Thành tỉ phú nhờ nuôi tôm.

Là người dân tộc Khmer, dù chỉ mới học hết lớp 3, nhưng nhờ cần cù lao động, chịu khó học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi, mỗi năm ông Lâm Văn Linh (TP.Bạc Liêu, Bạc Liêu) thu lãi hàng tỉ đồng từ con tôm.

Thu hoạch tôm

Gặp ông Linh (45 tuổi, ngụ ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông) ngoài đầm tôm, nhiều người cứ tưởng là người giữ vuông thuê bởi làn da đen đúa, lúc nào cũng đội nón lụp xụp, cặm cụi dưới ao. Thật ra ông là một tỉ phú, hiện sở hữu trên 100 công vuông (mỗi công khoảng 1.300 m2), 2 xe ô tô và biệt thự thuộc hàng lớn nhất vùng.

Hơn 15 năm nuôi tôm thất bại.

Nhờ nuôi tôm trúng lớn, ông Linh liên tiếp mở rộng quy mô. Hiện ông có 3 khu nuôi tôm công nghiệp với diện tích hơn 10 ha. Ngoài phân chia ra nhiều ao lắng, ông có tổng cộng 51 ao nuôi tôm công nghiệp. Chỉ tính riêng vụ nuôi tôm năm 2018, ông Linh thu hoạch trên 60 tấn tôm thương phẩm, thu lãi trên 4 tỉ đồng.

Ông Linh kể, gia đình ông có 4 công đất trồng lúa nhưng từ năm 2003, nước mặn xâm nhập nên không trồng lúa được nữa. Lúc đó, ông đã đi nhiều nơi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm. Sau khi “học lóm” được chút ít kinh nghiệm, ông quyết tâm cải tạo 4 công đất trồng lúa thành ao nuôi tôm sú. Thật bất ngờ, vụ nuôi đầu tiên ông trúng lớn, thu hoạch 4,7 tấn tôm, bán được 470 triệu đồng, sau trừ chi phí còn lãi 300 triệu đồng. Theo ông Linh, thời điểm đó 300 triệu đồng có giá trị rất lớn, bằng người dân làm hàng trăm công lúa. Bởi người làm lúa khi đó lợi nhuận cao lắm chỉ khoảng 500.000 đồng/công.

Có tiền, ông tiếp tục mua thêm đất, cải tạo thêm 2 ao nuôi tôm. Năm tiếp theo, ông Linh lại trúng đậm, thu lãi cả tỉ đồng. Theo ông Linh, từ năm 2003 đến nay, qua hơn 15 năm nuôi tôm bất bại, có năm nuôi tôm chậm lớn, tôm mất giá, cũng có nhiều ao thiệt hại, nhưng tổng kết năm nào ông cũng có lợi nhuận từ 3 – 4 tỉ đồng.

Ông Linh kiểm tra tôm sú nuôi công nghiệp.

Hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho hàng ngàn hộ dân.

Ông Linh chia sẻ, trong quá trình nuôi tôm ông tự đúc kết, tích lũy kinh nghiệm là chính. Theo đó, mỗi năm ông thuê máy ủi, máy cuốc cải tạo ao nuôi một lần. Trong quá trình xử lý nước trước khi thả tôm nuôi phải có ao lắng, lưới lọc giám sát, xử lý diệt khuẩn đáy ao. Về con giống, phải lựa chọn giống tốt từ các công ty sản xuất giống có uy tín, chất lượng, đặc biệt phải biết rõ nguồn gốc tôm bố mẹ. Trong quá trình nuôi phải quản lý chặt chẽ về môi trường, sự phát triển của tôm ở cụ thể từng ao nuôi. Khi môi trường có biến động như tôm ăn chậm, đứt râu, đen mang, màu nước thay đổi… thì chủ động xử lý, phòng ngừa. Để ổn định môi trường, giảm ô nhiễm nguồn nước, đáy ao định kỳ phải cấy vi sinh, tạt vôi, tạo khoáng…

Ông Linh cho biết, để đạt được kết quả tốt trong nhiều vụ nuôi tôm liên tiếp, gia đình ông phải thức khuya dậy sớm theo dõi, chăm sóc từng ao nuôi. Hằng đêm, từ 19 – 24 giờ ông phải “đi tuần” kiểm tra các ao nuôi tôm, sau 24 giờ thì giao người con trai thay ca túc trực. Bởi nuôi tôm công nghiệp với mật độ cao, khi xảy ra các sự cố như cúp điện đột ngột, dàn quạt bị gãy đổ, môi trường nguồn nước thay đổi đột ngột nếu không phát hiện kịp thời thì tôm nuôi sẽ thiệt hại bất cứ lúc nào.

Ông Linh nuôi tôm liên tục từ 2 – 3 vụ/năm nên đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 20 thanh niên địa phương, với thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông còn thưởng thêm từ hiệu quả nuôi tôm. Nếu thu hoạch được 1 tấn tôm sú thì thưởng thêm 2 triệu đồng, 1 tấn tôm thẻ thưởng thêm 1,5 triệu đồng. Những lao động gắn bó lâu năm, chuyên cần nhưng có khó khăn về nhà ở được ông xây tặng nhà tình thương, mỗi căn trị giá khoảng 40 triệu đồng… Đặc biệt, những kinh nghiệm nuôi tôm đạt hiệu quả đúc kết được, ông Linh tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật cho hàng ngàn hộ nuôi tôm ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau… thông qua các cửa hàng thuốc thú y thủy sản ở địa phương.

Nguồn: Tintucnongnghiep.com được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Điểm sáng sản xuất giống thủy sản

Trạm Thực nghiệm NTTS Cát Tiến (Trung tâm Giống thủy sản Bình Định) đã nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, không chỉ cung ứng cho người NTTS ở Bình Định mà còn chiếm được niềm tin của người nuôi trên cả nước.

Cán bộ Trạm TNNTTS Cát Tiến chăm sóc hàu giống

Mặc dù phải làm việc trong điều kiện cơ sở hạ tầng vô cùng khó khăn, nhưng với lòng đam mê nghề nghiệp, những cán bộ của Trạm Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Cát Tiến (huyện Phù Cát, Bình Định) đã lặng lẽ nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, giúp người nuôi nâng cao hiệu quả SX.

Khó khăn không cản được bước tiến

Cách đây gần 10 năm, trong dịp về công tác tại Trạm Thực nghiệm NTTS Cát Tiến (Trung tâm Giống thủy sản Bình Định), tôi đã thật sự thấy choáng với hệ thống cơ sở vật chất quá xập xệ. Bây giờ về lại, đổi thay duy nhất mà tôi nhận ra là cơ sở hạ tầng ấy càng xuống cấp hơn.

Tuy nhiên, trong chừng ấy năm, Trạm đã nghiên cứu, tạo ra nhiều giống thủy sản mới, không chỉ cung ứng cho người NTTS ở Bình Định mà còn chiếm được niềm tin của người nuôi trên cả nước.

“Trạm được thành lập vào năm 2004, cơ sở hạ tầng được tận dụng từ xí nghiệp SX tôm giống để lại, từ đó đến nay chưa được sửa sang gì nên hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Dù vậy, Trạm vẫn được đánh giá là một trong số ít đơn vị hoạt động hiệu quả nhất trên cả nước”, ông Nguyễn Thế Vũ, GĐ Trung tâm Giống thủy sản Bình Định tự hào.

Ba năm sau ngày thành lập, Trạm đã tạo được tiếng vang khi thành công nhân giống cua xanh, một sản vật của đầm Thị Nại đã dần vắng bóng do khai thác quá mức. Từ công nghệ nuôi cua xanh tại Viện Nghiên cứu NTTS III (Khánh Hòa), những cán bộ của trạm đã SX được giống cua này, để trở thành 1 trong 5 đơn vị trong nước SX được giống cua xanh.

Hàu Thái Bình Dương đang được nuôi mạnh tại Bình Định

Ba năm sau, Trạm tiếp tục thành công với giống hàu Thái Bình Dương. Cũng học hỏi kinh nghiệm từ Viện Nghiên cứu NTTS III, bên cạnh thực hiện quy trình kỹ thuật được chuyển giao, các cán bộ của trạm vẫn thể hiện được dấu ấn sáng tạo của mình. Tùy theo thực tế về môi trường, thời tiết, khí hậu, đặc điểm sinh học, những cán bộ của Trạm có những điều chỉnh phù hợp. Quy trình kỹ thuật dần ổn định, mang lại hiệu quả cao. Hiện mỗi tháng trạm SX ít nhất 70.000 hàu giống, lúc cao điểm lên đến 200.000 con.

Ngoài cung cấp cho người nuôi trồng trong tỉnh, con giống cua xanh, cá chẽm, cá bớp, hàu, tôm của trạm còn “xuất ngoại” ra các tỉnh duyên hải miền Trung và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Bây giờ, giống hàu Thái Bình Dương của Trạm có thể cạnh tranh ngang ngửa với con giống của các đơn vị NTTS lớn trong nước.
Bên cạnh cua xanh, cá chẽm, hàu Thái Bình Dương, Trạm còn SX được nhiều giống thủy sản quý, như ốc hương, tôm sú, chình bông, tu hài. Trạm cũng góp phần lưu giữ nhiều loại giống đặc hữu của địa phương, như cá măng Phù Mỹ.

“Điểm tựa” của người nuôi trồng thủy sản

Mấy chục năm gắn với nghề NTTS trên đầm Đề Gi, nằm trên địa bàn xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), ông Thái Văn Triên từng nuôi thử nghiệm đủ con giống trên diện tích 1ha mặt nước, nhưng cuối cùng ông đã “mê tít” giống hàu. Đều đặn mỗi năm ông thả 3 lứa, mỗi lứa 70.000 – 80.000 hàu giống.

“Giống này phát triển tốt lắm, nhanh thu hoạch, giá giống rẻ hơn mua từ nơi khác. Hàu nuôi khoảng 4 tháng rưỡi là đạt 8 – 9 con/kg. Đây là con giống thủy sản phù hợp để phát triển ở vùng này”, ông Triên bộc bạch.

Trạm còn “nuôi mộng” xây dựng mô hình liên kết nuôi hàu theo chuỗi để làm cầu nối tiêu thụ cho người nuôi hàu thương phẩm. Trạm sẽ mua gom hàu thương phẩm của bà con nuôi từ con giống có xuất xứ từ trạm, xử lý bằng nước sạch và tia cực tím để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sau đó cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị để nâng cao giá trị.

Cán bộ Trạm Cát Tiến phải làm việc trong điều kiện cơ sở hạ tầng xập xệ

Theo ông Nguyễn Thế Vũ, hiện cua xanh và cá chẽm cũng được người NTTS trong tỉnh phát triển rất mạnh theo phương pháp quảng canh ở vùng nước lợ và diện tích mặt nước trong vùng hạ và trung triều với khoảng 1.500ha. Tuy nhiên, dù năng lực có thừa, nhưng Trạm Cát Tiến chỉ có thể SX mức độ do điều kiện cơ sở hạ tầng không cho phép. Do đó, con giống thủy sản của Trạm không đủ cung ứng cho người nuôi trồng.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tôm nguyên con của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào Úc

Tôm nguyên con của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Australia là nội dung quan trọng trong buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Tài Nguyên Australia với UBND tỉnh Bạc Liêu.

Tôm nguyên con của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào Úc

Đại diện đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Tài Nguyên Australia đánh giá rất cao về những bước tiến mới của ngành thủy sản Việt Nam nói chung và ngành tôm nói riêng. Đặc biệt, tại Bạc Liêu – thủ phủ tôm cả nước, có rất nhiều trang trại tôm công nghệ cao với các quy trình, thiết bị hiện đại bậc nhất thế giới để nuôi tôm sạch, đảm bảo các vấn đề về môi trường, an sinh xã hội.

Đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam có thể xuất khẩu tôm nguyên con vào thị trường Australia. Vì yếu tố an toàn dịch bệnh, đến nay, thị trường này chưa cho phép nhập khẩu tôm nguyên con từ các nước. Dự kiến, sau chuyến khảo sát này, cơ quan nông nghiệp hai nước sẽ có buổi làm việc nhằm thúc đẩy hoạt động xuất – nhập khẩu mặt hàng tôm trong thời gian tới.

Nguồn: VTV được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thừa Thiên – Huế: Hiệu quả từ mô hình nuôi luân canh Tôm Sú – Rong Câu

Mô hình nuôi luân canh tôm sú – rong câu được xác định là hướng đi đúng, mang lại hiệu quả kinh tế trong điều kiện thời tiết ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Lãi khá

Mới đây, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông lâm ngư tỉnh Thừa Thiên – Huế (TTKNLN) triển khai thực hiện mô hình “Nuôi luân canh tôm sú – rong câu trong ao nước lợ” nhằm góp phần đa dạng hóa phương thức nuôi, giải quyết vấn đề ô nhiễm trong quá trình nuôi chuyên tôm. Mô hình còn hướng đến tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, tăng nguồn nguyên liệu cho tiêu dùng và xuất khẩu. Qua một vài vụ nuôi, mô hình đã được khẳng định mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội như kỳ vọng.

Ông Đào Duy Trai ở xã Hải Dương (TX Hương Trà) phấn khởi: Trong khi nuôi chuyên tôm “chết lên chết xuống”, mô hình nuôi luân canh tôm sú-rong câu thật sự là cứu cánh cho người dân. Lãi tuy không bằng nuôi chuyên tôm, nhưng mô hình này ít rủi ro, ít ô nhiễm môi trường và bền vững. Hộ ông Trai được chính quyền địa phương lựa chọn hỗ trợ mô hình với diện tích 0,5 ha. Đối với tôm sú mật độ thả 15 con/m2 (cỡ giống p15); rong câu 0,5 cây/m2 (cỡ giống 10 – 15 cm). Đối với tôm, tỷ lệ sống bình quân đạt 64%, cỡ tôm thu hoạch 20 g/con, tổng sản lượng gần 1 tấn, lãi ròng 78,5 triệu đồng.

Trưởng phòng Kỹ thuật Thủy sản – TTKNLN – Nguyễn Thị Thu Giang cho biết, ngoài hộ ông Trai, TTKNLN còn hỗ trợ xây dựng thêm 3 mô hình thí điểm tại 3 hộ khác ở các xã Vinh Giang (Phú Lộc), Vinh Xuân (Phú Vang) và Quảng Công (Quảng Điền). Mỗi hộ được hỗ trợ nuôi 5.000 m2 với mật độ thả giống, kích cỡ tôm tương tự. Sau 5 – 6 tháng nuôi, sản lượng bình quân tại các hộ này đạt gần 1 tấn, lãi ròng trên dưới 50 triệu đồng.

Để mô hình bền vững

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Giang, mô hình nuôi luân canh tôm sú – rong câu bước đầu thành công, mở ra nhiều cơ hội cho người dân trong đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Một ưu thế đối với mô hình này là kinh phí đầu tư không lớn so với nuôi chuyên tôm, với quy mô nuôi khoảng 5.000 m2 chỉ khoảng trên 50 triệu đồng… Trong khi nuôi tôm sú lợi nhuận khá, hiệu quả kinh tế rong câu mang lại còn thấp, nhưng có tác dụng làm ổn định các yếu tố môi trường, giảm thiểu đáng kể các chất gây hại nguồn nước trong ao nuôi…

Các vùng đầm phá trên địa bàn tỉnh có điều kiện thuận lợi về mặt nước, môi trường để nuôi thủy sản xen ghép, trong đó mô hình luân canh tôm sú – rong câu được xác định rất phù hợp. Để phát huy hiệu quả, khai thác tốt tiềm năng, sắp đến các cấp, ngành liên quan cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thực hiện mô hình này với quy mô lớn hơn, nhân rộng nhiều địa phương khác nhằm xác định được tính khả thi của việc trồng rong câu thương phẩm trong ao nuôi tôm và cải thiện chất lượng nguồn nước ao nuôi. Từ đó thúc đẩy, khuyến khích người dân từng bước đổi mới phương thức nuôi trồng thủy sản bền vững, hạn chế rủi ro trong nuôi chuyên tôm sú như hiện nay.

Phó Giám đốc TTKNLN – Châu Ngọc Phi chia sẻ, nếu được đầu tư phát triển mô hình trình diễn, các ban ngành sẽ kết hợp chuyển giao, tập huấn kỹ thuật sản xuất cho người dân. Đây cũng là điều kiện để nhân rộng mô hình, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương.

Nguồn: Báo Thừa Thiên – Huế được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi xen ghép tôm sú – cá dìa – cua

Đầu năm 2017, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh triển khai mô hình nuôi xen ghép tôm sú, cá dìa và cua trên diện tích ao nuôi 3.000m2 của gia đình bà Lê Thị Lịch ở thôn Trúc Ly, xã Võ Ninh.

Nuôi xen ghép tôm sú – cá dìa – cua 

Trong quá trình thực hiện mô hình, gia đình bà Lê Thị Lịch được hỗ trợ con giống gồm 1.500 con cá dìa, 45.000 con tôm sú và 1.500 con cua và được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và trực tiếp hướng dẫn quy trình, theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của các loại đối tượng thủy sản nuôi trồng.

Sau gần 5 tháng thực hiện, nhìn chung mô hình phát triển khá tốt. Trọng lượng bình quân cá dìa đạt 200 gram/con, tôm sú 40 con/kg và cua 200 gram/con. Theo đánh giá tại hội thảo, mô hình cho thu hoạch 2 tạ cá dìa, 1,5 tạ cua và 6,7 tạ tôm sú, tổng doanh thu ước đạt hơn 182 triệu đồng; trừ chi phí đầu tư, hộ nuôi trồng có thu nhập 90 triệu đồng.

Đây là hình thức nuôi trồng mới, nuôi xen ghép các đối tượng nhằm cải thiện môi trường, hạn chế dịch bệnh, khai thác được tiềm năng ao hồ nuôi trồng thủy sản mặn lợ, hồ nuôi tôm kém hiệu quả hoặc bỏ hoang sang nuôi theo mô hình, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập.

Nguồn: Baomoi.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi cá Kỹ thuật nuôi cá dìa trong ao đất kết hợp tôm sú

Cá dìa là một đặc sản của Thừa Thiên Huế, không chỉ người dân Huế mà cả khách du lịch đều biết đến giá trị thương phẩm của loài này.

Nắm bắt nhu cầu thị trường, đồng thời được sự vận động của các cán bộ Trung tâm Khuyến ngư tỉnh, anh Nguyễn Văn Dưỡng ở thôn Triệu Thôn, xã Phú An, huyện Phú Vang đã mạnh dạn đầu tư hơn 5000 m2 ao đất của mình để nuôi cá dìa kết hợp với nuôi tôm sú.

Từ những kiến thức đã học hỏi từ các cán bộ kỹ thuật, anh Dưỡng cho biết cá dìa là đối tượng nuôi có nhiều ưu điểm phù hợp với điều kiện tự nhiên của Huế. Chúng là loài rộng nhiệt, rộng muối, chịu được biên độ dao động muối từ 5-37‰. Thức ăn của cá dìa là thực vật thuỷ sinh, mùn bã hữu cơ, đồng thời chúng vẫn có thể ăn thức ăn tổng hợp nên rất tốt cho việc cải thiện môi trường ao nuôi.

Các bước thực hiện trong quá trình nuôi cá dìa của anh Dưỡng như sau:

Kỹ thuật cải tạo ao nuôi:

Trước khi thả nuôi cá phải tiến hành cải tạo kỹ ao nuôi. Sau khi cày xới mặt ao, anh Dưỡng dùng 500 kg vôi bột rải đều mặt ao, đặc biệt bón nhiều ở những chỗ còn đọng nước.  Dùng phân vi sinh và phân NPK để gây màu nước với hàm lượng 10kg phân vi sinh/100m2 và 3kg phân NPK/100 m2.

Hướng dẫn thả giống:

Trên diện tích 5000 m2, anh Dưỡng thả 2500 con cá dìa giống cỡ 50-70g/con, 7.500 tôm sú giống.

Kỹ thuật chăm sóc:

Biết được cá dìa là loài ăn thực vật thủy sinh, mùn bã hữu cơ nên anh Dưỡng tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên như rong tảo. Ngoài ra anh còn tự chế biến thức ăn từ ngũ cốc, cá tạp. Trong quá trình nuôi, cá dìa cũng mắc phải một số bệnh như bệnh ký sinh trùng và bệnh nhiễm khuẩn nhưng sau khi xử lý bằng formol (100%) với nồng độ 100-150ppm thì cá hết bệnh.

Sau 3 tháng nuôi anh Dưỡng thu được 312 kg cá dìa thịt, 150 kg tôm sú, 100 kg cua và tôm đất. Cá dìa có trọng lượng bình quân 250g/con, tỷ lệ sống 50%. Sau khi trừ chi phí, anh Dưỡng thu lãi hơn 8 triệu đồng.

Mô hình nuôi cá dìa kết hợp nuôi tôm sú bước đầu thành công đã làm tăng thu nhập của gia đình anh Dưỡng. Cá dìa sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên nên chi phí thức ăn thấp. Tuy nhiên cần phải lưu ý lựa chọn con giống sạch, có chế độ chăm sóc tốt, đề phòng các bệnh, chủ động theo dõi các yếu tố môi trường vì cá dìa khá nhạy cảm với biến đổi thời tiết.

Nguồn: Tiếp Thị Nông Nghiệp được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nghệ An: Nuôi trồng thủy sản vượt chỉ tiêu đề ra

Năm 2017, sản xuất, nuôi trồng thủy sản diễn ra trong điều kiện thời tiết thay đổi thất thường. Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản ở Nghệ An vẫn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Diện tích nuôi trồng thủy sản Nghệ An đạt 21.333 ha bằng 102% KH và bằng 103% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, diện tích nuôi ngọt 18.926 ha, nuôi mặn lợ đạt 2.408 ha (diện tích nuôi tôm đạt 2.119 ha).

Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đạt 50.253 tấn bằng 101% kế hoạch và bằng 105% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, sản lượng ngọt 39.626 tấn, sản lượng mặn lợ đạt 10.627 tấn (sản lượng tôm là 6.582 tấn).

Ươm cá giống tại Diễn Châu

Trong năm qua, các cơ sở tại Nghệ An đã sản xuất được 1.719 triệu con tôm giống, bằng 143% so KH và bằng 105% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tôm sú đạt 184 triệu con, tôm thẻ đạt 1.535 triệu con.

Sản xuất cá giống các loại đạt 704 triệu con bằng 101 % KH và bằng 103% so cùng kỳ năm 2016. Sản xuất cua giống đạt trên 31 triệu con. Sản xuất, ương ngao giống đạt 1,2 tỷ con.

Tổng giá trị sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại Nghệ An ước đạt 2.626 tỷ đồng, bằng 129% so cùng kỳ năm 2016.

Tại Hội nghị, Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An đã trao Giấy khen cho 14 tập thể, 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác nuôi trồng thủy sản năm 2017.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Rau sam và dâu tằm: thảo mộc kích thích sự lột xác của tôm

Rau sam và dâu tằm có tác dụng kích thích tôm lột xác bằng hoạt chất Phytoecdysteroid tự nhiên. Qua đó mở ra một hướng đi mới nhằm nâng cao năng suất cho nuôi tôm nhờ kích thích quá trình lột xác.

Vấn đề nan giải của nghề nuôi tôm gặp phải là sự chậm lại của quá trình lột xác của tôm.

Hormon Ecdysteroid đã được báo cáo là có tác dụng để kích thích việc lột xác của tôm sú. Nghiên cứu này nhằm mục đích sử dụng chiết xuất một hormone Ecdysteroid từ các loài thảo mộc như vạn tuế (Cycas revoluta), rau sam (Portulaca oleracea) và dâu tằm (Morus sp.).

Sau đó đánh giá ảnh hưởng của chúng đối với thời kỳ lột xác, tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống của tôm sú (Peunaeus monodon).

Việc chiết xuất Ecdysteroid từ lá của ba loài thảo mộc trên được thực hiện bằng phương pháp giã nhuyễn. Sau đó chiết xuất Ecdysteroid bằng thiết bị sử dụng sắc ký (TLC).

Dâu tằm (Morus sp.)

Thí nghiệm

Đánh giá hiệu quả của hormone tạo Phytoecdysteroid trong thời kỳ lột xác, tăng trưởng và tỉ lệ sống của tôm được thực hiện bằng cách tiêm 100 μL phytoecdyasterod (27,5 μg/tôm) ở đốt bụng thứ nhất. So sánh với ecdysteroid thương mại (kiểm soát dương tính) và dung dịch muối vô trùng (kiểm soát âm tính) cũng được tiêm ở liều 8,6 μg/tôm và 0 μg/tôm tương ứng.

Rau sam (Portulaca oleracea)

Kết quả

Kết quả cho thấy tỷ lệ lột xác cao nhất của Phytoecdysteroid thu được ở cây rau sam (Portulaca oleracea), tiếp theo là dâu tằm (Morus sp.) và vân tuế (Cycas revoluta) với hàm lượng ecdysteroid lần lượt là 0,43%, 0,22% và 0,09%.

Triacodoids được phân lập từ 3 cây này có thể rút ngắn thời gian lột vỏ tôm thành 4, 4, 2, và 5 ngày trước đó đối với thảo mộc Portulaca oleracea, Morus sp., Cycas revoluta và kiểm soát dương tính, so với kiểm soát âm tính.

Tỷ lệ sống và tăng trưởng cao nhất đạt được khi điều trị bằng rau sam (Portulaca oleracea), tiếp theo là dâu tằm (Morus sp.) và vạn tuế (Cycas revoluta) với tỷ lệ sống là 86%, 75% và 25%, tăng chiều dài là 4,42%, 2,26% và 2,16%, tăng trọng lần lượt là 15,90%, 10,55% và 8,73%.

Kết luận

Các kết quả phân tích trên của các nhà khoa học cho thấy hai loài thảo mộc rau sam và dâu tằm có tác dụng kích thích tôm lột xác bằng hoạt chất Phytoecdysteroid tự nhiên. Việc kích thích lột vỏ bằng thảo mộc cũng chứng minh rằng nó góp phần rút ngắn thời gian lột vỏ, tăng tỉ lệ sống và tăng trọng cho tôm.

Nguồn: Indonesian Aquaculture journal được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Đánh giá sức khỏe tôm tại ao

Việc làm này giúp người nuôi phát hiện sớm nguy cơ dịch bệnh từ đó có biện pháp điều trị kịp thời.

Quan sát dấu hiệu bất thường

Thông thường, người nuôi nên kiểm tra toàn bộ hoạt động của tôm trong ao 2 lần/ngày vào buổi sáng và chiều, quan sát một số dấu hiệu như: tôm thiếu ôxy, thức ăn dư thừa, màu sắc nước ao. Các dấu hiệu quan sát được là thông tin quan trọng đánh giá về hiện trạng sức khỏe tôm cũng như môi trường ao nuôi.

Tôm chết: trong mọi trường hợp, tôm chết cho thấy tình trạng ao nuôi đang xấu, sức khỏe tôm rất yếu.

Tôm bơi trên mặt nước: tôm có thể bị sốc do hàm lượng ôxy hòa tan thấp hoặc nhiệt độ cao hay bệnh.

Tôm hoạt động gần bờ: có thể do thiếu thức ăn.

Màu nước: thay đổi đột ngột hoặc đậm màu.

Mùi: Mùi phổ biến thường gặp là mùi tanh và mùi tảo. Mùi tanh là mùi đặc trưng của nhớt do tôm lột xác đồng loạt hoặc mùi thức ăn khi cho tôm ăn lượng lớn. Tảo nở hoa sẽ gây ra mùi, tảo lục thường là mùi bùn, tảo lam là mùi của thuốc kháng sinh. Ngoài ra, chất hữu cơ phân hủy trong tình trạng yếm khí cũng sinh ra mùi hôi thối.

Có cá bống bơi hỗn loạn hoặc tập trung gần bờ: Dấu hiệu cho thấy ôxy hòa tan thấp, có kèm khí độc cao, thường thấy ở những ao nhiều ngày tuổi. Đối với những ao này nên thu càng sớm càng tốt, để lâu theo phản ứng bình thường tôm sẽ lột xác nhưng không cứng vỏ và chết.

Ở một vài ao khi xuất hiện cua còng bò lên bờ, phản ứng chậm chứng tỏ nước ao nuôi bị ô nhiễm, khí độc cao và lượng ôxy hòa tan thấp… chỉ một tuần sau tôm sẽ rớt đáy. Một dấu hiệu nhận biết khác là ốc bò ra khỏi mặt nước thì lúc đó ao nhiều khí độc, đáy ao yếm khí…

Bọt khí nổi: Do hàm lượng hữu cơ trong nước ao cao.

Quan sát tôm ở sàng ăn

Hàng ngày kiểm tra tôm trong sàng ăn. Tôm khỏe là tôm có màu sắc bóng đẹp, phụ bộ đầy đủ không bị tổn thương, tôm búng mạnh, bơi nhanh, đường ruột đầy thức ăn và liên tục, tuyến gan tụy có màu nâu sáng, kích thước bình thường. Phân tôm mạnh khỏe sẽ có màu của thức ăn. Phân tôm có màu khác hoặc nhớt là dấu hiệu bất ổn. Khi thấy phân tôm của một vài con có màu đỏ, thường là trong ao đã có tôm chết.

Chài tôm kiểm tra sức khỏe

Tôm bị bệnh có biểu hiện: mềm vỏ, trống ruột. Ngã nghiêng (nằm nghiêng) nhanh chóng sau khi chài lên. Đục cơ trước 10 phút (khi chài lên) và thường xuyên xuất hiện đục cơ tại ao.

Sau khi chài tôm lên, cho vào một thau chứa lượng nước vừa đủ để tiện quan sát. Khi đã ổn định, tiến hành quan sát toàn thể mẫu tôm. Ba chỉ tiêu quan trọng nhất cần quan sát lúc này là độ đồng đều, tình trạng ruột và màu sắc gan tụy. Đây là những chỉ tiêu dễ quan sát và phản ánh trực tiếp hiện trạng sức khỏe tôm nuôi.

Kích cỡ tôm

Đánh giá độ đồng đều, mức độ phát triển của đàn tôm theo ngày tuổi từ đó đưa ra nhận định ban đầu về tình trạng sức khỏe của tôm. Nếu tôm quá nhỏ so với bình thường có thể đưa ra các giả định tôm bị nhiễm các bệnh gây chậm lớn. Nếu tôm lệch cỡ nhiều, có thể đưa ra giả thuyết tôm thiếu dinh dưỡng (thiếu khoáng hoặc thiếu thức ăn) hoặc nhiễm các bệnh gây lệch cỡ.

Kiểm tra gan: Tôm bình thường gan có màu nâu vàng hoặc vàng cam. Khi bóp gan ra, có dịch màu nâu vàng sệt, không chảy. Có mùi tanh đặc trưng.

Kiểm tra ruột

Quan sát và đánh giá khi tôm còn sống

Điểm trung bình < 1,6: tôm bị thiếu ăn hoặc bệnh

Nếu đã cho ăn > 80% tổng lượng thức ăn khuyến cáo và ít nhất 3 lần/ngày mà ruột < 1,6 là tôm bệnh.

Một số thay đổi bên ngoài

Vỏ: Tôm khỏe có vỏ bóng, khá dày chắc trong khi tôm bệnh vỏ thường lồi lõm. Vỏ tôm mỏng hoặc do lột xác không cứng vỏ thường cho thấy môi trường nước xấu và tôm sốc rất nặng. Nếu trong chài có số lượng tôm mỏng vỏ nhiều hơn 5% thì cần có biện pháp để khắc phục.

Hình dạng bất thường: tình trạng dị hình (do một số bệnh thường gặp như ASDD hoặc IHHNV), gãy gai chủy, đứt râu, mòn cụt chân bơi, chân bò (do đáy ao bị ô nhiễm); vỏ có các chấm đốm đen, đốm nâu, đốm trắng (nhiễm khuẩn hoặc hội chứng Taura)

Cong thân: có thể bị tác động bởi các yếu tố như sốc do nhiệt độ cao, nhiễm khuẩn Vibrio, mất cân bằng khoáng chất, độc tố trong môi trường ao nuôi. Tỷ lệ tôm bị cong thân có thể chấp nhận được trong ao tôm là < 5%

Đốm đen: Những đốm đen trên vỏ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, như nhóm vi khuẩn Vibrio, Taura syndrome virus (TSV), những tổn thương vật lý (Lightner, 1996). Những đốm đen do vi khuẩn Vibrio gây ra với nguyên nhân khởi phát là chất lượng nước xấu, thường không gây chết tôm nếu như nó không làm tổn thương vỏ quá sâu vào bên trong phần cơ thịt tôm. Trong ao tôm, tỷ lệ vỏ tôm có đốm đen có thể chấp nhận được ở mức 5 – 10% trong chu kỳ nuôi, nhưng cần nhỏ hơn 2% vào giai đoạn thu hoạch tôm.

Mang: bình thường mang có màu trong suốt. Mang đổi màu sang vàng, nâu hay đen thường do đáy ao bị ô nhiễm, chất hữu cơ trong nước nhiều. Ngoài ra, các vùng trắng như tuyết trên mang có thể là mang bị hoại tử do bão hòa khí trong nước.

Phụ bộ: sưng phồng hay gãy phụ bộ thường do nhiễm khuẩn từ những vùng đáy ao bị ô nhiễm.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Ngưỡng chịu đựng của ao tôm

Ngưỡng chịu đựng của ao tôm là khối lượng tôm tối đa mà ao tôm có thể gánh nổi. Đơn vị tính là kg tôm/m2. Ngưỡng chịu đựng này phụ thuộc vào hệ thống hạ tầng ao nuôi (đáy ao, bờ ao, độ sâu), khả năng đầu tư trang thiết bị (máy quạt, máy thổi khí), chất lượng con giống, trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý của người nuôi…

Cần quản lý tốt chất lượng ao nuôi tôm

Tác động

Theo các nghiên cứu, càng về cuối vụ nuôi, chất thải (bao gồm phân tôm, thức ăn thừa, xác tảo chết) càng tích tụ nhiều ở đáy ao, tạo thành lớp bùn đen và sự phân hủy các chất hữu cơ sẽ tạo thành khí độc như H2S làm tôm chết. Chất thải cũng là nguồn dinh dưỡng cho tảo phát triển mạnh, khi tảo tàn và phân hủy sẽ khiến cho nhu cầu ôxy trong ao nuôi tăng vọt.

Tôm càng lớn thì tổng khối lượng tôm trong ao càng cao, ao nuôi trở nên chật hẹp. Môi trường biến động xấu làm cho tôm suy yếu, dễ bị nhiễm bệnh, trong nhiều trường hợp người nuôi phải thu hoạch tôm khẩn cấp. Việc làm này sẽ gây thiệt hại lớn cho người nuôi vì tốn nhiều tiền mua thuốc chữa trị trước đó, cộng với việc cỡ tôm nhỏ nên giá bán thấp.

Giải pháp kiểm soát

Theo Theo TS Pornlerd Chanratchakool (Thái Lan) giá trị ngưỡng chịu đựng như sau: Tại Thái Lan: Ao sâu 1,5 m, 36 mã lực/ha (quạt nước), giá trị ngưỡng 1,8 – 2,5 kg tôm/m2 ao (tôm thẻ chân trắng); Việt Nam: Ao sâu 1,2 m, 25 mã lực/ha (quạt nước), giá trị ngưỡng 1,3 kg (ao đất) – 1,5 kg (ao bạt) tôm/m2 ao (tôm thẻ chân trắng) và 0,6 – 0,8 kg tôm/m2 ao (tôm sú).

– Xác định lượng giống thả vào ao: Người nuôi không nên thả quá dày với tâm lý tôm hao hụt bớt là vừa mà cần phải chủ động thả mật độ vừa phải để tránh gây áp lực quá lớn lên ao nuôi.

– Xác định thời điểm ao tôm tới ngưỡng: So với giá trị ngưỡng ao đất là 1,3 kg/m2 thì tôm vẫn còn phát triển tốt vì chưa đạt ngưỡng. Như vậy, trước khi tôm đạt ngưỡng, người nuôi cần chủ động thu tỉa để tạo môi trường thông thoáng giúp tôm phát triển tiếp hoặc chủ động tăng cường quạt khí cũng như kiểm soát mật độ tảo thích hợp (không cho tảo quá dày).

Ao nuôi tôm công nghiệp cần có độ sâu từ 2 – 2,5 m, đảm bảo giữ được nước cao nhất từ 1,6 – 1,8 m. Mật độ thả hợp lý đối với tôm sú nuôi thâm canh 15 – 20 con/m2, bán thâm canh 8 – 14 con/m2; tôm thẻ chân trắng 30 – 80 con/m2. Ngoài ra, trong quá trình nuôi cần đảm bảo máy quạt đầy đủ, người nuôi nắm vững kỹ thuật và có kinh nghiệm trong ổn định các chỉ số môi trường ao nuôi khi có biến động do thời tiết.

Cùng đó cũng cần lưu ý, sau những cơn mưa kéo dài nên kiểm tra lại độ pH trong ao. Nếu độ pH giảm thấp thì dùng vôi nông nghiệp hòa tan trong nước với liều lượng từ 10 – 20 kg/1.000 m3; duy trì mực nước trong ao từ 1,3 – 1,8 m để tránh sự biến động của yếu tố môi trường. Đối với hiện tượng tảo tàn, người nuôi có thể bón phân vi sinh, để khử khí độc trong ao nên sử dụng men vi sinh định kỳ.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.