Trà Vinh: Có giống lúa chịu mặn đến 5‰

Đây là giống lúa độc nhất vô nhị tại Việt Nam do ông Lê Văn Chính, giám đốc HTX lúa giống 9 Táo LK (xã Song Lộc, H.Châu Thành, T.Trà Vinh) sưu tầm và lai tạo thành công.

Theo như chủ nhân của giống lúa này chia sẻ thì khả năng chịu mặn trên môi trường thử nghiệm, độ mặn 5‰, cây lúa vẫn phát triển bình thường, cho năng suất khá. Còn trong điều kiện nước ngọt, lúa cho năng suất tốt dao động từ 7-9 tấn/ha, tùy vụ.

Thu hoạch lúa Táo Tím 39 tại HTX Lúa giống 9 Táo LK

Ông Chính cho biết đã sưu tầm và thử nghiệm từ hơn ba năm nay, chọn được 3 dòng có năng suất khá cao và phẩm chất tốt để làm giống nhân rộng.Ông đã đặt tên cho các giống lúa này là Táo Tím 19, 29, 39. Ba dòng Táo Tím đều có những ưu điểm vượt trội, như Táo Tím 19 có hạt dài hơn giống lúa RVT, sinh trưởng từ 85-89 ngày. Táo Tím 29, hạt dài hơn giống Jasmine thời gian sinh trưởng từ 89-95 ngày. Táo Tím 39 hạt dài như VD 20, thời gian sinh trưởng từ 97-99 ngày. Tất cả ba dòng lúa đều thơm nhẹ và dẻo.

Như giống lúa Táo Tím 39 là giống lúa được ông Chính lai từ tổ hợp VD20, TV39 và tím Ấn Độ cho cây con có đặc tính thơm nhẹ, dẻo và năng suất kháng rầy nâu, đạo ôn, chịu mặn tốt lên đến 5‰. Mới vừa thu hoạch xong gần 10 công lúa Táo 39, ông Chính cho biết, năng suất được bình quân được 875/kg/công.

Còn 1 tuần nữa thu hoạch 5 công lúa Táo Tím 19, ông Lê Đức Tuấn ở ấp Hòa Hảo xã Phước Hảo, phấn khởi nói: “Tôi thấy lúa này sạ được đó, nhẹ phân hơn RVT. Lúa thơm thì có rầy, nhưng cũng bình thường như các giống khác. Dàn lúa tôi vụ này chắc cũng cỡ 700-800 kg/công à. Vậy là ngon rồi vì được cái nhẹ phân”.

Còn chị Trần Thị Thiết ở ấp 2 xã Ba Sao H. Cao Lãnh, T. Đồng Tháp cho biết: “Tôi đang sạ giống Táo Tím 39, nay được 47 ngày rồi. Thấy phân thì bình thường. Từ hồi sạ tới giờ không thấy bệnh đốm lá, đạo ôn gì hết, lá to như lá sả vậy đó. Dàn lúa rất cứng cáp tôi thấy rất yên tâm”.

Tuyển chọn lúa giống Táo Tím tại HTX 9 Táo LK

Được biết, hồi tháng 6/2018, giống lúa Táo Tím 19, 29, 39 đã được Cục Trồng Trồng Trọt chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng mới của ông Chính. Mới đây nhân chuyến công tác sơ kết Vụ ĐX và triển khai kế hoạch xuống giống vụ HT, ông Nguyễn Như Cường, Quyền cục trưởng Cục Trồng Trọt đã đến thăm giống lúa này tại HTX lúa giống 9 Táo LK. Ông Cường cho biết, giống lúa này có năng suất và phẩm chất gạo khá tốt, chống chịu mặn, sâu bệnh khá. Cục Trồng Trọt sẽ tạo điều kiện thuận lợi để HTX lúa giống 9 Táo nói chung và các HTX lúa giống nói riêng có điều kiện phát triển các giống lúa chất lượng cao, thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

 

 

Lạc che phủ nilon năng suất cao

Huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho sự phát triển của cây lạc.

Tham quan mô hình trồng lạc che phủ nilon tại xã Phúc Sơn

Cây lạc đã được người dân nơi đây trồng từ nhiều năm nay, tuy nhiên đa số diện tích lạc được trồng thường theo kiểu rạch hàng, gieo hạt… nên năng suất chưa cao.

Vụ Đông 2018, huyện Chiêm Hóa đã triển khai mô hình trồng lạc che phủ nilon, nhằm từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ bằng biện pháp canh tác tiên tiến, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế cho nông dân.

Mô hình trồng lạc theo phương pháp tiên tiến bằng giống L14 nguyên chủng với diện tích trên 53 ha tại 4 xã: Tân Mỹ, Phúc Sơn, Minh Quang và Yên Nguyên. Các hộ thực hiện được hỗ trợ tiền mua nilon và một phần tiền giống, thuê máy làm đất và được cán bộ kỹ thuật trực tiếp theo dõi, hướng dẫn.

Kết quả cho thấy, việc che phủ nilon cho lạc làm tăng nhiệt độ đất, giúp cây phát triển nhanh ở giai đoạn mọc mầm; giữ ẩm đất, tạo điều kiện cho cây phát triển thuận lợi ở các giai đoạn sau; hạn chế cỏ dại, sự rửa trôi chất dinh dưỡng nên năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Quan Vân Trường, thôn Bản Chỏn, xã Phúc Sơn là một trong những hộ được chọn thực hiện mô hình cho biết, vụ Đông 2018, gia đình ông thực hiện che phủ nilon cho 2.300 m2 đất trồng lạc. Qua thực hiện cho thấy so với trồng lạc theo phương pháp thông thường thì trồng lạc che phủ nilon có ưu thế vượt trội như tỷ lệ mọc cao, giảm được công làm cỏ, chăm sóc, cây phát triển tốt, củ lạc chắc, không bị thối… năng suất cũng cao hơn từ 20 – 30% so với trồng lạc theo cách truyền thống trước đây.

Chị Quan Thị Hằng – cán bộ Trạm Khuyến nông huyện cho biết, qua theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lạc tại các hộ dân tại xã Phúc Sơn cho thấy, các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của diện tích lạc che phủ nilon ngắn hơn so với không che phủ nilon từ thời gian mọc, giai đoạn cây con, thời kỳ ra hoa… Theo đó, cũng hạn chế được những rủi ro như sâu bệnh nhiều, thối rễ, chết cây do mưa, còn nắng thì làm cây héo rũ, kém phát triển.

Theo tính toán của các hộ tham gia mô hình, vụ lạc này cho năng suất 4 tấn củ tươi/ha. Với giá thu mua của Hợp tác xã Phúc Sơn là 12.000 đồng/kg củ tươi, sau khi trừ chi phí, người trồng lạc lãi trên 30 triệu đồng/ha.

Ngay sau khi thu hoạch, huyện tiếp tục hỗ trợ nilon để bà con nông dân mở rộng diện tích trồng lạc che phủ ni lon nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng giá trị trên một đơn vị đất canh tác, tăng thêm thu nhập.

Tổng hợp và duyệt bởi Farmtech Việt Nam

Nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa.

Nuôi tôm trong ruộng lúa là hình thức canh tác kết hợp giữa trồng trọt và thủy sản. Phương thức nuôi này không những làm giảm việc tranh diện tích sản xuất mà còn góp phần tăng thu nhập trên một mảnh đất.Nuôi tôm trong ruộng lúa chẳng những không giảm năng suất lúa mà còn có sản phẩm tôm.

Tôm càng xanh.

1. Mùa vụ

– Thường tận dụng vụ lúa Hè – Thu để nuôi tôm. Lúc này nước nhiều và thời gian ngập nước trong ruộng kéo dài, tôm có điều kiện ăn được thức ăn trên ruộng.

– Nuôi tôm tốt nhất nên nuôi trên các ruộng cấy lúa vì lúa cấy có khoảng trống nên tôm có thể bơi xen giữa lúa ăn được thức ăn trên ruộng.

– Nếu nuôi trên lúa sạ thì nên sạ lúa thưa hơn sạ bình thường. Thả giống tốt nhất khi cây lúa 2 tuần sau khi sạ hay 1 tuần sau khi cấy.

– Lịch thời vụ 2 lúa + 1 tôm.

Một số mô hình nuôi tôm càng xanh ở ruộng lúa

– Mô hình một vụ lúa và một vụ tôm:

+ Ruộng chỉ canh tác vụ lúa Đông – Xuân, sau khi thu hoạch lúa thì tiến hành thả tôm Post (cỡ 1,1 – 1,2 cm).

+ Thời điểm thả giống thông thường từ tháng 3 – 4, mật độ thả từ 3 – 5 con/m2, thời gian nuôi 7 – 8 tháng.

– Mô hình hai vụ lúa và một vụ tôm:

+ Thời gian nuôi ngắn khoảng 4,5 – 5,0 tháng, do đó yêu cầu thả giống lớn (cỡ 3,0 – 5,0 g/con).

+ Mật độ thả từ 2 – 4 con/m2.

2. Thức ăn:

Một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong nuôi tôm là thức ăn. Tôm cần phải được cung cấp thức ăn đầy đủ về số lượng và chất lượng để có thể phát triển tốt. Vì vậy, việc xác định nguồn thức ăn đảm bảo giá trị dinh dưỡng và ổn định là điều cần thiết đối với người nuôi tôm.

– Thức ăn tự nhiên: Là thức ăn có sẵn trong thủy vực bao gồm động thực vật thủy sinh, thức ăn tự nhiên giữ vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu của các đối tượng thuỷ sản nuôi.

– Thức ăn tươi: Bao gồm cá, tép, cua, ốc, hến,… các phế phẩm từ nhà máy chế biến thủy sản. Thức ăn tươi rất dễ làm chất lượng nước xấu đi nhanh chóng, hệ số tiêu tốn thức ăn cao.

– Thức ăn viên (công nghiệp), thức ăn chế biến:

+ Các thành phần dinh dưỡng đã được phối chế phù hợp với từng giai đoạn tăng trưởng của đối tượng nuôi.

+ Quy trình công nghệ sản xuất thức ăn hiện đại đảm bảo chất lượng thức ăn, thời gian bảo quản lâu, hệ số thức ăn thấp, ít ảnh hưởng đến chất lượng nước trong hệ thống nuôi.

Phương pháp cho ăn:

– Kiểm tra việc sử dụng thức ăn của tôm và trọng lượng tôm hàng tháng để điều chỉnh khẩu phần ăn, tiến hành như nuôi tôm trong ao.

– Khẩu phần cho ăn chỉ cần 3% trọng lượng cơ thể sau 01 tháng đối với tôm giống tự nhiên và sau 4 tháng đối với tôm bột vì trong ruộng có nhiều thức ăn tự nhiên, mật độ thả thấp.

– Thức ăn nên rải nhiều điểm xung quanh mương hay trong sàng ăn đặt trong ao.

3. Chăm sóc quản lý:

Nuôi tôm trong ruộng lúa cần phải chăm sóc, quản lý thật chặt chẽ vì nó liên quan đến việc canh tác lúa.

– Trao đổi nước thường xuyên, càng nhiều càng tốt nhưng cũng chú ý việc kích thích tôm lột xác như nuôi trong ao. Vào ban đêm do các loại thực vật và rễ lúa sử dụng oxy nên rất dễ xảy ra tình trạng thiếu oxy vào buổi sáng, nếu có hiện tượng tôm nổi đầu vào buổi sáng thì cần tiến hành trao đổi nước ngay.

– Phòng chống và theo dõi thường xuyên địch hại của tôm vì nuôi tôm trong ruộng lúa địch hại có thể ảnh hưởng rất lớn đến tỉ lệ sống và năng suất của tôm.

– Việc phun thuốc trừ sâu cho lúa phải cẩn thận, thông thường rút hết nước trên ruộng lúa cho tôm xuống mương và tiến hành phun thuốc nhằm tránh thuốc rơi xuống mương, sau 2-3 ngày dâng nước lên để tôm trở lại ruộng ăn bình thường.

Cần chú ý sử dụng các loại thuốc ít độc đối với tôm và chọn các giống lúa kháng sâu rầy để hạn chế việc phun thuốc.

4. Thu hoạch

– Hai tháng trước khi thu hoạch thì có thể tiến hành thu tỉa những con lớn, con cái và con chậm phát triển để bán.

– Nếu thả giống vào vụ Đông – Xuân thì thu những con lớn và những tôm nhỏ để lại nuôi tiếp.

Tổng hợp và kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Một số biện pháp để tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản.

Trong quá trình nuôi trồng thủy sản, người nuôi cần tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản, để giúp giảm thiểu vật nuôi bị mắc bệnh.

Động vật thủy sản.

Dưới đây là một số biện pháp giúp tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản:

– Thả ghép cá

Việc thả ghép các loài cá và mật độ thích hợp sẽ tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, không gian sống rộng rãi, phòng bệnh tốt.

Mật độ thả ghép cần tuỳ thuộc vào loại hình nuôi như bán thâm canh hay thâm canh, tuy nhiên cần phải đảm bảo mật độ tối thiểu là 2 con/m2.

– Nuôi xen canh các loài động vật thuỷ sản

Ao nuôi sẽ tích luỹ nhiều chất thải và mầm bệnh do trong quá trình nuôi ao nuôi đã tích luỹ nhiều thức ăn dư thừa. Các chất thải và mầm bệnh này sẽ ảnh hưởng và gây bệnh cho các chu kỳ nuôi tiếp theo của đối tượng nuôi đó. Do vậy cần tiến hành nuôi xen canh trên một ao nuôi để khắc phục yếu điểm này.

– Chăm sóc đàn tôm cá

Người nuôi cần thực hiện biện pháp kỹ thuật chăm sóc cá tôm theo “4 định”: Định chất lượng thức ăn; Định số lượng thức ăn; Định vị trí cho ăn; Định thời gian cho ăn.

– Chọn giống động vật thuỷ sản

Khâu chọn giống là rất quan trọng. Người nuôi cần chọn giống có sức đề kháng tốt, có khả năng miễn dịch đối với một số bệnh và sinh trưởng nhanh.

– Cần kiểm tra tôm cá trong ao nuôi một cách định kỳ

– Người nuôi có thể sử dụng một số sản phẩm dưới đây:

+ Men vi sinh Probiotic: Là một chế phẩm sinh học probiotic và enzyme tổng hợp ở dạng bộ, dùng để tăng cường tiêu hóa và bảo vệ đường ruột. Liều lượng sử dụng: trộn 0,5 – 1g/kg thức ăn, cho cá ăn trong suốt vụ nuôi.

+ Dầu mực: Tác dụng bao bọc thức ăn và thuốc, tránh tan rữa nhanh trong môi trường nước. Tạo mùi hấp dẫn cho cá bắt mồi nhiều. Liều dùng 10g/kg thức ăn.

+ Vitamin C: Vào những mùa xuất hiện bệnh nhiễm khuẩn máu trộn thêm vitamin C vào thức ăn cho cá ăn hàng ngày. Liều lượng sử dụng là 50 – 60 mg/kg thức ăn/ngày.

Tổng hợp và kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Kinh nghiệm trồng cà hiệu quả.

Cà là cây truyền thống của nhiều địa phương đã được nông dân thâm canh nhiều trở lại bởi nó là cây dễ trồng, cho hiệu quả kinh tế khá cao trong những năm gần đây.

Ruộng cà vụ sớm đang giai đoạn ra hoa đậu quả.

Song nhiều vùng trồng cà nông dân vẫn chưa biết cách giữ cho bền cây, sai quả vì bị nhiều sâu bệnh gây hại, nhất là bệnh chết rũ ở các vùng chuyên canh. Hiện đang là thời vụ chính trồng cà. Xin chia sẻ một số kinh nghiệm đúc rút được khi thâm canh cây trồng này như sau:

1. Thời vụ trồng:

Cà (cà pháo, cà bát, cà dài) là cây ưa ánh sáng mạnh nên có thể trồng được quanh năm (trồng từ tháng 7 đến tháng 4 năm sau tùy theo các loại).

2. Giống:

Người trồng có thể sử dụng các giống cà địa phương có năng suất cao, kháng bệnh tốt để trồng. Tùy theo mục đích sử dụng mà có thể lựa chọn cà bát, cà pháo hay cà quả dài. Ngoài ra, có thể mua giống cà Thái từ các công ty cung ứng giống sẽ cho năng suất cao, giống sạch bệnh.

3. Đất trồng:

Cà có bộ rễ khỏe, ăn sâu, tán rộng, lá nhiều nên cần đất có tầng canh tác dày, giàu dinh dưỡng, dễ thoát nước… Tốt nhất nên chọn đất thịt nhẹ hoặc pha cát để trồng cà. Đất trồng được cày lật, phơi ải và được xử lý nấm bệnh và tuyến trùng trước khi trồng là tốt nhất.

4. Gieo ươm cây con và trồng:

Hạt giống sau cất trữ hoặc khi mua về cần được ngâm nước ấm 540C trong 30 phút, tiếp tục ngâm nước sạch 1 ngày đêm để hạt hút no nước rồi mới đem gieo (vì hạt cà có vỏ dày). Tốt nhất nên làm vườn ươm có bón lót phân chuồng mục và NPK để gieo cây cà giống rồi mới nhổ cây con trồng ra ruộng sản xuất. Lượng hạt gieo 2 – 3g/m2 (150-180g/sào BB).

Khi cây có 1-2 lá thật thì tỉa bỏ cây xấu, giữ lại khoảng cách 2 – 3cm/cây. Cây cao 5 – 6cm tỉa lần hai giữ lại khoảng cách 5 – 6cm/cây. Sau mỗi lần tỉa cần xử lý nấm bệnh gây chết thắt thân hoặc thối rễ cây con, sau 2 ngày nữa thì tưới thúc phân hữu cơ pha loãng hoặc NPK (13-13-13+TE) với lượng 50-100g/thùng 20lít. Khi cây giống được 20-30 ngày tuổi thì nhổ đem trồng.

Cần huấn luyện cây con trước nhổ bằng cách ngừng tưới nước trước đó 4-5 ngày rồi tưới đẫm và nhổ cây. Để cây không bị nấm bệnh xâm hại rễ trước trồng nên nhúng rễ các cây con vào dung dịch thuốc trừ nấm đã pha. Lượng còn lại dùng để xử lý đất trồng.

Đất trồng cà cần được cày sâu, bừa kĩ, lên luống cao 25-30cm, rộng 1,4-1,5m. Luống được bố trí trồng hai hàng theo kiểu nanh sấu. Tùy theo các loại cà khác nhau mà bố trí mật độ sao cho phù hợp (50x 60cm hay 60x 80cm).

5. Chăm sóc, bón phân:

Cà có bộ rễ ăn sâu và rộng lại cho thu quả kéo dài vì cà ra hoa đậu quả quanh năm nên việc chăm sóc sao cho cây đạt tiêu chuẩn khỏe mạnh là khâu then chốt để nâng cao hiệu quả khi trồng. Người trồng cà muốn có năng suất cao cần phải giữ cho cây vừa bền lại sai quả. Đồng nghĩa rằng chế độ dinh dưỡng cần phải được cân đối và hệ vi sinh vật trong đất trồng cà cần được cân bằng. Cho nên, trước khi trồng cà nông dân cần ưu tiên sử dụng các chế phẩm phân bón vi sinh hay các chế phẩm nấm đối kháng, cộng sinh để bổ sung vào luống đất trồng trong các giai đoạn (lót, thúc định kì). Tuyệt đối không nên lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học sẽ làm cây nhanh bị tàn lụi.

Lượng phân lót cho 1 sào Bắc Bộ (360m2) là 0,8 – 1 tấn phân chuồng hoặc 80 -100 kg phân hữu cơ vi sinh + 18 – 20kg NPK (16-16-8+TE.

* Lưu ý: Phân chuồng nếu có cần được trộn cùng chế phẩm nấm đối kháng hay nấm cộng sinh theo liều lượng khuyến cáo để bộ rễ cà được phát triển rộng dài và vi sinh vật có hại ít xâm nhập gây hại. Giữa các lần bón thúc phân nuôi cây và quả sau này cũng cần bổ sung một trong hai chế phẩm này vào vùng rễ cà để giữ cho cây khỏe.

* Bón thúc:

– Sau trồng 12-15 ngày, xới nhẹ mặt luống lần đầu, bón thúc 8-10kg NPK 13-13-13+TE/sào Bắc Bộ.

– Lần 2 vun xới cách lần 1 từ 15- 20 ngày kết hợp với bón phân NPK với loại và liều lượng như lần 1.

– Từ khi cây thu lứa quả đầu đến cuối vụ. Thời kì này cần bón phân định kì nhiều lần để giữ cho cây ra hoa, nuôi quả liên tục đảm bảo năng suất cà quả. Nên ưu tiên loại phân NPK 12-3-10 hoặc 12-5-10 hay 16-16-8, 13-13-13+TE với liều lượng khuyến cáo trên bao bì để thúc nuôi quả và cây.

* Tưới nước: Cà là cây có tán rộng, cành lá rậm rạp lại liên tục ra hoa đậu quả nên cần được dưỡng ẩm thường xuyên. Độ ẩm đất không đủ sẽ làm cây ít hoa dễ bị rụng hoa, quả… Người trồng không nên để cà quá hạn rồi mới tưới nước sẽ làm cho rễ bị đứt vi sinh vật gây bệnh xâm nhập làm thối hỏng. Cần vun gốc để thúc rễ phát triển và giữ ẩm cho gốc cà, chống đổ ngã cho cây bằng cách dùng cọc chống.

* Tỉa cành, lá: Cà có 7- 9 lá bắt đầu ra quả khi đó những nhánh dưới chùm hoa thứ nhất cần vặt bỏ. Ngoài ra khi cây phát tán ra hoa đậu quả cũng cần vặt bỏ bớt các lá già, lá mọc chen chúc trong tán. Việc làm này sẽ hạn chế cho cây bị rệp hại và bệnh hại thân lá. Tùy theo loại cà được trồng mà nông dân có thể để từ 2- 3 cành/cây.

* Phòng trừ sâu bệnh: Cà trồng ở vụ chính thường hay bị rệp, sâu đục quả, đục ngọn, bệnh lở cổ rễ, sương mai, héo xanh, héo vàng gây hại. Cần áp dụng phương pháp phòng trừ tổng hợp, ưu tiên các loại thuốc trừ sâu bệnh sinh học để phòng trừ nhất là khi cây đang ra hoa, thu quả để đảm bảo an toàn cho sản phẩm.

Tổng hợp và kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây khoai tây.

Ở Việt Nam, khoai tây là một trong những cây thực phẩm quan trọng và đặc biệt là một cây hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao. Chỉ trong vòng 90 ngày, từ khi trồng đến khi thu hoạch, cây khoai tây cho giá trị thu nhập cao gấp từ 2 đến 3 lần giá trị thu nhập so với cây lúa. Khoai tây được trồng nhiều ở các tỉnh miền Bắc, Vùng Bắc Trung bộ, Tây Nguyên.

Cây khoai tây.

1. Chọn đất, chuẩn bị đất và giống

a) Chọn đất

Cây khoai tây thích hợp với chân đất tơi xốp, đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất phù sa ven sông với thành phần cơ giới nhẹ thoát nước và giữ ẩm tốt, quy hoạch tập trung, gọn vùng, chủ động tưới tiêu, tốt nhất là ruộng luân canh với lúa nước.

b) Làm đất

Vơ sạch cỏ dại, tàn dư cây trồng vụ trước. Nếu đất còn ướt áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu. Nếu đất khô tiến hành cày bừa và lên luống. Đất sau khi gặt lúa xong, cắt rạ sát gốc, tiến hành cày rãnh để thoát nước và chia luống.

Luống đơn trồng bằng 1 hàng, luống rộng 60 – 70 cm, cao 20 – 25 cm.

Luống đôi trồng 2 hàng, luống rộng 120 – 140 cm, rãnh rộng: 30 – 40 cm, sâu 15 – 20 cm.

Việc làm rãnh nhằm mục đích thoát nước, tránh không để úng nước ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây khoai tây.

c) Chuẩn bị giống

Giống khoai tây có thể để nguyên cả củ trồng nếu là loại củ giống nhỏ. Nếu củ giống to (khối lượng≥ 50 g/củ) nên cắt củ giống trước khi trồng. Ngoài biện pháp cắt củ giống, xử lý bằng cách nhúng vào bột xi-măng, tro bếp, có thể áp dụng biện pháp cắt dính. Phương pháp này bao gồm các bước sau đây:

Chuẩn bị củ giống:

– Củ giống được đem cắt phải có độ trẻ về sinh lý. Tốt nhất là dùng củ giống từ nguồn nhập khẩu hoặc củ giống được bảo quản trong kho lạnh.

– Củ giống khi cắt phải hết thời gian ngủ nghỉ (đã phát mầm).

Chuẩn bị vật liệu và xử lý dao cắt:

– Vật liệu xử lý: Khi áp dụng cắt củ giống thì việc xử lý dao cắt phải rất chú ý; có thể xử lý dao bằng cồn công nghiệp, lửa đèn cồn hay lửa ngọn nến hoặc nước đun sôi bằng bình siêu tốc.

– Dao cắt: Phải sắc và mỏng, không được dùng dao có bản dày, để tránh làm dập nát tế bào ở chỗ cắt.

-Sau mỗi lần cắt nhất thiết phải xử lý lại dao cắt để tránh lây lan bệnh từ củ bị bệnh sang củ sạch bệnh.

Phương pháp và tiêu chuẩn miếng cắt:

-Cắt dọc củ theo chiều của mầm đỉnh với tiết diện miếng cắt phải là nhỏ nhất, để tránh gây thương tổn không cần thiết.

– Cắt củ giống phải tuân thủ tuyệt đối theo phương pháp cắt dính, nghĩa là miếng cắt không rời hẳn ra mà còn dính lại khoảng 2 – 3 mm.

– Cắt củ xong, phải úp ngay hai miếng cắt còn dính lại với nhau (như trước khi cắt) rồi xếp vào khay đựng hoặc rổ, rá và không được cho vào bao tải ẩm ướt.

– Không cần xử lý củ giống sau cắt với bất kỳ loại hoá chất nào.

– Để đảm bảo năng suất khoai tây, mỗi miếng cắt phải có ít nhất 2 mầm trở lên.

– Mỗi củ giống chỉ nên cắt đôi, không nên cắt làm 3 hay 4.

Phương pháp và thời gian bảo quản củ giống sau cắt:

– Sau khi cắt, củ giống phải được bảo quản trong điều kiện 18 – 20 độC, thoáng khí.

– Thời gian để miếng cắt lành lại vết thương mất khoảng 7 – 10 ngày. Trước khi trồng 1 – 2 ngày nên tách hẳn miếng cắt ra làm đôi để’ miếng cắt lành hoàn toàn.

2. Thời vụ trồng

a) Vùng Đồng bằng Bắc bộ: Có 3 vụ:

– Vụ Đông Xuân sớm: Trồng đầu tháng 10, thu hoạch vào tháng 12.

– Vụ chính: Trồng từ 15/10 – 15/11, thu hoạch vào cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm sau.

– Vụ Xuân: Trồng tháng 12, thu hoạch vào đầu tháng 3 năm sau.

b) Vùng miền núi phía Bắc

– Vùng núi thấp <1000 m: Vụ Đông trồng tháng 10, thu hoạch tháng 1 năm sau. Vụ Xuân trồng tháng 12, thu hoạch cuối tháng 3.

– Vùng núi cao >1000 m: Vụ Thu Đông trồng đầu tháng 10, thu hoạch tháng 1. Vụ Xuân trồng tháng 2, thu hoạch tháng 5.

c) Vùng Bắc Trung bộ

Chỉ trồng vụ Đông: Trồng đầu tháng 11, thu hoạch cuối tháng 1.

d) Vùng Tây Nguyên (Lâm Đồng)

Vùng chuyên canh sản xuất khoai tây tại Tây Nguyên chủ yếu là ở tỉnh Lâm Đồng. Lâm Đồng có thể sản xuất khoai tây quanh năm nhưng mùa vụ thuận lợi nhất vẫn là vụ Đông xuân và vụ Xuân, kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.

3. Mật độ, khoảng cách

– Lượng giống: Trung bình 830 – 1.100 củ/ha. Có thể trồng với lượng củ cao hơn tùy thuộc vào tập quán từng vùng và loại củ giống.

– Mật độ: Với củ nhỏ: Cứ 1 m2 trồng 10 củ, cách nhau 17 – 20 cm. Với củ bình thường: 1 m2 trồng 5 – 6 củ, cách nhau 25 – 30 cm.

4. Cách trồng

a) Cách trồng khoai tây nguyên củ

Bón lót phân chuồng hoặc rải một lớp rơm rạ đã ủ hoai mục, đạm và lân xuống đáy rồi lấp 1 lớp đất mỏng lên phân. Đặt củ giống so le nhau, nằm ngang và mầm khoai hướng lên trên. Chú ý không để củ giống tiếp xúc với phân, nhất là phân hóa học. Phủ một lớp đất mỏng (3-5 cm) lên củ giống; sau đó dùng rơm rạ phủ lên mặt luống. Tưới nước ướt đều lên mặt luống làm ẩm rơm rạ và đất; nếu độ ẩm đất còn cao không cần tưới. Có thể dùng đất đè lên rơm rạ tránh rơm rạ bay nếu gió mạnh.

b) Cách trồng khoai tây bổ củ

Rạch hàng trên mặt luống, rải toàn bộ phân chuồng hoai mục và lân vào rạch trộn đều với đất trong rạch. Đặt củ giống hay miếng bổ vào rạch, chú ý tuyệt đối không để mặt cắt của miếng bổ tiếp xúc trực tiếp với phân, đặt mầm hướng lên trên, rồi phủ kín mầm bằng 1 lớp đất dày từ 3 – 4 cm, không được để hở mầm.

Gieo củ.

5. Bón phân

a) Lượng phân bón

– Lượng phân bón bình quân cho 1 ha: Phân chuồng loại mục: 15 – 20 tấn; Đạm urê: 250 – 300 kg; Lân supe: 350 – 400 kg; Kali clorua: 150 – 200 kg. Chú ý: tùy thuộc vào chất đất có thể điều chỉnh lượng phân bón cao lên hoặc thấp đi.

Nếu dùng phân NPK cần đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì và quy đổi về dạng phân đơn để điều chỉnh lượng bón cho phù hợp và cân đối.

Nếu bón phân NEB 26 thì giảm đi 50% đạm (trộn 7 ml NEB 26 với 1 kg đạm để bón sẽ có tác dụng như 2 kg đạm). Không phun NEB26 lên lá và không trộn NEB26 với phân khác ngoài đạm.

b) Cách bón

– Bón lót: Rải toàn bộ phân chuồng và lân + 1/3 đạm + 2/3 kali lên trên mặt luống giữa hai hàng khoai.

– Bón thúc lần 1: Sau khi cây mọc cao 15 – 20 cm: 1/3 đạm, 1/3 kali. Bón vào mép luống hoặc giữa 2 khóm khoai, không bón trực tiếp vào gốc cây vì dễ làm cây chết.

– Bón thúc lần 2: Sau thúc lần 1: 15 – 20 ngày: 1/3 đạm, 1/2 kali.

Chú ý: Bón lót nhiều kali sẽ cho củ to, mẫu mã đẹp. Không bón phân chuồng tươi vì có nhiều vi khuẩn nấm bệnh làm cho mã củ không đẹp và khoai dễ bị thối. Chỉ dùng phân chuồng hoai mục.

6. Chăm sóc

a) Phủ luống

Sau trồng có thể phủ luống khoai tây bằng chất liệu hữu cơ như: rơm, rạ hoặc mùn mục để tạo độ tơi xốp cho đất, giúp cho việc trao đổi chất.

b) Xới xáo, làm cỏ, vun gốc

– Khi cây mọc lên khỏi mặt đất 7 – 10 ngày, cao khoảng 15 – 20 cm tiến hành chăm sóc lần 1 bằng cách xới nhẹ, làm sạch cỏ, bón thúc đợt 1 rồi vun luống, kết hợp tỉa cây để lại 2 – 3 mầm chính.

Cách lần 1 từ 15 – 20 ngày khi đã qua tưới nước lần 2 thì tiến hành xới nhẹ, làm cỏ và vun luống lần cuối, lấy đất ở rãnh vun cho luống to và cao, dày cố định luôn, vun luống không đủ đất sẽ làm vỏ củ bị xanh hoặc mọc thành cây. Vét đất ở rãnh để khi ruộng bị nước sẽ nhanh khô.

c) Tưới nước

Thường xuyên giữ đất đủ ẩm, dùng nguồn nước sạch để tưới. Trong 60 – 70 ngày đầu khoai rất cần nước, nếu thiếu nước hoặc nước trong ruộng không đồng đều lúc khô, lúc ẩm làm củ bị nứt, chất lượng củ và năng suất giảm.

Có hai phương pháp tưới cho khoai tây:

– Tưới gánh: Không tưới nước trực tiếp vào gốc khoai mà tưới xung quanh gốc. Có thể kết hợp tưới với phân đạm và kali nhưng phải chú ý lượng phân hòa với nước, thùng 10 – 12 lít chỉ pha 1 nắm phân nhỏ là vừa. Không kết hợp tưới nước với phân chuồng vì có nhiều nấm gây thối củ.

– Tưới rãnh: Với ruộng phẳng, cho nước ngập 1/2 rãnh, khi nước ngấm đều thì tháo kiệt, tránh để nước đọng ở rãnh trong thời gian dài sẽ làm phát sinh và lây lan nguồn bệnh. Đặc biệt, kh iphát hiện trên ruộng có bệnh héo xanh vi khuẩn thì tuyệt đối không được tưới rãnh vì sẽ tạo điều kiện cho bệnh lây lan rộng. Từ khi trồng đến khi khoai 60 – 70 ngày thường có 3 lần tưới nước. Tưới phải kết hợp với xới xáo, làm cỏ, bón phân thúc.

• Tưới lần 1: Sau trồng khoảng 2 – 3 ngày, khi khoai mọc cao khoảng 20 – 25 cm, nếu đất khô có thể dẫn nước vào ruộng, mỗi lần chỉ cho vào 3 – 4 rãnh, khi đủ nước thì cho tiếp vào 3 – 4 rãnh khác, lấp đầy rãnh củ, tháo đầu rãnh mới để nước thêm đều vào luống. Đất cát pha cho ngập1/2 luống; đất thịt nhẹ cho ngập 1/3 luống, cho nước vào cùng một lúc nhiều rãnh hơn.

• Tưới lần 2: Khoảng 2 – 3 tuần sau lần 1, đất cát pha cho nước ngập 2/3 luống, đất thịt nhẹ cho ngập 1/2 luống làm như lần 1. Kết hợp bón thúc đợt 1 và khử lẫn cây lẫn giống, nhổ bỏ cây bệnh.

• Tưới lần 3: Sau lần tưới 2 khoảng 15 – 20 ngày tiến hành tưới nước lần 3. Đợt tưới nước này cũng là kết thúc cho chu kỳ sản xuất khoai tây, kết hợp bón thúc đợt 2 và khử lẫn cây lẫn giống, nhổ bỏ cây bệnh.

Chú ý: Trước khi thu hoạch khoảng 2 tuần cần ngừng tưới nước. Nếu trời mưa phải tháo nước kịp thời để đất khô ráo tuyệt đối.

7. Phòng trừ sâu bệnh hại chính

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và khuyến khích áp dụng các biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp (sử dụng giống kháng bệnh, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, kỹ thuật làm đất, bón phân, luân xen canh cây trồng hợp lý, vệ sinh đồng ruộng…).

Chú ý các loại sâu chính hại khoai tây là sâu xám, nhện trắng, bọ trĩ, rệp, sâu hà khoai tây; các bệnh chính hại khoai tây như: bệnh vi rút xoăn lùn, bệnh vi rút khảm, bệnh vi rút cuốn lá (PLRV), bệnh héo xanh, bệnh mốc sương. Dùng các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ theo đúng hướng dẫn trên bao bì của mỗi thuốc. Chú ý cách sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách và đúng nồng độ, liều lượng).

8.Thu hoạch và bảo quản

a) Thu hoạch

– Trước khi thu hoạch cần loại bỏ cây bệnh, cắt bỏ thân lá để hạn chế bệnh hại truyền về củ giống. Thu hoạch khoai tây ở thời điểm phù hợp khi thấy lá vàng, cây rạc dần với thời tiết khô ráo. Khoai tây giống thu hoạch sớm hơn 5 – 7 ngày so với khoai thương phẩm.

– Khi thu hoạch, cần phân loại cỡ củ, củ to và nhỏ riêng rẽ, để nhẹ nhàng cho vào sọt ngay trên đồng ruộng để tránh sự sây sát.

b) Bảo quản

– Loại bỏ những củ bị dập, không nguyên vẹn. Bảo quản ở nơi khô, tối và thoáng khí.

– Khoai thương phẩm đóng gói trong bao bì, vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Tổng hợp và kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bê theo mẹ.

Sơ sinh là giai đoạn rất quan trọng vì bê phải thích nghi với cuộc sống bên ngoài cơ thể mẹ. Ngay sau khi sinh bê cần được quan tâm và chăm sóc của người chăn nuôi.

Bê con.

1. Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bê sơ sinh đến 7 ngày tuổi

a. Thức ăn: Sữa đầu rất quan trọng vì giúp tẩy sạch đường tiêu hóa, chứa nhiều kháng thể và các chất dinh dưỡng khác, làm tăng sức đề kháng của bê với các bệnh và tạo thuận lợi trong quá trình sinh trưởng và phát triển sau này. Hệ tiêu hóa của bê sơ sinh có khả năng hấp thu nguyên vẹn các chất từ sữa đầu vào máu, khả năng này giảm dần và đến 62 giờ sau khi sinh khả năng này bằng không. Vì vậy, bê cần được bú sữa đầu càng sớm càng tốt, chậm nhất là 1-1,5 giờ sau khi sinh.

b. Chăm sóc và quản lý bê sơ sinh:

Khi mới sinh bê cần được cắt rốn. Rốn phải được cắt như sau: tay trái cầm cuống rốn đồng thời dùng ngón trỏ và ngón cái của tay phải vuốt mạnh rốn theo chiều từ cuống trở ra và cắt rốn ở khoảng cách 5 – 6cm, sau đó sát trùng chỗ cắt bằng cồn iốt 5%.

Vệ sinh cho bê sơ sinh: dùng giẻ lau, móc hết nhớt bẩn trong mũi, miệng bê, bóc móng. Để bò mẹ liếm hoặc dùng khăn, bao tải, rơm khô mềm lau toàn bộ cơ thể bê.

Sau khi sinh, trước lúc bê bú sữa đầu cần tiến hành cân khối lượng của bê, quan sát đặc điểm lông da, phản xạ mút bú, răng, niêm mạc miệng, tình hình sức khỏe, ăn uống, đi lại… để có chế độ nuôi dưỡng phù hợp và xác định hướng sử dụng sau này. Những thao tác này cần làm nhanh để bê được bú sữa đầu sớm.

Trong chăn nuôi bò thịt, sau khi sinh bê thường theo mẹ và bú mẹ trực tiếp theo nhu cầu. Thường trong những ngày đầu tiên cho bú 3 – 4 lần/ngày, về sau giảm xuống 2 lần/ngày.

Trường hợp phải nuôi bê ghép, cho từng con bú một và đảm bảo các bê đều được bú lượng sữa như nhau.

2. Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bê theo mẹ (sau sơ sinh đến cai sữa)

a. Thức ăn:

Sữa mẹ là loại thức ăn quan trọng nhất đối với bê trong giai đoạn này. Sữa mẹ có các chất dinh dưỡng tương đối hoàn chỉnh và phù hợp với yêu cầu sinh lý của bê. Đồng thời, khả năng tiêu hóa sữa của bê thường trên 95%. Cho nên cần sử dụng tối đa lượng sữa mẹ để nuôi bê. Trong tháng đầu tiên thức ăn chủ yếu của bê là sữa mẹ, các thức ăn khác chỉ là tập ăn.

Thức ăn tinh hỗn hợp: Có thể cho bê tập ăn từ lúc 15 – 20 ngày tuổi vì dạ cỏ phát triển chưa hoàn thiện nên loại thức ăn tinh hỗn hợp tập ăn phải có chất lượng tốt, hàm lượng protein cao. Lượng thức ăn tinh lúc đầu khoảng 0,2kg sau đó tăng dần lên 0,5kg (từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 5).

Cỏ khô: Là loại thức ăn cần thiết vì nó kích thích sự phát triển của dạ cỏ và hoàn thiện hệ vi sinh vật dạ cỏ. Có thể tập cho bê ăn cỏ khô từ lúc 7 – 10 ngày bằng cách để cỏ khô chất lượng tốt vào xô treo trên cũi cho bê.

Cỏ tươi: Có thể tập cho ăn từ cuối tháng thứ nhất bằng cách bổ sung tại chuồng hoặc trực tiếp gặm trên bãi chăn.

Củ quả: Đây là loại thức ăn chứa nhiều bột đường, tương đối ngon miệng nên bê rất thích ăn. Tuy nhiên, vì bột đường dễ lên men nên không cho bê ăn quá sớm mà chỉ cho ăn từ tháng tuổi thứ 3 trở đi, khi cho ăn cần theo dõi phản ứng của đường tiêu hóa, nếu thấy bê bị ỉa chảy thì phải dừng lại.

Chất khoáng: Từ tháng thứ nhất đến tháng tuổi thứ 5 bê cần nhiều Ca và P, nên phải bổ sung thức ăn nhiều khoáng như: bột xương, bột đá vôi, bột vỏ sò… Đồng thời phải cho bê vận động dưới ánh sáng mặt trời để tăng tỷ lệ tiêu hóa và hấp thu Ca tránh bệnh còi xương.

Ngoài sữa mẹ và cỏ, cần bổ sung thức ăn khác nhằm cung cấp thêm dinh dưỡng cho bê trước khi cai sữa. Thành phần thức ăn bổ sung cho bê bú sữa tốt nhất là hỗn hợp các loại thức ăn hạt và thức ăn bổ sung protein-khoáng. Thành phần thức ăn bổ sung nên chứa: 2,4-2,6Mcal ME/kg, 13-16% protein thô, 0,7% Ca, 0,5% P, khoáng vi lượng, vitamin A, D và E. Để tăng tính ngon miệng cho thức ăn có thể bổ sung thêm cám 1 và rỉ mật.

b. Chăm sóc và quản lý:

– Hàng ngày cần quan sát đặc điểm lông, da, phản xạ mút bú, răng, niêm mạc, kiểm tra tình hình sức khỏe, bệnh tật của bê, vệ sinh tiêu độc chuồng nuôi và cũi bê.

– Đảm bảo đủ nước uống và hợp vệ sinh.

– Nơi nhốt bê con phải luôn khô ráo, đủ ánh sáng tự nhiên và có mái che.

Tổng hợp và kiểm duyệt bởi FarmTech.

Kỹ thuật nuôi ong mật (ong nội- Apis cerana).

Những năm qua, nghề nuôi ong lấy mật phát triển mạnh với quy mô nông hộ. Để nuôi ong mật cho hiệu quả cao, người chăn nuôi cần chú trọng đến kỹ thuật nuôi từ khâu chọn giống, chọn địa điểm, tạo chúa….cho đến thu hoạch mật. Sau đây, Ban biên tập xin giới thiệu đến quý bạn đọc kỹ thuật nuôi ong mật (giống ong nội).

Ong mật.

I. Lựa chọn đàn ong giống

– Đàn ong giống phải có nguồn gốc rõ ràng; ong chúa dưới 6 tháng tuổi; không nhiễm bệnh ấu trùng; quân đậu kín 2 mặt cầu; bánh tổ mới, màu vàng và có đủ trứng, ấu trùng, nhộng, mật phấn dự trữ.

– Thùng và cầu ong đúng tiêu chuẩn về kích thước.

II. Kỹ thuật nuôi ong cơ bản

2.1. Chọn địa điểm nuôi ong

– Gần nguồn mật, phấn hoa, khoảng cách kiếm ăn hiệu quả từ tổ ong đến nguồn thức ăn khoảng 500 – 700 m.

– Chỗ đặt thùng ong cần bằng phẳng, khô ráo, mát về mùa hè, ấm về mùa đông, không ngập lụt về mùa mưa; trong điều kiện có đầy đủ nguồn mật, phấn nên bố trí đặt đàn ong với mật độ 40 đàn/ha, khoảng cách giữa các đàn tối thiểu 2 km đối với những đàn có quy mô tối đa 100 thùng.

2.2. Dụng cụ nuôi

– Thùng ong: Làm bằng gỗ khô hoặc nguyên liệu phù hợp, kích thước bên trong là 46,5 cm (dài) x 38 cm (rộng) x 24,5 cm (cao), có cửa sổ để thuận tiện khi di chuyển đàn ong.

– Dụng cụ khác: Mũ lưới, bộ tạo chúa, bộ gắn tầng chân, lưới lọc mật, dao cắt mật, thùng quay mật…

2.3. Tạo chúa

Mục đích: Tạo ra các ong chúa mới để nhân thêm đàn ong, thay ong chúa già, ong chúa của đàn bị bệnh.

* Phương pháp:

– Sử dụng mũ chúa chia đàn tự nhiên: Vào mùa ong chia đàn tự nhiên chọn các mũ chúa to, dài, thẳng, từ những đàn ong chia đàn đông quân nhiều cầu, khỏe mạnh. Dùng dao sắc cắt trên gốc mũ chúa 1,5 cm theo hình chữ V để gắn vào đàn ong cần thay chúa.

– Tạo chúa cấp tạo: Chọn đàn theo tiêu chuẩn: tụ đàn lớn, năng suất mật cao, không nhiễm bệnh ấu trùng, hiền lành để tạo chúa.

+ Tiến hành: Bắt chúa khỏi đàn, loại bỏ 1 – 2 cầu, sau 2 – 3 ngày kiểm tra loại bỏ tất cả các mũ chúa trên bề mặt bánh tổ và mũ chúa đã vít nắp, cho đàn ong ăn 3 – 4 tối liên tục, 9-10 ngày sau cắt những mũ chúa đã chín để sử dụng.

– Tạo chúa di trùng: Khi số đàn ong trong trại từ 10 đàn trở lên, tạo chúa theo phương pháp di trùng là cần thiết nhằm chủ động về thời gian, số lượng và chất lượng ong chúa.

+ Chuẩn bị dụng cụ tạo chúa: Quản chúa đường kính 7 – 7,5 cm, khung cầu tạo chúa, kim di trùng, sáp vít nắp…

+ Chọn đàn mẹ: Theo tiêu chuẩn đàn làm giống.

+ Chọn đàn nuôi dưỡng: Đông quân, không bị bệnh, dự trữ mật phấn nhiều, có biểu hiện chia đàn tự nhiên. Tách chúa khỏi đàn nuôi dưỡng và rũ bớt cầu để tăng cường ong thợ nuôi dưỡng ấu trùng ong chúa, cho ong ăn thêm.

Đưa ấu trùng vào chén sáp.

2.4. Chia đàn

– Chia đàn song song: Là chia 1 đàn ong ban đầu thành 2 đàn ong mới đặt song song với nhau cách đều vị trí ban đầu.

+ Tiến hành: Vào buổi chiều, những ngày thời tiết nắng ấm đem thùng không có ván ngắn đã vệ sinh sạch sẽ đặt cạnh đàn định chia, chia đều số cầu, số quân, số con (trứng, ấu trùng, nhộng) thức ăn về 2 đàn ong. Đặt 2 thùng ong song song với nhau về 2 bên và cách vị trí đàn cũ khoảng 20 – 30 cm, cần biết rõ ong chúa ở đàn nào để giới thiệu chúa vào đàn không chúa. Quan sát ong đi làm về, nếu đàn nào về nhiều cần dịch ra xa và đặt đàn kia gần lại. Trường hợp ong vẫn về 1 đàn sau khi điều chỉnh cần đổi vị trí 2 đàn cho nhau. Chú ý nếu chia đàn sử dụng mũ chúa, khi chúa tơ đã tập bay thì không được điều chỉnh vị trí đàn chia nữa.

– Chia đàn rời chỗ: Là phương pháp chia một nửa đàn ong giống như chia song song hoặc tách một phần đàn rồi chuyển đến chỗ mới cách vị trí đàn cũ khoảng 1 km trở lên.

+ Tiến hành: Mang thùng không đặt cạnh đàn định chia. Tách 1 nửa hoặc một phần đàn với các cầu có mật vít nắp, phấn và con, quân phủ kín cầu cho vào thùng đến nơi có địa hình quang đãng, nên để đàn giới thiệu mũ chúa lại, trường hợp giới thiệu mũ chúa vào đàn chuyển đi nên giới thiệu mũ chúa sau khi đàn ong đã được chuyển đến nơi mới.

2.5. Quản lý ong bốc bay và cho ăn bổ sung

– Ong bốc bay: Do bị thiếu thức ăn, bị các bệnh thối ấu trùng, bị các kẻ thù phá hoại như sâu ăn sáp, kiến, ong rừng, sai sót trong kỹ thuật quản lý như đặt nơi không phù hợp, đàn ong bị chấn động…

+ Đề phòng: Cần duy trì đàn ong có đủ mật, phấn dự trữ; phòng trừ địch hại kịp thời, viện cầu tiêu chuẩn cho đàn ong sắp bốc bay, thường xuyên kiểm tra đàn ong.

+ Khi đàn ong đã bốc bay, nhanh chóng bắt lại, đến tối rũ ong vào thùng đã chuẩn bị sẵn từ 1 đến 2 cẩu ong có mật vít nắp, phấn, trứng, ấu trùng, nhộng.

– Cho ong ăn bổ sung: Hàng năm vào tháng 7 – 8, tháng 1 – 2 ở phía Bắc và tháng 7 – 9 ở các tỉnh phía Nam, khi ngoài tự nhiên thiếu thức ăn hoặc do thời tiết xấu kéo dài ong không đi làm được, phải cho ong ăn bổ sung.

+ Cách cho ăn: Pha nước đường đặc, tỷ lệ 1,5 đường: 1 nước, cho ăn ít lần nhưng lượng nhiều, cho ăn 3 – 4 tối liên tục đến khi các lỗ mật vít nắp. Thông thường 1 đàn ong 3 cầu cho ăn khoảng 1 -1,5 kg đường kính trắng.

– Cho ong ăn kích thích: Khi thức ăn ở ngoài tự nhiên chỉ đủ duy trì, cho ong ăn kích thích để thúc ong chúa đẻ nhiều hơn, ong thợ tích cực kiếm ăn, xây cầu nhanh hơn…

+ Cách cho ăn: Pha nước đường loãng hơn, tỷ lệ 1 đường : 1 nước, cho ăn nhiều lần nhưng lượng ăn ít, mỗi tối đàn ong 3- 5 cầu, cho ăn khoảng 0,2 – 0,3 kg đường trong 2 – 3 tối, sau đó nghỉ 2 – 3 tối rồi lại cho ăn 2 – 3 tối nữa.

2.6. Thu hoạch mật ong

– Chuẩn bị dụng cụ: Rửa sạch, phơi khô máy quay mật, dao cắt vít nắp, lưới lọc mật, đồ chứa mật.

– Quay mật khi thấy ong đi làm nhiều, các bánh tổ có lỗ tổ mật vít nắp trắng, cơi cao (trên 70% lỗ tổ mật vít nắp), trên cây có khoảng 20 – 25% hoa nở.

– Nơi quay mật phải sạch sẽ.

– Nên quay vào buổi sáng để mật đặc hơn, không lẫn mật mới lấy về.

– Các bước thu hoạch mật:

+ Rũ ong khỏi cầu.

+ Dùng dao sắc hớt nhẹ vít nắp lỗ tổ mật, đưa dao từ dưới lên trên tránh làm vỡ các lỗ tổ.

+ Đặt các cầu đã cắt vít nắp vào khung máy quay; quay đều tay với tốc độ tăng dần, khi hết mật thì giảm dần tốc độ để bánh tổ không bị vỡ và ấu trùng không bị văng ra.

+ Trả bánh tổ đã quay vào đàn để ong ủ ấm ấu trùng.

+ Lọc mật bằng vải màn hoặc lưới inox có mặt lưới từ 8 đến 32 lỗ/cm2.

+ Bảo quản mật trong can, chai, có nút đậy kín; để nơi thoáng, mát; không để gần các chất có mùi như dầu hoả, mắm tôm,…

Tổng hợp và kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Ứng dụng tiến bộ kĩ thuật sản xuất giống cá trắm đen.

Để chủ động sản xuất được con giống tại chỗ, năm 2017 và 2018, Trung tâm Giống thủy sản (nay sáp nhập với Trung tâm Khuyến nông Thái Bình) thực hiện đề tài “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất giống cá trắm đen”.

Kiểm soát cá giống.

Trung tâm đã chọn và đưa vào nuôi vỗ 50 cặp cá bố mẹ, kết quả cá bố mẹ thành thục đạt 64%, tiến hành cho sinh sản nhân tạo được 9 đợt. Tỷ lệ đẻ đạt trung bình đạt 78%, thu được 149,5 vạn trứng. Tỷ lệ thụ tinh trung bình đạt 72%, tỷ lệ nở trung bình 62% và thu được 52,7 vạn con cá bột. Tiến hành ương 52,7 vạn con cá bột thu được 26,4 vạn con cá hương, tỷ lệ sống đạt 49,4%. Từ 26,4 vạn con cá hương cỡ 2 – 4 cm nuôi ương thành cá giống cỡ 4 – 6 cm thu được 15,2 vạn con, tỷ lệ sống trung bình đạt 57,4%. Các chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu đề tài xây dựng.

Sau 2 năm triển khai đề tài, Trung tâm đã ứng dụng thành công kỹ thuật lựa chọn và nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ; kỹ thuật sử dụng kích dục tố, cho đẻ và ấp trứng; kỹ thuật ương cá bột thành cá hương cỡ 2- 4cm; kỹ thuật ương từ cá hương cỡ 2 – 4 cm thành cá giống cỡ 4 – 6 cm.

Với việc ứng dụng thành công kỹ thuật sinh sản nhân tạo giống cá trắm đen, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã góp phần chủ động nguồn giống và khôi phục, bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn lợi cá trắm đen tự nhiên trong tỉnh.

Nguồn: nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi FarmTech VietNam.

Hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh hại quan trọng trên cây rau họ thập tự.

Trên cây rau họ thập tự thường xuất hiện một số sâu bệnh hại: sâu tơ, sâu xanh bướm trắng, sâu khoang, bọ nhảy, bệnh thối nhũn, bệnh đốm vòng, bệnh thối hạch… Để phòng trừ hiệu quả, cần áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, theo dõi phát hiện sớm và xử lý kịp thời.

1. Biện pháp canh tác:

– Vệ sinh đồng ruộng: Thu gom và tiêu huỷ tàn dư cây trồng mang nguồn bệnh như các bệnh thối nhũn, thối hạch, sương mai,… hại rau họ thập tự, cỏ dại ký chủ sâu hại, hạn chế nguồn lây lan…

– Sử dụng giống khoẻ, sạch sâu bệnh, sử dụng giống chống chịu:

+ Chỉ sử dụng giống khoẻ, hạt có tỷ lệ nảy mầm cao, sạch sâu bệnh.

+ Nên gieo giống trên giá thể khay bầu, đảm bảo chất lượng cây giống cho ruộng sản xuất.

– Chăm sóc:

+ Phân bón: Bón phân đúng kỹ thuật, bón vừa đủ và cân đối cho từng loại/ giống rau, từng loại đất, từng mùa vụ, đúng thời kỳ tạo điều kiện cho cây sinh trưởng tôt, tăng sức đề kháng với sâu bệnh (1 ha bón khoảng 20-30 tấn phân chuồng hoai mục, 100-150 kgN, 30-50 kg P2O5, 40-60 Kg K2O, chú trọng phân hữu cơ khoáng, phân lân vi sinh…)

+ Tưới nước: Luôn đảm bảo ruộng rau đủ ẩm, không đọng nước.

– Thời vụ: Lựa chọn loại rau/giống phù hợp với từng mùa vụ để cây sinh trưởng thuận lợi.

– Mật độ gieo trồng: Gieo trồng mật độ hợp lý, đảm bảo ánh sáng và không khí lưu thông tốt, hạn chế sâu bệnh phát sinh

– Xen canh: Xen canh với cây trồng khác họ, hạn chế nguồn ký chủ và xua đuổi sâu hại (cà chua xen rau thập tự để xua đuổi sâu tơ)

– Luân canh: với lúa nước, các cây khác họ không cùng ký chủ sâu, bệnh hại làm gián đoạn nguồn thức ăn của sâu bệnh hại

– Bẫy cây trồng: Trồng xen cây khác không thu hoạch trên diện nhỏ để thu hút sâu hại và phun trừ chúng (cây hướng dương hấp dẫn sâu khoang).

Lựa chọn loại rau và giống phù hợp với từng mùa vụ để cây sinh trưởng thuận lợi.

2. Biện pháp thủ công:

Sử dụng bẫy đèn, bẫy dính màu vàng, màu xanh bắt và tiêu diệt rệp có cánh, ruồi đục lá, bọ nhảy; ngắt ổ trứng sâu, bắt giết sâu non, tiêu huỷ cây bị sâu bệnh, xử lý nhiệt hạt giống,…

3. Biện pháp sinh học: Khai thác và sử dụng những sinh vật có lợi (thiên địch, kẻ thù của sâu hại), các sản phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại cây.

– Bảo vệ thiên địch: Các loài bọ rùa ăn rệp, ăn sâu hại; Các loài ong ký sinh trứng, sâu non, nhộng của sâu hại; Các loài kiến, bọ cánh cứng, nhện,… ăn sâu hại

– Sử dụng bẫy Pheromone giới tính: Thu hút sâu hại trưởng thành vào bẫy rồi tiêu diệt (trưởng thành sâu khoang, sâu xanh bướm trắng, sâu tơ,…)

– Sử dụng thuốc sinh học và thuốc thảo mộc:

+ Các chế phẩm sinh học Bacillus thuringiensis phòng trừ sâu tơ, sâu xanh bướm trắng, nấm ký sinh côn trùng Beauveria, Metarhizium,…

+ Thuốc thảo mộc Azadirachtin, Rotenone,… được dùng phòng trừ, xua đuổi và gây ngán nhiều sâu hại trên rau.

+ Nấm đối kháng Trichoderma hạn chế một số loại nấm bệnh.

4. Biện pháp hoá học: Sử dụng các chất hoá học để phòng trừ sâu bệnh hại cây, chỉ nên sử dụng những loại thuốc sau trong trường hợp cần thiết.

– Các loại thuốc chọn lọc, ít độc hại cho con người và môi trường

– Các loại thuốc nhanh phân hủy

– Các loại thuốc nhóm độc thấp (nhóm 3, 4)

– Áp dụng biện pháp xử lý hạt giống và cây con. Sử dụng thuốc phải theo nguyên tắc 4 đúng:

1. Đúng lúc: Phun lúc sâu non tuổi nhỏ, vết bệnh mới xuất hiện. Giai đoạn sinh trưởng của cây. Phun sáng sớm hoặc chiều mát, không mưa,…

2. Đúng thuốc: Cho từng đối tượng dịch hại, luân phiên các loại thuốc,…

3. Đúng cách: Thực hiện thao tác pha-phun đúng hướng dẫn của từng loại thuốc,…

4. Đúng liều lượng, nồng độ: Theo đúng hướng dẫn của từng loại thuốc (về lượng dùng, lượng nước pha)

NHỮNG SÂU BỆNH HẠI CHÍNH TRÊN RAU HỌ THẬP TỰ

1. Sâu tơ (Plutella xylostella:) Là đối tượng gây hại nguy hiểm, có khả năng chống thuốc rất nhanh. Hại nặng từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.

2. Sâu xanh bướm trắng (Pieris rapae): Phát sinh quanh năm nhưng hại nặng từ tháng 8-10 và từ tháng 2- 4. Vòng đời 20-30 ngày .

3. Sâu khoang (Spodoptera litura): Trưởng thành đẻ trứng thành ổ. Sâu non mới nở sống tập trung dưới mặt lá (rất dễ phát hiện), tuổi 3 trở đi sâu mới phát tán và ăn khuyết lá, lúc này sâu hay đục vào nõn.

* Phòng trừ các loại sâu ăn lá: Xử lý cây con, hạt giống trước khi trồng. Trên ruộng: ngắt ổ trứng, ổ sâu non mới nở, thu sâu to, nhộng, bẫy pheromone, sử dụng luân phiên các loại thuốc sinh học với các thuốc hoá học và các thuốc thảo mộc (Một số loại thuốc thông dụng: Delfin WG – 32 BIU; Elincol 12 ME; V-Bt; Proclaim; Xentari 35WDG; Pegasus 500SC; Amate 150EC; Mach 050EC; Vinaneem 2SL; Vertimex 1.8EC; Fortenone 5WP; Success 25EC, Enasin 32WP, Atabron 5 EC,…)

4. Rệp xám (Brevicoryne brassicae), Rệp đào (Myzus percicae): Rệp phát triển mạnh trong điều kiện khô hạn. Nếu không sớm phát hiện, rất khó trừ về sau.

5. Bọ nhảy sọc cong (Phyllotreta striolata): Sâu non hại rễ cây, trưởng thành ăn lá tạo thành những lỗ thủng. Chúng phát sinh quanh năm, trưởng thành sống từ 2-3 tháng hoặc lâu hơn, đẻ trứng lai rai nên không thành lứa rõ rệt, nhiệt độ thích hợp 25-300C.

* Phòng trừ rệp, bọ nhảy: Cần theo dõi phát hiện sớm, xử lý các cây giống trước khi trồng. Đặt bẫy dính, chọn một trong các loại thuốc: Chế phẩm nấm Beauveria, Metarhizium, Elincol 12 ME, Sokupi 0,36AS, Oshin 20WP, Elsin 10EC, Ecasi 20EC,…

6. Bệnh thối nhũn: Do Vi khuẩn Erwinia carotovora gây ra. Bệnh thường xuất hiện khi cây đã lớn và lây nhiễm rất nhanh, gây thối nhũn, có mùi khó chịu. Bệnh thường hại nặng vào cuối vụ muộn, kể cả trong khi bảo quản bệnh cũng phát triển nhanh.

7. Bệnh đốm vòng: Do nấm Alternaria brassicae gây ra, phá hại trên cải bắp, su hào và gây hại nặng cả khi cây đã lớn. Vết bệnh hình tròn, nhiều vòng tròn đồng tâm, có khi liên kết với nhau , trên mặt có một lớp mốc khi độ ẩm cao

8. Bệnh thối hạch: Do nấm Sclerotinia sclerotiorum gây ra trên cải bắp. Cây con bị bệnh dễ thối nhũn gốc và đổ rạp. Cây lớn bị bệnh, bệnh lan từ thân lên bắp đang cuốn làm thối từ ngoài vào trong, cây có thể chết thối khô trên ruộng. Bệnh phát triển mạnh khi ẩm độ cao.

* Phòng trừ bệnh: Xử lý hạt giống, cây con, dọn sạch tàn dư cây bệnh để tiêu hủy.

Các thuốc sử dụng trừ bệnh đốm vòng: Bellkute 40WP, Score 250EC, Daconil 75WP, Validacin 3L,…

Các thuốc phòng trừ bệnh thối hạch, thối nhũn: Kasai 21,2 WP, Kasuran 50WP, Bavistin 50SL, Ensino 40SC, Cantox-D50WP,…

Nguồn: khuyennongvn.gov.vn được kiểm dịch bởi FarmTech VietNam.