Lồng bè nuôi thủy sản: Cần nghiên cứu cải tiến

Những tổn thất của cơn bão 12 vừa qua đặt ra câu hỏi cho ngành chức năng và người nuôi phải nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới vào làm lồng bè sao cho đủ khả năng chống chọi với sóng biển, mưa bão nhằm hạn chế thiệt hại.


Một hộ nuôi tôm hùm ở Vạn Ninh đang làm lại bè nuôi bằng gỗ

Thiệt hại lớn

Gia đình ông Nguyễn Văn Búp (xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh) gắn bó với nghề nuôi tôm hùm hơn 20 năm nay. Thế nhưng, 2 bè với 50 lồng nuôi hơn 8.000 con tôm hùm bông đang chuẩn bị xuất bán bị bão đánh tan tành, thiệt hại hơn 7 tỷ đồng. Để khôi phục lại lồng nuôi, hơn 10 ngày qua, ông đã đi khắp nơi để mua gỗ và lưới về kết lồng bè nhưng không tìm đủ vật liệu. Ông Búp chia sẻ: “Bè nuôi truyền thống chủ yếu làm bằng gỗ, kết với phuy nhựa để nổi trên mặt biển; còn túi lồng nuôi thì làm bằng lưới quấn quanh khung sắt bọc nhựa. Trước đây, giá thành cho một ô lồng rộng 4m2 khoảng 8 triệu đồng, nhưng hiện nay nhu cầu làm lại lồng bè sau bão tăng cao nên giá lên hơn 12 triệu đồng/4m2 chưa kể công thợ. Tuổi thọ trung bình của mỗi lồng bè truyền thống khoảng 4 năm, sóng biển cấp 3 là bị đánh vỡ. Biết làm lồng bè truyền thống rủi ro cao, nhưng chúng tôi phải chấp nhận vì không biết dùng vật liệu, công nghệ nào để đảm bảo độ an toàn. Chúng tôi rất mong các ngành chức năng sớm tìm ra loại vật liệu mới, có độ an toàn cao để áp dụng đại trà cho người dân”.

Hơn 15 năm nay, gia đình ông Lê Văn Hải (phường Cam Phúc Nam, TP. Cam Ranh) nuôi cá bớp trên vịnh Cam Ranh cũng chỉ làm lồng bè nuôi truyền thống. Chính vì vậy, đợt bão vừa qua, toàn bộ bè nuôi với 30 ô lồng hơn 5.000 con cá bớp bị sóng biển đánh vỡ, thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Ông Hải cho biết: “Thiên tai thì biết trách ai. Bây giờ muốn làm lại lồng bè để thả nuôi cũng lo. Giá như có vật liệu, công nghệ làm lồng bè nuôi vững chắc, an toàn, chống chịu được mưa bão, sóng biển thì chúng tôi an tâm”.

Ông Trần Kim Bảo – Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, hiện nay, 100% lồng bè trên địa bàn huyện đều làm bằng gỗ nên không đảm bảo an toàn, kéo theo hệ lụy phá rừng. Trước nhu cầu gỗ làm lại lồng bè đang rất lớn, thời gian qua, ở địa phương đã xuất hiện tình trạng người dân vào rừng đốn gỗ. Do vậy, về mặt lâu dài, ngành Nông nghiệp cần nghiên cứu, học tập cách làm lồng bè ở các địa phương khác để áp dụng, thay thế cách làm lồng bè truyền thống cho người dân. Đồng thời, áp dụng kỹ thuật nuôi mới để đảm bảo an toàn cho cả người và tài sản.

Sẽ nghiên cứu, học tập cách làm mới

Ông Võ Khắc Én – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 54.000 lồng bè nuôi thủy sản trên biển. Trung bình, mỗi lồng bè thủy sản luôn có từ 2 đến 5 lao động (tùy quy mô, diện tích bè nuôi) chăm sóc, trông coi. Lồng bè truyền thống làm bằng gỗ, kết với phuy nhựa, chưa đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, kích thước, khiến hiệu quả sản xuất chưa cao. “Cơn bão vừa qua, toàn tỉnh có hơn 35.000 lồng bè nuôi bị thiệt hại hoàn toàn. Qua đây cho thấy, sự lạc hậu trong cách làm lồng bè nuôi thủy sản truyền thống. Trước khi bão vào, mặc dù người nuôi thủy sản đã gia cố kỹ càng, thậm chí đã kéo lồng bè vào khu vực kín gió, những khi bão đi qua thì không còn lồng bè nào trụ vững. Đã đến lúc các ngành chức năng, người nuôi trồng thủy sản cần nghiên cứu, học tập, ứng dụng công nghệ, vật liệu mới vào làm lồng bè đảm bảo an toàn, tránh rủi ro thiên tai, hạn chế thiệt hại cho người dân”, ông Én chia sẻ.

Thực tế, nhiều ngư dân ở các tỉnh thường xuyên có bão như: Quảng Ninh, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên… đã và đang áp dụng nhiều cách làm bè nuôi thủy sản bằng vật liệu mới, đảm bảo an toàn trước sóng biển, mưa bão. Chẳng hạn như ngư dân ở tỉnh Quảng Ninh, sử dụng vật liệu nhựa HDPE làm bè nuôi vừa kín nước, tuổi thọ cao, vừa không bị ăn mòn, có độ uốn dẻo cao, tránh bị gãy khi va đập. Loại vật liệu này có giá thành vừa phải, dễ mua, trung bình 4m2 khung lồng nuôi khoảng 15 triệu đồng. Hay như ngư dân tỉnh Nghệ An, Bạc Liêu sử dụng vật liệu composite để làm bè nuôi thủy sản. Tuy giá thành của loại vật liệu này khá cao nhưng đảm bảo độ an toàn, dễ di chuyển…

Tại buổi làm việc với Khánh Hòa vào đầu tháng 11, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã gợi ý, các ngành chức năng tỉnh và người dân nên rút ra bài học kinh nghiệm về nuôi trồng thủy sản trong điều kiện mưa bão. Chẳng hạn, nhiều hộ nuôi ở 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên làm bè bằng phao hơi, khi bão vào họ cột túi lồng nuôi không cho thủy sản thoát ra ngoài rồi xả khí phao hơi cho lồng chìm xuống khoảng 5m so với mặt nước biển. Khi bão đi qua, họ sẽ bơm khí vào phao để bè nổi lên lại. Đây là một kinh nghiệm hay mà người dân nuôi thủy sản bằng lồng bè nên biết.

Ông Tào Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian tới, ngành sẽ nghiên cứu, học tập công nghệ mới của Na Uy, cách làm lồng bè bằng vật liệu composite của ngư dân tỉnh Nghệ An, làm bằng vật liệu nhựa HDPE của người dân tỉnh Quảng Ninh để chuyển giao cho ngư dân. Bên cạnh đó, ngành sẽ tập trung thực hiện quy hoạch lại vùng nuôi trồng thủy sản để tránh tình trạng xâm chiếm vùng nuôi; tăng cường quản lý, giám sát, khuyến cáo người dân không được thả nuôi ồ ạt, gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh…

Nguồn: Khanhhoa.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi cá công nghiệp trên vùng biển Phú Quốc

Nuôi cá trên biển theo hướng công nghiệp được Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Trấn Phú (Công ty Trấn Phú) triển khai trên vùng biển xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc, Kiên Giang. Mô hình này bước đầu đạt được những thành công nhất định, mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi cá biển ở huyện đảo này.

Nuôi cá lồng bè ở Phú Quốc

Để khai thác tiềm năng kinh tế biển, cuối năm 2016, sau khi UBND tỉnh Kiên Giang cho chủ trương, Công ty Trấn Phú quyết định đầu tư thực hiện mô hình nuôi cá biển theo quy mô công nghiệp trên vùng biển xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc. Giai đoạn I, Công ty Trấn Phú triển khai đầu tư quy mô 3ha mặt biển với 4 lồng tròn nuôi cá thương phẩm theo công nghệ Na Uy. Kinh phí đầu tư cho mỗi lồng nuôi là gần 650 triệu đồng. Toàn bộ quy trình nuôi, chăm sóc và kiểm soát dịch bệnh do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 chuyển giao.

Trong giai đoạn I, Công ty Trấn Phú thả nuôi 163.000 con cá chim trắng và cá hồng mỹ. Đến nay, sau thời gian nuôi hơn 7 tháng thử nghiệm trên vùng biển cách xa đất liền, cá có khả năng chống chịu tốt với môi trường, nên tỷ lệ cá sống đạt gần 90%. Theo ông Thái Bảo Trấn, Giám đốc Công ty Trấn Phú, đầu tư lồng bè tròn theo công nghệ Na Uy tuy kinh phí cao, nhưng độ bền và chắc chắn, có thể chịu sóng lớn cấp 10, an toàn hơn so với cách nuôi bè truyền thống; đồng thời vừa hạn chế ô nhiễm môi trường trên biển, vừa tạo ra những tấn cá sạch cung cấp thị trường trong và ngoài nước.

Kiên Giang là tỉnh có diện tích ngư trường khá lớn, trên 63.000km2, với gần 200km bờ biển – thuận lợi để phát triển nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Tính đến nay, toàn tỉnh có 2.737 lồng bè nuôi cá trên biển, thu hoạch đạt sản lượng trên 1.300 tấn, chủ yếu thả nuôi các loại cá mú và cá bớp, tập trung chủ yếu ở vùng biển Phú Quốc, Kiên Hải, Kiên Lương và thị xã Hà Tiên. Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng bè thương phẩm hiện nay tại Kiên Giang vẫn còn quy mô nhỏ lẻ. Bè nuôi có kết cấu thô sơ, chủ yếu tự chế bằng gỗ, luôn phải di dời tránh gió bão theo mùa.

Nuôi cá lồng bè ở Phú Quốc

Để nghề nuôi cá lồng bè bền vững tại Kiên Giang, ngoài điều kiện tự nhiên, nguồn thức ăn và cá giống thả nuôi phải đa dạng, thì việc phát triển nghề nuôi này cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết từ lồng nuôi đến thị trường tiêu thụ. Nuôi cá biển công nghiệp theo công nghệ lồng bè tiên tiến lại thả nuôi xa bờ giúp tránh ô nhiễm nguồn nước so với nuôi lồng bè thô sơ, năng suất lại đạt cao hơn. Tuy nhiên, để mô hình nuôi cá lồng bè trên biển theo hướng công nghiệp phát triển bền vững mở ra hướng đi mới cho ngư dân, vấn đề đặt ra là Kiên Giang cần phải tính đến quy hoạch vùng nuôi ổn định để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, giúp người dân Kiên Giang làm giàu từ biển mà vẫn không làm ảnh hưởng đến môi trường và hoạt động du lịch.

Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, cho biết: Hiện nay, cùng với đầu tư phát triển du lịch, Phú Quốc xác định khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản là một trong những lĩnh vực quan trọng, vừa đa dạng các sản phẩm đặc trưng phục vụ du khách, vừa tăng thu nhập cho cư dân trên đảo. Huyện Phú Quốc cũng khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân đầu tư nâng cấp tàu thuyền, ngư cụ, trang thiết bị hiện đại để đánh bắt xa bờ, nâng cao chất lượng thủy – hải sản. Đặc biệt, chú trọng phát triển loại hình câu, thẻ kết hợp với nuôi trồng thủy sản ven bờ, nuôi cá lồng bè trên biển để cung cấp nguồn thủy – hải sản tươi sống có giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu ẩm thực của người dân và du khách.

 

 

Nguồn: đã kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.