Muỗi hành (sâu năn, muỗi năn, muỗi cọng hành) là một trong những loài dịch hại gây hại khá nặng trên lúa. Lúa bị gây hại sẽ mọc thêm chồi mới, nhưng đôi khi chỉ là những chồi vô hiệu hay nếu có cho bông thì hạt lép nhiều. Để phòng trừ muỗi hành cần áp dụng đồng thời các biện pháp canh tác, biện pháp hóa học.
Muỗi hành hại lúa
Nhận diện triệu chứng
Triệu chứng để nhận diện cây lúa bị muỗi hành gây hại là cây lúa bị lùn, đâm rất nhiều chồi, phần thân hơi cứng, chiều ngang thân cây lúa nở to dần theo sự tăng trưởng của ấu trùng nằm bên trong, lá lúa xanh thẫm ngắn, dựng đứng và có nhiều cọng lúa giống như cọng hành lẫn trong bụi lúa
Muỗi hành phát triển thích hợp trong điều kiện thời tiết tương đối ẩm, có mưa và trời ít nắng, do đó mưa nhỏ sương mù và trời có mây âm u rất thuận lợi cho muỗi hành phát triển, thường phát sinh cục bộ trên một cánh đồng hoặc một vùng hẹp do khả năng di chuyển yếu của muỗi.
Ẩm độ thích hợp nhất đối với muỗi hành là 85-95% và nhiệt độ thích hợp là 26-300C. Vì các lý do nêu trên nên ở đồng bằng sông Cửu Long muỗi hành chỉ xuất hiện và gây hại nhiều vào vụ Hè Thu hàng năm
Tập quán sinh sống và cách gây hại
Trứng nở thành ấu trùng chui vào đọt non của lúa làm lá non không mở ra được, cuốn tròn thành cọng hành hay cọng năn nên còn gọi là muỗi năn hay sâu năn. Nó hóa nhộng luôn trong đó và khi lột xác thành muỗi nó đục lỗ phía trên đọt tròn đó mà chui ra, chồi bị chết. Chúng có thể sống trên cỏ dại và lây lan rất nhanh gây thiệt hại nặng trên các trà lúa muộn
Thành trùng vũ hóa vào đầu mùa mưa, thường là ban đêm, có thể bắt cặp ngay và đẻ trứng. Khoảng 7 ngày sau khi bị tấn công, ống lúa sẽ mọc dài ra và tròn giống như cọng hành và rất dễ nhìn thấy vì ống có màu xanh lá cây nhạt. Lúc đó ấu trùng bên trong đã đủ lớn hoặc đã làm nhộng. Nhộng có thể di chuyển lên xuống trong ống lúa nhờ các gai ngược trên thân. Trời mưa hay râm mát nhộng di chuyển lên phía trên ống lúa; trời nắng gắt nhộng thường di chuyển xuống phía dưới. Khi sắp vũ hóa nhộng di chuyển lên phía trên của ống lúa và đục một lỗ nhỏ chui ra khỏi ống lúa, một đầu còn gắn vào ống lúa
Muỗi hành thường tấn công cây lúa từ giai đoạn mạ đến nhảy chồi tối đa. Chồi chính bị hư sẽ kích thích cây lúa sinh chồi mới. Lúa bị gây hại sớm sẽ mọc thêm chồi mới, nhưng đôi khi chỉ là những chồi vô hiệu hay nếu có cho bông thì hạt lép nhiều
Biện pháp phòng trừ: để phòng trừ muỗi hành có thể áp dụng các biện pháp sau:
Biện pháp canh tác:
- Diệt cỏ xung quanh ruộng lúa.
- Diệt lúa rài, lúa chét và gieo cấy sớm rất cần thiết để giảm mật số muỗi hành trên đồng ruộng.
- Không bón nhiều phân đạm.
- Ruộng lúa bị sâu năn hại cần kịp thời tháo nước phơi ruộng để hạn chế sự lây lan phát triển.
- Dùng bẫy đèn diệt muỗi, bảo vệ ong mắt đỏ (thiên địch của sâu năn).
- Thăm ruộng thường xuyên từ giai đoạn mạ đến lúc cây lúa nhảy chồi tối đa.
Biện pháp hóa học:
- Nhúng rễ mạ vào dung dịch thuốc trừ sâu lưu dẫn trong 1 đêm trước khi cấy.
- Áp dụng thuốc nước để diệt thành trùng hoặc ấu trùng vừa nở ra.
- Rãi thuốc hột khi ruộng chủ động nước.
Tóm lại, cho đến nay bệnh do muỗi hành gây hại đã được khắc phục, nhưng về giống thì vẫn chưa có giống kháng mạnh đối với loài dịch hại này nên việc áp dụng các biện pháp canh tác trước khi gieo sạ là rất thiết yếu. Nông dân cần thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện muỗi và phòng trị đúng lúc góp phần giúp cây lúa sach bệnh, khỏe mạnh sau này. Bên cạnh đó, cần quản lý tốt dịch hại như là muỗi hành và các loài sâu bệnh hại khác, để đảm bảo cây lúa cho năng suất cao khi thu hoạch.
Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam