Những hiện tượng bất thường trên rễ lúa và biện pháp khắc phục

Trong quá trình trồng lúa, người nông dân cần theo dõi liên tục sự phát triển bộ rễ của lúa để phát hiện những hiện tượng bất thường và tìm cách khắc phục kịp thời tránh thiệt hại nghiêm trọng.

1. Thế nào là rễ lúa khỏe mạnh, bình thường

Rễ lúa khỏe mạnh, bình thường lúc mới mọc có màu trắng sữa, hơi cứng, chưa có lông hút. Khi rễ trưởng thành trở nên mềm mại, suông dài, có màu xám nâu, nhưng chóp rễ vẫn có màu trắng sữa và có lông hút, chứng tỏ rễ đang sinh trưởng mạnh.

2. Hiện tượng rễ lúa có màu vàng, nâu

Rễ lúa có màu vàng hay nâu là do chất sắt bám bên ngoài rễ lúa (sắt bị oxy hóa bởi rễ tiết ra oxy). Đây là hiện tượng phổ biến ở rễ lúa trồng trên đất ngập nước có độ thấm rút kém ở đồng bằng sông Cửu Long. Chính hiện tượng này giúp lúa chống lại sự ngộ độc sắt ở đất ngập nước (yếm khí) hay ở đất có pH thấp (như đất phèn). Mặc dù rễ lúa bị vàng, nâu nhưng vẫn sinh trưởng khỏe mạnh bình thường, tuy nhiên khả năng hấp thụ dưỡng chất có phần nào bị giảm đi. Ở đất phèn nặng, chất sắt hòa tan rất nhiều, vượt quá khả năng oxy hóa của rễ làm lúa bị ngộ độc sắt, lúc đó có màu nâu đỏ.

Để làm giảm hiện tượng này cần phải cày sâu, phơi ải, đánh rãnh thoát nước sau khi làm đất và rút nước thường xuyên giữa vụ (nhất là ở giai đoạn 2-3 tuần sau khi cho đất ngập nước), bón vôi để nâng pH nước ruộng trên 5,5.

3. Hiện tượng rễ lúa bị đen

Rễ lúa bị đen là do chất sắt kết hợp với chất lưu huỳnh bám trên rễ. Rễ lúa bị đen mất khả năng oxy hóa nên dễ bị ngộ độc sắt (Fe2+), hấp thụ dinh dưỡng kém mất cân đối nên dễ nhiễm bệnh như bệnh đốm nâu. Hiện tượng này thường xảy ra ở đất trũng thấp, ngập nước, nhiều sét, ít thấm rút và có cày vùi nhiều rơm rạ. Tình trạng trở nên trầm trọng gây chết rễ khi đất có phèn nặng.

Không nên để cho rễ lúa bị đen, chết rồi mới trị, mà cần có biện pháp phòng tránh như sau:

a. Sau khi thu hoạch lúa nên cày ải, để rơm rạ được phân hủy ít nhất 1 tháng, và chỉ sạ lúa sau khi cho đất ngập từ 2 đến 3 tuần.

b. Trong trường hợp không cày ải được vì phải gieo sạ lại ngay sau khi thu hoạch, cần phải cắt gốc rạ và di chuyển hết rơm rạ ra khỏi ruộng trước khi làm đất. Nếu không được thì phải chủ động rút nước ở thời điểm 15 và 30 ngày sau khi sạ, rút khô kiệt đến khi mặt ruộng răn nứt (ít nhất 5 ngày, mực thủy cấp cách mặt đất 10-15 cm), bón phân vôi (khoảng 30 kg đá vôi nung/công 1.000 m2), vô nước lại và bón phân lân và kali để tăng khả năng chống chịu của cây lúa.

4. Hiện tượng rễ lúa có bướu

Khi rễ lúa bị ngắn lại, chóp rễ phù to có nhiều dạng khác nhau kích thước từ 1-3 mm (gọi là bướu) là do tuyến trùng gây ra. Tuyến trùng tấn công mạnh trong giai đoạn đầu của cây lúa, ở những ruộng bị thiếu nước do không giữ được nước hay do khô hạn.

Để phòng ngừa nên cho đất ngập nước để diệt tuyến trùng lưu tồn trong đất trước khi gieo sạ. Khi phát hiện có bướu rễ phải cho đất ngập nước để khống chế sự phát triển của tuyến trùng. Có thể rải Diazan 10 H với liều lượng khoảng 20 kg/ha để diệt tuyến trùng.

5. Hiện tượng rễ lúa chết

Ở giai đoạn trước tượng đòng, sản phẩm quang hợp của lá lúa tập trung vào việc nuôi rễ nên bộ rễ phát triển mạnh và đạt mức tối đa khi cây lúa bắt đầu tượng khối sơ khởi (lúc bón phân đón đòng). Ở giai đoạn có đòng (lúc bông lúa còn non, chưa trổ) thì một phần sản phẩm quang hợp của lá lúa được sử dụng để nuôi đòng cho nên sự phát triển của rễ vào giai đoạn này bị chậm lại. Khi lúa bắt đầu trổ, hầu như sản phẩm quang hợp của những lá trên của bộ lá đòng được sử dụng để nuôi hạt, chỉ những lá già ở bên dưới nuôi rễ mà thôi. Do đó, rễ bắt đầu chết dần sau khi lúa trổ là việc bình thường, muốn duy trì sự sống của rễ ở giai đoạn này phải cung cấp đủ dinh dưỡng cho lúa ở giai đoạn làm đòng và giữ cho lá không bị bệnh và côn trùng gây hại.

Nguồn: Agpps.com.vn được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.