Chuột có tính đa nghi cao, thần kinh khứu giác và vị giác rất phát triển, tập tính hoạt động chủ yếu vào ban đêm nên rất khó diệt trừ. Chuột có vòng đời từ 370 – 420 ngày. Rất mắn đẻ. 1 con chuột cái trung bình đẻ 3 – 4 lứa/năm, mỗi lứa đẻ được 5 – 10 con.
Chuột con sau 2 – 3 tháng tuổi đã có thể sinh sản, đẻ quanh năm, sinh sản mạnh nhất từ tháng 3 – 10. Chuột có đặc điểm sống theo bầy đàn, chúng thường di chuyển theo lối mòn, có khả năng di chuyển xa để tìm thức ăn, bán kính hoạt động gây hại lớn trên diện tích rộng. Chuột thường đào hang làm tổ trên các bờ mương, bờ ruộng, gò đống, nghĩa địa; đặc biệt ở nơi có nhiều bụi cây. Chúng gặm nhấm liên tục để mài mòn răng nên tác hại gây ra là rất lớn.
Chuột chủ yếu hoạt động và phá hại vào ban đêm. Trên ruộng, chuột hại vào bất cứ giai đoạn nào của cây lúa, nặng nhất vào giai đoạn trổ, lúc này chúng ăn đòng non (có vị ngọt) hay cắn ngang hạt lúa. Trong nhiều trường hợp, chuột cắn phá nhiều hơn là ăn. Ở giai đoạn hình thành đòng, chuột cắn thủng bẹ để ăn đòng. Khi lúa sắp chín, chuột vít dãnh lúa để ăn hạt, dãnh bị hại thường bị cắn đứt, chỉ còn một phần nhỏ dính vào thân. Vết cắn của chuột ở ngay dưới gốc lúa nên dễ phân biệt thiệt hại do chuột hay do sâu đục thân gây ra (cả hai đối tượng này đều gây bông bạc cho lúa khi trỗ). Nếu bị hại sớm, lúa có thể phục hồi tạo ra những dãnh mới, nhưng khi chín sẽ không đều. Nếu bị hại muộn, lúa không phục hồi được, không cho năng suất. Ngoài việc cắn phá lúa, chuột còn đào hang trên đê, bờ ruộng, bờ đập… làm cho nước trong ruộng bị thất thoát.
Công tác phòng trừ mang lại hiệu quả cao nhất bởi vì trên đồng ruộng sau khi thu hoạch vụ mùa và vụ đông, nguồn thức ăn khan hiếm khiến chuột đói, mặt khác khi lấy nước vào đồng các hang lỗ bị ngập nước, mất nơi cư trú, làm chúng chạy nên bờ.
Điều cần quan tâm trước tiên khi đề cập đến công tác diệt chuột là cần tiến hành sớm ngay từ đầu vụ, cần làm đồng loạt, liên tục và đều khắp. Phải ý thức công tác phòng trừ chuột phục vụ lợi ích cho toàn xã hội, do đó cần nhấn mạnh sự tham gia của toàn cộng đồng, bao gồm chính quyền và mọi công dân. Vì vậy để phát hiện sớm cần thăm đồng thường xuyên, lội vào giữa ruộng và phát hiện dãnh bị chuột phá. Trong một số trường hợp, chuột phá hại trên diện rộng, có thể gây mất trắng trên cả 1 vụ lúa.
– Vệ sinh đồng ruộng: cần hạn chế nơi cư trú của chuột bằng cách phát quang bờ bụi, làm sạch cỏ ven bờ ruộng, bờ mương, không để hoang hóa, tìm và phá các ổ chuột ở bờ ruộng ngay từ đầu vụ. Sau thu hoạch có thể dọn sạch rơm rạ, đốt đòng để hạn chế nơi cư trú của chuột.
– Thời vụ: Cần xác định thời vụ cho phù hợp với địa phương, nên gieo trồng và thu hoạch đồng loạt.
– Cơ cấu cây trồng: không nên trồng quá nhiều loại cây trồng trên đồng ruộng như khoai mì, bắp, đậu, mía… hay trồng giống lúa quá ngắn ngày, tạo điều kiện cho nguồn thức ăn liên tục và nơi cư trú an toàn cho chuột.
– Bảo vệ thiên địch của chuột bao gồm: rắn, trăn, mèo, chó, chim cắt, cú mèo, diều hâu.
– Dùng bẫy cây trồng để bắt chuột từ đầu vụ.
– Nếu có thể, giữ mức nước cao trong ruộng vào giai đoạn đòng-trổ, để hạn chế chuột làm tổ ven bờ, lợi dụng nước lớn, gom chuột lên chỗ cao, rồi tổ chức săn bắt.
– Săn bắt chuột bằng nhiều biện pháp như đào hang, đổ nước, bẫy, xông khói, chó săn chuột. Cần lưu ý tuyệt đối không dùng điện để bắt chuột vì rất nguy hiểm đến sinh mạng con người.
– Do chuột có tính đa nghi, nên khi đánh bã chuột cần làm cẩn thận, nếu không sẽ gây ra hiện tượng nhát bã, dùng lúa mộng và sáp trộn thức ăn gia súc làm mồi sẽ hấp dẫn chuột nhiều nhất. Hiện nay, sử dụng thuốc Rakumin để diệt chuột có hiệu quả cao nhất.
– Nhiều nông dân có những kinh nghiệm trừ chuột rất hiệu quả như trộn hạt bã đậu vào thức ăn chuột, rải dầu nhớt có trộn thuốc trên đường đi của chuột (do chuột có tập tính liếm lông), rào nylon quanh ruộng, đào hố, rồi dùng âm thanh đuổi bắt chuột…
Các địa phương nên căn cứ vào lịch lấy nước đổ ải để có kế hoạch phòng trừ cụ thể, kết hợp việc phát quang bờ, bụi rậm, gò đống làm mất nơi cư trú của chuột, thông báo rộng rãi cho nhân dân biết thời gian và địa điểm để chủ động nhốt gia súc, gia cầm. Không đặt bả gần nguồn nước, các bãi chăn thả gia súc, gia cầm.
Chỉ nên dùng các loại có độc tính thấp thuộc nhóm chống đông máu được phép sử dụng tại Việt Nam như Rat K, Storm, Rambat2 % D…
Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.