn Global G.A.P và đều yên tâm về đầu ra vì đã có phía doanh nghiệp, cụ thể là Cty TNHH ADC thu mua với mức gia cao hơn lúa thị trường.

Toàn bộ lúa thu hoạch từ vùng nguyên liệu chuẩn Global G.A.P Mỹ Thành Nam không còn tồn dư thuốc BVTV, truy xuất được nguồn gốc, an toàn cho sức khỏe người dùng; đủ điều kiện xuất khẩu đi các nước tiên tiến như Mỹ, châu Âu.

Trước đó, xã Mỹ Thành Nam và Cty TNHH ADC đã là đơn vị đầu tiên trong cả nước được cấp chứng nhận Global G.A.P tại vùng nguyên liệu lúa của mình vào ngày 12/2/2009.

Ruộng sản xuất theo Global G.A.P quản lý dịch hại tốt hơn, lúa phát triển tốt, khỏe hơn rõ rệt; chi phí sản xuất giảm hơn nhiều so với ruộng thông thường; năng suất và chất lượng lúa tăng nên bán được giá cao hơn so với lúa thông thường. Nông dân trồng lúa Global G.A.P có lợi nhuận tăng lên ước khoảng 20%/năm.

Mặc dù việc làm lúa theo chuẩn Global G.A.P và duy trì việc tái cấp chứng nhận Global G.A.P đòi hỏi rất nhiều công sức và chi phí nhưng với sự đồng hành phối hợp của Cty TNHH ADC, nông dân Mỹ Thành Nam đã kiên trì thực hiện cho đến nay.

Ông Lê Văn Hưng, Giám đốc HTX Mỹ Thành Nam cho biết: “Chúng tôi đã duy trì làm lúa chuẩn Global G.A.P cùng Cty TNHH ADC từ năm 2009 đến nay vì có nhiều lợi ích: Nông dân được ADC cung cấp giống chuẩn, đầu tư phân thuốc, vật tư nông nghiệp; hỗ trợ kỹ thuật canh tác theo chuẩn Global G.A.P; đồng thời doanh nghiệp cũng bao tiêu toàn bộ lúa với giá cao hơn thị trường. Làm lúa theo mô hình này, lợi nhuận của nông dân cao hơn hẳn so với làm lúa thông thường.”

Ông Huỳnh Phương Nam, xã viên HTX Mỹ Thành Nam chia sẻ thêm: “Tham gia mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn Global G.A.P, tôi thấy chi phí đầu tư cho sản xuất như phân thuốc, vật tư nông nghiệp giảm hẳn; hạn chế sâu bệnh; năng suất lúa tăng lên cả trong những vụ nghịch mùa; chất lượng hạt lúa tốt hơn và lợi nhuận được nhiều hơn hẳn”.

Ông Nguyễn Văn Chớ, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thành Nam khẳng định, thời gian qua mô hình trồng lúa theo chuẩn Global G.A.P đã đem lại lợi ích cho xã viên rất nhiều. Họ được cung ứng giống chất lượng cao; giảm chi phí sản xuất, giảm phân thuốc trong quá trình canh tác; chất lượng, sản lượng cao hơn và còn được bao tiêu lúa với giá cao hơn; so với lúa thường. Tôi đánh giá cao sự phối hợp, đầu tư, hỗ trợ dành cho nông dân của ADC. Sắp tới, Đảng ủy xã sẽ có chỉ đạo cụ thể cho ủy ban, các ban ngành đoàn thể tuyên truyền, vận động xã viên tham gia mô hình này nhiều hơn nữa; để tăng lượng xã viên và diện tích trồng lúa Global G.A.P trên toàn xã.

Nông dân xã Mỹ Thành Nam thu hoạch lúa chuẩn Global G.A.P

Đặc biệt, ngoài giống lúa chất lượng cao OM5451, vùng nguyên liệu Mỹ Thành Nam là nơi duy nhất sản xuất ra loại lúa dược liệu có tên lúa Cẩm Cai Lậy nổi tiếng từ ngày xưa và được nhiều người biết đến. Đến nay, Cty ADC là đơn vị đầu tiên và duy nhất sản xuất loại lúa này trong vùng nguyên liệu Global G.A.P Mỹ Thành Nam và chế biến thành gạo với tên thương mại là “Gạo đen Trường Thọ”.

Các nhà nghiên cứu về lúa gạo, thực phẩm gọi đây là loại gạo dược liệu bởi trong đó chứa đa dạng thành phần dinh dưỡng, đồng thời còn chứa rất nhiều acid amin quý hiếm; giúp phòng ngừa và giảm tác hại của nhiều căn bệnh thời đại như ung thư, tiểu đường, tim mạch… Hàm lượng chất chống ôxy hóa trong gạo đen Trường Thọ còn cao hơn nhiều hơn so với trái Việt quất.

Nguồn: Nongnghiep được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.