Ủ phân hữu cơ để bón lúa hữu cơ

Theo kế hoạch vụ Đông Xuân 2019 – 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị sẽ triển khai 16ha mô hình lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, tại 2 điểm xã Gio Quang (huyện Gio Linh) và xã Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh).

 

Hướng dẫn nông dân tham gia ủ phân.

 

Trước khi bắt đầu vào vụ sản xuất, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã tổ chức tập huấn hướng dẫn cho bà con quy trình ủ phân hữu cơ sinh học.

Kỹ sư Lê Thị Tú, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông cho biết: Nguyên liệu đầu vào để cho ra 1 tấn phân thì cần 1 – 1,5 tấn rác thải hữu cơ và phế thải nông nghiệp; Phân chuồng hoặc mùn hoai: 3 – 4 tạ; Đạm urê: 1kg; Super lân: 2kg; Chế phẩm vi sinh vật Quế Lâm dạng bột: 2kg.

Rác thải hữu cơ và phế thải nông nghiệp sau khi được thu gom và phân loại được đem tập trung đến đóng ủ. Ở đóng ủ, rác thải được dàn đều thành từng lớp, mỗi một lớp có độ dày khoảng 15 – 20cm (đường kính từ 2 – 2,5m), rải 1 lượt phân đạm urê và super lân lên và rải tiếp 1 lượt phân động vật lên trên lớp rác cào đều, sau đó phủ 1 lượt nguyên liệu hữu cơ 15 – 20cm tại mỗi lớp tiến hành xử lý chế phẩm VSV (để chế phẩm vi sinh không trực tiếp với phân đạm urê).

Cứ tiếp tục từng lớp như thế cho đến khi hoàn thành. Nếu phụ phế thải ở một số hộ gia đình có số lượng lớn có thể ủ tại sân hoặc vườn nhà đều có thể làm theo cách như trên. Sau khi ủ phải thường xuyên kiểm tra, giám sát độ ẩm và bổ sung nước cho bể ủ khi thấy cần thiết (độ ẩm đống ủ được duy trì khoảng 60% để cho vi sinh vật hoạt động).

Thời gian ủ khoảng 45 – 60 ngày, sản phẩm sẽ được đưa ra sử dụng. Đối với phân hữu cơ sinh học, do phân đã ủ hoai mục và hàm lượng dinh dưỡng cao hơn phân hữu cơ truyền thống (phân heo, phân trâu bò…) nên sẽ bón cho cây trồng với lượng bằng 1/2 – 2/3 lượng phân hữu cơ truyền thống.

Tùy theo từng loại cây trồng để bón lượng phân cho phù hợp. Đối với cây lúa, thông thường bón theo hai cách là bón lót và bón thúc. Bón lót bằng cách rải đều khi bừa lần cuối và bón thúc bằng hình thức vãi đều. Sản phẩm phân hữu cơ sinh học có tác dụng làm tăng độ phì nhiêu của đất, tăng chất khoáng và vi sinh vật hữu hiệu cho đất, cải tạo đất rất tốt, nhất là đối với các loại đất đã và đang bị suy thoái. Tăng khả năng giữ nước của đất.

Bên cạnh đó phân hữu cơ sinh học có tác dụng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh không chỉ ở cây lúa mà còn các cây trồng khác.

 

Bà con tham gia ủ phân hữu cơ.

 

Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sử dụng phân hữu cơ sinh học sẽ làm tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của cây lúa, khả năng chống chịu sâu bệnh sẽ tốt hơn, trong thời kỳ trổ ruộng sẽ ít nhiễm rầy, khô vằn, cho bông dài, sạch sâu bệnh. Giảm chi phí sản xuất, hạn chế việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.

Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại mô hình còn có tác động lớn về mặt môi trường xã hội. Nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác của người dân. Tận dụng được các phế phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi để tạo ra phân bón tốt cho cây trồng…

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Ngộ độc dinh dưỡng trên cây trồng và biện pháp xử lí

1. Các dạng cây bị ngộ độc

  • Bị cháy phân: Tương tự như da người bị cháy do nắng, do tắm biển. Đây là dạng ngộ độc trực tiếp, cấp tính lên một bộ phận của cây mà có thể trên tổng thể với lượng phân đó thì chưa xảy ra dư thừa khiến cho cây bị ngộ độc.  Ví dụ, khi bị ngập nước thì rễ cây bị ngộp, đua nhau ngoi lên mặt đất để tìm kiếm oxy, khi nước rút đi nếu mình bón phân ngay thì phân tan ra và lớp rễ cám sẽ bị cháy, mặc dù lượng phân bón không nhiều.
  • Mất cân đối: Cây bị ngộ độc trong trường hợp lượng phân bón chưa dư nhưng do các chất sẽ ảnh hưởng lẫn nhau nên khi có mặt chất này sẽ gây thiếu chất kia. Ví dụ như với kali. Kali là yếu tố giúp cây chắc, ít sâu bệnh và cây cũng có thể hấp thu nhiều kali mà không bị nhiễm độc. Tuy nhiên khi nhiều kali thì sẽ ức chế khiến cho cây không hấp thu được canxi và manhê khiến cho cây có triệu chứng như bị ngộ độc.
  •  Ngộ độc thực sự: Là trường hợp bón quá nhiều so với nhu cầu và ngưỡng chịu đựng của cây. Ví dụ như nếu bón quá nhiều phân đạm thì sẽ làm cho lá cây bị vàng, rũ xuống.

2. Biện pháp xử lí

Trong cả 3 trường hợp trên, khi phát hiện được cần có những biện pháp xử lý ngay càng sớm càng tốt

  •  Đầu tiên, phải ngưng ngay việc bón phân và sau đó là dùng nước để rửa bớt. Với cây mọc dưới nước thì việc thay nước là giải pháp cần làm ngay. Với cây trồng cạn thì tưới nước sẽ làm cho phân bị loãng ra và trực di xuống tầng dưới.
  • Nếu bị ngộ độc bởi vi lượng thì có thể bón thêm vôi, lân. Việc bón thêm vôi hoặc lân sẽ làm cho pH tăng lên. Khi pH tăng thì sẽ làm giảm khả năng ảnh hưởng của vi lượng.
  • Việc bón phân hữu cơ cũng có tác dụng làm giảm tác dụng độc của việc dư thừa phân bón, bởi khi bón phân hữu cơ sẽ làm cho hệ đệm hoạt động hiệu quả hơn, nhất là nguồn hữu cơ từ phân trùn quế giúp nhanh chóng điều hoà pH đất.
  • Cây trồng cũng là sinh vật sống nên khi bị nhiễm độc thì sẽ có những phản vệ nhằm hạn chế nhiễm độc. Với người, phản xạ đầu tiên có thể là nôn, thì với cây chúng cũng sẽ được thải nhanh qua mép lá. Nếu kết hợp được khả năng tự vệ củacây với các giải pháp trợ giúp của con người thì việc nhiễm độc sẽ được giảm thiểu.

 

Biểu hiện của lá khi bị ngộ độc dinh dưỡng

Giải pháp tránh cho vườn cây bị ngộ độc tốt nhất là mỗi nhà nông phải tự trang bị kiến thức cho mình, hiểu nhu cầu dinh dưỡng của từng loại cây, từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của nó, cũng như phải cập nhật hàm lượng các chất có trong đất của ruộng nhà mình bằng các phân tích thổ nhưỡng chuyên ngành làm sao sử dụng phân bón vừa đủ, mang lại hiệu quả kinh tế cao và không lo cây trồng bị ngộ độc.

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam