Kiếm 5 tỷ đồng mỗi năm nhờ học trồng dâu tây trên internet

Sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, ông Nguyễn Thanh Trúc đã gắn bó với nghề nông hơn 30 năm. Trước đây, ông trồng hoa cúc, ớt… song giá bán bấp bênh, lợi nhuận thu về không cao. Ngay cả khi thành công với dâu tây, ông cũng từng lao đao khi dâu tây Đà Lạt phải cạnh tranh gay gắt với loại quả giá rẻ Trung Quốc trà trộn vào năm 2014.

“Tôi không từ bỏ, vì tôi nghĩ mình đã dám đầu tư tiền tỷ vào mô hình này thì phải kiên trì cho đến khi mang lại hiệu quả”, ông Trúc nói. Lão nông không chỉ dồn toàn bộ vốn liếng dành dụm của hai vợ chồng vào vườn dâu này, mà còn bỏ không ít tâm sức để mày mò kỹ thuật trồng thủy canh bằng tiếng Anh qua Internet.

Được người em trai gợi ý và hỗ trợ, đầu năm 2013, vợ chồng ông Trúc quyết định trồng thử 500m2 dâu tây để cải thiện kinh tế. Khi đó, Đà Lạt đã có nhiều nông dân trồng dâu tây thành công, hai phương pháp phổ biến là dùng đất và giá thể xơ dừa. Tuy nhiên, ông Trúc lại quyết định theo đuổi phương pháp thủy canh cho sản phẩm sạch và năng suất cao.

                          Kiếm 5 tỷ đồng mỗi năm nhờ học trồng dâu tây trên Internet

Trồng thủy canh không hồi lưu (thủy canh tĩnh) chỉ sử dụng xơ dừa làm giá thể, đặt cách mặt đất ít nhất 1m. Toàn bộ chất dinh dưỡng được cung cấp trực tiếp qua nguồn nước nhập về từ Isarel, Đức, Hà Lan… Thay vì chọn giống dâu Nhật, Mỹ hay Pháp như các vườn khác, ông Trúc trồng thử nghiệm giống dâu New Zealand cho quả to hơn và thơm.

Tuy nhiên, sau 5 tháng đầu tiên, những cây dâu đang lên mắc bệnh. Bao nhiêu công sức, vốn liếng đầu tư mà vợ chồng gom góp được từ khi ra ở riêng có nguy cơ đổ sông bỏ bể. Áp lực trắng tay khiến đầu ông Trúc bạc hơn nửa.

“Cái khó nhất là phải điều chỉnh lượng dinh dưỡng hợp lý, nếu không sản lượng không cao, dâu cũng không ngon”, ông Trúc nhớ lại.

Không thấy khó mà nản, ông Trúc tìm tài liệu cách trồng dâu New Zealand qua Internet. Em trai ông, một người trồng thành công dâu tây theo phương pháp thủy canh chuyển cho ông tài liệu hướng dẫn kỹ thuật do người bạn từ Mỹ gửi về. Để hiểu tài liệu, ông Trúc chịu khó tra từ điển suốt 6 tháng. Cuối cùng, ông cũng chinh phục được loại dâu nhập ngoại này.

500m2 đầu tiên của ông Trúc cho năng suất cao gấp đôi cách trồng thông thường. Ngoài ra, chất lượng dâu ngon, ngọt, thơm và đạt tiêu chuẩn an toàn cho người tiêu dùng nên bán được giá từ 180.000 đến 250.000 đồng mỗi kg. Giữa năm 2013, ông Trúc mạnh dạn nhân rộng diện tích vùng trồng dâu tây lên 4.000m2. Đầu ra ổn định, dâu tây sạch của ông được nhiều siêu thị và cửa hàng đặt mua.

 

Song đến giữa năm 2014, thị trường bất ổn, dâu Trung Quốc trà trộn vào và đội lốt dâu Đà Lạt khiến giá giảm mạnh. Chi phí bỏ ra nhiều mà thu về ít, nông dân lỗ nặng. Tuy nhiên, ông Trúc vẫn quyết bám vườn dâu. Tới cuối năm 2014, giá tăng lại khoảng 200.000-250.000 đồng mỗi kg không phụ lòng người trồng trọt.

Bên cạnh đó, ông Trúc còn mở cửa cho khách du lịch đến tham quan miễn phí và mua dâu tây tại vườn để quảng bá sản phẩm. Gia đình bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng mà không thông qua thương lái, giảm được chi phí trung gian.

Hiện vườn dâu có sản lượng khoảng 30 tấn mỗi năm, mang về thu nhập 5 tỷ đồng cho gia đình ông Trúc. Thị trường tiêu thụ ban đầu ở Lâm Đồng, sau đó mở rộng ra TP HCM, Huế, Hà Nội.

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Muỗi hành hại lúa và cách phòng trị

                                         

Muỗi hành (sâu năn, muỗi năn, muỗi cọng hành) là một trong những loài dịch hại gây hại khá nặng trên lúa. Lúa bị gây hại sẽ mọc thêm chồi mới, nhưng đôi khi chỉ là những chồi vô hiệu hay nếu có cho bông thì hạt lép nhiều. Để phòng trừ muỗi hành cần áp dụng đồng thời các biện pháp canh tác, biện pháp hóa học.

Muỗi hành hại lúa

Nhận diện triệu chứng

Triệu chứng để nhận diện cây lúa bị muỗi hành gây hại là cây lúa bị lùn, đâm rất nhiều chồi, phần thân hơi cứng, chiều ngang thân cây lúa nở to dần theo sự tăng trưởng của ấu trùng nằm bên trong, lá lúa xanh thẫm ngắn, dựng đứng và có nhiều cọng lúa giống như cọng hành lẫn trong bụi lúa

Muỗi hành phát triển thích hợp trong điều kiện thời tiết tương đối ẩm, có mưa và trời ít nắng, do đó mưa nhỏ sương mù và trời có mây âm u rất thuận lợi cho muỗi hành phát triển, thường phát sinh cục bộ trên một cánh đồng hoặc một vùng hẹp do khả năng di chuyển yếu của muỗi.

Ẩm độ thích hợp nhất đối với muỗi hành là 85-95% và nhiệt độ thích hợp là 26-300C. Vì các lý do nêu trên nên ở đồng bằng sông Cửu Long muỗi hành chỉ xuất hiện và gây hại nhiều vào vụ Hè Thu hàng năm

Tập quán sinh sống và cách gây hại

Trứng nở thành ấu trùng chui vào đọt non của lúa làm lá non không mở ra được, cuốn tròn thành cọng hành hay cọng năn nên còn gọi là muỗi năn hay sâu năn. Nó hóa nhộng luôn trong đó và khi lột xác thành muỗi nó đục lỗ phía trên đọt tròn đó mà chui ra, chồi bị chết. Chúng có thể sống trên cỏ dại và lây lan rất nhanh gây thiệt hại nặng trên các trà lúa muộn

Thành trùng vũ hóa vào đầu mùa mưa, thường là ban đêm, có thể bắt cặp ngay và đẻ trứng. Khoảng 7 ngày sau khi bị tấn công, ống lúa sẽ mọc dài ra và tròn giống như cọng hành và rất dễ nhìn thấy vì ống có màu xanh lá cây nhạt. Lúc đó ấu trùng bên trong đã đủ lớn hoặc đã làm nhộng. Nhộng có thể di chuyển lên xuống trong ống lúa nhờ các gai ngược trên thân. Trời mưa hay râm mát nhộng di chuyển lên phía trên ống lúa; trời nắng gắt nhộng thường di chuyển xuống phía dưới. Khi sắp vũ hóa nhộng di chuyển lên phía trên của ống lúa và đục một lỗ nhỏ chui ra khỏi ống lúa, một đầu còn gắn vào ống lúa

Muỗi hành thường tấn công cây lúa từ giai đoạn mạ đến nhảy chồi tối đa. Chồi chính bị hư sẽ kích thích cây lúa sinh chồi mới. Lúa bị gây hại sớm sẽ mọc thêm chồi mới, nhưng đôi khi chỉ là những chồi vô hiệu hay nếu có cho bông thì hạt lép nhiều

Biện pháp phòng trừ: để phòng trừ muỗi hành có thể áp dụng các biện pháp sau:

Biện pháp canh tác:

  • Diệt cỏ xung quanh ruộng lúa.
  •  Diệt lúa rài, lúa chét và gieo cấy sớm rất cần thiết để giảm mật số muỗi hành trên đồng ruộng.
  •  Không bón nhiều phân đạm.
  • Ruộng lúa bị sâu năn hại cần kịp thời tháo nước phơi ruộng để hạn chế sự lây lan phát triển.
  •  Dùng bẫy đèn diệt muỗi, bảo vệ ong mắt đỏ (thiên địch của sâu năn).
  •  Thăm ruộng thường xuyên từ giai đoạn mạ đến lúc cây lúa nhảy chồi tối đa.

Biện pháp hóa học:

  •  Nhúng rễ mạ vào dung dịch thuốc trừ sâu lưu dẫn trong 1 đêm trước khi cấy.
  •  Áp dụng thuốc nước để diệt thành trùng hoặc ấu trùng vừa nở ra.
  • Rãi thuốc hột khi ruộng chủ động nước.

Tóm lại, cho đến nay bệnh do muỗi hành gây hại đã được khắc phục, nhưng về giống thì vẫn chưa có giống kháng mạnh đối với loài dịch hại này nên việc áp dụng các biện pháp canh tác trước khi gieo sạ là rất thiết yếu. Nông dân cần thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện muỗi và phòng trị đúng lúc góp phần giúp cây lúa sach bệnh, khỏe mạnh sau này. Bên cạnh đó, cần quản lý tốt dịch hại như là muỗi hành và các loài sâu bệnh hại khác, để đảm bảo cây lúa cho năng suất cao khi thu hoạch.

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Ngộ độc dinh dưỡng trên cây trồng và biện pháp xử lí

1. Các dạng cây bị ngộ độc

  • Bị cháy phân: Tương tự như da người bị cháy do nắng, do tắm biển. Đây là dạng ngộ độc trực tiếp, cấp tính lên một bộ phận của cây mà có thể trên tổng thể với lượng phân đó thì chưa xảy ra dư thừa khiến cho cây bị ngộ độc.  Ví dụ, khi bị ngập nước thì rễ cây bị ngộp, đua nhau ngoi lên mặt đất để tìm kiếm oxy, khi nước rút đi nếu mình bón phân ngay thì phân tan ra và lớp rễ cám sẽ bị cháy, mặc dù lượng phân bón không nhiều.
  • Mất cân đối: Cây bị ngộ độc trong trường hợp lượng phân bón chưa dư nhưng do các chất sẽ ảnh hưởng lẫn nhau nên khi có mặt chất này sẽ gây thiếu chất kia. Ví dụ như với kali. Kali là yếu tố giúp cây chắc, ít sâu bệnh và cây cũng có thể hấp thu nhiều kali mà không bị nhiễm độc. Tuy nhiên khi nhiều kali thì sẽ ức chế khiến cho cây không hấp thu được canxi và manhê khiến cho cây có triệu chứng như bị ngộ độc.
  •  Ngộ độc thực sự: Là trường hợp bón quá nhiều so với nhu cầu và ngưỡng chịu đựng của cây. Ví dụ như nếu bón quá nhiều phân đạm thì sẽ làm cho lá cây bị vàng, rũ xuống.

2. Biện pháp xử lí

Trong cả 3 trường hợp trên, khi phát hiện được cần có những biện pháp xử lý ngay càng sớm càng tốt

  •  Đầu tiên, phải ngưng ngay việc bón phân và sau đó là dùng nước để rửa bớt. Với cây mọc dưới nước thì việc thay nước là giải pháp cần làm ngay. Với cây trồng cạn thì tưới nước sẽ làm cho phân bị loãng ra và trực di xuống tầng dưới.
  • Nếu bị ngộ độc bởi vi lượng thì có thể bón thêm vôi, lân. Việc bón thêm vôi hoặc lân sẽ làm cho pH tăng lên. Khi pH tăng thì sẽ làm giảm khả năng ảnh hưởng của vi lượng.
  • Việc bón phân hữu cơ cũng có tác dụng làm giảm tác dụng độc của việc dư thừa phân bón, bởi khi bón phân hữu cơ sẽ làm cho hệ đệm hoạt động hiệu quả hơn, nhất là nguồn hữu cơ từ phân trùn quế giúp nhanh chóng điều hoà pH đất.
  • Cây trồng cũng là sinh vật sống nên khi bị nhiễm độc thì sẽ có những phản vệ nhằm hạn chế nhiễm độc. Với người, phản xạ đầu tiên có thể là nôn, thì với cây chúng cũng sẽ được thải nhanh qua mép lá. Nếu kết hợp được khả năng tự vệ củacây với các giải pháp trợ giúp của con người thì việc nhiễm độc sẽ được giảm thiểu.

 

Biểu hiện của lá khi bị ngộ độc dinh dưỡng

Giải pháp tránh cho vườn cây bị ngộ độc tốt nhất là mỗi nhà nông phải tự trang bị kiến thức cho mình, hiểu nhu cầu dinh dưỡng của từng loại cây, từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của nó, cũng như phải cập nhật hàm lượng các chất có trong đất của ruộng nhà mình bằng các phân tích thổ nhưỡng chuyên ngành làm sao sử dụng phân bón vừa đủ, mang lại hiệu quả kinh tế cao và không lo cây trồng bị ngộ độc.

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam