Chế tạo thành công 8 loại đèn LED phục vụ Nông Nghiệp Công Nghệ Cao

8 loại đèn LED chiếu sáng chuyên dụng chiếu sáng nông nghiệp cao, phục vụ 6 lĩnh vực chiếu sáng khác nhau đã được nghiên cứu, sản xuất và ứng dụng thành công vào thực tiễn

Đây là kết quả của dự án “Nghiên cứu và phát triển công nghệ, sản xuất, thử nghiệm và thương mại hóa sản phẩm LED dùng trong chiếu sáng nhân tạo nông nghiệp công nghệ cao tại thị trường Việt Nam” đã được hỗ trợ từ dự án FIRST do CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông phối hợp với các nhà khoa học thực hiện với mục tiêu: Đổi mới công nghệ của doanh nghiệp nhằm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm.

Các sản phẩm đèn LED được thử nghiệm tại các vườn hoa ở làng trồng hoa Tây Tựu (Hà Nội). Theo ông Nguyễn Hữu Yên, một trong những hộ có nghề trồng hoa lâu đời tại Tây Tựu, đây đã là vụ hoa thứ hai ông sử dụng những bóng đèn chuyên dụng mới này. Sản phẩm cho thấy hiệu quả vượt trội so với các sản phẩm chiếu sáng thông thường khác, trong khi lượng điện năng tiêu thụ chỉ bằng 1/3 so với những hộ khác đang dùng loại bóng đèn cũ.

Chia sẻ về dự án, ông Nguyễn Đoàn Thăng – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho biết: Nhằm đón đầu hai xu hướng chất lượng LED tiến bộ nhanh, giá thành giảm và nhu cầu nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao của sản phẩm nông nghiệp, Nhóm Hợp tác đã xây dựng đề xuất Dự án “Nghiên cứu và phát triển công nghệ, sản xuất, thử nghiệm và thương mại hóa sản phẩm LED dùng trong chiếu sáng nhân tạo nông nghiệp công nghệ cao tại thị trường Việt Nam”.

Đèn LED chiếu sáng Công Nghệ Cao thuộc dự án

Dự án được triển khai với mục tiêu tạo được sản phẩm đầu ra là sản phẩm LED chuyên dụng chiếu sáng nhân tạo nông nghiệp công nghệ cao được sản xuất qui mô công nghiệp, phù hợp với trình độ và điều kiện nông nghiệp Việt Nam, kèm theo qui trình sinh học sử dụng phù hợp với một số đối tương góp một phần trong hiện đại hóa, tái cấu trúc nông nghiệp Việt Nam.

Theo đó, từ tháng 11/2016 đến tháng 6/2019, với tổng kinh phí Dự án là 3,71 triệu USD (tương đương 81,08 tỷ đồng), trong đó kinh phí tài trợ của FIRST theo tỷ lệ là 48,8%, nhóm nghiên cứu đã sản xuất thành công 8 loại đèn LED chiếu sáng chuyên dụng chiếu sáng nông nghiệp cao, phục vụ 6 lĩnh vực chiếu sáng khác nhau, gồm đèn chiếu sáng chuyên dụng cho: Nuôi cấy mô; trồng rau sạch; nuôi tảo; chiếu sáng ra hoa cây Thanh Long; chiếu sáng ra hoa cây hoa cúc; ngư nghiệp (đèn đánh bắt cá, đèn sinh hoạt, đèn cabin).

Theo ông Lương Văn Thắng – Giám đốc Ban quản lý dự án FIRST, thông qua những dự án được lựa chọn hợp tác với FIRST, Bộ Khoa học và Công nghệ: Doanh nghiệp luôn là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Các nhà nghiên cứu, viện nghiên cứu, trường đại học có liên kết với doanh nghiệp nên có sự thay đổi, lắng nghe doanh nghiệp, lắng nghe thị trường.

Có thể nói, hỗ trợ của FIRST sẽ có vai trò bà đỡ cho việc hình thành mô hình liên minh khoa học và công nghệ, chuỗi liên kết sản xuất và phân phối gắn bó hơn, gắn kết giữa nơi sản sinh ra tri thức với nơi sử dụng tri thức, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; hỗ trợ mối liên kết giữa doanh nghiệp trung tâm với các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, từng bước phát triển công nghệ hỗ trợ theo lộ trình đầu tiên phát triển khâu lắp ráp sản phẩm LED hoàn chỉnh, từng bước chuyển giao công nghệ, nội địa hóa một số linh kiện tại Việt Nam.

Ông Thắng cho biết, hầu hết những doanh nghiệp khi thực hiện dự án đều đã có lòng tin, có công nghệ và phương án quảng bá sản phẩm.

Dự án FIRST giúp tăng niềm tin cho doanh nghiệp để thực hiện việc đổi mới công nghệ theo quy định của Ngân hàng Thế giới, Bộ Khoa học và Công nghệ và các quy định khác. Mặt khác, mục tiêu dài hạn của dự án FIRST là hỗ trợ cho hệ thống đổi mới sáng tạo hiệu quả, giải quyết điểm nghẽn giữa sáng tạo của nhà khoa học với mong muốn đổi mới công nghệ của doanh nghiệp nhằm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm.

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam

Thận trọng khi đua nhau đầu tư trồng Dưa Lưới, tránh thiệt hại

Hai năm trở lại đây dưa lưới rất được thị trường Bình Phước ưa chuộng. Giá bán loại dưa này khá cao nên nhiều nông dân trong tỉnh đã đầu tư trồng. Tuy nhiên một số chuyên gia nông nông nghiệp khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ trước khi trồng nhằm tránh thiệt hại về sau.

Đồng vốn lớn, thu nhập tốt

Theo các chuyên gia nông nghiệp, một vụ dưa lưới từ lúc trồng đến khi thu hoạch 65 – 75 ngày, ước tính mỗi năm có thể trồng được 4 vụ. Trong đó, mùa khô trồng từ 2.500 – 2.700 cây/1.000m2; mùa mưa trồng từ 2.200 – 2.500 cây/1.000m2.

Ông Thọ chia sẻ kỹ thuật và chờ đợi một vụ dưa lưới có giá cao

Với thời gian và mật độ này, trọng lượng mỗi trái đạt từ 1,5 – 2kg, năng suất trên 3 tấn trái/1.000m2. Với giá bán hiện tại từ 30 – 35 ngàn đồng/kg, nông dân sẽ nhanh chóng lấy lại vốn đầu tư ban đầu. Từ thực tế đó, nhiều nông dân Bình Phước đã đầu tư trồng dưa lưới và bắt đầu có lời.

Thấy dưa lưới đem lại hiệu quả kinh tế nên đầu năm 2016, anh Lê Anh Đức ở ấp 5, xã Tân Quan, huyện Hớn Quản mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng trên diện tích 600m2. Sau gần 3 tháng, vườn dưa cho thu hoạch hơn 2 tấn, thu 65 triệu đồng, lợi nhuận gần 40 triệu đồng. Thấy hiệu quả, anh Đức và anh trai tiếp tục mở rộng thêm 3.000m2 để trồng.

Theo anh Đức, nếu “vốn yếu” thì dừng nghĩ đến chuyện đầu tư trồng dưa lưới. Nhưng nếu đầu tư đủ vốn, áp dụng đúng kỹ thuật sản xuất, dưa lưới sẽ cho nông dân thu nhập cao hơn rau màu và các cây ăn trái khác.

Theo kinh nghiệm thực tiễn của các nhà vườn, để có vườn dưa lưới đạt năng suất cao, cho thu nhập ổn định thì nông dân phải bỏ ra số tiền rất lớn, từ 300 – 500 triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng cho 1.000m2 và sự tỷ mẩn trong sản xuất.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Hữu Thọ ở xã Thanh Phú, thị xã Bình Long cho biết: “Để trồng 6 sào dưa lưới gia đình tôi đã đầu tư gần 2 tỷ đồng làm hệ thống nhà màng, tưới nước tự động và giống. Tiền vốn ban đầu cao nhưng kỹ thuật chăm sóc lại quyết định việc thành – bại của quá trình đầu tư”.

Ông Thọ đã thu lời được 2 vụ dưa. Vụ này vườn cây đang trổ bong kết trái, ông và gia đình lại đón đợi một mùa bội thu.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Phước cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 8ha dưa lưới trồng trên giá thể và trên đất. Việc đầu tư trồng dưa lưới bước đầu rất khả quan, thị trường tiêu thụ tốt, mang lại thu nhập cho người trồng.

Cần thận trọng

Đại diện Công ty TNHH Nông sinh Khang Nguyên đến đầu tư vườn dưa lưới tại thị xã Đồng Xoài, ông Phạm Song Quyền, cán bộ phụ trách kỹ thuật chia sẻ: “Thị trường có nhiều thông tin thiếu chính xác về việc xuất khẩu dưa lưới khiến nhiều người đầu tư trồng ồ ạt. Đây là nguy cơ dẫn đến cung vượt cầu trong tương lai. Do đó, nếu chúng ta không kiểm soát tốt việc mở rộng diện tích và nếu giá thị trường giảm sâu thì người nông dân sẽ gánh chịu thiệt hại trước tiên”.

Các chuyên gia khuyến cáo nông dân phải tìm hiểu kỹ thuật và chủ động đầu ra cho dưa lưới

Dưa lưới mới du nhập vào Việt Nam vài năm nay nên một số nông dân chưa nắm vững kỹ thuật, đặc tính của cây. Mặt khác, một số hộ còn làm theo phong trào, dẫn đến gây khó khăn cho sản xuất và mua bán. Ông Quyền cho rằng, để có thị trường dưa lưới ổn định cần sự liên kết của “4 nhà” gồm nhà nước – nhà khoa học – doanh nghiệp – nhà nông. Đồng thời, để tăng hiệu quả trên cùng diện tích đất thì người nông dân nên kết hợp trồng loại cây khác như rau, dưa leo…

Cũng theo bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, hiện tại Trung tâm Khuyến nông Bình Phước đang xây dựng các mô hình điểm để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, đồng thời kết nối doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Song trên thực tế dưa lưới đòi hỏi kỹ thuật cao, đồng vốn lớn, người nông dân cần cân nhắc kỹ khi đầu tư để làm chủ đầu ra cho sản phẩm của chính mình.

Bà Tuyết khuyến cáo, nông dân muốn đầu tư trồng dưa lưới nên liên hệ với Trung tâm Khuyến nông tỉnh để được hỗ trợ tốt nhất về mặt kỹ thuật.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Đà Nẵng: Thu tiền tỷ từ vườn rau thủy canh công nghệ cao

Với mong muốn sản xuất ra những loại nông sản sạch tốt cho sức khỏe, trong điều kiện quỹ đất đô thị ngày càng hạn hẹp, anh Nguyễn Quốc Phong (256/2 Nguyễn ông Trứ, Đà Nẵng) đã quyết định bỏ ngang công việc ở tập đoàn viễn thông để nghiên cứu, thử nghiệm trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh. Đây là mô hình trồng rau sạch công nghệ cao có quy mô đầu tiên ở Đà Nẵng.

Bỏ việc, về nhà tìm giải pháp trồng rau sạch

Việc từ bỏ một công việc kỹ sư công nghệ thông tin thu nhập 25 triệu đồng/tháng ở Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel gần 01 năm qua, để thử nghiệm giải pháp trồng rau sạch khiến anh Nguyễn Quốc Phong bị không ít người chê “khùng”.

Anh Phong chia sẻ: Trong điều kiện quỹ đất hạn hẹp và nhu cầu bức thiết về an toàn thực phẩm như hiện nay, việc đầu tư trồng rau sạch là hướng khả thi. Suy nghĩ và tìm tòi các giải pháp, anh thấy giải pháp thủy canh sẽ giải được bài toán trên.

Anh tự tìm hiểu mô hình thủy canh trên mạng, rồi thiết kế một mô hình thủy canh đơn giản cho gia đình. Tận dụng những vật liệu có sẵn bằng ống nhựa, sau khi thử nghiệm thành công, anh liên hệ khảo sát mô hình tại Đà Lạt, tìm kiếm đối tác, vật tư với giá cả thấp nhất. Sau đó, tìm kiếm vật tư nông nghiệp công nghệ cao chuyên dụng cho thủy canh. Hiện anh đang thực hiện hệ thống thủy canh dùng công nghệ thủy canh NFT, đây là công nghệ tối ưu nhất trong thủy canh.

“Cuối năm 2016, mô hình bắt đầu có những khách hàng đầu tiên. Khách hàng ban đầu, thử nghiệm mô hình là hai người bạn thân. Khi đưa mô hình lên mạng, một giám đốc tại Đà Nẵng cảm thấy thích thú với mô hình đã yêu cầu tôi lắp đặt tại nhà của ông. Sau đó, cả 3 rất bất ngờ, hài lòng với sản phẩm mang lại”- anh Phong chia sẻ.

Rau sạch cho nhà phố

Hiện mô hình khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao của anh Phong cung cấp giải pháp trồng rau sạch mang tên H2O Farm theo quy trình chăm sóc, dinh dưỡng và hạt giống theo giải pháp tiêu chuẩn châu Âu. Mô hình này phù hợp với nhu cầu trồng rau sạch của người dân các đô thị.

Sau gần 1 năm thực hiện, đã tạo được việc làm cho 4-5 lao động thường xuyên, đang chăm sóc cho gần 50 mô hình “rau nhà phố” tại Đà Nẵng và 3 dự án trồng rau thủy canh thương mại với diện tích hơn 2.000 m2.

Anh Nguyễn Quốc Phong với mô hình trồng rau thủy canh công nghệ cao
Bà Trần Thị Anh Thư, một người dân ở Đà Nẵng cho biết, trước đây gia đình bà đã trồng các loại rau bằng các khay nhựa hoặc hộp xốp nhưng tốn thời gian để tưới cây và bảo vệ khỏi các loại sâu bệnh, chuột. Do đó, gia đình bà đã lắp đặt vườn rau thủy canh của công ty H20 Farm có diện tích 6m2 trên sân thượng từ 8 tháng nay để cung cấp rau sạch cho gia đình.

“Tôi đã đầu tư 10 triệu để lắp đặt hệ thống thủy canh gồm ống nước, giàn, máy bơm và hạt. Gia đình tôi không cần phải mua các loại rau ở bên ngoài bởi vì vườn đã cung cấp rất nhiều. Trồng rau công nghệ cao thực sự thích hợp với những hộ muốn sử dụng rau an toàn”. – bà Thư cho biết.

Hiện tại, trung bình mỗi tháng công ty nhận thêm 10 đơn hàng để lắp đặt thiết kế theo mô hình này. Tính đến thời điểm hiện tai, sau gần một năm, mô hình có tổng doanh thu chừng 1 tỷ đồng, thu lợi nhuận khoảng 30%.

“Hiện công ty đang tiếp tục đầu tư dự án phát triển hơn. Đối với tôi, khi khởi nghiệp ngoài đam mê phải có sự kiên trì, nhẫn nại, tìm kiếm mô hình, giải pháp phù hợp cho từng thời kỳ, quan trọng sản phẩm làm ra phải giải quyết những vấn đề mà xã hội đang cần, thực sự cần…”, anh Phong chia sẻ.

Công ty cũng đang nghiên cứu, thử nghiệm phát triển hệ thống rau sạch trên nền công nghệ IOT (Internet of Things), đưa tính năng theo dõi và chăm sóc rau bằng điện thoại thông minh (smartphone). Thông qua ứng dụng được cài đặt trên hệ điều hành Android hoặc iOS, khách hàng có thể bật, tắt các thiết bị như máy bơm, tưới phun sương, kéo rèm che nắng và theo dõi các thông số như cường độ ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm giá thể, lượng dinh dưỡng chỉ với một vài thao tác trên điện thoại.

Nguồn: Khuyến nông Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Công nghệ số giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh của Bò Sữa

Những thiết bị gọn nhẹ có thể tự động gửi thông báo đến chủ trang trại nếu bò gặp vấn đề sức khỏe.

Vòng cổ thông minh (Smart Collar) là một thiết bị công nghệ phân tích sự thay đổi trong hành vi của bò có liên quan thế nào đến sức khỏe chúng, từ đó thông báo đến người chủ trang trại qua hệ thống máy tính và điện thoại.

Thiết bị này đã được dùng để theo dõi sức khỏe của những chú bò tại một trong trại ở Scotland từ năm 2010. Ban đầu vòng cổ được thiết kế và phát triển bởi một startup có tên là Glassgow. Chức năng duy nhất là theo dõi khả năng sinh sản của bò bằng cách theo dõi những hoạt động của chúng.

Bò sẽ di chuyển nhiều hơn khi chúng có nhu cầu sinh sản. Dựa vào đặc điểm này, thiết bị sẽ thông báo với người chủ trang trại khi những con bò đã sẵn sàng giao phối qua tin nhắn đến điện thoại hoặc máy tính.

Hiện nay, nhiều chức năng mới đã được thêm vào từ khi Afimilk – một công ty chuyên phát triển công nghệ trong ngành chế biến sữa được chuyển giao và tiếp tục nghiên cứu để phát triển vòng cổ thông minh.

Những chiếc vòng đeo cổ giúp người nông dẫn giám sát được những thay đổi về sức khỏe của chúng.

Những chức năng mới đã được thêm vào cho chiếc vòng như: phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tật bằng cách kiểm tra thời gian trung bình mỗi con bò ăn uống và nhai lại. Sau khi phân tích thông tin, báo cáo sẽ được gửi đến điện thoại của người chủ trang trại nếu các hoạt động này có dấu hiệu suy giảm.

Richart Dewhurst – người chuyên nghiên cứu về vấn đề dinh dưỡng cho động vật ở trường đại học nông nghiệp Scotland cho biết: “Chúng tôi đang tìm kiếm thêm nhiều sự thay đổi hành vi nhạy cảm của bò và mối liên hệ đến các vấn đề sức khỏe như đi khập khiễng hoặc bị nhiễm axit”. Các nhà khoa học đang phát triển thuật toán để phân tích các dữ liệu thu thập được từ những chiếc vòng cổ.

Trong một phần nghiên cứu khác, Dewhurst phân tích nồng độ xeton và sulfua trong hơi thở của mỗi con bò để tìm hiểu về sự thiếu ăn, sự phân hủy của các mô hay việc thiếu hụt protein trong chế độ ăn của chúng.

Ngoài dùng vòng theo dõi, camera cảm ứng nhiệt cũng được phát triển để theo dõi những vấn đề sức khỏe của bò.

Bệnh viêm vú trên bò sữa là căn bệnh có nguyên nhân từ việc bò bị nhiễm trùng tuyến vú, chính là bệnh phổ biến nhất ở bò sữa. Để phát hiện căn bệnh này, những máy quay cảm ứng nhiệt đã được đặt trong chuồng để có thể nhận ra những điểm nóng hoặc nhiễm trùng trên núm vú, điều này giúp bò có thể được điều trị sớm hơn.

Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu phát triển một thiết bị để gắn lên tai của những chú bò nhằm giúp phát hiện mức độ căng thẳng.

Theo Berkmans một nhà nghiên cứu động vật cho hay, bò càng căng thẳng thì mức độ dinh dưỡng trong thịt lại càng suy giảm. Chính vì vậy thiết bị đeo vào tai sẽ giúp phát hiện và thông báo cho người nông dân kịp thời qua hệ thống điện thoại và máy tính khi có vấn đề xảy ra.

Nguồn: Nature được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kính nể lão nông ‘gàn’ lên núi trồng rau công nghệ cao

Mới nghe chuyện có người lên núi trồng rau công nghệ cao, tôi cứ ngỡ ấy là việc làm của chàng thanh niên gàn dở nào đấy, không ngờ nhân vật đó lại là một nông dân đã chạm tuổi “cổ lai hy”!

Đã gần 70 tuổi, nhưng qua cuộc trò chuyện, tôi cảm nhận từ ông toát ra sự năng động hừng hực. Ông nói về chuyện trồng rau công nghệ cao như một “ma men” nói đến rượu ngon.

Ông Ba Thành nói chuyện trồng rau CNC như “ma men” nói đến rượu ngon

Ông họ Ba tên Thành, ở thôn Diễn Khánh, xã Hoài Đức (huyện Hoài Nhơn, Bình Định).

Lên núi kiếm cơm

Nhà nghèo, con đông, vốn liếng có mấy sào ruộng, vợ chồng ông Ba Thành dù có cố đến mấy cũng không thể nuôi nổi 5 đứa con ăn học. Bàn đi tính lại miết, cuối cùng vợ chồng ông Ba Thành dắt díu con cái rời nơi chôn nhau cắt rốn là thôn Lại Đức, kéo nhau lên vùng đồi núi quanh năm không bóng người, nằm trên địa bàn thôn Diễn Khánh ở xã Hoài Đức để bày cuộc làm ăn.

Đó là vào năm 1990. Khi ấy, con cái còn nhỏ, vợ chồng ông Ba Thành ngày đêm gắn với cây cuốc cái rựa để phát dọn, biến vùng đồi hoang vu ngày nào thành 6 sào đất bằng phẳng nhìn mát mắt.

Vốn con nhà nông, đi đến đâu ông Ba Thành cũng nghĩ đến cây lúa. Ngày ấy, cái đói luôn ám ảnh, nên cây lúa nhanh chóng xuất hiện trên vùng đất mới của ông Ba Thành. Nước tưới đã có những con suối từ trên núi chảy xuống cung cấp. Nhưng vì nằm cạnh núi, nên vùng đất ông Ba Thành khai hoang chẳng mầu mỡ gì mấy.

Lại thêm nạn chuột. Vào mùa mưa lũ, lũ chuột ở đồng bằng “sơ tán” hết lên núi ẩn nấp. Lũ qua, chúng kéo xuống cả đoàn, vậy là những ruộng lúa xanh mướt của ông Ba Thành trở thành nơi “chè chén” của chúng.

Không chỉ có chuột, những con thú trong rừng lâu lâu “đổi gió” xuống đồng cũng “góp tay” phá nát những đám lúa của ông. Đến mùa, số lúa thu hoạch được chẳng bõ công vợ chồng Ba Thành bỏ ra suốt mấy tháng trời.

Khó khăn kích thích năng động. Trồng lúa không hiệu quả, ông Ba Thành chuyển sang trồng cỏ nuôi trâu, bò. Phương án này hiệu quả trông thấy, vợ chồng ông rủng rỉnh tiền cho con đi đại học. Đến bây giờ, ông Ba Thành vẫn không dấu được tự hào khi nói: “Chính lũ trâu lũ bò ngày ấy đã nuôi ba đứa con lớn của tui học hành đến nơi đến chốn, giờ một đứa thành bác sĩ, một đứa giáo viên và một đứa đang làm trong ngành vật tư nông nghiệp TP.HCM”.

Khi đã có thu nhập ổn định từ chăn nuôi, năm 2005, ông Ba Thành bắt tay đầu tư trồng cây lâu năm với 150 gốc bưởi da xanh và 150 gốc cam sành. Những loại cây ông chọn trồng cách đây hơn 10 năm bây giờ trở thành loại cây “thời thượng” trong bảng “xếp hạng” các loại cây ăn quả ở Bình Định.

Vườn bưởi da xanh của ông Ba Thành sẽ “hốt tiền” trong dịp Tết Mậu Tuất 2018

Ghé thăm trang trại của ông Ba Thành vào những ngày cuối năm 2017, đi dạo vườn, mắt tôi không thể rời những cây bưởi da xanh lúc lỉu quả non. Ông bảo, lứa bưởi này kịp bán Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Chừng này bưởi bán vào dịp tết để người ta chưng mâm ngũ quả là hốt tiền!

Khi đã có của ăn của để, và có thêm chân thêm tay của 2 người con trai nhỏ theo nghề nông của cha đỡ đần công việc, ông Ba Thành mở rộng quy mô chăn nuôi. Bò đã có 30 con, ông Thành xây dựng mấy dãy chuồng kiên cố để nuôi heo. Bây giờ, góc đồi hoang vắng ngày xưa thêm rộn ràng bởi tiếng kêu của 100 con heo thịt và 50 heo nái sinh sản, nhất là đến giờ chúng đòi ăn.

“Bén duyên” rau công nghệ cao

Dường như một việc làm hoài khiến ông buồn hay sao mà ông Ba Thành không để cái đầu ngơi nghỉ. Lần này, ông nghĩ đến cái điều mà tôi dám chắc, chưa một nông dân nào ở Bình Định dám nghĩ tới, đó là trồng rau công nghệ cao. Vốn liếng trong tay có 6 sào đất (500 m2/sào), bưởi cam chuồng heo chuồng bò chiếm mất 2 sào, còn lại 4 sào ông “quăng trất” vào công cuộc trồng rau công nghệ cao.

Tôi hỏi: “Điều gì dẫn dắt chú đến với rau công nghệ cao?”. “Từ báo chí. Tui mê nghề nông nên hễ báo chí nói gì đến nông nghiệp là tui đọc tuốt. Có bữa tui vớ phải tờ báo có bài viết về làm rau công nghệ cao ở Đà Lạt (Lâm Đồng), tui đọc ngấu đọc nghiến. Đọc xong bài báo ấy thì chuyện trồng rau công nghệ cao cứ ám ảnh miết trong đầu. Ngủ mơ cũng thấy nhà màng, béc phun. Vậy là tui ghim trong ruột chuyện đó, quyết tâm sẽ có ngày mình làm!”, ông Ba Thành bộc bạch.

Những nhà kính trồng rau bề thế của ông Ba Thành trên ngọn đồi hoang vắng

Đi theo sau sự quyết tâm là cả chuỗi ngày dài tìm tòi học hỏi. Ở Bình Định chưa có nông dân nào làm, ông đành học từ các phương tiện truyền thông. Tivi thì xem chương trình nói về rau công nghệ cao, báo chí thì đọc những bài viết về rau công nghệ cao. Sợ mình tuổi già lú lẫn tiếp thu không hết, ông Ba Thành còn nhờ người con trai ở TP.HCM lên Đà Lạt học hỏi trực tiếp nông dân làm rau trên ấy rồi về truyền đạt lại. Cách làm nhà màng trồng rau như thế nào, con trai ông vừa quan sát vừa chụp ảnh, mang về diễn giải lại cho cha.

Tháng 5/2017, ông Ba Thành quyết định thực hiện ước mơ. Chỉ trong một thời gian ngắn, vùng đồi núi heo hút ngày nào mọc lên 4 nhà kính có tổng diện tích 2.000m2 bề thế với khoản đầu tư trên 500 triệu đồng. Nếu quy số tiền này ra heo ra bò thì không biết bao nhiêu con, nhưng đã “lỡ mê” là ông Ba Thành làm tới.

“Toàn bộ vườn rau của tôi được bao bọc kỹ bằng màn nhà kính do hãng Ginegar của Israel sản xuất. Nhà kính vừa ngăn côn trùng xâm nhập vào vườn gây hại rau, vừa đảm bảo những điều kiện cần thiết về độ ẩm, ánh sáng; bên cạnh đó hệ thống tưới nước tự động giúp rau sinh trưởng, phát triển tốt”, ông Ba Thành hồ hởi khoe.

Để đảm bảo đầu ra, ông Ba Thành trồng nhiều loại rau: Cải cay, cải ngọt, rau muống, xà lách, khổ qua, dưa leo, bầu, bí, cà tím… các loại rau ăn lá. Mỗi thứ một ít diện tích, theo kiểu cuốn chiếu để thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Để có được nguồn nước tưới rau, ông Thành phải đào giếng. Do là vùng đất đồi núi nên giếng ông đào phải sâu đến 70m mới có nước. Nước được bơm từ giếng lên chiếc bồn có dung tích chứa 7.000 lít đặt trên cao rồi được xả xuống hệ thống tưới tự động trong các vườn rau.

Hiện bình quân mỗi ngày vườn rau của ông Ba Thành cung ứng cho người tiêu dùng khoảng 200kg rau các loại. Ngoài cửa hàng rau do con ông mở bán tại thị trấn Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn), rau của ông Ba Thành còn đi vào bệnh viện, các trường học. Tuy giá cả có đắt hơn rau ngoài thị trường, nhưng rau của ông Ba Thành vẫn được người tiêu dùng lựa chọn. Nhân viên siêu thị cũng đã ghé thăm vườn rau của ông đặt vấn đề thu mua, nhưng rau của ông không đủ bán. Ngoài vợ chồng và mấy đứa con suốt ngày lúc thúc trong những vườn rau, ông Ba Thành còn thuê thêm 3 lao động làm việc thường xuyên, với mức lương ổn định gần 4 triệu đồng/người/tháng.

Cái máu tìm tòi luôn “sôi” trong người, nên ông Ba Thành không ngừng “săn lùng” những giống rau mới mang về trồng. Ngoài những giống rau bản địa, hiện trong vườn rau của ông Ba Thành còn xuất hiện những dây dưa leo giống mới, nhập ngoại, cứ mỗi mắc đã cho 1 quả mà theo ông Thành, loại dưa này trồng chỉ 25 ngày là đã cho thu hoạch và giống dưa hấu Nam Mỹ.

Ông Ba Thành nói về những giống rau mới

“Ở Bình Định chắc chưa có ai trồng hai loại cây này, tôi bảo con trai mua giống về trồng thử nghiệm, nếu hiệu quả thì tui sẽ nhân rộng trong những năm tới”, ông Ba Thành nói.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trồng hoa công nghệ cao trên vùng kinh tế mới, thu 15 – 20 triệu đồng/tháng

Nói tới trồng hoa công nghệ cao, người ta nghĩ ngay tới “thành phố Đà Lạt ngàn hoa”. Ít ai ngờ tại vùng kinh tế mới huyện Lâm Hà, Lâm Đồng chuyên canh cây cà phê lại có những nhà kính, trồng hoa theo công nghệ Israel cho hiệu quả kinh tế cao…

Ông Lăng Văn Trọng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Văn, huyện Lâm Hà dẫn chúng tôi tham quan khu nhà kính rộng 5.000m2 trồng hoa công nghệ Israel đang cho thu hoạch của ông Giáp Mạnh Kiểm (thôn Tân Thành, xã Tân Văn).

Nhờ trồng hoa công nghệ cao, nhiều nông dân Lâm Hà có thu nhập tốt

Ông Kiểm cho biết, quê ông ở Bắc Giang, sau 5 năm từ quân ngũ trở về, năm 1994 ông đưa gia đình vào huyện Lâm Hà xây dựng kinh tế mới. Thời gian đầu rất vất vả, vợ chồng ông phải đi làm thuê làm mướn kiếm ăn. Nhờ chịu khó cần cù, tích cóp ông mua được 5.000m2 đất và trồng hoa cẩm tú cầu.

Do hiệu quả không cao, đầu năm 2017, ông mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà kính trồng hoa cát tường với tổng kinh phí 135 triệu đ/1.000m2 và hệ thống tưới Israel kinh phí 35 triệu đ/1.000m2; trong đó có hệ thống tưới phun sương và tưới nhỏ giọt, đèn chiếu sáng. Loài hoa cát tường màu sắc đẹp, được nhiều khách hàng ưa chuộng, thị trường tiêu thụ lớn. Đặc biệt, loài hoa này là chỉ cần xuống giống một lần nhưng thu hoạch hai lần (lứa thứ nhất cắt hết, rồi bón phân theo hệ thống nhỏ giọt để tiếp tục thu lần hai).

Ông Kiểm cho biết, trồng hoa theo công nghệ Israel thấy rất hiệu quả, hệ thống tưới phun sương làm mát cho cả nhà kính, còn hệ thống tưới nhỏ giọt vừa làm mát gốc, vừa trực tiếp cung cấp phân bón và dinh dưỡng cho cây, thời gian thu hoạch từ khi trồng tới lúc thu là 3 tháng.

“Tôi đang liên kết với Hasfarm Đà Lạt, chợ hoa Hồ Thị Kỷ (TP.HCM) và các mối khác để tiêu thụ sản phẩm. Với 5.000m2 trồng hoa công nghệ cao, gia đình tôi thu nhập 100 triệu đồng mỗi tháng. Đặc biệt, tôi vừa ký hợp đồng trồng hoa xuất cho một công ty Nhật”.

Qua cánh đồng kế bên, chúng tôi sang thăm nhà kính trồng hoa của chị Bùi Thị Sáu (thôn Dam Pao, xã Đạ Đờn). Chị Sáu cho biết, quê chị ở tỉnh Hà Tây (cũ), nay là Hà Nội. Năm 1994 gia đình vào huyện Lâm Hà trồng lúa, cà phê. Năm 2016 chị mạnh dạn phá bỏ 4.000m2 cà phê, chuyển qua trồng hoa.

Thời gian đầu chị trồng hoa hướng dương, khi được thu hoạch thì thị trường tiêu thụ yếu, bán giá thấp. Chị lặn lội lên Đà Lạt tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm về áp dụng cho vườn hoa của mình. Năm 2017 chị mạnh dạn đầu tư 2.000m2 nhà kính và 2.000m2 nhà lưới để trồng hoa cát tường.

“Qua quá trình làm tôi thấy trồng hoa cát tường hiệu quả kinh tế cao hơn trồng cà phê gấp nhiều lần. Tháng nào cũng có thu nhập, tiền đóng học cho con cái không phải lo nghĩ như trước đây. Nhờ trồng hoa gia đình tôi có tiền nuôi con học đại học”, chị Sáu khoe.

Tương tự, anh Phan Quốc Vũ, người cùng thôn Dam Pao cũng mạnh dạn đầu tư 1.500m2 nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt Israel để trồng hoa đồng tiền. Anh Vũ cho biết, trồng hoa theo công nghệ Israel có hệ thống tưới phun sương tự động, đặc biệt là bón phân và dinh dưỡng qua hệ thống tưới nhỏ giọt rất hiệu quả, tiết kiệm và nhàn hạ. Đặc biệt, trồng trong nhà kính chủ động về nhiệt độ, tránh được nắng, mưa, hoa không bị dập nát, ngăn ngừa côn trùng từ bên ngoài xâm hại…

“Từ khi trồng tới thu hoạch chỉ 2,5 tháng, hoa thu quanh năm, cứ 3 ngày cắt bán một lần, 4 năm mới phải thay giống. Chỉ với 1.500m2 trồng hoa đồng tiền, mỗi tháng tôi thu được từ 15 – 20 triệu đồng”, anh Vũ hồ hởi nói.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Các trang trại thẳng đứng đáng chú ý trên thế giới

Mô hình “nông trại thẳng đứng” đã không còn là khái niệm quá xa lạ, nhưng chỉ một vài năm trở lại đây các mô hình nông trại kiểu mới này mới có điều kiện phát triển và được nhân rộng tại nhiều nước.

Hình thức canh tác này được coi như lời giải cho bài toán hóc búa về nhu cầu lương thực thế giới và đất nông nghiệp khan hiếm. Kết quả mà các mô hình nông trại thẳng đứng đã đạt được chắc chắn sẽ làm choáng ngợp nhiều quốc gia.

Hãy cùng điểm tên một vài mô hình nông trại thẳng đứng đã được thực hiện tại một số nơi và xem chúng đã làm thế nào để xứng đáng với danh hiệu “giải pháp canh tác tiềm năng cho tương lai”:

1. Aero Farm – Mỹ

Các nông trại thẳng đứng Aero Farm ở New Jesey, Hoa Kỳ, được xướng danh với cái tên “trang trại thẳng đứng độc đáo lớn bậc nhất thế giới” bởi hình thức canh tác đặc biệt không dùng đất, thuốc trừ sâu hay ánh sáng mặt trời.

Aero Farm nằm trong một nhà kho rộng hơn 6,400 m2 tại Newark, New Jesey, mỗi năm trang trại này có khả năng cung cấp 900 tấn rau sạch cho Mỹ.

Quá trình chọn giống và chăm sóc cây tại đây đều được giám sát kỹ lưỡng và nghiêm ngặt. Ban đầu, nông dân đổ từng hạt giống nhỏ xíu lên một khay trồng phủ vải và nhựa tái chế, sau đó được chiếu đèn LED với cường độ và quang phổ phù hợp với từng loại giống cây.

Ở giữa mỗi dãy, người ta lắp đặt những chiếc quạt nhỏ để cung cấp oxy cho cây, các khay đều được phun dưỡng chất định kì và luôn được theo dõi bằng máy cảm biến để đảm bảo quá trình phát triển bình thường, không sâu bệnh.

Nhờ đó, Aero Farm cho thu hoạch từ 20 -30 đợt rau mỗi năm với khoảng hơn 250 loại thảo mộc, rau và đậu. Sau khi được thu hoạch, rau sẽ được chuyển đến các điểm tiêu thụ gần nhất để tiết kiệm chi phí vận chuyển từ vườn đến tay người tiêu dùng.

2. Plenty United – Mỹ

Plenty United, một công ty startup đến từ thung lũng Sillicon, được thành lập năm 2014 đã áp dụng thành công mô hình nông trại thẳng đứng để trồng rau sạch, thu hút hàng triệu đô la vốn đầu tư mỗi năm.

Thay vì canh tác ngoài trời, Plenty United trồng các khay rau trong nhà trong tháp đèn LED cao hơn 6 m bên trong một trung tâm phân phối hàng điện tử cũ tại nam San Francisco.

Cũng giống như AeroFarm, Plenty United sử dụng kĩ thuật trồng rau trong nhà theo chiều dọc, không cần sử dụng ánh sáng tự nhiên và thuốc trừ sâu bởi các yếu tố đầu vào đều được kiểm soát bằng máy móc.

Mỗi năm, nông trại này có thể cho năng suất gấp 350 lần và sử dụng ít nước hơn so với phương pháp canh tác truyền thống.

Nông sản khi thu hoạch sẽ đến tay người tiêu dùng chỉ trong vài giờ đồng hồ. Hiện nay, Plenty United đã hút vốn đầu tư lên đến 200 triệu USD, con số lớn nhất trong lịch sử công nghệ nông nghiệp hồi tháng 7 vừa qua.

3. Spread – Nhật Bản

Spread là nông trại thẳng đứng trong nhà lớn nhất Nhật Bản, nằm ở phía tây Tokyo với tổng diện tích hơn 4.000 m2, chủ yếu gieo trồng xà lách bằng các phương pháp canh tác cực kỳ hiện đại.

Từ nông trại này, hơn 21.000 cây xà lách được thu hoạch mỗi ngày, tức 7,7 triệu cây mỗi năm để xuất đi khắp các khu chợ và siêu thị tại Nhật Bản.

Tại đây, người ta lắp đặt hệ thống đèn LED, tưới tiêu bằng dung dịch có hòa dưỡng chất giúp đảm bảo quá trình quang hợp và cung cấp dinh dưỡng cho cây trong điều kiện không cần đất, không sử dụng thuốc trừ sâu hay thuốc kích thích tăng trưởng. Nếu xà lách có hiện tượng bị úa hay dập nát, chúng ngay lập tức bị loại bỏ khỏi khay trồng chính vì thế người dân hoàn toàn có thể yên tâm ăn trực tiếp xà lách tại nông trại mà không cần rửa qua nước.

4. A Go-Grow – Singapore

A Go-grow là một dự án vườn rau thẳng đứng ở Singapore do ông Jack Ng, giám đốc công ty Sky Greens hợp tác cùng Cơ quan thực phẩm nông nghiệp Singapore thực thiện. Họ trồng rau trên một cái tháp nhôm cao 9 m có 38 bậc với nhiều máng rau nằm liền nhau.

Các máng rau được vận chuyển từ trên xuống và từ dưới lên nhờ một chiếc ròng rọc. Hình tháp rau này khác với các mô hình nông trại thẳng đứng khác ở chỗ cây trồng tại các giàn vẫn đón ánh nắng tự nhiên khi ở trên cao để quang hợp sau đó được tưới nước và chất dinh dưỡng khi xuống thấp.

Toàn bộ hệ thống gồm 120 tháp rau như vậy, với 3000 cây trồng, có thể sản xuất ra 2 tấn rau xanh hàng ngày mà chỉ tốn diện tích gần 700m2. Hiện này A Go-Grow đang có kế hoạch nhân rộng thành 2.000 tháp rau trong vài năm tới để phục vụ nhu cầu rau sạch cho người dân Singapore.

Theo mô hình tháp ra thẳng đứng này, người dân thành phố hoàn toàn có thể tận dụng không gian trên sân thượng để canh tác, không tốn diện tích mà lại có thể tự cung cấp rau sạch cho gia đình.

Nguồn: Khampha.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Chàng trai Huế đầu tiên đầu tư nhà kính ‘cực’ hiện đại làm nông nghiệp cao

Chỉ sau 5 tháng xây dựng, một khu nhà kính rộng 1.500m2 do Công ty Nhà màng Watanabe Pipe Việt Nam thiết kế và thi công đã hình thành. Khu nhà này làm bằng khung thép mạ kẽm chịu lực có thể chịu được sức gió 120km/h.

Đam mê nông nghiệp công nghệ cao, anh Trương Như Hải (phường Thủy Biều, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) quyết định thôi việc ở công ty bia, mạnh dạn đầu tư số tiền lớn làm nhà màng ứng dụng kỹ thuật tiên tiến của Israel, Nhật Bản để trồng dưa lưới và rau xanh.

Khu nhà màng của anh Trương Như Hải rộng 1.500m2 với kinh phí 1,2 tỷ đồng

Trương Như Hải sinh ra và lớn lên bên dòng sông Hương êm đềm. Thủy Biều có vườn cây quanh năm xanh mướt với nhiều loại trái cây ngon như thơm, mít, dâu, nhãn, chuối… và đặc biệt là vườn cây đặc sản thanh trà nức tiếng, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu “Thanh trà Huế”. Hiện người dân Thủy Biều vẫn canh tác nông nghiệp theo cách truyền thống.

Anh Hải tâm sự: “Mặc dù làm việc ở nhà máy bia, không liên quan nhiều đến lĩnh vực nông nghiệp nhưng tôi lại mê tìm hiểu về các mô hình nông nghiệp tiên tiến của nước ngoài và các địa phương khác ở Việt Nam. Sau giờ làm việc tôi vào internet tìm kiếm các thông tin về những mô hình ấy, hình ảnh nhà kính hiện đại, vườn rau xanh mượt khiến tôi rất thích”.

Qua 2 năm tìm hiểu các mô hình nhà kính trên mạng, anh khăn gói đi Lâm Đồng, Quảng Bình, Hải Dương… để học tập kinh nghiệm. 38 tuổi, anh quyết định xin thôi việc ở nhà máy bia để toàn tâm toàn ý bắt tay vào xây dựng nhà kính hiện đại như mình đã ấp ủ nhiều năm qua.

Anh Hải có niềm đam mê đặc biệt với nông nghiệp công nghệ cao

Chỉ sau 5 tháng xây dựng, một khu nhà kính rộng 1.500m2 do Công ty Nhà màng Watanabe Pipe Việt Nam thiết kế và thi công đã hình thành. Khu nhà này làm bằng khung thép mạ kẽm chịu lực có thể chịu được sức gió 120km/h. Phía trên phủ lớp màng dày 180 – 200 micromet, xung quanh có lưới chắn côn trùng và hệ thống màng lưu động có thể đóng mở tùy điều kiện thời tiết.

Dẫn chúng tôi tham quan khu nhà, anh Hải vui vẻ cho biết, các hệ thống điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng thông minh như hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel, hệ thống quạt đối lưu không khí, hệ thống phun sương trong nhà, hệ thống tưới mái, các cảm biến nhiệt độ và độ ẩm… Tất cả được đấu nối với bộ điều khiển trung tâm lập trình sẵn để tự động điều chỉnh nước tưới, bón phân, thông gió, phun sương theo yêu cầu của từng loại cây trồng, đảm bảo môi trường lý tưởng, chất dinh dưỡng cho cây phát triển.

Dưa lưới được trồng trên giá thể và chăm sóc theo phương pháp thủy canh. Sau khi làm luống xong anh đặt dây nhỏ giọt chạy dọc theo luống, song song và cách hàng cây khoảng 5-7cm. Khi cây phát triển tốt được treo lên dây của hệ thống cáp treo giúp tiết kiệm diện tích, cây có đủ không gian, ánh sáng để phát triển cũng như thuận lợi cho việc chăm sóc cắt tỉa cành nhánh, chọn quả, thụ phấn và phòng trừ bệnh cho cây.

Phía trên nhà kính được phủ lớp màng dày và lưới chắn bao quanh để ngăn sâu hại cây trồng, ngăn các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa bão, rét, nắng nóng gây hại cho cây trồng

Khu nhà kính còn được trang bị hệ thống tưới mái và quạt đối lưu không khí. Hệ thống này được lập trình sẵn, khi gặp thời tiết nắng nóng sẽ tự động vận hành để tưới làm giảm nhiệt độ và lượng ánh nắng chiếu từ mái xuống, quạt hòa trộn không khí trong nhà màng, giúp các vùng nhiệt độ trong nhà đều nhau rồi đẩy không khí nóng ra khỏi nhà qua cửa nóc nên triệt tiêu khí nóng và tránh hiện tượng sốc nhiệt cho cây vào mùa nắng.

“Khi áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật như tưới tự động, treo cây, thông gió, làm mát và sưởi ấm nên cây trồng được bảo vệ và chăm sóc một cách tốt nhất, tránh được các điều kiện thời tiết cực đoan và tránh gần như 100% sâu hại cây, phòng tránh được 80% nguồn bệnh hại cây trồng. Nhờ đó, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật gây hại cho sức khỏe con người, đồng thời tăng năng suất và chất lượng của cây trồng”, anh Hải nói.

Anh Hải chia sẻ, lý do chọn dưa lưới để trồng bởi với mùi vị thơm ngon được người tiêu dùng ngày càng yêu thích. Tuy nhiên, trong địa bàn tỉnh gần như chưa có đơn vị nào tư nhân đầu tư phát triển sản phẩm này, trong lúc đó các tỉnh bạn lân cận đã có mô hình tư nhân trồng dưa lưới khá thành công như Nghệ An, Quảng Bình.

Sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel 

Hệ thống quạt đối lưu không khí

Dưa lưới được trồng trên các luống giá thể

Anh Hải dự kiến sản xuất 4 vụ/năm gồm 3 vụ dưa lưới, 1 vụ cà chua hoặc rau sạch. Ước tính sẽ cho thu hoạch 13.5 tấn dưa lưới, 9.5 tấn rau sạch hoặc cà chua.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Bộ cảm biến ngăn chặn lãng phí nước trong tưới tiêu cây trồng

Một kỹ thuật mới do các nhà khoa học thuộc Đại học Khoa học Nông nghiệp bang Pennsylvania của Mỹ sáng chế sẽ hỗ trợ một cách hiệu quả người nông dân trong việc tưới tiêu, ngăn chặn sự lãng phí nước và tránh cho cây thiếu nước. Đó là các bộ cảm biến thực vật đo độ dày và điện dung của lá.

Kiểm soát sự căng thẳng về nước của cây trồng đặc biệt quan trọng ở những khu vực khô cằn thường được thực hiện bằng cách đo độ ẩm của đất hoặc xây dựng các mô hình nhằm tính toán tổng lượng nước bốc hơi ở mặt đất và sự thoát hơi nước của cây trồng.

Bộ cảm biến cung cấp nước cho cây trồng

Tuy nhiên, một kỹ thuật mới do các nhà khoa học thuộc Đại học Khoa học Nông nghiệp bang Pennsylvania của Mỹ sáng chế sẽ hỗ trợ một cách hiệu quả người nông dân trong việc tưới tiêu, ngăn chặn sự lãng phí nước và tránh cho cây thiếu nước. Đó là các bộ cảm biến thực vật đo độ dày và điện dung của lá.

Công trình thử nghiệm được thực hiện trên cây cà chua trong một nhà kính với nhiệt độ không đổi và chu kỳ sáng tối 12 giờ trong 11 ngày. Môi trường tăng trưởng là một hỗn hợp đất, than bùn với lượng nước được ghi nhận bằng một cảm biến đo độ ẩm đất.

Hàm lượng nước trong đất được duy trì ở mức tương đối cao trong ba ngày đầu và sau đó được phép khử nước, trong thời gian 8 ngày. Các nhà nghiên cứu chọn ngẫu nhiên sáu chiếc lá đã được tiếp xúc trực tiếp với nguồn ánh sáng và gắn cảm biến vào chúng, tránh các gân lá chính và các cạnh. Họ ghi lại các số liệu trong khoảng năm phút một lần.

Sự thay đổi độ dày của lá hằng ngày là không đáng kể khi độ ẩm của đất dao động từ cao đến điểm héo. Tuy nhiên, sự thay đổi đã được ghi nhận ở ẩm độ đất thấp hơn điểm héo và độ dày này ổn định trong hai ngày cuối cùng của thí nghiệm khi hàm lượng hơi nước đạt 5%.

Điện dung ở lá gần như không đổi ở một giá trị tối thiểu trong suốt thời kỳ tối và tăng nhanh trong thời kỳ sáng, cho thấy nó phản ánh hoạt động quang hợp. Các biến thể điện dung hằng ngày biến đổi khi độ ẩm của đất dưới điểm héo và hoàn toàn giảm xuống dưới mức dung lượng nước 11%, cho thấy ảnh hưởng của áp suất nước lên điện dung đã được quan sát qua ảnh hưởng của nó đối với quang hợp.

Nhà khoa học Amin Afzal, thuộc Đại học bang Pennsylvania, thành viên nhóm nghiên cứu nói: “Độ dày của lá giống như một quả bóng – nó phồng lên do sự hydrat hóa và co lại bởi sự căng thẳng của nước, hay mất nước”.

Cơ chế đằng sau mối quan hệ giữa điện dung của lá và nước là phức tạp. Điện dung của lá thay đổi để đáp ứng sự thay đổi tình trạng nước của cây trồng và ánh sáng xung quanh.Vì vậy, việc phân tích chiều dày lá và biến thể điện dung cho thấy tình trạng nước của cây được cung ứng tốt hay là bị khô hạn.

Nghiên cứu này cũng nhằm phát triển một hệ thống mà các cảm biến gắn trên lá sẽ gửi thông tin chính xác về độ ẩm thực vật tới một đơn vị trung tâm ở cánh đồng, sau đó truyền thông theo thời gian thực cùng hệ thống tưới tiêu để tưới cho cây trồng. Các cảm biến có thể được cung cấp điện không dây với pin hoặc pin mặt trời.

Trong một nghiên cứu tiếp theo, Afzal vừa hoàn thành việc đánh giá cảm biến lá trên cây cà chua trong nhà kính. Ngoài ra, ông đang phát triển một thuật toán để chuyển biến dạng độ dày và điện dung của các lá phiếu sang các thông tin có ý nghĩa về tình trạng nước cây.

Nguồn: Dwrm.gov.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong nông nghiệp và thực phẩm

Ở Nhật và một số nước khác trên thế giới, nông nghiệp đang tiến đến sử dụng công nghệ cao và các máy móc hiện đại. Tuy nhiên những người trẻ làm nông nghiệp đang ngày càng giảm, do vậy những người nông dân lớn tuổi đang đối mặt với nhiều khó khăn trong tiếp cận công nghệ mới.

Trong thế giới công nghệ cao,việc người nông dân lớn tuổi gặp khó khăn trong sử dụng các tiện ích công nghệ cao cho cây trồng hay còn gọi là mù thông tin được các chuyên gia gọi là “khoảng cách số”, là hệ quả của sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ thông tin và trở thành một vấn đề quan trọng trong sản xuất nông nghiệp hiện đại.

“Đây chỉ là một trong những thách thức của công nghệ thông tin và truyền thông trong nông nghiệp”, Tiến sĩ Masayuki Hirafuji, Giám đốc Trạm Nghiên cứu Nông nghiệp vùng cao Memuro – Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Hokkaido thuộc Tổ chức Nghiên cứu Nông nghiệp và Thực phẩm Nhật Bản cho biết.

Gần đây, trong buổi hội thảo quốc tế tại Bangkok, Thái Lan về “Quản lý thông minh công nghệ thông tin và truyền thông cho chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ở châu Á”, Tiến sĩ Hirafuji đã trình bày bài viết với tựa đề “Công nghệ thông tin và truyền thông đối với hiện tại và triển vọng đối với nông nghiệp và thực phẩm trong tương lai”. Trong bài trình bày của mình, ông đã giải thích rằng, mù thông tin là một quá trình lịch sử bắt đầu từ thập kỷ trước, khi người nông dân lớn tuổi không biết làm thế nào để sử dụng máy tính bỏ túi. Bây giờ vấn đề được lặp lại với việc sử dụng điện thoại thông minh. Như các nhà khoa học Nhật Bản giải thích: “Công nghệ thông tin và truyền thông trong giai đoạn mới rất quan trọng bởi vì hệ thống sản xuất nông nghiệp cực kỳ phức tạp. Nhiều loại dữ liệu như bản đồ thủy lợi, bản đồ phân bón, bản đồ năng suất và dữ liệu về chuỗi thời gian không thể thiếu cho việc ra quyết định. Người nông dân phải cố gắng ứng dụng các công nghệ và các thiết bị mới và chấp nhận rủi ro nếu họ muốn sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông có hiệu quả trong công việc của họ”.

Hiện nay các trang trại công nghệ cao ở một số nước trên thế giới như Nhật Bản sử dụng công nghệ mới để đo lường độ ẩm đất, nhiệt độ đất,… trên các đồng ruộng khác nhau tại những thời điểm cụ thể trong ngày. Mọi người đều có thể xem dữ liệu bằng cách sử dụng một điện thoại thông minh bất cứ nơi nào.

Theo Tiến sĩ Hirafuji, hầu hết các chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp ở Nhật Bản đã già, và nói chung, người già không muốn sử dụng các công nghệ mới. Một số người trong số đó rất ghét công nghệ thông tin và truyền thông vì nó nằm ngoài sự hiểu biết của họ. Nông dân lớn tuổi thường quen với nông nghiệp quy mô nhỏ. Công nghệ thông tin và truyền thông thông thường không được hữu ích trong nông nghiệp quy mô nhỏ mà thường phổ biến cho nông nghiệp quy mô lớn.

Vấn đề của sự lỗi thời

Cũng giống như công nghệ điện thoại thông minh đang phát triển nhanh chóng, sự phát triển của công nghệ truyền thông đang tiến triển rất nhanh. Trong bài báo của mình, TS. Hirafuji giải thích rằng sự tiến bộ của công nghệ thông tin thường được gọi là định luật Moore. Trong lịch sử, cứ sau 2 năm số lượng máy thu bán dẫn trên mạch điện tích hợp tăng gấp đôi. Tiến bộ nhanh chóng này gây ra các vấn đề lỗi thời. Người tiêu dùng phải mua các thiết bị và các phần mềm mới. Ngược lại, sự tiến bộ của công nghệ khác chậm hơn nhiều. Điều này trở nên rất khó khăn, đặc biệt là đối với nông dân.

Ví dụ, dữ liệu được ghi lại bằng cách sử dụng công nghệ thông tin đối với chương trình khai thác gỗ sẽ không thể tiếp cận khi định dạng dữ liệu hoặc bất kỳ tiêu chuẩn được thay đổi. Một số vấn đề có thể được giải quyết bằng công nghệ thông tin và truyền thông mới như điện toán đám mây.

Công nghệ sắp tới

Hiện tại, công nghệ canh tác mới đang được Nhật Bản và các nước trên thế giới quan tâm. Trong bài trình bày của TS. Hirafuji, ông đã nói lên những mong đợi trong công nghệ thực phẩm và nông nghiệp trong những năm tiếp theo. Có thể kể đến là kính Google, qua đó nông dân có thể nhận được thông tin bằng cách sử dụng giao diện đơn giản.

Một công nghệ được sử dụng mới nữa là phương tiện trên không (máy bay không người lái UAV), được sử dụng để theo dõi sự tăng trưởng của cây trồng, côn trùng gây hại, bệnh dịch đối với động thực vật, thiên tai và như vậy đây là một công cụ chi phí thấp cho các cảm biến từ xa thay vì các vệ tinh. Các UAV có thể hiển thị toàn bộ sinh trưởng phát triển của cây trồng. Ngoài ra, UAV có thể được sử dụng như một máy nông nghiệp chi phí thấp để gieo hạt và phun thuốc trừ sâu thay vì máy bay và trực thăng.

Điện toán đám mây lưu trữ số lượng lớn các dữ liệu trong hệ thống máy chủ doanh nghiệp và điều hành bởi các công ty công nghệ thông tin như Amazon và Google cũng đang được sử dụng. Đối với một số dữ liệu đo độ ẩm của đất, nhiệt độ đất…, có thể được ghi lại trên các đồng ruộng khác nhau theo từng giờ.

TS. Hirafuji thừa nhận sự phát triển của các ứng dụng cho nông nghiệp quy mô nhỏ là khó khăn hơn nhiều so với quy mô lớn. Công nghệ thông tin và truyền thông gần đây như điện thoại thông minh, máy tính bảng, các mạng xã hội, công nghệ cảm biến, mạng cảm biến, điện toán mặc, điện toán đám mây,… dần dần được thay đổi. Yếu tố quan trọng nhất, theo ông, là tận dụng công nghệ thông tin để thu thập dữ liệu một cách toàn diện từ trang trại đến người tiêu dùng. Nếu xu hướng này tiếp tục và nông dân thực sự thấy nó hữu ích, các nhà khoa học sẽ luôn luôn tìm cách để điều chỉnh công nghệ phù hợp với các công nghệ theo nhu cầu của người dân.

Nguồn: Trung tâm khuyến nông quốc gia.