Kỹ thuật nuôi cá trê lai

Cá trê lai là cá được lai giữa cá trê phi và cá trê vàng, có ngoại hình tương tự cá trê vàng, da trơn nhẵn, đầu dẹp, thân hình trụ, dẹp ở đuôi. Thân có màu xám có những chấm nhỏ mờ, u lồi xương chẩm có hình gần giống chữ M với các góc tròn, trong khi ở cá trê vàng là chữ U còn có trê phi là chữ M có các góc nhọn và rõ nét. Cá trê lai dễ nuôi, mau lớn, nuôi tốt có thể  tăng trọng bình quân 100g/con/tháng.

Cá trê lai

Chọn địa điểm và xây dựng ao

– Chọn nơi có nguồn nước sạch và chủ động nguồn nước để thay, chất đất là đất thịt hoặc cát pha sét để đắp bờ.

    – Xây dựng ao: có thể nuôi bằng ao đất bình thường hoặc bể xi măng có đáy là bùn đất. Ao có hình chữ nhật (để dễ kéo lưới khi thu hoạch). Diện tích ao thích hợp để nuôi cá trê từ 1.000-3.000m².

Độ sâu mức nước trong ao từ 1,2-1,5m. Bờ ao phải cao hơn mực nước cao nhất là 0,6m và được đầm nén thật chặt, không để nước rò rỉ hoặc chảy thành dòng từ mặt bờ xuống ao vì đặc điểm cá trê thường dùng hai ngạnh cứng của vây ngực để bò, kết hợp đầu bẹt và đuôi quạt rất mạnh để chui và đào ngoáy chỗ rò rỉ thành hang ổ để trú hoặc đi sang ao khác, cá có thể bò hàng giờ trên cạn và bò theo ngược dòng nước rất nhanh. Do đó để chống cá đi ta phải cho chảy rót thẳng xuống ao hoặc dẫn đường ống cấp nước vào trong lòng ao, đầu 2 cống cấp và thoát nước phải có bọc nylon hoặc lưới sắt không cho cá đi. Xung quanh ao không có cây cối che phủ.

Chuẩn bị ao

  – Đối với ao cũ: vét sạch lớp bùn đáy, xảm trét lỗ rò rỉ, đầm nén chặt sau đó tiến hành rãi vôi ở khắp đáy ao và mái bờ. Liều lượng vôi tùy thuộc và độ phèn của ao. Nếu ao ít phèn (pH trên 4,5) dùng 50 – 100 kg/1000m2, nếu ao nhiều phèn (pH dưới 4,5) dùng 100 – 150kg/1000m2.

Sau khi bón vôi xong phơi nắng đáy ao từ 2 – 3 ngày để diệt tạp. Tiếp theo bón phân chuồng ủ hoai (với 1% vôi) với lượng 100-150kg/1000m2. Lấy nước qua lưới lọc 0,5mm để ngăn cá dữ, địch hại vào ao, độ sâu mực nước 1,2-1,5m.Kiểm tra lại các thông số môi trường để điều chỉnh cho thích hợp rồi tiến hành thả giống.

Đối với những ao không có điều kiện tháo cạn nước, trong ao có nhiều cá tạp thì dùng rễ cây thuốc cá dập kỹ ngâm một đêm vắt lấy nước pha loãng tạt đều khắp ao, liều lượng 1kg rễ/1000m² nước hoặc dùng Saponin liều lượng dùng theo hướng dẫn trên bao bì để diệt hết các cá tạp, cá dữ còn trong ao. Thời gian xử lý thuốc diệt cá tốt nhất là vào lúc 7-8h sáng. Chú ý sau khi xử lý thuốc diệt cá phải để 7-10 ngày sau mới thả cá giống.

    – Đối với ao mới: Lấy nước ngâm ao 5-7 ngày sau đó sục rửa nhiều lần để loại bớt chất phèn, kiểm tra lại lỗ rò rỉ, đầm nén cho kỹ rồi tiến hành trình tự các bước; bón vôi, bón phân gây màu, lấy nước kiểm tra môi trường như ao cũ. Sau 5-7 ngày tiến hành thả cá.

Thả giống

1. Chọn giống

    – Chọn mua giống tại các trại có uy tín và chọn trại gần nhất.

    – Chọn giống có kích thước đồng đều, khỏe mạnh, không xây xát, không có dấu hiệu bị bệnh, bơi lội nhanh nhẹn.

    – Cỡ giống chọn thả nuôi tốt nhất: 200 – 300 con/kg.

2. Vận chuyển

    – Cho cá nhịn đói 1-2 ngày trước khi vận chuyển để cá thải hết phân.

    – Vận chuyển bằng 2 phương pháp:

    + Phương pháp hở có sục khí: dùng thùng xốp có lót ni lông, gắn máy sục khí, chứa mật độ 0,1-0,15kg cá giống/1lít nước, sau 3-4 giờ thay nước 1 lần.

    + Phương pháp vận chuyển bằng túi nilon có bơm oxy: Mật độ 0,15-0,2 kg cá giống/1lít nước. Thể tích giữa nước và oxy trong túi là 1:2, sau khi vận chuyển 8 giờ nên thay oxy mới.

    – Nhiệt độ khi vận chuyển 25-32oC. Cần vận chuyển lúc trời mát hoặc có biện pháp hạ nhiệt để chống nóng cho cá.

    – Thời gian thả cá tốt nhất là vào sáng sớm và chiều mát. Để phòng ngừa cá bị bệnh ngoại ký sinh trước khi thả cá xuống ao nuôi ta nên tắm cho cá bằng nước muối 2-3% (20-30gam muối/1lít nước) trong 3 -5 phút. Trước khi thả nên ngâm bao trong nước ao 10-15 phút để cân bằng nhiệt độ trong và ngoài, sau đó mở miệng bao cho một ít nước vào trong bao để yên trong 5 phút rồi thả cá tự bơi ra ngoài.

3. Mật độ thả

    Nuôi đơn thả 15-25 con/m2.

    Nuôi ghép thả 90% trê lai và 10% cá khác (Trắm, trôi, mè, chép,…).

Quản lý và chăm sóc

1. Cho ăn

    Cá trê rất háu ăn và ăn tạp, khả năng tiêu hóa mạnh

    Sử dụng các loại thức ăn: cám gạo, gạo kém phẩm chất, ngô, bã rượu, bột cá nhạt, tôm, cua, ốc, phế phẩm lò mổ, phân gia súc, gia cầm…để cho cá ăn. Có thể dùng thức ăn tổng hợp viên có bán trên thị trường.

    – Tháng đầu tiên: dùng thức ăn dạng bột như cám nhuyễn, bột cá, bột đậu nành rải trên mặt nước hoặc cám tổng hợp cho gia súc. Hoặc dùng cá tạp xay nhỏ trộn với cám gạo đặt vào sàng cho ăn. Lượng cho ăn bằng 20-30% trọng lượng cá.

    – Tháng 2 đến tháng 4: Cho cá ăn từ 10 – 15% trọng lượng thân, thành phần thức ăn bao gồm:

   + Cám gạo                                              : 35%

   + Bột cá                                                  : 50%

   + Rau xanh                                              : 10%

   + Khoáng chất, vitamine, men tiêu hóa     : 5%

    – Tháng 5 đến tháng 6: Khẩu phần ăn là 5% trọng lượng thân, thành phần thức ăn bao gồm:

   + Cám gạo                                              : 40%

   + Bột cá                                                  : 55%

   + Rau xanh                                              : 10%

   + Khoáng chất, vitamine, men tiêu hóa      : 5%

    *Cách chế biến thức ăn: Các loại bột nấu chín trộn với dầu cá, vitamin, men tiêu hóa xay ép thành viên hoặc nắm thành nắm cho ăn.

    Khẩu phần thức ăn được điều chỉnh theo mức ăn hằng ngày của cá, thường từ  4-6% trọng lượng cá/ngày (thức ăn khô), 8-10% (thức ăn ướt).

2. Chăm sóc

    Trong thời gian nuôi thường xuyên theo dõi hoạt động của cá và màu nước của ao để kịp thời xử lý những sự cố kịp thời, điều chỉnh thức ăn phù hợp cho cá.

    Cá trê lai chịu đựng được ở môi trường nước bẩn và hàm lượng oxy thấp nhưng ở môi trường sạch thông thoáng cá phát triển nhanh hơn nên cần thay nước thường xuyên. Tháng đầu chỉ cấp nước bù hao hụt, tháng hai trở đi định kỳ thay nước 5-7 ngày/lần, thay từ 20-40%.

    Khi có mưa lớn theo dõi bờ bao phòng chống cá đi trong mưa, đồng thời rắc vôi bột ở bờ ao 10kg/100m² để hạn chế phèn trên bờ ao theo nước mưa trôi xuống ao.

    Thường xuyên kiểm tra các lỗ rò rỉ, cống ao phòng trường hợp cá trê đi khỏi ao.

    Theo dõi phòng trừ địch hại như chim, rắn… ăn cá.

    Có thể thu tỉa những con lớn tránh trường hợp cá lớn ăn cá bé.

Thu hoạch

Cận cảnh cá trê lai

Sau 4 tháng nuôi cá đạt kích cỡ thương phẩm có thể thu hoạch. Trong điều kiện nuôi tốt cá có thể đạt quy cỡ sau:

    – Nuôi 3 tháng:  200-300g/con

    – 4-6 tháng:       400 – 500g/con

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Cá trê ‘thủy quái’ trên 10 kg/con

Thời gian gần đây, tại các chợ xuất hiện những con cá trê “khủng” có trọng lượng lên tới cả chục kilogram khiến nhiều bà nội trợ “mới nhìn đã sợ chết khiếp”. Nhiều người còn e ngại nguồn gốc loại cá này, cho rằng đây là cá nhập từ Trung Quốc và được nuôi bằng thức ăn không an toàn.

Trao đổi với PV, chị Chu Thị Phương – chủ một kiôt bán cá tươi sống tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Loại cá trê “cỡ đại” trọng lượng lên tới cả chục kilogram đang được bán nhiều tại các chợ dân sinh được bán hiện nay không phải nhập từ Trung Quốc, mà là cá do các hộ trong nước nuôi thả.

Cá trê khổng lồ

“Đây là cá nuôi trong nước, không phải nhập từ Trung Quốc. Cá nhập từ Trung Quốc chủ yếu là các loại trắm giòn, chép giòn, cá quả (cá sộp), cá tầm, lươn, ếch, chạch… Cá trê phi là giống mới xuất hiện vài năm nay, ăn tạp, chóng lớn, năng suất cao nên nhiều người đã thả nuôi”, chị Phương nói.

Tuy nhiên, do có thân hình đen bóng, trọng lượng to một cách bất thường và hình thù đáng sợ, nên loại cá này bán không chạy. “Con cá to cả chục kilogram, có con tới 12kg, nhìn đã thấy sợ nói chi ăn. Nhìn cái đầu con cá này to bằng cả chiếc nồi, tôi cảm giác đây là cá ăn thịt hoặc cá trê “húc mả” nên không dám mua ăn bao giờ, dù chủ hàng luôn mời chào, quảng cáo là thịt chắc, dai, đậm” – chị Nguyễn Thị An Bình (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.

Có lẽ bởi thân hình to một cách bất thường, gây cảm giác e ngại, nên mặc dù giá loại cá này chỉ từ 45.000-50.000 đồng/kg, nhưng ít người mua.

“Thực ra, đây là cá trê nuôi bằng thức ăn công nghiệp, lại ăn tạp, ăn khỏe, nên chỉ cần sau vài tháng các con cá đã đạt được trọng lượng khủng. Nhìn thân hình cá tuy có hơi đáng sợ, nhưng thịt loại cá này rất ngon vì vị đậm, thịt chắc, ít xương. Nếu ướp riềng mẻ nướng thì ngon không kém gì các loại cá đặc sản bán giá cả trên trăm nghìn đồng/kg”- chị Trần Thị Thìn, cũng bán ngành hàng cá tươi sống tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Các chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng, cá trê phi có hình thù đáng sợ, nhưng thịt khá ngon. Nếu được nuôi bằng các thức ăn đảm bảo an toàn thì người tiêu dùng có thể yên tâm ăn. Những thông tin về “cá trê húc mả” chủ yếu là đồn thổi, gây ảnh hưởng đến người chăn nuôi, mọi người nên thận trọng.

Để giải tỏa nghi ngại của người tiêu dùng về nguồn gốc mặt hàng nông sản, thủy sản nhập khẩu từ Trung Quốc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi và được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho hay: Các loại nông, lâm, thủy sản nhập khẩu từ Trung Quốc khi nhập khẩu vào cửa khẩu nước ta, đều được kiểm dịch theo quy định. Các lô hàng không đạt tiêu chuẩn an toàn đều bị trả lại. Hàng tiểu ngạch cũng đều được kiểm tra như hàng chính ngạch.

Tuy nhiên, do hàng Trung Quốc thường có vị nhạt, bở hơn, nên phần lớn người tiêu dùng không ưa chuộng bằng hàng trong nước, dù giá các mặt hàng này rẻ hơn khoảng 2-3 giá.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Hiệu quả từ mô hình nuôi cá tai tượng sinh sản trong mương vườn

Thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) là địa phương phát triển về nuôi thủy sản nước ngọt, với diện tích ương nuôi cá giống khoảng 350 ha, có nhiều đối tượng được bà con quan tâm nuôi như tai tượng, trê lai, diêu hồng, rô phi, cá sặc rằn, cá tra… Trong đó, cá tai tượng là một trong những đối tượng có nhiều lợi thế như: thịt ngon, dễ tiêu thụ, giá bán cao, nên cá tai tượng đang được bà con đầu tư nuôi từ khâu nuôi cá bố mẹ cho đẻ, đến ương cá giống, nuôi cá thịt.

Hiện số hộ nuôi cá tai tượng sinh sản ở Thị xã Cai Lậy khoảng 200 – 300 hộ, với đàn cá bố mẹ từ 15.000 – 18.000 con, sản lượng cá bột tai tượng hàng năm từ 35 – 40 triệu cá bột. Trong đó, khoảng 50% cá bột được bà con để lại ương thành cá giống, còn 50% bán cho người nuôi ở trong tỉnh và ngoài tỉnh. Nhờ đó, góp phần tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho bà con nông dân…

Trứng cá tai tượng được ấp trong các chậu

Mô hình nuôi cá tai tượng sinh sản được bà con nuôi chủ yếu ở các xã: Phú Qúy, Nhị Quí, Nhị Mỹ, Tân Bình, Long Khánh…, nhiều năm qua đã mang lại hiệu quả cao cho người dân, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Điển hình như hộ anh Phạm Văn Tâm, (sinh năm 1974), ngụ tại ấp Phú Hưng, xã Phú Qúy.

Gia đình anh Tâm có 5 nhân khẩu, trong đó có 2 lao động chính, diện tích canh tác 9.000m2. Là một nông dân chí thú làm ăn, trước đây anh làm 3 vụ lúa mỗi năm, nhưng lãi không nhiều, đời sống còn nhiều khó khăn. Qua chương trình tập huấn và theo dõi tham quan những mô hình nông dân sản xuất giỏi tại địa phương, sau khi bàn bạc với gia đình, anh quyết định chuyển đổi 5.000m2 diện tích lúa, lên liếp trồng sầu riêng và thiết kế mương để nuôi cá tai tượng. Anh thiết kế 4 mương (rộng 3m, dài 120m, sâu 1,2 m), anh dùng lưới ngăn mỗi mương thành 4 ô, mỗi ô dài 30m; như vậy tổng cộng anh có 16 ô nuôi cá.

Anh Phạm Văn Tâm – một trong những hộ nuôi cá tai tượng điển hình

Trong mỗi ô anh thả tổng cộng 20 con cá bố mẹ tai tượng, trong đó 15 con cá cái và 5 con cá đực. Số cá bố mẹ thả tổng cộng là 320 con. Chi phí ban đầu từ mô hình gồm: Cá bố mẹ gần 500 kg, khoảng 30 triệu, với 240 con cá cái, mỗi năm đẻ gần 960 ổ trứng, số cá bột đạt khoảng 2,5 triệu con. Năm vừa qua, anh cho cá tai tượng đẻ, trừ đi chi phí anh thu lãi được 70 triệu đồng từ mô hình này.

Anh Tâm cho biết, nuôi cá tai tượng sinh sản phải được chuẩn bị cẩn thận theo các bước như sau:

Cải tạo mương

Vét sạch bùn, bón vôi liều lựợng 3 – 5 kg/100m2 mương, phơi mương 2 – 3 ngày, phải làm cẩn thận không để cá tạp, cá dữ còn lại trong mương, sau đó cấp nước đến độ sâu 1,2 m.

Chọn cá bố mẹ

Phải kỹ lưỡng, tuổi cá bố mẹ phải trên 2 năm tuổi, trọng lượng đạt từ 1,2 kg trở lên, không dị hình hay xay sát.

Thời gian nuôi vỗ

Từ tháng 10 – 11 âm lịch năm trước. Giai đọan đầu cho cá ăn thức ăn viên 26 – 28% đạm, với liều lượng 1 – 1,5% trọng lượng đàn, sau 2 tháng nuôi tích cực thì cá bắt đầu đẻ vào cuối tháng 12 âm lịch.

Làm ổ đẻ

Vật liệu cho cá đẻ được làm bằng xơ dừa; sử dụng những cây trúc để đan thành những giỏ hình nón, đường kính của miệng tổ dài khoảng 25cm, cắm tổ vào bờ để cố định sao cho miệng tổ thấp hơn mặt nước 20cm, cắm nghiêng xuống 15 – 20 độ so với mặt nước.

Cho cá đẻ

Cá thường đẻ vào thời điểm từ 16 – 18 giờ chiều. Khi quan sát thấy có giọt dầu nổi trước ổ hay có mùi tanh của trứng là cá đã đẻ, anh tiến hành thu trứng. Mỗi ngày anh thu được từ 4 – 5 ổ cá đẻ, mỗi ổ cá đẻ từ 2.000 – 6.000 trứng.

Ấp trứng

Sau khi thu trứng, đem trứng vào ấp trong thau. Hàng ngày anh thay nước và vớt trứng cá hỏng ra khỏi thau nhằm tránh ô nhiễm môi trường nước ấp và tránh lây lan nấm bệnh từ những trứng ung sang những trứng khỏe. Sau 3 ngày thì anh xuất bán cá bột, đầu vụ anh bán với giá 40 – 45 đồng/con cá bột.

Anh lưu ý, phải định kỳ cấp thêm nước mới vào mương cá bố mẹ để bù lại lượng nước bị thất thoát (khoảng 7 – 10 ngày/lần).

Khi cây sầu riêng 4 – 5 năm tuổi, anh chuyển cá bố mẹ sang mương khác vì cần lấy nước tưới cho sầu riêng, hơn nữa ao có nhiều bóng mát, sẽ ảnh hưởng tới sức sinh sản của cá. Khi sử dụng thuốc xịt sầu riêng, anh chỉ dùng thuốc sinh học không độc cho ao nuôi cá.

Toàn ấp Phú Hưng, xã Phú Qúy có gần 50 hộ chuyên nuôi cá tai tượng sinh sản, đã giúp bà con có cuộc sống ngày càng khấm khá hơn. Tuy nhiên, hiện nay, mô hình này có lúc cũng trầm lắng do cá tai tượng bị dịch bệnh thích bào tử trùng hay người dân còn gọi là bệnh “sùi bọt cua”, làm cho cá bố mẹ chết hàng loạt, đến nay chưa có thuốc đặc trị, người nuôi chỉ có biện pháp phòng bệnh như: cải tạo ao đúng kỹ thuật, chăm sóc cá bố mẹ tốt, khi cá bệnh phải trôn xác cá, không xả ra nguồn nước cá bệnh ra môi trường, có thể ngưng nuôi một thời gian là 6 tháng hoặc chuyển đối sang nuôi đối tượng khác.

Theo navifeed.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Hướng dẫn trồng và chăm sóc cà tím trong thùng xốp cho quả sai

Cà tím (cà dái dê) là loại quả rất quen thuộc với người dân Việt Nam. Nó được sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ngoài ra, cà tím còn được coi là thần dược chữa rất nhiều các loại bệnh khác nhau như phòng ngừa ung thư, tốt cho tim mạch, kiểm soát tiểu đường…

1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và hạt giống

Dụng cụ trồng

Bạn có thể tận dụng thau, chậu, khay hoặc thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng cà tím. Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước. Tuy nhiên, chậu hoặc thùng xốp phải cao từ 20-25cm, rộng ít nhất 30cm.

Đất trồng

Cà tím thích hợp trồng trên tơi xốp, giàu mùn, dễ thoát nước và có độ pH khoảng 6. Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa…

Hạt giống

Hạt giống bạn có thể tìm mua ở các cửa hàng bán đồ nông sản gần nhà hoặc siêu thị.

2. Ngâm ủ, gieo hạt và cấy cây

Hạt cà tím có vỏ khá cứng và dày nên trước khi gieo bạn phải ngâm nước lạnh từ 24-30 giờ. Sau đó vớt ra ngâm ở nước ấm có nhiệt độ khoảng 50 độ C trong vòng 1 tiếng. Công đoạn này vừa giúp làm mềm vỏ hạt để kích thích nảy mầm vừa giúp diệt trừ nấm bệnh. Ủ hạt giống trong vải ẩm cho nứt ra rồi mới đem đi gieo.

Cà tím được trồng trong thùng xốp

Đem hạt đã ủ gieo từ 2-3 hạt vào một ô ở giá gieo hạt hoặc bầu. Sau đó lấp 1 lớp đất mỏng và tưới nước bằng vòi phun nhẹ.

Khi cây con trồng trong bầu có từ 5 đến 6 lá thật và cao khoảng 6-8cm thì chọn ra những cây khỏe mạnh nhất rồi đem trồng ra chậu hoặc thùng xốp. Sau khi cấy xong tưới nước cho cây và che phủ trong vòng 1 tuần.

3. Chăm sóc

Cà tím là loại cây ưa nước, do đó trong thời gian đầu bạn cần phải tưới nước hàng ngày. Lưu ý: Tưới đủ độ ẩm cần thiết cho cây con sinh trưởng phát triển tốt. Đặc biệt trong thời kỳ ra hoa và nuôi quả bạn không được để mặt chậu bị khô hoặc thiếu nước thì cây cà sẽ ra hoa kém dẫn đến giảm năng suất và trái không được to.

Sau khi cấy cây con được 1 tuần, tiến hành bón lót bằng phân bò, phân trùn quế, phân gà, phân dê hoặc phân hữu cơ. Cứ 10-12 ngày bón thúc lần.

4. Thu hoạch

Sau 60-70 ngày trồng là cà tím có thể thu hoạch đợt đầu tiên. Không nên thu hoạch lúc quả quá già bởi ăn sẽ không ngon. Thời gian thu hoạch tùy thuộc vào việc chăm sóc cây.

Thành quả sau thu hoạch

Bạn cũng có thể chọn những quả to, dài, đẹp, không sâu bệnh để già làm giống cho vụ sau.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Quy trình trồng cà tím an toàn

1. Các điều kiện đảm bảo sản xuất cà tím an toàn vệ sinh thực phẩm

Ruộng trồng cà tím phải đảm bảo cách xa bệnh viện, khu nghĩa địa, bãi rác thải sinh hoạt, đường quốc lộ và khu công nghiệp trên 500m.

Phải có nguồn nước tưới sạch (không nhiễm kim loại nặng và các vi sinh vật gây bệnh).

Hạt giống phải sạch, không sâu bệnh, tỷ lệ nảy mầm đạt trên 90%.

Người gieo trồng phải nắm vững qui trình kỹ thuật sản xuất cà tím an toàn.

2. Thời vụ

Cà tím có thể trồng quanh năm trừ, chỉ tránh các tháng giá rét (tháng 11; 12; 1) và nóng nắng gắt (tháng 5; 6). Sau trồng khoảng 2 tháng sẽ cho thu hoạch.

3. Giống trồng

Nên sử dụng các giống địa phương có năng suất cao ổn định, có khả năng chống chịu điều kiện bất thuận tốt.

Có thể sử dụng một số giống nhập nội như: LN11, Violet King 252, Cà tím 2 mũi tên đỏ.

4. Làm vườn gieo ươm cây giống

Chọn chân ruộng đất tơi xốp, giàu mùn. Rải 20 – 30 vôi bột/sào (360m2). Cày lật đất. Phơi ải, làm nhỏ đất và dọn sạch cỏ.

Lên luống rộng 1,2m, cao 25 – 30cm, rãnh rộng 30 – 35cm.

Phân lót/1m2: 1kg tro bếp + 3-4 kg phân hữu cơ hoai mục. Trộn đều phân trong lớp đất mặt luống, tiến hành gieo hạt.

Cần căn cứ diện tích trồng để tính lượng hạt giống gieo trên vườn ươm (gieo 14 – 17g hạt giống trong vườn ươm sẽ đủ lượng cây giống trồng cho 1 sào).

Ngâm giống trong nước sạch 24 – 30 giờ. Vớt hạt ngâm trở lại trong nước ấm 54 độ C (2 sôi 3 lạnh) trong 1 giờ để xử lý nấm bệnh.

Có thể dùng thuốc BVTV Ridomil hoặc Anvil để xử lý nấm bệnh cho hạt giống (sử dụng thuốc theo hướng dẫn trên bao gói).

Hạt giống sau xử lý nấm bệnh, vớt để ráo ủ trong trong khăn vải ẩm tới nứt nanh thì đem gieo.

Trộn hạt trong đất bột để gieo cho đều, khoảng cách gieo 4 – 5cm/1 hạt.

Giữ ẩm thường xuyên cho vườn ươm. Tỉa bỏ sớm các cây sâu bệnh, cây gầy yếu, cây gieo quá dày.

Yêu cầu, cây giống trước khi xuất vườn phải mập, khỏe, sạch sâu bệnh, cao 6 -8cm và có 5 – 6 lá thật.

5. Trồng cây con ra ruộng sản xuất

Ruộng sản xuất cà tím cũng cần xử lý vôi bột trước khi cày lật đất như ruộng ươm cây giống.

Làm luống, khơi rãnh thoát nước, bổ hốc trồng 2 hàng so le nanh sấu trên luống. Mật độ trồng cây cách cây 60 – 70cn, hàng cách hàng 50 – 60cm.

Lượng phân bón/1 sào là, phân chuồng mục: 400 – 500kg hoặc phân hữu cơ vi sinh 100 – 120kg, Đạm urê 9 – 10kg, Lân supe 13 – 15kg, Kali Clorua 4 – 5kg.

Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân + 2-3 Kali Clorua.

Bón thúc: Lần 1 (sau trồng 10 – 12 ngày): 2 – 3kg Đạm urê; lần 2 (khi cây ra hoa rộ): 3 – 4 Đạm urê + 2-3kg Kali Clorua; lần 3 (sau cây ra quả đợt đầu) bón nốt số phân còn lại.

Sau trồng tưới đẫm nước hoặc trồng đến đâu tưới đến đó. Có thể tưới trực tiếp quanh gốc cây hoặc tới rãnh. Nếu ngày hôm sau còn nước ở rãnh cần tháo kiệt. Độ ẩm đất cho cây suốt thời gian sinh trưởng là 80%.

Xới xáo, làm cỏ, vun gốc, bắt sâu sau khi bón thúc phân.

6. Phòng trừ sâu bệnh

Một số đối tượng sâu bệnh chính hại cà tím là: sâu đục quả, rầy xanh, rầy trắng, bọ trĩ, sâu đo xanh, sâu khoang, các bệnh lở cổ rễ, héo xanh, phấn trắng, sương mai… gây thối quả.

Cần áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp như: Vệ sinh đồng ruộng. Sử dụng giống kháng bệnh. Mật độ gieo trồng hợp lý. Bón phân cân đối. Gieo trồng trong nhà lưới ngăn côn trùng. Bấm ngọn, tỉa cành, ngắt bỏ lá già, lá sâu bệnh kịp thời để ruộng cà luôn thông thoáng. Không luân canh cà tím với các cây trồng cùng họ cà như: cà chua, thuốc lá, ớt, cà pháo…

Theo dõi sự xuất hiện của một số sâu bệnh hại chính. Chỉ phun thuốc khi thật cần thiết và phải ngừng phun thuốc trước thu quả 7 – 10 ngày.

Một số thuốc BVTV có thể phun trừ sâu bệnh cho sản xuất cà tím an toàn là:

Sâu xám, Tuyến trùng: Xử lý đất trước khi trồng bằng Sagosuper 3G, Diaphos 10H, Sincosin lên gốc cây gieo hoặc rải quanh gốc sau trồng.

Sâu xanh: Delfin, Sumicidin, Cypermethin.

Bọ trĩ, rầy xanh, nhện: Actara, Sagosuper, Sherzol.

Sâu vẽ bùa: Ofunack, Triggard.

Bệnh chết cây: Coe 85, Topsin, Polygam, Vanicide, Hexin, Luster.

7. Thu hoạch

Khi quả cà bắt đầu chuyển màu tím, hạt còn non. Ngắt cả cuống quả, tránh làm gẫy nhánh. Cách 2 – 3 ngày thu 1 lần. Các lứa cà ra rộ cần thu quả hàng ngày. Nếu chăm sóc tốt năng suất quả sẽ đạt 25 – 30 tấn/ha. Thời gian thu hoạch có thể kéo dài trên 2 tháng.

Thu hoạch cà tím

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Thu 1 tỷ đồng/vụ từ nuôi cá tai tượng an toàn sinh học

Ông Đỗ Hiếu Liêm, 68 tuổi ở ấp Phú Khương B (Phú Kiết, Chợ Gạo) là người đi tiên phong và thành công với mô hình nuôi cá tai tượng an toàn sinh học, cho thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi vụ nuôi. Đây là mô hình mà ngành nông nghiệp tỉnh đang khuyến khích nông dân áp dụng, đồng thời có chủ trương nhân rộng ra những địa phương khác.

Một mô hình nuôi cá an toàn sinh học.

Xã Phú Kiết được xem là “cái nôi” của nghề nuôi cá bởi địa phương có dòng sông Bảo Định chảy qua cung cấp nước ngọt quanh năm, nông dân biết tận dụng diện tích mặt nước mương vườn sẵn có và đầu tư đào ao nuôi cá các loại, trong đó chủ lực là con cá tai tượng có giá thành hấp dẫn, ít tiêu tốn thức ăn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ phong trào nuôi cá, đã xuất hiện nhiều điển hình nông dân sản xuất giỏi nuôi cá làm giàu, trong số này có ông Đỗ Hiếu Liêm là “kiện tướng” nuôi cá ở địa phương.

Là người có thâm niên hơn 30 năm gắn bó với nghề nuôi cá, ông Đỗ Hiếu Liêm rất am hiểu và nắm vững kỹ thuật nuôi cá, đặc biệt là áp dụng nuôi theo mô hình an toàn sinh học. Từ quan niệm “muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi lợn”, trước đây, ông Liêm cũng từng nuôi các loại cá tra, trê lai kết hợp chăn nuôi lợn, nhưng do giá cả bấp bênh nên gần đây, ông bắt đầu chuyển sang nuôi cá tai tượng.

Hiện tại, với diện tích mặt nước khoảng 3.000m2, trung bình mỗi vụ nuôi, ông thu được hơn 20 tấn cá thương phẩm. Với giá bán từ 40.000 – 50.000 đồng/kg, mỗi vụ nuôi (khoảng 2 năm), cho thu nhập gần 1 tỷ đồng, trừ chi phí ông còn lãi trên dưới 50%.

Để tăng hiệu quả sản xuất, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, gần đây ông Liêm áp dụng mô hình nuôi cá tai tượng theo hướng an toàn sinh học. Ông Liêm cho biết: năm 2011, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang, ông bắt tay đầu tư con giống thả nuôi cá tai tượng thương phẩm theo mô hình an toàn sinh học.

Trên diện tích 3.000 m2 mặt nước, với 6 ao (mỗi ao từ 300 – 500m2 mặt nước) xen trong vườn, ông thả nuôi 20.000 con cá tai tượng giống, kết hợp với cá sặc rằn. Cá được nuôi theo hai giai đoạn, gồm: Ao nhỏ thả cá giống ương nuôi khoảng 8-10 tháng để cá đạt trọng lượng khoảng 0,3 – 0,5 kg/con rồi tiếp tục san qua ao lớn nuôi đến đạt kích cỡ thương phẩm.

Mật độ thả từ 7-10 con/m2 (ghép thêm cá sặc rằn để giúp ổn định môi trường nước). Đến nay, cá đã đạt trọng lượng khoảng 1 kg/con và chuẩn bị đến thời kỳ thu hoạch. Theo tính toán, vụ cá nuôi theo mô hình an toàn sinh học đầu tiên này, ông thu về không dưới 20 tấn cá, thu nhập gần 1 tỉ đồng.

Ông Liêm chia sẻ: “ Để nuôi theo mô hình an toàn sinh học, đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình từ khâu chọn lọc con giống, thức ăn, mật độ thả… mà cán bộ kỹ thuật khuyến nông đưa ra. Nuôi cá theo mô hình an toàn sinh học, mỗi ngày phải có sổ sách ghi chép về liều lượng thức ăn trong ngày, các chế phẩm theo dõi xử lý ao, lượng rau cho cá ăn hàng ngày”.

Theo ông Liêm, nuôi cá an toàn sinh học có nhiều ưu điểm hơn so với cách nuôi truyền thống lồng ghép với chuồng trại trước đây là bảo vệ được nguồn nước không bị ô nhiễm, quản lý được dịch bệnh trên đàn cá nuôi và hơn hết là cung cấp sản phẩm “sạch” cho người tiêu dùng . Hiện nay, ngoài nuôi cá, trên diện tích 17.000m2 đất vườn, để tăng thêm thu nhập, ông còn kết hợp trồng các loại cây ăn trái có giá trị như: nhãn tiêu da bò, bưởi da xanh, dừa dứa…

Mô hình của ông Đỗ Hiếu Liêm đang được nhiều nông dân ở địa phương học hỏi, nhằm đa dạng hóa sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới làm giàu ở vùng đất thuần nông. Nhiều năm liền, ông Đỗ Hiếu Liêm được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh và được tín nhiệm bầu là chi hội trưởng Chi hội nghề cá xã Phú Kiết.

Nguồn: Cần Thơ TV được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Đặc điểm sinh học của cá điêu hồng

1. Nguồn gốc và phân bố

Cá điêu hồng còn gọi là cá diêu hồng hoặc cá rô phi đỏ, có xuất xứ từ Đài Loan. Năm 1990, chúng được nhập từ Học viện Công nghệ Châu Á (AIT) về Việt Nam và được nuôi thử nghiệm. Từ năm 1997 đã bắt đầu nuôi thương phẩm cá điêu hồng và hiện nay nhiều địa phương đã nuôi thâm canh trong ao, trong lồng hoặc nuôi quảng canh đối tượng có giá trị kinh tế này.

Cá điêu hồng

2. Đặc điểm hình thái

Toàn thân phủ vảy màu đỏ hồng hoặc màu vàng đậm, màu vàng nhạt. Cũng có những cá thể trên thân có màu hồng xen lẫn những đám vảy màu đen.

3. Tập tính sống

Cá sống chủ yếu trong nước ngọt, nước lợ và cả ở vùng nước có độ mặn từ 5 -12%o, nhiệt độ thích hợp từ 25 – 35°C. Cá có thể sống trong mọi tầng nước, chịu đựng được ở vùng nước có hàm lượng ôxy hoà tan thấp và pH từ 5 – 11, thích hợp nhất là 6,5 – 7,5. Tuy nhiên, cá kém chịu đựng với nhiệt độ thấp. Khi nhiệt độ nước dưới 18°C, cá ăn kém dần, chậm lớn và dễ bị nhiễm bệnh. Khi nhiệt độ nước 11 – 12°C và kéo dài nhiều ngày, cá sẽ chết vì rét.

4. Thức ăn

Cá điêu hồng là loài ăn tạp, thức ăn thiên về nguồn gốc thực vật. Ngoài ra, chúng cũng ăn ấu trùng các loại côn trùng động vật thủy sinh, các phế phụ phẩm khác và thức ăn công nghiệp dạng viên.

Thức ăn dạng viên cho cá

Do ăn tạp nên việc nuôi thâm canh cá điêu hồng đạt năng suất cao khá thuận lợi vì có thế tận dụng phế phụ phẩm của các nhà máy chế biến thủy sản hoặc lò giết mổ gia súc để chế biến thành thức ăn nuôi cá. Tuy nhiên, do nuôi mật độ cao trong lồng nên cần cho cá ăn thức ăn dạng viên nổi để dễ dàng theo dõi cá ăn, kiểm soát lượng thức ăn thừa, hạn chế thất thoát thức ăn và quản lý chất lượng môi trường nuôi.

Thức ăn được xay nhuyễn cho cá

5. Sinh trưởng

Cá lớn nhanh, tốc độ lớn phụ thuộc vào môi trường nước, thức ăn, mật độ nuôi; chăm sóc. Khi nuôi trong lồng cho ăn bằng thức ăn công nghiệp, cá sinh trưởng nhanh hơn, tỷ lệ hao hụt thấp, đạt cỡ thương phẩm (400 – 500 g trở lên) chi sau 5-6 tháng nuôi.

6. Sinh sản

Cá đẻ nhiều lần trong năm. Ở các tỉnh miền Bắc, cá ngừng đẻ khi nhiệt độ xuống thấp vào mùa lạnh từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.

Đặc điểm sinh sản của cá giống như các loài cá rô phi khác. Khi cá cái đẻ, cá đực tiết sẹ thụ tinh cho trứng và cá cái ngậm ấp trứng trong miệng. Ở nhiệt độ 30°C, trứng cá nở sau 4 – 6 ngày ấp. Thời gian ngậm cá con có thể từ 3 – 4 ngày, sau đó cá con chui ra khỏi miệng cá mẹ. Khi hết cá con trong miệng, cá mẹ mới đi kiếm ăn và tham gia vào đợt đẻ mới.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Mẹo trồng cà rốt trong thùng xốp cho năng suất cao

Ngoài việc dùng để chiến biến những món ăn ngon, cà rốt còn có tác dụng chữa bệnh như chống lão hóa, phòng chống các bệnh tim mạch, tốt cho gan, răng miệng, ngăn ngừa nhiễm trùng…

1. Chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và giống

Dụng cụ trồng
Bạn có thể tận dụng bao nilon, bao xi măng, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng cà rốt. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước. Chiều cao tối thiểu của dụng cụ trồng khoảng 20-25cm.
Đất trồng
Cà rốt ưa các loại đất có tầng canh tác dày, thoát nước tốt, thành phần cơ giới nhẹ, tơi xốp. Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa…
Hạt giống
Hạt giống bạn có thể tìm mua ở các cửa hàng bán đồ nông sản hoặc siêu thị gần nhà. Nên chọn những giống cà rốt cao sản để thu hoạch đạt được năng suất cao nhất.
Trồng cà rốt tại nhà khá đơn giản

2. Ngâm ủ và gieo hạt

Hạt cà rốt có vỏ và lông khá cứng nên trước khi gieo bạn cần vò hạt cho lông cứng gãy hết. Sau đó trộn hạt giống với mùn theo tỷ lệ 1:1, tưới nước giữ ẩm khoảng 2-3 ngày rồi đem gieo.
Mỗi hốc gieo từ 2-3 hạt, khoảng cách giữa các hốc từ 7-10cm.
Sau khi gieo hạt xong, phủ lên 1 lớp đất mỏng hoặc rơm rạ cắt nhỏ. Tưới nước giữ ẩm hàng ngày vào buổi sáng sớm.

3. Chăm sóc

Ngày tưới nước 1 lần bằng vòi phun nhẹ vào sáng sớm cho cà rốt.
Khi cà rốt cao khoảng 5-7cm thì tiến hành cắt bỏ những cây còi cọc, ốm yếu, giữ lại những cây mập mạp, khỏe mạnh (mỗi hốc để chừng 1-2 cây). Nên dùng kéo cắt bỏ những cây nhỏ bởi nhổ sẽ ảnh hưởng đến bộ rễ của cây giữ lại.
Khi cà rốt được 15 ngày tuổi thì tiến hành bót lót đợt đầu tiên bằng phân hữu cơ, phân bò, phân gà, phân dê, phân trùn quế… cho cây. Cứ 15-20 ngày lại bón đợt tiếp theo. Mỗi đợt bót phân kết hợp xới đất và nhổ cỏ.
Nếu củ cà rốt hở ra ngoài thì bạn phải lấy đất lấp lại để tránh củ bị xanh.

4. Thu hoạch

Cà rốt cho thu hoạch sau khoảng 100-130 ngày trồng. Khi các lá dưới chuyển màu vàng, các lá non ngừng sinh trưởng, vai củ tròn đều thì cần thu hoạch ngay để đạt chất lượng cao.
Cà rốt – thực phẩm quý giá cho sức khỏe con người
Thu hoạch vào những ngày khô nắng. Nhổ củ, làm sạch đất, rửa bằng nước sạch và cắt bớt phần lá, chỉ để lại đoạn cuống dài 15-20cm.
Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Sâu bệnh hại cà rốt và cách phòng trừ (P2)

3. Bệnh thối hạch (Sclerotinia libertiana Fuckl)

3.1.Triệu chứng

– Bệnh chủ yếu gây hại trên củ cà rốt thời kỳ gần thu hoạch.

– Vết bệnh lúc đầu là những đốm nhỏ màu nâu, hơi mềm xuất hiện rải rác khắp bề mặt vỏ củ. Dần dần các đốm bệnh loang rộng, lớn dần lên bao quanh khắp củ và ăn sâu vào trong lõi củ.

– Trên mặt vỏ củ, nơi có vết bệnh, dần hình thành lớp mốc màu trắng, xốp như­ những sợi bông làm phần thịt củ bên trong bị thối mềm làm mất giá trị dinh dư­ỡng.

– Khi phần thịt củ bị phá hủy hoàn toàn, trên bề mặt lớp mốc trắng.

3.2. Nguyên nhân gây bệnh và điều kiện phát sinh, phát triển của bệnh

– Bệnh do nấm Sclerotinia libertiana Fuckl gây hại

– Điều kiện môi trư­ờng xung quanh quá ẩm ­ướt, bón nhiều phân đạm.

3.3. Biện pháp phòng trừ

– Chọn đất phù hợp để trồng cà rốt nh­ư đất thịt nhẹ, dễ thoát nư­ớc.

– Bón phân đầy đủ, cân đối.

– Biện pháp hóa học: do chưa có thuốc đăng ký trong danh mục để phòng trừ, vì vậy có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất sau: Carbendazim Trichoderma sp.

4. Bệnh thối đen (Alternaria radicirima)

4.1. Triệu chứng

Bệnh gây hại trên lá, trên thân và trên củ cà rốt:

– Trên lá: Bệnh gây hại từ khi cây còn nhỏ. Lá bị bệnh xuất hiện vết bệnh hình tròn hoặc hình bất định, màu xám nâu hoặc xám đen. Vết bệnh thường lan từ mép lá, chót lá vào trong phiến lá, xung quanh có quầng vàng rộng. Gặp thời tiết ẩm ướt, trên mô bệnh có lớp nấm mốc màu đen, lá bị thối, dễ rụng.

– Trên củ: bệnh gây hại nặng vào thời kỳ gần thu hoạch. Vết bệnh không có hình dạng nhất định màu nâu đen lõm vào phần thịt củ, phần cuống củ sát mặt đất bị thối đen.

4.2. Nguyên nhân và điều kiện phát sinh phát triển của bệnh

– Bệnh do nấm Alternaria radicirima gây ra.

– Bệnh phát sinh và gây hại mạnh trên những ruộng gieo trồng quá dầy và bón nhiều đạm.

4.3. Biện pháp phòng trừ:

– Vệ sinh đồng ruộng, thu gom tàn dư cây bị bệnh sau khi thu hoạch.

– Bón phân cân đối, tăng cường bón phân hữu cơ

– Biện pháp hóa học: Do chưa có thuốc đăng ký trong danh mục để phòng trừ bệnh, do đó có thể tham khảo sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất: Trichoderma sp, Cytokinin, Streptomycin sulfateCarbendazim.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Sâu bệnh hại cà rốt và cách phòng trừ (P1)

Giới thiệu đặc điểm hình thái, đặc tính sinh sống và gây hại, biện pháp phòng trừ một số loại sâu hại, bệnh hại trên cây cà rốt: sâu xám, tuyến trùng, bệnh thối hạch, bệnh thối đen,…

1. Sâu xám (Agrotis ypsilon )

1.1. Đặc điểm hình thái

– Trưởng thành là loài bướm có thân dài 20-25mm. Cánh trước có màu xám đen, gần phía góc mép ngoài có 3 vệt đen nhỏ hình tam giác. Cánh sau màu trắng, mép ngoài màu nâu xám nhạt. Cơ thể có nhiều lông màu xám.

– Trứng có hình cầu hơi dẹt, có sọc nổi, đường kính khoảng 0.5mm, lúc đầu có màu nhạt sau chuyển sang màu đen đến nâu.

– Sâu non màu đen nâu, có đường xẻ màu nâu nhạt ở giữa và hai sọc hai bên. Đầu rất đen, có hai điểm trắng.

– Nhộng có màu nâu cánh gián, cuối bụng có một đôi gai ngắn.

1.2. Tập quán sinh sống và gây hại

– Bướm hoạt động giao phối và đẻ trứng ban đêm, thích mùi chua ngọt. Đẻ trứng rời rạc thành từng quả trên mặt đất, một bướm cái có thể đẻ khoảng 800-1000 trứng.

– Sâu non mới nở gặm biểu bì lá cây, sâu lớn tuổi sống dưới đất, ban đêm bò lên cắn đứt gốc cây. Sâu đẫy sức hoá nhộng trong đất.

– Sâu xám phát sinh trong điều kiện thời tiết lạnh, ẩm độ cao, trong điều kiện thời tiết tại Lâm Đồng sâu sám gây hại quanh năm, chủ yếu phá hại khi cây còn nhỏ.

– Vòng đời trung bình 50-60 ngày, trong đó giai đoạn sâu non 30-35 ngày.

1.3. Biện pháp phòng trừ

– Vệ sinh đồng ruộng trước khi trồng.

 – Biện pháp hóa học: Do chưa có thuốc đăng ký trong danh mục để phòng trừ sâu xám hại cà rốt, do đó có thể sử dụng một số loại thuốc có các hoạt chất: Abamectin; Emamectin benzoat; Cypermethrin.

2. Tuyến trùng

2.1. Triệu chứng

Tuyến trùng gây hại trên củ cà rốt, làm củ biến dạng như sau:

– Củ chỉa: Do điểm sinh trưởng của chóp rễ chính bị tổn thương mà tác nhân gây hại chính là tuyến trùng tấn công bộ rễ làm cho củ phát triển có nhiều nhánh phụ chẻ đôi, ba…, màu sắc củ không bình thường.

– Củ mọc lông: Trên trục của củ xuất hiện nhiều rễ phụ dài, bất thường xếp thành hàng hoặc mọc dài tạo thành búi.

– Củ sần sùi, u sưng: Củ phát triển không bình thường, trên củ xuất hiện nhiều u sưng với các kích thước khác nhau từ nhỏ đến lớn hoặc trên trục của củ phát triển không đều, nhiều chỗ lồi lên làm củ trở nên sần sùi, màu sắc nhạt và tối hơn.

– Củ nứt: Các vết nứt có thể xuất hiện ngay ở phần tiếp giáp với gốc cây và kéo dài theo trục  của củ đến tận chóp củ để lộ ra phần lõi củ, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cũng như chất lượng củ cà rốt.

– Củ có dạng hạt đeo trên rễ: Trên củ xuất hiện nhiều rễ phụ dài, trên các rễ phụ có các hạt nhỏ tròn với đường kính khác nhau từ 0.5 – 1.5mm tùy theo số lượng tuyến trùng kí sinh. Các rễ phụ mọc nhiều, mật độ tuyến trùng ký sinh lớn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tốc độ phát triển của củ.

– Sự thiệt hại do hiện tượng biến dạng củ cà rốt:

+ Làm giảm năng suất, tăng chi phí sản xuất, giảm hiệu quả kinh tế

+ Làm giảm chất lượng sản phẩm: vị ngon, màu sắc, hàm lượng các axitamin, bột, đường, thời gian lưu trữ ngắn.

+ Làm giảm giá trị của đất, phải luân canh lâu dài.

2.2. Tác nhân gây biến dạng và điều kiện phát sinh phát triển của bệnh

– Tuyến trùng Meloidogyne sp. là loại tuyến trùng nội ký sinh không di động, chúng đào những đường vào trong rễ để hút dinh dưỡng và không di chuyển ra khỏi rễ, sau khi xâm nhập vào rễ, con cái trưởng thành phát triển mạnh to phồng lên, đẻ hàng loạt trứng ngay bên ngoài rễ hoặc dưới rễ. Đây là loài tuyến trùng gây các triệu chứng hạt nhỏ đeo trên rễ, triệu chứng u sưng.

– Tuyến trùng Pratylenchus sp.là loài tuyến trùng nội kí sinh di động. Trước khi xâm nhập tuyến trùng thường tập trung ở bề mặt rễ và dùng kim hút tấn công các tế bào của rễ nhỏ sau đó tiết men  tiêu hóa hòa tan các chất trong tế bào để dinh dưỡng. Sau khi xâm nhập vào trong rễ chúng có thể sinh sản nhanh và tăng số lượng kí sinh lên rất lớn. Tất cả các dạng ấu trùng và trưởng thành đều có khả năng xâm nhập vào trong rễ. Chúng có thể đi ra khỏi mô thực vật vào bất kỳ lúc nào, sống một thời gian trong đất và tìm đến vật chủ mới.

Tuyến trùng cái trong mùa sinh sản thường đẻ mỗi ngày 1 trứng. Vòng đời thường kéo dài từ 6-8 tuần.Pratylenchus sp.thích nghi với đất cát pha, ở đất có độ ẩm thấp một vài loài có thể tồn tại trong thời gian trên 1 năm. Loài tuyến trùng này thường gây các triệu chứng củ chỉa, củ nứt trên cà rốt.

– Tàn dư cây bệnh không được nông dân tập trung tiêu hủy là nguồn bệnh lây lan.

– Trồng cà rốt liên tục qua nhiều vụ.

– Lây lan theo dụng cụ lao động như máy cày, máy nông cụ, giày, ủng trong quá trình lao động, do gia súc.

– Phạm vi ký chủ của tuyến trùng rộng. Ngoài cà rốt, tuyến trùng còn xuất hiện nhiều trên đất trồng cây họ thập tự, cây cà chua, ớt …

2.3. Biện pháp phòng trừ tổng hợp

– Xử lý hạt giống bằng nước nóng 3 sôi 2 lạnh ngâm trong vòng 45 phút sau đó vớt ra hong khô và đem gieo.

– Chọn đất có cấu tượng nhẹ, thoát nước tốt.

– Triệt để vệ sinh đồng ruộng: Thu gom toàn bộ tàn dư cây bệnh trên vườn đem tiêu hủy trước khi làm đất. Vệ sinh dụng cụ lao động khi chuyển từ vườn này qua vườn khác.

– Luân canh cây trồng: Đất trồng cà rốt có thể luân canh với một số cây trồng ít nhiễm tuyến trùng như dền.

– Thực hiện chế độ làm đất kỹ: Việc cày xới đất kỹ nhất là trong điều kiện thời tiết khô hanh sẽ làm cho trứng và ấu trùng dễ bị tiêu diệt do đó làm giảm mật độ tuyến trùng trong đất.

– Xử lý đất trước khi trồng bằng hoạt chất sinh học Paecilomyces lilacinus (Palila 500WP),  có thể trộn đều với đất mịn để rải sau khi lên luống và dùng cào trộn đều thuốc vào đất sau đó tưới nhẹ cho đất đủ ẩm.

– Sử dụng các loại thuốc: Cytokinin(Etobon0.56SL),Chitosan(Stop 5SL,15WP), Copper citrate (Heroga 6.4SL) để phòng trừ.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.