Quy trình nuôi ghép Tu Hài, Ốc Hương và Rong Câu

Việc nuôi ghép các đối tượng này trong ao đầm nước mặn vừa đa dạng hóa đối tượng nuôi vừa hạn chế rủi ro dịch bệnh và nâng cao thu nhập cho người dân. Quy trình này đang được nhân rộng tại các vùng ven biển miền Trung.

Chuẩn bị ao nuôi

Khu vực nuôi là ao, đầm nguồn nước có độ mặn từ 25‰ trở lên trong suốt thời gian nuôi (8 tháng). Diện tích tối thiểu từ 3.000 m2 trở lên, trong đó, diện tích nuôi tu hài và rong câu ở giữa phải chiếm 30 – 50% tổng diện tích ao nuôi. Ao có bờ bao chắc chắn và cống cấp, thoát nước đảm bảo gần nguồn nước để thuận tiện thay nước. Chất lượng nước có pH 7,5 – 8, đáy cát bùn (cát nhiều hơn bùn, không nhiễm phèn và ít mùn bã hữu cơ).

Tháo cạn nước ao, đầm dọn sạch các loại rong, rêu, san hô, cây cỏ… tu sửa bờ ao, cống, nếu bùn đáy dày thì có thể nạo vét bớt, san bằng đáy, tạo dốc về phía cống thoát.
Dùng vôi nông nghiệp (CaO) rải xuống đáy ao, liều lượng 500 – 700 kg/ha để vệ sinh, sát trùng đáy ao. Nếu đáy ao không bằng phẳng cần rải vôi tập trung ở những vùng trũng, nhiều bùn. Xung quanh bờ ao phải vây lưới cước quanh bờ, sát mép nước (cỡ mắt lưới a = 0,3 cm) để ngăn không cho ốc bò lên bờ.

Khu vực nuôi tu hài và rong câu ở giữa ao được vây chắn lưới xung quanh với diện tích 1.000 – 2.000 m2 (dài 40 – 50 m và rộng 25 – 40 m). Đào rãnh sâu 15 – 20 cm, rộng 20 cm, cắm cọc đỡ lưới (đường kính cọc 5 – 7 cm, cao 1 m, khoảng cách 2 m/cọc), sau đó, đưa lưới xuống rãnh phủ đất và lèn chặt chân.

Cấp nước sạch cho ao vào kỳ triều cường, nước được lọc qua hệ thống đăng lưới chắn để ngăn rác, cá tạp và các loại địch hại khác vào ao. Duy trì mực nước 0,8 – 1,2 m trong ao và lắp quạt khí để đảo nước và tăng cường ôxy hòa tan trong ao khi ốc lớn, mật độ nuôi cao (2 dàn quạt/3.000 m2).

Thả giống và chăm sóc

Thả giống

Giống ốc hương: được mua về cỡ 15 – 20 mm (4.000 – 6.000 con/kg), vận chuyển bằng bao nilon bơm ôxy, đóng kín vào thùng xốp, giữ nhiệt độ 24 – 250C hoặc đóng khô, giữ nhiệt độ 24 – 250C trong suốt quá trình vận chuyển. Ốc khoẻ mạnh, màu sắc tươi sáng, bò lên nhanh khi cho ăn và vùi toàn bộ xuống cát khi ăn xong. Không có các biểu hiện nhiễm bệnh như trắng vỏ, gãy đỉnh vỏ, sưng vòi…

Giống tu hài: có thể mua từ trại giống sản xuất nhân tạo hoặc giống thu gom từ tự nhiên, giống thường có kích cỡ 1.500 – 3.000 con/kg, giống phải khỏe mạnh không bị sứt sát, màu sắc tươi sáng và vòi không bị sưng. Mật độ thả 7 – 8 con/m2 ghép với trồng rong câu (0,5 kg/m2). Rong và tu hài được trồng và nuôi trong đăng chắn ở giữa ao.

Ốc hương: nuôi làm 2 giai đoạn: Giai đoạn ương (1 tháng đầu), thả 800 – 1.000 con/m2, nuôi trong đăng chắn với diện tích 200 m2. Nuôi lớn: Sau 1 tháng nuôi, ốc đạt cỡ 700 – 900 con/kg, mở lưới đăng và san thưa ốc trong ao (khu vực nuôi ốc) để nuôi lớn, mật độ 30 – 40 con/m2.

Chăm sóc, quản lý

Thức ăn cho ốc hương bao gồm cá tạp, tôm, tép…; cho ăn 1 – 2 lần/ngày, lượng thức ăn chiếm 10% trọng lượng thân và được điều chỉnh hàng ngày theo sức ăn của ốc. Nên sử dụng thức ăn tươi, không cho ốc ăn thức ăn ôi thiu. Có thể căn cứ vào điều kiện môi trường nước ao nuôi cùng với tốc độ sinh trưởng và mật độ ốc thả mà có thể san thưa để đảm bảo ốc sinh trưởng tốt. Cùng đó, có thể kết hợp tháo cạn nước, vệ sinh ao để san thưa sang ao và đăng nuôi khác nếu môi trường đáy ao có nhiều bùn và rong.

Trong quá trình nuôi thường xuyên quan sát hoạt động ăn mồi của ốc, kiểm tra sự dò rỉ nước ao, kịp thời phát hiện địch hại để diệt trừ. Theo dõi lượng thức ăn thừa hàng ngày để điều chỉnh cho phù hợp. Thay nước định kỳ 3 – 5 ngày/lần, mỗi lần 20 – 30% lượng nước ao. Luôn phải giữ cho môi trường ao nuôi trong sạch, tránh ô nhiễm làm ốc bị nhiễm bệnh. Duy trì mực nước trong ao 0,8 – 1,2 m để ổn định nhiệt độ, hạn chế rong đáy phát triển. Ốc hương thường vùi mình trong bùn và sống chủ yếu dưới tầng đáy, do vậy để tránh ô nhiễm đáy cần vớt hết thức ăn thừa. Vận hành quạt khí liên tục từ tháng thứ 2 trở đi nhằm cung cấp ôxy hòa tan và gom tụ chất thải vào giữa ao làm thức ăn cho tu hài. Cùng đó, nguồn dinh dưỡng sinh ra trong quá trình phân hủy mùn bã hữu cơ, bài tiết của ốc sẽ được rong câu hấp thụ, vừa làm trong nước ao vừa hạn chế được tảo và vi khuẩn gây bệnh phát triển. Trong vụ nuôi, cần hạn chế sự biến động lớn của độ mặn (không quá 5‰), để tu hài, rong câu, ốc hương phát triển tốt cần định kỳ thay nước ao đầm (15 – 20‰) vào kỳ con nước có độ mặn cao để cung cấp thêm nguồn thức ăn cho tu hài và làm trong nước, giúp ốc hương và rong câu phát triển tốt.

Ổn định các yếu tố môi trường trong suốt vụ nuôi như nhiệt độ nước: 27 – 300C; độ trong 30 – 35 cm, pH 7,5 – 8,5, độ kiềm 100 – 120 mg/l kiềm, ôxy hòa tan trên 4 mg/l, độ mặn 25 – 30‰; H2S < 0,01 mg/l; NO2 và NO3 < 0,1 mg/l. Cần kiểm tra chất đáy định kỳ (tháng/lần), nếu chất đáy có mùi hôi thối, chuyển sang màu đen thì tiến hành cào đáy, quạt và thay nước. Ngoài ra có thể bổ sung thêm cát sạch dày khoảng 2 cm.

Thu hoạch

Sau 5 – 6 tháng nuôi, khi ốc hương đạt kích cỡ lớn 25 – 30 con/kg con thì thu hoạch bằng cách dùng bẫy, lồng nhử mồi hoặc vợt để thu tỉa những con to, con nhỏ để lại nuôi tiếp. Sau 8 tháng nuôi trở lên có thể thu hoạch tu hài bán nếu đạt kích thước thương phẩm 30 – 40 con/kg.

Rong câu sau 2 tháng nuôi có thể tiến hành thu tỉa (tháng/lần) và luôn đảm bảo mật độ rong 0,5 – 1 kg/m2.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Lưu ý khi nuôi luân canh Cá Rô Phi trong đầm trồng Rong Câu

Ở một số vùng ven biển thường trồng rong câu chỉ vàng trong các ao đầm. Hết mùa trồng rau câu có thể thả cá rô phi để nuôi. Cách làm này tận dụng được thức ăn trong ao, giúp cải tạo ao và tăng giá trị kinh tế.

Mùa vụ

Hàng năm khi độ mặn trong ao giảm thấp vào tháng 6, 7 thì rong câu bắt đầu tàn lụi, chỉ còn sót những đoạn rong già nằm lẫn trong bùn. Độ mặn trong ao, đầm thấp, nguồn thức ăn tự nhiên phong phú. Tuy nhiên, nếu kết thúc vụ trồng rong câu mới thả cá hương thì đến cuối năm (tháng 10, 11) không thể thu được cá có kích cỡ thương phẩm. Do vậy, người nuôi cá cần phải ương và nuôi cá trong ao có độ mặn thấp từ tháng 4, 5 trở đi để khi chuyển ra ao đầm trồng rong câu cá phải đạt trọng lượng tối thiểu từ 30 – 50 g/con.

Ương cá bột lên cá giống cỡ 30 – 50 g/con

Ao ương bố trí nơi gần nguồn cung cấp nước ngọt và đầm nuôi có cống cấp và thoát riêng biệt.

Thời gian ương bắt đầu từ tháng 4, 5.

Mật độ ương 50 – 100 con/m2. Nếu ương ở mật độ này thì phải sử dụng quạt nước hoặc sục khí ở giai đoạn cuối chu kỳ ương.

Để hạn chế ô nhiễm nước trong ao ương, nên cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp, có độ đạm từ 18 – 25%; kích thước phù hợp với miệng cá.

Cải tạo đầm rong câu trước khi thả cá

Tháo cạn ao đầm và làm sạch bờ, đáy ao. Diệt cá tạp, cá dữ bằng vôi hoặc Rotenon theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Tuy nhiên, sau khi diệt tạp phải lấy nước vào rửa ao cho hết thuốc.

Bón chế phẩm sinh học để cải tạo môi trường đất và hạn chế các vi sinh vật gây bệnh bằng các sản phẩm chế phẩm đảm bảo chất lượng.

Gây màu nước (tảo) bằng các chế phẩm sinh học. Có thể dùng phân gà 100 – 200 kg/ha nhưng phải ngâm trước trong các thùng, sau đó chiết lấy nước té xuống ao.

Thả giống và chăm sóc

Thả giống mật độ 1 – 3 con/m2. Đảm bảo mức nước trong ao đạt từ 1,2 – 1,5m. Lưu ý: duy trì độ mặn luôn nhỏ hơn 10‰ vì độ mặn cao cá sẽ chậm lớn.

Duy trì độ pH trong ao từ 7,5 – 8,5. Quản lý tốt lượng thức ăn sử dụng để tránh lãng phí và gây ô nhiễm môi trường.

Cuối chu kỳ nuôi (sắp thu hoạch) có thể cho cá ăn thêm thức ăn tươi sống để cá lớn nhanh, chắc thịt.

Phòng bệnh

Cá rô phi nuôi trong ao đầm nước lợ nếu thực hiện tốt phương pháp phòng trị như: cải tạo ao, quản lý môi trường, chăm sóc,… đúng kỹ thuật sẽ hạn chế và phòng ngừa được bệnh cho cá.

Cá cũng có thể mắc các bệnh do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm. Đối với bệnh do virus thì chưa có thuốc chữa, nên phòng ngừa vẫn là chính. Các bệnh như vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng có thể dùng vôi và một số loại thuốc, hóa chất để trị bệnh.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thừa Thiên – Huế: Hiệu quả từ mô hình nuôi luân canh Tôm Sú – Rong Câu

Mô hình nuôi luân canh tôm sú – rong câu được xác định là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế trong điều kiện thời tiết ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Lãi khá

Mới đây, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh Thừa Thiên – Huế (TTKNLN) triển khai thực hiện mô hình “Nuôi luân canh tôm sú – rong câu trong ao nước lợ” nhằm góp phần đa dạng hóa phương thức nuôi, giải quyết vấn đề ô nhiễm trong quá trình nuôi chuyên tôm. Mô hình còn hướng đến tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tăng nguồn nguyên liệu cho tiêu dùng và xuất khẩu. Qua một vài vụ nuôi, mô hình đã được khẳng định mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội như kỳ vọng.

Ông Đào Duy Trai ở xã Hải Dương (TX Hương Trà) phấn khởi: Trong khi nuôi chuyên tôm “chết lên chết xuống”, mô hình nuôi luân canh tôm sú-rong câu thật sự là cứu cánh cho người dân. Lãi tuy không bằng nuôi chuyên tôm, nhưng mô hình này ít rủi ro, ít ô nhiễm môi trường và bền vững. Hộ ông Trai được chính quyền địa phương lựa chọn hỗ trợ mô hình với diện tích 0,5 ha. Đối với tôm sú mật độ thả 15 con/m2 (cỡ giống p15); rong câu 0,5 cây/m2 (cỡ giống 10 – 15 cm). Đối với tôm, tỷ lệ sống bình quân đạt 64%, cỡ tôm thu hoạch 20 g/con, tổng sản lượng gần 1 tấn, lãi ròng 78,5 triệu đồng.

Trưởng phòng Kỹ thuật Thủy sản – TTKNLN – Nguyễn Thị Thu Giang cho biết, ngoài hộ ông Trai, TTKNLN còn hỗ trợ xây dựng thêm 3 mô hình thí điểm tại 3 hộ khác ở các xã Vinh Giang (Phú Lộc), Vinh Xuân (Phú Vang) và Quảng Công (Quảng Điền). Mỗi hộ được hỗ trợ nuôi 5.000 m2 với mật độ thả giống, kích cỡ tôm tương tự. Sau 5 – 6 tháng nuôi, sản lượng bình quân tại các hộ này đạt gần 1 tấn, lãi ròng trên dưới 50 triệu đồng.

Để mô hình bền vững

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Giang, mô hình nuôi luân canh tôm sú – rong câu bước đầu thành công, mở ra nhiều cơ hội cho người dân trong đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Một ưu thế đối với mô hình này là kinh phí đầu tư không lớn so với nuôi chuyên tôm, với quy mô nuôi khoảng 5.000 m2 chỉ khoảng trên 50 triệu đồng… Trong khi nuôi tôm sú lợi nhuận khá, hiệu quả kinh tế rong câu mang lại còn thấp, nhưng có tác dụng làm ổn định các yếu tố môi trường, giảm thiểu đáng kể các chất gây hại nguồn nước trong ao nuôi…

Các vùng đầm phá trên địa bàn tỉnh có điều kiện thuận lợi về mặt nước, môi trường để nuôi thủy sản xen ghép, trong đó mô hình luân canh tôm sú – rong câu được xác định rất phù hợp. Để phát huy hiệu quả, khai thác tốt tiềm năng, sắp đến các cấp, ngành liên quan cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thực hiện mô hình này với quy mô lớn hơn, nhân rộng nhiều địa phương khác nhằm xác định được tính khả thi của việc trồng rong câu thương phẩm trong ao nuôi tôm và cải thiện chất lượng nguồn nước ao nuôi. Từ đó thúc đẩy, khuyến khích người dân từng bước đổi mới phương thức nuôi trồng thủy sản bền vững, hạn chế rủi ro trong nuôi chuyên tôm sú như hiện nay.

Phó Giám đốc TTKNLN – Châu Ngọc Phi chia sẻ, nếu được đầu tư phát triển mô hình trình diễn, các ban ngành sẽ kết hợp chuyển giao, tập huấn kỹ thuật sản xuất cho người dân. Đây cũng là điều kiện để nhân rộng mô hình, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương.

Nguồn: Báo Thừa Thiên – Huế được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi Tôm kết hợp trồng Rong Câu

Có một vấn đề rất nan giải, mà bấy lâu nay đã làm “đau đầu” tất cả các nhà nuôi tôm-đó là chất thải và nước thải từ các ao nuôi gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, những nghiên cứu mới đây về ứng dụng một số loài rong câu (như Gracilaria spp, Gracilariales, Rhodophyta) trong xử lý môi trường nuôi tôm, được các nhà khoa học thủy sản tiến hành tại Viện Hải dương học Nha Trang, cho thấy vấn đề này đã có hướng giải quyết.

Các tác giả tiến hành phương pháp nuôi tôm thâm canh kết hợp trồng rong câu trong hệ tuần hoàn kín. Trong đó, sử dụng ao rong câu mật độ cao đóng vai trò bể lọc sinh học (để làm sạch nước thải).

Nghiên cứu dựa trên cơ sở ứng dụng các tác động tương hỗ giữa thực vật (rong biển) và động vật (tôm) với các yếu tố môi trường. Cụ thể ở đây là: rong câu tạo ra ôxy hòa tan-tôm tiêu thụ nó, rong câu tiêu thụ CO2 và các mối dinh dưỡng-do tôm sản sinh ra nó; rong câu làm giảm a xít trong môi trường nước-tôm làm tăng tính axít… Sự hoạt động cân bằng này cho phép giữ ổn định môi trường nuôi tôm.

Hệ thống ao nuôi kiểu mới này được bố trí, gồm: Ao lắng và tiệt trùng (chiếm 21% tổng diện tích cả hệ thống). Ao nuôi tôm (chiếm 62%). Ao trồng rong câu (hay còn gọi ao xử lý sinh học, chiếm 17%). Nước sử dụng cho quá trình nuôi được lấy vào cả ba ao ngay từ đầu và sử dụng chung cho cả vụ nuôi.

Với quy trình tuần hoàn vận hành như sau: Nước được khử trùng ngay trong ao lắng trước khi bơm vào ao nuôi tôm. Rồi nước thải từ ao nuôi tôm được bơm dần (mỗi lần khoảng 15-20%) sang ao trồng rong câu và lưu lại đây ba ngày. Sau đó, bơm trở lại ao lắng và tiến hành xử lý hóa học, xong cho lưu lại đây ba, bốn ngày. Tiếp đến, lại bơm vào ao nuôi tôm-bắt đầu một vòng tuần hoàn mới. Trong quá trình nuôi, có một lượng nước bị mất đi do thẩm thấu và bốc hơi sẽ được bổ sung từ nguồn nước bên ngoài vào. Bằng cách sử dụng nguồn nước như thế, sẽ hạn chế tối đa sự tiếp xúc hoặc trao đổi với nguồn nước bên ngoài, do đó hạn chế được những ảnh hưởng của trại nuôi tôm với môi trường chung quanh và ngược lại.

Mặc dù một số tính chất vật lý của nước như độ mặn, tăng dần theo các tháng trong vụ tôm (thay đổi từ 2,1% đến 3,5%) do nước bốc hơi. Nhưng cả tôm nuôi và rong câu đều cùng phát triển tốt, mà lại thêm nguồn lợi thu được từ rong câu khá lớn.

Trong hai tháng đầu vụ nuôi (từ tháng 2 đến tháng 4) mật độ rong câu trung bình 500g/m2, tốc độ tăng trưởng đạt 2,8%. Đến tháng thứ 3, rong đã có mật độ đạt 2kg/m2 và đã bắt đầu thu tỉa được với khối lượng 170-200g/m2. Từ tháng thứ 5 độ tăng trọng chỉ đạt 1,3%, nhưng đến khi thu hoạch tôm thì rong đã có sinh lượng tích lũy 4kg/m2. Sản lượng rong câu tươi trên một ha ao thí nghiệm đạt tới 6 tấn/tháng.

Hơn nữa, phương pháp nuôi tôm thâm canh kết hợp trồng rong câu trong hệ tuần hoàn khép kín kiểu này, đặc biệt có lợi cho môi trường. Kết quả thí nghiệm qua một vụ tôm đã cho thấy rõ, rong câu có tác dụng làm thay đổi đáng kể các chỉ số yếu tố môi trường nước đối với nguồn nước đi ra từ ao rong. Chỉ với một ao rong có diện tích bằng 17% tổng diện tích cả hệ thống ao nuôi kết hợp kể trên, thì với vai trò là bể lọc sinh học, nó đã cải thiện tốt chất lượng nước của ao nuôi tôm: Làm tăng 5% pH, tăng 49% ôxy, đồng thời làm giảm 60,3% nitơ vô cơ hòa tan, 38,1% phospho, 66% chlorophyll, 56% chất lơ lửng từ nguồn của ao nuôi tôm.

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, nuôi kết hợp tôm-rong câu không chỉ làm cho những thông số về chất lượng nước trong ao nuôi tôm tốt hơn, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường chung quanh trại nuôi, mà còn làm giảm chi phí sản xuất. Giảm thiểu sử dụng chất và thuốc phòng trị bệnh cho tôm. Vì thế, sẽ có sản phẩm tôm thương phẩm sạch hơn, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Nghiên cứu này cần được khảo sát tiếp trong mùa mưa để kiểm tra về hiệu quả cải thiện chất lượng nước thải, xác định thời gian lưu giữ nước và độ sâu mực nước trong ao rong câu.

Nguồn: 2lua.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.