Trồng tỏi nơi đảo xa, nhà nông thu 1-1,3 tỷ đồng/ha

Ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), mỗi năm người dân ở đây trồng được một vụ tỏi (trồng từ tháng 9 – 10 và thu hoạch từ tháng 2 – 3 năm sau). Trung bình mỗi ha tỏi, bà con thu về từ 1 – 1,3 tỷ đồng/vụ, cao hơn bất kỳ cây trồng, công việc nào ở nơi đây…

Nhà nhà trồng tỏi

Toàn huyện Lý Sơn có khoảng 320ha trồng hành, tỏi, phân bố ở cả 3 xã An Vĩnh, An Hải và An Bình, trong đó An Hải là nơi trồng nhiều nhất. Theo báo cáo của Phòng NNPTNT huyện Lý Sơn, hầu hết các hộ dân ở đây đều làm nghề trồng tỏi, hành, dưa hấu, đánh bắt thủy hải sản và một số hộ làm dịch vụ du lịch. Hộ nào ít cũng có 1 sào đất trồng tỏi, hành; hộ nhiều 5 – 7 sào, thậm chí có hộ trồng tới gần 2ha.

Hầu hết người dân Lý Sơn đều làm nghề trồng tỏi

Ông Lê Hoài Ân – Chủ tịch UBND xã An Hải cho biết, trước đây ngành du lịch, dịch vụ ở Lý Sơn chưa phát triển, thương hiệu tỏi Lý Sơn ít được biết đến, giá trị thu nhập thấp nên ít hộ trồng. “Khoảng 7 – 8 năm trở lại đây, tỏi Lý Sơn đã xây dựng được thương hiệu, đặc biệt ngành du lịch, dịch vụ cũng được huyện, tỉnh quan tâm nên du khách tìm đến Lý Sơn tham quan, nghỉ dưỡng ngày một tăng, nhờ đó đầu ra của tỏi, hành tốt hơn và có giá trị ngày càng cao” – ông Ân cho biết.

Cũng theo ông Ân, nhờ có đầu ra tốt, giá trị thu nhập cao (khoảng 50 – 60 triệu đồng/sào/vụ) nên các diện tích đất trống đã được người dân tận dụng triệt để để canh tác, cải tạo trồng tỏi, kể cả những mảnh ruộng chỉ vài chục, thậm chí vài m2 cũng được người dân trồng tỏi, hành…

Anh Lê Tấn Dũng – người thôn Đông, xã An Hải cho biết, hiện ở An Hải đã hết đất để mở rộng diện tích trồng tỏi, hành nên hầu như hộ gia đình nào có đất đều canh tác và chăm sóc cây tỏi, hành rất cẩn thận, sao cho đạt năng suất và giá trị cao nhất…

Cây làm giàu

Từ nhiều năm nay, cây tỏi, hành đã trở thành cây trồng chủ lực, cây thoát nghèo và làm giàu của người dân nơi đây. Theo ông Dũng, từ khi trồng tỏi đến khi thu hoạch mất khoảng 4 tháng, trung bình 1 sào tỏi cho thu nhập từ 50 – 70 triệu đồng, có hộ thu tới 80 triệu đồng/sào.

ó lẽ người trồng nhiều tỏi, hành nhất Lý Sơn phải kể đến anh Dương Giáp (xã An Hải), khi anh có tới 37 sào tỏi, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng chục tấn tỏi tươi và khô, thu về hàng tỷ đồng. Ngoài ruộng của gia đình, anh còn nhận thầu lại ruộng của nhiều hộ dân khác rồi thuê gần chục người làm công cho mình. Anh được người dân nơi đây gọi bằng cái tên trìu mến là “vua tỏi”, không chỉ vì anh trồng nhiều tỏi, mà còn vì anh là người “bắt bệnh” tỏi rất tài tình.

Trồng tỏi giúp người dân Lý Sơn cải thiện đời sống đáng kể

Anh Giáp cho biết, gần 20 năm gắn bó với cây tỏi, giá có thể bấp bênh, song hầu như chưa bao giờ anh thất thu, kể cả vụ năm 2014 – 2015 thời tiết mưa nhiều, nhiều diện tích tỏi của bà con trên đảo bị cát vùi, giập nát thì vườn tỏi của anh vẫn xanh tốt.

Chia sẻ về bí quyết của mình, anh Giáp nói: “Đất trồng tỏi ở Lý Sơn chủ yếu là cát trắng nên khi trời mưa to kéo dài, cát sẽ bị xối vùi đảo lộn rất nhanh, nên cần phải theo dõi thời tiết để xuống giống cho phù hợp. Còn khi nhỡ xuống rồi, gặp trời mưa, bà con nên dùng lưới che để hạn chế mưa trực tiếp xối xuống luống tỏi, hành. Khi trời nắng thì dùng vòi tưới tự động để giữ ẩm cho đất…”.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Trồng tỏi voi Nhật Bản tại đảo Lý Sơn: Cần nghiên cứu khảo sát đầy đủ

Trước việc hai Công ty của Nhật Bản muốn đưa giống tỏi voi Nhật vào trồng tại đảo Lý Sơn (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), đã đặt ra nhiều vấn đề xoay quanh sự phát triển, cạnh tranh đối với tỏi Lý Sơn.

Tỏi Lý Sơn

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có buổi làm việc với Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering và Công ty CAN Holdings (Nhật Bản) về việc phát triển và tiêu thụ giống tỏi voi của Nhật Bản trên huyện đảo Lý Sơn, đồng thời, hai công ty này giới thiệu sản phẩm tỏi voi của Nhật đối với tỉnh Quảng Ngãi.

Theo đó, tỏi voi  là giống tỏi có năng suất, chất lượng, sản lượng đạt 4,5 tấn/ha, ở Nhật giá tỏi tương đương khoảng 180.000 VNĐ/kg và được sản xuất bằng phương pháp hữu cơ. Công ty này mong rằng sẽ được mang giống tỏi voi sang trồng trên đảo Lý Sơn để xuất khẩu sang Nhật Bản. Điều này đã đặt ra nhiều vấn đề xoay quanh sự phát triển, cạnh tranh đối với tỏi Lý Sơn, vốn là thương hiệu tỏi lâu đời của cư dân vùng đất đảo Lý Sơn.

Trao đổi với Báo SGGP Online, T.S Võ Thị Việt Dung, Giảng viên thuộc Khoa Hóa –Sinh-Môi trường, Trường Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), người đã có những nghiên cứu về tỏi Lý Sơn cho rằng, việc đưa các giống ngoại, giống lai về trồng đã có từ nhiều năm trước. Có nhiều giống khi đến vùng đất mới có thể thích hợp thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu mà phát triển tốt, tuy nhiên, cũng nhiều giống cây trồng khi đến một điều kiện khác thì giảm năng suất, chất lượng, không được như kỳ vọng ban đầu.

Người dân Lý Sơn vẫn sản xuất tỏi bằng phương pháp truyền thống

T.S Việt Dung cho biết: “Hiện tỏi Lý Sơn chỉ trồng được 1 vụ, nếu như giống mới có thể trồng quanh năm, đạt được kết quả tốt, năng suất tốt mà vẫn giữ được hàm lượng chất dinh dưỡng trong tỏi thì có thể mở ra một hướng đi mới. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có một đánh giá, khảo sát nào về tỏi voi Nhật Bản khi trồng trên đất đảo Lý Sơn nên vẫn chưa thể nhận định được sản phẩm tạo ra có đạt tiêu chuẩn không”. Theo T.S Võ Thị Việt Dung, ngay cả tỏi Lý Sơn khi đem về trồng ở Khánh Hòa cũng không đạt tiêu chuẩn như tỏi trồng trên đất Lý Sơn. Nhật Bản cũng có đảo, biển nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ đạt năng suất, chất lượng, chất dinh dưỡng tương đương khi trồng tại đảo Lý Sơn.

Vì vậy, trước khi thực hiện trồng tỏi voi Nhật Bản, chính quyền, các nhà nghiên cứu cần phải có những khảo sát, đánh giá, thử nghiệm trồng trên 1-2 hộ dân, từ đó có những nghiên cứu hàm lượng dinh dưỡng, năng suất… rồi đưa về Trung tâm Khuyến nông, chứ không nên trồng ngay.

Đồng thời, khí hậu, thổ nhưỡng đảo Lý Sơn có nét riêng biệt: “Đất cát ở Lý Sơn là sự hình thành, kiến tạo qua hàng ngàn năm từ dung nham các miệng núi lửa phun trào từ lòng biển lên. Hằng năm, người dân đảo đem đất, cát này về trồng, nên trong đó sẽ có lẫn vỏ sò, ốc, san hô vỡ, cùng với kỹ thuật trồng lâu đời, người dân Lý Sơn tạo ra hương vị tỏi đặc trưng”-  T.S Võ Thị Việt Dung khẳng định.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Mô hình trồng tỏi bền vững đạt năng suất cao

Vụ ĐX 2016-2017, Trạm Trồng trọt & BVTV thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) triển khai mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật trồng tỏi trên vùng đất cát ven biển.

Mô hình trồng tỏi tại Ninh Hòa

Lâu nay, nông dân trồng tỏi ở vùng ven biển các xã Ninh Phước, Ninh Vân thường xuống giống mật độ dày với cây cách cây 4 – 5cm, hàng cách hàng 10 – 14cm, lại sử dụng tỏi lõi nên không chỉ tốn nhiều giống, phân bón, nước… mà còn gây khó khăn trong việc phòng trừ sâu bệnh.

Chưa hết, việc bón phân cho cây tỏi theo nguyên tắc “4 đúng”: Đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách có ý nghĩa quan trọng giúp cây tăng năng suất nhưng bà con cũng chưa chú trọng.

Từ đó chi phí đầu tư trồng tỏi của bà con trên đơn vị sản xuất tăng cao khiến lợi nhuận giảm. Trước thực trạng này, Chi cục Trồng trọt & BVTV Khánh Hòa đã trang bị kỹ năng chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây tỏi cho nông dân. Mô hình được Trạm Trồng trọt & BVTV Ninh Hòa triển khai trên diện tích 1ha tại thôn Ninh Tịnh, xã Ninh Phước, sử dụng giống tỏi Lý Sơn. Yêu cầu đối với đất trồng tỏi lần đầu, sau khi được san bằng, sẽ rải một lớp đất màu dày khoảng 7 – 10cm (đất màu có thể được lấy tại chỗ hoặc chở từ đất núi về đất phải đảm bảo tơi xốp, nhiều mùn sau đó đầm chặt đất).

Còn đối với đất trồng tỏi đã nhiều năm thì sau 2 – 3 năm (luân canh với cây họ đậu đến 5 – 7 năm) khi canh tác lớp đất nền bị nén lại nên cần bổ sung thêm một lớp đất mùn khoảng 4 – 5cm trước khi xuống giống. Đồng thời lớp cát san hô trên mặt ruộng trồng tỏi được cào lại một bên (lớp cát cũ) sau đó bồi một lớp đất mới, rồi tiến hành bón phân lót. Tiếp đến, phủ một lớp cát san hô dày khoảng 3 – 5cm. Mật độ trồng lưu ý chỉ 83 cây/m2; khoảng cách cây x cây: 10cm và hàng x hàng: 12cm.

Về bón phân phải tuân thủ theo quy trình bón phân của đề tài “Biện pháp kỹ thuật trồng tỏi trên vùng đất cát ven biển tỉnh Khánh Hòa”: Phân chuồng 20 tấn + 115 kg Urê + 300 kg Super lân + 160 kg KCl + 300kg NPK Phú Mỹ 16:16:8:13S (tính cho đơn vị 1ha).

Người dân thu hoạch tỏi

Sau 4 tháng triển khai mô hình đến nay ruộng tỏi đã bắt đầu cho thu hoạch. Dẫn chúng tôi và bà con nông dân tham quan ruộng tỏi, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Trưởng trạm Trồng trọt & BVTV Ninh Hòa cho hay, năng suất tỏi ở ruộng mô hình đạt 12,5 tấn/ha, cao hơn 2,5 tấn/ha so với ruộng đối chứng.

Hiện toàn xã Ninh Phước hiện có trên 200 hộ trồng tỏi với diện tích khoảng 130ha.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Trồng tỏi đơn giản tại nhà

Ngoài là gia vị hàng ngày trong mỗi bữa ăn, tỏi còn có tác dụng điều trị ung thư, chữa cảm cúm, thấp khớp, trị mụn, đuổi muỗi,…

1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và giống

Dụng cụ trồng

Bạn có thể tận dụng bao nion, bao xi măng, chậu, khay hoặc thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng tỏi. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước.

Đất trồng

Tỏi ưa phát triển ở đất thịt nhẹ, tơi xốp, giàu mùn, dễ thoát nước và có độ pH từ 6-6,5. Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa…

Chọn giống

Tỏi giống nên chọn loại tỏi sạch để tránh dính hóa chất. Chọn củ tỏi có tép tỏi lớn, cứng do mỗi tép tỏi sẽ mọc lên một cây mới. Tránh chọn loại giống có tép tỏi bé, bị vỡ hay lép.

2. Trồng tỏi

Trồng mỗi nhánh tỏi sâu khoảng 5cm xuống đất. Lưu ý: Đặt tỏi theo hướng đầu bên trên, rễ ở dưới để sau tỏi nhú mầm lên trên mặt đất. Mỗi tép tỏi được trồng nên cách nhau khoảng 8-10cm để chúng được sinh trưởng và phát triển trong điều kiện tốt nhất.

Trồng tỏi khá đơn giản

Tuy nhiên, nếu trồng trong chậu diện tích có hạn, bạn hoàn toàn có thể thu hẹp khoảng cách này lại, nhưng nhớ là không nên trồng quá dày.

Sau khi trồng, dùng rơm, cỏ khô hoặc lá mục phủ lên trên để giữ ấm cho giống.

Cần đặt chậu ở nơi có nhiều ánh sáng, tưới nước đầy đủ để rễ phát triển.

3. Chăm sóc

Khi mới trồng, cần tưới nước đủ ẩm để rễ phát triển. Đến khi cây đã nhú mầm thì chỉ cần tưới 1 tuần/lần nếu trời không có mưa.

Tỏi có rất nhiều công dụng

Khi cây tỏi cao được khoảng 10cm, tiến hành bón lót đợt đầu tiên bằng phân hữu cơ, phân bò, phân trùn quế, phân gà, phân chim, phân dê… Sau đó cứ khoảng 1 tháng tiến hành bón 1 đợt. Mỗi lần bón kết hoặc xới đất, làm cỏ.

4. Thu hoạch

Nếu bạn muốn thu hoạch lá thì cây tỏi cao khoảng 20cm thì lấy kéo cắt và trừ khoảng gốc 4cm để tỏi có thể tiếp tục lên.

Thu hoạch tỏi

Củ thương phẩm thu hoạch sau khi trồng 125-130 ngày lúc lá đã già, gần khô. Nhổ củ, giũ sạch đất bó thành chùm, treo trên dây ở chỗ thoáng để bảo quản.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Tỏi voi Nhật Bản trồng được ở “Vương quốc tỏi” Lý Sơn

Đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh một doanh nghiệp Nhật Bản muốn đưa loại tỏi voi ra trồng ở “vương quốc tỏi” Lý Sơn…

Một doanh nghiệp của Nhật Bản vừa làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi và huyện Lý Sơn về việc thông qua dự án phát triển và tiêu thụ giống tỏi voi của Nhật Bản trên huyện đảo Lý Sơn. Theo doanh nghiệp này, nếu trồng tỏi voi, người dân sẽ nâng cao ý thức phân loại rác thải để chế biến phân hữu cơ đạt chất lượng và mang đến Quảng Ngãi mô hình sản xuất nông nghiệp kiểu mẫu Nhật Bản tại Việt Nam.

Tỏi Lý Sơn vang danh không chỉ trong nước sẽ gặp khó với tỏi Nhật Bản?

Doanh nghiệp muốn trồng tỏi là Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering và Công ty CAN Holdings (Nhật Bản). 2 doanh nghiệp này giới thiệu về sản phẩm tỏi voi và lĩnh vực sản xuất kinh doanh. CAN Holdings là Công ty chuyên sản xuất phân hữu cơ để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó, tỏi voi là một trong những sản phẩm được Công ty sản xuất tại Nhật Bản.

Theo lời giới thiệu của CAN Holdings tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi, tỏi voi giống tỏi có năng suất, chất lượng, giá trị cao và tốt cho sức khỏe. Để sản xuất 100m² tỏi voi cần khoảng 1 tấn phân bón hữu cơ. Sản lượng đạt 4,5 tấn/ha. Ở Nhật trị giá 1kg tỏi voi có giá khoảng 180.000 đồng/kg. Do đó, để sản xuất giống tỏi này đạt chất lượng cần chi phí lớn, đòi hỏi phân hữu cơ đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rác thải làm phân hữu cơ không có kim loại và chất độc.

Nông dân trồng tỏi ở Lý Sơn

Được biết, nếu dự án thành hiện thực, 2 công ty này, sẽ mang giống tỏi voi sang trồng tại đảo Lý Sơn để xuất khẩu sang Nhật Bản.

Được biết, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã mang mẫu tỏi voi tới Quảng Ngãi và huyện Lý Sơn để giới thiệu, mặc dù vậy, một số người dân Lý Sơn cho rằng, nếu trồng tỏi voi trên đảo, thương hiệu tỏi Lý Sơn vang danh bấy lâu nay sẽ bị ảnh hưởng.

Khí hậu và thổ nhưỡng cho phép Lý Sơn được mệnh danh là “vương quốc tỏi”

Đảo Lý Sơn được mệnh danh là “vương quốc tỏi” bởi khí hậu, thổ nhưỡng của hòn đảo này cho phép người nông dân trồng được loại tỏi tép nhỏ, thơm, nhiều chất dinh dưỡng mà lại không quá cay nồng. Tỏi Lý Sơn không chỉ là một nông sản vang tiếng trong nước mà còn được bạn bè quốc tế ưa chuộng. Hiện nhiều doanh nghiệp tỏi cũng đang xuất khẩu tỏi Lý Sơn qua các nước như Quata, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Thái Lan và cả… Nhật Bản

Nguồn: Danviet.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi tôm thẻ chân trắng thành công bằng vi sinh + tỏi

Trong điều kiện như hiện nay, việc nuôi tôm (đặc biệt là tôm thẻ chân trắng) ngày càng khó, nhiều người trắng tay trước những biến động của thời tiết, mùa vụ. Tuy nhiên, cũng không ít người thành công sau nhiều phen mạo hiểm mang đầm tôm ra “thử nghiệm”.

Farmtech Vietnam xin chia sẻ kinh nghiệm của anh Nguyễn Ngọc Tuấn (Tấm) ở ấp Trí Đồ, xã Bình Đông, thị xã Gò Công, Tiền Giang  đã nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) thành công bằng vi sinh kết hợp với chanh và tỏi.


Tỏi là chất kích thích miễn dịch tự nhiên cho tôm, với rất nhiều hoạt tính kháng vi khuẩn gram âm và dương, hoạt tính kháng virus, kháng nấm, tăng cường hệ miễn dịch cho động vật thủy sản. Tỏi kích thích quá trình thực bào, đại thực bào. Việc bổ sung tinh dầu tỏi cho động vật thủy sản nuôi có thể gia tăng chỉ số hồng cầu, lượng hemoglobin, bạch cầu và tiểu cầu. Như vậy tỏi dùng trong nuôi thủy sản có thể coi như một chất thay thế kháng sinh và các yếu tố trị liệu hóa học.

Allin và Allicinase là hai chất có sẵn trong tỏi, khi tỏi bị đập dập, hai chất này sẽ kết hợp với nhau tạo thành chất Allicin (một kháng sinh tự nhiên có khả năng kháng khuẩn và nấm). Allicin có khả năng kháng khuẩn bằng 1/5 thuốc Peniciline và bằng 1/10 thuốc Ocytetracylin. Ngoài ra, thành phần của tỏi còn chứa diallyl disulfide, chất này có tác dụng nhanh và mạnh hơn hai dòng kháng sinh Erythromycin và Ciprofloxacin. Bên cạnh đó, tỏi còn có công hiệu trị sán, giun kim, các bệnh nấm.

Sử dụng tỏi để phòng và trị bệnh trên tôm an toàn, hiệu quả

Phương pháp sử dụng

Phòng bệnh phân trắng và chết sớm bằng tỏi

Lấy 10 kg tỏi, lột sạch vỏ rồi giã nhuyễn, để trong 24 giờ đến khi tỏi có màu vàng nghệ. Lấy 10 kg rượu 450 trộn chung với tỏi rồi xay nhuyễn, sau đó cho vào bình đậy kín nắp, 7 ngày sau vắt lấy nước cho tôm ăn. Liều lượng: 10 ml/kg thức ăn, ngày 3 cữ, cho ăn từ lúc mới thả giống đến khi thu hoạch.

Phần bã tỏi trộn với vi sinh E.M và rỉ đường. Liều lượng: 6 kg bã tỏi + 1 lít E.M gốc +1,5 kg rỉ đường, cho vào bình 20 lít, rồi đổ đầy nước sạch. Sau 30 ngày, vắt lấy nước cho tôm ăn với liều lượng 20 ml/kg thức ăn/ngày. Sau quá trình nuôi tôm sử dụng tỏi, thấy đường ruột tôm lớn, tôm không mắc bệnh chết sớm và bệnh phân trắng, TTCT 88 ngày đạt kích cỡ 45 con/kg; tỷ lệ sống 100%, năng suất 15 tấn/ha.

Phòng đục cơ cong thân bằng trái chanh

Chanh có chứa nhiều chất có lợi như axit xitric, canxi, magiê, Vitamin C, flavonoid sinh học, pectin, limonin, kali 248 ml các chất hỗ trợ miễn dịch và kháng khuẩn. Cách sử dụng: Dùng khoảng 50 g chanh trộn với 3 kg thức ăn (hoặc lấy 5 ml nước cốt chanh trộn với 1 kg thức ăn) cho tôm ăn ngày 3 lần.

Vi sinh E.M: E.M là tập hợp các loại vi sinh vật gồm khoảng 80 – 120 loài cả kỵ khí và hiếu khí thuộc 10 chi khác nhau. Chúng bao gồm các vi khuẩn quang hợp (tổng hợp chất hữu cơ từ CO2 và H2O), vi khuẩn cố định Nitơ (sử dụng chất hữu cơ của vi khuẩn quang hợp để chuyển N2 trong không khí thành các hợp chất hữu cơ), xạ khuẩn (sản sinh chất kháng sinh ức chế vi sinh vật gây bệnh và phân giải chất hữu cơ), vi khuẩn Lactic (chuyển hóa thức ăn khó tiêu thành dễ tiêu), nấm men (sản sinh vitamin và các axit amin), các vi sinh vật trong E.M tạo ra một hệ thống vi sinh thái với nhau, chúng hỗ trợ lẫn nhau, cùng sinh trưởng và phát triển.

Trị tảo lam: Sử dụng 30 lít E.M cấp 2 + 10 kg rỉ đường dùng cho 2.000 m3, xử lý 3 ngày liên tục.

Cách làm E.M cấp 2: Sử dụng 1,5 lít E.M cấp 1 + 3 kg rỉ đường cho vào bình chứa 30 lít, để trong mát 7 ngày. Hạn sử dụng E.M cấp 2 từ 3 đến 6 tháng và E.M cấp 1 từ 6 đến 12 tháng.

Để giảm khí độc NH3, H2S và ổn định môi trường nước, sử dụng 30 lít E.M cấp 2 + 6 kg rỉ đường dùng cho 2.000 m3, 2 ngày/lần. Sau khi thu hoạch tôm thấy lượng bùn đáy giảm. Phân tích thấy mật độ vi khuẩn có lợi nhiều, ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam