Phân bón thật – phân bón giả (P2)

Một số kinh nghiệm giúp phân biệt, lựạ chọn được phân thật như sau:

Phân hỗn hợp NPK là phân đa yếu tố vì ngoài thành phần dinh dưỡng chính là đạm-lân-kali  còn có các chất trung lượng và vi lượng. Phân bón có  hàm lượng dinh dưỡng cao 99%. Như vậy, gần 100% là chất dinh dưỡng nên giảm chi phí vận chuyển và không chứa hóa chất độc hại.

Mua phân bón phù hợp với cây trồng và đất

 

So với việc sản xuất bằng phương pháp trộn thông thường, công nghệ hóa lỏng Ure có thể nén hàm lượng đạm và tổng hàm lượng dinh dưỡng cho cây trồng cao hơn gấp đôi, lại dễ dàng đưa các hoạt chất chống thất thoát đạm, tăng cường hiệu quả sử dụng lân vào viên phân. Từ đó giúp phân tan nhanh giúp cây trồng dễ hấp thụ phân bón, giảm thất thoát dinh dưỡng do điều kiện thời tiết gây ra. Ngoài ra, với công nghệ này còn giúp làm giảm hàm lượng lưu huỳnh trong phân nhằm làm giảm độ chua của đất.

Ngoài ra, dây chuyền sản xuất phân bón NPK dạng một hạt Urê hoá lỏng, phun sương tạo hạt còn giúp các hợp chất sẽ hoà hợp đều nhau và những hạt phân đồng đều, ổn định về chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Với dây chuyền hóa lỏng Urê, sản phẩm được thông qua 2 máy sấy, một máy làm nguội và phối hợp với các kết cấu trong dây chuyền, cũng như công nghệ tiên tiến, như vậy sản phẩm được tạo ra từ công nghệ này sẽ không dễ bị vón cục và cường độ hạt phân cũng tốt hơn, không dễ bị vỡ từ đó làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón.

Thành phần các chất dinh dưỡng được ghi cụ thể trên bao bì từng chất chiếm bao nhiêu % rất rõ ràng, không mập mờ. Để tránh mua phải phân bón giả cần chú ý: Không ham rẻ, không ham khuyến mại cao vì đã là doanh nghiệp họ đều cần lợi nhuận. Nếu rẻ mà lại khuyến mại lớn chỉ có thể là phân giả, phân kém chất lượng. Không mua phân vón cục, đóng rắn, cứng ngắc hoặc chảy nước vì đã bị biến đổi chất lượng. Không sính ngoại, dinh dưỡng ngoại hay nội đều giống nhau, trong khi phân bón ngoại đắt hơn.

Chọn mua phân của các doanh nghiệp lớn, uy tín và có bề dày lịch sử. Chọn loại phân chứa nhiều chất dinh dưỡng khác nhau bởi cây trồng cần nhiều các chất dinh dưỡng trung và vi lượng khác ngoài NPK. Chọn mua phân bón chậm tan trong đất để tăng hiệu quả sử dụng phân bón cũng như hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Mua phân bón phù hợp với mỗi giai đoạn sinh trưởng của cây bởi mỗi giai đoạn sinh trưởng của cây trồng cần nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Mua phân bón phù hợp với cây trồng và đất: đất chua phải dùng loại phân kiềm. Mua phân phù hợp với đối tượng cây trồng và đất.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Phân bón thật – phân bón giả (P1)

Phân bón quyết định 40% năng suất và chiếm 60 – 70% chi phí sản xuất trồng trọt. Tuy nhiên do sự quản lý lỏng lẻo là nguyên nhân chính khiến tình trạng phân bón giả, phân kém chất lượng lộng hành….

Phân bón giả (bên trái) và phân bón thật (bên phải)

Nông dân hoang mang với nạn phân giả, khó phân biệt đâu là phân giả, đâu là phân thật, nhất là phân Kali và các loại phân hỗn hợp NPK.

Theo phản ánh của nhiều bà con, phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang có chiều hướng gia tăng.

Thời gian qua, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý rất nhiều cơ sở kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng nhưng tình trạng vẫn còn tiếp diễn.

Ông Nguyễn Văn Năm ở An Giang cho biết: vừa qua ông có mua phân NPK để bón cho cây ăn trái, nhưng bón xong thấy cây không phát triển, hạt phân không tan trong nước và bị vón cục.

Lợi dụng sự thiếu cập nhật thông tin của bà con nông dân, sự hám lợi của các đại lý, phân bón kém chất lượng mới có cơ hội thâm nhập vào từng nhà nông, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, làm cho bà con nông dân tốn kém chi phí và không tin tưởng vào các công ty cung cấp phân bón chất lượng.  Hậu quả, nông dân “tiền mất, tật mang” mà không biết kêu ai.

Ở Đak Nông, nhiều hộ nông dân mua nhầm phân kém chất lượng nên cây cà phê bị héo lá, trái không chín, cây không nhiều hạt. Sau một thời gian vất vả chăm sóc, tốn kinh phí đầu tư, mua phải phân dỏm, người nông dân tay trắng, mất mùa.

Qua những lần mua phải phân bón kém chất lượng như vậy, niềm tin của người dân dành cho các công ty cung cấp phân bón chân chính giảm sút, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, thương hiệu của các nhà sản xuất, kinh doanh phân bón khác dẫn đến rối loạn thị trường.

Cách phân biệt phân bón thật – phân bón giả

Để giúp cho nông dân tự bảo vệ mình, Phân Bón Hà Lan giới thiệu một số kinh nghiệm được tổng hợp từ các chuyên gia trong lĩnh vực phân bón.

Phân hóa học là loại phân bón chủ lực, cung cấp các chất dinh dưỡng đa lượng: Đạm (N), Lân (P2O5), Kali (K2O) cho cây trồng, là những yếu tố dinh dưỡng quyết định tới năng suất và chất lượng cây trồng.

Phân hóa học đang lưu thông trên thị trường gồm hai nhóm chính là: phân đơn chất và phân đa chất. 
I. Phân hóa học đơn chất: là nhóm phân bón chứa một loại dưỡng chất đa lượng chủ yếu, gồm có ba loại chính là:
Phân chứa đạm: thành phần chính là Urê chứa 46% nitơ (N), Sun-phat A-môn (S.A) chứa 20-21%N. Loại phân này chủ yếu là nhập khẩu. SA, clorua amon, supe lân và lân nung chảy là khó làm giả hơn vì tương đối dễ nhận biết do công nghệ sản xuất phức tạp, chi phí đầu tư lớn hoặc giá trị thấp, việc làm giả không mang lại lợi nhuận cao.

Phân chứa lân gồm supe lân và lân nung chảy và phân chứa kali khó làm giả do đòi hỏi công nghệ sản xuất phức tạp, chi phí đầu tư lớn nên việc làm giả không mang lại lợi nhuận cao.

II. Phân hỗn hợp là nhóm phân bón có chứa từ 02 yếu tố dinh dưỡng đa lượng, nguyên tố trung vi lượng khác như sau:

  1. Phân chứa Đạm và Lân, có các loại như Mô-nô A-mô-ni-um Phốt-phát (MAP) chứa từ 10-11% Ni-tơ và 49-50% ô-xít Phốt-pho và Di A-mô-ni-um Phốt-phát (DAP) chứa 16-18% Ni-tơ và 44-46% ô-xít Phốt-pho chủ yếu phải nhập khẩu.
  2. Phân chứa Đạm và Ka-li có tên gọi chung là phân hỗn hợp KNS, NKS, NK, chủ yếu sản xuất trong nước từ nguyên liệu là 2 loại phân đơn S.A và MOP có trộn thêm một số phụ gia khác như phẩm màu, bột sét đỏ nhưng được chia ra nhiều loại khác nhau do tỷ lệ thành phần 2 dưỡng chất khác nhau và tên gọi thương mại khác nhau tuỳ theo từng cơ sở sản xuất.
  3. Phân chứa Đạm, Lân và Kali là phân hỗn hợp NPK, gồm hàng ngàn loại khác nhau do tỷ lệ thành phần các dưỡng chất khác nhau.

Phân hỗn hợp NPK rất dễ làm giả, làm nhái, làm kém chất lượng do công nghệ sản xuất đơn giản, chi phí đầu tư thấp, việc làm nhái, làm giả mang lại lợi nhuận lớn do chênh lệch giá cao. Việc xác định hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng chỉ xác định được chính xác bằng máy móc phân tích mà khó phân biệt được bằng cảm quan.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Phân biệt phân bón thật và giả

Cách phân biệt phân bón thật – giả

Phân biệt phân bón thật – giả

Phân Ka-li clo-rua (KCl) chứa 60% K2O

Màu sắc đặc trưng: đỏ hồng, hồng nhạt, đỏ tím và màu trắng. Đây là loại phân chứa Ka-li phổ biến nhất, và cũng là loại phân bị lợi dụng làm giả, làm nhái nhiều nhất, gây tổn thất nặng nề nhất cho người nông dân do chênh lệch giá giữa hàng thật-hàng giả rất lớn, lại dễ làm giả.

Nông dân dễ bị mua phải phân Ka-li giả do trên thị trường có các loại phân NKS, KNS, NPK… được một số nhà sản xuất cố tình làm rất giống phân Clo-rua Ka-li về mặt hình thức, nhất là màu đỏ đặc trưng của Kali, nhưng thực chất chỉ có từ 10-30 % là Ô-xit Ka-li, còn lại là phân SA, muối ăn, phẩm màu, bột sét đỏ. Đây là loại phân phải nhập khẩu 100%, do đó khi mua hàng, người nông dân cần yêu cầu đại lý: Bán cho loại phân Ka-li thật, có hàm lượng K2O ≥ 60%, sau đó phải xem bao bì có đúng là hàng nhập khẩu hay không. Các loại phân do các cơ sở trong nước sản xuất, trên bao bì không ghi hàm lượng K2O chiếm 60%thì đều là hàng giả, hàng nhái.

Khi mua hàng nên mang theo một chiếc cốc thủy tinh nhỏ, trắngvà trong suốt cùng một ít nước sạch trong cốc. Thả một nhúm chừng 3-5 gam sảnphẩm vào trong cốc nước có dung tích 50-100 ml để làm thực nghiệm và quan sát kếtquả như sau:

Cách thử: Cho 3-5 gam phân khô ráo vào cốc nước trong.

Phân Kali clorua thật:

– Cốc nước chưa có màu hồng đỏ

– Một phần chìm xuống nước, một phần vẫn nổi trên mặt cốc nước

– Sau khi khoắng mạnh, dung dịch chuyển sang màu hồng nhạt,không vẩn đục, có váng đỏ bám quanh thành cốc. Phân tan hết.

Phân Kali clorua kém chất lượng:

– Cốc nước lập tức có màu hồng đỏ

– Toàn bộ phân chìm xuống và tan rất nhanh,

– Sau khi khoắng mạnh, dung dịch có màu hồng đỏ, vẩn đục,không có váng đỏ bám quanh thành cốc. Có thể để lại cặn không tan hết.

Phân Ka-li sunfat (K2SO4) chứa 50% K2O:

– Màu trắng, ở dạng hạt nhỏ hoặc bột, cũng là loại phân phảinhập khẩu, số lượng dùng không phổ biến, dễ bị làm giả khi trộn lẫn với bột đávôi hoặc bột vôi sống, bột đất sét trắng. Cách phân biệt như sau:

Cách thử: Cho 7-10 gam phân vào cốc nước trong.

Phân Sun – phát Ka – li (SOS) thật: Tan hết trong nước, dungdịch có màu trong suốt.

Phân giả: Có thể không tan hết, để lại cặn lắng (bột đá) hoặc dung dịch vẩn đục do huyền phù của vôi hoặc sét trắng.

Phân U-rê:

Có hai loại phân U-rê chính là loại hạt trong và hạt đục, cảhai loại đều có công thức hóa học và hàm lượng ni-tơ như nhau, tối thiểu là 46%.

– Phân U-rê hạt trong: là loại phổ biến nhất, phân rất dễ tan, có màu trắng trong, dạng hạt tròn. Đây là loại phân rất khó làm giả, tuynhiên đã xuất hiện loại kém chất lượng bằng cách trộn phân SA vào phân U-rê theo một tỷ lệ nhất định do phân SA rẻ hơn phân U-rê.

Đặc điểm để nhận biết là phân U-rê thật chỉ có dạng hạttròn, còn nếu có lẫn phân SA thì các hạt phân SA có dạng tinh thể, nhiều góc cạnh.Hiện nay nước ta chỉ có 2 nhà máy sản xuất được U-rê hạt trong là Đạm Hà Bắc vàĐạm Phú Mỹ, còn lại là U-rê nhập khẩu. Do đó, phân U-rê của các cơ sở sản xuấtkhác ở trong nước đều là hàng giả. Vì vậy, bà con nông dân nên chọn mua 2 loạiU-rê Hà Bắc và Phú Mỹ, hoặc U-rê trên bao bì có ghi rõ ràng nguồn gốc nhập khẩu.

– Phân U-rê hạt đục: đây là loại phân rất tốt, phân có dạng hạt to, đường kính hạt 2- 4mm, cứng, màu trắng đục như sữa. Đây là loại phân phải nhập khẩu 100%, rất khó làm giả hoặc việc làm giả không đem lại lợi ích đáng kể.Bà con nông dân có thể an tâm khi mua và sử dụng loại phân này.

Đối với các loại phân hỗn hợp NPK nói chung rất khó phân biệt được thật – giả và xác định được mức chất lượng bằng cảm quan thông thường mà phải dựa trên kết quả phân tích của các trung tâm phân tích. Kinh nghiệm chung để mua được đúng chủng loại và chất lượng các loại phân NPK là chọn mua sản phẩm của các công ty lớn, có uy tín trên thị trường, mua tại các đại lý bán hàng chính thức của các công ty đó.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Những lợi ích của giun (trùn) đất

Mỗi ngày một con giun đất có thể tạo ra lượng phân bằng trọng lượng nó

  • GIUN ĐẤT có thể tạo ra thêm nhiều phân bón hơn những phương pháp khác. Phân giun có giá trị dinh dưỡng cao gấp 5 lần về ni tơ, gấp 7 lần Lân, gấp 3 lần Mg, gấp 2 lần Cacbon, 1,5 lần Calcium, 11 lần Kali.
  • Việc phát hiện ra lợi ích của GIUN ĐẤT đã có từ rất lâu trong lịch sử. Người Hy Lạp cổ đại đã từng nhắc đến vai trò của GIUN ĐẤT trong việc cải tạo đất đai. Nhà triết học Aristole so sánh giun như là” bộ máy tiêu hóa của trái đất”.
  •  Người Ai Cập cổ đại đó là nữ hoàng Cleopatra cũng đã nhận ra vai trò của GIUN ĐẤT và được tôn thờ như một vị thần. Người nào mang GIUN ĐẤT ra khỏi Ai Cập có thể bị xử tử. Người nông dân Ai Cập cổ đại thậm chí còn không dám đụng vào giun vì sợ vì thần đất trừng phạt. Năm 1949 một nghiên cứu cho rằng mức độ màu mỡ của sông Nin có được là nhờ một phần rất lớn của GIUN ĐẤT.
  • Charle Darwin ( 1809-1882) đã nghiên cứu hơn 40 năm về GIUN ĐẤT để viết lên quyển sách nổi tiếng “Sự hình thành mùn thông qua quá trình hoạt động GIUN ĐẤT”. Darwin nói rằng “ Không có sự nghi ngờ nào nữa rằng nhiều loại động vật có vai trò trong lịch sử trái đất là những loài sinh vật có tổ chức rất đơn giản”.

Vậy bạn có biết GIUN ĐẤT có những vai trò nào nữa không ?

Giun đất

  • Giun giúp đất trồng trở nên thông thoáng, những đường di chuyển của chúng giúp cho nước ngấm sâu vào trong đất, tránh xói mòn. Nó cũng giúp đất trở nên mềm mại hơn, rễ cây dễ thâm nhập sâu hơn.
  •  GIUN ĐẤT cân bằng độ pH trong đất, phân của chúng giúp tăng độ kiềm trong đất.
  • Giun thường có khuynh hướng đào sâu vào nền đất rồi đùn phân lên phía mặt trên
  •  Giun giúp giải quyết vấn đề rác thải hữu cơ, so với những phương pháp khác giun giúp phân hủy nhanh gấp 4 lần.
  • Mật độ giun trong đất cao cũng tạo môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật có lợi giúp hạn chế tuyến trùng và nấm gây hại trong đất

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Phân bón sản xuất bằng ánh sáng mặt trời

Các nhà khoa học Mỹ phát hiện cách thức sử dụng ánh sáng Mặt Trời để tổng hợp amoniac, thành phần quan trọng trong việc sản xuất phân bón.

Theo UPI, hiện nay có hai cách chính để tổng hợp amoniac (NH3) từ khí nitơ (N2). Đầu tiên là biện pháp sinh học, vi khuẩn có trong nốt sần của rễ cây họ đậu và một số loài cây khác sử dụng protein nitrogenase biến đổi nitơ thành amoniac. Cách thứ hai dựa trên quy trình công nghiệp Haber – Bosch, gồm nhiều phản ứng hóa học ở điều kiện nhiệt độ và áp suất cao.

Phân bón đóng vai trò quan trọng giúp tăng năng suất cây trồng.Phân bón đóng vai trò quan trọng giúp tăng năng suất cây trồng. 

Các nhà khoa học ở Phòng thí nghiệm Năng lượng Tái tạo Quốc gia (NREL) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ hợp tác với Đại học Colorado, tìm ra quy trình tổng hợp mới, khai thác tiềm năng sinh hóa của nitrogenase trên quy mô sản xuất công nghiệp.

Nhóm nghiên cứu kết hợp nitrogenase với tinh thể nano của hợp chất cadmium sulfide (CdS). Năng lượng ánh sáng Mặt Trời kích thích các electron trong tinh thể nano, tạo ra sự chuyển đổi nitơ thành amoniac. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science hôm 22/4.

“Bí quyết nằm ở chỗ kết hợp các tinh thể nano bán dẫn có khả năng hấp thụ năng lượng ánh sáng Mặt Trời với nitrogenase, chất xúc tác tự nhiên giúp chuyển đổi nitơ thành amoniac”, Gordana Dukovic, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.

Hiện nay, sản xuất phân bón là một quy trình tốn nhiều năng lượng, chủ yếu dựa vào nguồn nhiên liệu hóa thạch. Công nghệ mới mang đến hy vọng sản xuất phân bón theo cách bền vững hơn.

“Sử dụng ánh sáng Mặt Trời để thực hiện những phản ứng hóa học xúc tác khó mở ra tiềm năng chế tạo các hóa chất mới và sản xuất nhiên liệu hiệu quả hơn”, Katherine Brown, nhà nghiên cứu tại NREL, chia sẻ.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Sản xuất phân vi sinh từ than bùn với giá thành rẻ

Than bùn được tạo thành từ xác các loài thực vật khác nhau. Xác thực vật được tích tụ lại, được đất vùi lấp và chịu tác động của điều kiện ngập nước trong nhiều năm. Với điều kiện phân huỷ yếm khí các xác thực vật được chuyển thành than bùn.

Trong than bùn có hàm lượng chất vô cơ là 18 – 24%, phần còn lại là các chất hữu cơ. Theo số liệu điều tra của các nhà khoa học, trên thế giới trữ lượng than bùn có khoảng 300 tỷ tấn, chiếm 1.5% diện tích bề mặt quả đất. Than bùn được sử dụng trong nhiều ngành kinh tế khác nhau. Trong nông nghiệp than bùn được sử dụng để làm phân bón và tăng chất hữu cơ cho đất.

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoa Hùng, xã Hoàng Đan (Tam Dương) xây dựng thành công dây truyền sản xuất phân vi sinh từ than bùn, giá rẻ, chất lượng cao, giúp tăng năng suất cây trồng và tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn.

 Sản xuất phân vi sinh từ than bùn với giá thành rẻ

Việc sản xuất thành công loại phân bón này đã mở ra một hướng phát triển mới cho ngành chế biến phân bón hữu cơ sinh học phục vụ nông nghiệp, đồng thời giảm bớt gánh nặng về giá phân bón hiện đang tăng cao cho người nông dân.

Ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoa Hùng, cho biết cùng với nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công quốc gia, công ty đã mạnh dạn đầu tư hai tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất phân vi sinh đầu tiên của tỉnh.

Đây là loại phân bón được sản xuất từ than bùn kết hợp bột kích hoạt vi sinh, sau đó được ủ lên men trên công nghệ mới để tạo ra những quần thể sinh vật có ích. Khi bón vào đất, những vi sinh này phát triển và xâm nhập vào bộ rễ, tác động tổng hợp lên cây trồng, đồng thời chuyển hóa hàm lượng lân khó tiêu có sẵn trong đất thành lân rễ tiêu cung cấp cho cây trồng.

Bên cạnh đó, loại phân bón này còn có tác dụng, hạn chế sâu bệnh, cải tạo đất, làm cho đất tơi xốp, giúp cây trồng hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng, chống ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩn nông nghiệp an toàn.

Đặc biệt phân bón có giá rẻ hơn nhiều so với các loại phân bón bán trên thị trường. Qua ứng dụng thực tế trên một số cây trồng như lúa, ngô, rau đậu cho năng suất tăng từ 10-15% so với các loại phân khác, tạo ra sản phẩn nông nghiệp an toàn.

Mặc dù mới đang trong giai đoạn chạy thử nhưng nhờ chất lượng và giá thành phân bón thấp nên sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Dự kiến, trong thời gian tới nhà máy sẽ đưa công suất hoạt động lên 500-1.000 tấn/năm, giải quyết việc làm trực tiếp cho 28 lao động tại địa phương, với mức lương bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Vĩnh Phúc hiện có trữ lượng lớn than bùn chất lượng cao tại các huyện Tam Dương, Lập Thạch chưa được khai thác. Với nguồn nguyên liệu dồi dào này sẽ đáp ứng được nhu cầu sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh lâu dài với giá rẻ phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Từ thử nghệm thành công, công ty đang mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kiếm 5 tỷ đồng mỗi năm nhờ học trồng dâu tây trên internet

Sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, ông Nguyễn Thanh Trúc đã gắn bó với nghề nông hơn 30 năm. Trước đây, ông trồng hoa cúc, ớt… song giá bán bấp bênh, lợi nhuận thu về không cao. Ngay cả khi thành công với dâu tây, ông cũng từng lao đao khi dâu tây Đà Lạt phải cạnh tranh gay gắt với loại quả giá rẻ Trung Quốc trà trộn vào năm 2014.

“Tôi không từ bỏ, vì tôi nghĩ mình đã dám đầu tư tiền tỷ vào mô hình này thì phải kiên trì cho đến khi mang lại hiệu quả”, ông Trúc nói. Lão nông không chỉ dồn toàn bộ vốn liếng dành dụm của hai vợ chồng vào vườn dâu này, mà còn bỏ không ít tâm sức để mày mò kỹ thuật trồng thủy canh bằng tiếng Anh qua Internet.

Được người em trai gợi ý và hỗ trợ, đầu năm 2013, vợ chồng ông Trúc quyết định trồng thử 500m2 dâu tây để cải thiện kinh tế. Khi đó, Đà Lạt đã có nhiều nông dân trồng dâu tây thành công, hai phương pháp phổ biến là dùng đất và giá thể xơ dừa. Tuy nhiên, ông Trúc lại quyết định theo đuổi phương pháp thủy canh cho sản phẩm sạch và năng suất cao.

                          Kiếm 5 tỷ đồng mỗi năm nhờ học trồng dâu tây trên Internet

Trồng thủy canh không hồi lưu (thủy canh tĩnh) chỉ sử dụng xơ dừa làm giá thể, đặt cách mặt đất ít nhất 1m. Toàn bộ chất dinh dưỡng được cung cấp trực tiếp qua nguồn nước nhập về từ Isarel, Đức, Hà Lan… Thay vì chọn giống dâu Nhật, Mỹ hay Pháp như các vườn khác, ông Trúc trồng thử nghiệm giống dâu New Zealand cho quả to hơn và thơm.

Tuy nhiên, sau 5 tháng đầu tiên, những cây dâu đang lên mắc bệnh. Bao nhiêu công sức, vốn liếng đầu tư mà vợ chồng gom góp được từ khi ra ở riêng có nguy cơ đổ sông bỏ bể. Áp lực trắng tay khiến đầu ông Trúc bạc hơn nửa.

“Cái khó nhất là phải điều chỉnh lượng dinh dưỡng hợp lý, nếu không sản lượng không cao, dâu cũng không ngon”, ông Trúc nhớ lại.

Không thấy khó mà nản, ông Trúc tìm tài liệu cách trồng dâu New Zealand qua Internet. Em trai ông, một người trồng thành công dâu tây theo phương pháp thủy canh chuyển cho ông tài liệu hướng dẫn kỹ thuật do người bạn từ Mỹ gửi về. Để hiểu tài liệu, ông Trúc chịu khó tra từ điển suốt 6 tháng. Cuối cùng, ông cũng chinh phục được loại dâu nhập ngoại này.

500m2 đầu tiên của ông Trúc cho năng suất cao gấp đôi cách trồng thông thường. Ngoài ra, chất lượng dâu ngon, ngọt, thơm và đạt tiêu chuẩn an toàn cho người tiêu dùng nên bán được giá từ 180.000 đến 250.000 đồng mỗi kg. Giữa năm 2013, ông Trúc mạnh dạn nhân rộng diện tích vùng trồng dâu tây lên 4.000m2. Đầu ra ổn định, dâu tây sạch của ông được nhiều siêu thị và cửa hàng đặt mua.

 

Song đến giữa năm 2014, thị trường bất ổn, dâu Trung Quốc trà trộn vào và đội lốt dâu Đà Lạt khiến giá giảm mạnh. Chi phí bỏ ra nhiều mà thu về ít, nông dân lỗ nặng. Tuy nhiên, ông Trúc vẫn quyết bám vườn dâu. Tới cuối năm 2014, giá tăng lại khoảng 200.000-250.000 đồng mỗi kg không phụ lòng người trồng trọt.

Bên cạnh đó, ông Trúc còn mở cửa cho khách du lịch đến tham quan miễn phí và mua dâu tây tại vườn để quảng bá sản phẩm. Gia đình bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng mà không thông qua thương lái, giảm được chi phí trung gian.

Hiện vườn dâu có sản lượng khoảng 30 tấn mỗi năm, mang về thu nhập 5 tỷ đồng cho gia đình ông Trúc. Thị trường tiêu thụ ban đầu ở Lâm Đồng, sau đó mở rộng ra TP HCM, Huế, Hà Nội.

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Hé lộ cách trồng rau mầm cải bông xanh đẹp và giá trị kinh tế

Cách trồng mầm cải bông xanh hoàn thiện nhờ 3 lưu ý nhỏ.

Cải bông xanh được giới ẩm thực đánh giá cao về nét đẹp tinh tế, sang trọng. Điều đó vẫn chưa là gì so với giá trị dinh dưỡng mà nó cung cấp. Nếu đã từng tìm hiểu về rau mầm hẳn bạn sẽ biết đây là loại có giá trị cao nhất trong họ cải. Vượt lên cải ngọt, cải bẹ xanh, … cải bông xanh cung cấp 1 nguồn dinh dưỡng dồi dào chống ung thư, hạn chế sự lão hóa.

     Hướng dẫn trồng rau mầm cải bông xanh

  1. Mật độ khó khăn:  bông xanh có 1 yêu cầu vô cùng khắt khe về mật độ. Bạn không được gieo hạt quá khít mà cũng không quá xa. Khoảng cách tốt nhất giữa các hạt là 1-1.5mm. Để canh được khoảng cách này, bạn nên phủ 1 lớp khăn giấy ăn loại 2 lớp lên bề mặt giá thể. Giá thể cần được san phẳng, ếm nhẹ để hạn chế sự lồi lõm. Khi bạn rải hạt lên, bề mặt phẳng hạn chế hạt lăn vào nơi trũng. Sau đó bạn dùng tay di di để khoảng cách được như ý.
  2. Tưới tiêu hạn chế: với loại cải bông xanh, bạn cần tưới 1 ngày 3 lần để đủ mát cho cây mầm. Khi tưới bạn cần tưới viền xung quanh rổ nhiều hơn phần bên trong. Không tưới trực tiếp trên lá. Lượng nước tưới không nhiều như các loại mầm khác. Bạn có thể phun sương tầm 20 giây cho mỗi lần tưới. Ngoài ra, bạn có thể đậy kín rổ để hạn chế ánh sáng và sự thoát hơi nước. Điều này hạn chế số lần tưới. Đôi khi bạn k cần tưới trong 1-2 ngày vẫn không sao. Bạn chỉ tưới khi thấy bề mặt giá thể hơi khô. Trồng tối hoàn toàn trong 3-4 ngày để cây đạt độ cao lý tưởng 8-10cm. Sau đó thì mở miếng đậy, tưới lâu hơn chút vì bề mặt giá thể sẽ mau khô thoáng. Mở miếng đậy khi cây đạt chiều cao thì cây sẽ quang hợp và phát triển chiều cao. Lá xanh mỡ màng, thân non hơn do chồi vượt khi các tế bào còn non.
  3. Hoàn toàn không được chạm tay vào rau là cách trồng rau mầm cải bông xanh đúng. Vì cải bông xanh thuộc loại rau mầm nhỏ. Thân mảnh như sợi chỉ, chiều cao 8-10cm , lá hình cánh bướm ngang 1cm, dọc 1cm. Cực kỳ ngon, có mùi thơm nhẹ, thân mềm. Do quá mỏng manh nên khi trồng, mật độ thưa cây yếu không tự đứng được. Quá dày cây chen chút khiến nhiều hạt không nảy mầm được, dễ thối úng phần giữa khay. Trong suốt quá trình trồng bạn không được chạm tay vào rau vì rất dễ giập úng. Hạn chế tối đa việc di dời vì cây rất nhạy cảm với môi trường xung quanh.

Lưu ý: Cách trồng rau mầm cải bông xanh theo phương pháp này không có ngâm hay ủ hạt.

Một số loại cải khác có cách trồng tương tự như cải bẹ xanh, cải ngọt, xà lách…
Không dằn đè, hầu như cải bông xanh lên khá đồng đều.

Cần trồng trong khay cao 10cm trở lên để cây tựa vào thành rổ.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Ngộ độc dinh dưỡng trên cây trồng và biện pháp xử lí

1. Các dạng cây bị ngộ độc

  • Bị cháy phân: Tương tự như da người bị cháy do nắng, do tắm biển. Đây là dạng ngộ độc trực tiếp, cấp tính lên một bộ phận của cây mà có thể trên tổng thể với lượng phân đó thì chưa xảy ra dư thừa khiến cho cây bị ngộ độc.  Ví dụ, khi bị ngập nước thì rễ cây bị ngộp, đua nhau ngoi lên mặt đất để tìm kiếm oxy, khi nước rút đi nếu mình bón phân ngay thì phân tan ra và lớp rễ cám sẽ bị cháy, mặc dù lượng phân bón không nhiều.
  • Mất cân đối: Cây bị ngộ độc trong trường hợp lượng phân bón chưa dư nhưng do các chất sẽ ảnh hưởng lẫn nhau nên khi có mặt chất này sẽ gây thiếu chất kia. Ví dụ như với kali. Kali là yếu tố giúp cây chắc, ít sâu bệnh và cây cũng có thể hấp thu nhiều kali mà không bị nhiễm độc. Tuy nhiên khi nhiều kali thì sẽ ức chế khiến cho cây không hấp thu được canxi và manhê khiến cho cây có triệu chứng như bị ngộ độc.
  •  Ngộ độc thực sự: Là trường hợp bón quá nhiều so với nhu cầu và ngưỡng chịu đựng của cây. Ví dụ như nếu bón quá nhiều phân đạm thì sẽ làm cho lá cây bị vàng, rũ xuống.

2. Biện pháp xử lí

Trong cả 3 trường hợp trên, khi phát hiện được cần có những biện pháp xử lý ngay càng sớm càng tốt

  •  Đầu tiên, phải ngưng ngay việc bón phân và sau đó là dùng nước để rửa bớt. Với cây mọc dưới nước thì việc thay nước là giải pháp cần làm ngay. Với cây trồng cạn thì tưới nước sẽ làm cho phân bị loãng ra và trực di xuống tầng dưới.
  • Nếu bị ngộ độc bởi vi lượng thì có thể bón thêm vôi, lân. Việc bón thêm vôi hoặc lân sẽ làm cho pH tăng lên. Khi pH tăng thì sẽ làm giảm khả năng ảnh hưởng của vi lượng.
  • Việc bón phân hữu cơ cũng có tác dụng làm giảm tác dụng độc của việc dư thừa phân bón, bởi khi bón phân hữu cơ sẽ làm cho hệ đệm hoạt động hiệu quả hơn, nhất là nguồn hữu cơ từ phân trùn quế giúp nhanh chóng điều hoà pH đất.
  • Cây trồng cũng là sinh vật sống nên khi bị nhiễm độc thì sẽ có những phản vệ nhằm hạn chế nhiễm độc. Với người, phản xạ đầu tiên có thể là nôn, thì với cây chúng cũng sẽ được thải nhanh qua mép lá. Nếu kết hợp được khả năng tự vệ củacây với các giải pháp trợ giúp của con người thì việc nhiễm độc sẽ được giảm thiểu.

 

Biểu hiện của lá khi bị ngộ độc dinh dưỡng

Giải pháp tránh cho vườn cây bị ngộ độc tốt nhất là mỗi nhà nông phải tự trang bị kiến thức cho mình, hiểu nhu cầu dinh dưỡng của từng loại cây, từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của nó, cũng như phải cập nhật hàm lượng các chất có trong đất của ruộng nhà mình bằng các phân tích thổ nhưỡng chuyên ngành làm sao sử dụng phân bón vừa đủ, mang lại hiệu quả kinh tế cao và không lo cây trồng bị ngộ độc.

 

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam