Công nghệ chế biến nông sản Việt Nam ở mức trung bình của thế giới

Hội thảo “Phát triển công nghiệp chế biến nông sản và Cơ giới hóa nông nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” diễn ra tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam chiều 26/9 cho biết, từ 2018 đến nay có 30 dự án lớn đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng.

 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đặc biệt nhấn mạnh vài trò của công nghiệp chế biến và công nghệ sau thu hoạch với nền nông nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập

 

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, nhờ công nghiệp chế biến tăng trưởng, phát tiển mạnh nên trong những năm vừa qua Việt Nam tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng năm từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 6 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt trên 40 tỷ USD, tăng 9,6% so với 2017.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định, tương lai nông sản Việt Nam có thắng trên thị trường thế giới hay không phụ thuộc rất lớn vào công nghiệp chế biến và công nghệ sau thu hoạch.

Theo ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, thời gian qua công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản của cả nước có nhiều kết quả to lớn, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, ổn định kinh tế, xã hội.

Cụ thể, giai đoạn từ 2013 – 2018 công nghiệp chế biến nông sản cả nước đã có bước phát triển mạnh mẽ trên cả quy mô và mức độ hiện đại so với 5 năm trước (giai đoạn 2007 – 2012), tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm đạt khoảng 5 – 7%. Nhờ công nghiệp chế biến nông sản tăng trưởng mạnh mà các mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng bình quân khoảng 8 – 10%/năm trong hai năm qua.

Theo số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT, hiện Việt Nam đã bước đầu hình thành được hệ thống công nghiệp chế biến nông sản với trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn xuất khẩu. Ngoài ra, còn có hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình rải khắp các địa bàn làm nhiệm vụ sơ chế, chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa.

Một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp, thống kê từ 2018 đến nay có 30 dự án đầu tư lớn vào chế biến sản phẩm nông nghiệp đã hoạt động, triển khai trên cả nước với tổng vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng. Điển hình như các doanh nghiệp Masan, Doveco, Dabaco, TH Group, Vinamilk, Minh Phú, Ba Huân, Nafood, Lenger Seafood, Angfish… hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ.

Tuy nhiên, về mặt công nghệ chế biến và chất lượng sản phẩm, nhìn chung trình độ công nghệ chế biến nông sản Việt Nam so với thế giới mới đạt mức độ trung bình đến trung bình khá, chỉ có một số ngành hàng hoặc một số sản phẩm có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm khu vực, thế giới như: chế biến hạt điều, chế biến lúa gạo, chế biến tôm và cá tra…

 

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp chế biến nông sản trong GDP của ngành nông nghiệp đạt trên 30%.

Từ thực trạng, lợi thế, khó khăn, thách thức, nhất là thách thức từ biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế, ngành nông nghiệp Việt Nam mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông sản có đủ năng lực chế biến đảm bảo đầu ra cho sản xuất nông nghiệp.

Trong đó, công nghệ chế biến đạt trình độ công nghệ từ trung bình tiên tiến trở lên, thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN, một số ngành hàng dẫn đầu thế giới. Các sản phẩm sau chế biến phải đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, có khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, góp phần tăng nhanh giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu.

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp chế biến nông sản trong GDP của ngành nông nghiệp đạt trên 30%. Tốc độ giá trị hàng hóa nông sản qua chế biến đạt 7 – 8%/năm. Trên 50% số cơ sở chế biến mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến. Tốc độ năng suất lao động đạt trên 7%/năm. Mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt từ 90 – 100%. Công suất máy trang bị bình quân cả nước đạt 4-5,5HP/ha (hiện nay 2,2HP/ha).

Nguồn: Tổng hợp và được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam

Rau màu vụ đông Bắc Đông tăng cao

Giá cao gần gấp đôi

Hiện rau màu vụ đông đang cho thu hoạch rộ. Tuy nhiên, điểm khác biệt so với những năm trước là sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó. Ghi nhận ở một số vùng chuyên canh rau màu cho thấy, giá nông sản bình quân cao gần gấp đôi so với cùng thời điểm năm trước.

Đơn cử, cà chua 12 – 15 nghìn đồng/kg, bắp cải 8 – 9 nghìn đồng/cây; su hào 7 – 8 nghìn đồng/củ; đậu cô ve 18 – 20 nghìn đồng/kg; cà chua bi 8 – 12 nghìn đồng/kg; 50 – 60 nghìn đồng/kg ớt…

Khảo sát tại cánh đồng thôn Ghép, xã Thái Đào (huyện Lạng Giang), chúng tôi cảm nhận được niềm vui của nông dân khi rau được mùa, được giá. Gia đình bà Nguyễn Thị Là đang thu hoạch lứa bắp cải thứ hai tính từ đầu vụ để chuẩn bị xuống giống súp lơ thu vào tháng Giêng. “Mấy năm trước, rau chỉ bán được giá vào thời điểm đầu vụ, về sau hạ dần và có lúc rẻ như cho, nhiều nhà lấy chăm cá hoặc bỏ thối ngoài đồng. Năm nay thì khác, rau luôn được giá, cứ mỗi lứa bắp cải, gia đình tôi thu về gần chục triệu đồng/sào”, bà Là cho biết.

Bà con phấn khởi khi rau màu tăng giá

Tương tự, người dân trồng cây ưa lạnh tại thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện (huyện Lục Nam) cũng thắng lớn. Theo bà Đỗ Thị Thúy, người dân trong thôn, năm nay, trời rét sớm, lạnh sâu, cây trồng ít sâu bệnh. Người trồng rau không tốn công, giảm chi phí khâu chăm sóc, sản phẩm lại bán giá cao đã góp phần tăng giá trị rau màu. Với hai sào su hào vừa thu hoạch, trừ chi phí, gia đình bà thu về hơn 15 triệu đồng.

Đến nay, tỉnh Bắc Giang có hơn 12 nghìn ha rau, màu các loại. Đánh giá của Sở NN-PTNT Bắc Giang, nhìn chung, cây vụ đông năm nay cho giá trị kinh tế cao, bình quân đạt khoảng 100 triệu đồng/ha, cao hơn 20 triệu đồng/ha so với năm trước. Cá biệt có một số cây cho thu nhập từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha như dưa lưới, các loại ớt, cà chua.

Bám sát diễn biến thời tiết, chủ động nguồn cung

Đang trong thời điểm chính vụ song nông sản không đủ cung cấp theo nhu cầu thị trường. Vì vậy, các tiểu thương đều phải trực tiếp thu hoạch, cân rau cùng bà con tại ruộng. Anh Tống Văn Thọ ở thôn Ghép nói: “Trước đây, tôi chỉ cần ở nhà và cân nông sản khi người dân chở rau, củ đến. Mấy ngày nay dù đã tăng giá nhưng vẫn không có rau để mua vì khan hiếm, tôi chủ động đến một số vùng chuyên canh đặt cọc trước. Chậm chân là hết rau, lỡ đơn hàng với khách”.

Các tiểu thương trực tiếp thu hoạch, cân rau cùng bà con tại ruộng

Ông Dương Thanh Tùng, PGĐ Sở NN-PTNT Bắc Giang cho rằng, giá rau tăng mạnh do một số địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai dẫn đến sản phẩm khan hiếm. Hơn nữa, nhiều nơi nông dân không còn “mặn mà” với ruộng đồng, bỏ ruộng vụ đông, không còn “tự cung, tự cấp” như trước mà phải mua rau, quả để sử dụng hằng ngày. Bên cạnh đó, công tác liên kết cũng được thực hiện tốt với hơn 3 nghìn ha rau, quả có hợp đồng bao tiêu chặt chẽ.

Còn theo một tiểu thương có hơn chục năm trong nghề tiêu thụ nông sản tại xã Thái Đào, nhiệt độ xuống thấp, rau dễ bảo quản, vì vậy người buôn rau lựa chọn hàng trong nước để kinh doanh. Còn nếu thời tiết ấm, nóng thì giới “chạy chợ” luôn ưu tiên mặt hàng của Trung Quốc vì thường có chất bảo quản, nông sản tươi lâu hơn sẽ ít rủi ro.

Cùng đó, biện pháp xây dựng mô hình điểm tại các địa phương, điểm mới trong chỉ đạo vụ đông đã phát huy hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 34 mô hình điểm với diện tích hơn 500ha và đạt hiệu quả cao. Điển hình, huyện Yên Dũng xây dựng 10 mô hình điểm sản xuất tập trung. Ông Hoàng Hữu Lân, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện thông tin: “Lo ngại khó đạt kế hoạch diện tích đề ra, huyện đặt mục tiêu nâng cao giá trị cây vụ đông. Theo đó, ưu tiên hỗ trợ vùng tập trung với mức 100 nghìn đồng/sào; đồng thời tổ chức hội nghị mời gọi doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ với hợp tác xã, nhóm hộ”.

Đến nay mô hình điểm về rau an toàn ở xã Tiến Dũng, Đồng Việt đã cho thu hoạch, lợi nhuận đạt 130 triệu đồng/ha. Các mô hình khoai tây chế biến hứa hẹn bội thu. Ở Tân Yên, huyện hỗ trợ 50% giá giống, chuyển giao kỹ thuật cho 6 mô hình điểm theo chuỗi khép kín, tập trung tại xã Ngọc Lý, Đại Hóa, Lan Giới; quy mô bình quân 5 – 10 ha/mô hình.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Công nghệ chế biến nâng cao giá trị trái cây Việt

Ngày 21/11, Bộ NN&PTNT phối hợp với Hiệp hội rau quả Việt Nam, Rieckermann Việt Nam và các chuyên gia trong ngành chế biến tổ chức Hội thảo “Cơ hội và giải pháp – Vì sao doanh nghiệp Việt Nam nên tham gia thị trường chế biến trái cây lúc này”.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cùng với sự tăng về diện tích, sản lượng, giá trị xuất khẩu (XK) trái cây Việt Nam liên tục tăng trưởng cao trong những năm gần đây. Từ con số vài trăm triệu USD/năm, đến năm 2016 đã đạt con số 2,45 tỷ USD, trong đó ước tính các sản phẩm cây ăn quả chiếm hơn 80% giá trị XK. Riêng 10 tháng đầu năm 2017, giá trị XK rau quả của Việt Nam đạt 2,48 tỷ USD, tăng hơn 47,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay, Việt Nam chủ yếu XK dưới dạng trái cây tươi nên giá trị gia tăng thấp và bị tác động bởi các rào cản kỹ thuật như: Kiểm dịch thực vật, chất lượng trái cây giảm nhanh, thời gian bảo quản ngắn do chưa có các công nghệ bảo quản tiên tiến và các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm… Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, hiện nay, ngành sản xuất cây ăn quả Việt Nam đứng trước không ít khó khăn, thách thức như: Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, chất lượng quả chưa cao, năng suất thấp, các sản phẩm qua chế biến còn ít…

Một trong những thách thức mà ngành công nghiệp chế biến trái cây đang phải đối mặt là công nghệ chế biến chưa đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, tạo ra lợi nhuận bền vững. Giải pháp hàng đầu được các chuyên gia đưa ra chính là áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến nhằm tăng tính hiệu quả và đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Tại hội thảo, Rieckermann Việt Nam – nhà cung cấp giải pháp công nghiệp hàng đầu đã mang đến 2 công nghệ tiên tiến nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận gần hơn với thị trường chế biến trái cây như hiện nay. Chia sẻ về công nghệ chế biến trái cây nhiệt đới từ năm 1936, ông Roberto Benvenuti, Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh và Marketing Bertuzzi Food Processing (Italia) cho biết: Công nghệ của Bertuzzi giúp tăng chất lượng sản phẩm và hiệu suất thu hồi thông qua việc sử dụng các máy móc và thiết bị chuyên dụng phù hợp với từng loại trái cây.

Đối với công nghệ chế biến nước quả áp suất cao, ông Jorge Marraud Pascual, Chuyên gia công nghệ thực phẩm, Giám đốc kỹ thuật bán hàng châu Á Hiperbaric (Tây Ban Nha) cho hay, có mặt tại thị trường từ năm 1999, cho đến nay, các máy công nghệ của Hiperbaric đã được lắp đặt tại 36 quốc gia và 5 châu lục. Một trong những công nghệ phát triển thành công nhất hiện nay là công nghệ xử lý nước ép bằng áp lực áp suất cao, đảm bảo giữ nguyên vẹn dinh dưỡng cũng như hương vị của nước ép trái cây nguyên chất và tăng hạn sử dụng cho sản phẩm.

Việt Nam xác định trái cây là ngành hàng còn nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển. Định hướng chung toàn ngành đặt ra là: Tiếp tục tập trung đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào khâu sản xuất cây ăn quả nhằm tăng năng suất, sản lượng và nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, tăng cường phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sâu các sản phẩm từ cây ăn quả với các sản phẩm chế biến chính gồm các loại quả đông lạnh, đóng hộp, sấy, nước quả tự nhiên, nước quả cô đặc… nhằm gia tăng giá trị sản xuất, mở rộng thị trường, tăng kim ngạch XK.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Học hỏi phương pháp bảo quản, chế biến nông sản của Australia

Công nghệ xử lý sau thu hoạch được dùng ở Australia đối với các loại quả được thực hiện rất liên hoàn và khép kín, nó đã góp phần làm cho chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng rất cao. Hệ thống của xử lý sau thu hoạch được thiết kế để giảm thiểu các chí phí về lao động, giảm thiểu các thiệt hại trong quá trình gìn giữ chất lượng sản phẩm, ví dụ: qua tác hệ thống vận chuyển, phân phối và tiếp thị,… vì có thể các nhà vườn không nhận được khoản thu nhập nào về sản phẩm cho đến khi sản phẩm ra đến chợ bán buôn.

Các khu vực sản xuất thường cách xa các chợ lớn nên cần có các công nghệ và các hệ thống thích hợp để giảm thiểu các tổn thất và giữ sự toàn vẹn về chất lượng của sản phẩm trong quá trình đảm bảo an toàn thực phẩm. Các vấn đề được đề cập để bà con nông dân tham khảo và học hỏi bao gồm: yêu cầu về thu hoạch trên ruộng (các phương tiện giúp thu hoạch, đóng gói), các nhà đóng gói (xử lý, phân phẩm cấp, lựa chọn, đóng gói, làm lạnh,…), bảo quản và vận chuyển (làm lạnh, bốc xếp hỗn hợp) và các chợ bán buôn.

Bảo quản và chế biến nông sản chuẩn Australia

Nguồn: caytrongvatnuoi.com

Các phương tiện giúp thu hoạch

Các phương tiện giúp thu hoạch được phát triển để khắc phục các vấn đề thu hoạch riêng biệt.

Ví dụ: Giống xoài Kensington Pride của Australia nhạy cảm với nhựa, nhựa xoài ứa ra khi cuống bị cắt làm cho quả có thể bị biến màu hoặc phát triển một vết rám nghiêm trọng làm giảm đáng kể chất lượng quả. Phương tiện giúp thu hoạch làm cho xoài rơi xuống một mảnh vải dầu (nhựa) được phun một dung dịch chất tẩy. Mảnh vải dầu này không gây hư hại cho quả cây khi quả cây từ trên rơi xuống, trong khi chất tẩy làm tan nhựa xoài, bảo vệ quả khỏi hư hỏng.

Các thao tác chung trong nhà đóng gói

Các thao tác chung trong nhà đóng gói bao gồm: kiểm tra sơ bộ để loại bỏ những cành lá thừa và các sản phẩm bị hư hỏng, phân loại theo chất lượng và kích thước, dán nhãn, đóng gói và xếp lên palet các thùng các tông đã đóng gói phải được làm lạnh đến nhiệt độ thích hợp cho bảo quản, vận chuyển. Việc dùng các hóa chất sau thu hoạch trong nhà đóng gói (thuốc trừ sâu và thuốc diệt nấm,…) sẽ được những nhà chức trách về y tế và thực phẩm quy định, những sai sót sẽ được xử lý riêng biệt (điều này còn phụ thuộc vào đặc điểm và tính chất của từng sản phẩm).

Các hệ thống được dùng trong quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm đều tương đối tiêu chuẩn thì nhà đóng gói cũng phải tuân thủ những quy định về vệ sinh và an toàn thực phẩm như nước rửa, hóa chất sử dụng để bảo quản,… Về nhãn mác, nhiều loại quả được dán nhãn với một cái nhãn có sẵn cồn dính, có ghi tên nhãn hiệu và số hiệu nhà đóng gói. Thao tác này trước kia thường làm bằng tay, hiện nay công đoạn này được làm bằng thiết bị hiện đại.

Ngày nay, trong khi dây chuyền và máy phân phẩm cấp theo kích cỡ hình ống (roller) kiểu cũ vẫn còn được dùng thì cũng đã có những thiết bị hiện đại để phân phẩm cấp được điều khiển bằng máy tính và hướng sản phẩm đi vào các dây chuyền đóng gói thích hợp, ở các nước phát triển còn có những hệ thống phân phẩm cấp bằng màu sắc khi sản phẩm đi qua dây chuyền.

Việc đóng gói cuối cùng vào thùng các tông phần lớn đều làm bằng tay nhưng cũng có thể sử dụng cơ giới hóa. Nói chung chỉ có các nhà đóng gói với khối lượng rất lớn mới có thể dung nạp được hệ thống này.

Làm lạnh và nhiệt độ hô hấp

Nhiệt độ là yếu tố quan trọng nhất trong việc duy trì chất lượng sản phẩm, nó sẽ kéo dài thời gian sử dụng cho các loại quả tươi. Có một phương pháp làm lạnh đơn giản là làm lạnh bằng khí hyđrô. Trước khi đóng gói, các thùng chứa rau quả tươi được làm lạnh bằng khí hyđro, bằng cách ngâm vào nước lạnh hoặc phun nước lạnh vào rau, quả tươi.

Sau khi đóng gói, ở mặt trên của thùng các tông để hở nhưng yêu cầu không thấm nước và như vậy có thể cho phép làm lạnh bằng cách tưới nước lạnh. Nước được tái lưu thông qua hệ thống làm lạnh và một lần nữa sản phẩm phải chịu được những điều kiện ẩm ướt. Làm lạnh trong các phòng lạnh là phương pháp phổ biến đối với các loại rau quả. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng đối với sản phẩm đã được đóng gói và xếp vào kho lạnh.

Đối với các sản phẩm đã được xếp vào palet, quá trình làm lạnh trong hệ thống phòng lạnh tĩnh sẽ diễn ra chậm hơn do rất ít không khí lạnh tiếp xúc được với sản phẩm. Hệ thống nén không khí có tác dụng đáng kể trong việc cải thiện tốc độ làm lạnh và giúp quá trình làm lạnh có hiệu quả hơn. Phương pháp làm lạnh chân không cũng là một phương pháp cần được đề cập đến, song ít phổ biến. Được biết khi sử dụng phương pháp này cho sản phẩm có thổ gây ra hiện tượng bốc hơi nước, cứ làm lạnh khoảng 6°c sẽ mất 1% độ ẩm của sản phẩm. Tuy nhiên, tình trạng này có thể khắc phục bằng cách phun nước vào rau quả trước hoặc trong quá trình làm lạnh.

Mọi sản phẩm ngay sau khi làm lạnh bằng phương pháp nào cũng đều được chuyển đến phòng bảo quản lạnh càng sớm càng tốt nhằm duy trì nhiệt độ mong muốn.

Tiêu chuẩn đóng gói

Loại bao bì đóng gói rau quả phổ biến nhất là làm các thùng bằng bìa xơ ép, đôi khi một số loại thùng được tráng sáp để tăng độ bền, nhất là nơi có thể gặp độ ẩm tự do cao. Những bao bì poly-ethylen cũng phổ biến nhưng việc hủy bỏ các bao bì đã dùng này lại là một vấn đề. Nói chung tùy thuộc vào từng sản phẩm cụ thể ta có thể sử dụng bao bì ngăn chia bằng xơ ép giấy bọc, khay nhựa, hoặc màng chất dẻo,… cho phù hợp.

Đa phần các thùng bằng bìa xơ ép chỉ được sử dụng một lần, hãn hữu mới dùng hai lần trong khi đó các thùng nhựa poly-ethylen có thể dùng được nhiều lần hơn, tuy nhiên điều này còn tùy thuộc vào yêu cầu của sản phẩm được bảo quản và cấu trúc của từng loại thùng, vì chi phí cho các loại thùng này thường khá tốn kém.

Hiện nay, các nhà sản xuất thùng các tông đang thử nghiệm sản xuất loại thùng nhựa đựng rau, quả có thể tái sử dụng. Như vậy, nhà vườn và nhà đóng gói sẽ thuê chứ không phải mua các loại thùng này nữa, nhờ vào tính đa dụng của các loại bao bì đóng gói này, có thể làm cho chi phí đóng gói giảm xuống từ 10-20% so với chi phí hiện hành.

Đặc điểm chung của hầu hết các bao bì đóng gói là chúng có kích thước tiêu chuẩn và rất phù hợp đối với các palet tiêu chuẩn hóa của Australia, các loại bao bì đóng gói được thiết kế có cả lỗ thông gió, cho phép làm lạnh bằng không khí cưỡng bức. Bao bì đủ độ bền để bảo vệ được sản phẩm đựng bên trong qua các hệ thống xử lý.

Palet ở Australia thường có quy định chung và thống nhất về kích thước. Công cụ này thường được thuê dùng để vận chuyển sản phẩm đến các chợ và sau đó trả về các kho hàng của chợ. Hầu hết các thùng các tông đều được thiết kế với kích cỡ theo tiêu chuẩn.

Ví dụ: Một thùng bìa có kích thước là 580mm dài X 385mm rộng sẽ xếp vừa ba cái theo chiều ngang (1.155mm) và hai theo chiều dọc (1.740mm) vào một palet tiêu chuẩn.

Vận chuyển

Phần lớn rau, quả tươi được vận chuyển bằng đường bộ, tuy nhiên đường sắt cũng được sử dụng rất phổ biến. Các phương tiện vận chuyển không có hệ thống làm lạnh sẽ được dùng cho những khoảng cách vận chuyển ngắn. Đối với khoảng cách xa hơn thì các phương tiện có hệ thống làm lạnh sẽ chiếm ưu thế. Các thùng hàng được xếp vào palet. Các nhà đóng gói lớn, nhà kho của các công ty vận tải đều được thiết kế để các xe nâng hàng có thể lái trực tiếp tới các xe tải lớn.

Các nhà đóng gói hay các trung tâm phân phối phải có đường vào, cho phép các xe tải đến được các khu vực sâu nhất trong kho để xếp và dỡ hàng. Như vậy các xe nâng hàng có thể di chuyển từ nhà đóng gói đến xe tải dưới các nhiệt độ được kiểm soát, và duy trì được dây chuyền làm lạnh. Ta có thể nhận thấy các hệ thống làm lạnh trong vận tải đường sắt và đường bộ không có đủ khả năng làm lạnh hàng tấn sản phẩm trong quá trình bốc xếp, nên cần phải làm lạnh (tốt nhất bằng không khí cưỡng bức) đến nhiệt độ bảo quản thích hợp trong xe chở hàng hoặc trong các kho chứa trước khi bốc xếp để giảm tối thiểu các thiệt hại trong quá trình vận chuyển gây ra.

Trong quá trình vận chuyển, các palet được xếp vào xe càng chặt càng tốt, nhưng có một bất lợi là điều này sẽ làm giảm sự xâm nhập của khí lạnh vào lô hàng và dẫn đến nhiệt độ ở trung tâm các palet có thể tăng, nhất là đối với các sản phẩm phát nhiệt cao do hô hấp. Để không khí lưu thông tối đa, hệ thống làm lạnh cần có một khoảng trống và một bộ phận đẩy không khí đủ để đảm bảo khí lạnh đến được các vị trí sâu nhất trong thùng xe.

Xe tải cũng cần có hệ thống dẫn khí thích hợp để đưa các luồng khí lạnh đi dọc toàn bộ chiều dài của các lô hàng. Thông thường trong các xe chở hàng, phần lớn không khí lạnh chỉ qua được các lớp thùng bên trên và bên cạnh thành, chỉ có ít khí lạnh có thể lọt vào được trung tâm của palet. Khi sản phẩm được giao bán (do các đại lý, hoặc do các trung tâm phân phối), các palet sẽ được tháo ra và xếp đống lại với các sản phẩm khác.

Sự ổn định của các sản phẩm phụ thuộc vào mức độ giống nhau giữa các thùng các tông hoặc các kiện hàng đã được mua. Tuy nhiên, dây chuyền làm lạnh có thể bị phá vỡ nếu sản phẩm được vận chuyển đến các cửa hàng bán lẻ quá xa so với thời gian bảo quản.

Theo caytrongvatnuoi.com tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Chưng cất rượu từ trái thanh long ruột đỏ

Việc nghiên cứu thành công quy trình sản xuất rượu chưng cất từ trái thanh long đã góp phần giải quyết lượng thanh long hàng dạt, từ đó nâng cao giá trị kinh tế của trái thanh long Bình Thuận.

Riêng đối với nguyên liệu là trái thanh long, chủ yếu được sử dụng để sản xuất rượu vang trái cây (tức là rượu chưa qua chưng cất). Hiện nay, trên thị trường cũng chưa thấy xuất hiện sản phẩm rượu chưng cất từ thanh long, chỉ có một số sản phẩm rượu vang thanh long như của Công ty TNHH công nghệ thực phẩm Nhật Hồng, Công ty TNHH MTV Sản xuất rượu vang thanh long, HTX thanh long Hàm Đức…

Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu thanh long tại Bình Thuận, đặc biệt là hàng không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tương đối nhiều lại ít có giá trị trên thị trường. Vì vậy, thời gian qua Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Tiến bộ KH&CN Bình Thuận (Trung tâm) đã nghiên cứu sản xuất rượu chưng cất từ nguyên liệu trái thanh long. Qua nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm, Trung tâm đã cho ra các dòng sản phẩm rượu thanh long, rượu thanh long – linh chi và rượu thanh long – tỏi đen với chất lượng cao, mang hương vị đặc trưng và thuần khiết.

Tháng 5/2017, sản phẩm rượu được chưng cất từ trái thanh long mang nhãn CISTI BÌNH THUẬN sẽ được bày bán tại cửa hàng của Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KH&CN Bình Thuận – C1 Võ Văn Kiệt, Phan Thiết, Bình Thuận.

Các dòng sản phẩm rượu thanh long gồm: rượu thanh long nguyên chất, rượu thanh long – linh chi, rượu thanh long – tỏi đen.

Thanh long được ủ với men rượu có bổ sung đường và nếp với tỷ lệ nhất định và cho lên men ở điều kiện nhiệt độ phòng trong vòng 2 tuần. Sau khi lên men 2 tuần, rượu thanh long được lọc ra và đem đi chưng cất. Sau khi chưng cất, cho sản phẩm rượu thanh long không màu, mùi thơm nhẹ, đặc trưng, có độ rượu 29,5%.

Việc nghiên cứu thành công quy trình sản xuất rượu chưng cất từ trái thanh long đã góp phần giải quyết lượng thanh long hàng dạt, từ đó nâng cao giá trị kinh tế của trái thanh long, góp phần đa dạng hóa sản phẩm từ trái thanh long, nâng cao giá trị sử dụng của trái thanh long, giúp nông dân giảm phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu trái tươi như hiện nay.

Đặc biệt, đây là sản phẩm rượu chưng cất từ thanh long đặc trưng của mảnh đất Bình Thuận, thủ phủ thanh long, có thể được dùng làm sản phẩm quà biếu phục vụ du lịch Bình Thuận.

Cách làm rượu thanh long ruột đỏ tại nhà:

Nguyên liệu:

  • Thanh long đỏ 600g.
  • đường phèn 250g.
  • rượu 600g.
  • Bình ngâm rượu: bình  thủy tinh hoặc bình sành

Cách làm:

  • Thanh long rửa sạch, để khô ráo, sau đó gọt vỏ, thái thành miếng nhỏ. Cho vào lọ thủy tinh, cứ một lớp thanh long lại thêm một lớp đường phèn.
  • Đổ rượu vào ngâm, sau đó bịt kín lắp bình.
  • Đặt bình rượu vào chỗ mát, 3 tháng sau có thể dùng.
    Sau khi thanh long đã thành rượu, sẽ nghe mùi thơm dịu nhẹ, đem lược bỏ xác, đổ rượu vô chai đậy kỹ để dùng.
  • Ngon hơn khi để trong tủ lạnh và uống hằng ngày.

Chú ý:

  • Những người bị tiểu đường hạn chế dùng rượu thanh long
  • Phụ nữ mang thai và trẻ nhoe tuyệt đối không dùng rượu thanh long
  • Không lạm dụng rượu thanh long. Tốt nhất  50ml/ 1 ngày

Đây là thức uống tốt cho tim mạch.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Chế biến thân lá ngô dùng làm thức ăn cho trâu bò

Thân lá ngô khi còn xanh có thể cho trâu bò ăn ngay, song thường khi thu hoạch thì ta có một lượng nhiều nên trâu bò không thể tiêu thụ hết trong một thời gian ngắn.


Chúng tôi xin giới thiệu phương pháp ủ chua yếm khí thân lá ngô với bạn đọc. Thân lá ngô sau khi thu hoạch bắp loại chưa già, lá ngô còn xanh. Thân lá ngô (TLN) lúc này có vật chất khô (VCK) khoảng 25-27%, protein thô (CP) khoảng 9%, vật chất hữu cơ (OM) khoảng 92-94%. Thân lá ngô thu về chặt nhỏ (4-5 cm), chúng được chia ra để ủ theo mấy cách sau:
– TN0: Thân cây ngô đã chặt nhỏ không cho thêm rỉ mật và urê.
– TN1: Thân lá ngô đã chặt nhỏ + 5% rỉ mật.
– TN2: Thân lá ngô đã chặt nhỏ + 2,5% rỉ mật + 0,5% urê.
Ở TN1 và TN2 hỗn hợp TLN, rỉ mật và urê được trộn đều. Tiếp theo từng hỗn hợp của TN1, TN2 và TN0 được cho vào các bao nylon riêng (có thể sử dụng bao với kích cỡ khác nhau, tùy thuộc vào lượng TLN mà ta cần ủ), lèn thật chặt (nếu bao lớn thì cho từng lớp một để dễ nén chặt) cho đến khi gần đầy bao thì thôi, cố gắng lùa hết không khí ra, cuối cùng dùng dây buộc kín và chặt miệng túi. Chú ý khi cho TLN vào túi và lèn tránh không làm bao bị rách. Để bao TLN ủ nơi dâm mát.
Qua kiểm tra để xác định chất lượng khối ủ thông qua các chỉ tiêu pH, hàm lượng VCK, CP và OM tại 0, 7, 14, 21 ngày ủ và thu được kết quả: pH từ 4,9-5,1 (0 ngày) giảm còn 3,54-4,30 (21 ngày), pH như thế này là rất tốt cho tiếp tục bảo quản. VCK gần như giữ nguyên: từ 24,6-26,4% (0 ngày) đạt 25,6-26,2% ở 21 ngày. OM cũng gần như giữ nguyên: từ 93,3-94,0% (0 ngày) đạt 92,1-93,7% ở 21 ngày. Protein thô cũng gần như được giữ nguyên: từ 8,7-12,6% (0 ngày) đạt 8,5-12,0% ở 21 ngày. Đặc biệt, nhờ có bổ sung urê mà CP ở khối ủ TN2 cao hơn hẳn TN0 và TN1, 12,0-12,6% so với 8,5-9,0%. Rõ ràng, quá trình ủ chua yếm khí không làm giảm chất lượng TLN, mà còn bảo quản được lâu dài hơn và nếu có bổ sung 0,5% urê thì cải thiện chất lượng rõ rệt.
Kiểm tra khối ủ TLN ở 21 ngày ủ bằng các chỉ tiêu cảm quan chúng tôi thấy: TN0 có màu sẫm, thơm và chua nhẹ, nhưng bị nhiễm một ít nấm mốc; TN1 có màu vàng, thơm và chua nhẹ, không bị nhiễm nấm mốc; TN2 màu vàng sáng, thơm và chua nhẹ, không bị nhiễm nấm mốc. Về cảm quan khối ủ TN2 tốt nhất, TN0 kém nhất và bị nhiễm nấm mốc nên không bảo quản được lâu.
Kiểm tra đánh giá khả năng tiêu hóa vật chất của các khối TLN ủ tại dạ cỏ của bò đã thu được kết quả: Từ sau khi ăn vào 8 giờ đến 96 giờ, tỷ lệ tiêu hóa VCK, OM và CP trong TLN ủ của TN0, TN1 và TN2 đều tăng dần. Tiêu hóa VCK từ 31,4-44,6% ở thời điểm 8 giờ tăng lên 72,4-76,5% ở 96 giờ, tốt nhất là khối ủ TN1. Tiêu hóa OM từ 30,2-44,4% ở 8 giờ tăng lên 73,6-76,8% ở 96 giờ, tốt nhất là khối ủ TN1. Tiêu hóa CP từ 44,2-67,7% ở 8 giờ tăng lên 86,2-91,9% ở 96 giờ, tốt nhất là khối ủ TN2.


Thân lá ngô còn tươi xanh sau khi thu hoạch bắp, ủ yếm khí có thể bảo quản được trong thời gian khá lâu (21 ngày hoặc dài hơn) vẫn không bị hư hỏng, vẫn sử dụng làm thức ăn cho trâu bò tốt. Nếu có điều kiện nên trộn thêm 2,5 hoặc 5% rỉ mật và 0,5% urê thì chất lượng của thân lá ngô ủ sẽ được cải thiện. Ủ thân lá ngô yếm khí điều quan trọng nhất là phải nến nén chặt, buộc kỹ để bảo đảm điều kiện yếm khí. Mỗi lần lấy TLN ủ ra cho trâu bò ăn, chỉ lấy lượng vừa đủ cho bữa ăn đó, rồi lại phải nén chặt khối ủ và buộc kỹ miệng túi để giữ cho khối ủ yếm khí.

Nguồn : báo Nghệ An, tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Kỹ thuật phơi lúa trong lều

Một số hộ dân ở An Giang đã áp dụng kỹ thuật phơi lúa trong lều, ngay cả lúc gặp mưa mà vẫn rất nhàn nhã.

Trước đây mỗi khi vào vụ thu hoạch lúa hè thu tôi thường đem lúa ra lộ để phơi. Phơi trên lộ rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông và mấy năm nay Nhà nước cũng đã cấm phơi lúa trên lộ.

Từ khi  làm lều phơi lúa không lo lúa bị ướt hay nguy hiểm do tại nạn giao thông nữa. Cách làm lều che trên sân phơi lúa  bà con nông dân ở đây khá đơn giản. Lều được dựng trên nền sân phơi, xung quanh có hệ thống thoát nước dễ dàng. Lều được làm theo dạng một mái và hai mái.

Lều dạng 2 mái được làm như như hình tam giác trông như hai mái nhà. Thông thường bà con dùng tre hoặc cây gỗ tạp dựng thành một hàng cột giữa sân có chiều cao khoảng 2,5- 3 mét với số lượng từ 6-10 tùy theo chiều dài của sân, khoảng cách mỗi cột là 2 mét. Trên đầu cột này được buộc với một cây tre chạy dài suốt sân, cây tre có tác dụng như một nóc nhà. Hai bên lề của sân được đóng một hàng cọc chạy dài suốt sân, cao 20 cm và cách nhau 1 m. Sau đó dùng dây chì (số 3) hoặc dây ni-lon đen (loại dây có đường kính bằng chiếc tăm xe đạp) buộc từ cọc bên này đến cây tre trên nóc và kéo xuống cột chặt vào đầu cọc bên kia. Sau đó dùng tấm đệm có kích thước tương ứng với sân phơi phủ trùm lên trên rồi kéo 2 đầu tấm đệm xuống buộc vào các cọc phía ngoài sân phơi. Lúc trời nắng thì kéo tấm đệm về một phía để cho nắng vào sân phơi, khi gặp trời mưa thì kéo tấm đệm che sân lại rất nhẹ nhàng, nhanh chóng.

Đối với dạng lều che sân phơi một mái rất đơn giản: Treo một cây tre dài suốt chiều ngang của sân lên mái danh nhà trước. Sau đó cột các sợi dây ni-lon lên cây tre này rồi kéo xuống buộc chặt vào các cọc cây được đóng sẵn trước mặt ngoài sân phơi. Buộc một đầu của tấm đệm chạy dọc theo cây đòn tay của mái nhà. Đầu tấm đệm còn lại được luồn một cây tre nhỏ chạy dọc hết tấm đệm. Khi trời nắng bà con cuốn tấm ga lại và treo ngược lên cây đòn tay. Khi có mưa bà con chỉ cần tháo dây treo thì tấm ga sẽ tự động xổ xuống đến đầu cọc ở mặt đất, phủ trùm lên sân để bảo vệ số lúa không bị ướt.

Với cách làm lều như trên bà con đã tạo ra một mái che rất thuận lợi cho việc che lúa vào lúc trời mưa và chiều tối mà không cần phải kéo lúa lại. Gặp trời mưa nhiều ngày, với lượng lúa ít thì bà con cứ trải đều trên sân, lượng lúa nhiều thì cào lúa như những luống khoai, thỉnh thoảng đảo lúa hoặc có thể dùng quạt điện đặt ở một đầu theo hướng gió cho gió thổi làm lúa nhanh ráo vỏ sẽ giúp lúa không bị lên mộng.

Khi hết vụ phơi lúa trong mùa mưa bà con có thể tháo dây và tấm ga xuống cất vào nơi khô ráo để sử dụng cho những vụ lúa tiếp theo. Chi phí cho việc làm lều không cao lắm, tre thì đa số tự túc được, dây và tấm cho một sân 100 m2 khoảng 1- 1,2 triệu tùy theo bà con chọn loại tấm đệm giá cao hay thấp. Thời gian sử dụng của lều che này có thể kéo dài từ 5-7 năm.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Bảo quản và chế biến xoài

Bảo quản

Phần lớn xoài tiêu thụ trên thị trường hiện nay đều đựng trong sọt tre, thùng gỗ, thùng carton để trong điều kiện tự nhiên, vì vậy bị tác động bởi nhiệt độ, ẩm độ cao lại vận chuyển đi xa nên chỉ bảo quản được 7 – 10 ngày, tỷ lệ dập nát đến 20 – 25%, có khi tới 30%.

Bảo quản xoài thủ công

Các viện nghiên cứu, trường đại học đã nghiên cứu và ứng dụng thành công một số phương pháp bảo quản nhãn, xoài tươi như sau:

– Công nghệ bảo quản quả tươi ở nhiệt độ bình thường có sử dụng chất diệt nấm, vi sinh vật và côn trùng bằng xông khí SO2 và các phương pháp thay đổi thành phần môi trường bảo quản. Công nghệ này có thể bảo quản được 15 – 16 ngày, tỷ lệ hao hụt 10 – 12%, có thể vận chuyển đi xa từ các tình Nam Bộ ra miền Bắc.

– Công nghệ bảo quản quả tươi đối với xoài ở nhiệt độ thấp 10 – 12oC là phương pháp bảo quản hiệu quả nhất, thời gian bảo quản kéo dài trên 30 ngày, tỷ lệ hao hụt do dập nát 5 – 7%, có thể vận chuyển đi xa và xuất khẩu (trước khi bảo quản ở nhiệt độ thấp phải loại bỏ những quả thối, dập nát và xử lý các biện pháp như đã nêu trên). Với xoài bảo quản ở nhiệt độ tự nhiên (như ở nước ta) thời gian giữ được rất ngắn. Song bảo quản ở nhiệt độ thấp dưới 10oC, quả xoài gặp nhiều hạn chế: dễ bị tổn thương do nhiệt độ lạnh làm trái chuyển màu, thịt mềm, mùi vị không đặc trưng như chín bình thường. Xoài sau khi thu hoạch, phân loại, rửa sạch rồi ngâm trong dung dịch CaCl2 hoặc Ca(NO3)2, nồng độ sử dụng 4 – 6%, vớt ra để khô ở điều kiện tự nhiên, sau đó đựng trong túi nilông kích thước 15 x 25 cm, có 20 lỗ thoát ẩm trên túi. Bảo quản ở nhiệt độ 11 – 11,5oC là tốt nhất, thời gian bảo quản trên 30 ngày, xoài vẫn giữ được màu sắc, chất lượng tốt (VNCCAQ MN).

Xoài bảo quản thủ công vận chuyển xa dễ hư hỏng

– Về bao bì bảo quản xoài:

1. Một loại truyên thống dùng sọt tre, nứa, thùng gỗ (đóng từng thanh) có giá thành thấp nhưng tỷ lệ dập nát, thối nhũn cao.

2. Dùng thùng carton có đục lỗ thoát ẩm, giá thành tuy có cao hơn loại truyền thống song tỷ lệ hao hụt, dập nát, thối ít hơn nhiều nên hiệu quả cuối cùng vẫn cao.

Chế biến

Chế biến xoài sấy

Quy mô xưởng sấy từ 150 – 250kg nguyên liệu. Xoài được ủ ở nồng độ CaC2 (khí đá) 1%, thời gian ủ 36 giờ.

Xoài được rửa sạch, gọt vỏ, cắt lát, rồi xử lý ở nhiệt độ 80 – 900C trong 5 – 9 phút. Các miếng xoài được ngâm trong dung dịch nước đường có nồng độ 40 – 50%, thời gian ngâm 18 – 20 giờ. Sau đó xoài được rửa lại bằng nước ấm trước khi đem ra khay sấy. Nhiệt độ sấy 50 – 600C và sấy trong 14 -18 giờ. Sản phẩm phải có độ ẩm 16 -18%.

Chi phí đầu tư cho thiết bị này khoảng 160 triệu đồng.

Chế biến nước xoài

Nước đường (phụ phẩm sau chế biến xoài sấy) được phối chế với 20% bột xoài và nước ngâm dứa, bổ sung thêm 0,3 – ,5% acid citric. Sau khi được phối chế,dung dịch được bổ sung chất ổn định và được đồng hóa (10 phút) để tránh hiện tượng tách lớp. Dung dịch được bài khí bằng cách đun nóng trước khi rót chai ghép nắp và thanh trùng ở nhiệt độ 1000C trong 15 phút. Sản phẩm nước có mầu vàng tươi, mùi thơm tự nhiên…

Chi phí đầu tư cho quy trình này khoảng 60 triệu đồng.

Chế biến giấm xoài

Dung dịch nước đường trong chế biến xoài sấy được xử lý nhiệt trước khi phối chế với nước theo tỷ lệ 1/3, có bổ sung rượu. Hỗn hợp này được bơm vào thiết bị lên men liên tục, có sục khí nhằm cung cấp oxy cho hệ vi sinh vật thuần khiết đã được phân lập và được cấy trên giá thể xốp đặt trong thiết bị. Thời gian lên men là 7 – 10 ngày (ngắn hơn thời gian lên men thông thường 3 lần), độ chua của giấm là 5 – 6%. Giấm có độ trong cao, màu vàng nhạt, thoảng hương thơm trái cây.

Chế biến bánh xoài

Xoài để làm bánh tráng xoài được lựa chọn kỹ lưỡng, chín tự nhiên. Xoài chín được lột vỏ bằng tay, không gọt bằng dao để loại bỏ hẳn vỏ và làm bánh tráng xoài không bị xơ. Xoài sau khi lột vỏ được bào lấy nước cốt của xoài.

Đun nước xoài, được cho thêm ít đường và khoấy đều tay để dung dịch nước xoài không bị cháy, xít. Tiếp tục như vậy đển khi nước xoài trong nồi sôi và cô đặc thành dung dịch sền sệt là được.
Công đoạn phơi:

Nước xoài sau khi được đun chín, rưới tráng lên măm hoặc nia (một loại sàng bằng tre đan) đã phủ sẵn miếng lót nhựa nylon để dung dịch nước xoài không dính lên măm, nia và đảm bảo vệ sinh hơn. Sau đó, đem đi phơi dưới nắng gắt khoảng 2 ngày đến khi sờ vào tay không dính bánh mới đạt yêu cầu.

Nhờ độ chua tự nhiên của xoài cát và được chế biến theo phương pháp truyền thống (phơi sấy dưới nắng) nên bánh xoài có vị ngọt, chua và mùi thơm rất tự nhiện. Đặc biệt, bánh tráng xoài được bảo quản rất lâu trong điều kiện bình thường.

Kỹ thuật bảo quản khi cắt hoa

Sau khi cắt khỏi cây, cành hoa mất nguồn nước và dinh dưỡng do giả hành cung cấp. Cạnh đó các vi sinh vật gây thối rữa bắt đầu phá hủy các mô dẫn ở vết cắt. Để các búp hoa có thể nở hoàn toàn và giữ hoa được tươi lâu (khoảng trên 2 tuần sau khi cắt), cần tuân thủ một số kỹ thuật cơ bản sau đây:

                                            Kỹ thuật bảo quản khi cắt hoa

  • Từ khi cắt cho đến khi thu hóa hoa cần được cắm trong nước và để vào chỗ ẩm mát.
  •  Ngay trước khi sơ chế đóng gói, cắt bỏ phần cuống cành hoa một đoạn 5 cm bằng dao bén.
  • Khử trùng vết cắt và 1 đoạn 10 cm cuối của cành hoa trong dung dịch CuS04 5%.
  • Cột quanh vết cắt một túm bông gòn.
  • Cho phần gốc cành hoa có buộc bông gòn vào một túi ni-lông nhỏ cao khoảng 10 cm.
  •  Bọc từng hoa bằng một tờ giấy cuộn tròn (đối với hoa lớn)
  •  Đặt giấy độn quanh cành hoa (hoa nhỏ) trước khi gói.
  •  Xếp hoa vào thùng giấy cứng để chuẩn bị vận xuất.
  •  Đổ nước đường saccharose 1% đã khử trùng cho ướt đẫm túm bông và có dư một ít.
  • Gói từng cành hoa. Cuống hoa đã được gói trong túi ni-lông có bông gòn và nước.
  •  Cột chặt miệng túi ni-lông vào cuống cành hoa để nước không chảy ra.
  •  Tồn trữ, vận chuyển trong điều kiện mát, đủ thoáng cho đến tay người tiêu dùng trong thời gian ngắn nhất…

Công nghệ chế biến hoa trước khi đóng hàng xuất khẩu của chúng ta cho đến nay còn sơ sài và chỉ bảo đảm được yêu cầu tối thiểu là giữ cho hoa tương đối tươi khi đến nơi nhận hàng. Còn hàng loạt vấn đề cần phải giải quyết như:

  •  Kỹ thuật bao bì cho từng cành hoa hoặc cho từng lô (3 cành, 10 cành…) phải được nghiên cứu trình bày thế nào để tăng giá trị thẩm mỹ cho hoa, hấp dẫn được thị hiếu của khách hàng.
  •  Kỹ thuật cung cấp nước và dinh dưỡng cho hoa sao cho thời gian sử dụng hoa được lâu, các búp hoa nở hoàn toàn.
  •  Thay đổi nhiều kiểu chế biến để làm phong phú mặt hàng như trình bày từng hoa rời kèm với các loại cây lá khác, hoặc kết hợp với một số phong lan hoang dại của nước ta…

Công nghệ bảo quản, gia công, bao bì và trình bày mỹ thuật cho hoa Cymbidium trước khi xuất khẩu là một vấn đề hết sức quan trọng cần được đặc biệt đầu tư nghiên cứu để làm tăng giá trị sản phẩm. Trên cơ sở đó, chúng ta mới có thể xác định từng bước cho hoa Cymbidium Đà Lạt nói riêng, cho Lan Việt Nam nói chung, một vị trí xứng đáng trên thị trường hoa lan quốc tế.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Tại sao carrageenan sản xuất từ rong biển được ứng dụng nhiều trong thực phẩm?

Carrageenan là một chất xơ hoà tan trong nước, được tìm thấy trong nhiều loại rong biển.  Tên của loại phụ gia từ rong biển được lấy theo tên của một loại rong biển mọc dọc theo bờ biển Ireland, khu vực gần một ngôi làng có tên là Carragheen

Carrageenan được sản xuất từ rong sụn

Về tính chất của Carageenan là một chất có màu hơi vàng, màu nâu vàng nhạt hay màu trắng. Chúng có dạng bột thô, bột mịn và gần như có mùi. Đặc biệt chất được sản xuất từ rong biển này đóng vai trò là chất phụ gia trong thực phẩm để tạo đông tụ, tạo tính mềm dẻo, đồng nhất cho sản phẩm và cho điểm nóng chảy thấp. Carrgeenan được dùng trong các món ăn trong thực phẩm: các món thạch, hạnh nhân, nước uống.

  • Carrageenan được bổ sung vào bia, rượu, dấm làm tăng độ trong.
  • Trong sản xuất bánh mì, bánh bicquy, bánh bông lan…carrageenan tạo cho sản phẩm có cấu trúc mềm xốp.
  • Trong công nghệ sản xuất chocolate:bổ sung Carrageenan vào để làm tăng độ đồng nhất, độ đặc nhất định
  • Trong sản xuất kẹo:Làm tăng độ chắc, độ đặc cho sản phẩm.
  • Trong sản xuất phomat, sản xuất các loại mứt đông, mứt dẻo
  •   Đặc biệt ứng dụng nhiều trong lĩnh vực chế biến thủy sản:Carrageenan được ứng dụng tạo lớp màng cho sản phẩm đông lạnh, làm giảm hao hụt về trọng lượng và bay hơi nước, tránh sự mất nước của thịt gia cầm khi bảo quản đông…
  • Trong bảo quản đóng hộp các sản phẩm thịt, bổ sung vào surimi và giò chả…
  • Do Carrageenan tích điện âm của gốc SO42+ nên có khả năng liên kết với protein qua gốc amin mang điện tích dương khi pH nằm dưới điểm đẳng điện.Chính nhờ điểm này mà trên 50%tổng lượng Carrageenan được sử dụng trong công nghiệp sữa. Vai trò của Carrageenan là làm cho các sản phẩm sữa có độ ổn định khá cao, không cần dùng đến tinh bột hoặc lòng trắng trứng.

Carrageenan được ứng dụng trong thực phẩm thạch

Việc chiết tách Carrageenan có hiệu quả cao và chất lượng tốt là cơ sở để dẫn tới sản xuất polysaccharide này ở quy mô công nghiệp, từ đó nâng cao giá trị kinh tế của rong sụn, rong hồng vân…nhằm thúc đẩy ỡ rộng quy mô,cải thiện đời sống cho người dân ven biển. Ngoài ra, sự đầu tư phát triển nuôi trồng rong sụn, rong hồng vân còn giảm ô nhiễm môi trường

Vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa bảo vệ được môi trường thủy vực. đó là một hướng đi bền vững, tại sao chúng ta lại không dám làm?

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam