Rau hữu cơ Định Trung khẳng định thế mạnh OCOP

Cây rau ở xã Định Trung (TP Vĩnh Yên) lúc đầu chỉ có một vài hộ làm theo kiểu tự cung tự cấp. Dần dà, đây là hướng đi mới để phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Địa phương đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, quy hoạch vùng trồng rau. Phối hợp với ngành NN-PTNT tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, hỗ trợ giống, vốn, VTNN và bao tiêu một phần rau xanh cho nông dân…


Để rau Định Trung có đầu ra ổn định, khẳng định được chỗ đứng, với sự giúp đỡ của các cấp, ngành năm 2012, “Liên kết nhóm” trồng rau an toàn, theo hướng hữu cơ được hình thành. Ban đầu có 19 hộ tham gia với 1,5ha. Công ty CP XNK&SX nông sản sạch VietGarden trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu 50% sản phẩm.

Tháng 5/2017, HTX SX và TM Định Trung (HTX rau hữu cơ Vĩnh Phúc) thành lập với 25 hội viên, là những nông dân trồng rau hữu cơ tại xã Định Trung. HTX hợp tác với các DN, nhằm liên kết, hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy trình SX rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS, giám sát SX để có những sản phẩm đạt VSATTP, từng bước hỗ trợ SX và tiêu thụ rau hữu cơ cho bà con với giá cao hơn, hoặc ít nhất bằng giá thị trường.

Chia sẻ về kỹ thuật trồng rau hữu cơ, bà Nguyễn Thị Hương Hồi, PGĐ kỹ thuật HTX cho biết, để rau, củ, quả hữu cơ, an toàn, bà con tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc “5 không”, gồm không dùng phân hóa học; không dùng chất biến đổi gen; không dùng chất kích thích sinh trưởng để phun, tưới; không dùng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu.

Thay vào đó, bà con dùng ớt, tỏi, gừng giã nhuyễn ngâm với rượu rồi phun lên rau hoặc dùng phương pháp dẫn dụ bắt thủ công. Để bổ sung dinh dưỡng cho cây thì dùng đu đủ chín, mướp đắng, chuối chín, cá trộn với đường (mùa đông 21 ngày, mùa hè 15 ngày) sau đó lọc lấy nước phun. Hiện tại HTX có 3 ha đang SX tại cánh đồng Đường Hiên, mỗi ngày làm ra từ 400 – 800kg rau, củ, quả…

Còn theo bà Hoàng Thị Tám, PGĐ HTX phụ trách thị trường, hiện tại rau HTX đã được tiêu thụ rộng rãi, tại nhiều của hàng và công ty như: Công ty CP XNK&SX nông sản sạch VietGarden (Hà Nội), Cửa hàng thực phẩm sạch Bảo Phúc, Cửa hàng thực phẩm sạch Tĩnh Liên (khu chung cư Vinaconex Xuân Mai, phường Liên Bảo), Thực phẩm sạch T-Food (Trần Phú, Liên Bảo), Sông Hồng thủ đô… Tuy nhiên lượng tiêu thụ qua HTX chỉ đạt 40 – 50%, còn lại các hộ vẫn phải tự lo đầu ra.

Vừa tranh thủ chăm sóc ruộng bắp cải, bà Trịnh Thị Vinh ở thôn Đậu, xã Định Trung, xã viên HTX rau hữu cơ Vĩnh Phúc cho biết: “Gia đình tôi có 3 sào bắp cải, su hào, cà chua theo hướng hữu cơ. Với 1 sào bắp cải trên 1.000 cây, trồng 2,5 đến 3 tháng cho thu hoạch, giá hiện tại 10.000 đồng/cây, trừ chi phí cũng thu được 7 triệu/đợt/sào. Tuy nhiên giá còn bấp bênh, như tầm này năm trước, mỗi cây bắp cải chỉ 2.000- 3.000 đồng, phải bán tống, bán tháo hoặc chặt cho bò, lợn, cá ăn”.

Còn theo chị Nguyễn Thị Hải ở thôn Gò, gia đình chị có 2 sào trồng rau, khi chưa thành lập HTX thì rau làm ra khó tiêu thụ, giá trị không cao. Khi vào HTX, các xã viên cùng chịu trách nhiệm nên chất lượng rau nâng lên, thu nhập tăng theo, bình quân 1 sào khoảng 30 – 35 triệu đồng/năm, cao hơn cây trồng khác. Tuy nhiên lượng tiêu thụ qua HTX còn thấp, hộ gia đình vẫn phải tự lo đầu ra 50% sản phẩm.

Với phương châm “Sạch từ tâm, ngon xứng tầm”, chị Đặng Thị Bảo Yến, chủ cửa hàng thực phẩm Bảo Phúc (khu chung cư Vinaconex Xuân Mai, phường Liên Bảo) cho biết, hàng ngày của hàng tiêu thụ trực tiếp khoảng 80kg rau, củ, quả của HTX. Ngoài bán trực tiếp, cửa hàng còn nhận giao hàng tận nơi khách hàng yêu cầu.

Nhanh tay chọn cho mình những túi rau tươi ngon mang nhãn hiệu HTX rau hữu cơ Vĩnh Phúc, chị Phan Thị Minh Thu ở khu 10, phường Liên Bảo tâm sự: “Tôi thường xuyên mua rau cửa hàng Bảo Phúc vì rau ở đây tươi ngon, sạch, được chứng nhận đảm bảo VSATTP, hơn nữa giá cả hợp lý”.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Quy trình sản xuất rau bắp cải an toàn

An toàn thực phẩm là một vấn đề nhức nhối và được xã hội quan tâm. Xu hướng càng ngày càng có nhiều người tìm đến nguồn rau sạch, an toàn cho sức khỏe.

Khác với sản xuất rau thông thường, sản xuất rau an toàn (RAT) đòi hỏi yêu cầu khắt khe trong cả quá trình sản xuất. Ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn về đất trồng, nước tưới, khâu giám sát đầu vào, quy trình gieo trồng chăm sóc, đến khâu thu hoạch tiêu thụ sản phẩm đều phải đảm bảo theo các tiêu chuẩn quy định, vi vậy đòi hỏi phải có một mô hình trồng RAT thích hợp mới đảm bảo được các tiêu chuẩn quy định.

 1. Điều kiện sản xuất rau an toàn:

  • Chọn đất không bị ô nhiễm, không chịu ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, bệnh viện và các nguồn ô nhiễm khác.
  • Nguồn nước tưới là nước sạch: nước sông có dòng chảy luân chuyển không bị ô nhiễm hoặc nước giếng khoan sạch.
  • Không sử dụng phân chuồng tươi hoặc nước phân tươi để bón hoặc tưới.
  • Thu hoạch đảm bảo thời gian cách ly sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật.

2. Qui trình sản xuất:

2.1. Thời vụ :

  • Các tỉnh phía Bắc có 3 thời vụ:

– Vụ sớm: Gieo hạt vào tháng 7, trồng tháng 8.
– Vụ chính: Gieo hạt tháng 8, trồng tháng 9.
– Vụ muộn: Gieo hạt tháng 11, trồng tháng 12.

  • Các tỉnh phía Nam, gieo tháng 10, trồng tháng 11.

2.2. Vườn ươm và yêu cầu kỹ thuật:

  • Đất vườn ươm: chọn đất thịt nhẹ, cao, dễ thoát nước. Tiến hành dọn sạch cỏ dại, làm đất kỹ. Lên luống cao 25 cm, rộng 0,8 – 1m, rãnh rộng 25 cm.
  • Bón lót phân: Mỗi ha bón 20 – 25 tấn phân chuồng mục và 10 – 15 kg phân lân super, phân rải đều khắp mặt luống, dùng cào đảo đều trộn lẫn phân với đất. Vét đất ở rãnh lấp phủ lên mặt luống một lớp đất dày 1,5 – 2 cm.
  • Lượng hạt giống: hạt giống có tỷ lệ nảy mầm > 85%, gieo 0,28 – 0,30 kg hạt và thu được 3 – 4 vạn cây đủ trồng cho 1 ha. Lượng hạt gieo 1,5 – 2,0g/m2.
  • Gieo hạt: Gieo hạt xong cào nhẹ hoặc dùng tay xoa nhẹ, đều trên mặt luống cho đất phủ kín hạt. Dùng trấu phủ kín mặt luống, tưới nước đủ ẩm.

  • Tưới nước: Sau khi gieo hạt phải tưới nước liên tục 3 – 5 ngày đầu, 1 – 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Khi hạt đã nảy mầm ngừng tưới 1 – 2 ngày, sau đó cách 1 ngày tưới 1 lần. Trước khi nhổ cây đem trồng, ngừng tưới nước 3 – 4 ngày để luyện cây con. Trước khi nhổ cây trồng phải tưới nước trước 4 – 5 giờ để khi nhổ cây không bị đứt rễ.
  • Bón phân thúc: Sau khi cây có 2 lá thật dùng phân chuồng ủ mục ngâm nước pha loãng tưới cho cây con (lượng phân 1,5 – 2,0 tấn/ha).
  • Tỉa cây: Khi cây có 1 lá thật thì tỉa lần 1 ở những chỗ cây quá dày. Khi cây có 3 lá thật tỉa lần 2, để cây cách cây 5 – 6 cm.
  • Tiêu chuẩn cây giống tốt: cây con 25 – 30 ngày tuổi, có 5 – 6 lá thật, phiến lá tròn, đốt sít, mập, lùn.

2.3. Làm đất, trồng, chăm sóc bắp cải:

  • Yêu cầu đất trồng: Đất tơi nhỏ, sạch cỏ; luống rộng 100 – 120 cm, cao 15 – 20 cm, rãnh luống 20 – 30 cm. Vụ sớm, làm mặt luống mui luyện để thoát nước. Vụ chính và vụ muộn, làm luống phẳng.
  • Mật độ trồng: Cây trồng hai hàng kiểu nanh sấu.
    – Vụ sớm: mật độ 33.000 – 35.000 cây/ha, khoảng cách 60 x 40 cm.
    – Vụ chính và vụ muộn: mật độ 27.000 – 30.000 cây/ha, khoảng cách 60 x 50 cm.
  • Lượng phân và cách bón:
    – Lượng phân bón cho 1ha: 20 – 25 tấn phân chuồng hoai mục, 350 – 400 kg super lân, 300 kg đạm urê, 200 kg phân kali.
    – Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, phân lân. Rạch hai hàng trên mặt luống bón phân, sau đó lấp đất hoặc bón theo hốc trồng cây.
    – Bón thúc lần 1: Thời kỳ hồi xanh, sau trồng 7 – 10 ngày, bón 70 kg urê và 60 kg kali sunfat hoà tưới vào gốc kết hợp xới vun làm cỏ vét rãnh.
    – Bón thúc lần 2: Thời kỳ trải lá bàng, sau trồng 20 – 25 ngày, bón 150 kg urê và 80 kg kali sunfat, bón cách gốc 20 cm kết hợp xới xáo làm cỏ lấp phân.
    – Bón thúc lần 3: Thời kỳ cuốn bắp, sau trồng 30 – 35 ngày, bón nốt lượng phân còn lại, có thể bón vào gốc hoặc hòa nước tưới.

Chú ý: Trước khi thu hoạch 30 ngày ngừng bón phân đạm.

  • Tưới nước: Sau khi trồng, tưới đủ ẩm vào buổi sáng và chiều mát cho đến khi cây hồi xanh. Sau khi vun, bón thúc đợt 1 và 2, tưới rãnh cho nước ngấm 2/3 rãnh, sau đó tháo hết nước.

  • Bảo vệ thực vật: Thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM).
    – Trước khi trồng cây phải vệ sinh đồng ruộng, cày lật đất sớm để diệt nguồn sâu non và nhộng của các loại sâu khoang, sâu xám, sâu xanh.
    – Có thể trồng xen với cà chua hoặc hành tỏi để giảm mật độ sâu tơ.
    – Luân canh với lúa nước (2 vụ lúa và 1 vụ rau), nếu ở vùng chuyên canh rau nên luân canh với cây họ đậu, họ cà và họ bầu bí để tránh bệnh sương mai và thối nhũn.
    – Trước khi trồng cây: xử lý đất bằng thuốc hạt Basudin với liều lượng 25 kg/ha; xử lý cây giống bằng dung dịch thuốc Sherpa 20EC nồng độ 0,1% hoặc Regent 800 WG nồng độ 1g/10 lít nước, trong 5 – 10 giây rồi vớt ra để khô nước mới đem trồng.
    – Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu xám, giết các ổ trứng sâu khoang, sâu xanh.
    – Nếu có nhiều sâu tơ và rệp, sử dụng luân phiên giữa các nhóm thuốc: thuốc sinh học (BT, Delfin 32 BIU, Dipel 3.2WP, Aztron 700 DBMU, Xentari 35 WDG…); thuốc hoá học (Sherpa 20 EC, Atabrron 5EC, Regent 800WG, Pegasus 500SC) và thảo mộc (HCĐ 95 BTN, Rotenone, Nembon A-EC, Nimbecidin 0,03EC…) để tránh sự quen thuốc của sâu. Khi xuất hiện các bệnh sương mai, thối nhũn, nhổ bỏ cây bị bệnh, vệ sinh đồng ruộng tránh lây lan.


– Ngừng phun thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch 20 ngày.

2.4. Thu hoạch và bảo quản:

– Thu hoạch khi bắp cuốn chắc, khối lượng trung bình 1 – 2,5 kg/cây, tuỳ theo giống, đủ độ tuổi sinh trưởng. Loại bỏ lá già, lá ngoài, lá giập nát, không ngâm nước.
– Cải bắp bảo quản nhiệt độ 0 – 2 độ C, độ ẩm 92 – 95% trong thời gian 4 – 8 ngày.

Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia