Làm giàu từ củ ấu

Trước đây, hằng năm, nông dân ở các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang đã tận dụng diện tích mặt nước dâng cao trong mùa nước nổi để trồng ấu kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn. Đa số nông dân trồng ấu có chung nhận xét: dễ trồng, ít vốn, nhẹ công chăm sóc, ít sâu bệnh.

Trong quá trình trồng, chỉ cần bón phân và phun thuốc dưỡng cây, ngừa sâu ăn lá và phòng bệnh cháy lá là đủ… Việc trồng ấu bắt đầu từ giữa tháng 6 âm lịch đến cuối tháng 11 âm lịch – lúc nông dân rảnh rang việc đồng áng.

Theo nhiều nông dân, cây ấu phù hợp với vùng nhiều nước nhưng để cây phát triển và có củ trong mùa nắng nóng thì ít nơi trồng được, chưa kể ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên khó ổn định năng suất.

Củ ấu

Tuy nhiên, hiện nay, tại huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long củ ấu được bà con trồng đại trà tại xã Tân Hạnh nhờ họ biết cách trữ nước trong ruộng trũng và ươm giữ giống. Đến nay, toàn xã đã xây dựng được mô hình trồng ấu 3 vụ một năm, với tổng diện tích khoảng 50ha.

Ông Lê Văn Hết (53 tuổi, ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Hạnh), vui vẻ tiết lộ: “Trước đây, sau mỗi lần thu hoạch lúa hè thu, tôi mới xới trục đất rồi lấy nước vào ruộng để cấy ấu giống. Nhưng hiện nay, tôi luôn giữ nước trong ruộng rồi cấy ấu ở mặt nước cao từ 2–3 tấc cho ấu mau bén đất. Khi ấu vừa lớn, tôi xả nước vào sâu bao nhiêu thì dây ấu lên cao bấy nhiêu… Vụ nào ít gặp nắng hạn, thời gian thu hoạch ấu sẽ kéo dài nên coi như vụ đó trúng mùa”.

Bình quân, một công ấu (1.000m2) cho từ 800 kg đến một tấn củ. Nếu trúng có thể lên đến hơn một tấn, thất thì cũng được 600 kg.

Nhờ 4 công ruộng luôn trữ hơn nửa mét nước, bà Nguyễn Thị Hoa (56 tuổi, ngụ ấp Tân Hóa, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ) đã trồng trúng mùa và bán hơn 5 tấn củ ấu với giá 7.000 đồng một kg, thu nhập gần 35 triệu đồng mỗi vụ. Sau khi trừ tất cả các khoản chi phí đầu tư và công chăm sóc, gia đình bà còn lời hơn 25 triệu đồng.

Bà Hoa còn cho biết thêm ấu có lợi nhuận cao hơn lúa và hoa màu khác. Bà Hoa dẫn chứng, gia đình bà từng trồng một ha lúa với kinh phí đầu tư hơn 13 triệu đồng nhưng bán chỉ được khoảng 24 triệu đồng. Trong khi đó, vốn trồng ấu khoảng 2 triệu đồng, năng suất gần 10 tấn, doanh thu có thể lên tới hơn 50 triệu đồng. Đây là cây trồng có hiệu quả cao, lợi nhuận gấp 3 cây lúa.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Chính (ngụ ấp Tân Thuận, xã Tân Hạnh) tỏ ra phấn khởi vì thị trường tiêu thụ củ ấu mạnh. Bà Chính cho biết: “Lúc trước, nhà tôi trồng lúa nhưng sau này, thấy ấu có giá trị kinh tế cao, vốn đầu tư ít nên tôi mua giống về trồng. Vào mỗi mùa thu hoạch, thương lái đến tận bờ ruộng để thu mua với giá từ 6.000 – 7.000 đồng một kg. Mỗi vụ thu hoạch được 3 lần, hàng bán rất chạy nên nông dân an tâm”.

Ông Lê Thanh Bình, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hạnh, cho biết ngoài tiêu thụ trong nước, ở Vĩnh Long đã có nhà máy chế biến củ ấu để xuất khẩu. “Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, chính quyền địa phương khuyến khích nông dân trong xã tham gia mô hình trồng ấu quanh năm ở những vùng trũng vì hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, xã cũng khuyên người dân trồng cây ấu theo quy hoạch của địa phương, trồng xen canh với các loại hoa màu khác, không nên trồng ấu ồ ạt, tránh tồn ứ”, ông Bình khuyến cáo.

Thu hoạch ấu

Cây củ ấu sống dưới nước, mọc ở các ao, đầm. Hoa màu trắng, mọc đơn độc hay ở nách lá. Trong củ chứa một hạt, trong hạt có nhiều bột trắng ăn được. Củ ấu có 2 giống là ấu gai và ấu trụi: ấu gai quả có 2 sừng nhọn như gai, năng suất thấp; ấu trụi quả có 2 sừng tù, năng suất cao. Cây ấu trồng để lấy củ làm thức ăn cho người hay cho gia súc, lấy lá làm thức ăn xanh.

Trong củ ấu có nhiều gluxit, đường glucô, protein. Trong 100g thịt củ ấu có 24g đường, 9mg canxi, 49mg phot pho, 0,7mg sắt, các vitamin A, B1, C, D và men có tác dụng hạn chế ung thư gan, ung thư dạ dày.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Đa Mi (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận): Trồng mắc ca liệu có phù hợp?

Xung quanh cây mắc ca

Cây mắc ca (Macadamia) du nhập vào Việt Nam từ năm 1992, từ đó đến nay có rất nhiều ý kiến ủng hộ, cũng như nghi ngờ hiệu quả về giống cây này. Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Kinh tế Trung ương và tỉnh Lâm Đồng cũng đã phối hợp tổ chức hội thảo “Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên”, và đặt niềm tin là mắc ca sẽ là cây làm giàu của nông dân Tây Nguyên và Tây Bắc, 2 vùng đất thích hợp. Theo đó, mắc ca trồng từ hạt sau 7 – 8 năm sẽ cho ra trái. Hạt có giá trị dinh dưỡng cao, sử dụng làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất nhiều sản phẩm dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe, giá trị kinh tế cao. Chẳng hạn như dầu ăn, sản phẩm chăm sóc da và tóc… Có thể trồng mắc ca xen với cà phê, chè, làm cây che bóng, chắn gió, hoặc trồng tập trung thành rừng công nghiệp. Ý kiến nghi ngờ thì chỉ ra rằng: nhiều nơi trồng mắc ca không có trái, năng suất thấp, như vậy có nên đặt vấn đề phát triển trên diện rộng?…

Cây mắc ca ra trái mùa đầu.

Đây là lý do để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đắn đo trong phê duyệt diện tích mắc ca đến năm 2020 của cả nước. Diện tích được phê duyệt là 10.000 ha, thay vì 200.000 ha như dự kiến trước đây. Tuy vậy, mới đây trong một bài báo đăng trên Lao Động, ông Trần Vinh – Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, không ngại ngần tái khẳng định: Mắc ca là cây có giá trị kinh tế cao. Nếu đầu tư đúng cách, chăm bón đúng kỹ thuật và tìm được đầu ra, giá trị kinh tế mang lại không kém cây cà phê và hồ tiêu. 1 ha cây mắc ca có thể cho 3 -4 tấn hạt thô, trong khi đó, mỗi kg hạt thô có thể bán từ 3 – 4 USD. Còn vì sao một vài nơi, nông dân trồng mắc ca không hiệu quả là do mấy vấn đề sau: Mắc ca là cây á nhiệt đới, yêu cầu độ ẩm cao, tầng đất dày, trồng không đúng đất, cây sẽ không phát triển tốt; giống trồng không tốt, không được chọn lọc, là giống trôi nổi; chăm sóc không đúng kỹ thuật…

Cũng theo ông Trần Vinh, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên có hơn 20 giống mắc ca, trong đó H2, OC và 508 là những giống rất triển vọng, cho năng suất cao. Viện trồng thử nghiệm cây mắc ca xen với một số loài cây công nghiệp có giá trị như cà phê vối, cà phê, chè, ca cao. Kết quả bước đầu cho thấy mắc ca sinh trưởng tốt, sau 4 – 5 năm cho năng suất khoảng 10 kg hạt/cây, thậm chí có cây đạt 15 kg/năm.

Bài báo trên Lao Động còn đề cập đến vấn đề: có 8 tỉnh thích hợp để trồng cây mắc ca, đó là: Đắc Nông, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên.

Đa Mi có thích hợp?

Trở lại với xã Đa Mi của huyện Hàm Thuận Bắc. Đây là địa phương duy nhất trong tỉnh trồng mắc ca. Lý luận của người dân ở đây rất đơn giản: Đa Mi nằm gần Bảo Lộc (Lâm Đồng), là bậc thềm của Nam Tây Nguyên. Trên đó trồng được thì Đa Mi cũng trồng được.

Mắc ca được trồng thành công ở Lâm Đồng

Theo anh Ngô Xuân Vân, Bí thư Đảng ủy Đa Mi: Người dân bắt đầu trồng xen mắc ca với sầu riêng, cà phê từ 4 năm trước. Cây cao nhất là 4m, thấp là 1,5 – 2m. Giống được mua ở các cơ sở bán giống trên thị trường, với giá 40 – 45 ngàn đồng/cây. Tổng diện tích mắc ca toàn xã ước khoảng 5 ha, nhiều nhất là ở thôn La Dày… Đã có một công ty chuyên về cung ứng giống mở hội thảo trồng mắc ca tại La Dày và nhiều nông dân tỏ ra hưởng ứng. Những nông dân trồng đầu tiên hy vọng mắc ca sẽ cho năng suất khá khi vào năm thứ 7 (đang là năm thứ 4). Vấn đề đặt ra, theo thông báo của đại diện Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Đa Mi rộng ra là Bình Thuận không nằm trong 8 tỉnh có chất đất phù hợp, tầng đất dày để trồng mắc ca. Vậy có nên tiếp tục phát triển mắc ca ở Đa Mi cho dù rất gần Lâm Đồng? Cơ quan nào chịu trách nhiệm khẳng định điều đó? Rất cần một sự nghiên cứu về chất đất, giúp nông dân, thay vì để nông dân trồng tự phát.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Người trồng bưởi da xanh đầu tiên trên cao nguyên, thu hơn 1 tỷ đồng/năm

Là người tiên phong trong lĩnh vực trồng cây ăn quả, năm 2012 vợ chồng ông Nguyễn Văn Nhàn và bà Nguyễn Thị Thái Hà, ở tổ dân phố 8, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư Mgar, Đắk Lắk mạnh dạn phá bỏ hơn 1 ha cà phê để trồng 700 gốc bưởi da xanh nổi tiếng ở miền Tây.

Vườn bưởi nhà ông Nhàn, bà Hà cho trái quanh năm.

Ba năm sau, vườn bưởi bắt đầu cho quả ngọt không kém xứ miệt vườn, mỗi năm thu nhập hơn tỷ đồng/ha.

Vợ chồng ông Nhàn, bà Hà vốn làm nghề buôn bán nông sản nhưng rất đam mê nông nghiệp. Bao nhiêu lời lãi trong kinh doanh, ông bà đều dồn vào mua đất. Cả những vùng đất xấu, ông cũng không ngại đầu tư thời gian, công sức cải tạo, biến đất cằn cỗi trở nên màu mỡ. Sau nhiều năm kiên trì tích góp, đến nay gia đình ông Nhàn đã sở hữu 20ha đất, đủ để ông thỏa sức thực hiện mơ ước làm “nông dân chính hiệu”.

Năm 1990, khi có đất trong tay, gia đình ông, bà cũng như nhiều nông dân khác trong vùng chọn cây cà phê để khởi nghiệp. Một thời gian sau, thấy người dân đua nhau mở rộng diện tích cà phê nên chuyển hướng sang trồng hồ tiêu. Nhờ siêng năng, chịu khó chăm sóc, vườn cà phê 10 ha và 3 ha tiêu phát triển tươi tốt quanh năm cho thu nhập ổn định vài trăm triệu đồng/vụ. Tuy nhiên điều đó vẫn chưa làm ông, bà thỏa lòng bởi số tiền đầu tư cho hai loại cây công nghiệp này tương đối lớn, trong khi giá cả liên tục biến động nên quyết định chọn cây ăn quả làm hướng đi riêng.

Năm 2007, nhà ông, bà trồng thêm 2 ha sầu riêng và xen thêm hàng trăm cây vào vườn cà phê. Thời điểm đó, sầu riêng còn khan hiếm, bán được giá cao cho thu nhập bình quân 200 triệu đồng/ha. Ông bà tiếp tục lấn sân sang trồng bơ và mít Thái (mít “siêu sớm”) vừa để đa dạng cây trồng vừa so sánh hiệu quả kinh tế giữa các các cây trồng với nhau.

Liên tiếp gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực cây ăn quả, năm 2012, ông Nhàn mạnh dạn thử sức với cây bưởi – loại quả biểu tượng cho sự may mắn, tài lộc đang có sức hút trên thị trường. Ông khăn gói xuống miền Tây – thủ phủ bưởi da xanh có tiếng từ xưa để mua 700 gốc về trồng thử nghiệm.

Thấy ông chặt bỏ cà phê để trồng loại cây vốn chỉ ưa tiết trời dịu mát, ôn hòa ở miền Tây Nam bộ, nhiều người nóng mặt can ngăn. Nhưng bằng kinh nghiệm và ý chí của người con đất võ Bình Định, gia đình ông Nhàn – bà Hà quyết tâm làm cho bằng được mới thôi. Đầu tiên, là cải tạo đất cho tơi xốp, trồng một lớp cỏ dại dưới gốc bưởi tránh xói mòn, lắp hệ thống tưới tiết kiệm cung cấp nước quanh năm… để đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất cho cây bưởi sinh trưởng, phát triển tốt. Với cách làm khoa học trên, ba năm sau vườn bưởi bắt đầu ra hoa, đậu quả. Vỏ bưởi màu xanh, ruột hồng, không hạt, ăn rất ngon, ngọt không thua kém bưởi trồng ở miền Tây.

Cây bưởi ra trái quanh năm, trung bình mỗi cây cho 100 quả, mỗi quả nặng từ 1,2 – 3kg, giá bán tại vườn 40 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên đến 70 nghìn đồng/kg. Dù giá cao nhưng vườn bưởi luôn trong tình trạng “cháy hàng”, vì trên địa bàn hiện nay chỉ mình nhà bà trồng. Năm 2015, vườn bưởi 1 ha cho thu nhập 1, 2 tỉ đồng, trong khi tổng doanh thu 8 ha các loại cây gồm bơ, sầu riêng, mít Thái chỉ được 3 tỉ đồng. Như vậy hiện nay, bưởi da xanh đang là loại quả siêu lợi nhuận nhất trong các loại cây ăn trái được trồng trên vùng đất cao nguyên.

Bà Hà cho biết: Để cây bưởi ra hoa, đậu quả trên vùng đất có khí hậu nắng – mưa thất thường không hề đơn giản. Người trồng phải tính toán rất kỹ từ khâu trồng, bón phân, tưới nước, ánh sáng,… đến việc che chắn gió cho cây vì đất bazan rất mềm, những lúc mưa bão rất dễ làm bật gốc cây. Hiện gia đình bà đang nghiên cứu nhân giống cây bằng phương pháp ghép cho rễ cọc bám sâu phù hợp với đất Tây Nguyên. Đồng thời đầu năm 2017 ông đã trồng 1.000 cây bưởi bởi trên thị trường hiện đang rất chuộng loại cây này.

Một quả bưởi nặng từ 1,2 – 3kg.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật nuôi dúi

Dúi trong tự nhiên đang khan hiếm dần do săn bắt nên hiện nay Dúi không đủ cung cấp cho thị trường.

Sau 3 năm nghiên cứu về con Dúi và đã thành công trong việc thuần hoá và gây nuôi sinh sản vì vậy Nhóm nghiên cứu (Trung tâm BDKT và ĐTN cho nông dân Vĩnh Phúc) và GS. Nguyễn Lân Hùng giới thiệu với bà con nông dân một số kinh nghiệm về nuôi Dúi, với mục đích giúp người nông dân có cơ hội tiếp cận để nuôi loại vật nuôi này.

Dúi được xếp vào loại thức ăn đặc sản, thịt ngon, mát, giàu đạm. Dúi là con nuôi mới, dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp (chuồng trại, con giống, thức ăn), ít nhân công, vòng xoay vốn nhanh, ít rủi ro. Nuôi Dúi ít vốn, tốn ít diện tích, thức ăn rẻ dễ kiếm. Trước nhu cầu của thị trường thì con dúi đang được bà con nông dân trên cả nước nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng đã đưa vào nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chúng tôi giới thiệu một số kinh nghiệm trong nuôi Dúi.

Thức ăn

Trong tự nhiên, dúi ăn chủ yếu rễ tre và măng tre. Ngoài ra, dúi còn ăn các loại hạt, củ, quả, thân cây mía…

Khi nuôi thức ăn: cây họ nhà tre (măng bát độ, tre, trúc, bương…) không ăn lá, cây họ nhà mía (cỏ voi, các loại mía… ) nó chỉ ăn phần thân cứng không ăn lá (đây là hai loại thức ăn hàng ngày bắt buộc phải có khi nuôi Dúi) và nó ăn một số loại thức ăn khác như: củ khoai lang, củ sắn, nghô (đây là phần thức ăn bổ sung cho Dúi trong quá trình mang thai và nuôi con, và trong quá trình nuôi thương phẩm).

Làm chuồng nuôi sinh sản

Mỗi ô chuồng rộng khoảng 50 cm, dài 0,8 – 1 m xây tường cao 70 cm bên trong tô xi măng thật láng hoặc ốp gạch men (gạch loại), nền bê tông hoặc lát gạch. Đây là chuồng thiết kế cho nuôi sinh sản, mỗi ô chuồng dùng cho một con.

Kỹ thuật nuôi dúi

Làm chuồng nuôi thương phẩm

Làm chuồng nuôi thương phẩm, mỗi ô chuồng rộng khoảng 2 m2 trở lên, xây tường cao 70 cm trở lên (dúi leo trèo kém), bên trong tô xi măng hoặc ốp gạch men (gạch loại), nền bê tông hoặc lát gạch. Trong chuồng đặt khoảng các ống cống nhỏ hoặc nhiều các gốc cây, số lượng này phụ thuộc vào mật độ đàn nuôi thương phẩm chú ý mật độ càng nhiều thì cần nhiều các ống và các loại gốc cây để chúng chú ẩn, tránh nhau để không cắn nhau…

Chú ý: Có thể sử dụng chuồng nuôi thương phẩm để nuôi sinh sản tuy nhiên người nuôi Dúi cần phải nhận biết được khi nào con Dúi cái mang thai và phải tách nó ra trước khi nó sinh sản, nếu không khi sinh sẽ bị con khác ăn con hoặc có thể nó cũng ăn con. Khi sử dụng chuồng nuôi thương phẩm để nuôi sinh sản thì người nuôi phải chấp nhận hao hụt đàn bố mẹ do trong quá trình nuôi chúng sẽ cắn nhau có thể sẽ bị chết.

Khi thiết kế chuồng nuôi cần chú ý trong chuồng phải được mát về mùa hè, nếu mái che lợp lá, đảm bảo thông thoáng nhưng ít ánh sáng rọi vào chuồng. Bố trí làm chuồng ở khu yên tĩnh.

Kỹ thuật nuôi dúi

Sinh sản

Mỗi năm dúi đẻ 4 lứa, mỗi lứa 2-5 con, nuôi con rất giỏi, hao hụt ít. Nên cho dúi ăn đầy đủ và đúng khẩu phần trước, trong và sau khi sinh.

Dúi cái mang thai 45 ngày. Lúc mới ra đời dúi con không có lông và chưa mở mắt. Khoảng 15 ngày sau khi sinh dúi con mở mắt và vài tuần sau sẽ mọc lông. Sau 01 tháng ở với mẹ, dúi con trưởng thành và bắt đầu ăn được thức ăn như tre, mía… tuy nhiên nên sử dụng loại tre bánh tẻ vì răng nó chưa khoẻ, lúc này nó tự sống độc lập. Sau khi tách con thì nên ngừng cho ăn một ngày và sau 3 ngày thì kiểm tra và ghép đôi với Dúi đực.

Một số chú ý khi chăm sóc Dúi sinh sản:

Kiểm tra Dúi cái động dục: xách đuôi con Dúi cái lên kiểm tra nếu thấy bộ phận sinh dục của nó có màu hơi hồng, đưa tay lên vuốt nhẹ thấy nó hơi lồi ra, có thể ướt bộ phận sinh duc là con cái có biểu hiện động dục.

Tiến hành ghép đôi: chọn con đực (nên chọn con đực có kích thước tương đương con cái hoặc to hơn một ít) thả vào chuồng con cái và quan sát nếu thấy con đực và con cái quấn quýt với nhau thì để nguyên như vậy, nếu thấy con đực và con cái gằm ghè nhau thì thay con khác. Chú ý sau 2 ngày tiến hành quan sát con cái nếu thấy con cái co biểu hiện vú hơi căng, bộ phận sinh dục bắt đầu se lại thì con cái đã được đực. Nếu chưa quan sát quen thì tốt nhất để con đực và con cài ở với nhau trong vòng một tuần hoặc thấy con đực và con cái có biểu hiện gằm ghè nhau thì tách ra.

Chú ý: Khi ghép đôi con đực với con cái mà đã hợp nhau thì đánh dấu lại và lần giao phối sau nên sử dụng lại con đực. Mỗi con đực có thể quản lý được tối đa là 5 con cái tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào kinh nghiệm của người nuôi và chu kỳ sinh sản của các con cái. Vì vậy khi bắt đầu nuôi nên sử dụng một đực một cái, sau khi đã có kinh nghiệm thì tăng dần số con cái lên.

Chăm sóc Dúi mang thai và sinh con: sau khi con cái được đực thì chú ý chế độ cho ăn: phải đủ tre, mía, và bổ sung thêm ngô hoặc khoai lang hoặc củ sắn.

Nuôi thương phẩm

Cần chú ý phải cho ăn đủ thức ăn để chánh khi đói chúng cắn nhau. Ngoài ra cần bố trí các vật chú ngụ sao cho phù hợp để hạn chế tối đa chúng cắn nhau.

Chưa phát hiện dịch bệnh xảy ra trên dúi khi nuôi. Tuy nhiên nếu cho ăn không đủ tre, mía, thì Dúi sẽ bị dài răng và thiếu nước sẽ bị chết hoặc để Dúi cắn nhau không phát hiện nó cũng rất dễ bị chết.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật nuôi cá bống tượng trong bồn

Thiết kế bồn nuôi

Nuôi cá trong bồn có nhiều thuận lợi hơn so với nuôi trong ao đất. Trên cùng một diện tích, nuôi cá trong bồn tuy đầu tư chi phí ban đầu có cao hơn nhiều nhưng năng suất cao hơn gấp nhiều lần so với nuôi trong ao đất.

Mặt khác, nuôi trong bồn còn có nhiều điểm thuận lợi khác như: Dễ quản lý bồn bể và cá nuôi, nhờ sự chủ động địa điểm và quy mô nuôi. Nhờ không phải phụ thuộc vào thời tiết nên chủ động mùa vụ thả nuôi.

Nuôi trong bồn nhờ mực nước cạn nên có thể dễ dàng quan sát được sự ăn mồi của cá mà tăng giảm lượng thức ăn cho phù hợp, hạn chế ô nhiễm nguồn nước cũng như tiết kiệm mồi. Dễ dàng phát hiện, ngăn chặn và xử lý khi cá có biểu hiện bệnh.

Nhờ nuôi cách biệt với nền đáy nên ngăn chặn được sự thẩm lậu của vật chất hữu cơ vào trong đất.  Sử dụng nguồn nước ít hơn do đó thải nước cũng ít hơn, nên hạn chế ô nhiễm môi trường. Cần ít công chăm sóc hơn so với nuôi trong ao, do đó chi phí lao động rẻ hơn.

Lựa chọn địa điểm nuôi cá bống tượng trong bồn là nơi có nguồn nước sạch, cung cấp nước thường xuyên, vị trí xây nơi yên tĩnh, chủ động việc cấp và thoát nước, thuận tiện giao thông. Tốt nhất là nơi có nguồn nước chảy tự nhiên như sông, suối. Đảm bảo đạt nhiệt độ của nước 25 – 270C, hàm lượng oxy hòa tan 5mg/l, độ pH 7,5 – 8,5.

Thiết kế bể/bồn nuôi có diện tích tốt nhất từ 100m2 trở lên, hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình tròn được xây bằng gạch, bên trong láng nhẵn. Độ sâu của bể/bồn 1,5 m, bên trong láng xi măng nhẵn, trên thành bể/bồn xây gờ ngang 10 cm để cho cá khỏi đi.

Có hệ thống cống cấp thoát nước riêng biệt. Ống cấp nước cách mặt bể/bồn 50 cm, tốt nhất nên thiết kế bể nuôi có nước chảy ra vào thường xuyên, trang bị máy bơm nước tự động tắt mở khi nước đầy. Nước bể/bồn nuôi ở dạng nên lắp thêm giàn phun mưa để tạo thêm oxy mỗi buổi sáng.

Để tránh tạp chất gây ô nhiễm, cho nước qua một bể lọc (có cát, than, sỏi…) chiếm 20 – 30% diện tích bể. Trên bể/bồn có mái che, lưới để giảm ánh nắng rọi vào nhiều. Đối với bể/bồn mới xây, ngâm phèn chua 100 g/m2, ngâm 2 lần, 2 ngày/lần, sau đó chà bằng bẹ chuối, phơi nắng 30 ngày, cấp và xả nước 3 – 4 lần.

Giống thả nuôi

Cá bống tượng giống

Nguồn gốc: Hiện nay giống bống tượng cung cấp cho nuôi cá thịt có thể mua từ 2 nguồn: thu từ tự nhiên và từ  các cơ sở sản xuất giống.

Giống thu gom tự nhiên thì cá gái rẻ hơn giống sinh sản nhân tạo, nhưng có nhiều nhược điểm: Cá có kích cỡ không đồng đều, khi nuôi dễ bị phân dàn, cá dễ bị sây sát do quá trình đánh bắt, thu gom, vận chuyển. Mặt khác do thu gom nên số lượng không kịp thời đủ cho thả nuôi.

Giống sản xuất nhân tạo do ương nuôi trong thời gian kéo dài nên giá thành cao, cỡ cá nhỏ hơn cá thu gom tự  nhiên (15-30g), trong khi cá tự  nhiên dễ lựa cỡ cá khoẻ mạnh, không bị sây sát do đánh bắt và kiểm soát được bệnh tật. Ngoài ra có thể cung cấp đủ số lượng lớn cho nhu cầu nuôi.

Kích cỡ cá thả:Cá thu gom tự nhiên: 80-100g/con. Cá ương nuôi nhan tạo: 15-30g/con

Mùa vụ thả: Có thể nuôi quanh năm, tuỳ thuộc vào nguốn giống và điều kiện kinh tế  nông hộ.

Mật độ thả:  Cá cỡ lớn (80-100g/con) thả với mật độ từ 5-7 con/m2. Cá cỡ nhỏ (15-30g/con) thả với mật đọ từ 8-10 con/m2. Trước khi thả, phải tắm nước muối 25% trong 10 phút.

Thức ăn và quản lý chăm sóc

Các loại thức ăn: Chủ yếu là tép rong, cá nhỏ, cua, ốc,… Cá phải được làm sạch, cắt nho nhỏ cho vừa cỡ miệng cá, cua đập dập, ốc cũng đập dập vỏ. Thức ăn rải đều thức ăn 7-10% trọng lượng cá trong ao. Nên theo dõi chặt chẽ mức độ ăn của cá để điều chỉnh tăng giảm. Lượng thức ăn cho hợp lý. Mỗi ngày cho ăn 1-2 lần(sáng sớm và chiều tối).

Cá bống tượng

Thức ăn có thể được trộn thêm premix khoáng premix vitamin (1-2% trọng lượng thức ăn). Không nên trộn bất ký loại kháng sinh nào vào thức ăn khi cá bình thường.

Quản lý chăm sóc: Cho cá ăn đầy đủ, đúng số lượng và chất lượng, giữ cho thức ăn luôn sạch và không bị hư thối. Vệ  sinh sàn ăn trước khi cho thức ăn mới vào.

Hàng ngày phải thường xuyên theo dõi hoạt động và mức ăn của cá. Kinh nghiệm của nhiều hộ nuôi cá Bống tượng cho biết, phải kịp thời nhận biết những biểu hiện bất thường và kiểm tra lại các khâu để xác định nguyên nhân và có biện pháp  xử lý ngay.

Các biểu hiện bất thường gồm có: một vài cá nổi đầu, ăn mồi chậm và giảm lượng ăn hoặc bỏ ăn đột ngột. Những biểu hiện trên là cá đang nhiễm bệnh. Ở mức độ nhẹ và ít thì việc xử lý kịp thời sẽ có hiệu quả. Khi cá đã nhiễm bệnh nặng thì rất khó xử lý và chữa trị, vì bệnh trên cá bống tượng rất đa dạng và phức tạp. Vì vậy biện pháp phòng bệnh cho cá là tốt nhất, đó là đủ ăn, thức ăn tươi và môi trường nước sạch.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Dâu tây trên xơ dừa thu bạc tỷ

Tự thử nghiệm và nhân rộng thành công kỹ thuật trồng dâu tây New Zealand trên giá thể thuần xơ dừa, nông dân Nguyễn Thanh Trúc ở Phường 11, Đà Lạt đang thu lãi bạc tỷ mỗi năm trên diện tích đất chưa đến một hecta.

Trồng dâu tây trên xơ dừa

Lãi ban đầu 2,5 tỷ đồng/9.000 m²/năm

Kết thúc tháng 7/2017, vườn dâu tây của nông dân Nguyễn Thanh Trúc (sinh năm 1975, ngụ tại Phường 11, Đà Lạt) thu hoạch hơn 1 tấn/5.000 m². Vườn dâu tây này tọa lạc ở thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ, Đà Lạt, cách Quốc lộ 20 chỉ hơn nửa cây số nên người tham quan dễ dàng tìm đến nơi. Mới 9 giờ sáng mỗi ngày, vườn dâu đã thu hoạch và đóng gói hơn 30kg trái, chuyển đi tiêu thụ theo đơn hàng ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trúc cho biết: “Đây là vườn dâu tây thứ 3 của hộ gia đình chúng tôi chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Trước đó, năm 2013 và 2014, chúng tôi đã trồng 2 vườn dâu tây ở Phường 10 và Phường 11, Đà Lạt, mỗi vườn có diện tích 2.000 m², cũng đang vào thời kỳ kinh doanh, tổng sản lượng trung bình 12 tấn/năm. Cả 3 vườn dâu tây đều sản xuất trong nhà kính công nghệ cao và đều đạt tiêu chuẩn VietGAP…”.

Trúc “thuyết minh” thêm: Đà Lạt vào thời điểm giữa mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 10, vườn dâu của Trúc đạt sản lượng bằng khoảng 60-70% những tháng đầu mùa mưa và những tháng mùa khô còn lại trong năm. Nguyên nhân mùa mưa dài ngày thường xuất hiện sâu bệnh nhiều, chênh lệch biên độ nhiệt độ ngày và đêm khá lớn, dẫn đến dâu tây ra hoa đậu trái ít hơn mùa khô với thời tiết thuận lợi. Tuy nhiên, nếu thống kê trong một năm vừa qua, 3 vườn dâu tây diện tích 9.000 m² của nông dân Nguyễn Thanh Trúc đạt tổng sản lượng 25 tấn, một con số phấn đấu của những vườn dâu tây công nghệ cao ở Đà Lạt. Với giá bán cố định 200.000 đồng/kg, chủ vườn Nguyễn Thanh Trúc đạt doanh thu 5 tỷ đồng. Trừ 50% tất cả mọi chi phí, còn lại thực lãi 2,5 tỷ đồng.

Khách hàng mua dâu tây của Nguyễn Thanh Trúc gồm: khách du lịch tham quan, hái dâu thưởng thức và mua tại chỗ; các chợ đầu mối và các cửa hàng rau sạch ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Dâu tây của Trúc thu hái và đóng gói chuyển đến khách mua ngay trong ngày bằng phương tiện đường bộ và đường hàng không. Nhờ lợi thế chất lượng đặc trưng, dâu tây New Zealand của Nguyễn Thanh Trúc đến thời điểm cuối tháng 7/2017 vẫn không cung cấp đầy đủ theo nhu cầu sản lượng đặt hàng.

Mới giải quyết 60% yêu cầu kỹ thuật

Khám phá một vòng vườn dâu tây 5.000 m² ở Lộc Quý, Xuân Thọ, Đà Lạt với quy trình khác biệt. Nguyên khu vườn này với chất đất thịt pha trộn phần lớn chất cát cao lanh, trồng cà phê phát triển èo uột, nông dân Nguyễn Thanh Trúc đã bỏ ra gần 1 tỷ đồng mua về và đầu tư hơn 1 tỷ đồng nữa mới chuyển đổi sang trồng dâu tây New Zealand từ tháng 2/2017. Toàn bộ diện tích 5.000 m² được thiết kế hoàn chỉnh, đưa vào canh tác dâu tây gồm: nhà kính khung sắt, trong đó khép kín hệ thống tưới nước, bón phân nhỏ giọt; nguồn nước sạch được bơm lên từ 3 chiếc giếng ngầm; hệ thống máng chứa giá thể thuần xơ dừa treo lên cách mặt đất 1,3-1,5 m, trên đó trồng dâu tây với mật độ 8.000 cây/1.000 m²; những chiếc quạt gió và máy đo nhiệt độ trong nhà kính…

Tương tự, 2 khu vườn dâu tây với tổng diện tích 4.000 m² ở Phường 10 và Phường 11, Đà Lạt nêu trên, đã được chủ nhân Nguyễn Thanh Trúc mạnh dạn đầu tư khép kín quy trình sản xuất với nguồn vốn cũng gần cả tỷ đồng. Và tính chung trên tổng diện tích 9.000 m² dù đang đạt lợi nhuận 2,5 tỷ đồng/năm, nhưng anh Nguyễn Thanh Trúc vẫn chia sẻ rằng chỉ mới giải quyết 60% yêu cầu kỹ thuật. Còn lại 40% quy trình cung cấp dinh dưỡng chưa đáp ứng khả năng hấp thu hiệu quả nhất của cây. Đánh giá này dựa trên kết quả tự nghiên cứu, đối chiếu từ nhật ký sản xuất tương ứng với năng suất và chất lượng dâu tây New Zealand thu hoạch trong nhiều năm liên tục của chủ vườn Nguyễn Thanh Trúc.

Dâu tây New Zealand trồng trên giá thể thuần xơ dừa của chủ nhân Nguyễn Thanh Trúc ở Đà Lạt thu lãi 2,5 tỷ đồng/9.000 m²/năm.

Mục tiêu từ nay đến cuối năm 2017, Nguyễn Thanh Trúc sẽ bổ sung 40% yêu cầu kỹ thuật còn lại trên 9.000 m² vườn dâu tây Đà Lạt của mình. Giải pháp cụ thể là điều chỉnh liều lượng nước tưới, phân bón phù hợp với từng thời điểm, từng thời gian vận hành, nhằm chăm sóc tốt nhất trong mọi giai đoạn sinh trưởng, đơm hoa kết trái của cây dâu tây. Bởi theo Trúc, khi cây dâu tây nuôi sống bằng chất lượng dinh dưỡng tối ưu nhất thì sẽ nâng cao khả năng đề kháng các loại bệnh hại phát sinh, đồng thời tăng lên sản lượng thu hoạch vượt trội hàng năm.

Thiết nghĩ, ngành nông nghiệp và tổ chức hội nông dân các cấp ở Đà Lạt nên đưa 3 vườn dâu tây trồng thuần xơ dừa của nông dân Nguyễn Thanh Trúc vào chương trình tổ chức tham quan, trao đổi, thậm chí hội thảo đầu bờ để hoàn thiện và nhân rộng nhiều hơn nữa mô hình dâu tây quy mô hộ gia đình nông dân ở địa phương.

 

 

Nguồn: đã kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Độc đáo vườn cà chua trái cây

Không cần phải đi Đà Lạt, du khách, người tiêu dùng vẫn có thể tham quan, thưởng thức những trái cà chua bi trái cây, cà chua Sôcôla… Đặc biệt là giống cà chua đen, cà chua vàng được trồng theo công nghệ cao của nông dân Hồ Tấn Phong (phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang).

Nhiều giống mới, tốt cho sức khỏe

Trong nhà kính rộng hơn 1.000m2, chú Phong chia ra làm 2 phần, một bên trồng các giống cà chua trái cây, một bên trồng dưa lê, dưa lưới. Bước vào khu vực trồng cà chua, tôi “mê mẩn” trước những trái cà chua đủ màu sắc: Xanh, đỏ, tím, vàng, đen… bé xíu treo trên cây. Thấy tôi chụp hình những trái cà chua căng mọng, chú Phong cho biết: “Ai vô đây cũng khoái chụp hình hết. Nền xanh lá cây, lại thêm mấy trái cà chua nhỏ nhỏ, đủ màu sắc! Cô ăn thử trái cà chua vàng này và cho biết cảm nhận nhé!”. “Ngọt, giòn, thơm thơm, không hạt… ngon và lạ!”- tôi quay sang nói với chú Phong. “Đây là cà chua vàng Kim Ngọc, giống mới! Khách vào đây ăn thử xong cũng đòi mua loại này vì nó ngon, ngọt, thơm… nên gọi là cà chua trái cây. Mới trồng thử không nhiều nên cung không đủ cầu”.

Nông dân Hồ Tấn Phong chăm sóc vườn cà chua trái cây

à chua vàng, tuy trái nhỏ nhưng chứa nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe, làm giảm nguy cơ lão hóa cao, màu đẹp và có vị ngọt dịu. Chỉ tay vào những trái cà chua đen bóng, chú Phong nói: “Nó là loại “hot” và đắt tiền nhất thời gian qua, vì chứa nhóm hợp chất có khả năng chống ô-xy hóa mạnh, có khả năng ngừa hàng loạt bệnh (ung thư, tiểu đường và béo phì) và giúp tăng sinh lực. Những lúc hút hàng ở Đà Lạt, họ bán 100.000 đồng/kg nhưng vẫn không đủ để cung cấp. Cà chua đen có vỏ màu đen, ruột đỏ. Đây là giống cà chua khó trồng, nhiều nông dân ở Đà Lạt cũng trồng thử”. Cà chua đen, cà chua vàng chứa nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe và có khả năng làm giảm nguy cơ lão hóa. Được tham quan, dùng thử các loại cà chua tại vườn, anh Lê Cao Trị (du khách đến từ huyện Tịnh Biên) chia sẻ: “Những trái cà chua mới hái nên ngọt và giòn, ngon. Mỗi loại có mùi vị khác nhau, cà chua sôcôla có màu đen nhạt, tím, hơi chua; cà đen trái to hơn cà chua sôcôla nhưng màu đen đậm, có vị ngọt, cơm dầy; cà chua cherry trái màu đỏ, nước nhiều, vị ngọt nhẹ…”.

Sản xuất ứng dụng công nghệ cao

Nông dân Hồ Tấn Phong cho biết: “Với diện tích 500m2, tôi trồng 1.500 gốc cà chua các loại, như: Cà chua bi đỏ Thúy Hồng, cà chua cherry, cà chua vàng Kim Ngọc, cà chua sôcôla, cà chua đen… Cà chua được trồng theo công nghệ cao, đảm bảo an toàn nên có thể hái và ăn tại vườn”. Cà chua được trồng trên luống cao và cố định bằng sào để cây không bị gãy, đổ vì đang đến độ thu hoạch, trái sai trĩu cành. Mặc dù nhiệt độ nóng hơn so với ở Đà Lạt nhưng do áp dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại nên cà chua sinh trưởng tốt, không cần dùng đến chất kích thích tăng trưởng hay thuốc bảo vệ thực vật.

Cà chua vàng trái nhỏ, ngọt dịu, giòn, thơm

Cũng như cà chua đỏ thường, các loại cà chua này trồng 3 tháng thì bắt đầu cho ra quả và thu hoạch (kéo dài 3 – 4 tháng), trung bình mỗi gốc từ 3-5kg trái chín. Với 1.500 gốc sẽ thu hoạch được 5-6 tấn, giá bán 50.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được trên 50 triệu đồng/vụ. Vì mô hình trồng bán thủy canh nên nhu cầu nước cung cấp cho cây rất cao, cây càng lớn hút nước càng nhiều. Hiện cà chua đang trong giai đoạn thu hoạch nên phải tưới nước từ 6-7 lần/ngày. “Trong quá trình sản xuất, nhờ có hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel nên tiết kiệm được nước tưới, nhân công… Ngoài ra, việc sản xuất trong nhà lưới giúp hạn chế rất nhiều sâu bệnh và không phun xịt các loại thuốc bảo vệ thực vật nên an toàn cho người tiêu dùng”- nông dân Hồ Tấn Phong thông tin.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân phường Châu Phú B (TP. Châu Đốc) Huỳnh Mộc Khải: Mô hình này hiện đang có thương hiệu trên thị trường vì hiệu quả mang lại rất cao. Từ khâu gieo hạt giống, chăm sóc, thu hoạch… được kiểm soát kỹ nên sản phẩm đạt chất lượng và tiêu chuẩn an toàn. Mặt khác, đây là mô hình được UBND TP. Châu Đốc, Sở Khoa học và Công nghệ chọn làm điểm kết hợp tham quan du lịch sinh thái. Qua thời gian thực hiện rất thành công, lượng khách đến bình quân từ 5-10 lượt người/ngày, những ngày nghỉ cuối tuần, lễ, Tết… lên đến 40-50 lượt khách/ngày. Hiện chú Phong đang đầu tư, mở rộng thêm 1.300m2 nhà kính để trồng thêm một số giống cây mới. Song, để nông dân an tâm sản xuất, tỉnh và địa phương quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sử dụng thực phẩm sạch, an toàn. Tiếp tục hỗ trợ về giống, kỹ thuật để sản phẩm chất lượng hơn. Đồng thời, hỗ trợ nông dân đăng ký Vietgap…”.

 

 

Nguồn: đã kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Khánh Hòa: 100 ao nuôi tôm 90 ao trúng đậm, nhiều hộ lãi tiền tỷ

Năm nay thời tiết thuận lợi, tôm thẻ chân trắng thả nuôi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ít xảy ra dịch bệnh, vì thế nhiều nơi bà con thu hoạch có lãi khá. Đặc biệt là do bà con có nhiều năm kinh nghiệm nuôi tôm nên tỷ lệ ao tôm trúng đậm rất cao.
Chúng tôi có mặt tại các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Ninh Phú và phường Ninh Giang (TX Ninh Hòa) khi người nuôi đang thu hoạch vụ thứ 2. Niềm vui thể hiện rõ trên khuôn mặt rám nắng của họ khi 2 vụ liên tiếp có lãi.

Ông Nguyễn Phú, một người nuôi tôm ở khu vực thôn Tiên Du 1, xã Ninh Phú phấn khởi chia sẻ, năm nay hầu hết người nuôi tôm ở đây đều có lãi, trong vụ 1 nuôi 100 ao thì có trên 90 ao bội thu. Tuy nhiên mức lãi nuôi tôm trong ao đất không cao. Người lãi nhiều trên trăm triệu đồng, lãi ít vài chục triệu. Nguyên nhân do người nuôi không dám thả dày kết hợp nuôi cua.

Vụ tôm 2017, nhiều người nuôi ở Khánh Hòa có lãi.

“Với diện tích gần 1ha, tôi chỉ thả khoảng 10 vạn giống/2 vụ, với giá đầu tư 920.000 đồng/vạn con giống, sau khi thu hoạch trừ chi phí còn lãi hơn 50 triệu đồng”, ông Phú chia sẻ.

Ông Nguyễn Phú cho biết qua 2 vụ nuôi tôm hầu hết người nuôi có lãi

Nuôi tôm trong ao đất có mức lãi khiêm tốn, nhưng nuôi ao trải bạt năm nay cho lãi hàng tỷ đồng. Tiêu biểu là hộ anh Lê Minh Chính áp dụng nuôi tôm theo công nghệ biofloc ở khu vực thôn Hang Dơi. Gặp chúng tôi, anh Chính cho biết, vụ 1 gia đình thả 1 triệu giống trong 6.600m2, sau hơn 2 tháng nuôi thu 19 tấn, với kích cỡ tôm đạt từ 40 – 60 con/kg, bán với giá 140.000 đ/kg.

Anh Chính áp dụng nuôi theo công nghệ biofloc.

Còn vụ thứ 2, anh thả 1,5 triệu giống trong 9.600m2, sau 2 tháng nuôi, tôm đạt 70 – 80 con/kg, sản lượng trên 25 tấn, bán với giá 112.000 đ/kg.

Ông Phan Thanh Sinh, Phó Chủ tịch xã Ninh Phú cho biết, toàn xã có khoảng 170ha nuôi tôm, trong đó 4ha nuôi trải bạt. Năm nay ở 2 vụ nuôi bà con đều thả 100% diện tích. Vụ đầu tiên hầu hết người nuôi có lãi, còn vụ thứ 2 đã thu hoạch hơn 50%, trong đó khoảng 15% diện tích có lãi, số còn lại huề vốn.

Tại vùng nuôi tôm ở phường Ninh Giang, người nuôi đã thu hoạch gần kết thúc. Ông Huỳnh Chiếm Đạt, Phó Chủ tịch phường cho hay, toàn phường có 81ha nuôi tôm, qua 2 vụ chỉ có 7,1ha bị dịch bệnh, giảm nhiều so với mọi năm. Số diện tích còn lại bà con thu hoạch đạt 1,5 tấn/ha. Sản lượng cả 2 vụ ước đạt 110 tấn.

“Đây là vụ tôm được mùa hơn mọi năm trước. Việc người nuôi có lãi có thể do thời tiết thuận lợi và tuân thủ thả giống có nguồn gốc, nuôi mật độ thưa. Thêm vào đó, địa phương cũng phối hợp cơ quan chuyên môn tổ chức nhiều lớp tập huấn nuôi tôm an toàn”, ông Đạt chia sẻ.

Tại vùng nuôi tôm trên bạt ở xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, người nuôi tôm cũng vui mừng không kém vì thu hoạch trúng đậm. Ông Ngô Chín, một người nuôi tôm ở đây cho biết, 2 vụ thả nuôi diễn ra suôn sẻ, rất nhiều hộ lãi tiền tỷ. Gia đình ông có ao nuôi 3.000m2, mỗi vụ thả từ 60 – 80 vạn tôm giống. Sau khi thu hoạch bán sản phẩm, trừ chi phí còn lãi hơn 1 tỷ đồng.

 

 

Nguồn: đã kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

 

 

Nông dân tìm cách “sống chung” với bệnh trắng lá mía

Trước tình hình bệnh trắng lá mía lây lan nhanh trên đồng ruộng nhưng chưa có giải pháp chữa trị hữu hiệu, chính quyền huyện Ia Pa (Gia Lai) đang chỉ đạo ngành chuyên môn vào cuộc, phối hợp với Nhà máy Đường Ayun Pa và người dân tìm biện pháp “sống chung” với loại bệnh này.

Bệnh trắng lá mía bùng phát mạnh

Huyện Ia Pa là địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất khu vực Đông Nam tỉnh. Toàn huyện hiện có gần 7.000 ha mía, trong đó có 3.300 ha mía trồng mới và hơn 3.600 ha mía lưu gốc. Theo báo cáo của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Ia Pa thì hiện nay gần như chân ruộng nào cũng có mía bị trắng lá.

Bệnh trắng lá mía

Tại xã Chư Răng-nơi có diện tích mía bị trắng lá lớn nhất huyện Ia Pa, nhiều hộ trồng mía đang lâm vào cảnh khốn đốn khi bỏ ra số tiền đầu tư khá lớn nhưng chưa thu hồi lại được vốn, nay lại tốn thêm công, tiền của để thuê máy, công cày, cuốc bỏ… Bà Tình (một người dân xã Chư Răng) cho biết: “Ruộng mía của tôi trồng theo kỹ thuật hàng đôi, ở chu kỳ năm thứ hai, là thời điểm đạt năng suất cao nhất thì bị nhiễm bệnh trắng lá. Bệnh bùng phát quá nhanh, trong vòng 1 tháng chưa kịp xử lý cuốc bỏ gốc nhiễm bệnh theo khuyến cáo của ngành chuyên môn vì diện tích quá lớn thì bệnh đã lan ra cả 16 ha. Chúng tôi buộc phải cày phá bỏ toàn bộ ruộng mía, thiệt hại lên đến cả tỷ đồng”.

Tương tự, anh Trần Công Sơn (thôn Bình Trung, xã Chư Răng) có 19 ha mía mới thu năm đầu chưa đủ bù đắp cho số tiền đầu tư (hơn 500 triệu đồng, trung bình khoảng 30 triệu đồng/ha) nay càng khó thu hồi khi diện tích nhiễm bệnh trắng lá ngày càng tăng. Tính đến nay, gia đình anh đã có hơn 5 ha mía bị nhiễm bệnh trên 40% buộc phải cày bỏ. “Lúc đầu, ruộng mía của gia đình tôi chỉ bị nhiễm ít thôi, tỷ lệ rất thấp. Tôi đã thuê công cuốc bỏ nhằm ngăn chặn sự lây lan nhưng chỉ sau 1-2 cơn mưa đầu mùa (khoảng giữa tháng 5) thì thấy ruộng mía trắng xóa. Tốc độ nhiễm bệnh rất nhanh khiến tôi không kịp trở tay”-anh Sơn cho biết.

Tìm cách “sống chung”

Trước tốc độ bùng phát của bệnh trắng lá mía, UBND tỉnh đã chỉ đạo ráo riết các ngành, địa phương triển khai các biện pháp phòng bệnh. Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với UBND huyện Ia Pa, Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai tổ chức nhiều cuộc họp tìm biện pháp tháo gỡ tình hình. Huyện Ia Pa và Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, mời các chuyên gia vào cuộc để tìm nguyên nhân, giải pháp đối phó với bệnh trắng lá mía.

“Sống chung” với bệnh trắng lá mía

Huyện Ia Pa hiện có 435,4 ha mía nhiễm bệnh trắng lá dưới 30% phải cuốc bỏ những gốc cây bị bệnh đem tiêu hủy và 79,9 ha mía gốc bị nhiễm nặng trên 30% phải cày phá bỏ tiêu hủy hoàn toàn, diện tích nhiễm bệnh còn lại đang được tập trung xử lý. Tuy nhiên, đến nay, nguồn bệnh trắng lá mía vẫn tồn tại tiềm tàng trong tàn dư thực vật, hom giống ở hầu hết các xã trồng mía. Tất cả các giống mía đang trồng trên đồng ruộng đều bị nhiễm bệnh trắng lá đã tạo môi trường cho bệnh lây lan khó kiểm soát. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng chỉ ra tồn tại là hiện các địa phương và Nhà máy Đường Ayun Pa chưa kiểm soát được nguồn giống mía của nhân dân sử dụng dẫn đến bệnh lây lan từ nguồn hom giống trước khi đem ra trồng là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, chưa có hệ thống sản xuất, nhân giống mía sạch bệnh 3 cấp: cơ bản, kiểm định và thương phẩm. Ngay cả trang trại mía giống của Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai đặt tại xã Pờ Tó cũng bị bệnh trắng lá hoành hành nhiều hơn ruộng của dân.

Bà Nguyễn Thị Hường-Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Ia Pa, cho hay, thời tiết nắng hạn kéo dài trong những năm gần đây, nhất là thời điểm có cơn mưa đầu mùa gây khí hậu nóng ẩm là điều kiện để vi rút Phytoplasma gây bệnh trắng lá mía bùng phát, kết hợp lúc này cây mía đang thời kỳ đẻ nhánh rất mẫn cảm với mầm bệnh. Theo bà Hường, biện pháp phòng trừ bệnh hiện tại vẫn là khuyến cáo người dân cuốc bỏ những gốc mía bị bệnh để đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy đối với diện tích có tỷ lệ gốc bị nhiễm dưới 30% và cày bỏ tiêu hủy hoàn toàn ruộng mía với diện tích bị nhiễm trên 30%, sau đó trồng luân canh cây họ đậu 1 năm rồi mới trồng mía trở lại. Khi làm đất phải thực hiện cày trục, cày sâu, thâm canh cây mía áp dụng quy trình trồng mía có tưới nước; sử dụng nguồn mía giống sạch bệnh. Đối với diện tích đất cát pha sét thì nên chuyển đổi cây trồng khác chứ không nên trồng mía…

Vì chưa có thuốc đặc trị nên huyện Ia Pa nói chung và cả vùng nguyên liệu mía Đông Nam tỉnh đang phải “sống chung” với bệnh trắng lá mía. Theo đó, một trong những giải pháp đang được Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện Ia Pa triển khai là mô hình quản lý tổng hợp bệnh trắng lá mía với diện tích 1 ha cho 2 hộ dân là Nguyễn Viết Xuân và Đỗ Văn Cường ở thôn 2, xã Chư Răng. Sau 3 tháng trồng giống mía K95-84, đến nay, mía đang sinh trưởng và phát triển tốt, chưa phát hiện mầm bệnh trắng lá gây hại. “Trên cơ sở mô hình này, Trạm đang xây dựng kế hoạch cho năm sau nhân rộng lên 10 ha trên địa bàn huyện”-bà Hường nói.

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa, bệnh trắng lá mía phát sinh gây hại cục bộ đầu tiên ở huyện trong niên vụ 2013-2014 với diện tích nhiễm 131,7 ha. Sang niên vụ 2014-2015, bệnh bùng phát mạnh với tổng diện tích nhiễm 1.079,7 ha (chiếm gần 17% diện tích mía toàn huyện). Niên vụ 2015-2016, tổng diện tích nhiễm bệnh trắng lá mía là 981,7 ha. Vụ mía 2017-2018, tổng diện tích nhiễm bệnh trắng lá 712,4 ha. Huyện Ia Pa đang là địa phương chiếm phần lớn diện tích mía bị bệnh trắng lá trong toàn tỉnh (thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tính đến 15-8, toàn tỉnh có 836,4 ha mía nhiễm bệnh trắng lá). Hầu hết các giống mía người dân đang trồng đều bị nhiễm bệnh trắng lá.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật trồng dưa hấu tháp bầu

Tháp bầu là ghép trên gốc cây bầu, cho hiệu quả cao. Việc sử dụng biện pháp kỹ thuật ghép trên gốc của một số họ bầu, bí… nói chung, sẽ phòng ngừa được bệnh chết héo do nấm Fusarium gây ra một cách hữu hiệu. Với cách làm cũng đơn giản, bà con có thể tự sản xuất giống dưa hấu tháp bầu.

GHÉP DƯA HẤU LÊN GỐC BẦU

Từ nhiều năm nay, cứ gần đến Tết, ông Nguyễn Văn Long, quê ở Tiền Giang lại lên An Ngãi, huyện Long Điền thuê đất trồng dưa hấu bán Tết. Khác với nhiều người, ông Long chỉ thuê đất cố định một chỗ để trồng dưa. Theo nhiều người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề trồng dưa, cách làm này rất dễ bị thất bại do dưa bị bệnh. Nhưng thật bất ngờ, những năm dưa hấu bị thất mùa do bị chạy dây (bệnh héo dây) thì ruộng dưa của ông Long vẫn xanh tốt, không một dây dưa nào bị bệnh, thậm chí cho năng suất rất cao, bình quân mỗi năm ông thu hoạch từ 40 – 45 tấn dưa/ha, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi trên 100 triệu đồng. Bí quyết của ông Long là dùng giống dưa hấu ghép lên gốc bầu, trước khi xuống giống ông đã cùng vài người khác thuê hẳn một nhân công từ Long An lên chuyên ghép ngọn dưa vào gốc bầu. Theo nhiều người trồng dưa hấu, đa phần các hộ trồng dưa lại là những người đi thuê đất nên tâm lý chung là ít đầu tư, khi đất bị nhiễm bệnh họ chỉ cần bỏ đất và đi thuê đất nơi khác là tránh được bệnh này. Ngoài ra họ cũng ít chọn phương pháp ghép vì sợ tốn công và tăng chi phí.

Chị Trần Thị Đèo (Thạnh Phú, Bến Tre) đang ghép cây dưa hấu trên gốc cây bầu

Theo tính toán của ông Long, chi phí ươm bầu và ghép ngọn dưa đến khi đem trồng tốn khoảng 1.500 đồng/cây con giống, chi phí này cao hơn cách làm bình thường không ghép khoảng 900 đồng/cây. Nếu tính ra trên 1 ha chi phí tăng thêm từ 7,2 – 8 triệu đồng, nhưng chắc ăn vì dưa hấu kháng hoàn toàn bệnh chạy dây, năng suất ruộng dưa cao hơn trước đây từ 6 – 7 tấn/ha do gốc bầu mạnh, hấp thu nhiều dinh dưỡng hơn. “Điều quan trọng là trồng theo cách này, người trồng dưa hoàn toàn yên tâm với bệnh chạy dây do nấm Fusarium hoành hành như hiện nay. Nhờ vậy, bảo tồn được đồng vốn, luôn có lãi hơn so với cách trồng dưa hấu không ghép” – ông Long khẳng định.

Kỹ thuật ghép: Dùng lưỡi dao lam sắc cắt bỏ ngọn cây bầu phía trên 2 lá mầm khoảng 2mm, đồng thời cắt xiên lấy ngọn dưa hấu cách 2 lá mầm khoảng một cm về phía dưới. Dùng một chiếc ghim tre vót hơi dẹp nhọn xiên chéo sát bên lá mầm cây bầu khoảng 4 – 5mm rồi cắm ngọn cây dưa vào đó. Chú ý đường kính cây ghim tre chỉ lớn vừa bằng thân cây dưa hấu khi để vào để chúng tiếp hợp tốt thì tỷ lệ ghép sống mới cao, đồng thời khi đặt ngọn dưa hấu vào ghép phải chọn sao cho hai lá mầm của ngọn dưa hấu nằm chéo hình chữ thập với hai lá mầm gốc bầu. Sau đó, các bầu cây đã ghép được đặt trong trại che kín gió 2 – 3 ngày. Hàng ngày, tưới nhẹ, giữ đủ ẩm cho ngọn dưa hấu không bị héo. Khi cây dưa hấu đã liền sẹo, vén mái che kín dần dần lên để đưa cây ra thích nghi với ánh sáng và nắng cho đến khi có 2 – 3 lá thật thì đem ra ruộng trồng. Thời gian từ ngâm ủ hạt cho tới khi bầu dưa hấu đạt tiêu chuẩn trồng khoảng 18 – 20 ngày. Chỉ nên ghép vào lúc trời mát, không mưa, và cứ ghép 5 – 10 cây thì nhúng dao lam, ghim tre vào dung dịch Benlat 1% để khử trùng, tránh nhiễm khuẩn từ cây này sang cây khác trong khi ghép. Với kỹ thuật ghép này, mỗi ngày có thể ghép được khoảng 2.000 – 2.500 cây dưa hấu giống.

DỄ LÀM, HIỆU QUẢ CAO

Theo hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư: Cách ghép dưa lên gốc bầu rất đơn giản, người trồng dưa chỉ cần tham gia một lớp tập huấn ngắn hạn là có thể ghép được. Điều quan trọng là phải chịu khó thực hành để quen tay và mạnh dạn đầu tư. Nếu bà con tự ghép chi phí này sẽ thấp hơn nhiều.

Mô hình trồng dưa hấu tháp bầu

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, dưa hấu là cây trồng rất nhạy cảm với dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh: héo dây, thối rễ…, dẫn đến thất thoát lớn và mất thu nhập. Dưa trồng trên những chân đất đã có mầm bệnh nếu cứ tiếp tục trồng mầm bệnh tích lũy trong đất ngày càng cao, tỷ lệ dưa bị thiệt hại do bệnh tăng lên đến 60 – 70%. Vì vậy, muốn dưa hấu đạt được kết quả cao cần chú ý chọn giống kháng bệnh, chọn thời điểm xuống giống thích hợp, nắm vững quy trình chăm sóc, đặc biệt phải ghép trên gốc bầu để kháng bệnh héo dây chứ không cần phải thay đổi đất như cách suy nghĩ của nhiều người. Ngoài ra, thị trường dưa hấu hiện nay rất chú trọng đến sản phẩm sạch, do vậy cũng phải tổ chức sản xuất theo quy trình GAP… để sản phẩm sản xuất ra đáp ứng nhu cầu thị trường, cũng như đạt chất lượng và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Nguồn : Internet, được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam