Thăm vườn rau hữu cơ ‘6 không’

Chúng tôi tìm đến vườn rau hữu cơ “6 không” nằm khép mình trong khu dân cư quận Tân Bình (TP.HCM).

Đó là vườn rau Happy Vegi của Thạc sĩ hóa học Nguyễn Thị Quỳnh Viên và Ths.BS dinh dưỡng Trần Ngọc Diệp trồng hơn 10 loại rau ăn lá theo mùa…

Vườn rau xanh mướt Happy Vegi 

Vào khu vườn, ấn tượng là màu xanh mướt của rau, không khí trong lành, đặc biệt là có thể tha hồ ngắm những chú cuốn chiếu, trùn, cóc… đang ngoe ngẩy.

Để có được vườn rau xanh mướt ấy là cả một quá trình, vừa mất tiền, mất thời gian, hy sinh sự nghiệp trong trường… để chị Quỳnh Viên nghiên cứu, trồng lên những luống rau hữu cơ đảm bảo chất lượng ATTP phục vụ nhu cầu của các bà nội trợ tại TP.HCM.

Chị Quỳnh Viên nói: “Nhớ lại những ngày đầu của vườn rau, người tiêu dùng hiểu rất khác nhau về thực phẩm hữu cơ. Mấy chị em ngồi nghĩ nát óc xem làm thế nào để đơn giản hóa những kiến thức về nông nghiệp hữu cơ để họ có thể hiểu. Thế là nguyên tắc “6 không” ra đời với mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn cho người sử dụng, cũng như duy trì sự màu mỡ của đất”.

Để có một bó rau hữu cơ đảm bảo chất lượng, ngoài việc lựa chọn giống, trồng rau theo phương pháp hữu cơ tự nhiên người nông dân còn phải đảm bảo tuyệt đối các quy chuẩn an toàn về môi trường, vệ sinh ATTP và đặc biệt là phải tuân thủ nghiêm ngặt 6 nguyên tắc: Không trồng trên đất và nước nhiễm hóa chất nông nghiệp; Không thuốc diệt cỏ; Không sử dụng thuốc trừ sâu; Không sử dụng phân bón hóa học; Không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng; Không sử dụng giống biến đổi gien.

Đất trồng được đảm bảo các tiêu chí về đất trồng rau của Bộ NN-PTNT, khi làm đất, thường phải chọn vị trí tốt, lấy đất cùng với phân bò đã cải tạo trộn với phân dừa đem ủ để có chế phẩm vi sinh diệt khuẩn gây bệnh.

Lấy từng cây con để chuẩn bị đem cấy

Phân được ủ bằng men vi sinh với các nguyên liệu tự nhiên như rơm, ngô, đậu, mùn cưa, vỏ cà phê, bã mía, phân gia súc… Thời gian ủ từ 30 ngày đảm bảo các nguyên liệu phân huỷ thành các chất mùn dinh dưỡng. Trong 2 tuần ủ phân, vi sinh vật hoạt động làm nhiệt độ đống ủ tăng lên đến 60 – 75 độ C, giúp tiêu diệt các mầm bệnh, đồng thời góp phần phân hủy các nguyên liệu thành chất mùn được nhanh hơn để tạo ra một loại phân bón tơi, xốp, không mùi, tốt cho cây trồng.

“Canh tác hữu cơ không có năng suất cao nên chưa thể là giải pháp về thực phẩm cho tất cả mọi người. Hiện tại, mỗi ngày chúng tôi thu hoạch khoảng 100kg rau. Năm 2018, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để ổn định năng suất trong mùa mưa và mở thêm một vườn mới trên Măng Đen để đa dạng sản phẩm. Dự kiến sản lượng năm 2018 sẽ tăng khoảng 30% so với năm 2017. Người tiêu dùng tại TP.HCM có thể mua rau tại các cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ hoặc đặt hàng online”, chị Trần Ngọc Diệp bộc bạch.
Chọn giống thuần chủng của địa phương để có sức đề kháng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, địa lý của địa phương. Ươm giống từ 15 – 20 ngày đem ra cấy hoặc sạ.

Khi cấy cây non thì khoảng cách giữa các cây là 5cm, hàng cách hàng 10cm; còn sạ thì dùng cào quanh theo chiều ngang luống để hạt chìm xuống, rồi dùng giá thể xơ dừa phủ lên trên tăng độ ẩm, dùng lưới màu trùm lên để giảm bớt ánh sáng cho cây phát triển, khi cây được 1 tuần tuổi, bón phân hữu cơ để tăng thêm dinh dưỡng.

Để hạn chế cỏ dại phải thường xuyên nhổ cỏ bằng tay, trồng các loại cây họ cúc, xả, bồ ngót Nhật… để xua đuổi côn trùng tạo điều kiện sinh thái để hấp dẫn các thiên địch tự nhiên như chim sâu, bọ rùa, bọ ngựa… Che chắn cho rau để phù hợp khả năng sinh trưởng và bảo vệ nguồn dinh dưỡng, nguồn oxy cho cây.

“Đối với nước tưới quan trọng là độ pH trong nước, muốn nâng độ PH chúng tôi dùng một đệm vi sinh để trong bể nước và bơm nước trong vòng 24h khi vi sinh hoạt động thì độ pH sẽ được nâng lên gần 7 thì hệ vi sinh sẽ tốt”, chị Quỳnh Viên nhấn mạnh.

Ở đây, người nông dân không chỉ làm vườn, mà họ tự tay ghi chép vào sổ từng ngày gieo hạt, ngày bón phân…

Sau 40 – 45 ngày rau được thu hoạch về kiểm tra, khi sản phẩm rau đạt chỉ số an toàn được giữ trong khay phủ khăn ẩm, sáng sớm đóng gói và được phân phối đến các cửa hàng rau sạch và người tiêu dùng trước 9h sáng.

Vừa cung cấp rau hữu cơ, vườn rau Happy Vegi luôn là nơi được các bạn tình nguyện viên hòa bình từ các nước Mỹ, Đức, Pháp, Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản… lựa chọn làm nơi trải nghiệm nông nghiệp, cũng như mở cửa cho bất cứ khách hàng, nhà trẻ… đến trải nghiệm, tham quan.

Tình nguyện viên nước ngoài đến trải nghiệm tại vườn rau

Mong rằng sẽ có nhiều vườn rau như thế, để đem đến hạnh phúc cho mọi gia đình khi cùng nhau thưởng thức bát canh, đĩa rau, bát cháo ngon ngọt an lành, cũng như giúp cho người nông dân hàng ngày không phải tiếp xúc với những hóa chất độc hại, đem đến một hệ sinh thái tự nhiên.

Thu hoạch rau về kiểm tra trước khi đóng gói đem đến tay người tiêu dùng

Sản phẩm được bày bán tại các cửa hàng rau sạch, rau hữu cơ

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Một nền nông nghiệp hữu cơ có thể giúp thế giới chống đói nghèo

Nông nghiệp hữu cơ (NNHC), theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc, là hệ thống canh tác và chăn nuôi tự nhiên, không sử dụng hóa chất làm phân bón và thuốc trừ sâu, giúp giảm thiểu ô nhiễm, bảo đảm sức khỏe cho người và vật nuôi.

Một nền nông nghiệp hữu cơ có thể giúp thế giới chống đói nghèo

Thực phẩm hữu cơ từ lâu được xem là thị trường nhỏ, và xa xỉ chỉ dành cho giới trung và thượng lưu. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng sự chuyển dịch phần lớn nền nông nghiệp sang phương thức cách tác hữu cơ vừa có thể giúp hạn chế tình trạng đói nghèo trên thế giới vừa góp phần cải thiện môi trường.

Tại Hội nghị LHQ về “Nông nghiệp hữu cơ và An ninh lương thực” vừa diễn ra ở Rome (Italia), các chuyên gia Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp và thực phẩm hữu cơ Đan Mạch nhận định an ninh lương thực cho vùng cận sa mạc Sahara (châu Phi) sẽ được bảo đảm nếu từ nay đến năm 2020, 50% diện tích đất nông nghiệp trong những vùng chuyên canh xuất khẩu ở đây được chuyển sang sản xuất theo công nghệ hữu cơ.

Kết quả nghiên cứu của trung tâm cho thấy khi quay về phương thức canh tác tự nhiên truyền thống, nông dân sẽ không phải tốn tiền mua thuốc và phân hóa học, đồng thời có thể đa dạng hóa mùa vụ và canh tác theo hướng bền vững. Hơn nữa, nếu nông sản được chứng nhận là thực phẩm hữu cơ, người trồng có thể xuất khẩu với giá cao hơn nông sản bình thường.

Theo Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO), nền NNHC có khả năng bảo đảm đủ nguồn cung cấp lương thực nuôi sống dân số trên thế giới hiện nay song song với giảm thiểu những tác động có hại cho môi trường. Một nghiên cứu do Đại học Michigan (Mỹ) thực hiện cho thấy nếu thế giới chuyển sang nền NNHC sẽ tạo ra từ 2.641 đến 4.381 kilocalorie cho một người mỗi ngày so với mức sản lượng lương thực hiện nay của thế giới là 2.786 kilocalorie cho một người/ngày.

Hiện đang được ứng dụng tại 120 nước. Xu hướng này đang tăng nhanh tại Ấn Độ, Trung Quốc và các nước Mỹ La-tinh. Trên thế giới hiện mới có hơn 26 triệu hécta đất nông nghiệp đang được quản lý sản xuất theo công nghệ hữu cơ – chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ (khoảng 1-2%) trong nền nông nghiệp toàn cầu. Trung Quốc mới có hơn 1.000 công ty nông nghiệp và nông trại được chứng nhận là sản xuất bằng công nghệ hữu cơ.

Tại Ấn Độ, khoảng 2,5 triệu hécta trang trại được cấp giấy chứng nhận sản xuất sạch theo phương pháp hữu cơ. Năm 2006, thị trường nông sản canh tác bằng công nghệ hữu cơ toàn cầu ước tính đạt 40 tỉ USD, tăng khoảng 10 tỉ so với trước đó 1 năm. Riêng tại Trung Quốc, giá trị xuất khẩu nông sản hữu cơ tăng từ mức dưới 1 triệu USD giữa thập niên 1990 lên hơn 200 triệu USD hiện nay.

Châu Âu và Bắc Mỹ hiện là hai thị trường tiêu thụ nông sản hữu cơ nhiều nhất, và nhu cầu không ngừng tăng, tạo cơ hội cho các nước đang phát triển xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp sạch sang các thị trường này. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là làm thế nào xác định được nông sản được sản xuất theo công nghệ hữu cơ sạch và tiếp thị chúng, ngay cả trong thị trường nội địa ở các nước đang phát triển.

Hiện Quỹ Nông nghiệp và Phát triển quốc tế (IFAD), cơ quan chuyên trách của LHQ về các vấn đề xóa đói giảm nghèo, đang giúp các nước tăng nhanh diện tích canh tác bằng công nghệ hữu cơ, và hỗ trợ các nước đang phát triển hội nhập một cách hài hòa lĩnh vực sản xuất tư nhân nhằm cung cấp các dịch vụ tiếp thụ nông sản hữu cơ. Theo IFAD, tăng cường ứng dụng công nghệ canh tác hữu cơ cũng sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm mới ở các vùng nông thôn, giúp hạn chế làn sóng di cư từ nông thôn ra thành thị.

Tại Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân có kế hoạch trong năm nay sẽ thành lập các câu lạc bộ nông dân sản xuất NNHC nhằm thúc đẩy việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệp và liên kết sản xuất, cung ứng các sản phẩm rau, quả, lương thực – thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng. Năm qua, Hội Nông dân đã triển khai thử nghiệm phương pháp canh tác NNHC trên cây rau, lúa, cam, vải và cá nước ngọt tại các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam