5 bước trồng đậu bắp cực hiệu quả tại nhà

Là một loại quả ngon, dễ trồng và có hương vị không giống so với những loại đậu khác, đậu bắp là một trong những loại rau có thể trồng ngay tại nhà chỉ với vài bước cực dễ.

Trồng đậu bắp không hề khó, chỉ với vài bước cực đơn giản là bạn đã có những quả đậu bắp xanh non, tươi ngon để chế biến nhiều món ăn ngon bổ dưỡng tại nhà rồi.

Đậu bắp là một loại rau ăn quả, có thời gian sinh trưởng phát triển ngắn, ít sâu bệnh và thích nghi ở thời tiết nóng ẩm và có thể trồng được quanh năm. Tuy nhiên để trồng đậu bắp đạt năng suất cao nhất thì các bạn nên chú ý trồng vào thời điểm từ cuối tháng 2 đến tháng 3, thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 9. Hoặc gieo từ cuối tháng 7 đến tháng 8, thu hoạch quả từ tháng 9 đến tháng 1, đầu tháng 2.

Trồng đậu bắp không hề khó

Bước 1: Làm đất

Nên chọn đất cát pha để thoát nước tốt, lưu ý tùy thuộc vào mùa vụ trồng mà xử lý đất theo các phương pháp khác nhau. Nếu trồng vào mùa mưa, bạn cần lên luống vừa rộng, vừa cao và dốc để dễ thoát nước. Ngược lại, nếu trồng vào mùa nắng, bạn cần làm đất kỹ theo hàng và gieo vào các hốc.

Bón lót: Cho phân (nên sử dụng các loại phân bón vô cơ trong danh mục cho phép) để vào rãnh, lấp đất phủ lên rồi gieo hạt vào.

Bước 2: Chọn hạt giống đạt chuẩn

Đậu bắp có thể trồng bằng hạt hoặc giâm cành nhưng khi bạn mới trồng lần đầu thì có thể lấy hạt từ những quả đã già hoặc mua hạt giống về và gieo hạt cho nảy mầm. Để có những cây đậu bắp sai quả, ban đầu bạn nên chọn những hạt giống có chất lượng tốt nhất bằng cách đem phơi cho thật khô sau đó tách ra bạn sẽ thấy hạt đậu bắp bên trong.

Chọn những hạt sáng bóng to tròn để đem gieo sẽ cho tỷ lệ nảy mầm cao

Bước 3: Gieo hạt

Trước khi gieo hạt bạn nên ngâm số hạt đó vào trong nước ấm theo công thức 2 sôi – 3 lạnh để chúng ngấm no nước và ủ trong khăn ẩm khoảng nửa ngày cho hạt nứt nanh thì mới đem gieo. Lưu ý: Đậy trên bề mặt chậu sau khi gieo hạt vào đất. Khi hạt đã nhú mầm ra khỏi mặt đất thì mở tấm đậy ra.

Ngâm hạt vào trong nước ấm để hạt nứt nanh nhanh chóng

Kiểm tra độ ẩm đất trong thời gian gieo hạt, nếu để đất khô hay quá ẩm hạt sẽ nảy mầm kém.

Sau 2-3 ngày hạt sẽ nảy mầm. Khi cây con được 7-10 ngày tuổi, lúc này sẽ đạt chiều cao khoảng 5 đến 10cm. Trong mỗi chậu bạn chọn từ 1-2 cây để giữ lại trồng và nhổ bớt cây còi cọc thiếu sức sống.

 Cây con được 7-10 ngày tuổi

Bước 4: Chuyển nhà cho cây

Khi cây đạt chiều cao khoảng 20cm trở lên, bạn nên chuyển cây ra vườn trồng

Lưu ý khi di chuyển cây đậu bắp sang ngôi nhà mới, nên bón lót một ít phân vô cơ bên dưới trước khi trồng cây xuống đất. Sau khi trồng, tưới nước đẫm cho cây mau bén rễ. Duy trì độ ẩm hàng ngày bằng việc dùng bình tưới buổi sáng và buổi chiều. Vài ngày là cây sẽ xanh tốt trở lại.

Sau khoảng 1 tuần, cây đậu bắp đã lên cao, lúc này bạn nên bón thêm phân cho cây. Cứ 15 ngày bón 1 lần cho đến khi cây ra hoa đậu quả thì dừng.

Khi còn non lá có màu xanh nhạt, càng ngày lá sẽ càng đậm dần. Khi thấy cây ra quá nhiều lá và cành rậm rạp, bạn nên tỉa bớt cành nhánh sẽ giúp giàn được thông thoáng và thuận lợi cho cây đơm hoa kết trái tốt hơn. Chỉ vài ngày nữa dấu hiệu ra hoa sẽ bắt đầu.

Hoa của cây đậu bắp được hình thành từ nách lá, mọc thành từng chùm màu trắng hoặc xanh trông rất đẹp mắt.

Sau vài ngày hoa nở, những quả non đầu tiên sẽ mọc. Dần dần những quả đậu bắp non lớn lên và đạt kích thước trưởng thành từ 10 đến 15cm, màu cũng đậm dần lên.

Bước 5: Thu hoạch thành quả

Không phải đợi quá lâu để cho thu hoạch, chỉ khoảng 1 tuần kể từ khi xuất hiện quả non, đậu bắp đã mọc sai chi chít trên cây. Đậu bắp khi thu hoạch có chiều dài khoảng 15-20cm.

Đậu bắp khi đã đạt đến độ trưởng thành

Vậy là giờ đây gia đình bạn đã có một giàn đậu bắp sai trĩu quả có thể tự cung cấp rau sạch cho bữa ăn hàng ngày.

Sau 50-60 ngày từ khi trồng đậu bắp có thể bắt đầu thu trái, thu thành nhiều lứa. Sau khi thu cần  tiêu thụ ngay trong  thời gian 1-2 ngày, nếu để lâu trái bị già

Những quả đậu bắp mơn mởn sau thu hoạch

Đậu bắp (mướp tây) được dùng để chế biến rất nhiều món ăn thông dụng như luộc, nướng, ăn sống…

Nhờ thành phần có nhiều chất xơ và và các vitamin, khoáng chất phong phú nên đậu bắp cũng nằm trong danh sách vị thuốc chữa được khá nhiều bệnh. Ngoài tác dụng chữa bệnh táo bón, giúp làm trắng và làm mịn da, giảm cân, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, tăng cường thị lực, làm đẹp tóc, đây cũng là loài cây cải thiện khả năng sinh lý cho phái mạnh.

Theo danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

3 bước thụ phấn nhân tạo cho họ Bầu, Bí

Khi trồng các loại cây dây leo như bầu, bí dưa chuột…muốn cây sai quả chúng ta cần tiến hành thụ phấn nhân tạo cho cây. Tuy nhiên, nhiều người lúng túng vì chưa biết cách thụ phấn nhân tạo.

Thụ phấn nhân tạo giúp bầu bí đậu quả nhiều hơn

Bước 1: Phân biệt hoa đực hay hoa cái

Muốn thụ phấn bạn cần xác định được đâu là hoa đực hay hoa cái. Sau đây là một số dấu hiệu giúp bạn nhận biết khá dễ dàng.

Hoa đực thường mọc ở nách nhánh. Mỗi nách nhánh có một cụm nhiều hoa đực. Hoa đực ngắn hơn và không phát triển bầu nhỏ phía dưới giống như hoa cái.

Hoa cái thường mọc từ nách lá. Mỗi nách thông thường có 1 hoa cái tùy loại giống. Hoa cái có một bầu nhỏ, nếu được thụ phấn, bầu này sẽ phát triển thành quả.

Bước 2: Kiểm tra hoa trước khi tiến hành thụ phấn

Trước khi tiến hành thụ phấn cho hoa bạn cần kiểm tra kỹ xem nhị phấn của hoa đực đã chín chưa. Bạn lấy tay dí vào nhị nếu thấy phấn vàng dính vào tay là đã được.

Đối với hoa cái bạn cũng dùng tay kiểm tra nếu thấy nhụy dính đồng nghĩa với việc đã thụ phấn được.

Tiếp đến bạn cần kiểm tra để chọn được bông hoa tốt giúp kết quả thụ phấn tốt hơn. Với hoa đực bạn nên chọn hoa to, đẹp, không sâu bệnh, nhị đực phân thuỳ có bao phấn to màu vàng sáng.

Chọn những hoa cái hoàn chỉnh, nhụy hoa có đầy đủ đài hoa, núm nhuỵ, cánh hoa. Hoa không bị sâu, bệnh hại ở những vị trí định cho đậu quả để thụ phấn.


Cách thụ phấn nhân tạo cho bầu bí

Bước 3: tiến hành thụ phấn

Dùng tay hay kéo cắt lấy hoa đực có đoạn cuống dài 5cm.

Cắt hoặc vặt hết cánh hoa cho khỏi vướng đầu nhị có bao phấn.

Chấm nhẹ đầu nhị của hoa đực vào núm nhụy của hoa cái sao cho hạt phấn màu vàng mịn từ hoa đực bám vào núm nhụy hoa cái là đạt yêu cầu.

Nếu cẩn thận hơn, bạn có thể dùng chổi sơn loại nhỏ hoặc bông tai quét phấn từ hoa đực rồi bôi sang nhụy hoa cái.

Lưu ý

– Lấy hoa đực ở cây này để thụ phấn cho hoa cái cây kia để phát huy được ưu thế lai. Như vậy quả sẽ to, đẹp hơn là thụ phấn cho hoa cùng gốc.

– Hoa mướp nở rộ vào khoảng 7-8 giờ sáng với vụ xuân hè và 9-10 giờ sáng với vụ thu đông. Còn đối với bầu (hoa trắng), hoa lại nở vào tầm tối. Đây là những thời điểm thụ phấn bổ sung tốt nhất.

-Trước và sau khi thụ phấn cho cây cần cung cấp đủ nước tưới và dinh dưỡng cho cây như thế sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Hướng dẫn cách gieo hạt giống bầu hồ lô

Bầu hồ lô không chỉ là món ăn ngon mà còn có nhiều tác dụng, làm đồ dùng để đựng đồ cũng rất đẹp. Trồng bầu hồ lô không khó, chỉ cần bạn chú ý một số kỹ thuật sau sẽ có những giàn bầu hồ lô trĩu quả.

1. Chuẩn bị trước khi trồng bầu hồ lô

– Chậu ươm hạt hoặc khay ươm

– Hạt giống bầu hồ lô: Hiện có rất nhiều loại hạt giống bầu hồ lô cho bạn lựa chọn. Việc lựa chọn hạt giống bầu hồ lô chất lượng sẽ giúp tăng năng suất về sau. Khi lựa chọn hạt giống bầu hồ lô, bạn nên lựa chọn hạt giống chắc khỏe, không sâu bệnh, tỉ lệ nảy mầm cao. Nên lựa chọn hạt giống tại các cửa hàng bán hạt giống uy tín như

– Đất trồng: Đất ươm và trồng phải đảm bảo tơi xốp, trộn thêm chế phẩm Nấm Trichoderma, gieo hai hạt bầu hồ lô cho một bầu đất, độ sâu khoảng 2cm. Hoặc bạn có thể dùng đất sét nung để trồng.

– Xử lý hạt giống bầu hồ lô trước khi trồng: Hạt giống bầu hồ lô có phần vỏ dầy và cứng nên xử lý trước khi trồng sẽ giúp hạt nhanh nảy mầm. Xử lý bằng cách: Pha 2 phần nước sôi và 3 phần nước lạnh cho hạt bầu hồ lô vào ngâm trong 24giờ (1 ngày/đêm). Sau đó vớt hạt bầu hồ lô ra, rửa sạch chất nhầy bám trên hạt bằng nước lạnh để tiến hành gieo.

2. Gieo trồng và chăm sóc

– Ươm hạt: Bỏ đất vào chậu ươm, sau đó gieo hạt vào khay. Để khay vào chỗ mát, tưới nước hàng ngày sẽ giúp hạt nhanh nảy mầm và phát triển thành cây con.

– Trồng cây con: sau khi cây bầu hồ lô cao khoảng 20cm thì mang ra trồng được. Dùng phân hữu cơ hoai mục trộn với đất theo tỷ lệ 30 phân hữu cơ 70 đất. Bộ rễ cây bầu hồ lô rất nhạy cảm, bạn nên nhẹ tay để bầu đất không vỡ ra.

– Tưới nước: Thời gian đầu nên tưới nước thường xuyên cho cây vào mỗi buổi sáng sớm và chiều mát.

– Làm giàn: Khi cây có dây leo, nên dùng cây tre làm giàn, dây thép căng ô vuông sẽ chắc chắc hơn. Các cây ngang dọc cách nhau 20cm là vừa.

– Bón phân: Với bầu hồ lô nên sử dụng phân hữu cơ. Khi cây bắt đầu bén rễ hòa phân hữu cơ hòa cùng nước để tưới cho cây. Thời gian bón phân mỗi đợt cách nhau 20 ngày.

– Sâu bệnh: Trong giai đoạn phát triển, bầu hồ lô sẽ bị các loại sâu bệnh như rệp, sâu vẽ bùa, bọ xít lá tấn công. Khi cây có biểu hiện của bệnh, nên dùng thuốc BrighTin phun vào ngọn và dưới lá. Phun vào lúc buổi sáng sớm hoặc chiều lúc tắt nắng và không mưa. Phun 3 ngày liên tục, sau 1 tuần nếu không hết phun tiếp.

– Ra hoa và thụ phấn: Sau 1 tháng kể từ khi trồng, bầu hồ lô sẽ cho ra hoa và đậu trái. Tuy nhiên để đạt được năng suất cao, nên tự thụ phấn cho hoa. Chọn một bông hoa đực nở to và hạt phấn đã bung ra xung quanh, ngắt hoa đực đó, lấy nhị của hoa đực cho tiếp xúc nhụy của hoa cái, lúc này bạn sẽ thấy phấn hoa của nhị bông đực dính lên thùy của hoa cái, vậy là được. Nếu sau khi thụ phấn gặp trời mưa, nên dùng nilong trùm hoa cái vừa thụ phấn sẽ tốt hơn.

Sau hơn 1 tháng, bạn có thể thu hoạch bầu hồ lô. Chỉ với một vài kỹ thuật cơ bản, bạn đã có những giàn bầu hồ lô sai quả trong vườn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Phòng Bệnh “Ngù Đọt” Trên Bầu

Bầu là một loại rau được trồng phổ biến vì đây là loại cây trồng ngắn ngày, dễ trồng và mang lại lợi nhuận cao. Trên một số vùng trồng rau chuyên canh ở xã Hữu Định, Giao Long ( huyện Châu Thành),… bầu là loại rau chiếm diện tích khá lớn.

Tuy nhiên, hiện nay trên cây bầu nông dân rất quan tâm đến bệnh khảm (nông dân còn gọi là “ngù đọt”) vì bệnh này ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng và phát triển của bầu, làm giảm năng suất nghiêm trọng.

Triệu chứng bệnh thể hiện trên lá và toàn cây. Cây bị bệnh đọt non xoăn lại, lá nhạt màu và lốm đốm vàng loang lổ, các đốt thân co ngắn, dây chùn lại, phát triển chậm, trái ít và biến dạng, méo mó.

Bệnh do virus gây ra. Virus gây bệnh khảm trên bầu tồn tại trong một số cây hoang dại do rệp và bọ trỉ là côn trùng môi giới lan truyền. Sự xuất hiện và phát triển của bệnh có quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của bọ trỉ.

Bọ trĩ là một loại côn trùng rất phổ biến trên bầu, ngoài tác hại truyền bệnh virus chúng còn chích hút nhựa cây làm cho đọt và lá non bị xoăn lại, có nhiều đốm nhỏ màu vàng nhạt, dây bầu kém phát triển rõ rệt. Một số bọ trĩ cao làm dây bầu cằn cỗi, chùn đọt, không vươn lóng, lá vàng và khô, hoa rụng, trái ít và nhỏ. Bọ trĩ trưởng thành rất nhỏ dài khoảng 1 mm, có màu vàng hơi nâu với hai đôi cánh dài, hẹp, cả hai đôi cánh đều có tua ở rìa với cấu trúc giống như lông. Ấu trùng có màu vàng nhạt, hầu như trong suốt khi mới nở và giống như con trưởng thành nhưng nhỏ hơn và không có cánh.

Bọ trĩ là côn trùng sống thành đàn nên mật số rất cao trên lá. Bọ trĩ sống tập trung đọt non hay mặt dưới lá non. Con trưởng thành chỉ có thể bay một khoảng cách ngắn nhưng có thể phân tán trên phạm vi rộng nhờ gió. Trứng được đẻ mặt dưới lá, khi nở ấu trùng sẽ di chuyển đến các lá non. Vòng đời bọ trĩ ngắn, trung bình 15-18 ngày. Bọ trĩ chích hút đọt non và truyền bệnh virus cho cây. Mức độ nhiễm bệnh của các giống cây có khác nhau.

Ngoài tự nhiên Bọ trĩ có thể bị tấn công bởi một số thiên địch như Bọ cánh lưới (Chrysopha sp), Ong ký sinh,…

Biện pháp phòng bệnh:

Đối với bệnh virus không có thuốc trị nhưng các biện pháp phòng bệnh mang lại hiệu quả cao. Nên áp dụng tổng hợp các biện pháp như:
– Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại trong ruộng bầu và xung quanh;
– Không nên trồng liên tục các loại cây mẫn cảm vì bọ trĩ có thể lây lan rất nhanh nếu có nguồn thức ăn liên tục;
– Không nên trồng bầu cạnh những cây đã bị nhiễm bọ trĩ
– Nhổ bỏ và tiêu huỷ cây bị nhiễm bệnh khảm;
– Phun thuốc hoá học để trừ bọ trỉ (côn trùng môi giới). Sử dụng một trong các loại thuốc sau: Confidor 100SL, Map Go 20ME, Actara 25WG,… phun kỹ phần đọt non vì bọ trĩ trú ngụ trên lá non. Bọ trĩ là loại côn trùng rất mau kháng thuốc nên cần sử dụng thuốc luân phiên.

Chú ý: Bầu là loại rau được thu hoạch liên tục nên khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần chọn lọc những loại thuốc ít độc, có thời gian cách ly ngắn. Tuyệt đối bảo đảm đúng thời gian cách ly để an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng.

Nguồn: Baovecaytrong.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh hại quan trọng trên cây rau họ Bầu Bí

Trong thực tế do diện tích trồng bầu ít, giá trị kinh tế của bầu không cao, nông dân có thể không phun ngừa thuốc trị bệnh, chỉ nhổ bỏ cây bệnh hay ngắt bỏ lá bệnh nếu có. Tuy nhiên, nếu trồng với diện tích lớn, cần chú ý những điều sau:

I. Biện pháp canh tác

– Vệ sinh đồng ruộng: Thu gom và tiêu huỷ tàn dư cây trồng mang nguồn bệnh như các bệnh héo xanh, giả sương mai, phấn trắng, khảm lá vi rút, ….cỏ dại ký chủ sâu bệnh hại,… hạn chế nguồn lây lan…

– Sử dụng giống khoẻ, sạch sâu bệnh, sử dụng giống chống chịu
+ Chỉ sử dụng giống khoẻ, hạt có tỷ lệ nảy mầm cao, sạch sâu bệnh
+ Nên gieo giống trên giá thể khay bầu, đảm bảo chất lượng cây giống cho ruộng sản xuất

– Chăm sóc:
+ Phân bón và bón phân: Bón phân đúng kỹ thuật, bón vừa đủ và cân đối cho từng loại/ giống rau, từng loại đất, từng mùa vụ, đúng thời kỳ tạo điều kiện cho cây sinh trưởng tốt, tăng sức đề kháng với sâu bệnh (1 ha bón 15-20 tấn phân chuồng hoai mục; Phân đạm ure: 300-400 kg; Phân lân super: 270-300 kg; Phân kali: 220-270 kg); chú trọng phân hữu cơ khoáng, phân lân vi sinh…)
+ Tưới nước:  Luôn đảm bảo ruộng dưa đủ ẩm, không đọng nước.

– Thời vụ:  Lựa chọn loại rau/giống phù hợp với từng mùa vụ để cây sinh trưởng thuận lợi.

– Mật độ gieo trồng: Gieo trồng mật độ hợp lý, đảm bảo ánh sáng và không khí lưu thông tốt, hạn chế sâu bệnh phát sinh

– Xen canh: Xen canh với cây trồng khác họ, hạn chế nguồn ký chủ và xua đuổi sâu hại (bầu bí xen rau thập tự, lúa)

– Luân canh: với lúa nước, các cây khác họ không cùng ký chủ sâu, bệnh hại làm gián đoạn nguồn thức ăn của sâu bệnh hại

– Bẫy cây trồng: Trồng xen cây khác không thu hoạch trên diện nhỏ để thu hút sâu hại và phun trừ chúng

II. Biện pháp thủ công

Sử dụng bẫy đèn, bẫy dính màu vàng, màu xanh bắt và tiêu diệt rệp có cánh, ruồi đục lá, tiêu huỷ cây bị sâu bệnh, xử lý nhiệt hạt giống,…

III. Biện pháp sinh học :

Khai thác và sử dụng những sinh vật có lợi (thiên địch, kẻ thù của sâu hại), các sản phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại cây.

– Bảo vệ thiên địch
+ Các loài bọ rùa ăn rệp, ăn sâu hại
+ Các loài ong ký sinh trứng, sâu non, nhộng của sâu hại
+ Các loài kiến, bọ cánh cứng, nhện,…ăn sâu hại- Sử dụng thuốc sinh học và thuốc thảo mộc:
+ Các chế phẩm sinh học Bacillus thuringiensis phòng trừ sâu ăn lá, nấm ký sinh côn trùng Beauveria, Metarhizium,…
+ Thuốc thảo mộc Azadirachtin , Rotenone, Saponin, Matrine,… được dùng phòng trừ, xua đuổi và gây ngán nhiều sâu hại trên rau.
+Nấm đối kháng Trichoderma hạn chế một số loại nấm bệnh trong đất
+ Các hoạt chất có nguồn gốc sinh học: Abamectin, Emamectin benzoate,Validamycin,

IV. Biện pháp hoá học:

Sử dụng các chất hoá học để phòng trừ sâu bệnh hại cây, chỉ nên sử dụng những loại thuốc sau trong trường hợp cần thiết :

– Các loại thuốc chọn lọc, ít độc hại cho con người và môi trường

– Các loại thuốc nhanh phân hủy

– Các loại thuốc nhóm độc thấp (nhóm 3, 4)

– Áp dụng biện pháp xử lý hạt giống và cây con

– Sử dụng thuốc phải theo nguyên tắc 4 đúng:
1.      Đúng lúc: phun lúc sâu non tuổi nhỏ, vết bệnh mới xuất hiện. Giai đoạn sinh trưởng của cây. Phun sáng sớm hoặc chiều mát, không mưa,…
2.      Đúng thuốc: cho từng đối tượng dịch hại, luân phiên các loại thuốc,…
3.      Đúng cách: Thực hiện thao tác pha-phun đúng hướng dẫn của từng loại thuốc,…
4.   Đúng liều lượng, nồng độ: theo đúng hướng dẫn của từng loại thuốc (về lượng dùng, lượng nước pha).

NHỮNG SÂU BỆNH HẠI CHÍNH TRÊN RAU HỌ BẦU BÍ

1) Ruồi đục lá (Liriomyza sativae) Sâu non nằm giữa 2 lớp biểu bì ăn phần diệp lục để lại đường đục ngoằn nghèo trên lá. Thường có mật độ cao ở thời kỳ cây ra hoa rộ-quả, vào tháng 3-5 và 9-11 trong năm.

2) Sâu ăn lá dưa Diaphania indica: thường có mật độ cao khi cây sinh trưởng tốt sau trồng 25-30 ngày, chúng hại búp, lá non. Gây hại chính ở vụ xuân hè và thu đông sớm.

3) Rệp Aphis craccivora Koch: Chúng thường xuất hiện trong điều kiện thời tiết khô hanh, hạn hán. Mật độ thường tăng rất nhanh do chúng đẻ ra con, trong năm thường gây hại nặng vào các tháng 3-5 và 9-11 trong năm.

4) Bọ trĩ (Thrip spp.) Bọ trĩ chích hút dịch ở lá, ngọn, thân non làm lá bị xoăn, cứng và giòn. Trong năm chúng thường có mật độ cao vào các tháng 3-5 (vụ xuân hè) và tháng 9-11 (vụ thu đông)

Phòng trừ sâu hại: Áp dụng các biện pháp canh tác, thủ công, sinh học. Theo dõi phát hiện sớm, khi cần phun các loại thuốc: Elincol 12 ME, Vertimex 1.8EC; Sherpa 25EC, Trebon 30EC (trừ sâu ăn lá), Confidor 100SL, Oshin 20WP, Elsin 10EC (trừ các loại chích hút), …

5. Bệnh héo xanh vi khuẩn Pseudomonas solanacearum Smith: Gây hại ở tất cả các thời kỳ của cây nhưng nghiêm trọng nhất là thời kỳ hoa – quả và bệnh phát triển thuận lợi ở nhiệt độ 25-300C. Bó mạch thâm nâu, cây không hút được nước, héo và chết.

6. Bệnh giả sương mai: Pseudoperonospora cubensis: Bệnh phát sinh nặng trong điều kiện nhiệt độ dưới 200C ẩm độ không khí cao. Gây hại cả thân, lá và thường gây hại nặng trên dưa chuột vụ thu đông và xuân hè sớm.

7. Bệnh phấn trắng ( Erysiphe sp): Bệnh phấn trắng gây hại cả 2 mặt lá, nhưng thường phát sinh gây hại mạnh ở mặt trên. Nấm bệnh tồn tại trong hạt giống tàn dư cây bệnh và lan truyền theo gió.

8. Bệnh khảm lá (Cucumber mosais virus): do virut gây hại, nếu bị bệnh từ khi cây còn nhỏ, cây còi cọc lá xoăn nhỏ và thường không ra quả. Bệnh do côn trùng chích hút truyền bệnh chủ yếu là rệp, bọ trĩ, lây từ cây bệnh sang cây khoẻ. Phải trừ môi giới truyền bệnh.

Phòng trừ bệnh hại: Xử lý hạt giống, chọn giống kháng, dọn sạch tàn dư cây bệnh tiêu hủy. Khi cần thiết phải phun thuốc:- Phòng trừ bệnh héo xanh: Phun hoặc tưới gốc định kỳ bằng thuốc Funguran-OH 50WP, hoặc các thuốc gốc đồng để ngừa bệnh, Exin 4.5 HP (Phytoxin VS), Bactocide,…

– Các thuốc trừ bệnh sương mai, phấn trắng: Juliet 80 WP, Vicarben-S 70 BTN, Daconil 500SC, Đồng oxyclorua (Vidoc) 80 BTN, Aliette 80WP, Ridomil Gold 68WP, Tilt Super 300EC, Bellkute 40WP. Ensino 40 SC, Binhnomyl 50WP, Manage 5WP,…

Nguồn: Viện bảo vệ thực vật được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Trồng dưa lê qua mạng Internet giá 100.000 đồng

Khách hàng đặt mua hạt giống dưa lê và thanh toán chi phí 100.000 đồng, trang trại sẽ chăm sóc và thu hoạch, sau đó gửi sản phẩm thu được đến tận nhà.

Trồng dưa lê qua mạng vẫn đảm bảo an toàn

Một trang trại tại Quỳ Hợp, Nghệ An đang mở dịch vụ cho thuê người trồng, chăm sóc và thu hoạch dưa lê an toàn cho khách hàng có nhu cầu tại khu vực phía Bắc. Theo đó, khách có thể chọn trồng dưa lê trắng hoặc lê Kim Hoàng Hậu với chi phí 100.000 đồng mỗi cây.

Ngay từ khi bắt đầu trồng ở ruộng, dưa sẽ được gắn tên khách hàng. Hàng tuần, trang trại sẽ gửi báo cáo tới khách một lần với nội dung nhật ký gieo trồng và hình ảnh sản phẩm thông qua thư điện tử người dùng dịch vụ đăng ký. Sau 2-2,5 tháng, dưa thu hoạch sẽ được chuyển đến tận nhà cho người thuê trồng, có thu thêm chi phí vận chuyển phát sinh.

Chị Lê Na, chủ trang trại, cho biết, với mỗi đơn đặt hàng, khách được đảm bảo sẽ có sản phẩm. Thông thường, dưa lê trắng sẽ cho từ 5 đến 7 quả mỗi cây, với khối lượng trung bình 0,3-0,6 kg. Dưa Kim Hoàng Hậu cho từ 1 đến 3 quả, có trọng lượng 0,8-1,8 kg. Tuy nhiên, nếu cây chết, không ra quả hoặc chỉ ra một quả dưới 0,8 kg (với dưa Kim Hoàng Hậu) và chỉ ra dưới 3 quả dưới 0,3 kg (với dưa lê trắng), khách sẽ được hoàn lại tiền hoặc đổi sang cây khác.

“Người dùng dịch vụ này có thể đến thăm vườn hoặc về tận nơi chăm bón, thu hái nếu có nhu cầu. Với chi phí 100.000 đồng một cây, khách chỉ cần thu hoạch được 3-4 kg là đã có lợi hơn so với mua sản phẩm an toàn cùng loại trên thị trường. Khi giao sản phẩm, nếu khách hàng không thích có thể trả lại mà không cần lý do, trang trại sẽ hoàn tiền đầy đủ”, chị Lê Na cho hay.

Chủ trang trại này cũng khẳng đinh, việc trồng dưa tại đây sẽ theo quy trình an toàn, hạn chế tối thiểu phân bón hoặc thuốc trừ sâu, kích thích sinh trưởng. “Hỗn hợp ủ ớt cay, gừng, tỏi với rượu, kết hợp lá trầu không, lá na được dùng thay cho thuốc bảo vệ thực vật. Xác cá, bã đậu tương… sẽ thay phân bón hóa học. Công nghệ tưới nhỏ giọt và miếng dán công nghệ để chống bọ phấn cũng được thực hiện”, chủ trang trại chia sẻ.

Hiện tại, trên thị trường, dưa lê và dưa Kim Hoàng Hậu an toàn đang có giá từ 25.000 đồng đến 50.000 đồng/kg. Theo đại diện của công ty sản xuất thực phẩm an toàn Efarm (Hà Đông, Hà Nội), dưa lê là giống cây ngắn ngày, nhưng khó trồng vì dễ mắc sâu bệnh, tỷ lệ cây con sống chỉ là 70%.

Song song với việc trồng dưa theo phương pháp an toàn, trang trại cũng sẽ trồng thêm 500 cây theo phương pháp hữu cơ. Khi thu hoạch, nếu chất lượng và trọng lượng bằng hoặc tốt hơn dưa trồng theo phương pháp an toàn mà khách đã đăng ký, đơn vị này sẽ đổi sang loại dưa hữu cơ cho khách, có ưu tiên theo thứ tự đăng ký trước.

Tuy mới bước vào vụ sản xuất đầu tiên nhưng chị Lê Na cho hay, sau hơn một tuần thông báo, 100 khách hàng tại Hà Nội và các khu vực lân cận đã đặt hàng dịch vụ này. Mùa đầu tiên, trang trại chỉ thực hiện trên diện tích 0,5 ha, dự kiến trồng khoảng 500 cây, và có kế hoạch mở rộng gấp đôi nếu thành công.

“Tôi sinh ra tại vùng dưa, biết nhiều gia đình ‘sống nhờ dưa, chết vì dưa’ bởi thiếu đầu ra. Hy vọng mô hình này sẽ thành công để tạo ra một hướng đi khác cho các sản phẩm nông nghiệp ở địa phương”, chị Lê Na tâm sự.

Chị Quỳnh Anh, một khách hàng ở Hà Nội đang thử nghiệm dịch vụ trồng dưa lê từ xa cho biết, chị rất hồi hộp chờ đến lúc thu hoạch. Trước đó, chị đã nghe nói về mô hình trồng rau sạch từ xa ở TP HCM nhưng chưa có dịp thử nghiệm thì được bạn bè giới thiệu cho dịch vụ trồng dưa này.

“Chi phí có thể không rẻ hơn so với mình tự trồng, nhưng lại tiết kiệm công chăm sóc mà vẫn biết được cây trồng phát triển ra sao, thành quả thu được như thế nào”, khách hàng này cho biết.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Hướng dẫn cách trồng dưa lê trong nhà màng hiệu quả gấp đôi so với trồng truyền thống

Trồng dưa lê trong nhà màng chẳng những là ý tưởng thông minh giúp tiết kiệm diện tích trồng, mà còn có thể giúp trồng được quanh năm, cho năng xuất cao. Cách trồng này giúp bà con nông dân không phụ thuộc thời vụ, phù hợp với các vùng đất bất lợi như khô hạn hay ngập mặn…giúp tăng năng suất so với cách trồng truyền thống lên đến 1.5 lần, nhất là khi áp dụng cách trồng dưa lê trong nhà màng sẽ giúp giảm công lao động, thuốc bảo vệ thực vật.

Dưa lê nhà màng cho năng suất cao, trái đẹp

Lưu ý khi trồng dưa lê trong nhà màng

Các giống dưa có khả năng thích nghi tốt được nhập từ Nhật, Đài Loan, thời gian sinh trưởng 70 ngày, năng suất 2 – 3,2 tấn/1.000 m2, các dòng dưa Nhật có độ ngọt cao hơn. Trồng dưa lê trên giá thể trong nhà màng quan trọng nhất là thiết kế nhà màng, đảm bảo cường độ ánh sáng tốt, hệ thống tưới nhỏ giọt (tưới nước và cung cấp phân bón), túi đựng giá thể, chất dinh dưỡng và phân bón cho dưa.

Hướng dẫn cách trồng dưa lê trong nhà màng

Đầu tiên là chuẩn bị cây con, dùng mụn dừa (xử lý sạch), tro trấu, phân hữu cơ làm giá thể gieo hạt. Trong vườn ươm chú ý phòng trừ bọ phấn trắng, bọ trĩ (môi giới truyền bệnh virus cho dưa), phòng bệnh héo rũ. Cây con gieo 10 – 12 ngày thì tiến hành trồng. Túi trồng là túi nylon kích thước 40 x 40 cm, giá thể là mụn dừa xử lý, luống cao 30 cm, rộng 30 cm, dài 20 – 30 m.

Mật độ trồng tùy giống và mùa vụ, mùa nắng 2.500 – 2.800 cây/1.000 m2, mùa mưa 2.000 – 2.200 cây/1.000 m2. Phân bón (dinh dưỡng) cung cấp cho cây rất quan trọng, có thành phần dinh dưỡng cao, tan nhanh trong nước, không ăn mòn hệ thống tưới…

Khi trồng dưa lê trong nhà màng cần lưu ý, dù trong nhà màng nhưng phải có ong để giúp dưa thụ phấn, khi dây dưa đạt 25 lá thì tiến hành bấm ngọn, mỗi dây treo để 1 – 4 trái, tỉa trái sẽ nâng chất lượng trái loại 1.

Lượng dinh dưỡng và nước tưới cho dưa lê tùy theo từng giai đoạn, từ trồng tới 14 ngày cần 180 ppm (N) + 44 ppm (P) + 150 ppm (K), lượng dung dịch cần tưới 0,5 – 0,8 lít/cây/ngày. Từ 15 ngày đến khi ra hoa là 230 ppm (N) + 50 ppm (P) + 300 ppm (K), lượng dung dịch cần tưới 1 – 1,8 lít/cây/ngày, khi đậu trái tới thu hoạch cần 200 ppm (N) + 55 ppm (P) + 330 ppm (K), lượng dung dịch cần tưới 2 – 2,5 lít/cây/ngày. Cần bổ sung vi lượng B (0,3 – 0,5 ppm), Mn (0,3 ppm), Fe (2 – 3 ppm), Mo (0,05 ppm), Cu (0,1 – 0,5 ppm), Zn (0,3 ppm). pH cho dịch tưới là 5,5 – 6,5, quá trình tưới nước cho cây nên tưới dư 10%.

Phòng trừ sâu bệnh

Dưa lê trồng trong nhà màng chủ yếu gặp một số sâu hại như bọ phấn trắng, bọ trĩ. Nên sử dụng biện pháp đấu tranh sinh học như sử dụng bọ xít, bọ rùa để khống chế. Khi mật số cao có thể sử dụng các loại thuốc phòng trừ (Abamectin, Confidor, Radiant, Ascend…). Một số bệnh hại dưa lê như héo rũ cây con, phấn trắng, sương mai… Nên sử dụng thuốc sinh học phòng trừ như Bacillus subtilis hoặc dùng thuốc như Ridomil, Carbendazim, Anvil… Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” và đảm bảo thời gian cách ly.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật trồng dưa lê gối vụ

Cây dưa lê có thời gian sinh trưởng ngắn. Năng suất cao. Kỹ thuật canh tác đơn giản. Cây thích hợp trồng trên chân đất cát pha, thịt nhẹ giàu mùn.

Dưa lê

1. Công thức luân canh

Lúa xuân – Dưa lê – Lúa mùa muộn – Khoai tây đông.

2. Đất trồng

Chọn chân ruộng cao, vàn cao, đất cát pha, thịt nhẹ giàu mùn. Cần quy hoạch trồng dưa lê gọn vùng, để không ảnh hưởng tới máy móc thu hoạch lúa xuân ở các chân ruộng khác.

3. Giống

Chọn các giống dưa lê Super 007 honey; dưa lê siêu ngọt F1 SV 207. Có thể sử dụng giống địa phương nếu chọn lọc tốt.

4. Thời vụ

Trong vườn ươm trước 20/5. Trồng ra ruộng sản xuất trước 5/6. Thu hoạch trước 20/7.

5. Phân bón (1 sào Bắc bộ)

Vôi bột 25 – 30kg. Phân chuồng 4 – 5tạ. Đạm urê 10 – 12kg. Lân Supe 12 – 15kg. Kali Clorua 3 – 4kg. Phân chuồng, phân lân và vôi trộn đều ủ nóng (ngoài trát bùn hoặc phủ kín bằng tấm màng nilon đen), sau 30 – 45 ngày bón lót cho trồng dưa lê.

6. Làm bầu ươm cây con (13 – 15 ngày)

Tiến hành khi lúa xuân xuôi quả.

– Lượng hạt giống 13 – 15g.

– Số bầu cây 900 – 1.000/sào.

– Chọn nơi có nền đất cứng, bằng phẳng, rãi nắng, thuận tiện tưới tiêu.

– Chuẩn bị 5 thúng đất ải đập nhỏ, trộn đều với 2 thúng phân chuồng mục.

– Dùng gạch hoặc thanh gỗ, ken, xếp tạo khuôn ô diện tích 5 – 6 m2.

– Hỗn hợp đất, phân chuồng rải dầy 2cm trong khung ô (đáy lót lá chuối hoặc giấy báo), dùng ô doa tưới ướt đẫm đất.

– Hạt giống ngâm nước ấm (2 sôi 3 lạnh) khoảng 2 – 3 giờ. Ủ trong khăn mặt bông 24 – 36 giờ nứt nanh, đưa ra gieo trong nền ô đất. Khoảng cách gieo: Hạt x hạt = 7 x 7cm. Sau gieo phủ đất lấp hạt dày 1cm. Tưới giữ ẩm ngày 2 lần (sáng, tối).

– Định kỳ 4 – 5 ngày/lần, dùng dao thép khía xuống nền ô ươm hạt gieo cây giống, để định hình bầu cây. Khía sâu tới đứt lớp lá chuối lót, tạo kích thước bầu cây 7 x 7cm.

– Chủ động biện pháp phòng trừ chuột hại cây con.

– Khi cây 1 – 2 lá mầm phun Zineb phòng bệnh lở cổ rễ.

– Cây dưa có 3 – 4 lá thật, đưa trồng ra ruộng.

7. Trồng cây con ra ruộng sản xuất

– Ruộng lúa chín đỏ đuôi tháo kiệt nước. Sau thu hoạch cày lật đất ngay.

– Nhấc nhẹ các bầu dưa từ vườn ươm trồng ra ruộng. Trồng hành đôi 2 bên mép luống. Khoảng cách: cây cách cây 40 – 45cm; hàng cách hàng 1,4 -1,5m. Lối công tác giữa 2 luống rộng 30cm.

8. Chăm sóc

– Bón lót toàn bộ phân chuồng, lân và vôi bột (đã ủ) + 1kg phân kali.

– Bón thúc lần 1 (khi cây bén rễ hồi xanh): 2kg urê pha nước tưới gốc.

– Bón thúc lần 2 (sau trồng 5 – 7 ngày) 3kg urê + 2 – 3 kali (còn lại) rắc gốc, kết hợp xáo xới, nhặt cỏ, vét đất vun gốc tạo rãnh sâu 20cm, rộng 25 – 30cm.

– Bón thúc lần 3 (khi cây dưa chớm hoa đầu): 4kg urê pha nước tưới. 10 – 12 ngày sau bón nốt số urê còn lại.

– Phun bón lá siêu kali 7 – 10 ngày/lần.

– Bấm ngọn: Khi thân chính ra được 5 – 6 lá thì bấm ngọn, để 2 nhánh cấp 1 phát triển. Khi nhánh cấp 1 được 5 – 6 lá, bấm ngọn, để 2 nhánh cấp 2 phát triển. Làm tương tự đến khi mỗi cây chính ra được 12 nhánh nhỏ thì dừng bấm ngọn. Sau 3 lần bấm ngọn, 1 cây dưa có thể cho 12 – 15 hoa cái có khả năng cho quả. Nếu đậu quả, trên mỗi nhánh cây chỉ để nuôi 1 quả. Các quả dưa và mầm nhánh ra sau cần ngắt bỏ triệt để. Tránh hao phí dinh dưỡng. Rút ngắn thời gian thu hoạch quả. Kịp thời vụ gieo cấy lúa mùa.

– Lót rơm, rạ đáy quả ngay sau quả non mới đậu. Ngắt bỏ lá già, lá sâu bệnh, che nắng cho các quả dưa phơi lộ.

– Nắm chặt đất trong tay, thấy vài giọt nước rỉ qua kẽ ngón tay là độ ẩm luống dưa đạt yêu cầu. Mặt luống khô, cần đưa nước tưới ngập rãnh cho thấm đều lên mặt luống thì rút kiệt. Chú ý, tiêu rút nước nước kịp thời khi có mưa lớn.

9. Phòng trừ sâu, bệnh

– Sâu vẽ bùa: Dùng thuốc Sherpa; Polytrin.

– Bọ trĩ, sâu cắn lá, ăn ngọn: Phun Regent khi sâu non tuổi 1 – 2.

– Bệnh héo xanh: Nhổ bỏ cây bệnh, xử lý vôi bột vào gốc.

– Bệnh lở cố rễ, sương mai, thán thư: Phòng trừ bằng thuốc Zineb, viben C.

– Sử dụng thuốc theo hướng dẫn ghi trên bao giói của nhà sản xuất. Phải đảm bảo thời gian cách ly tối thiểu với từng loại thuốc trước khi thu hoạch quả.

10. Thu hoạch

Sau trồng 30 – 35 ngày cây dưa bắt đầu cho thu hoạch. Thu hoạch dưa khi vỏ quả chuyển từ màu xanh, sang trắng sáng. Nên thu quả vào buổi chiều. Phân loại và rửa sạch vỏ quả. Xếp nơi cao ráo, kín gió. Lấy 150ml rượu nặng phun ướt đều lên lô quả. Dùng bao tải gai che phủ kín. Qua 1 đêm quả dưa sẽ dậy mùi thơm hấp dẫn, mã sáng đẹp, tăng giá trị kinh tế.

11. Để giống

Với các giống dưa lai (F1) không được để giống cho vụ sau. Với các giống dưa thuần, chọn những quả dưa ra đầu tiên, to đều, không nấm bệnh, đánh dấu để thu hoạch cuối vụ, bổ lấy hạt, đãi sạch nhớt, phơi khô kiệt trên sàn tre/gỗ dưới nắng nhẹ. Bảo quản hạt trong lọ sành, sứ, nơi khô ráo, cho vụ sau.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Trồng dưa lê siêu ngọt cho năng suất cao

Với sự ra đời của nhiều giống dưa lê siêu ngọt tiến bộ được đưa vào áp dụng trong sản xuất hiện nay đã thúc đẩy thị trường tiêu thụ cũng như được nhiều nông dân các vùng quan tâm để thâm canh giống cây trồng này.

Cây dưa lê rất dễ trồng trên vùng có chân đất cao, đất thịt nhẹ hay cát pha vì đây là loại giống có nhiều ưu điểm như thời gian sinh trưởng ngắn, từ 50 – 65 ngày (tùy mùa vụ), cây sinh trưởng và phát triển mạnh, kháng được nhiều loại sâu bệnh.

Dưa lê nếu trồng đúng kỹ thuật sẽ cho quả có chất lượng tốt

Giống dưa này có thể trồng được quanh năm. Hoa cái của cây vẫn tồn tại cả nhị đực, do đó cây rất dễ thụ phấn và đậu quả cao, quả đồng đều, quả non có màu xanh, khi chín chuyển sang màu trắng lẫn ít màu vàng nhạt, thơm và rất ngọt, hình thức quả đẹp, có trọng lượng trung bình khoảng 0,3 – 0,5 kg/quả nên dễ tiêu thụ. Đặc biệt là cho năng suất cao, từ 1 – 1,5 tấn/sào.Tuy nhiên cần nắm vững kỹ thuật trồng dưa lê siêu ngọt đúng cách cho năng suất cao nhất.

Giống

Nên lựa chọn các giống dưa lê lai F1 siêu ngọt có những đặc điểm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hiện nay là: Dưa có kích thước quả vừa phải, độ ngọt cao, vỏ xanh da đá hoặc trắng, cứng, cùi dày, ít hạt, vị thơm đặc trưng… Một số giống dưa lê lai siêu ngọt phổ biến hiện nay là: Ngân Huy, Thanh lê, NS-333, Hồng Ngọc…

Thời vụ

Dưa lê ưa biên độ nhiệt rộng hơn dưa hấu( 18- 32oC). Vì vậy thời vụ trồng dưa lê đối với các tỉnh miền bắc nước ta có thể tiến hành từ tháng 2 đến tháng 9 DL. Tuy nhiên với dưa lê xuân hè gieo trồng thích hợp nhất vẫn là sau tiết lập xuân.

Ngâm, ủ, ươm cây

Ngâm hạt trong nước sạch 2 giờ, nhiệt đọ thích hợp tốt nhất cho nảy mầm là 28-32oC, sau đó cho vào khăn ẩm ủ khoảng 24-36h hạt nẩy mầm. Ươm cây trong khay ươm với thời gian 10-14 ngày, khi cây xuất hiện lá thật thứ 2 thì tiến hành đi trồng. Hạt giống ngâm nước sạch trong 4 giờ, sau đó ủ 24 giờ, khi hạt nẩy mầm thì gieo vào bầu đất 1 hạt/bầu. Sau khi gieo từ 8 – 10 ngày, khi cây có 1 – 2 lá thật thì có thể đem trồng.

Nếu trồng giàn thì lượng giống từ 1 – 1,2kg/ha. Cây cách cây 0,5cm, hàng cách hàng 1,5m. Trồng hàng đôi, mật độ cây 25.000 cây/ha. Còn trồng bò trên mặt đất, lượng giống từ 400 – 500 gram/ha. Cây cách cây 0,5cm, hàng cách hàng 4m.

Thời kì cây con trong bầu không nên cung cấp dinh dưỡng cho cây qua đường gốc sẽ làm cây bị thối hỏng rễ non. Tốt nhất nên bổ sung bằng các chế phẩm phân qua lá giàu vi lượng và can xi định kì 4-5 ngày/lần. Lượng phân sử dụng chỉ cần bằng 1/2 so với lượng cho cây trưởng thành. Đồng thời, tưới bổ sung thêm chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma để giảm thiểu lượng cây non chết vì bệnh thắt thân( lở cổ rễ). Khung che cần đóng mở linh hoạt để đảm bảo cây được ấm và không quá ẩm.

Tưới nước cho cây dưa lê trong bầu cũng cần lưu ý chỉ nên tưới đủ ẩm( nước ngấm hết vào đất sau khi tưới) và không tưới quá muộn. Đảm bảo cho cây con về đêm luôn khô nước trên thân lá.

Làm đất, trồng cây

Đất trồng dưa lê tốt nhất không trồng trên ruộng đã trồng cà chua, cà pháo, bí, khoai tây, ớt, dưa và ruộng cây trồng trước đã bị héo xanh. Xử lý đất trồng bằng vôi tả( 30- 40kg/sào) hoặc chế phẩm nấm đối kháng Trichodecma. Lên luống rộng 1,8-2m cả rãnh, cao 25-30cm, rãnh rộng 30-35cm. Luống thoải dần về hai bên mép. Nên dùng màng phủ chuyên dùng cho rau màu với dưa lê xuân hè. Trồng cây theo hàng, cây cách cây 25-30cm, đảm bảo 700- 800 cây/sào BB.

Chăm sóc dưa ở giai đoạn đầu

Ngay sau khi đặt bầu nên tưới ngay để cây nhanh liền thổ, chú ý rễ dưa rất yếu không chịu được úng, nếu ruộng bị ngập nước cần tháo rút nước ngay. Phân bón: Năng suất của dưa rất cao có thể đạt 5-6 tạ/sào, trong khi đó thời gian sinh trưởng của cây rất ngắn sau trồng 40-45 ngày cho thu những lứa quả đầu tiên chính vì vậy cần phải cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho dưa đặc biệt là phân lân.

Bà con nên sử dụng các loại phân dễ tan để bón cho dưa, đặc biệt là nguồn phân chuồng, phân bắc, phân xanh ủ mục. Nếu trời có nắng mưa xen kẽ rất dễ bị bệnh lở cổ rễ và thối thân nên phòng trừ bằng thuốc Validacin hoặc Anvil.

Bấm ngọn, ghim nhánh

Khi thân chính được 5 lá thì bấm ngọn để cho 2 nhánh cấp 1 phát triển, khi nhánh cấp 1 được 5 -6 lá thì bấm ngọn để cho 5 nhánh cấp 2 phát triển, khi nhánh thứ 2 được 5 – 6 lá thì bấm ngọn để 5 nhánh cấp 3 phát triển.

Khi bấm ngọn 3 lần một cây dưa có thể có 72 hoa cái có khả năng cho trái. Mỗi cây dưa chỉ nên để 6 – 14 trái tuỳ theo lực của cây. Để tránh bị gió lật giây dưa nên dùng đất phủ lên dây dưa từng quảng 50 – 60 cm, hoặc dùng gim tre để cố đinh dây dưa.

Thu hoạch

Trong quá trình chăm sóc nên che quả dưa bằng lá để quả dưa không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp làm mất màu tự nhiên và xuất hiện nhiều vân xanh. Dưa lê khi chín có mùi thơm hấp dẫn con trùng đến phá nên cần phải kê kích quả ngay tu khi quả còn xanh.

Từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoảng 60 ngày, từ lúc hoa cái tàn đến khi quả chín khoảng 30 – 35 ngày, lúc này quả dưa có màu trắng sáng (bạch lê). Thời gian cho thu hoạch rộ khoảng 25 – 30 ngày. Thu hoạch dưa xong cần xếp dưa ở nơi thoáng mát khoảng 1 – 2 ngày để tăng phẩm chất và hương vị dưa lê.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Trồng dưa gang ra quả lạ

Vay 100 triệu đồng đầu tư ruộng dưa, gia đình anh Võ Văn Sơn (Tiền Giang) lo lắng do sản phẩm thu hoạch được bị thương lái từ chối vì không biết loại dưa gì.

Ngồi trước đống dưa quăn queo, xanh sọc trắng, trái to bằng nắm tay, trái dài như dưa chuột… vợ chồng anh Sơn khóc ròng bởi tiền vay ngân hàng chưa biết lấy gì trả, rồi tiền lo cho con học hành sẽ ra sao.

Những quả dưa rất lạ

Dưa lạ nên không ai mua

Sau nhiều tháng thay nhau chăm bón cho hơn 2,1ha dưa gang, vợ chồng anh Sơn mong dưa mau lớn để bán, kiếm tiền lo cái tết tươm tất cho con cái. Thế nhưng tới ngày thu hoạch dưa, đem bán cho thương lái thì không nơi nào chịu mua vì hình dạng trái dưa rất lạ. “Đem đến vựa nào người ta cũng nói chưa nhìn thấy loại dưa này bao giờ. Cả trăm triệu đồng vợ chồng tui đầu tư cho vụ dưa năm nay có nguy cơ mất trắng” – anh Sơn mếu máo.

Theo lời anh Sơn, sau thời gian trồng lúa thấy không có ăn nên vợ chồng anh đã vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng đầu tư trồng dưa gang để bán trái non cho các cơ sở làm dưa muối. Do số tiền đầu tư lớn, anh Sơn cẩn thận đến đại lý mua hạt giống dưa gang OP TN 355 của công ty TNHH TM Trang Nông về trồng cho chắc ăn.

Thời gian đầu cây dưa phát triển bình thường. Tuy nhiên, khi dưa sắp đến ngày thu hoạch, vợ chồng anh bắt đầu lo lắng vì thấy hình dạng trái dưa rất lạ. Dưa có vỏ màu sọc đen, có trái đen bóng, trái thì xanh đậm sọc trắng, có trái không dài như dưa gang mà giống trái bơ, trái thì như dưa chuột… Trái dưa to cỡ nắm tay thì bắt đầu già, không lớn nữa. Khi cắt dưa ra thấy phần hạt nhiều hơn phần thịt dưa.

Sau khi thu hoạch lứa dưa đầu tiên được 1,8 tấn, vợ chồng anh Sơn đem bán cho thương lái trên địa bàn đều bị từ chối thẳng thừng vì… chưa thấy trái dưa này bao giờ. Anh Sơn chạy khắp nơi tìm các thương lái khác, thậm chí chấp nhận bán lỗ nhưng thương lái nào đến ruộng dưa của anh, cầm trái dưa lên xem cũng từ chối vì không dám mua dưa lạ về làm dưa muối. “Dưa bị thương lái chê không mua, vợ chồng tui có nguy cơ mất trắng, chưa kể công cán chăm sóc, tiền vay đầu tư cho ruộng dưa chưa biết lấy gì để trả đây” – anh Sơn lo lắng.

Dưa không nảy mầm mới bồi thường?

Bức xúc với chuyện dưa thu hoạch không bán được, anh Sơn đã gọi điện cho cửa hàng bán giống dưa để hỏi cho ra lẽ, nhưng chủ cửa hàng cho biết đã bán giống có tên tuổi và địa chỉ rõ ràng, đồng thời từ chối trách nhiệm. “Tui gọi điện cho công ty Trang Nông thì người bắt máy cũng trả lời không chịu trách nhiệm” – anh Sơn bức xúc.

Theo lời anh Sơn, khi mua túi hạt giống của công ty Trang Nông, bên ngoài bao bì không in hình dạng trái dưa sau khi thu hoạch nên anh cũng không để ý tới. “Nếu thấy hình dạng trái dưa như vậy trên bao bì, có cho tui cũng không dám đem về trồng chứ đừng nói mua về trồng” – anh Sơn nói.

Bà Huỳnh Thị Nga, chủ cửa hàng hạt giống Cô Nga, xác nhận đã bán cho anh Sơn 46 bịch hạt giống dưa gang OP TN 355 của công ty Trang Nông. “Đa số người dân tại đây trồng dưa gang để bán trái non làm dưa muối. Khi anh Sơn đến hỏi mua hạt giống dưa gang về trồng để bán trái non làm dưa muối nên tôi mới bán loại hạt giống này, chứ tui cũng không biết hình dạng màu sắc trái dưa sau khi thu hoạch như thế nào” – bà Nga nói.

Trao đổi với chúng tôi về chuyện dưa “lạ” này, ông Nguyễn Phương Tuấn, trưởng phòng kinh doanh công ty Trang Nông, cho biết công ty đã cử người xuống kiểm tra ruộng dưa của ông Sơn để có hướng xử lý. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, nếu hạt dưa không nảy mầm hay không đúng giống thì công ty mới có trách nhiệm hỗ trợ. Còn đối với giống dưa gang này vẫn ra trái bình thường, công ty cũng đã bán rất nhiều năm nay ở nhiều địa phương nhưng chưa nghe người dân phản ảnh.

“Nếu dưa của gia đình ông Sơn không tiêu thụ được, công ty chúng tôi chỉ có thể hỗ trợ bằng cách cho nhân viên đi tìm một số đầu ra ở những nơi khác để giúp gia đình ông Sơn bán được số dưa trên” – ông Tuấn nói. Ngoài ra, nhân viên công ty Trang Nông cũng đã lấy mẫu dưa trên ruộng của ông Sơn để phân tích xem đây là giống dưa gì.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.