Bạc Liêu sẽ trở thành “thủ phủ” ngành tôm

Chính phủ đã quyết định thành lập “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” rộng hơn 400 ha, tại ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu.

Nuôi tôm công nghiệp ở Bạc Liêu

Theo TTXVN, ngày 6/1, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cho biết Bạc Liêu được Chính phủ quyết định cho thành lập “ Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” rộng hơn 400 ha, tại ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu.

Đến nay, tỉnh đã giao cho Tập đoàn Việt- Úc 315 ha, còn lại hơn 100 ha vùng lõi khu công nghệ cao, tỉnh đã chấp thuận cho 6 doanh nghiệp hàng đầu về ngành tôm vào đầu tư, trình diễn các mô hình mới về sản xuất tôm.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay, ngoài 7 doanh nghiệp đang sản xuất theo mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh cho hiệu quả kinh tế cao, các doanh nghiệp trên cũng đã chuyển giao kỹ thuật tiến bộ này cho hơn 100 hộ nông dân áp dụng. Qua thực tế khảo sát cho thấy, mô hình này đang được lan tỏa trong cộng đồng người nuôi tôm trên địa bàn, người dân rất háo hức, phấn khởi áp dụng sản xuất.

Đặc biệt, với “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu”, sau hơn một năm từ ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập, đến nay tất cả các hồ sơ, thủ tục, các điều kiện liên quan đã được tỉnh chuẩn bị hoàn tất, dự kiến sẽ tiến hành khởi công xây dựng trong giữa đầu Quí I năm nay.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới các cơ quan thông tấn, báo chí và các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng tỉnh để Bạc Liêu xây dựng và phát triển thành công mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao và hướng đến “Bạc Liêu sớm trở thành thủ phủ của ngành tôm Việt Nam” đúng như kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ.

Theo báo Đại biểu nhân dân, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lê Minh Khái cho biết: Để thực hiện mục tiêu chiến lược này, lãnh đạo tỉnh đã ban hành Đề án tái cơ cấu ngành nuôi trồng thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc đầu tư xây dựng những cánh đồng tôm theo mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Đặc biệt, xây dựng khu sản xuất, nuôi tôm công nghệ cao và phát triển mạnh mô hình thực hành thủy sản tốt có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC hoặc Organic) với quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu đưa con tôm thẳng tiến “từ ao, đầm trực tiếp đến bàn ăn”.

Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thương hiệu con tôm Bạc Liêu, giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống như: Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, phát triển và mở rộng thêm thị trường tiềm năng như: Hong Kong, Trung Đông, Đông Âu, ASEAN, Liên minh kinh tế Á – Âu và với các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)…

Nguồn: TTXVN được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thị trường xuất khẩu tôm “đổi ngôi”, châu Âu mới là số 1

Các thị trường truyền thống của tôm Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc… đã có sự thay đổi “ngôi thứ” trong năm 2017. Năm 2017 cũng được xem là năm “được mùa” của xuất khẩu tôm khi giá trị kim ngạch đạt 3,8 tỷ USD.

Chế biến tôm xuất khẩu

Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, dù diễn biến thị trường nhiều bất lợi nhưng hết năm 2018, đã có 3,8 tỷ USD được mang về từ xuất khẩu tôm. Trong đó, Châu Âu vươn lên thay thế Mỹ, dẫn đầu thị trường nhập khẩu của tôm Việt Nam.

Theo đó, xuất khẩu tôm vào EU trong 11 tháng năm 2017 đạt trên 780 triệu USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 22,2% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam đi các thị trường.

Tại khối EU, có những thị trường tăng vượt bậc trong năm qua như Hà Lan tăng đến 70,5%, đạt 199,7 triệu USD. Tiếp đó, Anh và Đức lần lượt tăng 54,5% và 6%. Tuy nhiên, theo đánh giá của VASEP, Việt Nam có thể chen chân mạnh mẽ vào thị trường EU trong năm qua nhờ các đối thủ mạnh như Ấn Độ, Thái Lan gặp các vấn đề về kháng sinh, thuế… khi xuất khẩu tôm vào EU.

Ngoài ra, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU khá tích cực là do người tiêu dùng EU ưa chuộng các sản phẩm thủy sản giá trị gia tăng tiện lợi và tăng nhập khẩu để phục vụ nhu cầu các lễ hội cuối năm. Trong khi đó, nguồn tôm nước lạnh lại đang có giá cao và nguồn cung lại giảm.

Không chỉ EU, thị trường Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng có sự “đổi ngôi” thứ vị trong nhập khẩu tôm Việt Nam năm 2017. Mỹ là thị trường sụt giảm duy nhất trong nhóm các thị trường chính của tôm Việt khi 11 tháng đầu năm chỉ nhập khẩu khoảng 610 triệu USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm các thị trường truyền thống của tôm Việt, với mức tăng trưởng 60,2%, đạt 637,9 triệu USD. Với đà tăng trưởng này, VASEP đánh giá, Trung Quốc có khả năng vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường lớn thứ hai của tôm Việt Nam trong quý 1.2018.

Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP cũng thông tin, từ ngày 1.12.2017, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc có lợi thế hơn khi nước này quyết định giảm thuế nhập khẩu từ 5% xuống 2% đối với sản phẩm tôm đông lạnh. Hơn nữa, với lợi thế về vị trí địa lý, thanh toán linh hoạt… doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu của bạn hàng Trung Quốc khi nhu cầu ở thị trường này tăng mạnh.

Hiện tại, nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường Trung Quốc vẫn ở mức cao, nhằm phục vụ mùa tết âm lịch sắp tới. Một số doanh nhân Trung Quốc còn đến tận ao nuôi các nước lân cận để tìm mua hàng với khối lượng lớn. Một số nhà phân tích cho rằng, lượng tôm thẻ châm trắng nuôi tại Trung Quốc đã giảm 2/3 do gặp các bất lợi về thời tiết. Đây cũng là nguyên nhân khiến lượng tôm nhập khẩu vào thị trường này tăng mạnh.

Cũng theo ông Hòe, không chỉ ở thị trường Trung Quốc, sự thay đổi ngôi thứ này cũng có thể kéo dài sang năm 2018, khi mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực sẽ tạo nhiều thuận lợi cho xuất khẩu tôm vào thị trường này.

Cụ thể, theo lộ trình cam kết, khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu tôm mã HS 03061100 (tôm hùm xanh ướp đá; tôm sú HOSO, DP đông lạnh; tôm mũ ni vỏ…) sang EU sẽ về 0% thay vì mức 12,5% như hiện tại, thuế sản phẩm tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú thịt đông lạnh, tôm thẻ thịt đông lạnh… cũng về 0% từ mức 20%.

Trong khi đó, sản xuất tôm trong nước năm qua cũng gặp nhiều thuận lợi nhờ giá tốt, được Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan ban ngành ưu tiên. Ông Dương Thành Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết, chỉ trong vòng một năm qua, các mô hình nuôi tôm công nghệ cao phát triển rất mạnh mẽ tại địa phương này, hướng tới xây dựng Bạc Liêu thành trung trâm công nghiệp tôm của cả nước.

“Chỉ với 500 – 600 triệu đồng, nông dân có thể đầu tư ao nuôi tôm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và lấy lại vốn sau 1 năm. Do đó, các mô hình này đang lan tỏa rất nhanh, dẫn tới lo ngại về việc khó kiểm soát ô nhiễm môi trường”, ông Trung cho biết.

Nguồn: Dân Việt được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.

Sự khác biệt màu vỏ tôm thẻ nuôi và nguyên nhân

Màu sắc là một yếu tố quan trọng xác định việc người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm đo đó nó cũng quyết định giá trị của tôm nuôi. Bài viết so sánh màu sắc vỏ tôm và nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt của vỏ tôm thẻ chân trắng.

Sự biến đổi màu sắc vỏ của tôm thẻ chân trắng nuôi.

Màu sắc của tôm phần lớn bị ảnh hưởng bởi sắc tố, thức ăn, động vật, tình trạng bệnh tật và các yếu tố môi trường. Báo cáo của các nhà khoa học phân tích sự khác biệt 2 loại màu sắc phổ biến của tôm thẻ chân trắng là tôm có màu vỏ trắng và tôm có màu nâu đỏ.

Màu vỏ bình thường của tôm thẻ chân trắng nuôi là màu trắng xanh (dưới), nhưng lại xuất hiện một vài con có vỏ màu nâu (trên)

So sánh 2 loại màu sắc vỏ tôm thẻ chân trắng

Xét về khía cạnh vật lý, ngoại trừ sự khác biệt về màu sắc, tôm thẻ có vỏ màu trắng xanh và tôm thẻ có vỏ màu nâu có đặc tính tương tự nhau.

Một nghiên cứu đã được tiến hành để xác định xem có sự khác biệt giữa tôm có vỏ trắng và tôm có vỏ nâu về màu thịt, thành phần thịt và kết cấu thịt.

Tôm được thu thập từ một trại nuôi tôm ở Andhra Pradesh, Ấn Độ được chọn ngẫu nhiên và vận chuyển ở nhiệt độ <4 °C đến phòng thí nghiệm và phân tích.

Tiến hành thí nghiệm

Phân tích màu sắc

1: Lột vỏ tôm tươi để phân tích màu sắc mỗi loại 5 con được, 2: Đem nấu chín trong vòng 5 phút mỗi loại 5 con.

Tôm có vỏ nâu sau khi được nấu chín (trái), tôm vỏ trắng xanh sau khi được nấu chín (Phải).

Một sự khác biệt quan trọng trong giá trị màu đỏ (a *) và sự khác biệt rất nhỏ trong giá trị độ nhạt (L *) và màu vàng (b *) được quan sát thấy giữa tôm thẻ trắng và tôm thẻ nâu.

Kết quả phân tích: màu đỏ (a *) cao hơn rõ rệt (P <0,05) trong tôm vỏ trắng xanh, cả vỏ tươi (7,9 ± 0,3) và vỏ nấu chín (17,9 ± 0,8), tôm thẻ vỏ nâu (4,8 ± 0.3 mẫu tươi, 14.4 ± 1.6 và mẫu nấu chín) cho thấy sự khác biệt giữa hai loại tôm thẻ chân trắng.

Các sắc tố carotenoid chính chịu trách nhiệm về màu sắc của tôm là astaxanthin tức là 3,3 dihydroxy β carotene 4,4-dione5,6. Trước khi tôm được nấu chín, astaxanthin được bao phủ bởi các chuỗi protein gọi là crustacyanin. Các chuỗi protein bao bọc lấy astaxanthin và che giấu màu đỏ hồng của astaxanthin. Hàm lượng sắc tố trong vỏ tôm luôn luôn cao hơn cơ bụng. Dựa vào kết quả, có thể kết luận rằng tôm thẻ vỏ trắng xanh có sản phẩm tôm nấu chín màu đỏ hơn so với tôm thẻ có vỏ màu nâu.

Phân tích thành phần và kết cấu thịt

Hàm lượng protein, chất béo, canxi, kali và natri, và cấu trúc tế bào của 2 loại tôm đã được phân tích.

Kết quả phân tích thành phần thịt: tôm thẻ vỏ trắng xanh có hàm lượng natri (552 mg%) và canci (264mg%) cao hơn so với tôm thẻ màu nâu (natri 331mg%, canxi 188mg%) cho thấy sự mất cân bằng chất khoáng có thể là một lý do gây nên sự khác biệt trong màu sắc vỏ tôm. Kết quả phân tích cũng cho thấy tôm thẻ vỏ trắng xanh có kết cấu thịt tốt hơn.

Nguyên nhân sự khác biệt màu sắc tôm: có thể do những con tôm nâu bị căng thẳng. Một vài yếu tố đã được biết đến làm ảnh hưởng màu sắc tôm nuôi là khi bị nhiễm nhiều loại vi khuẩn hoặc môi trường nuôi độc hại. Martinez và cộng sự (2014) cho thấy màu đỏ trong tôm có thể là kết quả của việc tiếp xúc với đồng. Các kim loại như cadmium, đồng, chì và thuỷ ngân kết hợp với astaxanthin và hình thành các phức hợp mới có màu đỏ sậm hơn.

Kết luận:

Các nhà khoa học cũng đưa ra kiến nghị cần có những nghiên cứu sâu hơn để xác định những yếu tố căng thẳng chịu trách nhiệm về sự khác biệt về màu vỏ của tôm nuôi.

Nguồn: Báo cáo của: B. Madhusudana Rao, P. Viji and Jesmi Debbarma được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Đáng nể vườn địa lan Hoàng Vũ đạt kỷ lục lớn nhất nước

Sau 10 năm nghiên cứu và sản xuất, đến nay ông Trần Phi Công (SN 1959, thôn Bồi Tây, xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) sở hữu gần 2.300 chậu hoa địa lan Hoàng Vũ.

Kỷ lục gia Trần Phi Công bên vườn lan Hoàng Vũ của mình

“Nhiễm” thú chơi lan từ nhạc phụ

Vườn lan Hoàng Vũ của ông Trần Phi Công được Hội đồng biên soạn Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là “Vườn địa lan Hoàng Vũ tư nhân lớn nhất cả nước” vào ngày 19/1/2017.

Ông Công đến với nghề trồng lan Hoàng Vũ cũng thật bất ngờ. Bố vợ ông là cụ Nguyễn Văn Nâm, một trong những người ở Nam Định đam mê thú chơi lan Hoàng Vũ nên ông Công cũng “nhiễm” địa lan từ cụ. Và, từ đó ông tâm huyết với loài cây này không kém bố vợ mình.

Hàng ngày, ông qua nhà bố vợ học hỏi kinh nghiệm chăm sóc và tìm hiểu thú chơi về loài “Nữ hoàng địa lan” này. Nắm bắt thị trường lan Hoàng Vũ ở trong nước rất lớn nhưng còn thiếu những vườn có quy mô lớn, giống lan quý hiếm để đáp ứng nhu cầu người chơi. Sau nhiều ngày tính toán, bàn bạc với gia đình, ông Công quyết định trồng lan Hoàng Vũ.

Năm 2007, ông Công bỏ ra 85 triệu đồng để mua 10 chậu lan Hoàng Vũ về gây dựng và hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà xưởng trồng lan tại chợ Dần (xã Trung Thành, huyện Vụ Bản). Tích góp dần dần, vườn lan của ông Công ngày càng lớn mà diện tích lại càng ít đi. Để mở rộng diện tích, năm 2011, ông đã mạnh dạn mua đất, xây dựng vườn tại xã Mỹ Phúc.

Vườn rộng trên 5.000m2, trong đó có 2 khu vực trồng lan Hoàng Vũ rộng trên 1.000m2 được rào kiên cố bằng sắt, lưới thép bao xung quanh, trên mái được che chắn bằng lưới nilon, có hệ thống tưới nước tự động.

Sau 10 năm gây dựng, ông Công đang sở hữu gần 2.300 chậu lan Hoàng Vũ

Bao quanh toàn bộ khu vườn là hệ thống mương nước có tác dụng tạo không khí ẩm cho cây lan phát triển, có khu vực ủ phân bón, làm đất. Tổng giá trị đầu tư vườn địa lan Hoàng Vũ khoảng 3,5 tỷ đồng.

“Ngày xưa các cụ trồng lan Hoàng Vũ là chỉ để chơi, thưởng thức mùi hương và giao lưu chứ không phải mục đích trồng để làm kinh tế. Nhận thấy nhu cầu chơi lan Hoàng Vũ ngày càng nhiều, tương lai phát triển rất rõ mà quy mô trồng không nhiều nên tôi đã mạnh dạn đầu tư trồng giống lan này”, ông Công chia sẻ.

Sau 10 năm gây dựng, đến nay ông Công đang sở hữu 2.300 chậu lan Hoàng Vũ, trong đó có 1.000 chậu hoa giống và 1.300 chậu hoa chuẩn bị bán thương phẩm. Đến đầu năm 2017, vườn địa lan Hoàng Vũ Thành Công của ông mới chính thức bán sản phẩm lan giống và lan thương phẩm ra thị trường.

Hiện tại, lan Hoàng Vũ của gia đình ông được bán với giá dao động từ 300 – 600 nghìn đồng/chậu hoa giống và 10 – 20 triệu đồng/chậu hoa thương phẩm, tùy thuộc vào cây to, khỏe, hoa đẹp.

Còn hơn 1 tháng nữa, mới đến tết Nguyên đán nhưng thị trường hoa lan Hoàng Vũ ở Nam Định đã bắt đầu sôi động. Nhiều người yêu hoa lan Hoàng Vũ ở các tỉnh, thành phố phía Bắc như Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh, Ninh Bình… đang đua nhau về vườn lan nhà ông Công để chiêm ngưỡng và đặt hàng.

Văn hóa chơi lan

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn lan Hoàng Vũ của gia đình, kỷ lục gia Trần Phi Công bảo, lan Hoàng Vũ được người yêu hoa đánh giá là “Nữ hoàng địa lan”, là đỉnh cao trong các loài hoa, bởi loài này đẹp tổng thể từ thân, lá, độ cao của hoa, cho đến màu sắc, hương thơm. Lá của cây lan Hoàng Vũ mềm, mướt, luôn vặn kiếm, đầu nhọn, tỏa ra ôm trọn lấy chậu rất đẹp.

Hoa lan Hoàng Vũ màu vàng, to nhất trong các loại lan, các cánh hoa lúc nào cũng hướng về ánh sáng, mềm mại như đang múa. Thân cây cứng cáp, hương thơm man mác. Không chỉ đẹp, lan Hoàng Vũ còn đòi hỏi người trồng, chăm sóc phải có kinh nghiệm, kỳ công nên có giá trị kinh tế cao.

Hội đồng biên soạn Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục

Để chơi lan Hoàng Vũ đúng cách trong dịp tết, theo ông Công, người chơi lan Hoàng Vũ phải tinh tế, hiểu được văn hóa chơi cũng như cái đẹp, giá trị của loài lan này. Nên bỏ chậu lan Hoàng Vũ lúc đẹp nhất (khi hoa đang nở rộ) vào nhà chơi tết và khi nào lan sắp tàn thì nên đem ra ngoài.

Ông Công lý giải: “Lan Hoàng Vũ thường được chơi vào những ngày tết, nó tượng trưng cho những gì tinh túy nhất trong những ngày đầu năm mới. Vì vậy, khi đưa chậu lan vào nhà phải trọn vẹn, lan đang thời kỳ nở rộ, ý muốn nói năm mới luôn đầy sức sống, mãnh liệt và khi đón tết xong thì nên bỏ chậu lan ra ngoài, ý muốn nói phải trân trọng và nhớ đến loài hoa này. Chứ chơi tàn hết hoa mới đem ra ngoài thì không còn đọng lại cảm xúc…”.

Đặc biệt, một chậu lan Hoàng Vũ đầy đủ ý nghĩa nhất, chơi trong những ngày tết phải đủ 3 thế hệ hay còn gọi là gia đình “Tam đại đồng đường” gồm lan mẹ, lan con, lan cháu, ý muốn nói sự sum họp của gia đình trong ngày Tết, thể hiện lối sống mẫu hệ, một gia đình nương tựa vào nhau mà sống.

Cũng theo ông Công, chậu hoa lan Hoàng Vũ đủ 3 năm thì sẽ cho hoa chất lượng nhất, hương thơm ngào ngạt. Mỗi chậu hoa nên giữ khoảng 7 – 9 ngồng hoa là đẹp nhất, không bị rối mắt.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi trồng thủy sản ứng phó biến đổi khí hậu

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian qua xuất hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản (NTTS) ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) cần được ngành, các địa phương tăng cường nguồn lực để nhân rộng.

Nuôi cá lồng bè vượt lũ trên hồ thủy lợi Khe Ngang

Các đợt mưa lớn, kể cả những trận lũ cuối năm 2017 vừa qua không gây thiệt hại đến NTTS tại xã Hương Phong (TX. Hương Trà) nhờ hệ thống ao hồ nuôi tôm, cua, cá được người dân tôn cao bờ bao, chắn thêm lưới bao quanh để bảo vệ.

Ông Đặng Duy Đấu ở xã Hương Phong nhìn nhận, BĐKH trong những năm gần đây thể hiện rất rõ nét. Triều cường ngày càng dâng cao, mưa lũ thất thường với cường độ lớn hơn. Nhiều vụ nuôi thủy sản phải thu hoạch non, bán giá rẻ. Một số vụ không thu hoạch kịp thời bị lũ cuốn trôi. Từ 3 năm trở lại đây, ông Đấu cũng như nhiều hộ dân ở Hương Phong không còn lo lắng mỗi khi triều cường, hay nước lũ dâng cao nhờ phương án ứng phó lũ lụt là tôn cao bờ bao, vây lưới chắn quanh ao hồ cao 1-1,5m.

Ông Phan Hữu Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Phong đánh giá, từ khi triển khai mô hình ứng phó BĐKH, tình hình NTTS trên địa bàn xã Hương Phong khá ổn định. Các mùa bão lũ hằng năm, thủy sản được bảo vệ an toàn, nuôi đảm bảo kích cỡ mới thu hoạch bán với giá cao. Nhiều hộ lãi bình quân từ 50-100 triệu đồng/vụ. Trong các đợt lũ cuối năm 2017, ngoài các ao hồ đã thu hoạch, số còn lại đều được bảo vệ an toàn.

Tại xã Quảng Công (Quảng Điền), người dân cũng triển khai mô hình NTTS thích ứng BĐKH mang lại hiệu quả kinh tế. Bà Lê Thị Khoa ở thôn 14 có hơn 30 năm trong nghề NTTS cho hay, 5 năm trở lại đây, nhờ mô hình ứng phó BĐKH bằng cách tôn cao bờ bao, chắn lưới quanh ao hồ đã bảo vệ an toàn, có thể nuôi thủy sản quanh năm mà tránh được thiệt hại do thiên tai.

Người dân xã Quảng Công còn đào đắp hệ thống kênh mương, ao chứa nước ngọt, đầu tư thêm giếng bơm, máy bơm nước dự phòng. Khi triều cường, xâm nhập mặn, người dân kịp thời vận hành máy móc, bơm bổ sung nguồn nước ngọt sẵn có để ổn định độ mặn, độ PH trong ao nuôi.

Mô hình NTTS ứng phó BĐKH tại xã Hương Phong

Ông Lê Duận, Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho biết, toàn xã có khoảng 126 ha NTTS của 225 hộ nuôi các loại. Để bảo vệ sản xuất, người dân có ý tưởng vây chắn lưới quanh ao hồ, tôn cao bờ bao, ứng phó nước lũ dâng. Mô hình này phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả kinh tế.

Ngoài các biện pháp vây chắn lưới, tôn cao bờ bao, thời gian qua một số hộ nuôi đã chọn đối tượng thủy sản phù hợp, thích ứng BĐKH. Tại xã Hải Dương (TX. Hương Trà), trong khi nhiều hộ nuôi cá mú, hồng, vẩu… bị thiệt hại hoàn toàn trong các đợt lũ cuối năm 2017 thì hộ ông Phan Hạnh nuôi cá chẽm đã bảo vệ an toàn, lãi khá cao.

Sau nhiều vụ nuôi, ông Hạnh nhận thấy cá chẽm thích nghi tốt với nguồn nước lũ bạc đầu nguồn đổ về, trong khi đó cá vẩu, cá hồng, cá mú thường bị chết. Mới đây nhất trong các đợt lũ tháng 12/2017 vừa qua, các loại cá đều chết sạch do nước bạc, duy chỉ cá chẽm sống sót.

TS. Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (CCTS) tỉnh cho rằng, những mô hình NTTS ứng phó BĐKH ở Hương Phong, Hải Dương, Quảng Công tuy không khó thực hiện nhưng chưa phổ biến.

Sắp đến, CCTS phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tự bỏ vốn đầu tư mua sắm lưới để vây chắn quanh ao hồ, tôn cao bờ bao nhằm đảm bảo NTTS quanh năm, mang lại hiệu quả kinh tế. CCTS tiếp tục nghiên cứu, chọn các đối tượng thủy sản thích hợp để người dân đưa vào sản xuất trong điều kiện BĐKH.

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế được kiểm duyệt bởi Farmtech Việt Nam.

Làng hoa Ninh Phúc rộn ràng vụ hoa Tết

Thời điểm này, các hộ trồng hoa ở xã Ninh Phúc, TP Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) đang tất bật chăm sóc hoa cho tết.

Làng Ninh Phúc trồng khoảng 14ha hoa các loại. Ông Điền Đức Nhuận ở thôn Đoài Thượng cho biết, năm nay nhà ông đầu tư hơn 100 triệu đồng trồng hơn 2 sào hoa, trong đó hơn 1 sào lily. Nếu thời tiết thuận lợi, bán được giá thì vụ tết năm nay thu được trên 200 triệu đồng.

Người dân tận tụy chăm sóc cẩn thận cho những luống hoa Tết

Còn hộ ông Nguyễn Văn Chung thì chỉ trồng hoa hồng với hàng ngàn cây lớn nhỏ. Ông Chung cho hay, trồng hoa hồng có thuận lợi hơn là không phải chăm sóc tỉ mỉ như hoa lily, lay ơn… Mặt khác, giống hoa hồng cũng rẻ hơn. Trồng trong chậu rất thuận lợi cho việc mang đi tiêu thụ.

Theo nhiều người dân nơi đây, trồng hoa không mất quá nhiều công chăm sóc như trồng rau nhưng lại đòi hỏi phải làm chủ được các tiến bộ kỹ thuật, vì hoa cũng là một loài cây trồng khó tính…

Ông Điền Văn Nhẫn, Chủ tịch Hội Nông dân xã kiêm Chủ nhiệm HTX hoa Ninh Phúc cho biết, trăn trở lớn nhất của người trồng hoa nơi đây là khâu tiêu thụ. Các hộ vẫn phải đem sản phẩm đi bán ở các chợ trong tỉnh và vùng lân cận. Năm nay chi phí đầu tư cho giống hoa tăng khoảng 5 – 10% so với năm ngoái. Nếu thời tiết thuận lợi, hoa nở đúng dịp tết thì có thu nhập khá. Được sự hỗ trợ chính quyền, 9 hộ dân đã liên kết thành lập HTX hoa Ninh Phúc. Vụ này HTX sẽ cho ra nhiều sản phẩm chất lượng phục vụ thị trường…

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Ninh Thuận tổng kết mô hình nuôi vịt biển

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận tổ chức hội nghị tổng kết mô hình thử nghiệm nuôi vịt biển tại các xã Hộ Hải, Phương Hải, huyện Ninh Hải.

Huyện Ninh Hải là địa phương bị ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu, nhất là tình hình nước nhiễm mặn do nuôi tôm. Thời gian qua, huyện đã nghiên cứu đưa vào thử nghiệm các loại vật nuôi thích nghi với điều kiện mặn cao nhưng không hiệu quả.

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2017 Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Ninh Hải tổ chức triển khai thí điểm “Mô hình nuôi vịt biển sinh sản thích ứng với biến đổi khí hậu” tại 2 xã nói trên với quy mô 400 con (200 con/hộ/xã).

Giống vịt được chọn nuôi thử nghiệm là Vịt biển 15 – Đại Xuyên (do Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên – Viện Chăn nuôi nghiên cứu và chọn tạo) đã được nuôi thử nghiệm thành công ở nhiều vùng biển các tỉnh có độ mặn cao như Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Trà Vinh và 33 điểm ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Vịt biển 15 – Đại Xuyên

Thời gian thử nghiệm nuôi từ tháng 4 đến tháng 12/2017, đánh giá kết quả sơ bộ như sau:

– Tỷ lệ sống chuyển lên giai đoạn đẻ đạt 90,25% (kết quả có 361/400 con còn sống), đạt cao hơn yêu cầu của mô hình 10,25% (≥80%), vịt đạt trọng lượng từ 2,3 – 2,6kg/con mái, 2,5 – 2,8kg/con trống. Trong tổng số 361 con, đã bán thịt 191 con trống và mái với giá 75.000 đồng/con, trừ các khoản chi phí lợi nhuận gần 20.000 đồng/con; góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế 15% so với các hộ nuôi giống vịt địa phương.

– Số vịt còn lại là 20 con trống/150 con mái, tiếp tục nuôi lấy trứng để nhân đàn; tuổi đẻ bói đầu tiên (rớt hột) là 115 ngày (16 tuần 3 ngày). Đến nay vịt đẻ trung bình 65 trứng/đêm, chiếm tỷ lệ 43,33% (qua 12 tuần đẻ); trọng lượng trứng trung bình đẻ bói đầu tiên là 50gr/trứng, giai đoạn đẻ trứng rạ là 65gr/trứng với giá trứng bán thương phẩm từ 3.000 – 3.500 đ/trứng (trọng lượng trứng còn tiếp tục tăng).

– Đánh giá về sự thích nghi cho thấy, nước uống của vịt được chuyển dần từ độ mặn từ 2 phần nghìn lên đỉnh điểm 15 phần nghìn, vịt từ 0 – 2 tuần tuổi uống nước ngọt, từ 2 – 6 tuần tuổi uống nước có độ mặn từ 2 – 12 phần nghìn, vịt trên 6 tuần tuổi uống nước có độ mặn từ 12 – 15 phần nghìn, giai đoạn này vịt có thể bơi lội trong môi trường nước có độ mặn 20 – 25 phần nghìn.

Việc đưa vịt biển vào nuôi thành công tại Ninh Thuận được xem là giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục các nhược điểm của vịt nước ngọt nuôi các vùng nước lợ vào những tháng có độ mặn tăng cao như vịt giảm sản lượng trứng, bị quăn lông và thường hay bệnh đường ruột. Từng bước góp phần giải quyết bài toán sinh kế cho các hộ vùng nước lợ, nước mặn, nơi độ mặn ngày càng tăng do tình trạng xâm nhập mặn.

Từ những kết quả đạt được, mô hình đã giúp bà con vùng ven biển, những khu vực bị xâm nhập mặn có thêm một lựa chọn đối tượng nuôi mới, không những có khả năng phát triển kinh tế gia đình mà còn thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Lúa khổng lồ Trung Quốc đạt 15 tấn/ha

Năng suất cao song chất lượng thấp, hoặc chất lượng tốt nhưng năng suất thấp, là cửa ải khó khăn với các nhà nghiên cứu lúa Trung Quốc. Bài toán đó được giải nhờ phát minh “lúa khổng lồ”, đạt năng suất 15 tấn/ha.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Hạ Tân Giới (Xia Xinjie), nhà khoa học phát minh ra “lúa khổng lồ” nói ông tin rằng giống mới này sẽ được trồng khắp Đông Nam Á và các quốc gia nằm trên sáng kiến Vành đai, Con đường, do Trung Quốc đưa ra, giúp giảm bớt lo ngại về an ninh lương thực, theo Xinhua. Ông Hạ được coi là “Đạo Vương”, tức vua lúa, người kế cận cha đẻ lúa lai Trung Quốc Viên Long Bình.

Vua lúa Trung Quốc hiện là nhà nghiên cứu hàng đầu thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết giống lúa khổng lồ sẽ thích nghi tốt hơn với các điều kiện thay đổi khí hậu, so với các giống đang được sử dụng. Lúa khổng lồ có thể đạt chiều cao tới 2 mét, cao gấp đôi so với các giống lúa thông thường, và có vòng sinh trưởng dài hơn. Một cuộc thử nghiệm ở tỉnh Hồ Nam hồi tháng 10/2017 cho thấy giống lúa này cho năng suất 15 tấn trên mỗi ha, đuổi sát kỷ lục 17 tấn/ha của giống lúa lai mới nhất.

Lúa khổng lồ có thể đạt chiều cao tới 2 mét

Ông Hạ tự tin rằng giống lúa mới sẽ sớm vượt qua lúa lai. “Lúa lai đã gần như đạt năng suất tối đa, tuy nhiên lúa khổng lồ đang tạo ra con đường mới hướng tới việc phá kỷ lục năng suất, bằng cách gia tăng sinh khối hoặc trọng lượng”, ông Hạ nói.

Chiều cao nổi trội của cây lúa cũng giúp nông dân nuôi thêm các loài thủy sản trong đồng, tăng thu nhập, vua lúa Trung Quốc tuyên bố. “Với các cây lúa thông thường, mực nước thấp khiến không gian nuôi trồng thủy sản bị hạn chế. Đôi khi, thủy sản nhiều lại làm giảm bớt năng suất lúa. Song với cây lúa cao hơn, 300.000 con ếch có thể sống thoải mái trong một ha, và mang lại khoảng 300.000 nhân dân tệ (45.000 USD) cho nông dân”, ông Hạ nói.

Tuy nhiên, sau một số thông tin lạc quan về cây lúa khổng lồ của ông Hạ, có ý kiến lo ngại về hiệu quả thực sự của nó, cũng như việc phải tăng lượng phân bón cho lúa.  Một người dùng trên trang Zhihu, trang web hỏi đáp nổi tiếng Trung Quốc, cho rằng “chiều cao vượt trội của cây lúa khiến nó cần có các máy gặt thế hệ mới, và đương nhiên cần nhiều phân bón hơn, ảnh hưởng đến tính hiệu quả trên thực tế”.

Tuy nhiên, ông Hạ tuyên bố cây lúa khổng lồ có thể được gặt bằng máy thông thường, mặc dù “nó có thể gây lãng phí đôi chút”.

Ông vua lúa Trung Quốc nói thêm rằng nếu được trồng với quy mô lớn, giống lúa mới sẽ cần đến “một số cải tiến” từ máy gặt thông thường. Đối với lo ngại về tăng lượng phân bón, ông Hạ khẳng định điều này là đúng, song nông dân không cần bón thêm. “Các ruộng đồng hiện nay đang đối mặt tình trạng dư thừa phân bón trong đất. Cây lúa mới vẫn có thể đạt chiều cao 2 mét, mặc dù nông dân không cần tăng lượng phân bón, do việc này sẽ được các loài thủy sinh vật đảm nhiệm. Chúng sẽ cung cấp lượng phân bón tự nhiên”.

Hạ Tân Giới cho biết ông bắt đầu nghiên cứu giống lúa mới từ năm 2006, lấy cảm hứng từ những thành tựu của ông vua lúa lai Trung Quốc Viên Long Bình trong việc phát triển giống lúa lai siêu năng suất. “Tôi đã làm việc cho một công ty sinh học nông nghiệp ở Mỹ. Sau đó, tôi xem một chương trình TV giới thiệu về giống lúa lai siêu năng suất của ông Viên. Tôi cảm thấy được cổ vũ bởi thành tựu này và muốn trở lại Trung Quốc, tiếp tục các nghiên cứu trước kia về cây lúa”, Hạ kể.

Sau khi liên tục lựa chọn và nhân giống nhằm tạo ra giống lúa mới có thân cao hơn, nhiều hạt gạo hơn và bông lúa lớn hơn, ông Hạ bắt đầu trồng thử nghiệm vào năm 2014. “Giống lúa của tôi hoàn toàn không phải sản phẩm biến đổi gien”, ông Hạ khẳng định.

“Hàng chục triệu nhân dân tệ đã được đầu tư cho cuộc nghiên cứu này. Một số nhà đầu tư đề nghị tham gia dự án từ đầu, song nhiều người cũng đã rút lui do quá trình nghiên cứu, trồng trọt quá lâu và kết quả không chắc chắn”, Hạ Tân Giới nói về những khó khăn khi nghiên cứu.

Ông Hạ và các cộng sự Trung Quốc sử dụng một loạt công nghệ mới để tạo ra giống lúa mới, bao gồm đột biến gây tạo (mutation induction) và lai giống giữa nhiều loại lúa dại.

Nhà nghiên cứu này cho biết vào năm 2030, Trung Quốc cần nhiều hơn 60% lượng thóc so với năm 1995. Theo các số liệu của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, hiện tại mỗi ha lúa của nước này cung cấp gạo đủ ăn cho 27 người. Đến năm 2050, để giải quyết bài toán an ninh lương thực, mỗi ha lúa Trung Quốc cần đáp ứng nhu cầu cho 43 người.

Ông Hạ có kế hoạch mở rộng diện tích gieo trồng lúa khổng lồ lên hơn 130 ha vào năm nay, nếu được chính quyền cho phép. Hiện tại, giống lúa này chỉ được trồng với diện tích khoảng vài chục ha ở tỉnh Hồ Nam.

Theo nhanong.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

400 ha cà phê 20 năm trồng không sử dụng thuốc sâu

Về xã Lộc Thanh, thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng, chúng tôi không khỏi bất ngờ, bởi đây là xã chuyên canh 1.500ha cà phê, trong đó có khoảng 400ha trong suốt 20 năm không sử dụng thuốc BVTV nhưng năng suất vẫn đạt từ 4 – 6 tấn/ha.

Cà phê “sạch” không sử dụng thuốc BVTV

Ông Vũ Văn Pháp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thanh cho biết, gia đình ông trồng 10 ha cà phê từ năm 1997 đến nay hoàn toàn không sử dụng thuốc sâu, năng suất trung bình đạt 5 tấn nhân/ha/năm. Sự việc bắt đầu từ mô hình trồng cỏ không sử dụng thuốc sâu của KS Trần Thanh Tâm ở cùng xã. Mô hình đã giảm thiểu chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế từ 15 – 20%. Từ đó lan tỏa trong và ngoài xã, đến nay cả xã có trên 600 hộ có thâm niên 20 năm không dùng thuốc sâu trong canh tác cà phê.

KS Trần Thanh Tâm kể, năm 1995 sau khi ra trường anh về quê mua đất trồng cà phê. Sau đó lấy giống cỏ gừng trồng xen cà phê. Sau 3 năm áp dụng phương pháp canh tác mới, đồi cà phê cây nào cây nấy sai trĩu cành, năng suất cao. Thấy cách làm lạ, người dân kéo đến xem và học hỏi và làm theo.

Anh Tâm khẳng định, từ năm 1990 anh hoàn toàn không sử dụng thuốc sâu trong canh tác cà phê, chủ yếu sử dụng phương pháp “thiên địch” để diệt sâu hại. Toàn bộ diện tích cà phê đều nuôi trồng cỏ lá gừng (tên khoa học Axonopus compressus) và cỏ cúc Thái Lan, hay còn gọi là sài đất (tên khoa học Wedelia chinensis).

Mục đích của việc nuôi cỏ nhằm chống xói mòn, giữ độ ẩm, cung cấp chất hữu cơ cho đất. Loại cỏ này phát triển rất mạnh và cho lượng sinh khối rất lớn, có khả năng cải tạo đất rất tốt, cân bằng hệ sinh thái giúp cho giun đất, kiến vàng, bọ rùa, bọ ngựa, ong ký sinh, hệ vi sinh vật có lợi phát triển.

Chính những côn trùng có lợi này sinh ra để tiêu diệt các loại sâu có hại nên không cần sử dụng thuốc sâu. Tuy nhiên khi nuôi trồng cỏ cũng cần lưu ý kỹ thuật phát cỏ, có thể phát toàn bộ diện tích, hoặc phát 1 hàng để 1 hàng. Phát cách mặt đất từ 5 – 10cm, giữ cho mặt đất không bị tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, cà phê sẽ phát triển tốt.

Anh Tâm chia sẻ, làm theo phương pháp nuôi trồng cỏ, không sử dụng thuốc sâu trong vườn cà phê tiết kiệm được rất nhiều chi phí như: không tốn tiền mua phân hữu cơ vì hàng năm nguồn hữu cơ tự nhiên từ cỏ mục cung cấp một lượng rất lớn. Giảm lượng phân vô cơ, giảm và không mất tiền công tưới nước, không mất công đánh bồn, cuốc đất, không mất tiền mua thuốc BVTV, không ảnh hưởng môi trường. Đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế từ 15 – 20%. Một năm đầu tư hết khoảng 15 triệu tiền phân vô cơ cho 1ha, đây là yếu tố rất quan trọng trong việc sản xuất cà phê bền vững.

Tuy nhiên, khi canh tác cũng phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản của hệ thống thâm canh cây cà phê. Từ cây giống, kỹ thuật trồng, canh tác, thu hoạch, tiêu thụ sản phảm… Kỹ thuật bón phân bà con lưu ý: Nên bón phân cân đối, cách bón này đã giúp ngăn ngừa và trị bệnh gỉ sắt trên cây cà phê.

Ngoài ra, cần thường xuyên thăm đồng, khi phát hiện sâu đục thân ở cành cà phê chỉ việc cắt cành (cắt sau chùm cà phê bị đen 10 – 20cm) vứt xuống đất, các loại thiên địch như: kiến, bọ rùa, ong, tự bò tới tiêu diệt con sâu, nên không cần phải dùng thuốc sâu, tốn kém.

Kỹ thuật trồng, chăm sóc tốt là những yếu tố quan trọng để thu hoạch được những hạt cà phê chất lượng

Ông Lê Văn Hồng, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Thanh xác nhận: Thông tin 20 năm người dân ở địa phương không sử dụng thuốc sâu trong canh tác cà phê là hoàn toàn chính xác. Mô hình này rất hiệu quả và cần được nhân rộng.

Cũng theo ông Hồng, gia đình ông trồng 7ha cà phê từ năm 2000 không sử dụng thuốc sâu, mà dùng “thiên địch” để diệt sâu bệnh, năng suất vẫn đạt 5 tấn/ha/năm. Điều phấn khởi nhất là người dân đã ý thức được tác hại của thuốc sâu đối với chất lượng sản phẩm cà phê, với sức khỏe người lao động. Trước đây cả xã có 5 cửa hàng bán thuốc BVTV. Nhưng do người dân không sử dụng thuốc sâu nên các cửa hàng đều ế ẩm, có nhà phải chuyển qua bán phân bón hoặc kinh doanh mặt hàng khác.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Trái cây độc, lạ sẵn sàng đón Tết

Nhiều loại trái cây “độc”, lạ của nông dân miền Tây trong dịp Tết Mậu Tuất có giá bán khá cao, từ 300.000 đồng/trái trở lên.

Ông Võ Trung Thành (ngụ ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Hậu Giang), Chủ nhiệm Câu lạc bộ khuyến nông Phú Trí A, cho biết: “Trong dịp Tết Mậu Tuất 2018, các thành viên trong câu lạc bộ cung ứng khoảng 6.000 trái bưởi tạo hình, bao gồm: bưởi hồ lô “tài – lộc”, hồ lô “thỏi vàng đồng tiền”, hồ lô “thư pháp” ra thị trường. “Riêng sản lượng do hộ của tôi làm ra khoảng 500 trái. Tết năm nay không có sản phẩm mới mà chỉ có những sản phẩm truyền thống” – ông Thành thông tin.

Bưởi hồ lô tài lộc

Theo ông Thành, do năm nay là năm nhuần (có hai tháng 6 âm lịch) nên gây khó khăn cho nhà vườn trong việc xử lý ra hoa. Cụ thể, năm nay bưởi ra hoa sớm từ tháng 4 âm lịch sẽ cho trái thu hoạch trước Tết. Nhà vườn không thể chọn đợt trái này mà phải chọn đợt ra hoa từ tháng 6, nên bị hao hụt, mất sản lượng.

Hiện vườn bưởi hồ lô của ông Thành đã vào khuôn và sẽ thu hoạch từ khoảng 23 tháng Chạp. “Tết năm rồi, cả câu lạc bộ cung ứng khoảng 10.000 trái nhưng năm nay chỉ có 6.000 trái. Về giá cả bằng mọi năm, từ 300.000 đồng đến 1,2 triệu đồng/trái tùy loại. Đến thời điểm này, đã có khách hàng hợp đồng một nửa sản lượng của câu lạc bộ.”, ông Thành thông tin thêm.

Riêng anh Huỳnh Thanh Tâm (thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) năm nay lại đưa ra thị trường loại trái cây “độc”, lạ mới là dừa hồ lô in chữ nổi “phúc-lộc-thọ” và dừa hồ lô “tài – lộc” với khoảng 6.000 trái.

Dừa hồ lô in chữ nổi “phúc-lộc-thọ”

Theo anh Tâm, do năm nay có dừa hồ lô in chữ nổi là sản phẩm độc đáo nên hiện có 80% số trái cây “độc”, lạ này đã được khách hàng tại Hà Nội và TP HCM đặt hàng.

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.