Bí quyết vươn lên làm giàu từ sầu riêng

Những vụ sầu riêng gần đây, nhiều nông hộ được mùa, trúng giá, tiêu thụ nhanh gấp nhiều lần so với trước.

Nhân viên của Syngenta hướng dẫn kỹ thuật canh tác và cách quản lý sâu bệnh hại sầu riêng.

Thời tiết khá thuận lợi cộng với việc bà con đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, bón phân cân đối kèm theo một số bí quyết trị sâu bệnh nên cây sầu riêng phát triển, cho năng suất cao. Đã có khá nhiều hộ khá lên nhờ loại cây trồng đặc sản này.

Niềm vui chung từ… sầu riêng

Gia đình ông Trần Hữu Phong ở Mỹ Vĩnh, Cai Lậy, Tiền Giang trước đây trồng màu trên đất vườn tạp, thu nhập rất bấp bênh. Gần 20 năm trước, ông Phong chuyển sang trồng sầu riêng và đến giờ, ông vẫn thấy đây là sự thay đổi cây trồng hợp lý. Nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên diện tích sầu riêng Ri6, Monthong của gia đình ông Phong cho năng suất bình quân 2,5-3 tấn/công (1.000m2). Đặc biệt, quả sầu riêng có gai đều, đầy hộc rất được thương lái ưa chuộng.

Với giá bán như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông Phong thu lãi hàng trăm triệu đồng. Từ một hộ khó khăn, gia đình ông Phong đã vươn lên có thu nhập khá, có điều kiện cho con cái ăn học đàng hoàng.

Niềm vui của ông Phong cũng là niềm vui chung của nhiều bà con nông dân trồng sầu riêng ở Tiền Giang, đặc biệt là nông dân vùng chuyên canh, khi loại trái cây đặc sản này mang lại cho bà con nguồn lợi kinh tế rất lớn.

Không chỉ ở Tiền Giang, đến thăm gia đình ông Phạm Văn Hoán ở xã Hòa Trung, huyện Di Linh, Lâm Đồng, ông Hoán dẫn chúng tôi đi thăm vườn cà phê trồng xen với sầu riêng gần 10 năm tuổi của mình.

Ông Hoán cho biết cà phê là cây ưa bóng, sầu riêng lại là cây có tán rộng, khi trồng xen canh với mật độ thích hợp sẽ có tác dụng hỗ trợ cho nhau. Sầu riêng không chỉ giúp che nắng mà còn tận dụng được lượng nước và phân dư thừa bón cho cây cà phê. Những vườn cà phê trồng dưới tán sầu riêng vẫn cho năng suất ổn định từ 5 – 5,5 tấn/ha.

Bắt đầu trồng sầu riêng từ năm 2012, đến nay ông Hoán đã có 300 cây sầu riêng, trong đó có 30 cây đang cho thu hoạch với năng suất trung bình 200kg/1 cây, tương đương 18-20 tấn/ha. Hằng năm, lợi nhuận thu được từ sầu riêng của gia đình ông Hoán khoảng 300 triệu đồng.

Ông Hoán nhận thấy việc trồng xen sầu riêng với cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây. Tuy nhiên, ông vẫn không trồng độc canh mà chỉ xen canh, mùa nào quả đấy.

Ông Hoán phấn khởi cho biết, không chỉ được mùa, được giá mà nông dân phấn khởi vì hiện thương lái đến tận vườn đặt cọc thu mua sầu riêng nên người ông hoàn toàn yên tâm về đầu ra cho sản phẩm.

Giống như những cây trồng khác, những nông hộ canh tác cây sầu riêng đều canh cánh nỗi lo sâu bệnh. Tuy tốc độ gây hại của bệnh không tức thời như đối với các cây trồng khác như cây tiêu hay cây cà phê, nhưng nếu không chú ý, thiệt hại do bệnh trên cây sầu riêng sẽ lớn hơn do loại cây này có thời gian phục hồi lâu hơn, tốn thời gian và công sức hơn.

Trên thực tế, để có được quả sầu riêng thơm ngọt, những người nông dân như ông Phong, ông Hoán phải dày công chăm chút, tỉ mỉ trong từng khâu để bắt đúng bệnh và phòng trị hiệu quả cho cây.

Bí quyết trị bệnh nằm ở đâu?

Theo ông Phong, lúc mới chuyển sang trồng sầu riêng, ông cũng phải đi học hỏi nhiều nơi, nhất là tại các hội thảo dành cho nông dân. Tại đây, ông được các kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn khá tỉ mỉ về quy trình, cách chăm sóc cây. Ông được biết trong số các bệnh trên cây sầu riêng, mối quan tâm của các nhà vườn là bệnh do nấm Phytophthora gây ra. Bệnh này gây ra tình trạng thối nứt thân xì mủ và đặc biệt là thối rễ. Nấm phát triển và lây lan mạnh trong đất làm cho bộ rễ bị hư hại, làm giảm khả năng hấp thu nước và chất dinh dưỡng dẫn đến hiện tượng nứt thân xì mủ, có thể gây chết cây hàng loạt.

Cũng nhờ có các chuyên gia nông nghiệp, ông mới biết một trong những tác nhân làm trung gian lây lan bệnh trên cây sầu riêng chính là tuyến trùng. Triệu chứng khi bị tuyến trùng gây hại là rễ cây có nhiều vết sưng hoặc vết thương, khi đó, nấm Phytophthora sẽ “lần theo” nhưng vết thương này để tấn công làm thối rễ, dẫn đến giảm hay mất khả năng hấp thu, khiến cây vàng lá, thiếu dinh dưỡng và chết dần, đặc biệt là bệnh có thể gây hại cả cây con.

Trên thực tế, tuyến trùng luôn hiện diện trên đất trồng, khó lòng diệt trừ triệt để. Nếu muốn tránh nấm Phytophthora lây lan qua con đường tuyến trùng, nhà vườn cần đồng thời áp dụng nhiều biện pháp.

Ông Phong cho biết: Đầu tiên, phải chú ý khâu chọn giống sạch nấm bệnh, làm đất kỹ, thiết kế hệ thống cấp và thoát nước hợp lý, tránh ngập úng, tăng cường bón phân hữu cơ và vôi bột hàng năm, quản lý cỏ dại… Nếu đã làm tốt những khâu này thì nguy cơ bệnh hại là rất thấp. Tuy nhiên, một khi bệnh xuất hiện thì lúc đó phải dùng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật để diệt trừ nấm và tuyến trùng.

Ông Phong kể: “Lúc đầu tôi cũng không biết bí quyết gì đâu. Một lần tham dự khóa tập huấn cho nông dân trong hợp tác xã, tôi may mắn được một chuyên gia của Syngenta bày cho sử dụng Tervigo 020 SC tưới gốc để trị tuyến trùng trên cây sầu riêng. Tôi đã từng nghe là Tervigo 020SC có hiệu quả đối với cà phê, hồ tiêu, thanh long… nhưng không ngờ, với cây sầu riêng, hiệu quả cũng rõ rệt luôn. Tôi được biết là tuyến trùng thường chỉ xâm nhập ở tầng đất mặt từ 0-20cm và cũng là nơi mà rễ tơ của cây sầu riêng phát triển mạnh, gặp Tervigo, tuyến trùng đúng là gặp khắc tinh luôn đó”.

Tervigo là sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, với hoạt chất Abamectin, đặc trị tuyến trùng, khi tưới gốc sầu riêng kèm theo loại thuốc trừ nấm đặc hiệu sẽ giúp ngăn ngừa thối sưng rễ và vàng lá. Do được sản xuất bằng công nghệ huyền phù đậm đặc nên khi tưới vào đất Tervigo sẽ được duy trì quanh vùng rễ, nhờ đó hiệu lực trừ tuyến trùng kéo dài, giúp tiết kiệm chi phí, tối ưu hiệu quả đầu tư.

“Nhiều người cứ hỏi tôi bí quyết khiến cây sầu riêng khỏe, xanh mướt. Thực ra do Tervigo được sản xuất theo công nghệ Chelate sắt, nên ngoài khả năng diệt tuyến trùng hiệu quả sản phẩm còn cung cấp thêm vi lượng sắt cho cây, đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc tổng hợp nên diệp lục tố, gián tiếp kích thích cây trồng ra rễ mạnh hơn sau khi được tưới vào vùng rễ. Đây là lý do vì sao mà sau khi tưới Tervigo, cây sầu riêng khỏe, xanh lá, ra nhiều rễ non,cuối cùng là vườn sầu riêng cho năng suất cao”, ông Phong nói.

“Qua kinh nghiệm sử dụng thực tế, tôi nhận thấy Tervigo ít ảnh hưởng đến giun và các vi sinh vật đất, do vậy rất yên tâm sử dụng. Thực ra bí quyết của tôi chỉ có vậy thôi, rất đơn giản và ai cũng có thể áp dụng được”, ông Phong cười.

Còn theo ông Hoán, khi thực hiện mô hình trồng xen cây cà phê và sầu riêng, ông được tư vấn kỹ thuật và cách quản lý sâu bệnh hại trên cà phê và sầu riêng rất tỉ mỉ.

“Lúc mới trồng, một số cây cứ vàng lá, rồi cây con cứ phát triển được một thời gian là chết yểu, tôi cũng lo lắm. Sau mới biết thủ phạm là nấm, mà tác nhân trung gian là tuyến trùng nên tôi đã sử dụng ngay sản phẩm Tervigo kết hợp với thuốc trừ nấm. Các kỹ sư của Syngenta đã hướng dẫn tỉ mỉ cho tôi quy trình canh tác, đặc biệt là hướng dẫn cách sử dụng thuốc BVTV tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng, đảm bảo an toàn cho sức khỏe nông dân cũng như cây trồng, tránh dư lượng trên sản phẩm,” ông Hoán nói.

Ông Nguyễn Huy Cường – đại diện Công ty Syngenta cho biết hiện đang bước vào đầu mùa mưa, ẩm, thời điểm dễ phát sinh các dịch bệnh trên cây trồng. Nếu không chăm sóc sầu riêng hợp lý, dịch bệnh có thể bùng phát làm ảnh hưởng lớn đến năng suất.

Để cây sầu riêng cho năng suất, chất lượng cao bà con cần áp dụng đồng thời nhiều biện pháp trồng và chăm sóc khác nhau, cải tạo đất canh tác tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho cây sầu riêng phát triển.

Để hạn chế nấm Phytophthora palmivora lây lan, bà con cần thăm vườn thường xuyên để phát hiện nấm bệnh, chú ý vệ sinh vườn thường xuyên, sử dụng thuốc BVTV đúng liều lượng.

“Không riêng gì với cây sầu riêng, Syngenta mong muốn hỗ trợ bà con chăm sóc tất cả các loại cây trồng thông qua các sản phẩm hiệu quả, chi phí hợp lý, cho năng suất cao. Sự tin tưởng của bà con khi lựa chọn sản phẩm của Syngenta Việt Nam chính là thước đo cho những thành quả mà chúng tôi đạt được trong suốt thời gian qua. Chúng tôi mong bà con trồng sầu ai cũng giàu, mà không ai rầu cả”, ông Cường nhấn mạnh.

Nguồn: nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Khắc phục bệnh thối gốc xì mủ trên cây Sầu Riêng

Sầu riêng là cây cho giá trị kinh tế cao, tuy nhiên, nhà vườn trồng sầu riêng luôn đối mặt với bệnh thối gốc xì mủ – loại bệnh hại nguy hiểm nhất có thể làm cây chết hàng loạt. Là nông dân có kinh nghiệm trồng sầu riêng gần 20 năm, với bao phen thăng trầm vì bệnh và thất mùa, anh Lê Văn Hiền (ấp Sơn Lân, xã Sơn Định, huyện Chợ Lách, Bến Tre) nắm được “bài thuốc” phòng trị bệnh thối gốc xì mủ, phục hồi lại vườn sầu riêng, được nông dân trong và ngoài tỉnh biết đến như “bác sĩ cây trồng”, “kỹ sư chân đất”.

Bệnh xì mủ ở thân là bệnh thường xuyên gặp ở sầu riêng

Anh Hiền cho biết, cây cũng giống như người, khi đề kháng kém thì bệnh dễ tấn công. Những cây sầu riêng bệnh thường do bón phân không cân đối, bón nhiều phân hóa học… Bệnh thối gốc xì mủ chủ yếu là do nấm Phytophthora gây ra, loại nấm này phát triển tháng mưa, khi vừa chuyển sang mùa khô, trời lạnh thì bệnh xuất hiện trên thân. Cây sầu riêng rất nhạy cảm với thời tiết, gặp yếu tố bất lợi thì bệnh phát triển rất nhanh. Vì vậy, để phòng bệnh xì mủ, theo anh Hiền, thì nông dân phải áp dụng quy trình canh tác bền vững, mô đất trồng cao ráo, bón nhiều phân hữu cơ… Khi cây bị bệnh xì mủ, tùy mức độ nặng nhẹ mà áp dụng cách điều trị.

Anh Hiền chia sẻ “bí quyết”, cây bệnh như cơ thể yếu nên vừa cho uống thuốc vừa cung cấp dinh dưỡng thì cây nhanh hết hơn nếu chỉ sử dụng thuốc trị bệnh. Vì vậy, kinh nghiệm của anh là điều trị song song. Bài thuốc anh chọn đó là sử dụng phân hữu cơ Vina Super Humate (Công ty TNHH Hoàng Đại) kết hợp với loại thuốc trị bệnh phổ thông trên thị trường. Pha chung hai loại với nhau rồi phun 2 lần, mỗi lần cách nhau 5 ngày.

Khi cây đứng bệnh thì tiếp tục phun Vina Super Humate kết hợp tưới gốc 7 ngày/lần cây sẽ phục hồi nhanh chóng. Với những vườn sầu riêng suy yếu, để phòng ngừa bệnh, trước khi xử lý ra hoa 20 – 30 ngày thì pha Vina Super Humate với thuốc trừ bệnh xử lý một lần.

Ngoài khả năng phục hồi, phân hữu cơ Vina Super Humate còn được anh Hiền áp dụng tăng sức cho cây và “giải độc” chất Paclobutrazol (dùng xử lý ra hoa trên sầu riêng). Anh Hiền cho biết, Paclo gây ức chế để cây sầu riêng ra hoa nhưng để lại hậu quả nặng nề, nếu không “giải độc” kịp thời, vườn cây có nguy cơ suy kiệt nhanh và chết dần chỉ sau vài mùa xử lý. Cách tốt nhất là phải “giải” chất độc tồn dư, trong đó phân hữu cơ Vina Super Humate được xem là giải pháp rất hữu hiệu. Sau khi xử lý cây hoa xong thì sử dụng phân này tưới gốc kết hợp phun lá.

Sau khi xử lý cây hoa xong thì sử dụng phân bón tưới gốc kết hợp phun lá để đạt kết quả tốt nhất cho sầu riêng

 

Anh Hiền có khả năng nhìn cây chẩn đoán bệnh, cũng như khuyến cáo nông dân sử dụng phân, thuốc gì để điều trị cho cây hiệu quả. Nhờ vậy mà nông dân trong vùng hay gọi anh là “bác sĩ sầu riêng”, “kỹ sư chân đất”. Người khề khà đậm chất nông dân Nam bộ, anh Hiền chia sẻ: “Có người kêu tui là thầy trị bệnh sầu riêng cho vui vì tui “mê” cây sầu riêng, gắn bó gần 20 năm nên ít nhiều hiểu được “tính nết” của nó. Từ thất bại mà nên, ngày đầu trồng sầu riêng khổ lắm, trồng chết hoài. Mỗi sáng sớm lấy xe đạp không thắng chạy hàng chục cây số học cách trồng sầu riêng. Đến khi mòn mấy đôi dép (dùng dép để thắng xe) thì mới biết chút ít về nó”. Rồi anh không ngại khó tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nhiều nơi, học về bệnh cây, sinh lý cây…

Thấm nhuần từng bài học, chẩn đoán bệnh cây như kỹ sư nhưng ít ai biết rằng, anh Lê Văn Hiền… một chữ bẻ đôi cũng không biết. Để học và hiểu được rành, anh nhờ vợ và con trợ giúp đọc cho anh nghe thành phần của phân, thuốc, tài liệu về cây sầu riêng. Trí nhớ tốt và khả năng nhận biết nhanh nhạy nên anh hiểu và thực hành rất nhanh.

Anh thử nghiệm nhiều loại phân, thuốc và cuối cùng chọn Vina Super Humate như giải pháp đồng hành cùng cây sầu riêng. Hiểu được nỗi khổ người trồng sầu riêng nên anh Hiền sẵn sàng đem kinh nghiệm của mình chia sẻ cho nông dân bất cứ đâu. Nhiều người trồng sầu riêng ở tỉnh khác như Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long… ngỏ ý nhờ, anh đều nhận lời đến tận vườn giúp. Niềm vui lớn của anh chính là nhìn thấy nhiều vườn sầu riêng xì mủ được phục hồi, vườn cây suy kiệt mất mùa được xanh tốt trở lại và cho năng suất gấp đôi.

Theo 2lua.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Lão nông U80 tuổi và bí quyết trồng Sầu Riêng thu 4 – 5 triệu/cây

Dù đã bước sang cái tuổi gần đất xa trời, nhưng ông Trương Văn Một, ở khu dân cư Ruộng Vỡ, thôn Khánh Giang, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) vẫn bám vùng đất núi để trồng sầu riêng giống Thái Lan hạt lép, cơm vàng.

Vườn sầu riêng hạt lép sai quả của ông Một

Nguồn: baoquangngai.vn

Một tháng nay, vườn sầu riêng của ông Một vào đợt thu hoạch rộ.  Rảo bước dưới vườn sầu riêng trĩu quả của ông Một, tôi cứ nghĩ đang lạc vào vườn cây trái ở Nam Bộ. Đây là vườn sầu riêng duy nhất ở nơi xa xôi hẻo lánh này.

Ông Một kể, để có được vườn sầu riêng này, ông phải kiên trì bỏ ra nhiều công sức. Sau ngày đất nước thống nhất, trong một lần vào miền Nam thăm người thân thấy bà con ở đây trồng sầu riêng bạt ngàn, ăn vào có mùi vị thơm ngon, ông mang về 2 cây trồng thử và nhận thấy thổ nhưỡng và khí hậu khá phù hợp.

Nuôi ý định mở rộng vườn cây ăn quả, nhưng vì điều kiện kinh tế khi ấy còn khó khăn nên ông khăn gói vào Nam lập nghiệp trong một thời gian dài. Khi con cái đã yên bề gia thất ông về lại chốn quê.

Khát vọng làm giàu chưa bao giờ tắt dù đã bước sang tuổi xế chiều, nhìn thấy 2 cây sầu riêng trồng đã mấy chục năm, năm nào cũng trĩu quả, chất lượng thì không chê vào đâu được, ông Một đã đưa ra quyết định táo bạo là nhân rộng vườn sầu riêng.

Năm 2010, ông Một mạnh dạn vay 10 triệu đồng rồi lặn lội vào tận Bình Phước mua 140 cây sầu riêng giống Thái Lan hạt lép, cơm vàng về trồng trên 2 sào đất nằm sát mép sông Phước Giang. Trải qua vài trận lụt, số lượng sầu riêng gãy đổ, chết dần, giờ chỉ còn 100 cây.

Cùng với sầu riêng, ông còn trồng thử nghiệm vài cây chôm chôm, măng cụt. Với kinh nghiệm đúc kết được trong thời gian lập nghiệp ở miền Nam, ông Một đã không gặp khó khăn khi chăm sóc vườn cây ăn quả của mình.

“Không sử dụng phân hóa học, tận dụng tối đa nguồn phân trâu, bò, không tốn nhiều chi phí đầu tư mà còn giúp cây sinh trưởng khỏe, ít sâu bệnh, tỷ lệ đậu trái rất cao”- ông Một tiết lộ.

Đất không phụ công người, năm thứ 4 vườn sầu riêng bắt đầu cho lứa quả bói đầu tiên, trái to, cơm vàng và ngọt lịm không kém gì sầu riêng ở Nam Bộ và Tây Nguyên. Năm thứ 6, vườn sầu riêng cho trái đều và tăng dần khi cây có thêm nhánh, tán rộng, chất lượng quả thơm ngon.

Quả to, chất lượng không thua kém gì sầu riêng Tây Nguyên và Nam Bộ

Từ đó đến nay, vườn sầu riêng trở thành cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu chính cho gia đình. Tỷ lệ đậu quả rất cao, nhưng ông chỉ để lại mỗi cây khoảng 20 trái, mỗi trái có trọng lượng từ 2 đến – 4kg.

Ông Một nhẩm tính, 1 cây sầu riêng cho thu nhập 1 năm 4 – 5 triệu đồng, cao gấp 5 lần lúa. Với giá bán tại vườn 50.000 đồng/kg ngày thường, ngày tết giá tăng lên gấp đôi, mỗi năm kiếm được cả trăm triệu đồng.

Chủ nhân của vườn sầu riêng đúc kết: Chất lượng của sầu riêng của ông với sầu riêng trồng ở đất Nam Bộ và Tây Nguyên là như nhau, nhưng tuổi thọ thì hơn hẳn, nhờ ông sử dụng phân bón là phân chuồng chứ không lạm dụng nhiều phân hóa học.

Minh chứng là các vườn cây sầu riêng ở Nam Bộ trồng 30 năm đã suy, chặt bỏ, còn 2 cây sầu riêng ông trồng đã 40 năm vẫn xanh tốt, năng suất cao.

Xác định trồng sầu riêng sạch để phục vụ thị trường nên ông Một chỉ thu hoạch khi trái chín rụng xuống đất, không thu hoạch đại trà. Trong khi các loại trái cây khác giảm giá vào mùa thu hoạch rộ thì sầu riêng của ông vẫn không lo ế hàng, thu hoạch bao nhiêu, thương lái cũng thu mua với giá 50.000 đồng/kg bán tại vườn.

Chất lượng sầu riêng của vườn ông Một được đánh giá thuộc hàng thơm ngon đặc biệt. Hiệu quả từ cây sầu riêng trên vùng đất dốc mang lại cao gấp vài chục lần so với các loại cây trồng khác. Từ thành công này, ông Một đang chặt bỏ diện tích trồng cây keo, cây mì trong vườn nhà để mở rộng diện tích sầu riêng lên đến 1ha.

Nguồn: Theo danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Trồng Sầu Riêng thu 500 triệu đồng/năm

Năm nay, cây cho thu hoạch khoảng 14 tấn trái, với giá bán dao động từ 35.000 – 40.000đ/kg như hiện nay thì thu nhập của ông khoảng 500 triệu đồng.

Về ấp Trường Đông A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) hỏi thăm ông Dương Văn Thức, bà con ai cũng hết lời khen ngợi và thán phục ông – một khuyến nông viên gương mẫu, một nông dân cần cù chịu khó, trồng sầu riêng trúng mùa trúng giá liên tục, mỗi năm thu nhập hơn 500 triệu đồng.

Vườn nhà ông Thức trồng chuyên canh sầu riêng giống  Ri-6 trên diện tích gần 1ha với độ tuổi cây trên 16 năm, có cây to đến một người lớn ôm không giáp. Năm nay, cây cho thu hoạch khoảng 14 tấn trái, với giá bán dao động từ 35.000 – 40.000đ/kg như hiện nay thì thu nhập của ông khoảng 500 triệu đồng. Điều ngạc nhiên là chi phí chăm sóc vườn cây trái của ông rất ít, chỉ khoảng 30 triệu.

Ông Thức chăm sóc sầu riêng tại vườn nhà

Ông Thức chia sẻ: Việc tiết kiệm được chi phí vật tư đầu vào là do ông đã nắm được các nguyên tắc xử lý và chăm sóc cây trong từng thời kỳ cây sinh trưởng cũng như  xử lý ra hoa, kết quả đến thu hoạch. Mỗi giai đoạn của cây ông sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV thích hợp và đúng liều lượng…

Hỏi về nguyên nhân chọn cây sầu riêng để trồng chuyên canh, ông nói khi bắt đầu làm vườn ông trồng xen canh, đa canh nhiều loại cây nhưng không mang lại hiệu quả. Cuối cùng ông chọn giống sầu riêng giống Ri-6 làm cây chủ lực.

Ông Thức nói: Sầu riêng cây dễ trồng, ăn được nhiều năm, cho trái năng suất khá, nhẹ công chăm sóc, ít sâu bệnh, giá cả tương đối ổn định… Vì vậy cả chục công vườn chỉ một mình ông làm mà không phải thuê lao động. Ngoài công việc SX, ông còn là một cán bộ khuyến nông của xã phải thường xuyên tập huấn cho nông dân.

Hỏi về bí quyết để sầu riêng trúng mùa, ông cho biết, ngoài nắm vững các nguyên tắc và thời kỳ sinh trưởng của cây thì khâu xử lý ra là điều quan trọng quyết định số lượng và chất lượng của trái. Trước tiên phải xử lý ra lá trước, đợi cho đọt ra lá hai cơi thì mới xử lý ra hoa.

Nếu hai cơi mà lá còn chưa đủ thì đợi thêm cơi thứ ba mới xử lý. Vì lá đủ dày, khỏe mới quang hợp tốt, nuôi trái mới chất lượng. Song song đó bón thêm phân lân giúp cây tạo mầm, gốc cây bổ sung thêm kali, chất điều hòa sinh trưởng. Khi ra hoa thì phun thuốc trừ các loại sâu hại, giai đoạn kết trái bón NPK 15-15-15, ure và kali nuôi trái, nuôi thân, giúp trái khỏe và cây không mất sức.

Bên cạnh đó yếu tố ra nhiều hoa cũng giúp cho cây có thể đậu nhiều trái, mới có thể giữ lại những trái đẹp, không sâu bệnh. Theo kinh nghiệm của ông, khoảng cách giữa các cây trồng từ 8 – 10m lý tưởng nhất, sẽ giúp cây nhận được nhiều ánh sáng, đẻ nhiều nhánh, tỷ lệ ra hoa sẽ cao hơn cây trồng dày.

Ông không xử lý cho cây ra hoa vụ nghịch (từ tháng 5 đến tháng 10) vì vụ này cây chỉ cho năng suất khoảng 70% so vụ thuận (từ tháng 1 đến tháng 5) và sản lượng thấp. Cây sẽ mất sức và vụ sau sẽ không cho năng suất cao.

Năm nay vườn sầu riêng của ông Thức trúng mùa và bán được giá

Với kinh nghiệm 17 năm trồng sầu riêng, ông Thức cho biết, thâm canh tốt năng suất sẽ tăng đều theo mỗi năm. Năm sau cao hơn năm trước. Năm 2016 nhà ông chỉ thu hoạch được khoảng 8 tấn/ha nhưng năm nay cao hơn gần gấp đôi và bán được giá.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt lại bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng Sầu Riêng hạt lép quả sai từ gốc lên ngọn

Kỹ thuật trồng cây Sầu riêng hạt lép mang lại hiệu quả kinh tế cao không phải là việc đơn giản bởi từ khi trồng cho tới lúc thu hoạch rất dài nên đòi hỏi người trồng phải miệt mài chăm sóc kỹ lưỡng.

Kỹ thuật trồng cây Sầu riêng hạt lép quả thực không hề đơn giản phải trải qua nhiều khâu kỹ thuật chọn lọc từ giống, chăm sóc, phòng bệnh cho tới việc tìm đầu ra cho sản phẩm khiến người trồng phải đau đầu. Tuy nhiên nếu biết cách áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng cây thì sự nghiệp làm giàu từ trái cây này lại không hề khó.

Thời vụ và nhiệt độ trồng cây Sầu riêng hạt lép

Sầu riêng hạt lép là một loại cây ưa khí hậu nóng và ẩm, có thể sống và phát triển tốt ở nhiệt độ từ 22 – 40C. Sầu riêng còn nhỏ ưa bóng râm, khi đã lớn mới chịu được nắng.

Chọn giống tốt là yếu tố chính đầu tiên trong trồng cây Sầu riêng lép

Chọn giống Sầu riêng hạt lép

Sầu riêng hạt lép có nhiều loại giống khác nhau như: Sầu riêng cơm vàng hạt lép, Sầu riêng sữa hạt lép, Sầu riêng khổ qua xanh dễ trồng, năng suất cao nhưng mỏng cơm, vị hơi đắng. Tùy từng điều kiện cũng như yêu cầu về khí hậu, đất, nước nên chọn giống cho phù hợp.

Đất trồng cây Sầu riêng

Cây Sầu riêng hạt lép có thể phát triển tốt trên đất thịt pha cát, thịt pha sét, giàu hữu cơ, tầng canh tác dày và thoát nước tốt. Đất trồng Sầu riêng phải đảm bảo chủ động trong việc tưới và tiêu nước trong mùa khô và thoát nước tốt trong mùa mưa.

Kỹ thuật trồng cây Sầu riêng hạt lép

Kỹ thuật trồng cây Sầu riêng hạt lép có thể được trồng theo phương pháp nhân giống bằng hột, tháp mắt, tháp cành, tháp đọt và chiết. Tuy nhiên việc trồng bằng hột vừa lâu vừa năng suất không cao nên thường người dân hay chọn phương pháp nhân giống vô tính hoặc bằng cây tháp và chiết.

Sau khi đã chuẩn bị hết dụng cụ, giống, hố trồng sẽ tiến hành đặt cây con vào hố, lấp đất lại vừa quá miệng bầu, ém đất xung quanh gốc rồi cắm cọc giữ chặt cây con, đậy mô bằng rơm rạ, cỏ khô để giữ ẩm. Ngay sau khi trồng cần che bớt ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào cây con. Một đặc điểm khá thuận lợi cho người trồng Sâu riêng hạt lép đó là chúng thụ phấn chéo nên trong một vườn trồng vài giống xen kẽ nhau để bổ sung nguồn phấn.

Cách chăm sóc Sầu riêng hạt lép

Chăm sóc Sầu riêng không khó nhưng đòi hỏi mất công sức, thời gian vì là cây rất lâu cho ra trái. Ở thời kỳ đầu khi cây còn nhỏ cần che mát. Khi cây phát triển qua 1 mùa khô hãy loại bỏ dần vật liệu che mát đi để cây tự phát triển và vươn cao theo hướng sáng.

Chăm sóc đúng kỹ thuật sầu riêng để có chất lượng quả tốt nhất

Bước sang giai đoạn cây con và những năm đầu khi cây đã cho trái mỗi năm nên tiến hành bón phân gà đã ủ hoai mục kết hợp với phân vô cơ hoặc phân đạm, phân lân đều được. Liều lượng tăng dần theo độ phát triển của cây. Việc làm này cần phải đều đặn qua các năm giúp cây có đủ chất dinh dưỡng để cho ra trái to, mọng, và sai trĩu cành.

Cách xử lý cây Sầu riêng hạt lép ra hoa

Việc xử lý cây ra hoa thích hợp nhất vào khoảng tháng 7 hoặc đầu tháng 8, 11. Các bước tiến hành khá đơn giản. Sau khi thu hoạch hãy tỉa cành, bón phân 1 – 2 kg NPK, tưới nước đầy đủ để cây mau ra đọt. Khi cơi đọt thứ 2 đã phát triển hoàn toàn chính là lúc thích hợp nhất để tiến hành kích thích ra hoa.

Để ngăn chặn cây ra đọt tiếp, trước khi phun thuốc kích thích ra hoa 10 – 15 ngày nên phun phân bón lá với liều lượng 40g/8l, sau đó xiết nước và đậy nilon. Sau đó phun Paclobutrazol (một chế phẩm điều hòa kích thích sự sinh trưởng) 10% với liều lượng 80g/8 lít. Sau khi xử lý Paclobutrazol 35 – 40 ngày cây sẽ ra nụ hoa. Nếu cây đã ra nụ mà gặp mưa hoa sẽ không phát triển nên cần hết sức thận trọng về điều này.

Thu hoạch Sầu riêng hạt lép

Nếu áp dụng đúng kỹ thuật trồng cây Sầu riêng và chăm sóc đúng cách thì từ lúc trổ hoa đến thu hoạch trung bình từ 4 – 4,5 tháng tùy vào giống. Cách nhận biết trái chín là dùng que gõ vào trái nghe tiếng vang rỗng, rãnh giữa các gai nở rộng và sẫm màu, đầu gai dẻo có thể uốn được, nhựa từ cuống trái trong và ngọt. Khi thu hoạch tránh làm xây xát sẽ ảnh hưởng đến phẩm chất trái.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Sầu Riêng giá cao kỷ lục, nông dân thu tiền tỷ/ha

Với mức 54 ngàn đồng/kg, giá sầu riêng tại Đắk Lắk đã đạt mức kỷ lục từ trước đến nay, cao hơn gần gấp 2 lần so với các năm trước. Không chỉ được giá mà nhờ được vụ, năm nay nhiều người trồng sầu riêng ở Đắk Lắk thu về tiền tỷ.

Với gần 2 ha sầu riêng, năm nay, ông Nguyễn Ngọc Sâm (trú phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) dự kiến sẽ thu về hơn tỷ đồng. Ông Sâm cho biết, đây là lần đầu tiên vườn sầu riêng của ông cho thu nhập “khủng” như thế. Và đây cũng là lần đầu tiên trong vòng nhiều năm qua giá sầu riêng lên đến hơn 50 ngàn đồng/kg, cao hơn gần 2 lần so với trước đây.
Ông Sâm dự kiến thu về hơn 1 tỷ đồng với gần 2ha sầu riêng
Ông Đỗ Như Dũng (trú huyện Ea Hleo) năm nay có 500 cây sầu riêng đang cho thu hoạch. Ông Dũng cho biết, nhờ thời tiết thuận lợi nên năng suất sầu riêng của ông đạt khá cao, khoảng 36-40kg/cây. Với mức giá hiện tại, dự kiến năm nay ông thu về gần tỷ đồng từ 500 gốc sầu riêng này.

“Thấy cây sầu riêng dễ trồng, dễ chăm sóc nên mấy năm trước tôi mua về trồng xen trong vườn bơ. Ý định ban đầu cũng chỉ là trồng thử nghiệm không ngờ giờ vườn sầu riêng lại trở thành một nguồn thu chính của gia đình”- ông Dũng nói.

Tại huyện Krông Pắk, nơi được xem là “thủ phủ” sầu riêng của Đắk Lắk, hàng trăm nông dân đang rất vui mừng khi có được vụ sầu riêng được mùa, được giá. Nếu thời điểm đầu vụ, giá sầu riêng chưa đến 40 ngàn đồng/kg, thì đến thời điểm hiện tại một số loại sầu riêng như sầu riêng hạt lép được thu mua đến 54 ngàn đồng/kg.

Bà Lê Thị Vọng (thôn Tân Lập, xã Ea Yông, huyện Krông Păk) vui mừng nói với chúng tôi: “Nếu năm ngoái sầu riêng vừa mất mùa vừa mất giá thì năm nay ngược lại hoàn toàn. Không chỉ cho năng suất cao mà hầu hết các vườn sầu riêng năm nay đều cho trái to đều rất đẹp mắt. Với giá cả và năng suất như năm nay, mỗi ha sầu riêng nông dân có thể thu đến hơn tỷ đồng”.

Nhờ thời tiết thuận lợi nên sầu riêng được mùa, trái to, chất lượng

Theo Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Krông Pắk, toàn huyện có gần 1.000 ha sầu riêng chủ yếu trong thời kỳ kinh doanh. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên cây sầu riêng sinh trưởng tốt, sản lượng và chất lượng trái khá cao. Ước tính vụ sầu riêng này mang về cho nông dân hơn 500 tỷ đồng.

Sầu riêng bắt đầu “du nhập” vào Đắk Lắk từ năm 2004. Tuy chủ yếu chỉ được trồng xen nhưng cây sầu riêng đã trở thành nguồn thu chính của hàng ngàn gia đình. Hiện toàn tỉnh Đắk Lắk đã phát triển được khoảng trên dưới 2000 ha sầu riêng tại các huyện Krông Pắk, Ea Kar, Krông Buk, thị xã Buôn Hồ, Krông Năng và Eahleo… mang về cho nông dân hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng/mỗi ha.

Nguồn:Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Hướng dẫn cách thụ phấn bổ sung cho cây Sầu Riêng

Hướng dẫn cách thụ phấn cho cây sầu riêng

Thụ phấn cho hoa sầu riêng đúng kỹ thuật để có được chất lượng quả tốt nhất

Dụng cụ để lấy phấn sầu riêng

+ Đĩa thủy tinh khô sạch sẽ hoặc là chén sứa hay đĩa sứ dùng để đựng phấn sầu riêng.

+ Vải màn che phấn

+ Bút lông, cây cọ hoặc nếu không có cọ có thể sử dụng bông gòn để thây thế.

+ Dùng bông gòn buộc vào đầu que tre.

Chờ đợi thời điểm thích hợp để lấy phấn hoa

Thời điểm hoa sầu riêng nở là vào chừng khoảng 5h chiều lúc này nướm nhụy sẽ thực hiện nhận phấn từ thời điểm hoa sầu riêng nở cho đến sáng ngày hôm sau. Trường hợp những bông hoa nào không được thụ phấn sẽ bỉ ụng đi.

Bao phấn của nhị đực nở và tung phấn ra lúc 7h tối và qua 4h đồng hồ sau đó sẽ rụng đi tức là 1qua 11h sẽ rụng đi. Thời điểm này là thời điểm lấy phấn thích hợp nhất.

 

Lấy phấn hoa

Chọn hoa khỏe mạnh cắt các hhoa sắp nở dùng cho quá trình thực hiện, cắt chùm nhị đực cho vào chén thủy tinh, sứ dùng vải màn trùm lại và để nó ở nơi khô ráo đến chiều bao phấn sẽ bắt đầu nở.

Hoa sầu riêng

Chờ đến tối hãy gở bở cuống nhị lẫn bao phấn bên ngoài lúc này phấn hoa sầu riêng sẽ động lại trên đĩa

Bảo quản phấn hoa

Chỉ cần để nguyên trong đĩa thủy tinh và có đạy vải màn lên như vậy là được.

Thực hiện thụ phấn bổ sung

+ Xác định thời điểm thụ phấn cho cây sầu riêng bổ sung là vào khoảng lúc 20-22h đêm vì thời khắc này đa số các chùm hoa đang nở rộ.

+ Quét phấn hoa lên khu vực nuốm nhụy bằng cách sử dụng cọ mịn hoặc thanh tre có quấn bông gòn chấm nhẹ vào dụng cụ đựng phấn là cái đĩa sứ hay thủy tinh đã đựng trước đó để hạt phấn dính vào cọ. Dùng cọ quét lên khu vực muốm của nhịt và chùm hoa cần làm nhẹ nhàng không làm tổn thương đầu nhụy.

  • Để tăng khả năng đậu trái cho sầu riêng hộ trồng nên trồng nhiều giống sầu riêng khác nhau trong vườn để cây thụ phấn chéo việc đậu trái sẽ sai hơn.
  • Tăng cường bón phân kali, lân, phân bón lá nhầm nâng cao hiệu quả hơn nữa cho việc nở hoa.
  • Hạn chế phun thuốc trừ sâu khi quá trình hoa nở diễn ra nhầm thúc đẩy hoạt động của côn trùng gia tăng sự thụ phấn chéo.

Quy trình thụ phấn bổ sung cho cây sầu riêng bao gồm tắt cả các công đoạn trên, hộ trồng hãy tham khảo cho thật kĩ càng trước khi thực hiện để quá trình diễn ra hoàn tắt tốt đẹp thuận lợi. Cho cây đậu trái sai và hứa hẹn một vụ thu hoạch với năng suất bội thu.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Mách bạn cách chọn Sầu Riêng ngon, nhiều cơm ít hạt

Sầu riêng là một trong những loại quả được nhiều người “nghiện” và tìm mua. Tuy nhiên, đây là loại quả với giá khá cao so với nhiều quả khác nên công đoạn chọn sầu riêng rất quan trọng. Các mẹo nhỏ trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn chọn được quả sầu riêng ngon, nhiều cơm ít hạt.

Sầu riêng

Dựa vào hình dáng của quả sầu riêng:

Khi chọn sầu riêng không quan trọng kích thước to hay nhỏ mà quan trọng là phần eo quả phải phình to đều, không bị vẹo vọ. Quả có phân thành các múi rất to và rõ ràng. Những quả sầu riêng đã già và bắt đầu chín đều có vỏ ngoài hơi nứt, tỏa ra một mùi thơm đặc trưng. Không nên chọn những quả sầu riêng trông quá cứng nhắc, tròn như bóng bầu dục mà không hề phân chia thành múi.

Quả sầu riêng có múi rất ngon

Kiểm tra gai của quả sầu riêng:

Quả sầu riêng đã già thì có những gai nở to, rất cứng nhưng đầu gai hơi tròn chứ không nhọn hắt và nhỏ xíu. Khi bóp hai gai gần nhau của quả sầu riêng mà thấy nó không óp lại gần nhau thì nó đã già, ngược lại nếu khi bóp hai gai này mà thấy nó mềm thì là quả còn non hoặc chín ép nên khi ăn sẽ không ngọt ngon và rất dễ bị sượng.

Dựa vào tiếng động khi gõ vào quả:

Bạn có thể mượn cây khui chuyên dụng của người bán hàng hoặc cầm quả sầu riêng lắc nhẹ. Khi gõ mà thấy tiếng bộp bộp hoặc bịch bịch phát ra rất chắc chắn thì đó là quả có phần cơm dày và hạt lép. Còn khi gõ vào quả mà thấy phát ra tiếng bong bong thì sẽ là quả nhiều hạt, không ngon. Đây là một mẹo hay và khá chính xác để mua được quả sầu riêng ưng ý.

Cách tách múi sầu riêng:

Quan sát cách tách múi sầu riêng của những người bán hàng cũng sẽ tiết lộ cho ta phần nào về chất lượng của quả sầu riêng. Những quả đã già, chín tới thì phần múi của nó đã tự tách ra và người bán chỉ cần dùng cây khui chuyên dụng nhẹ nhàng tách rất đơn giản. Còn những quả non thì sẽ rất mất sức mới có thể tách được múi .Những quả như vậy thì không nên mua. Hãy chú ý quan sát người bán hàng khi tách múi sầu riêng sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc lựa chọn một trái sầu riêng như ý.

Cách nhận biết quả sầu riêng ngon

Màu sắc của quả sầu riêng:

Những quả sầu riêng có cơm vàng sữa, hạt lép thì có vỏ màu xanh rêu hoặc màu xanh rêu hanh vàng. Gai sầu riêng cũng cứng và thưa hơn nhiều so với những quả non. Sầu riêng ăn ngon nhất là khoảng 2 đến 3 ngày sau khi thu hoạch, không nên ăn sớm hơn cũng không nên để lâu quá sẽ mất đi vị ngọt và thơm đặc trưng.

Quan sát cuống sầu riêng:

Quả sầu riêng đã già, chín đều và ngon thì có phần cuống cứng và vẫn xanh tươi. Tuyệt đối không chọn quả đã bị mất cuống hoặc có cuống héo sẽ không ngon hoặc là loại thu hoạch đã để lâu nên mới héo. Cũng nên chú ý phần đầu cuống bởi có thể sầu riêng thu hoạch đã lâu, phần đầu cuống đã quắt lại nhưng người bán lại cắt bỏ phần đó đi thường xuyên để trông nó như sầu riêng mới thu hoạch.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Ngổn ngang… sầu riêng sau bão số 12

Sau cơn bão số 12, hàng trăm héc-ta sầu riêng đang cho thu hoạch ổn định trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) bị gió lốc quật gãy. Nhiều hộ đang có cuộc sống sung túc nhờ loại trái cây đặc sản này bỗng chốc trở nên trắng tay. Buồn trước cảnh vườn cây tan hoang đã đành, nhưng người nông dân còn nhiều nỗi lo phía trước.

Các vườn tan hoang

Đến thôn Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp) những ngày sau bão, chúng tôi thấy một không khí trầm buồn, xót xa. Những cây sầu riêng ngã đổ, lá đã úa màu. Gặp chúng tôi, ông Luân Trung Thắng cố nén tiếng thở dài: “Bây giờ các chú đừng hỏi tôi về sầu riêng. Tôi cũng không muốn ra vườn, bởi cây cối ngổn ngang thế kia lòng tôi chịu không được. Vườn sầu riêng là nguồn thu chính của gia đình, bây giờ bị như thế này…”. Được biết, vườn nhà ông Thắng có 250 gốc sầu riêng có tuổi từ 15 đến 20 năm. Mùa sầu riêng vừa qua, bình quân mỗi cây cho thu nhập 6 triệu đồng. Đặc biệt, có những cây 20 năm tuổi cho thu nhập gấp đôi. Cơn bão đi qua đã làm cây ngã đổ la liệt, gây thiệt hại hoàn toàn 60 gốc sầu riêng. Đó là chưa kể còn một lượng cây khá lớn bị nghiêng gốc, khả năng phục hồi cũng rất thấp.

Vườn sầu riêng nhà ông Trương Nguyên Quốc Việt ở xã Sơn Hiệp cây ngã đổ chỏng chơ, lác đác một vài cây đã được ông Việt cho người cưa dọn. Vườn sầu riêng của ông Việt từng là mô hình điểm trồng xen sầu riêng, cà phê, hồ tiêu từ cách đây gần 30 năm. Với diện tích 2ha vườn, hơn 100 gốc sầu riêng cho thu hoạch từ 10 năm trở lên, nhưng nay bị đổ gần hết. “Mùa vừa qua, gia đình tôi không tốn công chăm sóc nhưng vườn sầu riêng vẫn thu được 120 triệu đồng. 2 tháng trước tôi thuê kỹ sư về chăm sóc, đầu tư hơn 30 triệu đồng mua phân, thuốc để dưỡng cây chuẩn bị cho vụ năm sau. Lúc cây đã đâm nhiều chồi non, hứa hẹn một vụ mùa năng suất thì bão ập đến”, ông Việt tâm sự.

Thôn Liên Hòa và thôn Xóm Cỏ ở xã Sơn Bình lâu nay vẫn nổi danh với tên gọi “làng trang trại”. Bởi nơi đây tập trung khá nhiều trang trại trồng sầu riêng cho năng suất, sản lượng cao. Cơn bão đi qua, hơn 10ha trồng sầu riêng trong vùng với khoảng 2.000 cây cho thu hoạch từ 4 năm nay bị thiệt hại hoàn toàn. Trang trại của ông Đậu Dương Trần Nguyễn (thôn Liên Hòa) có khoảng 1.700 cây sầu riêng giống Mong Thoong đã cho thu hoạch cũng đã có tới 400 cây bị ngã đổ hoàn toàn. Một lượng khá lớn khác bị nghiêng, nhiều khả năng cũng bị chết trong những ngày tới. “Hầu hết những cây đổ là cây lớn, chủ lực trong vườn. Mùa vừa qua, những cây này năng suất bình quân đạt từ 2,5 đến 3 tạ/cây. Với giá bán khoảng 45.000 đồng/kg thì giá trị kinh tế của mỗi cây là rất lớn”, ông Nguyễn cho biết. Ông Nguyễn cũng đã đầu tư 200 triệu đồng mua phân, thuốc, thuê 6 nhân công từ tỉnh Tiền Giang ra và 5 nhân công địa phương chăm sóc cây trong vòng gần 1 tháng trước bão. Việc dưỡng sức cho cây vừa hoàn tất thì bão đến, cây đã bị gió, lốc quật đổ. Cây đổ còn đè lên mấy trăm cây măng cụt, tăng thêm thiệt hại.

Gắng gượng cho những mùa sau

Theo ông Nguyễn Quốc Thái – Chủ tịch UBND thị trấn Tô Hạp, mấy ngày vừa qua, một số hộ có sầu riêng bị ngã đổ đã bắt đầu cắt cành, dựng lại những cây nghiêng 45 độ. Nhưng cách làm này cũng không hiệu quả, vì sầu riêng ra trái bằng cành mà bây giờ cắt cành đi rồi chỉ giúp cây sống lại. “Rất may, không có hộ nào phải vay nợ vì các diện tích sầu riêng này đã cho thu nhập ổn định từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, với những thiệt hại to lớn về cây sầu riêng đã làm nhiều người không còn dám đầu tư trở lại. Nhìn chung, sẽ rất khó khăn và mất nhiều năm để có thể khôi phục lại được diện tích cây sầu riêng như trước đây”, ông Thái nhận định.

Ông Đậu Dương Trần Nguyễn chuyển giống cây sầu riêng để chuẩn bị trồng mới

Quả thật, việc khôi phục lại vườn sầu riêng của những hộ bị thiệt hại trong thời điểm này gặp khá nhiều khó khăn. “Tôi muốn dọn những cây bị ngã đổ để có thể trồng lại, nhưng tiền công thợ cao quá, đến 300.000 đồng/người/ngày. Không có tiền thuê nhân công dọn cây, cho người ta cưa lấy củi mà họ cũng không mặn mà. Bên cạnh đó, hiện nay, giống cây vừa hiếm vừa cao giá. Trước đây cây sầu riêng giống đẹp, đốt đều, chiều cao khoảng 60cm có giá 100.000 đồng/cây. Nhưng hiện nay giống không đẹp, chiều cao 40cm giá đã là 120.000 đồng/cây. Tôi đã đến xã đăng ký mua cây giống, nhưng phải đợi đến tháng Tư năm sau mới có”, ông Việt nói. May mắn hơn ông Việt, hộ ông Nguyễn đã mua được 300 cây giống sầu riêng có xuất xứ từ Bến Tre. Tuy nhiên, nhìn vào chất lượng cây giống với số tiền đã bỏ ra thì ông Nguyễn cũng không mấy hài lòng. “Mình đã thiệt hại, bây giờ muốn khắc phục sớm mà khó khăn về giống. Bây giờ mình cần thì phải mua chứ giống này không được tốt. Với những cây giống này, nếu trồng và chăm sóc tốt thì cũng phải đến 5 năm nữa mới cho trái bói”, ông Nguyễn chia sẻ.

Bên những gốc sầu riêng bị đổ do bão đã có những cây giống mới trồng

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Sau bão, toàn huyện có hơn 110ha sầu riêng bị thiệt hại hoàn toàn, chiếm hơn 20% tổng diện tích. Trong đó, những địa phương bị thiệt hại nặng là: thị trấn Tô Hạp 47ha, Sơn Lâm 24ha, Ba Cụm Bắc 12ha, Sơn Bình 10ha …

Về vấn đề hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại cây sầu riêng do bão, đến thời điểm hiện tại ở Khánh Sơn vẫn chưa có phương án cụ thể. “Theo chế độ hiện hành về việc hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại nông nghiệp do thiên tai, bão lũ đối với các diện tích bị thiệt hại từ 70% trở lên là 4 triệu đồng/ha. Trong khi giống cây sầu riêng tương đối cao, nên nếu có thì sự hỗ trợ đó cũng không đáng kể”, ông Nguyễn Quốc Thái chia sẻ. Còn ông Trần Tấn Chóng – Chủ tịch UBND xã Sơn Hiệp cho biết, xã đang cho cán bộ chuyên môn đến từng nhà để người dân đăng ký mua giống. Nhưng việc có cây giống để cung ứng cho người dân cũng phải chờ đến quý I/2018. Còn những hộ nào muốn trồng sớm thì phải tự túc nguồn giống.

Trao đổi với ông Đinh Ngọc Bình – Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, chúng tôi được biết, huyện đang thống kê, kiểm đếm lại diện tích sầu riêng bị thiệt hại sau bão một cách cụ thể. Trên cơ sở đó, sẽ có công văn để trình tỉnh có chính sách hỗ trợ, bởi huyện không chủ động được nguồn kinh phí. Về nguồn giống cung ứng cho người dân cũng phải chờ chính sách của tỉnh, nhưng tiêu chuẩn năm nay đã hết, nên chắc phải chờ đến năm sau mới có thể có giống để cung ứng cho người dân tái sản xuất.

Nguồn: Baokhanhhoa.com.vn được tổng hợp bởi Farmtech VietNam.