Tại sao trị bệnh cho tôm khó?

Tôm là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao tuy nhiên rủi ro cũng rất lớn. Nhiều nhà nông đã trở thành triệu phú nhưng cũng có nhiều người đổ nợ vì con tôm. Đặc biệt khi tôm đã bị bệnh thì rất khó phát hiện và chữa trị. Do đó người dân cần có kiến thức để phòng tránh, nhận biết và chữa trị một cách nhanh chóng, kịp thời nhất.

Dưới đây là một số nguyên nhân giải thích vì sao chữa bệnh cho tôm lại khó khăn:

Đặc điểm của tôm

Nuôi tôm khác với nuôi các loài động vật trên cạn vì phương pháp chữa bệnh cho tôm chủ yếu trộn vào thức ăn chứ không phải tiêm trực tiếp như động vật trên cạn. Do đó việc điều trị bệnh cho tôm không thể kiểm soát chính xác liều lượng thuốc được đưa vào từng cá thể tôm. Vì phần lớn thuốc bị hấp thu vào nước và liều đưa vào mỗi cá thể không xác định được do con ăn nhiều, con ăn ít, con không ăn.

Hơn nữa, tôm sống ở trong ao nên bình thường người nuôi khó quan sát. Khi đã tôm đã chết hoặc bơi lên bờ thì mới phát hiện nhưng lúc này đã quá muộn.

Tôm sú nổi đầu bơi vào gần bờ

Thay đổi thời tiết

Tôm là động vật biến nhiệt nên nhiệt độ cơ thể không ổn định mà phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường nước. Khi thời tiết thay đổi bất thường làm cho tôm bị yếu và có thể bị bệnh.

Nếu nắng nóng kéo dài (nhiệt độ nước trên 32oC): Tôm bắt mồi nhanh nhưng thải nhiều phân sống làm nước ô nhiễm. Vi khuẩn có hại hoạt động mạnh thường gây ra dịch bệnh phân trắng.

Vào mùa lạnh (nhiệt độ nước dưới 25oC): Tôm bắt mồi yếu, thậm chí ngưng ăn. Virus hoạt động mạnh thường gây ra dịch bệnh đốm trắng.

Mầm bệnh lây lan nhanh

Do sống trong môi trường nước nên mầm bệnh xuất hiện rất dễ lây lan và không cách lý được. Tôm bị bệnh chết đi trở thành thức ăn của tôm khỏe và ngoài ra việc sử dụng sục khí, quạt nước góp phần phát tán mầm bệnh nhanh chóng.

Sức đề kháng kém

Tôm là động vật bậc thấp, không có hệ miễn dịch đặc hiệu nên khả năng đề kháng mầm bệnh kém, không có vaccine phòng bệnh. Tôm yếu rất dễ bị bệnh virus (đốm trắng, Taura) và vi khuẩn (Vibrio).

Thuốc không vào được tôm bệnh

Tôm bệnh thường bỏ ăn. Thuốc được trộn vào thức ăn sẽ không vào được cơ thể tôm bệnh. Vì thế, sử dụng thuốc chủ yếu là phòng bệnh cho tôm vừa chớm bệnh hay tôm còn khỏe.

Nhiều tác nhân cơ hội

Khi tôm bị bệnh, cơ thể yếu, không còn sức đề kháng, các mầm bệnh cơ hội trong nước đồng loạt tấn công khiến tôm càng yếu nhanh. Thực tế, hầu hết tôm bệnh khi kiểm tra đều nhiễm nhiều loại vi khuẩn, kí sinh trùng, virus, nấm và các yếu tố môi trường bất lợi (khí độc, ôxy hòa tan thấp…) nên sẽ khó xác định tác nhân chính gây bệnh và kéo dài thời gian xét nghiệm.

Cách xử lý những ao tôm bệnh

Nếu chẳng may ao có tôm bị bệnh, việc phát hiện càng sớm thì cơ hội trị bệnh càng cao và cách ứng phó hiệu quả là:

  • Tăng cường quạt nước: cung cấp nhiều ôxy cho tôm, tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh phân hủy chất thải và giải phóng khí độc.
  • Cắt giảm mạnh thức ăn thừa: giảm áp lực chất thải gây ô nhiễm môi trường ao, giảm khí độc tích tụ, giảm mật độ vi khuẩn gây bệnh phát triển.
  • Chữa bệnh đúng thuốc, đúng liều, đúng thời gian: tùy loại thuốc mà sử dụng buổi sáng hay buổi chiều (xử lý vi sinh vào giữa buổi sáng), tùy thời gian đào thải ra cơ thể tôm mà sử dụng bao nhiều lần (sau 6 giờ thì cứ 6 giờ bổ sung 1 lần theo các cữ ăn; sau 12 giờ thì bổ sung vào 1 cữ sáng và 1 cữ chiều; sau 24 giờ thì bổ sung vào 1 cữ ăn trong ngày).
  • Tăng cường sức đề kháng và phục hồi biến dưỡng cho tôm: bổ sung vitamin C, hoạt chất butaphosphan, các vitamin và khoáng chất khác .
  • Không thay nước từ nguồn bên ngoài: tránh lây lan và tạp nhiễm thêm mầm bệnh.
  • Kết hợp cải thiện chất lượng môi trường: đây là việc cấp thiết trong can thiệp xử lý ao tôm bệnh. Sử dụng vi sinh để phân hủy chất thải, xử lý khí độc; khoáng giúp cho nước ao tăng hệ đệm, ổn định độ kiềm, pH và tảo.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam

Bạn đã biết gì về sản phẩm chitosan trong nông nghiệp

Cơ chế tác động của Chitosan

1.  CHITOSAN LÀ GÌ?

Chitosan là một dạng chitin đã bị khử axetyl, nhưng không giống chitin nó lại tan được trong dung dịch axit. Chitin là polyme sinh học có nhiều trong thiên nhiên chỉ đứng sau xenluloza. Cấu trúc hóa học của chitin gần giống với xenluloza. Chitin có nhiều trong các loài giáp xác như tôm, cua, ghẹ…

Đặc tính của chitosan:

  • Là polysacharide có đạm không độc hại, có khối lượng phân tử lớn.
  • Là một chất rắn, xốp, nhẹ, hình vảy, có thể xay nhỏ theo các kích cỡ khác nhau.
  • Chitosan có màu trắng hay vàng nhạt, không mùi vị.
  • Không tan trong nước, dung dịch kiềm và axit đậm đặc nhưng tan trong axit loãng (pH=6), tạo dung dịch keo trong, có khả năng tạo màng tốt, nhiệt độ nóng chảy 309 – 311oC.

2. VAI TRÒ CỦA CHITOSAN TRONG NÔNG NGHIỆP

  • Kháng virus, Kháng vi khuẩn, kháng nấm, kháng một số côn trùng. Do đó, nó thường được ứng dụng trong kiểm soát bệnh hại.
  • Bảo quản hạt giống, tăng khả năng nảy mầm của hạt giống cũng như cải thiện sức sống của cây trồng, hạn chế nấm bệnh gây hại.
  • Phân bón qua lá giúp cây giảm thoát hơi nước, tăng sức chống chịu khô hạn
  • Cải tạo đất, hạn chế vi sinh vật gây hại trong đất, đồng thời kích thích các vi sinh vật có ích phát triển.
  • Bảo quản nông sản sau thu hoạch.

    3.  CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA CHITOSAN

    Cơ chế chống bệnh hại của Chitosan chủ yếu bao gồm:

  • Hoạt tính trực tiếp chống lại mầm bệnh

Hoạt tính trực tiếp của chitosan trong việc kháng virut và viroid chủ yếu ở khả năng chitosan bất hoạt quá trình sinh sản của virut hoặc viroid. Nó thâm nhập vào mô tế bào cây, liên kết chặt chẽ với các acid nucleic và gây ra một loạt các thương tổn và gây ức chế lựa chọn. Ngay lập tức, ức chế có chọn lọc này có thể bất hoạt các mRNA mã hõa các gen cần cho quá trình điều trị thương tổn của vi khuẩn. Ngược lại, các nấm, vi khuẩn, oomycete và các côn trùng khác, chitosan tác động thông qua cơ chế gia tăng khả năng đề kháng của cây, giúp cây tiết ra các kháng thể chống lại sự xâm nhập của nấm, vi khuẩn, oomycete.

  • Hàng rào vật lý quanh vị trí xâm nhập mầm bệnh

Khi chitosan xâm nhập vào mô cây, thường kết dính quanh các vị trí xâm nhập và có 3 tác động chính:

– Thứ nhất là lập hàng rào cách ly vị trí xâm nhập để tránh mầm bệnh lây lan và bảo vệ các tế bào khỏe mạnh khác. Tại vị trí cách ly, cây sẽ nhận biết để kích thích sự phản ứng nhạy cảm giúp tiết ra H2O2 để giúp tăng cường thành tế bào và báo động cho các tế bào bên cạnh.

– Thứ hai chitosan liên kết các kim loại khác nhau và giúp kích hoạt nhanh chóng quá trình làm lành vết thương.

– Thứ ba chitosan có điện tích dương, vi khuẩn có điện tích âm do đó chitosan kết dính với vi khuẩn gây ra quá trình rò rỉ protein và các cơ quan nội bào của vi khuẩn, khiến vi khuẩn bị tổn thương nghiêm trọng và chết.

  • Khả năng tạo chelate với dinh dưỡng và khoáng chất

Chitosan có khả năng liên kết các kim loại và khoáng (như Fe, Cu) giúp tránh mầm bệnh xâm nhập, gây ức chế quá trình sinh sản và tạo ra độc tố. Chitosan còn tạo phức với mycotoxin (độc tố do nấm tiết ra), giúp giảm tổn hại ở tế bào chủ do độc tố nấm.

  • Chất tăng cường làm lành vết thương

Vì khả năng bám chặt vào màng sinh học và các phân tử sinh học cùng với điện tích dương, chitosan cung cấp khả năng làm lành vết thương nhanh chóng khi có tổn hại cơ học hay mầm bệnh tấn công.

Vì là chất kích hoạt, chitosan hoạt hóa quá trình tổng hợp và hình thành một loạt các protein PR và các protein bảo vệ trong đó có phenylalanine ammonia-lyase và peroxidase. Hai emzyme này giúp tổng hợp và xây dựng lên ma trận lignin và hình thành tyllose, những chất đóng vai trò quan trọng trong làm lành vết thương.

  • Kích thích cơ chế phòng thủ của cây trồng

Chất kích hoạt là các chất có khả năng kích thích các phản ứng bảo vệ khi được đưa vào các mô tế bào cây (như oligosaccharit, glycoprotein, peptit và lipit). Các chất kích thích oligosaccharit bao gồm oligoglucan, oligochitin, oligochitosan và oligogalacturonic. Khi cây trồng được tăng cường cơ chế bảo vệ sẽ chịu được sự tấn công mầm bệnh, nhanh chóng khoanh vùng tế bào bị chết và tạo ra các chất sinh hóa xung quanh tế bào bị chết. Các cơ chế này bao gồm tạo ra các oxygen hoạt tính, thay đổi cấu trúc tế bào, tổng hợp các protein kháng thể và tổng hợp sinh học phytoalexin. Chitosan là chất có khả năng kích hoạt các cơ chế phòng thủ của cây. Khi sử dụng chitosan, cây trồng sẽ có một loạt biến đổi về vật lý và sinh lý học. Thay đổi vật lí là sẽ giảm khe hở khí không, giảm khả năng tiếp cận của nấm vào mô tế bào lá. Các tế bào bảo vệ của lá sẽ tạo ra H2O2, để phản ứng lại với sự giảm khe hở khí khổng. Nồng độ acid phenolic trong lá, đặc biệt ferulic acid sẽ gia tăng đáng kể khi gia tăng nồng độ chitosan. Nồng độ lignin trong lá cũng sẽ tăng cao. Các tiền chất của lignin như p-courmaric, ferulic acid, sinapoc acid và phenolic acid có khả năng kháng khuẩn đều bị kích hoạt bởi chitosan. Bản thân các oligogalacturonic là sản phẩm của quá trình phân giải thành tế bào cây do enzyme pectic của vi khuẩn tiết ra do đó khiến cây tạo ra cơ chế bảo vệ Ngoài ra, chitosan là thành phần tìm thấy của nhiều loại nấm. Nên khi các olgigosaccharit giải phóng khỏi chitosan sẽ giúp kích thích cơ chế bảo vệ của cây.

ThS. Lê Trường Bình – Trung tâm Nghiên cứu Đất, Phân bón và Môi trường phía Nam, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam