Chế phẩm sinh học từ trùn quế

Các nhà khoa học ở Viện Sinh học nhiệt đới đã tạo ra 3 chế phẩm sinh học từ trùn quế để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm và phân bón cho cây. Với công nghệ đơn giản, các hộ nông dân nghèo ở các vùng xa xôi có thể áp dụng dễ dàng.

Trong nông nghiệp, trùn quế được coi là loại thức ăn đạm cao cấp cho vật nuôi. Các loài cá, baba, tôm, ếch, lươn, cua biển… đều rất thích ăn trùn. Đối với gia súc, gia cầm, trùn là loại thức ăn bổ dưỡng. Tuy nhiên, trùn quế tươi chỉ có thể để không quá một ngày ở nhiệt độ thường nên rất khó lưu trữ.

Từ thực tế đó, TS Võ Thị Hạnh cùng các cộng sự thuộc Phòng Vi sinh Viện Sinh học nhiệt đới đã tạo ra 3 chế phẩm sinh học từ trùn quế để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, làm phân bón cho cây… Các chế phẩm này có thể được bảo quản, lưu trữ trong thời gian dài, từ 6-10 tháng.

Một ưu điểm nổi trội của các chế phẩm này là vẫn giữ nguyên mùi trùn tươi, các chất dinh dưỡng không bị mất đi hoặc biến chất theo thời gian. Chế phẩm đầu tiên là BIO-T, dùng làm thức ăn cho tôm sú, cá tra, gà lương phượng và vịt xiêm. Điều đáng nói là nếu sử dụng trùn quế tươi phải cần một lượng nhiều gấp 10 lần so với BIO-T mới có hiệu quả tương tự. BIO-T được sản xuất bằng cách sử dụng trùn quế tươi phối trộn với hỗn hợp vi khuẩn hữu ích và enzyme tiêu hóa dùng trong chăn nuôi, lên men tạo sản phẩm có mùi trùn, giàu dinh dưỡng (đạm protein và amin cao), enzyme tiêu hóa, vi khuẩn hữu ích và các chất kháng sinh…

Chế phẩm thứ hai là BIO-BL, đã được dùng để bón cho cây trà ô long và một số cây hoa màu, cây kiểng… Kết quả sau khi sử dụng cho thấy búp trà tươi, màu sắc đẹp hơn, mùi hương của trà cũng thơm hơn. BIO-BL được tạo thành từ trùn quế tươi phối trộn với hỗn hợp vi sinh vật hữu ích và enzyme dùng trong trồng trọt, lên men tạo sản phẩm có mùi trùn, giàu đạm protein và amin cao, enzyme tiêu hóa có hoạt lực cao, vi khuẩn hữu ích…

Chế phẩm BIO-PT được tạo ra bằng cách dùng phân trùn ủ lên men, sản phẩm làm ra có mùi thơm, độ ẩm 40%, đạm tổng 2%, chất hữu cơ, kháng sinh và hỗn hợp vi khuẩn hữu ích. BIO-PT dùng để gây màu và xử lý nước ao nuôi tôm dùng trong nuôi trồng thủy sản.

Nhóm tác giả cho biết ưu điểm của phương pháp chế biến trùn quế bằng công nghệ vi sinh là không cần dùng thiết bị đông lạnh hay thiết bị sấy nên không tốn chi phí điện, năng lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với công nghệ đơn giản, các hộ nông dân nghèo ở các vùng xa xôi có thể áp dụng dễ dàng. Việc có thêm các chế phẩm sinh học mới có giá thành rẻ góp phần làm cho ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng trọt phát triển tốt hơn.

 

 

Các hình ảnh về trùn quế và chuồng nuôi trùn quế

Nguồn : Báo NLĐ, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Cà phê việt chuẩn fair trade không lo bị ép giá

 

Đắk Lắk là một trong những vựa cà phê lớn Tây Nguyên nhờ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp. Tỉnh hiện có 200.000 ha trồng cà phê cho chất lượng tốt, hương vị thơm ngon. Song hiệu quả kinh tế chưa cao do nông dân còn canh tác manh mún, đơn lẻ.

                                   Cà phê Việt  chuẩn Fair Trade không lo bị ép giá

Năm 2016, 48 hộ trồng cà phê tại thôn 1, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar cùng đồng lòng thành lập hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết. Mô hình làm ăn tập thể đã giúp nông dân học hỏi kinh nghiệm canh tác của nhau, tăng năng suất, tạo dựng được thương hiệu cà phê Ea Kiết.

Đến năm 2018, trong khuôn khổ dự án “Xúc tiến thương mại công bằng tại Việt Nam”, hợp tác xã đạt chứng nhận “Fair Trade” của Tổ chức chứng nhận thương mại công bằng thế giới (WFTO) và Tổ chức cấp nhãn hiệu thương mại công bằng (FLO). Nông dân bán cà phê cho hệ thống FairTrade sẽ được bảo đảm về giá thành.
Ông Nguyễn Văn Phúc – Chủ nhiệm HTX nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kiết cho biết: “Nông dân chúng tôi hiểu rõ: cơ hội để tiếp cận với thị trường toàn cầu không chỉ nằm ở chất lượng sản phẩm, cách canh tác gìn giữ môi trường, mà còn là nguồn gốc sản phẩm”.

Để theo đuổi Fair Trade, các xã viên phải tuân thủ quy trình canh tác, kỹ thuật trồng cây che bóng, phun thuốc, bón phân, cắt cành, thời điểm thu hái (khi tỷ lệ quả chín đạt trên 90%), chế biến ướt trong 24h… Tất cả các tiêu chuẩn này nằm trong bộ quy tắc Fair Trade về môi trường, kinh tế, xã hội và bảo đảm công bằng.

Tại nhà máy chế biến ướt của hợp tác xã, quả cà phê đi qua các công đoạn băng tải, rửa sạch, tách vỏ thịt, đánh nhớt… Nông dân loại bỏ tạp chất, quả khô, quả xanh không đạt chất lượng. 100% quả chín tiếp tục được sơ chế cho chất lượng cao và đồng đều.

Hiện mỗi năm nhà máy sản xuất khoảng 200 tấn cà phê nhân, trong đó 10% được rang xay thành cà phê bột cung cấp cho thị trường. Trong khi mặt hàng cà phê ở nhiều nơi khác bị ép giá, cà phê Ea Kiết vẫn giữ giá ổn định.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam