Nuôi kết hợp tôm hùm với bào ngư và xẹm xanh

Nghề nuôi tôm hùm phát triển nhanh và tập trung ở một số khu vực hẹp nên chất thải của hoạt động nuôi tích luỹ ngày càng nhiều gây tác động xấu đến môi trường. Để duy trì và phát triển nghề nuôi thuỷ sản theo hướng bền vững thì không còn con đường nào khác là phải hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường.

Ý tưởng nuôi kết hợp được nhiều nhà khoa học đề cập đến như nuôi khép kín gồm cá, vẹm, rong biển. Chất thải của cá làm gia tăng nguồn dinh dưỡng trong thuỷ vực tạo điều kiện cho tảo biển phát triển. Tảo làm thức ăn cho vẹm, phân thải của vẹm lại bổ sung dinh dưỡng cho rong biển. Vẹm được chế biến thành thức ăn cho cá, sau đó thức ăn dư thừa từ các lồng nuôi cá lại thúc đẩy sự phát triển của vẹm, rong biển và tảo, tạo nên vòng chuyển hoá dinh dưỡng và năng lượng khép kín trong thuỷ vực. Viện Nghiên cứu NTTS III thực hiện đề tài nhà nước “Nghiên cứu công nghệ và xây dựng quy tình nuôi kết hợp đa đối tượng hải sản trên biển theo hướng bền vững”. Đề tài thuộc chương trình KC 06 thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Địa điểm được triển khai tại Xuân Tự, huyện Vạn Ninh, Khánh Hoà.

Hai lồng nuôi tôm hùm 25m2/lồng, mật độ thả 100con/lồng, kích thước tôm ban đầu trên 100 gam/con. Một lồng nuôi đơn, một lồng ghép thêm các đối tượng vẹm xanh, rong sụn và bào ngư. Tỷ lệ ghép giữa tôm hùm, vẹm xanh, rong sụn là 2:25:30 (theo trọng lượng). Vẹm xanh được nuôi bằng phương pháp treo dây xung quanh lồng, kích thước giống 2-3cm/con. Mỗi dây vẹm bố trí 4 cụm (0,5 kg vẹm giống/cụm). Rong sụn được treo bằng dây trong và xung quanh lồng và cách mặt nước 50cm. Rong giống thả cỡ 1,5kg/1mdây. Cách 20cm treo một cụm.

Bào ngư được thả nuôi bằng lồng nhựa xung quanh lồng nuôi tôm hùm. Lồng nuôi bào ngư có kích thước 30x40x25cm. Mật độ thả ương: 200 con/lồng. Sau 1 tháng nuôi chuyển sang các rổ có mắt lưới lớn hơn để nuôi thương phẩm. Mật độ: 20-30 con/lồng. Viện Nghiên cứu NTTS III đã tiến hành nuôi bào ngư ở các mật độ khác nhau 10, 20, 36, 75 và 88 con/lồng. Mỗi mật độ bố trí nuôi bào ngư theo các nhóm kích thước khác nhau. Thức ăn cho bào ngư là rong câu chỉ vàng, rong sụn.

Theo dõi các yếu tố môi trường như pH, nhiệt độ, hàm lượng oxy hoà tan, độ mặn, đo 1 lần/tuần. Các yếu tố như nitrate, phosphate, ammonium-nitrogen, tổng N, tổng P được xác định 1 lần/tháng.

Theo dõi tốc độ sinh trưởng: Định kỳ 15 ngày đo trọng lượng và chiều dài các đối tượng nuôi 1 lần.

Thức ăn cho tôm hùm là các loại cá tạp, thân mềm, tôm nhỏ, cua…Thường xuyên vớt bỏ thức ăn thừa, kiểm tra đáy lồng. Hằng ngày lặn kiểm tra thức ăn thừa, sức khoẻ tôm, chất đáy, địch hại như cua, ghẹ, cá nóc…quanh lồng. Lượng thức ăn và thức ăn dư thừa được cân đo hằng ngày để xác định hệ số tiêu tốn thức ăn.

Kết thức thí nghiệm, Viện nghiên cứu NTTS III đã tổng kết và đánh giá hiệu quả kinh tế của các mô hình nuôi như sau:

Hàm lượng ni tơ (N), phốt pho (P) tổng số trong nền đáy lồng nuôi ghép thấp hơn nuôi đơn.

Tốc độ sinh trưởng trung bình về trọng lượng của tôm hùm ở lồng nuôi đơn là 0,48%/ngày và 0,53%/ngày ở lồng nuôi ghép, sinh trưởng của bào ngư là 1,47%/ngày, vẹm xanh là 0,57%/ngày và của rong sụn là 3,97%/ngày.

Không có sự khác nhau về sinh trưởng khi nuôi bào ngư ở các mật độ 10, 20, 36 và 75 con/lồng. Tuy nhiên, ở mật độ 88 con/lồng thì tốc độ sinh trưởng có sự sai khác ý nghĩa thống kê, đó là tốc độ sinh trưởng của bào ngư giảm. Tỷ lệ sống của bào ngư giảm khi tăng mật độ nuôi.

Hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi ghép cao hơn nuôi đơn, lợi nhuận thu được tăng 42,44% trong khi chi phí đầu tư chỉ tăng thêm 16,42%, tổng chi phí sản xuất tăng 39,37%.

Nguồn: Viện NTTS III được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm Bào ngư vành tai (Haliotis asinina Linne,1758)

Vùng biển Việt Nam có 4 loài bào ngư phân bố gồm bào ngư chín lỗ (Haliotis diversicolor Reeve, 1864), bào ngư bầu dục (Haliotis ovina Gmelin, 1791), bào ngư vành tai (Haliotis asinina Linne, 1758) và bào ngư dài (Haliotis varia Linne, 1758). Trong các loài đó, bào ngư vành tai phân bố khá phổ biến ở vùng biển miền Trung và miền Nam. Đây là loài có nhiều tiềm năng phát triển nuôi do kích thước cơ thể lớn và tốc độ tăng trưởng nhanh.

1. Kỹ thuật sản xuất giống

1.1. Nuôi vỗ thành thục bào ngư bố mẹ trong hệ thống bể xi măng

– Chọn tuyển những con đực và cái có chiều dài vỏ từ 60 – 80mm, không bị tổn thương đưa vào nuôi trong các lồng nhựa treo trong bể xi măng

– Nhiệt độ nước trong bể duy trì ở 27-300C; độ mặn: 30- 340/00; nước chảy ra vào bể nuôi với vận tốc 15 l/phút

– Thức ăn là rong câu chỉ vàng (Gracilaria asiatica) tươi

– Lượng thức ăn bằng 30 – 40% khối lượng cơ thể

1.2. Kích thích sinh sản

– Sau khi bào ngư thành thục được bắt vào bể đẻ với tỷ lệ đực/cái là 1/7 hoặc 1/10

– Kích thích bào ngư sinh sản bằng sốc nhiệt kết hợp với hệ thống nước chảy và thay đổi chu kỳ chiếu sáng ngày và đêm trong bể.

– Trứng thụ tinh được lọc, rửa sạch và chuyển qua bể ấp với mật độ 5 – 10 trứng/ml.

1.3. Ương nuôi ấu trùng trôi nổi

– Sau 5-7 giờ trứng nở, thu ấu trùng Trochophore đưa vào bể ương với mật độ 5-10con/mml

– Sau 22 giờ ấu trùng Trochophore biến thái chuyển thành ấu trùng Veliger bơi lội tự do trong nước nhờ vành tiêm mao, chưa ăn thức ăn ngoài, dinh dưỡng bằng noãn hoàng.

1.4. Ương nuôi ấu trùng bám (spat) và bào ngư con

– Sau 40-48 giờ kể từ lúc trứng được thụ tinh, ấu trùng Veliger chuyển thành ấu trùng bám và xuống sống bám vào các bản nhựa có tảo đáy Navicula sp. làm thức ăn và bắt đầu ăn thức ăn tảo đáy.

– Mật độ ương thích hợp là 200-300 con/bản tảo (25x25x0,2)cm

– Sau hai tháng, ấu trùng bám chuyển thành bào ngư con có chiều dài vỏ 3-5mm. Mật độ ương giai đoạn này là 50-100 con/bản tảo

– Sau 3 tháng thu được con giống 10-15mm, chuyển ra nuôi thương phẩm trong bể xi măng hoặc trong lồng treo bè ngoài biển.

2. Kỹ thuật nuôi thương phẩm

Có 2 loại hình nuôi thương phẩm bào ngư vành tai: Nuôi trong lồng treo ở bể xi măng và nuôi trong lồng treo trên bè ngoài biển

2.1. Nuôi trong lồng treo ở bể xi măng

– Lồng nuôi bằng nhựa hình chữ nhật kích thước 40x40x28cm

– Mật độ nuôi ban đầu 60 – 100 con/lồng.

– Khi bào ngư nuôi đạt kích thước 20-25mm, san thưa lồng nuôi với mật độ 30-35 con/lồng. Lồng được treo trong bể xi măng 15-20m3.

– Điều kiện môi trường nuôi: nhiệt độ 26-310C, độ mặn 30-340/00, độ oxy hoà tan >4ml/l.

– Thức ăn là rong câu chỉ vàng, 3-4 ngày cho ăn một lần, lượng thức ăn bằng 30% trọng lượng cơ thể. Tạo dòng nước luân chuyển tuần hoàn trong bể nuôi với tốc độ 15-20 lit/phút. Bào ngư đạt kích thước thương phẩm 5-6cm sau 9-10 tháng nuôi.

2.2. Nuôi trong lồng treo trên bè

– Lồng nuôi được làm bằng lưới có kích thước 40x30x28 cm

– Mật dộ ban đầu là 40-60 con/lồng

– Điều kiện môi trường nuôi: nhiệt độ 26-310C, độ mặn 30-340/00, độ oxy hoà tan >4ml/l.

– Thức ăn là rong câu chỉ vàng, 3-4 ngày cho ăn một lần, lượng thức ăn bằng 30% trọng lượng cơ thể. Bào ngư đạt kích thước thương phẩm 5-6cm sau 9-10 tháng nuôi.

Nguồn: Viện NTTS III được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật sinh sản Bào ngư chín lỗ

Kỹ thuật nuôi Bào ngư chín lỗ:

Bào ngư chín lỗ Haliotis diversicolor

I. Phạm vi:

– Bãi nuôi có nề​n đáy là các đá phiến xếp tầng, đá tảng lớn tạo nên các hang hốc cho bào ngư ẩn nấp. Nơi có nhiều thực vật biển như rong mơ (Sargassum), rong câu (Gracilaria), rong đông (Hypnea)… phân bố.

– Nước có độ mặn cao, ổn định: 29-32‰; nhiệt độ: 18-30oC; độ pH: 7,5-8,5; hàm lượng ôxy hoà tan≥ 5 mg/l; Các thông số môi trường khác nằm trong giới hạn cho phép đối với vùng nuôi trồng thủy sản theo QCVN 10-MT:2015/BTNMTQuy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước biển.

– Bãi nuôi có nước lưu thông tốt, độ trong mực nước > 1,5m; độ sâu mực nước nuôi đạt từ 1-3 m so với 0 m hải đồ; lưu tốc dòng chảy từ 1-5 cm/s.

– Bãi nuôi có hoặc đã có bào ngư tự nhiên phân bố; được địa phương giao hoặc cho thuê mặt nước sử dụng;nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản của địa phương.

– Bãi nuôi không bị ảnh hưởng bởi các chất thải từ các khu chăn nuôi, nước thải sinh hoạt, vận tải thuỷ. Thuận tiện cho đi lại, trông coi, chăm sóc, quản lý bào ngư nuôi.

II. Nội dung quy trình

1. Chuẩn bị bãi nuôi

– Bãi nuôi thương phẩm bào ngư phải đảm bảo các điều kiện về phạm vi áp dụng.

– Diện tích bãi nuôi từ 3.000 m2 trở lên. Nếu nền đáy bãi nuôi ít gồ ghề, ít hang hốc, có thể xếp thêm đá làm giá thể cho bào ngư bám và ẩn nấp.

– Sử dụng hệ thống dây, phao neo (hoặc các cọc bê tông đổ cố định trên vùng triều) để đánh dấu, xác định vùng nuôi. Có biển báo hiệu vùng nuôi (nếu cần thiết).

2. Chuẩn bị con giống và thả giống

2.1. Tiêu chuẩn con giống:

– Có chất lượng tốt, khoẻ mạnh, hình dạng hoàn chỉnh, không dị hình, lực bám mạnh.

– Không mang mầm bệnh, được kiểm dịch trước khi đưa ra vùng nuôi (theo Thông tư số26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT).

– Kích thước chiều dài vỏ con giống đạt tối thiểu đạt 8 – 10 mm.

2.2. Vận chuyển con giống:

– Vận chuyển con giống vào lúc chiều mát hoặc buổi tối, tránh vận chuyển lúc thời tiết nắng nóng.

– Phương pháp vận chuyển:

1. Vận chuyển ướt:

+ Vận chuyển gần (dưới 3 giờ): Bào ngư giống được thu dồn và cho bám vào các bản nhựa. Đặt các bản nhựa trong các thùng xốp có nước sấp hết bản nhựa. Phủ một lớp mỏng rong biển tươi lên trên mặt và giữa các bản nhựa. Mỗi bản nhựa (kích thước: 40 cm x 30 cm) cho bám khoảng 200-300 con giống. Sục khí trong suốt quá trình vận chuyển.

+ Vận chuyển xa (từ 3-12 giờ): Bào ngư giống được thu nhốt vào trong các ống nhựa PVC, đường kính ống 70-80 mm, chiều dài ống 100-150 mm, hai đầu ống bịt lưới, trong ống cho một ít rong biển tươi (chiếm 1/3-1/4 ống). Mỗi ống nhốt khoảng 150-200 con giống. Cho các ống nhựa PVC vào các túi nilon có chứa nước (đảm bảo sấp hết các ống nhựa). Mỗi túi nilông (kích thước: 80 x 50 cm) chứa khoảng 10-15 ống PVC (khoảng 2.000 – 2.500 con giống). Bơm đầy không khí vào trong túi, buộc chặt, đặt túi vào trong các thùng xốp cách nhiệt, cho 3-4 viên đá nhỏ (đường kính khoảng 10 cm) xung quanh bên trong thùng xốp. Đậy chặt lắp, duy trì ổn định nhiệt độ trong thùng xốp khi vận chuyển 20-22oC. Sau 6-7 giờ vận chuyển, thay nước trong túi và bơm lại khí một lần.

2. Vận chuyển khô: Vận chuyển xa (từ 12-24 giờ). Bào ngư giống được thu vào trong các lồng nhựa có lắp đậy (kích thước lồng: 50 x 30 cm chứa khoảng 500 con giống). Cho lồng nhựa vào trong thùng xốp, đáy thùng có 1 lớp vải ẩm. Hạ từ từ nhiệt độ trong thùng xốp xuống khoảng 8-10oC (trong 1 giờ). Duy trì nhiệt độ trong thùng xốp trong quá trình vận chuyển bằng túi đá khô lạnh đặt sẵn trong thùng.

2.3. Kỹ thuật thả giống:

– Sau khi vận chuyển từ nơi sản xuất đến nơi nuôi, cần tiến hành làm cho bào ngư thích nghi với môi trường nuôi mới trước khi thả:

+ Với phương pháp vận chuyển bằng thùng xốp có sục khí: Cho thùng xốp xuống mặt biển khu vực nuôi. Múc dần nước biển tại khu vực nuôi vào các thùng xốp để bào ngư thích nghi dần với điều kiện môi trường nuôi mới (trong khoảng 10-15 phút).

+ Với phương pháp vận chuyển bằng túi nilon có bơm khí: Cho toàn bộ túi nilon chứa bào ngư giống xuống khu vực nuôi. Sau 10-15 phút, mở miệng túi nilôn để nước biển dần dần vào trong hoà lẫn với nước vận chuyển bào ngư có sẵn trong túi.

+ Với phương pháp vận chuyển khô: Chuẩn bị sẵn các thùng xốp có chứa nước biển vùng nuôi, hạ nhiệt độ nước trong thùng xuống còn 8-10oC bằng nhiệt độ trong thùng khi vận chuyển. Cho toàn bộ lồng nhựa chứa bào ngư khi vận chuyển vào trong thùng xốp, xục khí mạnh. Nhiệt độ nước trong thùng xốp tăng dần theo nhiệt độ môi trường và bào ngư sẽ dần hồi tỉnh.

– Thời gian thả giống: Quanh năm, tránh thả giống vào thời điểm nắng nóng. Tốt nhất là tháng 3-5 dương lịch hàng năm.

– Thời điểm thả giống: Vào lúc chiều muộn khi thời tiết mát mẻ(16-17 giờ chiều).

– Mật độ thả: 5-10 con/m2.

– Kỹ thuật thả: Khi thủy triều xuống thấp, đưa cả ống nhựa PVC chứa bào ngư giống xuống đáy. Bỏ lưới bịt ở hai đầu ống, ống đặt nằm ngang, đè đá chặt lên thành ống để cố định ống không bị xê dịch. Cũng có thể tách bào ngư rồi cho bám vào các viên đá, khi thả tiến hành đưa các viên đá có bào ngư bám vào trong các hang hốc trên nền đáy. Sau một thời gian, bào ngư sẽ tự bò đi, bám vào các vật bám và phát tán ra xung quanh.

3. Chăm sóc, quản lý

3.1. Chăm sóc:

Thức ăn của bào ngư là hỗn hợp rong biển: rong mơ, rong câu, rong đông…

– Từ tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau: Đây là mùa phát triển của rong biển nên không cần bổ sung thức ăn, bào ngư sử dụng thức ăn sẵn có tại bãi nuôi.

– Từ tháng 6 đến tháng 11: Đây là mùa rong tàn lụi, bãi nuôi không đủ cung cấp thức ăn cho bào ngư, cần tiến hành bổ sung thức ăn từ rong biển nuôi trồng (rong câu) hoặc rong khô (rong mơ phơi khô). Khi cho ăn rong khô, ngâm rong trong nước biển từ 12-16 tiếng để rong nở ra và mềm hơn. Sau đó rong được rửa sạch, buộc chặt vào đá rồi thả đều xuống vùng nuôi. Cho ăn vào lúc 16-17 giờ chiều tối.

– Khi cho ăn bổ sung thức ăn, định kỳ cho ăn 5-7 ngày/lần. Lượng cho ăn như sau:

Stt Kích thước vỏ bào ngư nuôi (mm) Tỷ lệ (%) thức ăn/trọng

lượng bào ngư nuôi

Lượng cho ăn (kg)/1 lần cho ăn/10.000 cá thể
1 8 – 20 80 – 100 3,0-6,0
2 20 – 30 70 – 80 6,0 – 8,0
3 30 – 40 60 – 70 8,0 – 10,0
4 40 – 50 50 – 60 10,0 – 12,0
5 50 – 60 40 – 50 12,0-14,0
6 > 60 30 – 40 14,0- 16,0

Lượng cho ăn có thể được điều chỉnh theo tình hình thực tế sử dụng thức ăn của bào ngư.

3.2. Quản lý:

– Thường xuyên gia cố, thay thế, sửa chữa hệ thống dây phao neo; hệ thống cọc bê tông và các biển báohiệu vùng nuôi.

– Trông coi bảo vệ, đảm bảo an ninh, an toàn khu vực bãi nuôi bào ngư.

– Định kỳ hàng tháng tiến hành lặn kiểm tra, đánh giá tình hình bào ngư nuôi, tốc độ tăng trưởng cũng như nguồn thức ăn tự nhiên tại bãi nuôi để có hướng bổ sung.

– Phòng bệnh: Cần sử dụng nguồn giống bào ngư sạch bệnh cho nuôi thương phẩm. Con giống phải được kiểm dịch trước khi vận chuyển, thả nuôi. Trong quá trình nuôi, khi cần bổ sung thức ăn, trước khi cho ăn thức ăn cần được rửa sạch, ngâm trong Iodine 2ppm.

4. Thu hoạch bào ngư thương phẩm

– Sau thời gian nuôi 24-30 tháng, bào ngư đạt kích cỡ thương phẩm 40-50 con/kg, tỷ lệ sống 25-30%, tiến hành thu hoạch.

– Thu hoạch bào ngư lúc thủy triều xuống thấp nhất, thời tiết mát. Thu tỉa những cá thể đạt kích cỡ thương phẩm, những cá thể chưa đạt kích cỡ tiến hành nuôi tiếp.

– Cách thức thu hoạch: Lặn bắt bào ngư. Sử dụng móc sắt dài 40-50 cm, một đầu hình chữ L, một đầu nhọn để giật, cậy bào ngư bám dưới đá trong các hang hốc; hoặc lật đá để bắt bào ngư.

– Vận chuyển: Bào ngư thu gom vào rọng, thả dưới nước và vận chuyển theo thuyền. Khi vào bờ, tiến hành úp phần thịt của hai cá thể bào ngư lại với nhau để tránh cơ thể bị mất

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Chanh đào hết thời thu 1 triệu/cây

 “Trên thì trời, dưới là chanh đào”, đó là câu nói cửa miệng của người dân trồng chanh trong vụ thu hoạch năm nay. Từ Bắc Giang, Phú Thọ đến thủ phủ cam Cao Phong (Hòa Bình)… bà con đang đứng trên đống lửa vì vườn chanh một thời thu tiền tỷ, nay chỉ thu được bạc cắc.

Chanh đào Cao Phong

Một cốc nước chanh ở phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội) có giá 75.000 đồng. Chỉ mất một quả chanh và ít nước, đá lạnh cho cốc nước đó, trong khi đó người trồng chanh phải bán 20kg chanh mới thu được 75.000 đồng.

Việc so sánh thật khập khiễng, nhưng những người trồng chanh đang rơi vào cảnh khóc dở mếu dở vì khó bán được hàng. Nhiều nhà vườn không buồn hái và chăm sóc, chanh để rụng đầy gốc.

Những năm 2010-2014, cây chanh đào được ví như cây tiền triệu cho người nghèo, vì người nông dân chỉ cần cắm vài chục cây là sống ổn. Chanh đào dễ trồng, dễ chăm sóc, chỉ sau 2 năm đã bói quả lại được giá nên người dân đổ xô vào trồng.

Thời điểm hoàng kim đó, 1kg chanh đào bán tại vườn có giá 40.000 – 50.000 đồng/kg. Một cây chanh cho thu từ 40-50kg, trừ hết chi phí, người nông dân lãi hơn 1 triệu đồng một cây.

Mấy năm trước chỉ có nông dân ở vùng Cao Phong (Hòa Bình) và Văn Giang, Khoái Châu (Hưng Yên) trồng chanh đào. Khi đó sản lượng chanh đào rất ít, nên nông dân bán được giá cao, có lúc lên đến 50.000 đồng/kg. Trồng chanh đào hốt bạc lại nhàn nhã, vì vậy người dân bắt đầu đổ xô vào trồng.

Các hộ dân ở thủ phủ cam Cao Phong đầu tiên chỉ trồng chanh đào làm hàng rào. Chanh lên giá, nhiều người dành 2-3ha đất trồng chanh. Một đồn mười, mười đồn trăm, người nông dân đổ xô, mua giống, cải tạo đất trồng chanh đào với hi vọng sớm hốt bạc.

Nguồn cung quá lớn khiến chanh đào khó tiêu thụ

Giờ không chỉ các hộ ở Hòa Bình, Hưng Yên mà cây chanh đã nhanh chóng phủ xanh đất trống ở các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Bắc Giang, rồi cả Thanh Hóa, Nghệ An. Diện tích nhân lên nhanh chóng, trong khi đó mặt hàng này chỉ dùng để ngâm, chữa ho và viêm vọng.

Khi cung vượt quá cầu, giá chanh giảm là điều không tránh khỏi. Từ mấy chục nghìn, nay còn vài nghìn đồng/kg. Điều đáng lo ngại hơn là do giá rẻ, nhiều nhà vườn bỏ đói chanh. Một số hộ đã rục rịch phá bỏ chanh. Gia đình bà Nguyễn Chấn ở xóm Tháu, phường Thái Thịnh, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình năm 2016 đã phá đi 3.000 cây chanh đào.

Với tình trạng giá cả xuống thấp như hiện nay, nhiều hộ dân khác vẫn đang tiếp tục phá chanh đi trồng cây khác. Làm theo phong trào, không cần tính toán đầu ra cho sản phẩm mà nhiều hộ vẫn lao vào trồng như con thiêu thân. Và cuối cùng hậu quả tất yếu đã xảy ra là bà con không bán được hàng.

hông riêng gì cây chanh đào, hiện nay, phong trào trồng cây có múi như cam, quýt, bưởi… ở nhiều nơi cũng đang tăng theo cấp số nhân. Vùng nào cũng san gạt đất đồi, cải tạo đất hoang để trồng cây ăn quả. Sau vài năm, sản lượng bưởi, cam bỗng tăng đột biến. Hoa quả lại theo mùa khiến bà con không lúc nào hết vật lộn với bài toán đầu ra cho sản phẩm.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Các hình thức nuôi Bào ngư

Hiện có 3 dạng hình nuôi bào ngư: nuôi lồng trong bể xi măng, nuôi lồng treo bè ngoài biển, nuôi thả đáy trên bãi đá, rạn san hô dọc bờ biển.

Nuôi bằng lồng trong bể xi măng

– Lồng nuôi hình chữ nhật bằng nhựa có lỗ, kích thước 50 x 40 x 30 cm, treo trong bể xi măng hoặc xếp chồng lên nhau cách đáy 20 cm. Bể xi măng hình chữ nhật diện tích 10 x 2 x 1 m, có mái che nắng, xung quanh để trống, trong đó có một hộc nhỏ để lọc nước biển chảy tuần hoàn: nhiệt độ 26 – 30 C, độ mặn 30 – 35 phần ngàn, độ pH = 7,6 – 8,7, ôxy hoà tan 5 ml/lít.

– Cho ăn: dùng rong mơ thái vụn 1cm hoặc rong câu chỉ vàng, 3 – 4 ngày cho ăn 1 lần và cho ăn dư thừa, với hệ số 16:1. Tạo dòng nước luân chuyển tuần hoàn trong bể với tốc độ 10 lít/phút để kích thích bào ngư ăn và sinh trưởng. Hàng ngày thay 20 – 30 cm nước trong bể, vớt xác chết, thức ăn thừa trong lồng. Hàng tháng thay 100% nước, thay lồng và chuyển sang bể nuôi mới.

– Mật độ nuôi: 60 – 100 con/lồng kích cỡ 100 mm trở lên. Khi bào ngư nuôi đạt kích thước 20 – 25 mm thì san lồng nuôi với mật độ 30 con/lồng.

Nuôi bằng lồng treo bè ngoài biển

– Vị trí nuôi: bào ngư nuôi ở vùng tương đối kín gió, không có sóng lớn (không làm hỏng lồng nuôi và bè), độ mặn ổn định 30 – 35 0/00, xa cửa sông, không có nước ngọt chảy vào và có dòng chảy lưu thông, độ sâu 6 – 8 m.

– Lồng nuôi: sử dụng lồng nuôi hình chữ nhật bằng nhựa có lỗ (3 – 4 mm), kích thước 50 x 40 x 30 cm có dùng móc nhựa gài nắp để tiện cho việc kiểm tra và cho ăn. Lồng được treo trên bè nổi cách nhau 0,5 m và ở độ sâu 2 – 5 m.

– Bè nuôi: có thiết kế và quy cách như bè nuôi tôm hùm. Có thể nuôi tôm hùm ở dưới, nuôi bào ngư ở lớp nước trên. Bè nuôi thiết kế di động để có thể di chuyển khi mưa bão, sóng lớn.

– Mật độ nuôi 60 – 100 con/lồng (cỡ 10 mm trở lên). Khi bào ngư đạt 20 – 25 mm san lồng nuôi mật độ 30 con/lồng.

-Cho ăn: rong câu chỉ vàng, rong mơ thái vụn, 3 – 4 ngày cho ăn 1 lần và cho ăn dư thừa.

– Vệ sinh lồng nuôi: sau 1 tuần nuôi, dùng bàn chải cọ kỹ lồng nuôi, diệt trừ địch hại, vớt thức ăn thừa, xác bào ngư chết… Hàng tháng thay lồng nuôi mới.

Nuôi thả đáy trên bãi đá dọc bờ biển

– Vị trí nuôi: nuôi bào ngư ở vùng trung triều có độ sâu khi triều xuống cạn còn 1 – 2 m nước, độ mặn cao và ổn định 30 – 35 0/00, dòng chảy tương đối (5 m/giây), không có nước ngọt chảy vào, xa cửa sông. Đáy đặc biệt là đá tảng hay rạn san hô để bào ngư ẩn trốn và nhiều tảo, rong…

– Thức ăn: ngoài các loại rong, cần rải định kỳ rong câu chỉ vàng (5 – 7 ngày/lần) để tăng cường thức ăn cho bào ngư, rải vào 4 – 5 giờ chiều tối để bào ngư ra ăn.

-Cách thả giống: trước khi thả phải ương bào ngư giống trong bể xi măng từ 3 – 5 mm cho tới khi bào ngư được 15 mm thì thả giống. Thả vào lúc 6 – 9 giờ sáng. Để bào ngư bám vào bản tảo rồi thả xuống vùng nuôi, sau đó bào ngư phát tán ra xung quanh.

-Mật độ nuôi: 15 – 20 con/lồng. Trước khi thả phải lặn bắt hết địch hại như sao biển, bạch tuộc… Thả thức ăn rong tảo xuống, kiểm tra định kỳ tỉ lệ sống chết của bào ngư.

– Sau 9 – 10 tháng nuôi bào ngư đạt kích thước thương phẩm 5 – 6 cm (30 – 35 con/kg) thì thu hoạch.

Nguồn: Nông thôn ngày nay được kiểm duyệt bởi Fartech VietNam.

Cẩn trọng khi nuôi ba ba ở miền Bắc

Tại Miền Bắc, ba ba thường chậm lớn và có thể chết vào 4 tháng mùa lạnh. Khi nhiệt độ xuống thấp quá 15 độ C, baba sẽ ngừng ăn và trú dưới bùn; ở giai đoạn khó khăn này, ba ba dễ mắc bệnh do cạnh tranh thức ăn, do điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Và khi nhiệt độ ổn định trên 20 độ C ba ba mới sinh hoạt trở lại và bắt mồi. Do đó, người nuôi ba ba ở miền bắc cần phải cẩn trọng khi chọn nuôi đối tượng đặc sản này

I. Rủi ro vì thiếu kiến thức kỹ thuật nuôi baba.

Đã ba ngày, mỗi khi trời hửng nắng anh Nguyễn Tài Chiến, xã Tài Chiến, Quế Võ, Bắc Ninh lại cho baba ăn; nhưng do nhiệt độ không ổn định nên baba vẫn không ăn. Theo đặc tính sinh học của baba, khi thời tiết trên 15 độ C, nhiệt độ ổn định thì ba ba sẽ ăn.

Do chưa nắm đúng kỹ thuật chăm sóc ba ba qua đông, anh Chiến đã để thức ăn còn tồn đọng dưới ao, lượng thức ăn dư thừa đã làm ô nhiễm nguồn nước ao baba.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia thủy sản, vào mùa đông ở miền Bắc thường lạnh, ẩm ướt, khi đó baba ít vận động, thường trú ngụ dưới bùn vì thế baba rất dễ nhiễm khuẩn; nếu như bị xây xước các vết thương sẽ lở loét và dẫn tới chết. Do không phát hiện kịp thời nên hơn 3000 con baba của anh Chiến đang có nguy cơ chết dần, bởi những vết thương xuất hiện nhiều trên mai, bụng, kẽ chân. Có lứa anh chiến thả 1.000 con giống, nhưng khi thu hoạch, chỉ bắt được 600 con thành phẩm, thất thoát tới 40%. Anh Chiến chia sẻ : “Vào mùa đông baba ít đi tìm kiếm thức ăn. Do ít vận động nên nó dễ bị các đối tượng vi khuẩn xâm nhập.”

Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, baba nuôi ở miền Bắc tăng trưởng chỉ bằng 50% so với nuôi ở phía Nam. Thời gian nuôi baba thương phẩm ở nơi khí hậu nóng trên 1 năm là có thể xuất bán với trọng lượng từ 1,5 – 2kg.

Bên cạnh đó, những khi thời tiết xuống quá thấp hoặc có sương muối sẽ ảnh hướng đến baba, điệu kiện tự nhiên không thuận lợi dẫn đến baba chết đáy, nhiều ngày sau baba mới nổi. Đây cũng là khó khăn đối với người nuôi baba ở miền Bắc gặp phải.

II. Hiệu quả kinh tế từ nuôi baba

Gia đình ông Nguyễn Văn Tiêu, xã Nội Duệ- Tiên Du- Bắc Ninh sản xuất ba ba giống được hơn 20 năm nay. Vào đầu tháng 3 hàng năm là thời điểm ông Tiêu chuẩn bị ổ đẻ cho baba; khoảng 20cm cát sạch không lẫn sỏi đá được ông trải đều rồi phun nước tạo độ ẩm thích hợp khoảng 80% cho baba , sau 3 đến 5 ngày là baba sẽ lên đẻ. Ông Tiêu cho biết: “Tháng 3 khoảng từ 10 – 20, baba đực lên trước đi ở trong ổ đẻ, nó dũi, là baba chuẩn bị ổ đẻ, mỗi lần baba đẻ từ 35 trứng, sau bốn ngày chúng tôi lấy trứng ra ấp, khoảng 60 ngày là trứng nở.”

Theo tính toán của ông Tiêu, sản xuất ba ba giống chỉ khoảng 70 ngày là có thu hoạch, lợi nhuận cao và nhanh quay vòng vốn. Tuy nhiên sản xuất con giống cần phải có kỹ thuật và nguồn vốn nhiều hơn. Với 30 cặp baba đẻ, hàng năm, ông thu khoảng 1000 trứng cho doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Lợi nhuận từ bán giống cao hơn so với nuôi thương phẩm nên ông đã chuyển toàn bộ 3000m2 ao sang nuôi baba bố mẹ để sản xuất giống.

“Phong trào nuôi baba thương phẩm phát triển thì chính ra nuôi baba giống kiếm lãi hơn. Từ những năm 2007 tôi nhân giống, thu lợi nhuận cao, nhanh hơn nhiều, lúc đầu bán 4tram, 5tram một con, mỗi năm chúng tôi thu hoạch trên 800 triệu tiền giống.” Ông Nguyễn Văn Tiêu nói.

III. Không tránh khỏi những khó khăn

Trước kia, người sản xuất baba giống trên địa bàn đều có lợi nhuận cao và ổn định hàng trăm triệu mỗi năm. Nhưng từ năm 2010 trở lại đây, hộ sản xuất baba giống nhiều mà không bán được, giá bán con giống sụt giảm chỉ bằng 1/4 so với trước. Trong khi, số hộ nuôi baba thương phẩm cũng giảm khoảng 50% so với thời kỳ cao điểm.

Thống kê của chi cục Thủy sản Bắc Ninh, hiện toàn tỉnh có 54 hộ kinh doanh sản xuất baba; trong đó có 4 cơ sở lớn và hàng chục hộ nhỏ sản xuất con giống. Mỗi vụ, những cơ sở này cung cấp ra thị trường khoảng 300 nghìn con baba giống.

Việc sản xuất nhiều con giống đã dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu. Đồng thời, số người nuôi baba thương phẩm sụt giảm do nguồn vốn đầu tư và chi phí nuôi baba tăng cao thời gian kéo dài. Theo ông Nguyễn Hồng Quang – Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bắc Ninh thì nuôi baba kéo dài khoảng 2 năm nên người nuôi phải có đủ kinh phí để nuôi nên thời điểm này người nuôi baba đang gặp phải khó khăn.

Theo tính toán của người nuôi ba ba; một năm nuôi tốt baba chỉ đạt khoảng 0,8 – 1kg/con. Nuôi năm rưỡi đến hai năm may ra mới đạt 1,5 – 1,8kg/con. Trong khi giá baba thương phẩm năm nay giảm từ 10 đến 20%; chi phí thức ăn và thuốc phòng trị bệnh lại tăng khoảng 3% so với vụ trước. Cùng với đó là những khó khăn do thị trường không ổn định, khi được mùa mất giá, tư thương ép giá, mà người nuôi baba thương phẩm phải gánh chịu. Ông Nguyễn Hồng Quang – Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bắc Ninh chia sẻ: “Người nuôi baba chưa làm chủ được thị trường, tôi đánh giá hiện tại người nuôi gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn tồn đọng, giá baba sụt giảm.”

Gia đình ông Trịnh Đình Chinh chuyên nuôi ba ba thịt được 10 năm. Có thời điểm, ông Chinh nuôi tới 4.000 con/lứa, năm lãi nhất cũng được 50 – 60 triệu đồng, năm nay giá baba xuống thấp, ước tính ông chỉ thu lãi khoảng 20 triệu. Nhưng đó là với điều kiện tiêu thụ thuận lợi và ba ba không bị tổn thất vì dịch bệnh… Còn năm sau như thế nào, chính bản thân ông cũng không dám chắc.

IV. Cẩn trọng khi nuôi ba ba ở miền Bắc.

Theo TS Bùi Quang Tề – chuyên gia nghiên cứu thủy sản – Nguyên Viện nghiên cứu Thủy sản I, khuyến cáo bà con phải cẩn trọng nuôi ba ba ở miền Bắc. Khi bà con muốn mở rộng, phát triển nghề nuôi ba ba cần phải tuân thủ đúng kỹ thuật nuôi baba, lịch thời vụ và đặc biệt là quy trình chăm sóc quản lý tốt vào 4 tháng mùa lạnh. Ông cũng lưu ý đến bà con, với đối tượng nuôi thủy sản quan trọng nhất là phải đảm bảo nguồn nước sạch tránh để baba nhiễm dịch bệnh.

Tiến sĩ Bùi Quang Tề cho biết: “Baba vào mùa đông không ăn, nên dọn sạch đáy ao đảm bảo sạch bệnh, nhiều người vẫn cho ăn baba không ăn, thức ăn phân hủy gây ô nhiễm môi trường nước. Bổ sung đất cát cho đáy ao để baba trú đông.”

Khi thời tiết giá lạnh, ba ba ăn ít và chỉ ăn nhiều vào những ngày nắng ấm khi nhiệt độ trên 20 độ C. Nên bà con có thể nuôi vỗ baba bằng những thức ăn tươi như: tôm, cá, giun đất vào những ngày nắng ấm. Lượng thức ăn sử dụng bằng 3- 5% khối lượng baba nuôi, tránh để baba đói sẽ dẫn đến cạnh tranh mồi và cắn nhau. Do thức ăn tươi rất dễ ô nhiễm môi trường nên thức ăn thừa phải vớt bỏ.

Vào đầu mùa đông, ông Nguyễn Văn Tiêu đã chuẩn bị hơn 1 tạ cá mồi, nuôi chung ao baba, theo tính toán của ông số thức ăn này đủ cho 30 cặp baba vượt qua 3 tháng mùa lạnh.

“Vào mùa đông lạnh baba thường ít ăn, vì thế cần chuẩn bị kỹ thức ăn cho baba, lựa chọn thức ăn tươi, tận dụng nguồn cá tạp còn sống kích cỡ nhỏ thả chung với baba. Thời tiết thuận lợi baba trong ao quây lại bắt cá ăn, làm thế chủ động được nguồn thức ăn không sợ cạnh tranh.” Ông Nguyễn Văn Tiêu – Xã Nội Duệ – Tiên Du – Bắc Ninh nói.
Vào mùa lạnh ao nuôi baba ít được thay nước nên để tránh ô nhiễm môi trường ao nuôi, cần giữ ấm cho baba bằng cách phủ bèo 1/3 ao nuôi, ngoài ra bèo có tác dụng lọc sạch nước ao nuôi, đảm bảo sức khoẻ cho ba ba. Cùng với đó bà con sử dụng chế phẩm vi sinh làm sạch nước ao nuôi.

Định kỳ thay nước ở ao nuôi 1 tháng/lần, mỗi lần 20 – 30% lượng nước trong ao. Nếu ao nhỏ, nuôi mật độ dày, khoảng 20 ngày thay toàn bộ nước cũ và cấp nước mới cho ao. Những ngày rét có sương mù nên thay nước lạnh ở tầng mặt và thêm nước mới vào ao.
Như kỹ sư Nguyễn Xuân Lâm – Chi cục Thủy sản Bắc Ninh tư vấn: “Đối với ao nuôi ô nhiễm nguồn nước do nguồn thức ăn dư thừa, chúng ta có thể sử dụng thuốc Vạn tiêu linh, nhằm khử trùng ao nuôi, hoặc vôi bột. Nếu có điều kiện, nên thay nước định kỳ.”
Theo kinh nghiệm nuôi baba của ông Nguyễn Văn Tiêu thì việc thả bèo vừa có tác dụng lọc sạch nước ao nuôi, vừa có tác dụng giữ ấm vào mùa đông, tránh nắng cho baba vào mùa hè.

Quy định mới ban hành của Bộ NNPTNT có đề cập đến loài baba được nuôi phổ biến như các loại lợn, gà, tôm, cá thì không phải chịu sự kiểm soát của lực lượng kiểm lâm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tăng diện tích nuôi baba. Do đó, trước khi quyết định nuôi bà con cần tìm hiểu rõ thị trường và nguồn gốc baba giống và cẩn trọng với những con giống nhập ngoại từ Thái Lan, hay Đài Loan.

Để đầu tư một khu nuôi ba ba, tiền vốn ban đầu bỏ ra không nhỏ, nếu nuôi nhỏ lẻ cũng cần mấy chục triệu đồng, còn nếu đầu tư theo kiểu trang trại thì phải cần đến hàng trăm triệu đồng. Do thời gian nuôi thương phẩm kéo dài khoảng 2 năm nên bà con cần có nguồn vốn ổn định để mua thức ăn và phòng trị bệnh cho baba; và khi đã đầu tư nuôi baba tại miền Bắc bà con cần chọn đúng thời vụ bán thương phẩm để có lợi nhuận cao nhất.

TS Bùi Quang Tề – Nguyên Viện nghiên cứu thủy sản cho biết: “Ở miền Bắc nuôi baba 2 năm, năm đầu ta nuôi từ bé đến lớn năm sau nuôi vỗ béo. Cẩn trọng khi nuôi và không nên bán vào mùa đông có thể bán trước hoặc sau tết được giá cao.”.

Tại thời điểm này, dù là nuôi Baba thương phẩm hay sản xuất giống đều có lãi, tùy thuộc vào kỹ thuật nuôi, chăm sóc baba qua động và thị trường sẽ quyết định thành công của người nuôi. Tuy nhiên, các chuyên gia thủy sản nước ngọt cũng khuyên, bà con hết sức cân nhắc khi nuôi ba ba ở miền Bắc. Nếu có nuôi, nên nuôi ở quy mô nhỏ, xen canh với các loại thủy sản khác, không nên nuôi theo quy mô lớn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Nuôi ghép ba ba và cá vừa tăng năng suất, lại giảm chi phí

Nuôi ghép ba ba, với cá trong cùng một ao vừa nâng cao sức sản xuất sinh vật của ao, vừa tăng năng suất, thu nhập cho người nuôi.

Ba ba thở bằng phổi nên thường nổi lên mặt nước để hít thở, trong khi cá thở bằng mang nên nuôi ba ba cùng cá sẽ làm tăng việc trao đổi hàm lượng ôxy và vật chất giữa tầng mặt và tầng đáy của ao. Ba ba thường sống ở đáy ao, làm chất mùn bã hữu cơ bị phân giải, góp phần làm tăng lượng ôxy trong ao.

Hơn nữa, nuôi ba ba với cá, lượng chất amôniăc thải ra nhiều được động, thực vật phù du hấp thụ, góp phần giảm mức độ ô nhiễm. Ba ba không làm tổn thương cá giống và cá thịt, chúng còn ăn những con cá chết, giúp giảm lây lan dịch bệnh cho cá.

Ao nuôi ghép không cần bón phân vì những chất thải của ba ba sẽ cung cấp thức ăn cho cá. 

Trên thực tế, cá trong ao nuôi ghép với ba ba luôn đạt tỷ lệ sống cao hơn các ao khác. Ao nuôi ghép cũng không cần bón phân vì chất thải của ba ba sẽ cung cấp thức ăn cho cá. Những mảnh vụn và cặn bã hữu cơ có tác dụng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sự sinh trưởng của cá và ba ba nên trong ao nuôi ghép có thể thả một lượng cây cỏ, thực vật thuỷ sinh lớn như rau, bèo…

Sau khi cá ăn, ba ba có thể ăn lại thức ăn thừa này. Với ao nuôi chung, diện tích không cần lớn và nên có bùn ở đáy ao để dễ bắt ba ba. Tỉ lệ thả: Chọn ba ba giống cỡ 150 – 250g/con, dựa vào độ lớn của ba ba để tính mật độ thả, thường là 1 – 2 con/m2, theo thông tin từ báo Kinh tế Nông thôn.

Về quản lí: Nhìn chung tham khảo cách quản lí nuôi ba ba ở ao đất, nhưng có điểm riêng sau: thời gian cho ăn lệch đi, tốt nhất là sau khi cho cá ăn khoảng nửa giờ mới cho ba ba ăn, như vậy không ảnh hưởng lẫn nhau. Mật độ nuôi ghép dầy gặp thời tiết thay đổi trời oi bức, nước ao đục, hàm lượng oxy giảm, ba ba không chịu được, cá bị chết, nên phải kịp thời bổ sung nước mới vào ao.

Mùa hè cần cho máy sục khí hoạt động, nếu không lúc cá thiếu oxy sẽ hơi lờ đờ, chậm chạp làm ba ba ăn cá. Ba ba có sức chịu đựng hơn cá, cho nên khi bón vôi hay dùng thuốc bột tẩy để khử trùng nước phải tính đến sức chịu đựng của cá, thường bón với 30g/m3 bột tẩy 1,5g/m3.

Trong ao nuôi ghép ba ba với cá, các loại tảo phát triển nhiều mà không bị tàn lụi, chủ yếu là trong ao có hàm lượng đạm cao. Trong chuỗi thức ăn nuôi ghép cá và ba ba, ở đá yao còn có những mảnh vụn và chất vẩn cặn bã hữu cơ, đều có tác dụng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sinh trưởng của cá và ba ba, cho nên trong ao nuôi ghép có thể thả một lượng cây cỏ, thực vật thuỷ sinh lớn như rau, bèo vào ao, vì sau khi cá trắm cỏ ăn, số còn thừa lại là thức ăn cho ba ba. không ảnh hưởng lẫn nhau.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật thu, ấp trứng ba ba

Để thành công trong việc nuôi ba ba cần nắm rõ các khâu kỹ thuật, trong đó có kỹ thuật thu ấp trứng là khâu quan trọng, quyết định đến thành công của nguời nuôi.

Bãi đẻ

Nên làm bãi đẻ ở cạnh ao hay giữa ao rộng khoảng 2 – 5 m2, có độ dốc 250, trồng cây che mát cho ba ba nghỉ và đẻ trứng. Bờ ao có độ dốc nhất định cho ba ba bò. Khoảng đất giữa tường bao và mép nước nên phủ một lớp đất cát pha để ba ba dễ đào hố đẻ trứng. Bãi đẻ cần yên tĩnh, diện tích khoảng 20 con/m2, tùy thuộc vào số lượng ba ba đẻ. Tỷ lệ đực/cái 1:2 đến 1:3.

Thu trứng

Trứng nằm trong ổ, sau khoảng 50 – 65 ngày nở thành ba ba con, điều kiện ấp tự nhiên này tỷ lệ nở rất thấp. Trong điều kiện nuôi, người nuôi có thể tạo chỗ cho ba ba đẻ thuận lợi hơn và có nhiều phương pháp, kinh nghiệm ấp trứng để đảm bảo tỷ lệ nở cao (khoảng 90 %). Tuy nhiên, muốn ấp nở nhanh, tỷ lệ nở cao cần phải biết kỹ thuật thu trứng.

Thời điểm thu trứng: Theo dõi ba ba đẻ để đánh dấu vào ổ trứng. Ba ba thường đẻ vào ban đêm, nên thu trứng là vào các buổi sáng. Nếu ba ba đẻ rộ tiến hành thu trứng hàng ngày, lúc ba ba đẻ thưa 3 – 5 ngày thu một lần. Không nên để ba ba đẻ sau 15 – 20 ngày mới thu trứng đem ấp. Như vậy trứng thụ tinh vào các đợt không đồng đều gây lộn xộn đến số trứng cho ấp ở các đợt. Khi thu trứng, ta cần lật nhẹ lớp đất, cát lên lấy trứng nhẹ nhàng, tránh bị vỡ trứng.

Bãi đẻ cho ba ba nên ở cạnh ao hoặc giữa ao.

Lựa chọn trứng ấp: Chỉ giữ trứng đã được thụ tinh để cho ấp. Trứng thụ tinh phần lớn tròn, trứng sau khi thụ tinh ngả màu hơi vàng nhìn rõ thấy vòng túi hơi, phần trên màu trắng là túi chứa hơi để phôi thở, phần dưới màu phớt hồng là phần phôi và noãn hoàng. Loại bỏ các quả trứng không được thụ tinh, các quả trứng nhỏ, hình dạng màu sắc không bình thường, có vết đốm loang lổ, không phân biệt rõ hai phần như trứng được thụ tinh.

Để việc tính toán kết quả nuôi vỗ, tỷ lệ nở được chính xác, cũng như xử lý kỹ thuật ấp đạt hiệu quả, người nuôi nên tiến hành ghi chép đầy đủ số liệu từng ao nuôi về ngày đẻ, ngày thu trứng, số lượng trứng thụ tinh, số lượng trứng thu được…

Ấp trứng

Nơi ấp: Để đạt hiệu quả, người nuôi nên ấp trứng trong nhà ấp gà, lò ấp trứng vịt để ấp hoặc có phòng ấp riêng đối với những hộ nuôi lớn để tránh nhiệt độ thay đổi và bảo vệ trứng.

Dụng cụ: Thường là khay nhựa hoặc chậu bằng nhôm, sắt tráng men, hoặc nhựa. Số lượng và diện tích khay phụ thuộc vào số lượng trứng cần ấp. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất lớn có thể xây phòng ấp, bể ấp chuyên hoặc dùng máy ấp trứng hiện đại để ấp trứng.

Thao tác ấp trứng: Tiến hành đổ cát sạch mịn, ẩm, tơi xốp và có lớp cát dày 7 – 8 cm vào khay ấp, đáy khay có lỗ thoát nước để tránh nước đọng làm hỏng trứng. Nhặt trứng đã được chọn rải đều trên mặt cát, khoảng cách giữa các quả 2 – 4 cm, đặt đầu có túi hơi hướng lên trên không nên đặt ngược hay lệch. Khi đủ 1 lớp trứng thì lấy một lớp cát rải kín lên trên, lớp cát cao hơn trứng 4 – 5 cm, để giữ nhiệt độ cho trứng.

Trong thời gian ấp trứng phải chú ý giữ ẩm cho cát trong khoảng 80%. Không để cát quá khô hay ướt quá nén chặt làm hỏng trứng và độ ẩm không khí trong phòng khoảng 75 – 80% (Trong thực tiễn, dùng cát không tốt bằng đất thịt, có thể dùng đất sâu cách mặt đất 60 cm không có mùn bã hữu cơ, đất nhỏ cỡ 1 cm, phơi thật khô để diệt khuẩn, phun nước để có độ ẩm 12 -16% như vậy đất thông thoáng, giữ nhiệt, giữ ẩm tốt). Đặt các khay trứng vào nơi yên tĩnh để ấp. Trong thời gian ấp tuyệt đối không đảo trứng, nếu di chuyển trứng rất dễ bị thương và phôi chết.

Quản lý và theo dõi ấp trứng: Quá trình phát triển của phôi, càng về giai đoạn cuối cùng càng nhạy cảm với điều kiện môi trường, trao đổi khí càng mạnh nên dễ chết. Vì vậy, việc làm quan trọng nhất trong thời kỳ ấp trứng này là giữ cho nhiệt độ được ổn định. Nhiệt độ thích hợp nhất cho việc ấp trứng là 30 – 320C, ở nhiệt độ này thời gian ấp chỉ 45 – 50 ngày; nhiệt độ ấp cao hơn 1 – 20C thời gian ấp có thể rút ngắn 4 – 5 ngày nhưng không an toàn.

Phôi trứng sẽ bị chết khi nhiệt độ < 200C và > 350C. Vì vậy, cách 1 – 2 ngày lớp cát trên mặt bốc hơi bị khô, cần phun nước cho ẩm trở lại bình thường. Nước phun cần từ từ, tránh dội nước làm cho nhiệt độ cát ấp bị thay đổi đột ngột, phôi sẽ chết. Trong quá trình theo dõi ấp trứng, có thể bới cát kiểm tra trứng, đồng thời cần có các biện pháp bảo vệ không cho kiến, chuột, rắn… vào ăn trứng và ba ba con.

Ba ba con vừa nở ra khoảng 15 phút phải cho vào nước. Do đó, khi thấy trứng sắp nở (mổ mỏ, có chỗ nứt vỏ) phải kê khay ấp trứng lên chậu, hay bể xây nước nhỏ để chúng nở ra tự bò xuống. Nếu không để sẵn nước, ba ba con dễ bị chết khô.

Nguồn: Thủy sản Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cách nuôi Baba con giai đoạn từ 0 đến 3 tháng tuổi

Hiện nay đã có rất nhiều tài liệu viết về các mô hình và kỹ thuật nuôi ba ba, tuy nhiên khâu nuôi dưỡng ba ba con chưa được đề cập cụ thể, trong khi đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng giúp ba ba tăng cường sức đề kháng để bắt đầu thích nghi với môi trường sống mới, và giảm bớt tỷ lệ hao hụt trong suốt quá trình nuôi sau này. Vậy cách nuôi ba ba con như thế nào? Nên cho ba ba con ăn gì? Xin mời bà con theo dõi bài viết dưới đây.

Ấp trứng ba ba

Sau khi ba ba cái và ba ba đực giao phối, nếu thành công, ba ba cái sẽ mang thai và thường sinh vào khoảng tháng 3 – tháng 8 âm lịch, chúng sinh vào buổi tối. Thông thường ba ba sẽ đào lỗ để làm ổ đẻ, số lượng trứng mỗi lần sinh không cố định, giao động từ 10-20 trứng.

Nên thu trứng ba ba về ấp nhân tạo vì nếu để ba ba tự ấp trứng tỷ lệ nở sẽ không cao lại mất khá nhiều thời gian. Sau khi ba ba con nở, cho vào một chậu riêng, tắm ba ba con với nước sạch có pha 1 ít muối loãng.

Ao nuôi

Cần xây một bể dưỡng cho ba ba con mới sinh cho đến 3 – 4 tháng tuổi. Kích thước tùy thuộc vào số lượng ba ba được thả vào. Có thể tham khảo kích thước: 8x3x0,5m (dxrxs), diện tích này có thể dưỡng từ 3000 – 5000 con.

Cần vệ sinh ao nuôi trước khi cho ba ba vào bằng các dung dịch có sẵn trên thị trường như Formol hay thuốc tím ….

Thức ăn cho ba ba con

Số lần cho ba ba con ăn là 3-4 lần/ngày khi trời có nắng. Nguồn thức ăn tốt nhất cho ba ba con là cám của Cargil hoặc những loại thức ăn có độ đạm 40% trở lên.

Cách chăm sóc

Chọn ba ba con có trọng lượng từ 45-50gr trở lên. Nên chọn các con có trọng lượng và kích thước như nhau. Thời điểm thả giống thích hợp nhất trong năm là tháng 1 – tháng 2 âm lịch. Thời gian nuôi tùy thuộc vào mục đích nuôi của hộ.

Ở tháng đầu, ta xếp 2 lớp tàu dừa lên nhau theo chiều dọc của bể dưỡng, để ba ba có nơi để trú ẩn. Ở giai đoạn này chỉ cần đổ vào bể khoảng 15-20m3 nước.

Tháng tiếp theo, ta xếp 3 lớp tàu dừa lên nhau vì ba ba lúc này đã lớn hơn và cần nơi trú ẩn nhiều hơn. Mực nước cần lúc này từ 20-40cm.

Đến tháng thứ 3, ta đổ thêm khoảng 2-3cm cát để ba ba có chỗ để nghỉ ngơi.

Khoảng 2 tuần mới thay tàu dừa một lần, hoặc có thể dùng thuốc phân hủy đáy áo để phân hủy những chất cặn bã.

Sau 3 tháng có thể chuyển ba ba con sang bể nuôi lớn hơn để chăm sóc theo giai đoạn trưởng thành.

Nên chuẩn bị dụng cụ để thức ăn cho ba ba, có thể dùng nia, rổ (không phải rổ bằng nhựa) … để đựng thức ăn và thả xuống ngập dưới nước. Khi cho ba ba ăn người chăn nuôi nhớ để ý kích thước thức ăn có vừa với miệng không, lượng thức ăn có bị thừa không để điều chỉnh lượng và kích thước phù hợp.

Luôn giữ cho nước sạch, trong, không bị nổi ván, bẩn dễ gây bệnh cho ba ba.

Nếu áp dụng theo đúng phương pháp trên thì ba ba con sẽ ít bị hao hụt (chỉ khoảng 3-4%) so với những cách chăm sóc ba ba con khác (hao hụt có thể lên tới 30-40%).

Nguồn: Triệu phú nông dân được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật xây ao nuôi Baba

Với các hộ gia đình không có điều kiện xây hồ xi măng để nuôi ba ba do giá thành loại này cao thì lựa chọn mô hình nuôi ba ba trong ao là một ý kiến không tồi. Loại kiến tạo theo kiểu hồ này ai cũng làm được, nơi nào cũng xây được; dù nước mặn, nước lợ, việc đầu tư vốn để kiến tạo không lớn mà vừa tầm cho các hộ chăn nuôi nhỏ.

Mô hình nuôi ba ba trong ao được nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lựa chọn

1. Xây hồ âm 50%, dương 50%

a, Thiết kế mô hình nuôi ba ba trong ao

Nơi có mực nước thấp hơn mặt đất từ 0,5 – 1m những vị trí xây ở nơi này ít tốn kém nhất mà lại an toàn và giá thành rẻ.

Bạn chỉ cần thiết kế theo các thông số sau đây là bạn có thể yên tâm mình đã có 1 hồ nuôi Ba Ba được.

Theo diện tích đất từ 8m2 – 50m2 bạn chọn để xây hồ vừa ý.

– Tuỳ theo mực nước ngang bằng đáy mà dào độ sâu.

– Lúc nào cũng đảm bảo độ sâu của hồ 1,2m – l,4m.

– Mặt đáy nhỏ hơn mặt hồ 0,4 – 0,5m để tạo độ dốc.

– Nếu xây âm dương thì thành hồ chỉ cần 0,7 – 0,8m là vững vàng.

Sơ đồ mô hình nuôi ba ba trong ao

b, Các bước đào xây hồ:

Bước 1: Đào sâu theo kích thước bản vẽ.

Bước 2: Tiến hành đóng cừ, cọc quanh chu vi hồ 1m X 1m ở gốc dùng cọc cừ lớn, chắc chắn hơn, dùng kẽm loại 4mm câu các đầu cọc cừ lại tránh sức nén của nước làm vỡ hồ.

Bước 3: Dùng đất đắp nện chắc thành hồ lớp ngoài 0,3 – 0,4m.

Bước 4: Thành trong sau khi nện chặt đất trải 1 tấm Simili hoặc nilon.

Bước 5: Đáy hồ nếu có cát thì đổ 10 – 15cm, không thì đổ bùn non sạch.

Bước 6: Coi như bạn đã hoàn thành kiến tạo một hồ nuôi BaBa có từ 20 – 50m3 hoặc hơn tuỳ ý bạn thích.

Và bước cuối cùng là kiểm tra an toàn các thành ao không được nứt nẻ và cự ly ống xả tràn chỉ để thông cách mặt hồ ao 0,2m.

Đáy hồ phải rắc 0,5kg vôi để trị phèn , nếu có phân bò khô cho thêm 1kg/m2 lm2 càng tốt. Bạn phơi nắng vài ngày để diệt khuẩn và cho bùn bốc hơi độc.

Bước 7: Tiến hành bơm xả nước từ từ vài ngày cho đầy hồ (Bơm từ từ để thành hồ chịu lực giãn nở dần để tránh vỡ dột ngột). Khi thấy an toàn mới bơm đầy nước.

2. Đắp hờ nổi 100%

Xây hồ nổi 100% là do điều kiện môi trường nơi định xây lắp hồ bị ngập mặn và mực nước thường ở mức cao hoặc bằng mặt đất.

Các bước tiến hành cũng như xây hồ âm dương nhưng chỉ khác một chỗ là xây trên mặt đất hoàn toàn.

Do xây cao, sức chứa lớn, thành hồ bị sức nén căng liên tục, do đó cần chú ý gia cố theo các thông số sau:

Cọc, cừ dóng phải là cọc cừ tốt, to và bền, thường dùng cừ tràm hoặc đước.

– Đầu cọc phải dùng sắt 06 — 08 mm cầu dầu cừ.

– Thành hồ rộng hay cao từ 1 – l,2m.

Ông xả tràn phải làm kỹ – ông thoát nước ở đáy phải có 060 — 090mm, khi cần xả nước nhanh.

– Kích cỡ một hồ an toàn chỉ giới hạn không lớn quá 30 – 50m3 nước.

Nếu xây nhiều hồ liên kế nhau để các thành hồ dựa vào nhau giảm sức căng, chông vỡ bờ lúc mưa nhiều. Đề phòng chuột làm hang, cua còng, chó đào bới làm vỡ không biết lúc đêm hôm.

Nguồn: Nuoibaba.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.