Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tre lấy măng

Ngoài việc được chế biến thành nhiều món ăn ngon thì măng tre còn có tác dụng thúc đẩy sức khỏe tim mạch, chống ung thư, giúp giảm cân, kiểm soát cholesterol, tăng cường hệ miễn dịch…

Cây măng tre giống.

1. Thời vụ và đất trồng

Tre phải được trồng trên đất cao ráo, không bị ngập úng. Đất thấp có thể làm thối măng tre. Hố trồng cần được chuẩn bị trước khi đặt cây con từ nửa tháng đến một tháng. Hố có kích thước mỗi cạnh 60cm và sâu 60cm. Để giúp cây nhanh bén rễ và phát triển tốt sau nầy cần cung cấp khoảng 10 – 15 kg phân hữu cơ đã hoai mục (như phân chuồng, phân rơm rạ, …) cộng với 0,5-1 kg phân lân trộn đều với đất mặt và lấp đầy hố.

Tùy loại đất mà tre được trồng với nhiều mật độ khác nhau như: 3 x 3m, 4 x 4m, 4,5 x 4,5m và 5 x 5m.

Nếu có đủ nước tưới có thể trồng bất cứ tháng nào trong năm. Riêng vùng đất chân núi, đất giồng thiếu nước thì nên trồng vào đầu mùa mưa.

Măng tre

2. Chọn giống và trồng tre

Hiện nay, trên thị trường có những giống tre trồng lấy măng phổ biến như tre tàu, tre mạnh tông, tre bát độ, tre lục trúc…

Đối với các loài tre nói chung có nhiều cách nhân giống từ thân ngầm, hom gốc, thân khí sinh (hom thân), hom cành hay trồng bằng hạt. Khi nhân giống nên chọn những bụi (khóm) tre phát triển tốt, không sâu bệnh, chưa ra hoa. Lựa những cây không quá non hoặc quá già (bánh tẻ), khoảng 7 – 8 tháng tuổi để làm giống.

Hom gốc: Nhân giống tre bằng hom gốc phải có một phần thân tre khoảng 7 – 8 tháng tuổi, có 3 lóng dài từ 80 – 100cm, có đường kính từ 7cm trở lên. Đem một thân ngầm, có chồi mầm không dập nát, không bị thối, đem ươm ở vườn ươm thời gian từ 3 – 4 tháng rồi đem trồng.

Hom thân: Chọn cây tre 7 – 8 tháng tuổi cưa ở gốc, phần tiếp giáp với thân ngầm, đem về đục lỗ trên các lóng theo hướng thẳng góc với cành. Sau đó đem đặt ở các luống tại vườn ươm, lấp đất vừa đủ kín thân cây tre (đất vườn ươm đã được cày bừa và bón phân hữu cơ đầy đủ). Kế tiếp đổ nước vào các lóng tre cho đầy rồi đậy lại để giữ ẩm, vườn ươm có làm giàn che mát 70 -80%, tưới ẩm thường xuyên. Sau 1 tháng dỡ bỏ giàn che, nuôi cây trong vườn khoảng 3 tháng, khi cây ra cành mới và rễ thứ cấp thì bứng lên, cưa từng đoạn đem trồng.

Để tiết kiệm thời gian và công sức, bạn có thể tìm mua cây giống ở các vựa nông sản.

Sau khi chuẩn bị đất trồng và giống xong đặt cây giống xuống hố nghiêng khoảng 45 độ (nếu là hom gốc),dùng đất nhỏ mịn lấp đầy hố và nén chặt. Trường hợp trồng bằng hom thân, hom cành thì khi đặt hom vào giữa hố theo chiều thẳng đứng, phần gốc chồi nằm dưới miệng hố không quá 10cm rồi lấp đất và nén chặt.

Trồng xong nên tưới nước thật đẫm, đảm bảo rễ cây tiếp xúc tốt với đất, dùng rơm rạ tủ chung quanh gốc cây một lớp dày 10 x 20cm để chống cỏ dại vào mùa mưa, giữ ẩm vào mùa khô.

Tre măng mới thu hoạch

3. Chăm sóc

Mỗi năm bón thúc hai lần vào thời điểm trước khi ra măng 1 tháng và sau khi thu hoạch măng nhằm giúp cây phục hồi sức nhanh. Dùng 15 – 20kg phân chuồng hoai (hoặc 10kg phân hữu cơ vi sinh) và khoảng 1 kg phân NPK bón cho mỗi bụi tre trong thời kỳ kinh doanh. Đối với tre phân chuồng là nguồn dinh dưỡng tốt nhất để tạo ra rau sạch. Đào rãnh nhỏ xung quanh bụi tre cách gốc tre khoảng 0,5m rồi rải phân lấp kín đất lại.

Thường xuyên làm cỏ, vun xới, tấp cỏ rác mục vào gốc cây để cho măng to và nhiều hơn.

Măng tre bóc vỏ

4. Thu hoạch

Nếu chăm sóc tốt, cây tre sẽ cho thu hoạch măng sau khoảng 2 năm trồng. Sau khi khai thác tre nhất thiết phải đào bỏ thân ngầm già (gốc tre), nhằm giúp đất thông thoáng để măng mọc ra từ thân ngầm khác có điều kiện phát triển tốt hơn, đối với tre mọc tản cũng làm tương tự.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Phát hiện “mỏ” nấm ở Quảng Trị

Mấy ngày qua, người dân đi rừng phát hiện nấm mối mọc khắp nơi, thế là mọi người gác lại tất cả mọi công việc để vào rừng nhổ nấm mang ra chợ bán.

Biết được nấm mối là loại thuốc quý nên các đầu mối từ các tỉnh lân cận đổ về Quảng Trị thu gom một lúc vài trăm cân nấm…

Nấm mối tại Quảng Trị

Vào mùa “săn” nấm mối, các nhà hàng trên địa bàn thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị thêm các món đặc sản chế biến từ nấm mối, vì thế nên giá nấm mối không ngừng tăng cao. Những ngày qua, giá nấm giao động khoảng 120.000/kg.

Theo chị Lê Thị Hoa, ở xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, mấy ngày qua, người dân đi rừng phát hiện nấm mối mọc dày đặc khắp nơi, thế là mọi người gác lại tất cả mọi công việc để vào rừng nhổ nấm mang ra chợ bán. Chị Hoa cho biết: “Gia đình tôi 5 người nhổ một ngày cũng được 100 kg nấm, bán cho thương lái tại chỗ 60 nghìn đồng/kg”.

Theo nhiều người dân có kinh nghiệm trong nghề săn nấm mối, từ 5 năm trở lại đây chưa bao giờ nấm mọc nhiều như thế này. Người dân quan ngại sau mỗi lần nấm mọc nhiều thì xảy ra tình trạng rét nặng kéo dài. Tên gọi nấm mối vì nấm chỉ xuất hiện ở nơi có nhiều tổ mối đất sinh sống. Mối đất làm tổ to như trái dừa khô, hình dáng từng hốc đất, ổ mối đất màu trắng hoặc hơi ngả vàng.

Nấm mối xuất hiện vào đầu mùa mưa, ở nơi đất cao vì mối không thể làm ổ ở nơi đất quá ẩm ướt. Nấm mối được hình thành từ meo đặc biệt của một loại mối chuyên sinh ra nấm. Một gò nấm có vài chục tổ như vậy. Các tổ liên kết nhau bởi những con đường hầm nhỏ. Mối chúa ở tổ trung tâm nơi sâu nhất, chuyên việc sinh sản. Nó to cỡ đầu đũa, dài hơn 3 cm, thân mềm, màu trắng đục, các chân thoái hóa, di chuyển chậm chạp.

Vào mùa nấm mọc, mối thợ lăng xăng tạo meo quanh tổ, chờ ngày nấm rẽ đất mọc lên. Khởi đầu meo phát triển trong tổ thành nhiều mầm nấm trông như những mũi tên trắng xóa, rất đẹp. Những mầm nấm này hút chất dinh dưỡng trong tổ nấm để lớn dần và rẽ đất mọc lên.

Cụ Hồ Nung, ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông cho biết: “Cuộc đời cây nấm cũng trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Giai đoạn nấm mới mọc nhú gọi là “nấm nứt đất” chưa thu hái được vì cái nấm còn rất bé. Vài ngày sau, nấm phát triển thành nấm búp có hình như cây dù chưa mở. Sau đó, tán nấm xòe ngang ra nở trọn vẹn gọi là nấm tán dù. Ngày sau, nấm héo úa, hư hoại dần, gọi là nấm tàn, bán chỉ 20.000/kg mà chẳng ai mua”.

Sau lời hứa chắc chắn chỉ đi theo để thu thập thông tin chứ không hái nấm, đặc biệt không tiết lộ thông tin khu vực hái nấm cho người khác, những người hái nấm cho chúng tôi theo chân vào một đêm khuya giá lạnh. Đoàn người lặng lẽ nhằm hướng rừng sâu thẳng tiến, không nói chuyện, không bật đèn để giữ bí mật.

Ông Núi, một người ngoại lục tuần có vẻ là trưởng nhóm thỉnh thoảng dừng lại dùng mũi đánh hơi nấm mối. Sau này một người cho tôi biết, không phải ai cũng tìm ra nơi nấm mối mọc. Ai “nặng vía” không thể nào tìm được nấm mối, nếu có đi ngang chỉ có giẫm lên mà thôi, còn người “nhẹ vía” có thể tìm được rất nhiều. Người dùng mũi đánh hơi nấm mọc như ông Núi chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng họ lại không ăn được nấm.

Đi khoảng gần một giờ đồng hồ, đến một đám cây rừng rậm rạp, ông Núi lệnh cho cả đoàn ngừng lại nghỉ ngơi, rồi rút trong túi một cây đèn pin nhỏ bịt kín chóa đèn, chỉ chừa một luồng ánh sáng nhỏ bằng ngón tay út tiến vào đám cây rừng. Một lúc sau trở ra, ông Núi nói khẽ, thấy nấm rồi, nhưng hôm nay triển khai lên phía tây.

Ở phía nam nấm mới nứt đất, 8 giờ sáng mai mới hái được. Mọi người đồng loạt rút đèn pin đều bịt kín như ông Núi rồi cầm gậy phòng thân tán ra phía tây. Tôi đi theo một thanh niên, anh cầm gậy phang vài cái vào một đám cây để đuổi rắn rết rồi thụp xuống soi đèn. Trước mắt chúng tôi không biết cơ man nào là nấm mối. Chúng mọc dày đúng nghĩa như câu nói: mọc như nấm. Anh này nói với tôi dẫm lên dấu chân người đi trước kẻo dẫm phải nấm là mang tội, rồi cẩn thận nhổ từng tai nấm nguyên vẹn cho vào bao tải sau lưng.

Tôi lóng ngóng nhổ thử vài cây nấm, thấy chúng dập nát trong lòng bàn tay. Thì ra tìm nấm và hái nấm là cả một nghệ thuật mà những người nôn nóng không làm được. Đặc biệt, nhổ nấm không được dùng dao hay bất cứ thứ gì bằng kim loại, vì người dân cho rằng, nấm nghe hơi sắt mùa sau sẽ lặn mất, không mọc nữa, nên những chỗ đất cứng dùng que tre, que gỗ để bới gốc nhổ nấm.

Khoảng 2 giờ đồng hồ sau, mọi người tập trung đầy đủ ở vị trí tập kết với các bao tải gai đầy nấm, ông Núi kiểm tra quân số rồi ra về. Ước chừng một bao nấm mọi người hái được khoảng 30 kg. Ở khu vực này, nấm đang giai đoạn cây búp nên rất quý. Loại này bán giá cao hơn rất nhiều so với nấm tán dù hay nấm tàn. Nếu bán với giá 60 nghìn đồng/kg thì mỗi người kiếm được gần 2 triệu đồng.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Sâu bệnh và biện pháp phòng trừ ở hoa lay ơn

I. Bệnh sâu hại trên hoa lay ơn

1. Bệnh Bọ trĩ trên hoa lay ơn (Frankliniella occidentalis)

1.1. Đặc điểm hình thái

Hoa lay ơn

– Trứng màu trắng đục, hình bầu dục và dài khoảng 0,34mm, đường kính 0,2mm.

– Ấu trùng ban đầu màu vàng, sau chuyển sang màu nâu đen.

– Trưởng thành có kích thước 1,5mm và rất mảnh, cánh trên màu nâu nhưng cánh dưới có màu sáng hơn. Con đực nhỏ hơn và có màu sáng hơn con cái.

– Vòng đời của bọ trĩ phụ thuộc vào nhiệt độ và thời tiết, trong 1 năm có rất nhiều thế hệ bọ trĩ vì vậy có thể dễ dàng xảy ra dịch khi không quản lý chặt chẽ.

1.2. Đặc tính sinh sống và gây hại hoa lay ơn

– Bọ trĩ là một lọai dịch hại khá nghiêm trọng đối với hoa Lay ơn, nó có thể tàn phá toàn bộ mùa màng. Bọ trĩ gây hại cả hoa và lá Lay ơn.

– Triệu chứng gây hại ban đầu thường không rõ ràng, cây bị nhiễm bọ trĩ nặng thường xuất hiện những đốm nâu và có sọc màu bạc giữa bìa lá, có thể làm cây khô héo. Nếu chồi hoa bị tàn phá nghiêm trọng, hoa không nở được và toàn bộ cây sẽ trở nên còi cọc.

1.3. Biện pháp phòng trừ bệnh bọ trĩ trên hoa lay ơn

– Vệ sinh đồng ruộng trước khi trồng để trừ  bọ trĩ tồn tại trong tàn dư  thực vật.

– Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt để hạn chế tác hại của bọ trĩ.

– Sử dụng thuốc Chlorfluazuron + Emamectin benzoate (Director 70EC) để phòng trừ.

2. Bệnh Sâu xám trên hoa lay ơn (Agrotis ypsilon)

2.1. Đặc điểm hình thái

– Trưởng thành có kích thước trung bình, thân dài 20-25mm, sải cánh rộng 43-47mm. Cánh trước màu xám đen, gần phía gốc mép ngoài có 3 vệt đen nhỏ hình tam giác. Cánh sau màu trắng, phía mép ngoài màu nâu xám nhạt. Cơ thể có nhiều lông màu xám.

– Trứng hình cầu hơi dẹt, đường kính 0,5-0,6mm. Mới đẻ màu trắng sữa, sau chuyển sang màu hồng, lúc sắp nở màu tím thẫm.

– Sâu non màu xám đen, trên lưng mỗi đốt có 4 chấm đen hình thang, đẫy sức dài 40-50mm. Nhộng dài 18-24mm màu nâu cánh gián.

2.2. Tập tính sinh sống và gây hại

– Sâu xám phá hại ở thời kỳ cây non (từ khi mầm vươn ra khỏi mặt đất cho đến giai đoạn đuôi cá). Sâu mới nở gặm biểu bì lá, sâu tuổi lớn cắn đứt gốc cây con. Sâu thường xuất hiện nhiều ở vụ Xuân, các ruộng cây trồng trước là rau màu, khi gặp điều kiện thời tiết ấm, ẩm sâu xám sẽ phát triển rất mạnh hơn.

-Trưởng thành ban ngày ẩn dưới lá, lùm cỏ, ban đêm hoạt động giao phối và đẻ trứng, thích mùi vị chua ngọt. Trứng được đẻ rời rạc từng quả dưới các lá khô ở gốc cây hoặc trên mặt đất, một con có thể đẻ 800-1.000 trứng. Sâu hóa nhộng trong đất hoặc bờ ruộng.

– Vòng đời trung bình 50-60 ngày, trong đó thời gian phát dục của trứng là 6-10 ngày, sâu non 30-35 ngày, nhộng 7-10 ngày, bướm đẻ trứng 3-5 ngày.

2.3. Biện pháp phòng trừ sâu xám trên hoa lay ơn

– Cày ải phơi ruộng, làm đất kỹ và nhặt sạch cỏ dại, tàn dư vụ trước trước khi trồng mới.

– Luân canh với cây trồng khác họ, tốt nhất là luân canh với lúa nước.

– Bắt bằng tay rất có hiệu quả (khoảng từ 18 giờ thì sâu xám bắt đầu bò lên cắn đứt ngang thân cây con), hoặc làm bẫy bả chua ngọt để diệt trưởng thành.

– Biện pháp hóa học: Hiện chưa có thuốc đăng ký phòng trừ trong danh mục, có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc có các hoạt chất: Abamectin; Emamectin benzoat; Cypermethrin.

II. Bệnh hại trên hoa lay ơn

1. Bệnh đốm nâu trên hoa lay ơn (Pleospora herbarum)

1.1. Triệu chứng

Vết bệnh hình tròn, hình bầu dục hoặc hình bất định màu nâu đen, xung quanh có viền nâu đậm, thường nằm rải rác ở mép lá hoặc trong phiến lá. Gặp thời tiết ẩm ướt vết bệnh lan rộng rất lớn. Trên mô bệnh thường có một lớp nấm mốc màu đen.

1.2. Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển

– Do nấm Pleospora herbarum gây ra.

– Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện vườn hoa bón thừa đạm, nhiệt độ 18-300C và trời mưa ẩm ướt.

1.3. Biện pháp phòng trừ bệnh đốm nâu trên hoa lay ơn

– Bón phân cân đối và hợp l‎ý, hạn chế bón thừa đạm.

– Thu gom, tiêu hủy tàn dư cây bệnh tránh lây lan.

– Biện pháp hóa học: Hiện chưa có thuốc đăng ký phòng trừ trong danh mục,  có thể tham khảo sử dụng một trong các loại thuốc có các hoạt chất: Azoxystrobin+ Difenoconazole, Chlorothalonil;Cytosinpeptidemycin; Difenoconazole ; Iminoctadine;

2. Bệnh mốc xám trên hoa lay ơn(Botrytissp.)

2.1. Triệu chứng bệnh mốc xám hại hoa lay ơn

Bệnh gây hại trên lá, vết bệnh ban đầu là những đốm nâu nhỏ sau đó phát triển thành những vùng lớn và cuối cùng có thể hình thành các lớp mốc xám.

2.2. Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển bệnh

– Do nấm Botrytis sp. gây ra.

– Bệnh phát triển thích hợp ở điều kiện ngày ấm, đêm lạnh và có ẩm độ không khí cao. Đặc biệt khi trồng quá dày.

2.3. Biện pháp phòng trừ bệnh mốc xám hoa lay ơn

– Luân canh với các cây họ hòa thảo hoặc với các cây trồng cạn, trong điều kiện có thể luân canh với lúa nước hoặc có thể luân canh giữa cây hoa trồng bằng củ với cây trồng bằng hạt hoặc bằng cách giâm cành.

– Bón phân NPK cân đối, hợp lý kết hợp với phân chuồng hoai mục. Mật độ trồng hợp lý.

– Thường xuyên theo dõi tình hình các bệnh hại phát sinh, tỉa bỏ lá già, lá bệnh, cây bệnh đem  tiêu hủy.

– Chú ý làm sạch cỏ, phòng trừ côn trùng môi giới truyền bệnh, xới xáo kịp thời, đặc biệt cần chú ý không tạo các vết thương xây xát trong quá trình chăm sóc để tránh tạo điều kiện cho các loại vi sinh vật gây bệnh xâm nhiễm phá hại.

– Sau khi thu hoạch sản phẩm cần kịp thời thu dọn tàn dư thân, lá, hoa bị bệnh ở vườn ươm và vườn sản xuất đem đốt hoặc vùi sâu trong đất để tránh nguồn bệnh tồn tại sang vụ sau.

– Trong trường hợp cần thiết có thể xử lý đất vườn ươm hoặc cày sâu để phơi ải, kết hợp bón vôi…

– Biện pháp hóa học: do chưa có thuốc đăng ký trong danh mục để phòng trừ, có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất như với bệnh đốm lá.

3. Bệnh gỉ sắt trên hoa lay ơn(Uromyces transversalis)

3.1. Triệu chứng bệnh gỉ sắt trên hoa lay ơn

Vết bệnh dạng ổ nổi màu da cam hoặc màu nâu sắt gỉ sau chuyển sang màu nâu đỏ, hình thái bất định, thường xuất hiện trên lá. Bệnh nặng làm cháy lá. 3.2. Nguyên nhân gây bệnh gỉ sắt trên hoa lay ơn: – Do nấm Uromyces transversalis,gây ra – Nấm phát triển trong điều kiện thời tiết có ẩm độ không khí cao. 3.3. Biện pháp phòng trừ bệnh gỉ sắt trên hoa lay ơn. – Vệ sinh vườn sạch sẽ. – Thu gom và tiêu hủy tàn dư cây bệnh đem tiêu hủy, tránh lây lan.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Tham khảo mô hình nuôi trùn quế hiện đại ở nước bạn

Nước ta còn nghèo, thiếu thốn cơ sở vật chất nên nhiều hộ cũng chỉ đầu tư ngắn hạn để phục vụ cho những mục đích lâu dài, nên chi phí đầu tư nhiều, mất nhiều thời gian và công sức, lại không thể có được những mô hình bài bản đúng kỹ thuật nhằm mang lại hiệu quả cao hơn.

Đây là một mô hình nuôi trùn quế thu phân bón ở nước bạn, nhìn rất hiện đại và đầu tư rất bài bản, ô nuôi được cách mặt đất một khoảng không gian, thành ô nuôi được gia cố bằng sắt khá chắc chắn, và được áp dụng máy móc vào để tiết kiệm công sức và thời gian chăm sóc thu hoạch.

Các nước bạn không chú trọng vào sản lượng sản phẩm lắm, mà tập trung vào chất lượng sản phẩm với cách sử dụng, họ biết cách sử dụng sản phẩm phân bón từ ô nuôi như thế nào cho hiệu quả nên không cần bón nhiều, mà dùng đúng cách sẽ mang lại hiệu quả lớn.

Chúng ta đang sử dụng phân trùn quế như là một loại phân bón thông thường để bón cho cây, nên phải dùng với liều lượng rất lớn, nhưng nếu chúng ta dùng phân trùn quế như một môi trường sinh khối để cải tạo đất, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển để phục vụ cho đất trồng, thì hiệu quả phân trùn quế mang lại rất cao, mà không cần phải dùng quá nhiều phân trùn quế.

Phân trùn quế có thể ví như là một loại men tiêu hóa cho cây, để cây hấp thu và tiêu hóa tốt dinh dưỡng cung cấp cần bón bổ sung phân trùn quế. Không nên chỉ bón phân trùn quế thôi mà không bón thêm gì khác, vì nếu làm như thế phải bón rất nhiều phân trùn quế cho cây để cây đầy đủ dinh dưỡng. Nên sử dụng phân trùn quế như một loại phân bón bổ sung cho cây, để mang lại hiệu quả kinh tế.

Mô hình nuôi trùn quế hiện đại

Và đây là mô hình nuôi trùn quế có thể dành cho các hộ trồng trọt, có thể thu phân trùn quế để bón cho khu vườn của mình, nếu trồng rau thì chỉ cần 0,5kg/m2 cho mỗi vụ. Nếu trồng cây ăn trái thì mỗi gốc chỉ cần 1kg/3 tháng. Ta có thể nuôi trùn quế từ phụ phẩm nông nghiệp nào có thể phân hủy được và phù hợp với trùn quế, muốn biết phù hợp hay không hãy cho ăn thử.

Các nước bạn đã nuôi khá lâu và đầu tư rất tốt, vì họ biết rằng trùn quế mang lại những giá trị rất lớn cho họ, vậy còn chúng ta thì sao, chỉ vì chưa phát hiện ra giá trị lớn của trùn quế nên chúng ta chưa dám đầu tư bài bản. Thiếu tầm nhìn cũng khiến chúng ta e ngại mà không dám đầu tư lâu dài. Hãy cùng mở rộng tầm nhìn với các nước bạn để có thể đầu tư đúng là đủ hơn giống vật nuôi này.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật thu hoạch giun quế

Thu hoạch là khâu cuối cùng của toàn bộ quá trình nuôi. Tuỳ theo mục đích sử dụng của từng hộ gia đình mà chúng ta có thể lựa chọn những phương pháp thu hoạch sao cho phù hợp và hiệu quả nhất.

Hiện nay, một số tài liệu đã đưa ra rất nhiều phương pháp thu hoạch giun quế khác nhau như: thu hoạch bằng nhử mồi, bằng đe doạ, bằng ánh sáng, bằng điện… nhưng chúng tôi nhận thấy 2 phương pháp thu hoạch đơn giản và hiệu quả hiện nay đang được áp dụng nhiều nhất đó là:

1. Phương pháp thu hoạch bằng ánh sáng

Đây là phương pháp thu hoạch hiện nay đang được áp dụng nhiều nhất. Ưu điểm của phương pháp thu hoạch này là đơn giản và có thể lấy được kiệt giun, tuy nhiên nó có nhược điểm là mất khá nhiều thời gian nếu lượng chất nền lớn và với điều kiện giun đã ăn hết phân trên lớp bề mặt chất nền. Trước khi thu hoạch 1 ngày ta phải kiểm tra xem Trùn đã ăn hết lượng phân trên bề mặt của chất nền chưa. Chúng ta chỉ khai thác khi giun đã ăn hết lượng phân này

Ta có thể sử dụng 1 tấm bạt hoặc tấm ni lông có khổ rộng trải ra trên mặt đất. Lưu ý là nơi thu hoạch cần phải có nhiều ánh sáng nhưng tốt nhất không nên để trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời vì tia tử ngoại của ánh sáng mặt trời rất có hại cho giun và có thể làm chết giun. Dùng tay mở tấm đậy ra, bới và bóp nhỏ lớp chất nền trong luống nuôi cho tơi xốp vì trong quá trình nuôi lượng phân giun đã đóng thành từng khối, từng tảng. Xúc phân giun và giun ở trong luống ra đổ thành đống trải đều giữa tấm bạt hoặc tấm ni lông (tốt nhất nên dùng các đồ vật bằng nhựa để xúc, không nên sử dụng các vật nhọn và sắc như: quốc, xẻng…vì nó có thể làm chết hoặc đứt giun). Do giun thường tập trung nhiều trên bề mặt của luống nuôi vì vậy để khai thác nhanh, chúng ta nên chia khối chất nền ra làm hai phần: phần chất nền ở phía trên đổ riêng về 1 phía, phần còn lại đổ sang phía đối diện.

Sau khi xúc phân xong, dùng tay bóp nhỏ những phần phân đóng thành tảng xót lại và vun lên thành ngọn. Dưới tác động của ánh sáng, giun sợ sẽ chui xuống bên dưới. Ta dùng tay bới lớp phân giun ở trên ngọn và hai bên thành đống gạt sang hai bên. Giun lại tiếp tục chui xuống dưới, ta lại tiếp tục bới như trên đã làm, cứ làm như vậy sẽ loại hết được phân giun ra và lấy được toàn bộ lượng giun ở dưới đáy.

2 Phương pháp nhử mồi

Phương pháp này cũng cũng áp dụng khá nhiều trong thực tiễn, người ta thường sử dụng phương pháp này khi muốn san ô nuôi để làm giảm bớt mật độ giun và khối lượng chất nền hiện có ở trong luống. Tuy nhiên, nếu muốn lấy sạch giun trong ô nuôi thì không thể sử dụng phương pháp này mà phải dùng phương pháp thu hoạch bằng ánh sáng.

Khi quan sát thấy luống nuôi đã hết thức ăn, ta rải 1 lượt mỏng thức ăn mới lên trên bề mặt của khối chất nền. Giun sẽ lập tức tập trung tấn công vào lượng thức ăn mới này. Theo dõi đến khi Trùn ăn gần hết lượng thức ăn này, mở tấm đậy và hớt lấy lớp phân trên bề mặt ta sẽ thu được rất nhiều giun.

Nguồn: Giun quế Ba Vì được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tự tạo cơ hội: Nuôi vẹm bằng tre

Người dân sống quanh vùng vịnh Xuân Đài, TX.Sông Cầu (Phú Yên) đã có sáng kiến nuôi vẹm xanh bằng tre khá lạ mắt và cho thu nhập cao, trong khi chi phí đầu tư ban đầu rất thấp.

Trong mấy tháng qua, vịnh Xuân Đài bỗng nở rộ chuyện người dân gom cây tre đem về tập kết trước nhà. Cây tre được sơn màu xanh khiến ai cũng tò mò. Lần hỏi thì mới biết, những cây tre đó là dụng cụ dùng để nuôi vẹm xanh, còn người dân dùng sơn xanh sơn lên cây tre để chống mục, cây sẽ có tuổi thọ lâu hơn trong nước mặn.

Cách nuôi lạ

Ông Phan Văn Toàn, một nông dân ở ngã ba Trung Trinh dầm mình dưới nước, tay đang ấn mạnh cây tre xuống lớp bùn dưới vịnh Xuân Đài, nằm cách xa bờ hàng chục mét. Cách cắm cây tre cũng khá đơn giản. Đầu 3 cây tre cột chụp lại, gốc cây rẽ ra thành hình tam giác, kiểu kiềng ba chân và giằng đá để khỏi nổi lên khi bị gió bão lay mạnh.
Trước khi cắm tre, ông Toàn quấn vải mùng giữa thân tre đoạn ngâm dưới nước, chừa trống lại phần gốc cắm dưới bùn và phần ngọn nhô trên mặt nước. Ông Toàn chia sẻ kinh nghiệm: “Sở dĩ phải quấn vải mùng là để có độ nhám cho vẹm bám vào. Đây là nghề mới của người dân ven vịnh Xuân Đài. Những năm gần đây, mỗi khi dùng tre cắm xuống vịnh làm nhà chồ (nhà chòi) quay rớ (quay vó) thì vẹm bám dày nên năm ngoái có người mua tre cắm thử thì nuôi vẹm rất hiệu quả, nên hiện nay hàng trăm người đổ xô mua tre mang về để nuôi vẹm”.

Chi phí thấp, thu nhập cao

Ông Trần Bảy, người dân ở Vũng Mắm đã nuôi vẹm bằng cách này, nhẩm tính: “Chi phí mỗi cây tre chỉ tầm 40.000 đồng, cộng với chi phí quấn vải mùng chừng 50.000 đồng. Năm ngoái, tôi cắm thử 20 cây tre, trung bình mỗi cây tre có 20 – 30 kg vẹm bám vào, thu hoạch bán với giá 20.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi cây tre thu vào giá thấp nhất 400.000 đồng. Chỉ một vụ đã thu hồi vốn, lãi được 300.000 đồng/cây tre. Năm sau thu hoạch bao nhiêu là lãi bấy nhiêu, vì loài này không cho ăn mà chỉ tốn công thăm nom, chăm sóc”. Cách thu hoạch vẹm xanh cũng khá đơn giản. Khi thu hoạch thì bơi thúng chai (thuyền thúng) ra khu vực cắm tre nuôi, nhổ lấy các cây tre gác ngang qua thúng chai, rồi cầm rựa cùn gạt lên lưới để vẹm rơi xuống.

Hiệu quả thấy rõ nên năm nay ông Bảy tiếp tục đầu tư thêm 200 cây tre để cắm tiếp dưới vịnh Xuân Đài. “Với số lượng đó, mỗi vụ tôi sẽ thu nhập trên 80 triệu đồng. Thời gian nuôi loại này cũng ngắn, chỉ cần 10 tháng kể từ khi cắm tre xuống vịnh là vẹm đủ lớn để thu hoạch”, ông Bảy phấn khởi.

Hiện vịnh Xuân Đài có diện tích mặt nước khoảng 13.000 ha. Hàng ngàn người dân quanh vùng đến đây vừa làm nghề nuôi tôm hùm, vừa nuôi vẹm thì sẽ có nguồn thu khá ổn định. Trong 2 năm gần đây, vẹm xuất hiện nhiều bám vào bờ đá, lồng nuôi tôm hùm. Ông Ngô Xuân Lai, Trưởng trạm Khuyến nông – Khuyến ngư TX.Sông Cầu, cho biết mô hình nuôi vẹm đang phát triển mạnh ở vịnh Xuân Đài. Loại vẹm xanh đang nuôi không có dịch bệnh, trong quá trình nuôi không đầu tư thức ăn, bán được giá nên được nhiều người dân nuôi.

Nguồn: Thanhnien.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cho vẹm xanh sinh sản trong điều kiện nuôi giữ

Bằng cách sử dụng những phương pháp tài tình, một nhóm các nhà khoa học đã cho vẹm xanh sinh sản thành công trong điều kiện nuôi giữ. Các nỗ lực của họ có thể sớm đem lại cho nền kinh tế của New Zealand khoảng 138,5 triệu USD mỗi năm.

Cho vẹm xanh sinh sản trong điều kiện nuôi giữ. 

Sau nhiều năm nghiên cứu ở Nelson, các phương pháp này (tắm bằng nước ấm và sử dụng các thiết bị rung) đã tạo ra lứa con giống đầu tiên để đem nuôi thương phẩm và hiện chuẩn bị thu hoạch.

Roberts giải thích rằng các thí nghiệm đã được thực hiện với ánh sáng, âm thanh và nhiệt độ nước khác nhau, cuối cùng họ đã có được một sự kết hợp giữa ánh sáng, nhiệt độ và độ rung nhẹ thích hợp để kích thích vẹm xanh sản sinh ra một lượng tối đa trứng và tinh dịch.

Ông cũng nhấn mạnh: “Hiện chúng tôi đã có thể sản xuất hàng tỷ trứng vẹm xanh mỗi tháng và tin tuyệt vời là chúng đã phát triển mạnh mẽ, phát triển nhanh hơn và vẹm có thịt nhiều hơn (chắc hơn)”.

Về phần mình, Bruce Hearn là chủ tịch của Tổ chức Nuôi trồng thủy sản New Zealand đã bày tỏ hy vọng về ý nghĩa của nó đối với ngành công nghiệp này. Ông cho biết: “Có rất nhiều khía cạnh đối với trứng ở tự nhiên, khác biệt cả về số lượng cũng như về chất lượng. Chúng ta không bao giờ biết khi nào thì có chúng và khi nào thì có thể lấy được, vì vậy không chắc chắn. Một trong những thuận lợi của việc ấp trứng đó là chúng ta sẽ biết lúc nào có và có thể lên kế hoạch thực hiện. Điều đó sẽ tạo ra một sự khác biệt to lớn. Thật khó có thể đánh giá đúng sự khác biệt mà nó sẽ tạo ra, nhưng đó là một thuận lợi lớn”.

Hơn nữa, Gary Hooper là giám đốc điều hành của tổ chức trên cho biết rằng việc ấp trứng vẹm xanh là một thay đổi lớn đối với ngành này, khi nó mở ra một loạt các cơ hội xung quanh việc chọn giống và phát triển sản phẩm ở các lĩnh vực chất lượng cao như các chế phẩm hỗ trợ dinh dưỡng và các siêu thực phẩm.

Nguồn: The FIS.COM được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm vẹm xanh

Vẹm vỏ xanh (Perna viridis Linne, 1758) là một loài động vật thân mềm hai mảnh vỏ, sống phân bố rộng khắp ở các vùng biển nhiệt đới và á nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Theo độ sâu, chúng phân bố từ trên dưới tuyến hạ triều đến 20m nước, ở độ sâu 5 – 6m nước có mật độ tương đối cao.

Vẹm vỏ xanh là loài có giá trị kinh tế, hàm lượng chất dinh dưỡng cao, được nuôi phổ biến làm nguồn thực phẩm cho con người và những đối tượng nuôi khác. Trong tự nhiên, vẹm xanh thành thục quanh năm nhưng tập trung vào hai vụ chính là các tháng 1 – 5 và tháng 8 – 10. Tuyến sinh dục của vẹm tồn tại ở 3 hình thức: đực, cái và lưỡng tính. Khi vẹm thành thục, tuyến sinh dục của con đực màu trắng sữa, con cái màu đỏ cam.

Chọn giống và kích thích phóng tinh, đẻ trứng

Vẹm được chọn cho đẻ là những cá thể khỏe mạnh, có kích thuớc từ 85 – 100mm, tức là vẹm đã trên 1 năm tuổi tính từ giai đoạn ấu trùng, đây là giai đoạn vẹm có tuyến sinh dục phát triển chín muồi. Nuôi từ 3 – 7 ngày, cho ăn các loài tảo đơn bào như: Chaetoceros sp, Nanochlopsis sp, Platymonas sp… và thường xuyên sục khí, thay 40 – 60% nước hàng ngày. Sau khi làm vệ sinh vỏ, dội qua nước ngọt, nước biển và đem rải đều phơi nắng 20 – 30 phút, cho vào lồng treo trên bể đẻ đã chuẩn bị sẵn. Tiếp tục dùng vòi dội mạnh nước mặn đã được lọc sạch đã qua xử lý chlorine hoặc viên aquasep. Qua nhiều công đoạn, vẹm bố mẹ bị kích thích, trứng, tinh trùng được phóng ra và thụ tinh trong nước. Khi ngửi thấy mùi tanh, kiểm tra dưới kính hiển vi có trứng được thụ tinh thì vớt vẹm bố mẹ ra ngoài.

Ương ấu trùng nổi

Sau khi trứng thụ tinh phát triển thành ấu trùng chữ D (Veliger) sẽ được chuyển sang bể ương ấu trùng. Mật độ ấu trùng từ 2 – 3,5 con/ml. Thêm nước trong những ngày đầu và thay từ 25 – 30% nước từ ngày thứ 5 trở đi. Kiểm tra kích thước ấu trùng 2 ngày/lần. Giai đoạn ấu trùng chữ D cho ăn tảo đơn bào Nanochloropsis sp, Chaetoceros sp… lượng tảo cho ăn 5 – 10 ngàn tế bào/ml, ngày cho ăn 2 lần vào sáng và chiều mát. Từ giai đoạn tiền kỳ đỉnh vỏ về sau, ban đêm vào 21 – 22 giờ có thể cho ăn thêm men bánh mì. Thời gian này, độ mặn của nước phải đảm bảo từ 30 – 34%; sục khí 24/24 giờ để đảm bảo nhiệt độ 24 – 30oC.

Thu ấu trùng và phương pháp nuôi

Thả vật bám làm từ dây nylon, tấm nhựa, lưới… được vệ sinh sạch để ấu trùng bám khi ấu trùng có điểm mắt. Có thể thu được con giống cỡ 3 – 5mm sau khoảng 50 ngày kể từ khi đẻ. Môi trường sống của vẹm xanh rất thích hợp các thủy vực kín, ít sóng gió và có dòng chảy lưu thông. Chất lượng nước giàu thức ăn tự nhiên, có độ mặn từ 20 – 30%; nhiệt độ 23 – 30oC; pH 7,5 – 8,5; oxy hòa tan 4 – 5mg/l.

Có nhiều phương pháp nuôi khác nhau như cọc bê tông, cọc gỗ, treo băng bè hoặc dây treo… Nuôi treo bằng phao hoặc bằng bè được sử dụng rộng rãi vì phù hợp ở những vùng có sóng gió, dễ di chuyển và thao tác. Sau 2 năm có thể thu hoạch vẹm thương phẩm với kích thước 10 – 15cm, khối lượng 80 – 120g.

Nuôi vẹm xanh

Vẹm xanh là đối tượng nuôi trồng thuỷ sản mới, có giá trị kinh tế. Vẹm xanh dễ nuôi và trong quá trình nuôi, không cần bổ sung thức ăn cho chúng.

Cách nuôi : Có thể chọn các vùng đầm hồ, các vùng cửa vịnh để nuôi vẹm xanh, song môi trường nước phải trong sạch, không bị nước thải công nghiệp pha trộn…

Dụng cụ nuôi: Dùng loại rổ nhựa mắt dày, đường kính 50cm trở lên, hai mặt trên và dưới rổ được lót bọc bằng những tấm lưới dày hoặc vải màn để chống các loài sinh vật làm hại. Mỗi rổ thả khoảng 500 con. Sau đó đem rổ nuôi thả chìm xuống nước theo cọc tiêu đã được đóng trước. Rổ nuôi vẹm phải nằm ở vị trí cách đáy đầm 30-50cm. Để cố định được vị trí các rổ, nên cho vào rổ những hòn đá thích hợp và cố định bằng dây buộc trên cọc tiêu. Môi trường nước nuôi phải đảm bảo sự ổn định tương đối về độ mặn, độ pH, nhiệt độ khi thời tiết thay đổi.

Chăm sóc: Hai bên cửa sông nơi có nhiều thực vật phù du, mùn bã hữu cơ (là những thức ăn chính của vẹm) là những vùng đất thuận lợi để vẹm xanh phát triển vỏ tốt nhất… Trong quá trình nuôi phải chú ý khâu làm vệ sinh rổ. Cần cọ rửa rổ sạch sẽ để tiêu diệt các loại sinh vật khác sống ký sinh trên vẹm (nhất là con hàu).

Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Khánh Hoà đã nuôi thử nghiệm vẹm xanh ở đầm Nha Phú, theo phương pháp đóng cọc trên diện tích 10.000ha. Đến nay đã có trên 100 hộ nuôi vẹm xanh, sản lượng vẹm thương phẩm ước tính khoảng 40 – 50 tấn/năm.

Thu hoạch: Vẹm nuôi trên cọc, trên giàn, trong rổ cách xa lớp đáy bùn bẩn nên rất sạch. Khi vẹm đạt cỡ 8cm (chiều dài vỏ) trở lên, vào thời kỳ đó tuyến sinh dục phát triển mạnh nhất, nếu mở con vẹm thấy đỏ rực, vàng rộm hay vàng sữa là thu hoạch được.

Trước đây nguồn vẹm giống phụ thuộc vào khai thác tự nhiên, nhưng ngày nay chúng ta đã bắt đầu cho vẹm sinh sản nhân tạo và nuôi thành vẹm hàng hoá.

Nguồn: Vietlinh.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cách phòng trừ sâu bệnh hại trên cây Vú Sữa

Sâu gây hại từ khi trái còn nhỏ đến chín. Thành trùng hoạt động vào ban đêm, con cái đẻ trứng lên vỏ trái, sâu cắn phá vỏ trái, đùn phân ra ngoài làm cho trái mất đẹp, giá bán không cao

I. Các loại sâu hại chính

1. Sâu đục trái (Alophia sp.- pyralidae):

Sâu gây hại từ khi trái còn nhỏ đến chín. Thành trùng hoạt động vào ban đêm, con cái đẻ trứng lên vỏ trái, sâu cắn phá vỏ trái, đùn phân ra ngoài làm cho trái mất đẹp, giá bán không cao.

Phòng trị: Sau thu hoạch, tỉa bỏ cành sâu bệnh, cành gãy…giúp vườn cây thông thoáng. Thu gom và tiêu hủy trái bị hại để sâu non không hóa nhộng và gây hại ở lứa tiếp theo. Phun thuốc khi thấy có sâu non xuất hiện bằng các loại thuốc như: Basudin 50ND, Sumi Alpha 5EC, Karate 2,5EC, Cypermap 10EC… liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì.

2. Sâu ăn bông (Eutalodes anithivora – Gelechiidae):

Gây hại từ khi bông bắt đầu nhú ra đến khi hoa trỗ nhụy, sâu non đục vào bên trong làm bông bị hư.

Phòng trị: khi phát hiện có sâu hại, phun các loại thuốc có tác dụng lưu dẫn như: Cyber Alpha 50ND, liều lượng theo hướng dẫn trên chai thuốc.

3. Sâu đục cành (Pachyteria equestris – Coleoptera):

Gây hại quanh năm. Con trưởng thành đẻ trứng lên đọt non, sâu non nở ra ăn lòn vào trong cắn phá cành, làm chết cành.

Phòng trị: Thường xuyên thăm vườn, nếu thấy có mọt đổ từ các cành thì dùng que xoi vào lỗ đục và bắt bằng tay hoặc bơm thuốc trừ sâu có tính lưu dẫnvào các lỗ đục, sau đó trám lỗ đục lại bằng đất sét hoặc sáp.

4. Rệp sáp (Pseudococcus sp.):

Có nhiều loài rệp sáp gây hại trên vú sữa. Rệp chích hút lên lá, lên trái…. rệp tấn công từ khi trái còn nhỏ đến khi thu hoạch làm cho trái không phát triển. Ngoài ra, rệp tiết ra mật ngọt, tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển, làm mất phẩm chất trái.

Phòng trị: tỉa bỏ những lá, trái bị nhiễm nặng, dùng máy bơm phun nước lên những chỗ có rệp sáp để rửa trôi rệp. Phun thuốc khi mật số rệp cao. Có thể bổ sung dầu khoáng DC- Tronplus 0.5% để tăng hiệu lực của thuốc.

II. Các loại bệnh hại chính

1. Bệnh thối trái (Do nấm Colletotrichum sp.):

Nấm bệnh tấn công trái từ khi trái còn non đến khi thu hoạch. Ban đầu trên trái có những đốm nhỏ hình tròn màu nâu hoặc nâu đen, sau đó vết bệnh lan rộng ra và các vết bệnh nối tiếp nhau bao phủ cả trái. Trái bệnh thường bị chai sượng và rụng.

Ngoài ra, nấm Lasiodiplodia theobromae cũng làm cho trái bị thối khi thu hoạch, vận chuyển và tồn trữ. Với vết bệnh ban đầu nơi gần cuống trái do thu hoạch không chừa cuống hoặc vỏ trái bị trầy xướt, sau đó vết bệnh lan dần làm hư thối cả trái.

Phòng trị: Vệ sinh vườn, tỉa bỏ và thu gom những trái bị bệnh lại để tiêu hủy. Không nên trồng quá dày, tỉa bỏ cành vô hiệu để giúp vườn thông thoáng, hạn chế nấm bệnh phát triển.

Khi thu hoạch tránh gây bầm giập, trầy xướt trái, không làm rụng cuống trái để giúp vườn thông thoáng, hạn chế sự xâm nhập của nấm bệnh. Cần theo dõi thường xuyên nếu thấy bệnh phát triển nhiều thì phun các loại thuốc như Antracol 70WP, Benlate 50WP, Manzate 80WP, Daconil 75WP, Carben 50SC, Thio – M 70WP…Ngoài ra, xử lý trái bằng nước nóng ở 52o C trong 10 phút cũng ngừa được bệnh thối trái.

2. Bệnh bồ hóng (Do nấm Capnodium sp.):

Nấm bệnh tạo thành từng mảng đen như bồ hóng bám trên mặt lá, trên trái làm giảm quang hợp của lá, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây. Bồ hóng bám trên trái làm mã trái xấu bán không được giá. Nấm bệnh phát triển trên các vườn vú sữa có rầy mềm, rệp sáp, rệp dính…vì chất thải của rầy, rệp giúp nấm phát triển. Bệnh thường phát triển mạnh trong mùa nắng.

Phòng trị: Không trồng quá dày. Tỉa cành tạo tán hợp lý để vườn cây thông thoáng. Mùa nắng, chú ý phòng trị rệp sáp, rầy mềm, rệp dính, bằng các loại thuốc như Supracide 40EC, Trebon 10EC, Actara…Khi thấy có nấm bồ hóng: phun các loại thuốc có gốc đồng như Coc 85, Copper Zine, Copper B…

III. Quản lý dịch hại tổng hợp trên vườn cây vú sữa

Gốc cây vú sữa phục hồi sau thời gian điều trị nấm.

1. Mục tiêu:

– Nhằm hạn chế hoặc ngăn chặn sự phát sinh – phát triển dịch hại và sự gây hại của chúng đến cây trồng

– Nhằm giảm thiểu việc sử dụng thuốc hoá BVTV trong vụ mùa

– Tạo sự an toàn về môi sinh và cân bằng sinh thái

– Nâng cao an toàn chất lượng sản phẩm và an toàn trong sản xuất

– Nâng cao hiệu quả kinh tế trong quá trình sản xuất nông nghiệp

2. Quản lý dịch hại tổng hợp sau khi thu hoạch: (từ tháng 1 đến tháng 3 dương lịch)

– Thu gom trái rơi rụng và những trái bị hư hại bởi sâu đục trái trên cây cho vào túi nylon cột chặt và đào hố chôn hoặc đốt tiêu hủy. Cắt tỉa cành sau thu hoạch, tiêu hủy tàn dư thực vật. Tưới bằng vòi phun áp lực cao, rửa trôi dịch hại trên cây.

– Sau thu hoạch làm đất (xới nhẹ), bón vôi, sử dụng bánh neem (sản phẩm của cây xoan) có trộn phân hữu cơ (2 – 3 kg/gốc) bón vào gốc (1/3 đường kính tán cây tính từ gốc) hoặc có thể xử lý Basudin 10 H (10 g/gốc) quanh gốc và tưới ẩm. Quét vôi thân cây.

– Phân bón đúng liều lượng tăng cường phân hữu cơ cho cây (có thể trộn sản phẩm Trichoderma với phân hữu cơ, bón 2 lần/năm vào mùa mưa)

– Xử lý ra đọt non đồng loạt, sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc vi khuẩn Bacillus thuringiensis kết hợp với thuốc trừ sâu có nguồn gốc thảo mộc như cây xoan, cúc tổng hợp trị liệu các loài sâu hại tấn công giai đoạn lá non và hoa.

3. Quản lý dịch hại tổng hợp giai đoạn trái non:

– Tưới bằng vòi phun áp lực cao, rửa trôi dịch hại tấn công trái và các bộ phận khác.

– Thăm vườn thường xuyên phát hiện, thu gom và tiêu huỷ những trái có bị hại.

– Biện pháp bao trái: Nhằm ngăn chặn sự tấn công dịch hại, tránh sự va chạm xây xát và ngoài ra không thấy xuất hiện triệu chứng da ếch. Trái thu hoạch không có tì vết, màu sắc bóng đẹp và chất lượng cao. Sử dụng túi bao khi trái có đường kính khoảng 3-4 cm (khoảng 4 – 4.5 tháng sau khi ra hoa). 1-2 ngày trước khi bao trái xử lý bằng thuốc BVTV gốc cúc (Pyrethroids) hoặc gốc lân tổng hợp có thể kết hợp với thuốc trừ nấm bệnh như Ridomyl gold, Benomyl… Sau đó, nhà vườn bao từng trái, cho trái vào túi bao (không có lá, không bao những trái đã bị sâu hại tấn công hoặc có vết sẹo hay di dạng) và gút lại bằng nút gút cao su trên đầu túi bao.

Chú ý: Để quan sát theo dõi sinh trưởng trái, nên bao đồng loạt dạng kích thước trái, đánh dấu túi bao bằng màu sắc khác nhau, ghi lại thời gian bao trái, thời gian đậu trái, để tiện cho quản lý và thu hoạch. Đến thời điểm thu hoạch, cắt trái xuống bằng dụng cụ thu hoạch, lột túi bao, rửa sạch, phơi 2 – 3 nắng, túi bao có thể sử dụng lại một lần cho vụ sau.

– Biện pháp sử dụng thuốc BVTV: Do vú sữa là cây đa niên, tán rộng, có số lượng trái trên cây khá lớn, khó mà bao hết trái trên cây. Cần có biện pháp quản lý dịch hại bằng thuốc BVTV để ngăn chặn sự tấn công của sâu đục trái. Nên thăm vườn thường xuyên, quan sát triệu chứng gây hại và xử lý kịp thời. Kết hợp thuốc vi khuẩn B. thuringiensis với các thuốc có nguồn gốc thảo mộc như cây xoan (neem), hoặc gốc cúc tổng hợp hoặc gốc lân tổng hợp phun khi trái có đường kính 1,5- 2 cm và tỷ lệ trái bị hại (nhiễm) là 1 %. Nếu vườn có sự hiện diện rệp sáp sử dụng thuốc BVTV gốc cúc (Pyrethroids) hoặc gốc lân tổng hợp kết hợp với dung dịch nước rửa chén Mỹ Hảo (5-7ml/10 lít nước). Có thể kết hợp với thuốc trừ nấm bệnh như Ridomyl gold, Benomyl…trong trị liệu bệnh hại trên trái.

4. Phòng trừ dựa vào tập tính của ruồi đục trái:

– Sử dụng Methyl eugenol làm bẫy (giết ruồi đực): dùng hộp nhựa có kích cở: 10 x 20 cm, cắt 2 lổ cánh cửa bên hộp, có giữ lại mái (hạn chế mưa tạt vào). Hộp nhựa có thể sơn màu vàng. Bên trong nắp hộp có dây treo, gard y tế (bông gòn) tẩm thuốc (1 ml Vizubon), gắn vào dây treo ở bên trong nắp hộp. Treo hộp nhựa ở chiều cao 1,5 – 2m, dưới tán cây thoáng mát, tránh ánh nắng chiếu thẳng vào làm phân hủy nhanh chất dẫn dụ, đặt 20 bẫy/ha, treo theo những điểm quanh vành đai của vườn, tránh cho sự tấn công của kiến vào bẫy (dùng mỡ bò bôi trơn dây treo). Thời gian đặt bẫy và thay bẫy: 1,5 – 2 tháng trước thu hoạch, trái sắp chín (nếu thu hoạch tháng 11,12 treo bẫy tháng 9, 10 hoặc thu hoạch tháng 3 treo bẫy tháng 1). Từ 1,5 đến 2 tuần thay bẫy một lần, bằng cách bơm thuốc mới vào gard y tế hay bông gòn trong hộp nhựa.

– Phun SOFRI protein để diệt ruồi đục trái (giết con cái): Pha 1 lít nước với 50 ml của SOFRI protein và 3 ml Regent 5 SC. Phun hỗn hợp đã pha thành điểm 50 ml/cây, vào lúc 8 – 10 giờ sáng. Phun khi 90 ngày sau khi đậu trái. Phun định kỳ 7 – 10 ngày/lần.

– Thiên địch sâu đục trái: Một số kết quả nghiên cứu cho thấy Kiến Hôi Dolichodorus thoracius có khả năng khống chế mật số của sâu đục trái Alophia sp. một cách hữu hiệu.

IV. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc trừ sâu bệnh

1. Cách sử dụng thuốc trừ sâu đúng đắn:

– Xác định những giai đoạn mẫn cảm trong chu kỳ sống của sâu hại và áp dụng trực tiếp thuốc trừ sâu vào giai đoạn đó.

– Thuốc trừ sâu được phun trừ dịch hại dựa trên cơ sở điều tra và khảo sát sâu hại trên vườn.

– Các loại thuốc trừ sâu được phép sử dụng ở nhiều hoạt chất khác nhau, để làm tránh hoặc làm chậm tính kháng của sâu hại.

– Sử dụng vòi phun mịn để phun thuốc trừ sâu.

– Sử dụng thuốc trừ sâu có hiệu quả nhất ở giai đoạn quyết định của cây trồng và khi mật số sâu hại đạt ở mức độ cao.

2. Cách sử dụng thuốc trừ nấm bệnh đúng đắn:

– Sử dụng thuốc trừ nấm bệnh cần chú ý vào giai đoạn cây trồng dễ mẫn cảm bệnh và điều kiện môi trường thích hợp cho sự phát triển bệnh này (vườn dầy, ẩm độ cao).

– Thuốc trừ nấm tiếp xúc được sử dụng khi giai đoạn của hoa hoặc lá ít mẫn cảm với nấm bệnh (trước khi nấm bệnh xâm nhiễm). Sau khi cây đã bị nhiễm, thuốc lưu dẫn cần sử dụng liên tục định kỳ để trị liệu bệnh

– Thuốc trừ nấm tiếp xúc và lưu dẫn cần sử dụng xen kẽ tránh sự kháng thuốc của nấm bệnh.

– Thuốc trừ nấm sử dụng trên vườn cần dựa trên vụ mùa trước và điều kiện thời tiết. Điều này quan trọng hơn là phun định kỳ.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Tây Ninh: Trồng Gừng trong bao 100m², thu nhập trên 100 triệu đồng

Trồng Gừng trong bao, một công việc không phải là mới với nhiều người ở hầu khắp các địa phương trên cả nước nhưng trồng Gừng trong bao xi măng, bao tải dứa, bao nilon… thực sự là mô hình khá mới mẻ với nhiều người nhưng lại đang tỏ ra là một mô hình hiệu quả, đem lại thu nhập cao trong nhiều năm trở lại đây. Bài viết dưới đây về một người nông dân bình thường cũng là ví dụ điển hình.

Sau nhiều năm bôn ba với nghề thợ hồ, năm 2006, ông Trần Văn Công (56 tuổi) ở ấp Bình Phong, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, Tây Ninh quyết định về nhà trồng gừng. “Tôi lớn tuổi rồi, ra ngoài làm mướn không bằng tụi trẻ” – ông Công tâm sự.

Trồng gừng trong bao xi măng – mô hình khá mới mẻ

Ông chọn miếng đất bên hông nhà khoảng 100m², làm đất kỹ lưỡng và lên liếp trồng gừng. Do chưa có kinh nghiệm, cộng với đất ở đây thường ẩm ướt, nên gừng hay bị thối củ, năng suất không cao. Những lần ông đốt rác, rồi cho vào trong bao bỏ trong góc vườn. Thấy đất tốt, ông trồng thử vài gốc gừng, thu hoạch, gừng cho năng suất cao hơn trồng trên liếp. Ông nảy ra sáng kiến trồng gừng trong bao.

Từ phân rác, ông chế công thức pha trộn đất để trồng gừng. Năm 2007, ông san bằng mặt liếp, đến các công trường xin bao xi măng về may thành các túi nhỏ, cho đất trồng 1.000 gốc gừng. Sau 6 tháng, ông thu được trên 2.000kg gừng củ, với giá gừng 40.000 đồng/kg, trừ chi phí ông lãi gần 80 triệu đồng. Ông cho biết, 2 năm ông trồng 3 vụ gừng, trừ chi phí, mỗi năm ông bỏ túi trên 100 triệu đồng.

Theo ông Công, ưu điểm của trồng gừng trong bao là đất không ẩm ướt, nên củ gừng không bị thối, không bị rễ các cây khác chèn vào, vì vậy năng suất mỗi gốc từ 2-3kg củ, trong khi trồng trên liếp, mỗi gốc cho khoảng 1,5kg củ. Mặt khác, trồng gừng trong bao dễ chăm sóc, di dời và dễ thu hoạch.

Gừng dễ dàng được chăm sóc khi trồng trong bao xi măng

Thành công với cây gừng, năm 2010, ông thử nghiệm trồng 17 gốc khoai môn củ trong bao. Kết quả, khoai môn trồng trong bao củ to hơn, năng suất mỗi bao từ 2,7- 3kg củ, còn trồng trên liếp mỗi gốc chỉ cho 1,5-2kg củ. Năm 2011, ông quyết định trồng thêm 100 gốc khoai môn trong bao.

Ông Công dự định, cuối năm, ông mở rộng thêm diện tích trồng gừng, khoai môn và mua lưới để che vườn gừng. Ông chia sẻ, theo khuyến cáo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nếu cây gừng được che mưa, che nắng, năng suất sẽ cao hơn.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.