Nuôi tằm công nghệ mới thu 20 triệu đồng/tháng

Người dân xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng đang chuyển đổi từ nuôi tằm truyền thống (đũi, nong, né bằng tre) sang nuôi trên khay trượt, cho tằm làm tổ tạo kén trên né gỗ, dùng máy thu kén… giúp gia tăng sản lượng, chất lượng và thu nhập cao.

Chị Nguyễn Thị Ry nuôi tằm trên khay trượt

Hiệu quả vượt trội

Anh Nguyễn Văn Nghĩa ở thôn Thanh Trì, xã Đông Thanh cho biết: “Quê tôi ở tỉnh Hà Tây cũ nay là Hà Nội, năm 1985 vào huyện Lâm Hà xây dựng kinh tế mới. Lúc đầu trồng mía, bắp, cà phê, đến năm 1994 chuyển qua nuôi tằm theo cách truyền thống: đóng cũi, nong, né bằng tre. Mỗi lần cho tằm ăn là phải bê nong lên xuống, vệ sinh hàng ngày (phân tằm), chưa kể những ngày cho tằm ăn rỗi, cả nhà tập trung nhân lực chạy đôn chạy đáo đi hái dâu, cho tằm ăn, vất vả nhiều nhưng năng suất kén chỉ đạt 30 – 35kg kén/hộp tằm”.

Năm 2013, anh Nghĩa mạnh dạn chuyển qua nuôi tằm bằng khay sắt (khay trượt) cấu tạo gồm 1 khung sắt cao 1,35 – 1,45m, có 4 bánh xe di chuyển. Trong khung có 4 khay trượt đẩy ra đẩy vô, có hàn lưới B40, ngang 1,5m, dài 3m. Trong khay trải 1 lớp lưới, sau đó thả tằm vào và cho dâu để tằm ăn. Khi tằm chín, anh bắt tằm lên né gỗ, sau 3 ngày tạo kén, chỉ việc dùng máy thu kén rồi bán cho các nhà máy.

Nuôi tằm bằng khay trượt hiệu quả vượt trội so với cách nuôi truyền thống: Không phải bê nong lên xuống, thời điểm tằm ăn rỗi cũng rất nhàn, cứ việc cắt cả cành bỏ vào khay cho tằm ăn và sau một lứa mới phải vệ sinh (thay phân).

Nuôi tằm trên khay trượt còn tiết kiệm được nhiều diện tích, đảm bảo độ thông thoáng, tằm không bị bệnh, phát triển tốt. Hiện gia đình anh Nghĩa trồng 5 sào dâu, mỗi lứa nuôi được 7 hộp tằm giống (nuôi gối đầu) năng suất bình quân đạt từ 45 – 55kg kén/hộp tằm. Với giá bán 195.000 đồng/kg kén như hiện nay, anh Nghĩa thu về 50 – 60 triệu đồng/tháng.

Chị Nguyễn Thị Ry ở thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh cũng cho biết: “Trước đây tôi cũng nuôi tằm theo cách truyền thống, nuôi được một lứa mất cả tháng trời. Bởi vì phải nuôi từ giai đoạn trứng, bây giờ có dịch vụ chuyên nuôi tằm con, mình mua về cho ăn 4 ngày, tằm ngủ 2 ngày, dậy ăn rỗi 7 ngày, tằm chín cho lên né gỗ 3 ngày là thu hoạch kén bán được. Như vậy thời gian nuôi một lứa rút ngắn còn 15 ngày. Từ khi chuyển qua nuôi tằm công nghệ mới nhàn lắm, gia đình nuôi 3 hộp tằm năng suất đạt từ 50 – 60kg kén/hộp. Nếu giá bán 195.000 đồng/kg kén, trừ chi phí cũng thu được trên 20 triệu đồng/tháng”.

Liên kết với doanh nghiệp

Ông Nguyễn Thế Nhiệm, PGĐ Cty CP Eco green life chia sẻ: “Cty đã thuê đất xây dựng nhà máy ươm tơ trên địa bàn xã Đông Thanh, với diện tích 7.800m2 nhà xưởng, bước đầu đặt 3 máy ươm tơ dài 24m, 3 máy guồng dài 14m, công suất trung bình từ 500 – 600kg kén/máy/ngày. Nhà máy đã đi vào hoạt động từ đầu tháng 7/2017, thu hút 120 công nhân với mức lương gần 6 triệu đồng/người/tháng. Cty ký kết thu mua toàn bộ số kén của nông dân, các tổ hợp tác nuôi tằm trong địa bàn huyện”.

Tằm làm tổ kén trên khay gỗ theo công nghệ Nhật

Ông Trần Văn Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thanh hồ hởi cho biết, nếu giá kén giữ vững và ổn định như hiện nay thì nông dân chẳng mấy chốc khá lên. Năm 2015, Hội Nông dân xã thành lập 2 tổ hợp tác nuôi tằm theo công nghệ mới, là tổ làng nghề và tổ phụ nữ, mỗi tổ có 100 hội viên, với tổng diện tích dâu của cả xã trên 300ha. Mới đây do nhu cầu nuôi tằm phát triển mạnh, Hội thành lập thêm 1 tổ chuyên nuôi tằm giống do đoàn thanh niên đảm trách để cung cấp giống trong toàn xã…

“Nông dân thay đổi cách sản xuất kén theo công nghệ mới đã giảm nhiều công lao động, chất lượng kén tăng rõ rệt, không có kén đôi. Đặc biệt độ dài của tơ đơn cũng dài hơn. Nếu như loại kén trên né tre dài khoảng 600 – 700m/kén, thì kén trên né gỗ dài 800 – 1.000m/kén. Giá kén thời điểm này bán ra khoảng 195.000 đồng/kg, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây”, ông Thọ chia sẻ.

Ngoài khay trượt, nông dân còn sử dụng né gỗ công nghệ Nhật để tăng năng suất, chất lượng kén. Ông Ngô Ngọc Toàn ở phường 2, TP Bảo Lộc là người đầu tiên đưa né gỗ công nghệ Nhật về nuôi. “Sau một lần đi tham quan mô hình ở Nhật, tôi thấy họ nuôi tằm tạo kén trên né bằng gỗ rất hiệu quả. Tôi chụp ảnh mẫu mang về, liên kết một xưởng mộc ở Nha Trang sản xuất rồi mang về giới thiệu cho các hộ nuôi tằm sử dụng. Qua quá trình chuyển đổi sang né gỗ, người dân thấy hiệu quả hơn, chất lượng kén tốt hơn, tơ dài hơn. Tới nay nhiều hộ sử dụng khay trượt và né gỗ công nghệ Nhật để nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Toàn chia sẻ.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Táo bạo: Cô gái 8x “biến” cây tầm bóp dại thành sữa chua, dược phẩm.

Tuổi thơ thường cùng các bạn đi hái trái tầm bóp ở những cánh đồng lúa gần nhà để chơi, khi lớn lên cô gái Bùi Thị Nga, sinh năm 1989, đã biến loại cây mọc dại này thành một dự án kinh doanh mới lạ: trồng cây tầm bóp thương phẩm.

Cô gái Bùi Thị Nga có một tuổi thơ lam lũ ở vùng quê Cát Tiên, Lâm Đồng. Nga tâm sự cô cùng đám bạn thường đi hái những trái tầm bóp mọc dại ở những cánh đồng lúa gần nhà và đã nuôi ý định biến loại trái này thành thương mại từ khi còn là học sinh trên ghế nhà trường.

Tuy nhiên, mãi đến năm 2016, khi trải qua bốn năm học đại học Nông lâm TP.HCM, đi làm thêm ở một vài công ty liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, củng cố kiến thức và kinh nghiệm, Nga đã bắt tay vào nghiên cứu kỹ hơn về loại cây tầm bóp này.

Sau khi lên ý tưởng Nga bắt đầu tìm kiếm các thông tin về cây tầm bóp và được biết trên thế giới cũng đang ứng dụng rộng rãi những lợi ích từ cây này, càng củng cố thêm niềm tin để tiến hành thử nghiệm tại Việt Nam.

Nga cho biết: “Ở nước ngoài, ngành công nghiệp thực phẩm đã và đang sử dụng quả tầm bóp trong các sản phẩm khác nhau như làm trái cây tráng miệng, chế biến ra nhiều loại thức uống, sữa chua, ngoài ra còn sấy khô và làm mứt thành những mặt hàng phổ biến. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì cây tầm bóp chưa thực sự có giá trị, hiện nay vẫn chưa chế biến được thành sản phẩm tốt để phục vụ người dân”.

Mô hình cây tầm bóp đang trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất khép kín.

Sau thời gian hơn một năm tìm tòi, thử nghiệm với các loại giống trong nước và ngoài nước, nhóm nghiên cứu của Nga đã chọn được một nguồn giống tốt từ Viện Nghiên cứu nông nghiệp ở miền Nam nước Pháp, loại Physalis Peruviana để trồng khảo nghiệm tại Bảo Lộc, Lâm Đồng. Các đợt cây giống mà Nga lựa chọn đã phát triển khá thuận lợi ở giai đoạn đầu, tuy nhiên, khó khăn là giống khi ở Việt Nam có vòng sinh trưởng hoàn toàn khác cây ở Nam Mỹ và năng suất cũng thấp hơn. Vì vậy Nga phải rất cố gắng điều chỉnh để có được độ tương thích tối ưu nhất.

Đầu tháng 10.2017, Nga và nhóm cộng sự đã có được những trái thành phẩm thử nghiệm đầu tiên của cả giống Việt Nam và giống Nam Mỹ. Từ đó, nhóm định hướng sẽ đưa trái tươi ra thị trường vào giữa năm 2018. Nga hào hứng chia sẻ: “Hiện tại cây tầm bóp vẫn đang trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện quy trình trồng, lựa chọn giống và liên kết cùng với các đơn vị khác để nghiên cứu về các ứng dụng từ chiết xuất thành dược phẩm có chất lượng tốt nhất để phục vụ người tiêu dùng.

Nguồn: Nhanonglamgiau.net được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trồng cây tầm bóp – hứa hẹn tiềm năng kinh tế cao

Cây tầm bóp là cây dại mọc hoang tại nước ta, không mất công chăm sóc, nhưng lại là loại cây được rất nhiều nước trên thế giới quan tâm bởi tác dụng chữa ung thư, tiểu đường từ cây tầm bóp, ưa chuộng sử dụng và bán với giá thành cao như các quốc gia Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản … Thậm chí tại Nhật 1kg quả tầm bóp có giá lên tới 700.000 đồng. Trồng cây tầm bóp – hứa hẹn tiềm năng kinh tế lớn.

Cây tầm bóp mọc hoang rất nhiều tại nước ta từ vùng đồi núi tới đồng bằng, cùng với ngoại hình bắt mắt, giá trị dinh dưỡng, dược liệu cao nên tầm bóp đặc biệt được yêu thích trên khá nhiều các quốc gia trên thế giới.

Giá trị của cây tầm bóp trong y học

Trong y học Thế giới có rất nhiều các nghiên cứu chuyên sâu về tác dụng của cây tầm bóp của các quốc gia như Đài Loan – Trung Quốc, Mỹ, Nhật… với những dược tính tuyệt vời đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người như:

Cây tầm bóp chữa ung thư

Nghiên cứu từ Viện đại học Quốc gia Taiwan cho thấy các hoạt chất từ chiết suất cây tầm bóp có tác dụng hỗ trợ ngăn ngừa 5 dòng tế bào ung thư ở người bao gồm: ung thư gan, ung thư cổ tử cung, ung thư mũi – khí quản, ung thư ruột, ung thư phổi. 3 dòng ung thư được thử nghiệm trên động vật là Melanoma (H1447), Hep-2 -và 8401 glioma (não). Trong đó hoạt tính diệt tế bào ung thư mạnh nhất được xác đinh là ung thư gan, và tử cung. Trong đó có hoạt chất physalin F có tác dụng chống lại bệnh P338 Lymphocytic leukemia (một dạng của bệnh bạch cầu – ung thư máu).

Đại học Dược, ĐH Houston thuộc Mỹ cũng nghiên cứu và cho thấy một Flavonol glycosid trong lá rau tầm bóp có tác dụng ngăn ngừa một số loại ung thư như murine leukemia P-338, epidermoid carcinoma KB-16, ung thư phổi adenocarcinoma A-549.

Chữa bệnh tiểu đường bằng cây tầm bóp

Theo các nghiên cứu và tài liệu y học cổ truyền dùng rễ cây tầm bóp đem nấu vơi tim lợn và bột chu sa ngày một lần. Uống liên tục trong 5 – 7 ngày sẽ thấy hiệu quả.

Cây tầm bóp tăng cường sức đề kháng

Một nghiên khác từ đại học Y khoa quốc gia Cheng Kung ( Taiwan) cho thấy các dược tính trong cây tầm bóp có tác dụng điều hòa hệ miễn dịch như cải thiện đáp ứng blastogenesis; kích hoạt tế bào T; gia tăng kháng thể…

Tầm bóp diệt khuẩn, virus, nấm nguyên sinh

Theo nghiên cứu từ Khoa Dược, Đại học Fukuoka – Nhật Bản cho thấy các hoạt chất trong cây tầm bóp có tác dụng kháng khuẩn, tiêu diệt một số loại vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng đặc biệt nhất là Trypanosoma cruzi, Một số nghiên cứu cho thấy dịch chiết từ cây tầm bóp có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn mycobacterium, mycoplasmas, một số vi khuẩn gram dương và gram âm như Pseudomonas, Staphylococcus, Streptococcus. Các nghiên cứu tại Nhật Bản cho thấy cây tầm bóp cho hiệu quả chống lại các siêu vi khuẩn Bại liệt, Herpes simplex I, sởi, ban hồng, HIV-I.

Tại Africa, người ta dùng lá rau tầm bóp đắp vào các vết thương nhiễm khuẩn.

Thuốc lợi tiểu, tốt cho tiêu hóa, chữa bệnh dạ dày

Tại Ấn Độ người ta dùng tầm bóp làm thuốc lợi tiểu, lá rau tầm bóp dùng trị các chứng rối loạn dạ dày, tiêu hóa.

Ngoài ra trong Đông y tầm bóp được biết tới là loại cây rất giàu vitamin, các khoáng chất dinh dưỡng có tác dụng thanh nhiệt, chữa mụn nhọt, ho đờm… những người làm việc trên vùng sông nước thường ăn tầm bóp để phòng tránh bệnh Scorbut.

Giá trị của cây tầm bóp trong ngành thực phẩm:

Rau tầm bóp được nhiều người ưa chuộng

Từ gian trước đây khi đời sống của người dân, kinh tế đất nước còn vô cùng khó khăn, nạn đói hoành hành, thì khi đó rau tầm bóp thường được sử dụng như một loại “rau cứu đói” . Bởi tầm bóp là cây rau dại mọc hoang khắp nơi, không mất công chăm sóc mà rau vẫn xanh tốt. Lá tầm bóp có vị đắng thanh, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trị mụn nhọt, đặc biệt đây là loại rau mọc hoang nên được mọi người coi là rau sạch. Hiện nay rất được ưa chuộng sử dụng trong các bữa cơm hàng ngày như rau tầm bóp luộc, xào tỏi, xào thịt, ăn lẩu…Tuy nhiên hiện nay các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, rau ngậm hóa chất thường khiến nhiều người hoang mang nên có sở thích tự trồng rau tầm bóp sạch tại nhà để sử dụng cho gia đình.

Quả tầm bóp khi chín có màu đỏ, vị hơi ngọt, hơi chua có nhiều dược tính quý báu có thể dùng làm mứt, hoa quả, dùng thay thế cà chua, nước giải nhiệt…

Ngoài ra cây tầm bóp khá đẹp, được một số người trồng cây tầm bóp làm cảnh, trang trí nhà vườn, ban công rất đẹp mắt.

Tại nước ta cây tầm bóp gần đây mới chỉ được sử dụng như một loại rau ăn hàng ngày, một số ít sử dụng quả tầm bóp. Gần đây có một số nghiên cứu của các doanh nghiệp nhằm đưa tầm bóp tới gần hơn với người tiêu dùng Việt như làm sữa chua, mứt, sấy khô… và nghiên cứu chiết xuất dược liệu từ cây tầm bóp.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Quả dại tầm bóp giá 700.000 đồng/kg dân Việt xôn xao trồng thế nào?

Sở hữu “ngoại hình” bắt mắt, lại ghi điểm thêm vì có giá trị dinh dưỡng cao nên quả dại tầm bóp đang được bán tại Nhật với giá 700.000 đồng/kg không chỉ dùng để làm cảnh mà nó còn được sử dụng thay thế cà chua bởi giá trị dinh dưỡng mang lại. Vậy trồng loại quả dại này thế nào? Có gì đặc biệt không?

Dù là cây dại nhưng quả tầm bóp rất ngon, vị chua ngọt giống cà chua và rất bổ dưỡng. Đặc biệt, ít người biết rằng không chỉ quả mà lá và ngọn của cây tầm bóp cũng được dùng như rau, có thể chế biến thành nhiều món ăn quen thuộc. Cây tầm bóp trong ngôn ngữ dân gian Việt Nam có tên là lồng đèn, ngoài ra còn nhiều tên gọi lạ tai khác, tuỳ từng địa phương như: thù lù cạnh, thù lù, bùm bụp, bôm bốp…

Thời xa xưa, tầm bóp được dùng làm cây cứu đói bởi loại rau này mọc hoang và tràn lan ở những vùng đất hoặc bờ ruộng. Còn ngày nay, khi mọi người đã chán những loại rau thông dụng do lo ngại chứa nhiều dư lượng chất bảo vệ thực vật thì những loại cây dại như tầm bóp (lồng đèn) lại trở thành món ăn đặc sản được nhiều người ưa thích. Tầm bóp rất quen thuộc tại các vùng quê, nó có tác dụng dụng thanh nhiệt, tiêu đờm. Trước đây, tầm bóp không được sử dụng phổ biến làm thuốc dù nó khá ngon và có nhiều dược tính. Thậm chí tầm bóp còn được coi như một vị thuốc nam chữa được nhiều bệnh khá hiệu quả.

Tầm bóp là cây ra hoa kết quả quanh năm. Vì là họ hàng của cây cà chua nên tầm bóp cũng rất dễ trồng và có khả năng kháng sâu bệnh cao. Xin giới thiệu cách trồng cây tầm bóp từ hạt:

1. Xử lý hạt giống

Hạt giống tầm bóp có thể được mua từ các cửa hàng uy tín hiện đang được bày bán trên thị trường.

Trước khi trồng, bạn có thể đem ngâm nước ấm 2-4h cho hút nước. Sau đó, đem gieo hạt tầm bóp trong giá thể, tưới ẩm và che kín để tránh hơi ẩm bị thoát ra ngoài. Hạt sẽ nảy mầm sau 7-14 ngày.

2. Chuyển nhà cho cây

Khi xuất hiện những chiếc lá mọc ra đầu tiên, bạn nên chuyển ra chậu nhỏ và đặt ở nơi có ánh sáng và không gian thoáng đãng, tránh cây gầy gò do thiếu sáng.

Tưới nước nhẹ nhàng, đủ ẩm cho cây. Khi cây đủ lớn có thể trồng ra vườn hoặc chậu lớn. Khoảng cách hợp lý giữa các cây là 50-70cm. Lưu ý, tầm bóp là cây ra quả quanh năm nên cần chăm sóc để cho trái nhiều và chất lượng hơn. Đặc biệt, tưới nước thường xuyên sẽ giúp cây tầm bóp rất sai quả.

3. Thu hoạch thành quả

Sau 80 ngày có thể thu hoạch quả. Khi quả chín, phần vỏ bao ngoài sẽ chuyển sang màu nâu nhạt và quả rơi xuống đất). Quả có thể giữ được 3-4 tuần ở trong vỏ lá. Quả tầm bóp mọng tròn, nhẵn, lúc non màu xanh, khi chín màu đỏ.

Quả tầm bóp dài 3-4 cm, rộng 2 cm, bao trùm bên ngoài như cái túi, bên trong chứa nhiều hạt.

Ruột quả có nhiều không gian rỗng, khi bóp quả vỡ phát ra tiếng “bộp”. Có lẽ tên gọi lồng đèn , bôm bốp, bùm bụp… xuất phát từ đặc điểm này. Quả chứa nhiều hạt nhỏ, ăn có vị chua, ngọt.

Nguồn: Dân Việt được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật trồng cây tầm bóp ngon- đẹp- lạ và chữa bệnh cực hiệu quả

Thuộc loài cây mọc dại nên kỹ thuật trồng cây tầm bóp tại nhà cực kỳ đơn giản Trong khi công dụng của cây tầm bóp thì không phải cây nào cũng có.

Cây tầm bóp có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ, sau trở thành liên nhiệt đới. Tại Việt Nam, loại cây này mọc hoang khắp nơi, ở trên các bờ ruộng, bãi cỏ, đất hoang hay ven đường làng quê. Trong ngôn ngữ dân gian Việt Nam cây tầm bóp còn có nhiều tên gọi lạ khác, tuỳ từng địa phương như: thù lù cạnh, thù lù, bùm bụp, bôm bốp…

Dù là cây dại nhưng quả tầm bóp rất ngon, vị chua ngọt giống cà chua và rất bổ dưỡng. Đặc biệt, ít người biết rằng không chỉ quả mà lá và ngọn của nó cũng được dùng như rau, có thể chế biến thành nhiều món ăn quen thuộc.

Không dừng lại ở việc có thể làm rau mà cây tầm bóp còn có rất nhiều giá trị về mặt Đông y có thể chữa được nhiều bệnh khác nhau. Chính bởi vây mà hiện nay cây tầm bóp được rất nhiều người trồng tại nhà với nhiều lợi ích khác nhau.

Kỹ thuật trồng cây tầm bóp chắc chắn cực kỳ đơn giản bởi nó có khả năng thích nghi với nhiều điều kiện thời tiết, nhiệt độ khác nhau mà không cần chăm sóc.

Cây tầm bóp ngoài tác dụng làm rau ăn còn làm thuốc chữa bệnh.

Giống cây tầm bóp

Cây tầm bóp có nhiều loại nhưng có 3 loại chính đó là, tầm bóp làm cảnh có quả màu vàng rất đẹp, tầm bóp cạnh dùng làm thuốc và tầm bóp quả nhỏ. Cả 3 loại đều có dược tính giống nhau nhưng người ta chủ yếu dùng bù lù cạnh để làm thuốc.

Đây là loại cây thân thảo, cao khoảng nửa mét, thân có góc cạnh, phân thành nhiều nhánh, rũ xuống. Lá hình bầu dục, mặt lá hơi nhám. Hoa mọc đơn, màu vàng nhạt, bên trong có đốm tím. Quả nhỏ bên ngoài bao phủ một lớp da căng phồng lên tạo thành một khối nhiều khía, khi bóp sẽ nổ ra nên người ta mới gọi là cây tầm bóp.

Điều kiện trồng cây tầm bóp

Cây tầm bóp mọc hoang dại khắp nơi chính bởi sự hấp ánh nắng Mặt trời cực tốt và khí hậu ấm áp, cây cũng chịu được nhiệt độ nóng. Một số loài nhạy cảm với sương giá nhưng một số loài chịu được nhiệt độ lạnh như tầm bóp Nam Mỹ đỏ Trung Quốc.

Kỹ thuật trồng cây tầm nóp

Kỹ thuật trồng cây tầm bóp bằng phương pháp gieo hạt. Bạn có thể lựa chọn cách trồng trong giá thể, chậu, hay trực tiếp xuống đất đều được. Trước khi đem gieo cũng cần xử lý hạt bằng cách ngâm trong nước ấm khoảng 2 tiếng rồi mới đem gieo. Lưu ý, khi tiến hành gieo cần tưới ẩm nước và che kín để tránh hơi ẩm bị thoát ra ngoài. Hạt nảy mầm sau khoảng 7-14 ngày ủ.

Trong giai đoạn đầu cần tưới nước nhẹ nhàng, đủ ẩm bề mặt đất. Khi cây đủ lớn, có thể trồng ra vườn hoặc chậu lớn để giúp chúng phát triển một cách tự nhiên.

Thời gian sau đó nên tưới nước thường xuyên sẽ giúp cho cây luôn xanh tốt và cho sai quả. Không chỉ vậy mà còn kháng được nhiều sâu bệnh hại cây trồng.

Kỹ thuật trồng cây tầm bóp cực kỳ đơn giản bởi thuộc loài cây dại có thể thích ứng ở nhiều điều kiện.

Thu hoạch cây tầm bóp

Từ lúc trồng cho tới thu hoạch chỉ sau khoảng hơn 2 tháng. Khi quả chín phần vỏ bao ngoài sẽ chuyển sang màu nâu nhạt và quả rơi xuống đất). Quả có thể giữ được 3-4 tuần ở trong vỏ lá. Vì cây ra quả quanh năm nên cần chăm sóc để cho trái nhiều và chất lượng hơn.

Thời xưa, loại cây này được dùng làm cây cứu đói, là thứ quả ăn vặt của nhiều đứa trẻ thôn quê, vậy mà ở thời điểm hiện nay, tầm bóp lại trở thành “đặc sản” được nhiều người yêu thích.

Đã có thời điểm quả tầm bóp gây sốt với người Việt vì được đóng gói bán ở Nhật Bản với giá lên tới 700.000 đồng/kg, đắt đỏ hơn giá của nhiều loại hoa quả nhập khẩu về Việt Nam như cherry Mỹ, hồng California, mận Mỹ,….

Quả tầm bóp “gây sốt” với người Việt vì được đóng gói bán ở Nhật Bản với giá lên tới 700.000 đồng/kg, đắt đỏ hơn giá của nhiều loại hoa quả nhập khẩu về Việt Nam như cherry Mỹ, hồng California, mận Mỹ,….

Tác dụng của cây tầm bóp

Theo Đông y, tuy là một loại cây dại, nhưng tầm bóp lại khá bổ dưỡng, tương đương với giá trị dinh dưỡng của cây cà chua. Toàn cây có vị hơi đắng, tính mát, không độc, quả tầm bóp có vị chua ngọt giống cà chua.

Ngoài được sử dụng để chế biến thành món ăn, cây tầm bóp còn trị được một số bệnh nhờ thành phần có tác dụng thanh nhiệt, có tính mát. Người ta thường dùng tầm bóp trị cảm sốt, yết hầu sưng đau, ho nhiều đờm, phiền nhiệt nôn nấc, hoặc giải nhiệt, trị mụn nhọt. Nhiều bài thuốc dân gian cho thấy, toàn cây được sử dụng làm thuốc lợi tiểu, lá được dùng trị các rối loạn của dạ dày, rễ tươi nấu với tim lợn dùng ăn chữa được chứng đái đường.

Quả dùng trị bệnh ho có đờm. Vì trong quả bù lù có chứa nhiều vitamin C , B1, A rất tốt cho những người đi biển. Cũng do tính mát nên rất tốt cho đường tiết niệu, dùng cho những người bị sỏi thận, bí đái, đào thải axit uric ra ngoài , tốt cho bệnh gout.

Một số bài thuốc đơn giản từ cây tầm bóp

Rễ có tác dụng trị tiểu đường. Dùng 30g rễ tươi nấu với tim heo và 1g chu sa ăn cách nhau 1 ngày.

Ngoài ra nó còn có tác dụng trong việc trị ung thư tử cung, họng, phổi. Bài thuốc trị bệnh gồm có : 30g lá khô, 20g bạch truật, 10g cát cánh, 10g mạch môn, 10g huyền sâm, 10g hoàng cầm, 4 g cam thảo sắc lấy nước uống.

Lưu ý : trong 1 ngày không dùng quá 150g sẽ gây đau bụng, nôn , hôn mê.

Nguồn: Baomoi.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Quy trình và kỹ thuật nuôi trai lấy ngọc hiện nay trên thế giới

Quy trình và kỹ thuật nuôi trai lấy ngọc trải qua nhiều công đoạn nghiêm ngặt và đòi hỏi kỹ thuật khó. Bao gồm các bước: nuôi vỗ, nuôi thành ngọc, chăm sóc quản lý, nuôi gây màu ngọc và thu hoạch.

1. Nuôi vỗ

Sau khi cấy nhân trai được đem đi nuôi vỗ.

Sau quá trình cấy nhân, cơ thể con trai chịu nhiều tổn thương nên yếu đi. Vì thế cần được nuôi vỗ để trai phục hồi sức khỏe. Môi trường nuôi vỗ phải yên tĩnh và điều kiện môi trường ít dao động ảnh hưởng tới trai. Sau thời gian nuôi vỗ vết thương bình phục và lành dẫn, lớp biểu bì mặt ngoài màng áo sẽ phát triển bao lấy nhân cấy. Biểu bì mặt trong sẽ bị mô liên kết hấp thụ trong hai ngày rồi sẽ chuyển qua nuôi thành ngọc.

2. Nuôi thành ngọc

Trai được nuôi trong lồng tre hay lưới treo trong nước biển.

Sau thời gian nuôi vỗ, trai đã phục hồi, chúng được chuyển đến bãi nuôi chính để nuôi thành ngọc. Dùng lồng tre hay lưới treo trong nước biển có nồng độ muối từ 25-35% ( dưới 15% trai dễ bị chết). Nhiệt độ từ 20-30 độ C. Phụ thuộc vào giống trai mà thay đổi độ sâu của lồng nuôi trai để duy trì điều kiện thích hợp nhất cho trai. Thời gian nuôi cấy ngắn hay dài tùy thuộc vào yêu cầu ngọc to hay nhỏ thường từ 1-4 năm.

3. Chăm sóc quản lý

Lồng trai cần được vệ sinh khi các sinh vật ăn bám bám nhiều ở vỏ trai.

Trong quá trình nuôi trai, công việc chăm sóc chủ yếu là giữ cho lồng trai sạch để trai không mắc bệnh và tránh những bất lợi cho trai. Do lồng trai thường bị các sinh vật sống bám làm ảnh hưởng đến sinh trưởng. Nên định kỳ vệ sinh lồng trai khi thấy vỏ có nhiều sinh vật ăn bám. Trong trường hợp môi trường nuôi bất lợi phải chuyển lồng trai đến nơi khác.

4. Nuôi gây màu ngọc

Trai có màu như ý khi được nuôi cấy trong khu vực lý tưởng.

Ngọc trai được ưa chuộng có màu trắng hồng. Để có màu này thì trai phải nuôi ở những vùng biển nhất định, nơi khác sẽ không cho màu ngọc như ý. Vùng này được gọi là “khu gây màu”. Điều kiện cụ thể để tạo màu ngọc trai chưa được tìm ra nhưng theo nghiệm, khu vực gây màu có thức ăn dồi dào. Và điều kiện môi trường thuận lợi như nhiệt độ, nồng độ muối, khí hậu…biến đổi theo mùa rõ rệt.

5. Thu hoạch

Sau khi thu hoạch trai, ngọc trai được lấy ra và được chế tác thành các sản phẩm tuyệt mỹ.

Công đoạn cuối cùng chính là thu hoạch ngọc, tận hưởng thành quả sau bao ngày nuôi trai. Trai được lấy ngọc vào lúc nhiệt độ thấp thì chất lượng ngọc tốt hơn thu ở nhiệt độ cao. Thời kỳ thu hoạch rộ vào tháng 8-10 hàng năm.

Nguồn: Maxreading.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật cấy ngọc trai

Trước khi tiến hành cấy cần chuẩn bị trai mẹ bằng cách nuôi Trai trong các lồng bằng tre hay lưới. Việc cấy nhân chỉ được thực hiện khi Trai đạt tiêu chuẩn về kích thước, thời gian và tình trạng của tuyến sinh dục.

Nếu khi cấy nhân mà tuyến sinh dục của trai đang ở giai đoạn thành thục thì Trai dể bị chết hay bị rơi nhân hoặc ngọc được tạo thành không đạt chất lượng. Vì vậy cần chọn Trai mẹ có tuyến sinh dục không thành thục để cấy nhân.

1. Chuẩn bị Trai mẹ.

Có hai cách chuẩn bị Trai mẹ:

Cách thứ nhất: ức chế tuyến sinh dục, thường được tiến hành vào đầu mùa sinh sản. Thời gian này nhiệt độ bắt đầu tăng sau mùa Đông lạnh nhưng tầng nước sâu nhiệt độ vẫn còn thấp. Nuôi Trai ở tầng nước sâu, với điều kiện nhiệt độ thấp sẽ ức chế sự phát triển của tuyến sinh dục.

Cách thứ hai: kích thích tuyến sinh dục phát triển nhanh, thường được áp dụng vào mùa Trai đẻ rộ. Kích thích sự phát triển của tuyến sinh dục bằng cách nuôi trai ở tầng nước mặt có nhiệt độ cao (28-32oC). Sau một thời gian ngắn Trai sẽ thành thục và sinh sản. Sau khi Trai đã sinh sản thì chúng ta có thể tiến hành cấy nhân. Tuy nhiên sau khi sinh sản Trai thường yếu đi nên hiệu quả của việc cấy nhân sẽ không cao.

2. Chọn lọc Trai mẹ.

Chọn Trai mẹ có kích thước phù hợp cho vào bể, đặt bụng Trai ngửa lên trên và duy trì nhiệt độ nước khoảng 28-30oC. Khoảng 1 giờ sau Trai sẽ mở vỏ, dùng kẹp mở miệng vỏ Trai (khoảng 1-1,5cm) để kiểm tra tuyến sinh dục. Nếu đạt yêu cầu thì chèn miệng vỏ và đưa về phòng thí nghiệm để tiến hành cấy nhân.

3. Cắt màng áo.

Trai dùng để cấy ngọc gồm hai loại, Trai kỹ thuật và Trai nguyên liệu. Trai kỹ thuật là Trai dùng để cấy nhân vào còn Trai nguyên liệu là Trai dùng để lấy mảnh màng áo. Tỉ lệ của hai loại này là 2:1-5:1. Trai nguyên liệu là loại khoảng 1-2 tuổi, Trai càng to càng tốt nhưng không nên vượt quá 5-6 tuổi. Việc chọn Trai nguyên liệu có ảnh hưởng rất lớn đến thời gian tạo ngọc và chất lượng sản phẩm sau này.

Lớp xà cừ của vỏ trai do toàn bộ biểu bì mặt ngoài màng áo (mặt tiếp xúc với vỏ) tiết ra, nhưng chất lượng tùy theo vị trí của màng áo mà quá trình hình xà cừ nhanh hay chậm và chất lượng của lớp xà cừ cũng khác nhau. Theo kết quả thí nghiệm bằng đồng vị phóng xạ Ca45 thì mép màng áo là nơi hấp thu nhiều Ca45 nhất (trao đổi chất mạnh nhất). Vì vậy, hiện nay trong kỹ thuật cấy ngọc đều dùng lớp tế bào ở mép màng áo để cấy. Tuy nhiên, trên mép màng áo ở từng vị trí khác nhau cũng cho chất lượng xà cừ khác nhau. Một thí nghiệm khác cũng cho thấy mép màng áo ở phần bụng có khả năng phục hồi nhanh nhất và cho chất lượng ngọc tốt nhất.

Dùng dao mổ luồn vào cát đứt cơ khép vỏ, chú ý không nên để dao đụng vào màng áo nếu không màng áo sẽ co lại. Lật vỏ ra cắt lấy phần bụng của màng áo, tẩy sạch chất nhầy rồi đặt lên giá tế bào. Khi đặt màng áo lên giá tế bào, lật mặt tiếp xúc với vỏ quay lên trên sẽ thấy có một đường vàng nâu cách mép màng áo khoảng 3-4mm chạy song song với mép vỏ. Dùng kéo cắt theo đường đó và loại bỏ phần mép rồi cắt màng áo thành từng miếng khoảng 2-3mm2. Khi cắt màng áo cần chú ý đến những điểm sau:

– Phần mép ngoài màng áo là các tế bào tiết ra chất sừng chứ không tiết ra ngọc cho nên cần loại bỏ phần này.

– Khi cắt màng áo xong thì phải tiến hành cấy ngay.

– Trai dùng để lấy màng áo phải khỏe, không bị tổ thương hay dị tật.

– Dụng cụ phải sạch sẽ.

– Thao tác nhanh và chính xác.

4. Cấy màng áo.

Khi cấy đặt Trai lên giá cấy, bụng ngửa lên trên. Dùng móc móc lấy phần giữa chân kéo về phía sau cho chân giãn rộng ra. Cắt lấy một lỗ nhỏ ở giữa gốc chân, kích thước của vết cắt phải tương ứng với đường kính nhân cấy (lỗ mở hơi nhỏ hơn nhân cấy) rồi dùng kim thọc qua lỗ mở đó thông đến vị trí đặt nhân tạo thành một đường ống. Có ba vị trí cấy là nội tạng, trước xoang bao tim, và gốc xúc biện. Sau khi đã thông đường thì dùng kim đưa màng áo ghim lên mép của miếng màng áo đã cắt sẵn và đưa thẳng vào cuối đường ống. Khi cấy chú ý mặt ngoài của mảnh màng áo phải quay về phía nhân cấy.

5. Cấy nhân.

Nhân thường dùng là vỏ trai nước ngọt hoặc thủy tinh đã được mài tròn, nhẵn bóng, đường kính của hạt từ 2-9mm (tùy theo kích thước của Trai kỹ thuật). Sau khi cấy màng áo xong thì tiến hành cấy nhân. Đặt nhân cấy vào đầu lõm của kim đưa nhân và đưa nhân vào tiếp xúc với miếng màng áo vừa mới cấy. Thao tác đưa nhân cũng giống như khi cấy màng áo.

Mỗi Trai kỹ thuật ta có thể cấy 5 nhân, một ở nội tạng, hai ở gốc xúc biện, hai ở trước xoang bao tim. Khi cấy ở trước xoang bao tim và gốc xúc biện thì thao tác cấy ở vị trí bên phải và bên trái là như nhau. Khi cấy màng áo và nhân ở nội tạng cố gắng tránh làm tổn thương đến cơ co rút chân và ống tiêu hóa, cấy ở vị trí trước xoang bao tim thì tránh việc cấy quá sâu dễ làm chết Trai.

6. Nuôi thành ngọc.

Nuôi vỗ: Sau cấy nhân Trai bị tổn thương nên cần phải nuôi vỗ để Trai phục hồi sức khỏe. Nơi nuôi vỗ phải yên tĩnh và điều kiện môi trường ít dao động. Sau một tuần nuôi vỗ vết thương sẽ lành và lớp biểu bì mặt ngoài màng áo sẽ phát triển bao lấy nhân cấy. Biểu bì mặt trong sẽ bị mô liên kết hấp thụ trong 2 ngày.

Nuôi thành ngọc: Sau khi Trai đã phục hồi chúng ta chuyển chúng đến bãi chính để nuôi thành ngọc. Bãi nuôi thành ngọc có nồng độ muối 25-30%o, nhiệt độ từ 20-30oC. Nuôi Trai bằng lồng tre hay lưới, thời gian nuôi thường từ 1-4 năm tùy theo yêu cần ngọc to hay nhỏ.

7. Chăm sóc quản lý.

Trong quá trình nuôi Trai công việc chăm sóc chủ yếu là giữ cho lồng Trai sạch và tránh những bất lợi cho Trai. Lồng Trai thường bị các sinh vật sống bám làm ảnh hưởng đến sinh trưởng. Nên định kỳ tẩy rửa khi thấy trên vỏ Trai có nhiều sinh vật bám, nhất là sinh vật bám trên bản lề của Trai nếu không Trai sẽ không mở vỏ được. Trong điều kiện môi trường bất lợi phải di dời đi nơi khác. Trai cũng có nhiều địch hại như Hải miên, Cua, Sao biển… cần có biện pháp phòng trừ (xem phần chăm sóc quản lý ở chương 2).

8. Nuôi gây màu.

Ngọc trai được ưa chuộng có màu trắng hồng. Loại ngọc này có thể được tạo thành ở những vùng biển nhất định mà nơi khác không tạo ra được. Vùng biển như vậy được người ta dùng để nuôi gây màu. Điều kiện môi trường cụ thể để tạo màu cho ngọc trai thì chưa được xác định rõ, nhưng theo kinh nghiệm thì khu vực này có thức ăn dồi dào, các điều kiện môi trường như nhiệt độ, nồng độ muối, khí hậu biến đổi theo mùa rõ rệt. Vì vậy trước khi thu hoạch ngọc người ta chuyển Trai đến vùng biển gây màu để nuôi, sau vài tháng nuôi gây màu thì có thể tiến hành thu hoạch.

9. Thu hoạch.

Ngọc trai được thu hoạch vào mùa nhiệt độ thấp thì chất lượng ngọc tốt hơn thu ở mùa có nhiệt độ cao. Thời kỳ thu hoạch rộ thường vào tháng 8-10 hàng năm.

Tách vỏ Trai, thu lấy ngọc sau đó rửa sạch và tiến hành phân loại. Trai không đạt tiêu chuẩn như hạt không tròn, có nhiều vết bẩn sẽ được xử lý tiếp. Có thể tẩy bẩn cho ngọc bằng dung dịch H2O2 2% từ 10-15 phút, sau đó rửa lại bằng xà phòng và ngâm vào cồn 40o trong 6 giờ. Có thể dùng sóng siêu âm để tẩy vết bẩn. Ngọc không tròn có thể được mài tròn và đánh bóng. Nếu màu sắc không đẹp có thể dùng phẩm nhuộm để nhuộm màu.

Nguồn: Ngoctrai.co được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Phương thức trồng và mật độ trồng tre trúc

Phương thức trồng và mật độ trồng tre trúc có thể chia thành 2 loại: trồng thuần loài tre hoặc trúc và trồng hỗn loài xen lẫn với các loài cây gỗ lá rộng khác.

Giống như các loại cây trồng khác, tre trúc có thể trồng thuần loài hoặc hỗn loài. Rừng hỗn loài có rất nhiều ưu điểm, đặc biệt với tre trúc lại càng rõ nét. Thực tiễn ở trong nước và ngoài nước đều cho thấy rừng tre trúc hỗn loài với cây gỗ lá rộng thì tre trúc sinh trưởng tốt. Ở đây có thể lí giải là cây gỗ lá rộng có tác dụng cải tạo đất, làm tăng độ ẩm không khí và độ ẩm đất lại có tác dụng hạn chế ảnh hưởng của gió bão, bảo vệ măng khỏi bị gãy ngọn. Mặt khác còn hạn chế sâu hại lan nhanh, nhất là bọ nẹt hại lá tre. Trước đây ở một số vùng Thanh Hoá nhân dân thường trồng thưa để búi luồng có đủ đất phát triển, cây luồng có giá trị cao, giữa các khoảng đất trong rừng thường có các loài cây gỗ lá rộng ưa sáng, mọc nhanh tái sinh tự nhiên như giẻ, xoan, gội, v.v. hình thành hỗn loài giữa luồng và cây gỗ lá rộng.

Tuy vậy không có nghĩa là ở đâu cũng cần trồng rừng hỗn loài, mà tuỳ theo mục đích và điều kiện từng nơi mà cần và có thể trồng rừng tre trúc thuần loài, thí dụ các rừng chuyên canh thì cần thiết trồng thuần loài, có cùng biện pháp xử lí như rừng chuyên lấy măng, chuyên lấy nguyên liệu giấy và rừng trồng tre ven đê thì nên trồng thuần loài, về điều kiện địa hình thì những nơi tương đối bằng phẳng (<15°) thì có thể trồng thuần loài. Những nơi dốc 15° thì nên trồng hỗn loài với cây lá rộng.

Rừng tre thuần loài

Đặc tính của loài tre trúc có thân mọc cụm thì không có khả năng bò lan trong đất, mặt khác do mầm măng mọc từ các mắt ở gốc ra nên lâu dần có hiện tượng nâng búi, tức là gốc búi tre ngày càng nổi lên cao, nhất là tre gai thì rất rõ. Về mặt lợi dụng đất mà nói thì không bằng loại có thân mọc phân tán. Loại mọc cụm nếu trồng thành rừng thuần loại, lại ở nơi đất dốc mạnh thì sau này rất khó xử lí, không có đất để bồi đắp vào gốc, việc bỏ gốc già cũng sẽ gặp nhiều khó khăn vì thế nơi đất dốc thì nên trồng hỗn loài với cây lá rộng.

Mật độ trồng với loài mọc cụm như luồng, diễn nếu đất bằng, trồng thuần loài thì có thể trồng với cự ly 4m x4m hoặc 4m x 5m (mật độ trồng 500-670 cây/ha) sau này mọc thành 500-670 bụi; nếu trồng hỗn loài thì chỉ nên 200-400 cây/ha (cự ly 5 x 10m, hoặc 4 x 6m).

Với loại có thân mọc tản thì có thể trồng thưa hơn loại mọc cụm. Bởi vì thân ngầm có thể bò lan trong đất. Các loài trúc, vầu có thể trồng với mật độ 200 cây/ha (5 x 10m). Giữa các hàng trúc, vầu lúc đầu có thể thực hiện nông lâm kết hợp như trồng đỗ, lạc, sắn, ngô. Làm nông lâm kết hợp qua việc xới xáo đất khiến đất tơi xốp càng có tác dụng dẫn dụ thân ngầm lan nhanh. Loại này (trúc, vầu) không nhất thiết trồng dày (kín) ngay lúc đầu vì đào gốc và thân ngầm khó khăn hơn loại mọc cụm. Mặt khác nếu trồng dày sau này thân ngầm sẽ bò chằng chịt trong đất, tốn công xử lí hơn.

Nguồn: Caytrongvatnuoi.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật cho tre ra nhiều măng vào mùa khô

Muốn cho tre đẻ măng trong mùa khô thì sau khi kết thúc mùa mưa, bà con để vườn khô tự nhiên trong khoảng nửa tháng không tưới…

Theo ông Nguyễn văn Loan, một nông dân có nhiều kinh nghiệm trồng tre lấy măng trong nhiều năm qua ở thôn Bắc Lĩnh, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh: bình thường các loài tre chỉ cho măng vào các tháng mùa mưa, trong đó nhiều nhất là từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm trùng với mùa bão lũ nên giá bán không cao, hiệu quả thu nhập thấp.

Trong những năm gần đây, nhiều giống măng tre nhập nội như Mạnh Tông, Điềm Trúc, Lục Trúc… được Khuyến nông các tỉnh khuyến cáo bà con trồng vừa để “phủ xanh đất trống đồi núi trọc” nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, vừa để lấy măng làm thực phẩm như một loại rau sạch cao cấp. Các loại măng tre này đều có chất lượng tốt: ít xơ, ăn ngọt, giòn được nhiều người ưa chuộng nên bán rất được giá, cho thu nhập cao. Tuy nhiên, vào các tháng mùa khô do ít mưa nên cây tre hầu như không đẻ măng. Sau một thời gian tự mày mò học hỏi, tự rút kinh nghiệm từ 20 gốc tre Điềm Trúc trồng trong vườn đồi của gia đình, ông Loan đã làm chủ được kỹ thuật chăm sóc cho cây tre đẻ nhiều măng, kể cả các tháng mùa khô.

Theo ông Loan, muốn cho tre đẻ măng trong mùa khô thì sau khi kết thúc mùa mưa, bà con để vườn khô tự nhiên trong khoảng nửa tháng không tưới. Tiến hành chăm sóc theo các bước sau: Chỉ giữ lại khoảng 3-4 cây khỏe mạnh phân đều về các phía làm cây mẹ nhằm cung cấp dinh dưỡng cho khóm đẻ măng còn lại chặt bỏ hết những thân cây già, cây còi cọc trong khóm. Dùng kéo cắt tỉa hết các cành lá trên thân cây từ mặt đất đến khoảng 1m chiều cao. Dùng cuốc hoặc mai xới đất xung quanh gốc tre rồi bón thúc cho mỗi khóm tre 10 kg phân chuồng hoặc phân hữu cơ đã được ủ hoai mục + 2kg phân urê + 1kg supe lân + 1kg kali clorua rồi lấp đất, tủ kỹ, tủ dày một lớp 20-30cm bằng lá cây, rơm rạ, cỏ rác và tưới thật đẫm nước.

Kinh nghiệm của ông Loan là sau khi thu hoạch chuối, ông chặt thân cây chuối thành từng đoạn 50-60cm đem bổ đôi rồi xếp kín cả khóm tre vừa có tác dụng cung cấp thên nguồn nước cho gốc tre, giúp cho các vi sinh vật có ích hoạt động cải tạo đất làm cho đất tơi xốp đồng thời sau khi phân hủy, những thân cây chuối này sẽ cung cấp thêm nguồn hữu cơ rất tốt cho đất. Cứ cách 7-10 ngày tưới 1 lần, sau 3 lần tưới thì măng bắt đầu mọc, sau nửa tháng là có thể thu hoạch được. Ngoài ra, nếu muốn cho tre nhanh ra măng hơn nữa, bà con dùng xà beng bằng sắt hoặc các dùi gỗ nhọn có đường kính 3-4cm xuyên chéo sâu vào gốc tre khoảng 50-60cm vừa có tác dụng làm đứt bớt rễ gây ức chế cho tre mọc măng đồng thời tạo lỗ để tưới nước phân trực tiếp. Pha 2kg phân đạm urê + 1kg lân supe + 0,5kg phâ kali trong 30 lít nước, tưới đầy vào các lỗ đã đục với lượng khoảng 10 lít/khóm.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cân nhắc khi trồng tre lấy măng

Nhờ trồng tre lấy măng, không ít nhà vườn vượt khó, có hộ giàu to, nhưng không ít nhà nông trồng đến ba bốn bụi vẫn không có đủ măng ăn cho một mái bếp dăm khẩu; lại có nhà phải mướn xe xúc móc nguyên cụm, quẳng tre ra khỏi vườn…

Thị trường “loạn” giống tre

Những giống tre lấy măng nhập vào nước ta những năm qua bao gồm tre bát độ, điền trúc (có người gọi là lục trúc do mo măng có màu xanh). Thế nhưng những người bán giống lại chào bán đủ thứ: tre Tàu (tiếng lóng chỉ giống mang về từ Trung Quốc), tre mao trúc, tre lục trúc và tre điền trúc (hai giống thực chất chỉ là một), tre trải (một giống trúc nhỏ – nhưng nói là giâm mắt tre lục trúc). Không thấy ai bán giống tre bát độ (cho dù thực tế có nhập), vì giống này cho ít măng, nhưng lại thấy bán giống tre mạnh tông (giống bản địa chuyên măng ở ĐBSCL).

Trong khi thị trường giống tre gặp “loạn” thì một số nhà vườn lại có “cửa” làm ăn. Họ chọn chân đất thích hợp, chăm sóc đúng cách, biết cách khai thác cây giống từ mấu thân tre nên ngoài cho măng, một cây tre cho dăm bảy cây giống. Họ là những người đi trước và nắm vững yêu cầu kỹ thuật khâu làm giống và quan trọng hơn là việc các chủ vườn giống tre ra nghề đúng lúc.

Trồng tre điền trúc lấy măng

Tre điền trúc là giống tre “siêu măng”, còn là cây đa dụng. Nếu trồng trên đất “an toàn” và bón phân đúng cách, măng điền trúc được coi là sản phẩm rau “sạch” vì không sử dụng thuốc trừ sâu. Măng rất dễ ăn, thường cho vào lẩu ăn tái giòn. Măng đưa vào các món xào, nấu từ ngọt đến chua, nhiều món ngon nhớ đời. Ngoài ra trồng măng vẫn thu hoạch cây, cành, gốc tre, làm ra các sản phẩm gia dụng…

Trồng măng tre cần đất riêng để không ảnh hưởng cây trồng khác như che bóng, rễ hút dinh dưỡng. Đất trồng tre cần có độ dày canh tác trên 50 cm, đất tơi xốp, giàu mùn, chủ động nước tưới, có thể ngập 1 – 2 ngày nhưng đất lại ráo. Áp dụng các chỉ tiêu kỹ thuật khuyến cáo trong chuẩn bị đất gồm đào hố, bón lót. Trồng đúng kỹ thuật để cây bén rễ càng sớm càng tốt. Bón phân định kỳ bao gồm phân chuồng và phân “bao” đúng liều lượng và tăng giảm phân theo màu và độ rộng của phiến lá. Tưới nước thường xuyên kết hợp với bón phân hữu cơ và mùn làm cho đất xốp. Đốn tỉa một cách hợp lý cũng như chừa lại 2 – 3 cây măng/bụi làm cây mẹ hàng năm. Bứng gốc các cây tre trên 3 tuổi – hết khả năng ra măng. Phát cành, có thể kết hợp bó bầu nhân giống giúp bụi tre thông thoáng trong tầm cao 2,5 m. Thu hoạch măng đúng cách để có măng ngon, nhiều và không tạo cơ hội nhiễm bệnh cho bụi tre. Vun gốc tủ mùn là việc làm cần thiết nhưng hết sức thận trọng để tránh cho mụt măng nhỏ khỏi bị thối do nhiễm nấm và “ngạt”. Chỉ nên tủ đất và mùn tơi xốp dày từ 5 – 8 cm trước khi bụi tre đồng loạt ra măng để măng có màu trắng, non, ngọt hơn. Sau khi thu hoạch hết măng, cào đất ra, tạo rãnh bón phân để “kéo” măng đi xuống giúp tăng sản lượng và chất lượng măng kỳ thu hoạch sau.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.