Kỹ thuật nuôi chim cút

1. Chọn chim cút giống

Hiện nay có rất nhiều trang trại cung cấp chim cút giống nên việc tìm ra địa chỉ mua là điều không quá khó. Mấu chốt của vấn đề nằm ở cách chọn giống. Sau đây là một số lưu ý cho bà con khi chọn mua chim cút giống.

Con trống: Ở loài chim cút thì con trống nhỏ hơn con mái, chọn mua con giống 25-30 ngày tuổi và nặng khoảng 70-90g/con. Khi chọn giống cần chọn những chim nhanh nhẹn, không dị tật, lông mượt da nhẵn, đầu nhỏ, mỏ ngắn, cổ dài, lông ngực vàng hoặc vàng nâu và ngực nở.

Con mái: Chọn con mái >100g, cổ nhỏ, lông mượt, lông ngực đốm trắng đen, xương chậu rộng sẽ đẻ tốt, hậu môn nở, đỏ hồng

Hiện nay tại Việt Nam nuôi chủ yếu là chim cút Nhật Bản. Đây là giống chim rất dễ nuôi, sức đề kháng mạnh, sinh sản tốt (đẻ 260 – 300 trứng/năm) trong thời gian dài.

Cút giống

2. Chuồng nuôi chim cút

Có rất nhiều cách làm chuồng nuôi chim cút với kích thước rất đa dạng. Chim cút rất dễ nuôi nên có thể nuôi trong lồng hoặc vây lưới thép nuôi dưới nền đều được. Sau đây là quy cách chuồng tham khảo được khuyến nghị cho bà con:

  • Kích thước chuồng: 1×0.5x2m làm bằng khung thép hoặc gỗ và lưới vuông 1x1cm để chim dễ di chuyển và tiện vệ sinh. Mỗi chuồng như vậy có thể nuôi 20 – 25 chim cút mái.

Nuôi chim cút trong lồng

  • Nền chuồng nên làm có độ dốc khoảng 3 độ để trứng lăn ra mà không bị bể.
  • Nóc chuồng làm bằng vật liệu mềm vì chim cút hay nhảy nên dễ bị tổn thương phần đầu
  • Khi nuôi số lượng lớn thì các chuồng có thể xếp lên nhau và để khoảng trống 10cm để vỉ hứng phân chim và vệ sinh.
  • Máng thức ăn, nước uống: Làm bằng vật liệu dẻo, dài 0.5m, rộng 5cm, cao 5cm. Đối với chim non có thể nhỏ hơn.

Chuồng nuôi chim cút

3. Thức ăn cho chim cút

Mỗi cá thể chim cút trưởng thành ăn khoảng 20g/ngày và uống 50-80ml nước/ngày. Lưu ý là mỗi ngày chim mái sẽ đẻ 1 trứng nên thức ăn phải luôn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và nước luôn là nước sạch.

Thức ăn cho chim cút

Thức ăn chủ yếu cho chim cút là cám viên. Người nuôi có thể bổ sung các loại hạt như đậu, kê, cao lương, lúa để vỗ béo. Ngoài ra, cần bổ sung các vitamin và khoáng chất bằng cách trộn vào thức ăn hoặc pha với nước uống để tăng sức đề kháng và duy trì khả năng sinh sản tốt.

Chim cút ăn khá nhiều, mội ngày nên cho ăn 3-4 lần và tập cho đàn chim ăn đúng giờ giấc từ khi mới nở.

4. Chăm sóc đàn chim

Quá trình chăm sóc chim cút được chia làm 3 giai đoạn:

  • Cút con (1-25 ngày): Chim cút nở ra phải được sưởi ấm ngay để duy trì thân nhiệt. Nhiệt độ sưởi trong tuần đầu là 34 độ và giảm dần mỗi tuần 3 độ đến tuần thứ 4 thì kết thúc. Môi trường nuôi luôn đảm bảo khô thoáng và ấm áp. Thức ăn trong giai đoạn này cần giàu đạm và vitamin.
  • Cút thịt (25-30 ngày): Khẩu phần giai đoạn này hướng đến mục tiêu vỗ béo nên sẽ giàu tinh bột và ít đạm, để chim ăn tự do cả ngày lẫn đêm đến 40 ngày có thể bắt đầu xuất bán.
  • Cút sinh sản: khẩu phần của cút sinh sản cần đảm bảo đầy đủ tất cả các chất dinh dưỡng để chim đẻ đều. Mỗi ngày cút mái đẻ 1 trứng nên cần phải ăn bù lại khối lượng đó. Cút mái ăn khoảng 25g/ngày.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Tìm hiểu về chim cút

Chim cút (Chim cay) là một tên gọi chung cho một số chi chim có kích thước trung bình trong họ Trĩ (Phasianidae), hoặc trong họ Odontophoridae (chim cút Tân thế giới). Bài này chúng tôi chỉ giới thiệu về các loài sinh sống trong khu vực thuộc họ Trĩ. Các loài chim cút hiện nay không có quan hệ họ hàng gần, nhưng chúng cũng được gọi là chim cút do bề ngoài và các hành vi tập tính gần giống với các loài chim cút ngày trước.

Chim cút

Các loài cút trước kia cũng đã được gọi là chim cút, nhưng chúng thuộc về họ Turnicidae và chúng không phải là chim cút thật sự, chúng chưa được con người nuôi chúng với mục đích lấy thịt hay trứng ở quy mô thương mại như các loài chim cút thực sự. Chúng có các đặc điểm như:

– Chim cút là các loài chim nhỏ, mập mạp sống trên đất liền. Chúng là các loai chim ăn hạt, nhưng cũng ăn cả sâu bọ và các con mồi nhỏ tương tự. Chúng làm tổ trên mặt đất. Một số loài chim cút được nuôi với số lượng lớn trong các trang trại. Chúng bao gồm chim cút Nhật Bản, chúng cũng được biết đến như là chim cút coturnix, được nuôi giữ chủ yếu để sản xuất trứng và được bán rộng trên khắp thế giới.

Chim cút được nuôi tại nhà

– Chim cút có thị giác rất phát triển nên có khả năng nhận biết và chọn lọc thức ăn cao, nhưng vị giác và khứu giác của chúng lại kém phát triển nên khó nhận biết mùi vị thức ăn. Vì vậy, chim cút rất dễ bị ngộ độc thức ăn do ăn phải thức ăn ôi, mốc.

– Chim cút mặc dù đã được thuần hóa nuôi dưỡng từ lâu nhưng còn mang nhiều đặc tính hoang dã. Đáng chú ý là chúng vẫn sợ tiếng động, tiếng ồn nên thường bay lên va vào thành lồng mà chết. Ngày nay, chim cút nuôi nhốt được cho ăn đầy đủ, chăm sóc tốt cho sản lượng trứng 300 – 360 trứng/năm, có con đến 400 trứng/năm. Tỷ lệ đẻ trung bình đến 80 – 90%, khối lượng trứng trung bình 10 – 15 g/quả. Tuổi bắt đầu đẻ trứng của chim cút khoảng 40 ngày, thời gian chim cút đẻ trứng từ 14 – 18 tháng.

Nuôi chim cút đẻ không đòi hỏi nhiều diện tích chuồng nuôi, thức ăn chi phí không nhiều mà hiệu quả chăn nuôi lại cao. Mỗi ngày cho chim cút ăn 20 – 25gr thức ăn thì sẽ thu được một quả trứng nặng 10 – 11g cho thấy chim cút là loài gia cầm có năng suất tạo trứng cao.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Bảo vệ vật nuôi mùa mưa bão

Thời tiết mưa bão ảnh hưởng lớn đến sức khỏe đàn vật nuôi, vì vậy cần phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi trước và trong mùa mưa bão. Khi thời tiết mưa, bão không những gây khan hiếm nguồn thức ăn mà còn dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm. Mặt khác khi mưa to có thể gây ngập úng cục bộ hoặc lụt trên diện rộng tạo cơ hội phát tán mầm bệnh.

Vì vậy, người chăn nuôi cần thường xuyên cập nhật bản tin dự báo thời tiết hàng ngày và tăng cường chăm sóc gia súc, gia cầm trong mùa mưa bão để tăng khả năng chống chịu các tác động bất lợi của thời tiết cùng sự đe dọa của dịch bệnh cho vật nuôi.

1. Biện pháp thực hiện trước mùa mưa bão, lũ lụt

– Đảm bảo chuồng trại vững chắc. Tu sửa và chằng chống lại chuồng trại. Mái chuồng cần gia cố để hạn chế tốc mái khi có bão. Kiểm tra rèm che chắn đề phòng mưa tạt, gió lùa vào chuồng nuôi.

– Đảm bảo mật độ nuôi phù hợp với số lượng và đặc tính, lứa tuổi của đàn vật nuôi.

– Kiểm tra hệ thống thoát nước thải, nơi chứa chất thải để hạn chế ô nhiễm. Khơi thông cống rãnh, hạn chế úng ngập khi mưa to. Đối với những vùng có nguy cơ ngập lụt, cần tôn cao nền chuồng hoặc làm sàn kê cao và có phương án di dời vật nuôi khi ngập lụt.

– Dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm đủ về lượng và đảm bảo về chất: Dự trữ thức ăn xanh, phơi khô, ủ chua rơm rạ, cỏ khô, thân cây bắp đối với trâu, bò; Dự trữ thức ăn tinh và thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh đối với lợn, gia cầm. Thức ăn dự trữ cần bảo quản ở những nơi khô ráo để tránh ẩm mốc. Tuyệt đối không cho vật nuôi ăn thức ăn tinh đã bị nấm mốc.

– Cần lưu ý đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho vật nuôi uống. Dự trữ một số hóa chất khử trùng nước để đảm bảo đủ nước sạch cho vật nuôi uống.

– Dự trữ một số vật tư thuốc thú y cần thiết, vitamin, thuốc trợ sức, trợ lực, men tiêu hóa,… dùng cho vật nuôi khi thời tiết bất lợi.

– Tăng cường vệ sinh phòng bệnh cho vật nuôi: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, ngăn chặn mầm bệnh bên ngoài vào khu vực chăn nuôi để hạn chế phát sinh dịch bệnh. Vệ sinh sạch chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi. Định kỳ sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi để diệt mầm bệnh.

– Chủ động phòng bệnh bằng cách tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho vật nuôi trước mùa mưa bão. Đối với trâu, bò, cần tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng. Đối với đàn lợn, tiêm phòng bệnh dịch tả lợn, tụ huyết trùng, phó thương hàn, lở mồm long móng, tai xanh… Đối với đàn gia cầm, cần tiêm vắc-xin phòng bệnh Niu-cát-xơn, Gumboro, cúm gia cầm. Vịt, ngan cần tiêm phòng dịch tả vịt, viêm gan do vi rút, vúm gia cầm, tụ huyết trùng…

– Chủ động phương án thắp sáng và giữ ấm cho vật nuôi: Những ngày mưa bão lớn thường bị mất điện nên người chăn nuôi cần chủ động phương án thắp sáng và sưởi ấm dự phòng như máy phát điện, đèn, xăng dầu, bếp than, bếp trấu, củi… để giữ ấm cho vật nuôi

– Đối với những gia đình có đàn gia súc, gia cầm lớn thì nên xuất bán vì trong thời kỳ này khan hiếm thức ăn và hạn chế khả năng rủi ro do bão lụt.

Tu sửa và chằng chống chuồng trại, mái chuồng để hạn chế tốc mái khi có bão

2. Biện pháp thực hiện trong và sau mưa bão, lũ lụt

– Về chuồng nuôi

Thường xuyên kiểm tra chuồng trại chăn nuôi. Tu sửa, tránh để ẩm ướt, hạn chế tối đa sự tồn tại của mầm bệnh. Di dời đàn vật nuôi lên cao để tránh úng ngập. Khi nhiệt độ môi trường xuống thấp cần bổ sung thêm chất độn chuồng hoặc sưởi để giữ ấm cho vật nuôi. Kiểm tra cống rãnh thoát nước, nếu bị tắc phải khơi thông ngay, không để nước mưa chảy ngược vào chuồng nuôi

Thường xuyên quét dọn, vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống, các dụng cụ chăn nuôi.

Nước rút đến đâu thì vệ sinh ngay đến đó. Định kỳ 1 – 2 lần/ tuần phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột để tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi. Nên chọn những loại thuốc sát trùng có hoạt phổ rộng và có tác dụng diệt trùng nhanh, hoạt lực kéo dài, ổn định.

– Chăm sóc nuôi dưỡng vật nuôi

Luôn để gia súc, gia cầm nơi khô ráo, sạch sẽ bằng mọi biện pháp vì gia súc, gia cầm trong môi trường ẩm ướt, lạnh chân sẽ rất dễ mắc bệnh. Chú ý giữ ấm cho gia súc, gia cầm; Hạn chế chăn thả trong mùa mưa lũ.

Cung cấp đầy đủ thức ăn sạch, dễ tiêu, đảm bảo chất lượng, phù hợp với từng lứa tuổi của vật nuôi. Cung cấp đủ thức ăn xanh cho trâu bò, có thể bổ sung thêm thức ăn tinh cho chúng. Đối với lợn con và gà con ở giai đoạn úm nên sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh để đảm bảo đủ dinh dưỡng. Cung cấp đủ nước uống sạch, bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa… cho gia súc, gia cầm để nâng cao sức đề kháng.

3. Công tác thú y

– Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm theo đúng lịch trình phòng bệnh để tăng khả năng miễn dịch cho vật nuôi. Hàng ngày, vệ sinh chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi sạch sẽ, thu dọn phân, chất thải về đúng nơi quy đinh và có biện pháp xử lý sát trùng.

– Thường xuyên kiểm tra đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt phát hiện sớm những bất thường trên đàn vật nuôi như uể oải, ủ rũ, kém ăn; tình trạng sức khoẻ đàn gia súc, gia cầm. Cách ly kịp thời những vật nuôi có biểu hiện khác thường. Khi nghi ngờ gia súc, gia cầm mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh ở lợn, phải báo ngay cho thú y viên hoặc khuyến nông viên cơ sở để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh. Khi có gia súc, gia cầm ốm, chết phải đào hố, chôn sâu và rắc vôi bột, tuyệt đối không giết mổ, vận chuyển, bán chạy, vứt xác chết bừa bãi ra môi trường xung quanh.

– Sau bão lũ, khi nước rút cần quét dọn, vệ sinh chuồng trại, bãi chăn, thu gom rác thải… rồi tiến hành phun khử trùng tiêu độc bằng các chất sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh trong nền chuồng và bãi chăn thả. Nhanh chóng đưa gia súc gia cầm vào chuồng khô và ấm. Thay hoặc bổ sung đệm lót khô cho vật nuôi. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa cho vật nuôi. Với những gia súc có biểu hiện rối loạn tiêu hóa hoặc bệnh đường hô hấp thì phải cách ly và điều trị kịp thời.

Phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm nhất là trong mùa mưa bão cần được các hộ chăn nuôi tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục và cần được sự quan tâm của cộng đồng dân cư để đảm bảo an toàn dịch bện gia súc, gia cầm và giảm bớt thiệt hại cho người chăn nuôi.

Phun khử trùng tiêu độc chuồng trại bằng các chất sát trùng

Theo trung tâm khuyến nông Quốc gia, tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.

Cải thiện năng lượng trong trang trại chăn nuôi

Trong cơ cấu ngành Nông nghiệp, chăn nuôi là khu vực tiêu thụ năng lượng với quy mô lớn hơn nhiều so với trồng trọt, lâm nghiệp và thủy sản. Điều này khiến không ít chủ trang trại chăn nuôi tỏ ra lo lắng trước hóa đơn tiền điện hàng tháng trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao. Tuy vậy, cũng có không ít cách giải quyết vấn đề này. Dưới đây là 5 biện pháp đơn giản có thể đem lại những lợi ích thiết thực về hiệu quả năng lượng cho các chủ hộ chăn nuôi.

1. Hệ thống thông gió chuồng trại:

Chuồng của các loại vật nuôi khác nhau có những yêu cầu về thông gió rất khác biệt. Một hệ thống thông gió có thiết kế hợp lý và hoạt động ổn định là điều cần thiết để nâng cao hiệu quả năng lượng.

– Trước hết, cần lựa chọn những loại quạt có hiệu suất cao, dựa trên tỷ lệ giữa thể tích không gian có gió với lượng tiêu thụ điện năng trong cùng một điều kiện áp suất. Mặt khác, thay vì phải huy động một số lượng lớn quạt ở mọi vị trí trong chuồng trại, việc sắp xếp vị trí quạt theo kiểu dây chuyền sẽ giúp các chủ trang trại tận dụng được sức gió ở vị trí này cho vị trí khác. Điều này sẽ giúp giảm bớt chi phí dành cho việc mua quá nhiều quạt một cách không cần thiết, mở rộng không gian chuồng trại và quan trọng nhất là tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, việc bổ sung một số quạt có bệ đỡ xung quanh trang trại cũng đem lại những hiệu quả nhất định. Ngoài ra, cũng cần chú ý đến việc thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng quạt.

– Thứ hai, cần nhận thức được rằng, thông gió tự nhiên vẫn là cách hiệu quả nhất để tối thiểu hóa chi phí điện năng hàng tháng. Các chủ trang trại cần tận dụng tối đa lợi thế từ quy hoạch của mình, tránh những tốn kém cho việc lắp đặt sau này, ví dụ như quan tâm hơn đến độ dày và vật liệu xây tường, vị trí các mái hắt, cửa sổ, cửa ra vào,… Các đường ống thông gió cũng cần được làm sạch thường xuyên. Ngoài ra, đối với những khu chuồng có thiết kế mở (không đủ 4 bức tường), phần không có tường cần hướng về phía mặt trời để quá trình thông gió được diễn ra dễ dàng, đồng thời ánh sáng mặt trời sẽ giúp loại bỏ nhiều vi khuẩn có hại cho vật nuôi.

– Cuối cùng, các chủ hộ cũng có thể thiết kế thêm hệ thống thông gió trên mái nhằm giảm bớt chi phí năng lượng, đặc biệt là ở những vùng có khí hậu nóng ẩm.

2. Hệ thống chiếu sáng:

Tương tự như hệ thống thông gió, đối với hệ thống chiếu sáng, việc lựa chọn các loại đèn có hiệu suất cao, ví trí lắp đặt hợp lý và kế hoạch sử dụng tối ưu là điều vô cùng quan trọng. Về loại đèn, LED là lựa chọn lý tưởng khi tiết kiệm 40-70% so với các loại đèn khác. Trong khi đó, một kế hoạch sử dụng tối ưu có thể được tạo ra thông qua việc kết hợp giữa pin quang điện, công-tơ thông minh và một số thiết bị điều khiển khác. Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng việc sử dụng đèn điện chỉ diễn ra khi thực sự cần thiết. Ngoài ra, việc sử dụng linh hoạt công tắc tổng và công tắc riêng cho từng khu vực của trang trại cũng góp phần không nhỏ vào công tác giảm thiểu tiêu thụ năng lượng.

3. Lò sưởi hồng ngoại:

Lò sưởi hồng ngoại là một thiết bị hữu dụng để cung cấp nhiệt tự động đến những nơi có nhu cầu (theo thiết lập của người sử dụng) thay vì phải cung cấp nhiệt liên tục cho toàn bộ hệ thống. Bên cạnh đó, việc lắp đặt thêm các bộ điều nhiệt sẽ giúp hiệu quả năng lượng của trang trại được nâng cao.

4. Hệ thống nước:

Ở một số nước xứ lạnh, hệ thống nước không chỉ có tác dụng làm sạch chuồng trại mà còn kiêm luôn việc cản trở hiện tượng đóng băng mùa Đông gây trở ngại cho vật nuôi. Hiện tượng này là nguyên nhân khiến một lượng lớn điện năng bị lãng phí dành cho việc bơm nước và có thể là cả đun nóng. Các phương thức đơn giản để hạn chế hiện tượng này bao gồm tăng độ dày tường hoặc bổ sung thêm lớp cách nhiệt vào mùa Đông, sơn đen toàn bộ tường và các thiết bị để cải thiện mức độ hấp thụ nhiệt, sử dụng các đường ống có kích thước lớn để giảm áp suất nước do hiện tượng đóng băng, thường xuyên kiểm tra tình trạng đường ống nhằm hạn chế rò rỉ,… Riêng đối với các trang trại có dây chuyền sản xuất sữa, chủ hộ có thể tận dụng ngay nguồn nước ấm thu được sau quá trình làm lạnh sữa để hạn chế tình trạng kết băng chuồng trại.

5. Hệ thống xử lý chất thải vật nuôi:

Chủ hộ cần tính toán chính xác quy mô trang trại của mình, về kích thước cũng như số lượng vật nuôi tối đa để lắp đặt hệ thống xử lý chất thải có kích thước phù hợp. Mặt khác, trong bối cảnh các hệ thống xử lý hiện nay chủ yếu dùng sức nước để xả sạch chuồng trại, việc tích hợp với hệ thống nước và cài đặt nhiệt độ, tốc độ nước thích hợp là rất cần thiết. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ năng lượng sạch còn cho phép các chủ trang trại tận dụng nguồn chất thải hữu cơ phong phú từ vật nuôi làm nhiên liệu cho sản xuất điện năng. Chỉ với quá trình phân hủy yếm khí đơn giản, họ có thể thu được một hỗn hợp khí chứa tới 60% mê-tan – một loại nhiên liệu sạch và không gây ô nhiễm môi trường.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Bệnh do kí sinh trùng gây ra ở đà điểu

Trong quá trình nuôi, đà điểu bị nhiễm kí sinh trùng là điều không thể tránh khỏi. Các ký sinh trùng bên trong cơ thể của những con đà điểu được nuôi nhốt thường ít hơn so với những con đà điểu được nuôi theo kiểu chăn thả hoặc tự do. Trong chăn nuôi đà điểu để kinh doanh, trứng thường được ấp nhân tạo và con non thì được nuôi cách ly thành từng nhóm (đàn). Việc nuôi riêng các con non này sẽ giúp cách ly chúng khỏi những con trưởng thành vốn đã đông đúc và như thế sẽ cản trở vòng đời của hầu hết các loại ký sinh trùng trong cơ thể.

Đa số các loại ký sinh trùng này không gây ảnh hưởng lắm về mặt kinh tế. Tuy nhiên, các loại ký sinh trùng sau đây lại được công nhận là gây ra tổn thất nghiêm trọng.

1. Giun dây trong mề đà điểu

Giun sống ở trong mề tuyến (vì thế nên có tên là giun trong mề). Giun trưởng thành có chiều dài từ 0,5-1 cm, màu nâu – hung đỏ, rất mỏng và giống như cái dây. Trứng giun được thải theo phân và vẫn có thể sống tới ba năm sau. Khi có đủ độ ẩm và ấm, trứng sẽ nở thành ấu trùng có khả năng gây bệnh. Kể từ khi nuốt phải, các ấu trùng phát triển thành con giun trưởng thành trong khoảng ba tuần.

Những con đà điểu còn nhỏ đặc biệt rất dễ bị ảnh hưởng bởi loại ký sinh trùng này. Nếu nhiễm nhiều giun có thể làm ảnh hưởng tới mề và có thể làm cho tỷ lệ chết cao.

Các triệu chứng: Con đà điểu bị nhiễm giun có biểu hiện không muốn ăn, uể oải, không khỏe mạnh, mặt tái nhợt (biểu hiện của triệu chứng thiếu máu), bị bệnh đường ruột (trong trường hợp bị bệnh mạn tính) và chứng táo bón (ở những con đà điểu có đường ruột bị ảnh hưởng). Tỷ lệ ở con non thường cao.

Bệnh lý và chẩn đoán: Phát hiện có giun dây ở trong mề hoặc lớp bên trong sau khi tử vong, tìm thấy trứng giun trong phân nhờ phương pháp đãi nổi. Bề ngoài cơ thể và các cơ quan bên trong cơ thể tái nhợt, gan nhỏ và vàng.

Điều trị và kiểm soát: Levamizol là loại thuốc đầu tiên có tác dụng trị bệnh giun dây tốt. Tuy nhiên, gần đây các biểu hiện cho thấy chúng dường như kháng lại thuốc này. Hiện nay, nhóm benzimidazol đã được đưa vào để điều trị. Ví dụ, fenbendazole với liều lượng 15 mg/kg theo đường miệng. Nên nhớ rằng nếu trước đây chuồng trại đã bị nhiễm giun thì cần phải tẩy giun cho đà điểu (các con non và các con đang lớn) thường xuyên (ba tới bốn tuần một lần). Để tránh trường hợp giun kháng lại thuốc đặc trị thì cần phải dùng lần lượt hai hay thậm chí tới ba loại thuốc. Cần phải kiểm tra tất cả những con đà điểu khi mới đưa về trang trại.

2. Sán đà điểu (sán dây, sán xơ mít)

Sán sống ở trong ruột non và có thể làm cho đà điểu gầy mòn dần do bị đói liên tiếp. Trứng sán được thải ra từ một vật chủ trung gian. Loại vật chủ trung gian của sán đà điểu vẫn chưa được biết đến. Khi đà điểu ăn phải vật chủ trung gian thì sán sẽ phát triển thành con sán trưởng thành.

Triệu chứng: Đà điểu non dễ bị ảnh hưởng nhất và có biểu hiện nhiễm sán rất chậm; tình trạng sức khỏe suy sụp dần, uể oải và thiếu máu, đôi khi kèm theo tiêu chảy nhẹ.

Bệnh lý và chẩn đoán: Có sán trong ruột non, có các khúc sán hoặc trứng sán trong phân.

Điều trị và kiểm soát: Cách điều trị sán này cũng giống như điều trị giun dây nhưng loại thuốc fenbendazole cần phải uổng với liều cao hơn (25 mg/kg) ngoài ra cần uống thêm resorantel với liều 130 mg/kg. Với cách dùng thuốc kết hợp như vậy việc tẩy sán, đặc biệt là sau sáu tuần cho uống lại thuốc đó sẽ có hiệu quả cao.

3. Giun nematode

Loại giun Codiostomum struthionis chỉ có ở đà điểu. Nó sống ở ruột già và cản trở quá trình hấp thụ nước. Nó dài khoảng 1-1,5 cm và có màu trắng.

Triệu chứng: Không có các triệu chứng rõ ràng

Bệnh lý và chẩn đoán: Có giun ở đầu đoạn ruột kết, có thể tìm thấy trứng giun trong phân. Điều trị và kiểm soát: Giống như điều trị giun dây.

4. Sán mắt

Đây là một loại ký sinh trùng có thể gây nhiễm cho đà điểu cũng như một số loài chim khác. Loại sán này cần sử dụng loại sên nước ngọt làm vật chủ trung gian riêng. Nó gây ảnh hưởng tới mắt và sống ở túi dịch của màng kết mạc và dẫn tối bệnh viêm màng kết và viêm túi lệ. Sán mắt rất nhỏ, không dài quá 2 – 3 mm.

Điều trị và kiểm soát: Điều trị khoanh vùng ở túi dịch của màng kết mạc bằng bột muối cacbonat 5%. Đợt điều trị thứ hai sau 48 giờ.

5. Vi sinh vật đơn bào

Cầu trùng đã được tìm thấy ở đà điểu sống tại nhiều vùng Bắc Mỹ và châu Âu, đặc biệt là ở những nơi nuôi đà điểu non theo cách nhốt trong chuồng. Loại ký sinh trùng đơn bào này gây ra bệnh về đường tiêu hóa. Loài Eimeria đã được tìm ra nhưng các giống của loài này vẫn chưa được biết rõ.

Triệu chứng: Các triệu chứng bệnh đối với đà điểu thường rất ít. Bệnh chỉ có thể được chẩn đoán chính xác bằng cách kiểm tra đường ruột của chúng. Những con đà điểu bị nhiễm bệnh thường có biểu hiện ăn không ngon miệng, ốm yếu, lông xù lên, tư thế đứng lom khom và phân của chúng có thể có màu.

Bệnh lý và chẩn đoán: kết quả cho thấy có ký sinh trùng đơn bào trong hệ thống tiêu hóa và trong phân của đà điểu.

Điều trị và kiểm soát: thường xuyên dùng thuốc diệt vi sinh vật đơn bào là cách điều trị tốt nhất. Khi phát bệnh, cần khẩn trương tăng cường bổ sung lượng vitamin K, sulfonamide và vitamin A trong chế độ ăn hàng ngày cho đà điểu. Tẩy uế chuồng trại sạch bằng amoniac sau mỗi lứa con non sẽ là một cách không chế vi sinh vật đơn bào rất hiệu quả.

6. Các loại ký sinh trùng bên ngoài cơ thể

Các loại côn trùng, bao gồm rận, mạt, bọ chét là những loài phổ biến nhất và là những loài ký sinh trùng bên ngoài phổ biến có ảnh hưởng tới đà điểu ở mọi độ tuổi. Những con đà điểu bị nhiễm các loại ký sinh trùng bên ngoài nói chung có biểu hiện ngứa ngáy khó chịu và phản ứng bằng cách gãi. Có thể tìm rận và mạt bằng cách kiểm tra da và lông, đặc biệt là ở vùng quanh đít, chân, cánh và cổ. Kiểm tra đà điểu vào ban đêm có thể tìm thấy các loại ký sinh trùng ăn đêm, nhưng để nhận ra được từng loại ký sinh trùng riêng thì cần phải kiểm tra bằng kính hiển vi.

Rận thuộc loài struthiolipenrus có thể gây hư hại và giảm khối lượng lông. Mạt ở đà điểu thuộc họ pterolichidae. Những con mạt soi được dưới kính hiển vi này sống ở trong cuống lông. Trong quá trình sống, mạt chui qua cuống lông và làm hư hại lông. Có mạt ở trong cuống lông sẽ khiến cho con đà điểu tự nhổ lông của chính mình và làm xây sát da. Ngoài việc làm giảm số lượng lông ra, sự khó chịu, căng thẳng cũng gây ảnh hưởng tới sức khỏe của đà điểu như viêm đường hô hấp, đồng thời giảm khả năng sinh sản của chúng.

Bọ chét ở đà điểu thuộc về rất nhiều giống. Ở những vùng có lượng mưa lớn và cây cối rậm rạp thì bao giờ cũng có nhiều bọ chét. Chỗ hay bị tấn công nhất của đà điểu là ở đầu và cổ. Bọ chét là loại gây thiệt hại kinh tế đối với đà điểu. Thứ nhất là bọ chét không chỉ làm cho đà điểu không được thoải mái mà còn làm xây xát da do đó làm giảm giá trị của da. Thứ hai, một số giống bọ chét là vật mang của loài trùng rận gây ra bệnh “phù tim”.

Cách điều trị và kiểm soát chung

Nói chung có thể làm giảm tối thiểu các loại ký sinh trùng bên ngoài cơ thể bằng các phương pháp vệ sinh. Liệu pháp Ivermectin (ivoznec) có khả năng tiêu diệt rất tốt hầu hết các loại ký sinh trùng bên ngoài cũng như các loại ký sinh trùng bên trong cơ thể đà điểu nhờ tiêm dưới da liều lượng 0,2 mg/kg, mỗi tháng tiêm nhắc lại một lần trong vòng ba tháng. Nếu bị nhịễm bọ chét nặng thì dùng carbaryl 5 phần trăm rắc hai lần trong hai tuần sẽ rất hiệu quả.

Nguồn:

Kỹ thuật nuôi đà điểu từ sơ sinh đến 3 tháng tuổi

Úm đà điểu con hay còn gọi là gột đà điểu là các kỹ thuật nuôi đà điểu từ lúc mới nở đến khi đà điểu con cứng cáp để có tỷ lệ sống cao nhất.

Chuồng nuôi gột

Nên chọn hướng có ánh nắng mặt trời, thoát nước tốt, mặt bằng cao ráo. Khu vực xung quanh yên tĩnh, tránh tiếng ồn như đường sắt, phi trường, nhà máy, đường ôtô… Nhà nuôi gột được thiết kế có chuồng kín nuôi úm và sân chơi đảm bảo diện tích như sau:

Tuổi đà điểu (ngày) Chuồng úm (m2/con) Sân chơi (m2/con)
1-30 0,3-0,5 2,0
30-60 0,7-1,3 3-3,5
60-90 1,5-2,0 4-6

Chuồng úm thông thoáng nhưng phải giữ được ấm. Sân chơi tốt nhất là thảm cỏ hoặc đất nền được nhật sạch các dị vật như mảnh thủy tinh, sợi kim loại, que nhọn… Có thể trải một lớp cát mỏng lên bề mặt sân chơi để đà điếu vận động tốt và hút ẩm các chất đà điểu bài tiết.

Đà điểu đang úm dưới bóng đèn nhiệt hồng ngoại

Thảm lót và chất độn chuồng

Từ 1- 2 tuần đầu nền nhà nuôi úm được lót bằng thảm mềm để đà điểu đi lại vững chắc và giữ ấm được phần bụng. Từ tuần thứ 3 trở đi dùng cát khô lót nền. Chức năng chạy của đà điểu rất quan trọng vì vậy khi nhốt ở nền cứng, trơn sẽ làm chân biến dạng, trật khớp dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao.

Máng ăn, máng uống

Máng ăn dùng bằng nhựa, cao su hoặc chậu sành, không dùng máng có góc cạnh nhọn sắc dễ gây chấn thương chân. Máng uống có thể dùng các chậu bằng sành, sứ, nhựa hoặc vật tương tự có bề mặt rộng để đà điểu thuận tiện khi uống bằng động tác ngậm nước đưa lên cao rồi mới nuốt.

Chọn đà điểu giống

Chọn đà điểu nở đúng ngày (ngày thứ 42 – 44), khoẻ mạnh không bị dị tật, nhanh nhẹn, mắt sáng, bụng gọn, khối lượng cơ thể đạt từ 0,8 – 1kg/con. Thức ăn và nuôi dưỡng

Tiêu chuẩn protein và năng lượng trong khẩu phần thức ăn tinh

Chỉ tiêu 0 -1 tháng tuổi  1-3 tháng tuổi
Protein (%) 21 19
ME (kcal) 2900 2800

Thức ăn nuôi đà điểu mới, không ôi mốc, tốt nhất sử dụng cám viên để đà điểu ăn không rơi vãi. Phương pháp cho ăn: cho ăn nhiều bữa trong ngày:

  • 1 – 30 ngày tuổi cho ăn 6 lần/ngày
  • 31 – 60 ngày tuổi cho ăn 4 lần/ngày
  • 61 – 90 ngày tuổi cho ăn 2 – 3 lần/ngày.

Có thể dùng riêng máng đựng thức ăn tinh và rau xanh. Trong những tuần đầu có thể trộn rau thái nhỏ với thức ăn tinh để đà điểu ăn được nhiều thức ăn tinh hơn. Đà điểu phát triền tốt có khả năng thu nhận thức ăn và đạt tăng trọng như sau:

Khả năng thu nhận thức ăn và khối lượng cơ thể

Tuần tuổi Khối lượng Thức ăn tinh (g/con/ngày)
Sơ sinh 0.85-0,90
1 roo 9,3
2 1,22 38,8
3 1,92 85,6
4 2,94 179,2
5 4,56 257,1
6 7,62 330,6
7 8,23 449,2
8 10,12 487,7
9 12,24 492,4
10 15,03 654,2
11 18,02 653,7
12 20,18 747,1
13 22,18 758,5

Thức ăn xanh gồm các rau mềm: xà lách, bắp cải, rau muống…

Lưu ý: tuần đầu khối lượng sơ sinh có khả năng giảm đến 10 ngày, giai đoạn này đà điểu sử dụng nguồn dinh dưỡng chú yếu là noãng hoàn, vì vậy nhu cầu thức ăn ăn vào không quan trọng bằng nước uống. Cả giai đoạn cho ăn thức ăn tinh tự do.

Giai đoạn 1 – 3 tháng tuổi rất quan trọng, kết quả nuôi tốt hay xấu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả khai thác các lứa tuổi sau.

Chăm sóc và quản lý

Nhiệt độ và ẩm độ

Sau khi nở 24 giờ đưa đà điểu vào quây úm vì bộ lông lúc này chưa đầy đủ, điều hoà thân nhiệt kém nên phải giữ nhiệt cho nó. Ngoài ra trong bụng còn tích khối noãn hoàn lớn (253 – 350g) dễ bị lạnh khi nhiệt thấp hoặc chất độn chuồng không đủ dày, dẫn đến xơ cứng không tiêu hóa được, viêm nhiễm là nguyên nhân chính gây chết trong những ngày tuổi đầu. Vì vậy, giữ ấm trong giai đoạn gột úm là hết sức quan trọng. Khi úm luôn phải quan sát phản ứng của con vật với nhiệt độ. Nếu thấy nhiều con tránh xa khu vực lò sưởi (đèn) hay há miệng thở, cần giảm nhiệt độ xuống; ngược lại nếu nhiều con tập trung gần nơi phát nhiệt và những con ngoài rìa run run thì đó là nhiệt độ thấp cần phải tăng nhiệt lên. Khi đủ ấm đà điểu vận động mau lẹ hoặc nằm rải rác, ngủ ngon lành.

Tuần tuổi Nhiệt độ (°C) Ẩm độ tốt nhất (%)
Mới xuống chuồng 32-33 65-75
1 30-32 70-80
2 28-30 70-80
3 24-26 70-80
4 22-23 70-80
>5 22 70-80

Từ 1 tháng tuổi luyện cho đà điểu thích ứng dần với điều kiện ngoại cảnh. Ẩm độ chuồng gột giữ tốt nhất ở mức 65-75%

Ánh sáng – vận động

Ánh sáng và vận động phải phù hợp để kích thích đà điểu con ăn nhiều, tiêu hóa tốt, giảm bệnh tật, tăng trường nhanh. Nếu bên ngoài khí hậu tốt, ánh nắng đầy đù thì 20 ngày tuổi có thể cho đà điểu con ra ngoài sân chơi để vận động và tắm nắng. Thời gian thả tăng từ từ theo từng ngày và diện tích sân chơi cũng được mới rộng dần.

Một tháng thả tự do vận động khi thời tiết tốt, nhưng khi trời mưa, xấu thì phải nhanh chóng đưa chúng vào chuồng. Đà điểu không có tuyến nhờn ở phao cầu để bôi trơn lông vì vậy khi gặp mưa lông bị ướt, dẫn đến rét toàn thân, cảm lạnh.

Quy mô đàn

Để quan sát và chăm sóc đồng đều từ sơ sinh đến 3 tháng tuổi nên bố trí 20 – 25 con/quây úm. Quy mô lớn hơn đà điểu hạn chế vận động, tăng trưởng chậm nếu gặp tác nhân hại đột ngột gây kích động làm chúng sợ hãi nháo nhác dẫm đạp lên nhau dễ gây chấn thương và các khuyết tật về chân.

Điều kiện yên tĩnh

Hệ thần kinh đà điểu rất nhạy cảm, dễ phát sợ kinh động khi có tiếng động lớn, đột ngột hoặc có người lạ mặt.

Lúc đó cả bầy dồn tụ lại một chỗ ngóc đầu lên cao, quay về bốn phía như đề phòng hiểm họa. Nếu có sự kinh động mạnh, cả bầy chạy toán loạn và có thể dẫm đạp lên nhau, đâm vào bất cứ chướng ngại vật nào dễ gây chấn thương, rách da hoặc gẫy cổ mà chết.

Đề phòng các vật lạ

Vì đà điểu là loại ăn tạp nên trong khu vực nuôi cần phải dọn sạch các vật như gạch, đá, mảnh thủy tinh, túi bóng hay các vật nhỏ nhọn sắc để tránh cho chúng ăn phải các thứ này, dễ gây tổn thương đường tiêu hoá.

Nguồn: Caytrongvatnuoi được kiểm duyệt lại bởi Farmtech VietNam.

Bệnh do virus ở đà điểu

Bệnh do virus gây ra thường khó điều trị và có tỉ lệ chết cao trong thời gian ngắn. Hãy cùng Framtech VietNam tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, trệu chứng và cách phòng bệnh do virus gây ra ở đà điểu.

1. Bệnh Niucatsơn

Bệnh Niucatxơn ở đà điểu cũng gây ra do các chủng virut Nuicatxơn cường độc. Thường các chủng virut này được thải ra từ các ở dịch Niucatxơn của gà, tồn tại và phân tán trong môi trường tự nhiên. Đà điểu ăn thức ăn, uống nước có virut Niucatxơn sẽ bị nhiễm virut và phát bệnh.

Đà điểu ở các lứa tuổi đều bị mắc bệnh Niucatxơn. Đặc biệt đà điểu non 1-4 tháng tuổi thường bị bệnh thể cấp tính. Đà điểu có các triệu chứng lâm sàng đặc trưng sau:

– Các triệu chứng về tiêu hoá: Đà điểu ỉa chảy, phân không thành khuôn, có nhiều dịch nhày do niêm mạc ruột bị tróc ra. Đà điểu thường đứng ủ rũ, bỏ ăn, uống nhiều nước. Do ỉa chảy làm mất nước và rối loạn các chất điện giải nên đà điểu non thường chết do kiệt sức sau thời gian bị bệnh 6-8 ngày.

– Các triệu chứng hô hấp: Đà điểu có dấu hiệu viêm đường hô hấp, liên tục chảy nước mũi, nước rãi, và đặc biệt thở khó dần. Các trường hợp đà điểu bị bệnh thể hô hấp cũng bị chết với tỷ lệ cao sau 10-15 ngày.

– Các triệu chứng thần kinh: Đà điểu có các cơn run rẩy, đi lại xiêu vẹo, ngoẹo đầu, mổ không trúng thức ăn. Các trường hợp bị bệnh nặng, đà điểu thường lên cơn co giật, lăn quay, rãy rụa, cuối cùng bị liệt chân và sẽ chết sau thời gian hành bệnh 7-10 ngày.

Hiện không có thuốc chữa đặc hiệu bệnh Nuicatxon cho đà điểu cũng như cho gà. Bệnh pháp quan trọng nhất là sử dụng vacxin phòng bệnh Niucatxơn cho đà điểu:

– Đối với đà điểu non từ 7 ngày đến 45 ngày tuổi. Dùng vacxin Lasota nhỏ và mắt mũi hoặc chủng dưới da cánh cho đà điểu. Vacxin thường được pha theo tỷ lệ 1/200 với nước cất. Sau khi dùng vacxin 10-14 ngày, đà điểu non có miễn dịch chống lại virut Niucatxơn.

Sau 45 ngày được sử dụng vacxin Lasota, đà điểu cần phải tiêm chủng vacxin Nuicatxon hệ 1, cũng tiêm dưới da cánh với liều 0,20-0,30 ml/1 đà điểu bằng dung dịch vacxin pha với nước cất theo tỷ lệ 1/200. Vacxin sẽ tạo miễn dịch chắc chắn cho đà điểu và miễn dịch kéo dài 12 tháng.

– Đối với đà điểu trưởng thành: mỗi năm cần tiêm vacxin Niucatxơn cho chúng một lần vào cuối mùa thu chuyển sang đông.

Thực hiện vệ sinh chuồng trại và vệ sinh môi trường nuôi đà điểu để tránh lây nhiễm mầm bệnh. Chuồng trại và môi trường cần định kỳ tiêu độc bằng các loại thuốc diệt trùng như Crêsyl- 2% hoặc nước vôi 10%.

Không nuôi gà trong khu vực chăn nuôi đà điểu để đà điểu không bị nhiễm virut Niucatxơn từ gà.

2. Bệnh đậu mùa

Nguyên nhân là do virus đậu (Fowl pox) gây nên. Virut truyền nhiễm qua không khí, côn trùng truyền bệnh (thường là giống muỗi Cules và Aides) hoặc do ăn phải các mảnh vảy da bị nhiễm virut (các vảy da khô bong ra từ các nốt loét của con khác). Thời gian ủ bệnh ở đà điểu từ sáu đến mười ngày.

Triệu chứng: Xuất hiện các mụn trên da nhất nơi khóe mắt, mũi, miệng. Các mụn này vỡ ra chảy nước và dễ bị nhiễm khuẩn gây mủ. Con vật ngứa ngáy khó chịu, nhiều con bị sốt, bỏ ăn.

Tỷ lệ chết của bệnh này thường thấp (15 phần trăm) và nguyên nhân chết chủ yếu là do con đà điểu không thể ăn được hoặc không thể lấy được thức ăn và nước uống.

Điều trị: Không có thuốc trị, chủ yếu dùng các chất tăng cường sức đề kháng như Vitamin C, ADE, đường Glucoza.  Các nốt lở loét có thể điều trị bằng dung dịch nitrat bạc trong bốn đến năm ngày để tránh bị nhiễm virut lại.

Phòng bệnh: Vệ sinh, khử trùng chuồng trại, tăng sức đề kháng cho đà điểu bằng các loại vitamin, điện giải, đường Glucoza, trách gây sốc cho con vật. Dùng vaccin đậu gà chủng qua da cánh liều lượng bằng 1.5 liều gia cầm. Cần diệt trừ muỗi gây bệnh.

3. Bệnh cúm

Nguyên nhân gây bệnh là do virut được gọi là virut “cúm gây bệnh dịch ở loài chim” (HPAI).

Các triệu chứng: Các triệu chứng lâm sàng của bệnh cúm ở loài chim rất khác nhau theo từng độ tuổi và thể loại virut nhiễm phải. Bệnh cúm này gây khả năng chết đột ngột cao, ngừng đẻ trứng hoàn toàn, có các triệu chứng về hô hấp, có tiếng ran khi thở, chảy quá nhiều nước mắt, viêm xoang, đầu và mặt bị phù nề, ỉa chảy và nước tiểu chuyển thành màu xanh.

Điều trị: hiện nay, bệnh cúm ở loài chim không thể chữa được và cũng không có văcxin để phòng bệnh. Phòng bệnh tất nhiên chỉ để hạn chế sự lây lan của bệnh.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Tại sao thịt đà điểu có màu đỏ?

Tại sao thịt đà điểu lại đặc biệt?

Điều đầu tiên cần nhắc tới chính là mặc dù đà điểu là gia cầm nhưng thịt của chúng lại đỏ chứ không có màu trắng như hầu hết các loài chim khác. Hơn nữa, loại thịt đỏ này của đà điểu, tuy có màu sắc và mùi vị khá giống nhưng lại chứa ít chất béo, calo và cholesterol hơn thịt bò và thậm chí là cả những loại thịt gia cầm màu trắng khác như thịt gà và gà tây.

Trên thực tế, có một mối liên hệ mật thiết giữa loại cơ và các loại màu của thịt động vật. “Thịt đỏ” là loại thịt có màu đỏ trước khi nấu như thịt bò, thịt hươu và đà điểu. “Thịt trắng” thường có màu rất nhạt trước khi nấu và bao gồm thịt gà và thịt lợn. “Thịt đen” thường liên hệ với phần thịt đen hơn và có hàm lượng chất béo cao hơn ở loài động vật thịt trắng (như phần cánh và đùi gà). Thịt thỏ cũng được coi là “thịt đen”.

Yếu tố chính xác định xem thịt động vật là thịt trắng hay thịt đỏ là cơ của chúng thuộc loại cơ co nhanh hay cơ co chậm. Cơ co chậm thường được sử dụng nhiều trong các hoạt động kéo dài như đi bộ, đứng hoặc bay. Nó chứa rất nhiều myoglobin – loại protein dự trữ một lượng lớn oxy để hỗ trợ các hoạt động mang tính chất lâu bền. Cũng giống như bò, đà điểu dành phần lớn thời gian để đứng và đi bộ. Ngay cả phần cánh của chúng cũng hoạt động tương đối thường xuyên do đóng vai trò như “bánh lái”. Cơ của đà điểu chủ yếu là cơ co chậm nên thịt của chúng có màu đỏ.

Mặt khác, gà và gà tây không sử dụng cơ nhiều như đà điểu. Hầu hết khối lượng cơ của chúng là loại cơ co nhanh được sử dụng cho các hoạt động như nhảy nhanh. Cơ co nhanh không chứa nhiều myoglobin mà chủ yếu sử dụng glycogen nhạt màu. Vậy nên những loài động vật thuộc loại cơ co nhanh có thịt màu trắng nhạt.

Mặc dù vậy, vẫn tồn tại một ngoại lệ thú vị đó là “thịt đen” ở gia cầm. Các phần cơ thể hoạt động nhiều như chân (do gà đi lại thường xuyên) chứa nhiều myoglobin hơn phần ức của chúng. Chính vì vậy, thịt ở chân gà được xếp vào loại thịt đen chứ không phải thịt trắng như những bộ phận khác.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Bệnh về nấm ở đà điểu

Bệnh ở đà điểu do nấm tuy không nhiều nhưng người nuôi cần nắm rõ tác nhân và triệu chứng để nhận biết và có biện pháp kịp thời tránh lan rộng toàn đàn.

1. Bệnh nấm Aspergillosis

Nấm cúc nói chung là tác nhân gây bệnh về hô hấp cho đàn đà điểu. Bệnh thường do chủng nấm Aspergillus fumigatus gây ra. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh nấm Aspergillosis ở đà điểu nhỡ lại do chủng nấm A. flavus và A. niger gây ra, các bào tử nấm này có thể truyền qua rác rưởi hoặc thức ăn bị nhiễm mốc hoặc do hít phải các bào tử nấm trong khu vực ấp trứng bị nhiễm mốc.

Các triệu chứng: các triệu chứng lâm sàng xuất hiện từ độ tuổi ba tới tám tuần tuổi. Các triệu chứng của bệnh là mệt mỏi, biếng ăn, còi cọc và khả năng chết lên tới 50 phần trăm. Trái với giống chim khác, tuy bị tổn thương phổi rất nghiêm trọng nhưng ở đà điểu không thấy thể hiện bất cứ một triệu chứng lâm sàng nào của bệnh hô hấp thường gặp.

Điều trị: nỗ lực điều trị bệnh này nói chung là vô ích. Có thể pha dung dịch sunfat đồng (tỷ lệ 1:200) làm nước uống cho đà điểu để tránh cho bệnh khỏi lan rộng hơn. Cách hạn chế bệnh tốt nhất là loại trừ nguyên nhân gây bệnh, cần phải kiểm tra kỹ để loại trừ mốc trong các thùng đựng rác, thức ăn và nước uống, đồng thời phải khử trùng buồng ấp trứng bằng formalin (55 ml trong một cm³) và permanganat kali (35 g trong thể tích một cm³).

2.Bệnh nấm gây tưa

Bệnh này do chủng nấm Candida moniliformis gây ra. Ở đà điểu, thường phải điều trị lâu dài bằng thuốc kháng sinh. Nấm tác dụng tới nước dãi ở miệng và thực quản đà điểu gây biếng ăn, mất nước có khả năng gây chết.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

 

Các bệnh dinh dưỡng ở đà điểu

Khi nuôi đà điểu, cần chú trọng tới thành phần và liều lượng thức ăn tránh mất cân bằng dinh dưỡng. Thừa hoặc thiếu chất một chất nào đó đều gây bệnh và ảnh hưởng tới sức khỏe của chúng.

Khi một lượng dinh dưỡng nào đó trong thức ăn thiếu không đủ đáp ứng nhu cầu của đà điểu; trong khẩu phần ăn hàng ngày có một chất thừa hoặc có chất ngăn cản khả năng hấp thụ hay làm giảm giá trị của chất dinh dưỡng khác; hoặc quá trình chuyển hóa ở đà điểu bị rối loạn do tác động qua lại giữa chế độ ăn hàng ngày, môi trường và các yếu tố về di truyền học.

1.Vitamin A

Vitamin A rất cần thiết cho sự phát triển, thị lực, tránh trầy xước các màng nhầy và chống nhiễm khuẩn bằng cách kích thích cơ thể sinh ra kháng thể.

Đối với đà điểu nhỡ, thiếu vitamin A sẽ làm cho xương phát triển không bình thường (xương và sụn phát triển không có trật tự), thiếu thừa vitamin A làm cho xương bị dị dạng và tổn hại tới màng mô.

Đối với đà điểu trưởng thành xuất hiện triệu chứng đầu tiên là ốm yếu, lông bù xù, cả sản lượng trứng và khả năng nở của trứng đều giảm. Trong các trường hợp nặng hơn, đà điểu bị chảy nước mũi và có một chất nhầy màu trắng tích tụ lại trong mắt làm giảm thị lực của chúng.

Đà điểu mẹ thiếu vitamin A thì phôi thai bị dị dạng đầu to, thiếu mắt. Khi nở ra, con non có biểu hiện chậm phát triển, ốm yếu và lông phát triển kém.

Điều trị: bổ sung vitamin A trong chế độ ăn hàng ngày với tỷ lệ 12.000 IU/kg. Quá trình hấp thụ vitamin rất nhanh và những con đà điểu chưa bị thiểu năng sẽ nhanh chóng hồi phục.

2.Vitamin D

Vitamin D này có tác dụng kích thích quá trình vận chuyển và hấp thụ canxi cũng như photpho từ ruột tới bộ xương tạo cho bộ xương có hình dạng bình thường, mỏ cứng và vỏ trứng chắc, khỏe.

Các triệu chứng: Khi thiếu vitamin D, quá trình tạo thành xương sẽ kém và đối với những con đà điểu nhỡ thì bị còi xương còn đối với đà điểu trưởng thành thì bị loãng xương. Xương phát triển không bình thường, đặc biệt là ở chân, làm cho chân bị khập khiễng và khuỷu chân to hơn. Mỏ và móng chân trở nên mềm và dễ bị gãy, vỡ giống như xương. Con vật chậm lớn và lông phát triển kém. Với những con trưởng thành, sản lượng trứng và khả năng nở của trứng giảm, vỏ trứng mềm.

Điều trị: cho đà điểu uống một liều lớn một lần vitamin D3 (10.000 IU) có thể chữa khỏi rất nhanh các triệu chứng thiếu vitamin D. Không dùng vitamin D2 cho đà điểu vì ít hiệu quả. Ngoài ra, không được bổ sung quá nhiều vitamin D3 vào thức ăn.

3.Vitamin E

Vitamin E rất quan trọng cho quá trình tái tạo và tăng khả năng nở của trứng.

Các triệu chứng: Đối với đà điểu trưởng thành, thiếu vitamin E không gây ra dị dạng nhưng lại làm giảm khả năng sinh sản của cả con đực và cái khiến khả năng trứng nở giảm rõ rệt. Đối với đà điểu non và đà điểu nhỡ, thiếu vitamin E sẽ gây ra bệnh nhũn não do thiếu dinh dưỡng. Tùy theo chế độ ăn sử dụng hàng ngày mà có thể dẫn đến các hội chứng tiết dịch thể tạng, yếu cơ và khuỷu chân quá to, rồi sau đó con vật đột nhiên suy sụp (hội chứng đột qụy ở đà điểu).

Điều trị: Điều trị bằng cách bổ sung vitamin E và selen sẽ rất hiệu quả. Thuốc có tác dụng nhanh và đà điểu sẽ trở lại bình thường trong một vài ngày.

4.Vitamin B

Vitamin B giúp cơ thể phát triển, duy trì chức năng thông thường của mô thần kinh, tham gia vào quá trình chuyển hóa sinh học và phát triển lông.

Các triệu chứng:  Đối với đà điểu nhỡ, thiếu vitamin B2 làm đầu gục xuống thấp hơn, cánh thì rũ xuống, ngón chân quặp xuống dưới và quay vào phía trong khi đi lại hoặc nghỉ ngơi (chứng liệt co ngón chân) hoặc có thể bị liệt nặng. Đối với đà điểu đang đẻ, nếu khẩu phần ăn hàng ngày mà thiếu axit pantonic thì sẽ dẫn tới một tình trạng “gây ra bệnh còi cọc, chậm phát triển ở con non”. Phôi bị chết trong khi ấp chứng tỏ tình trạng phù nề và xuất huyết dưới da nghiêm trọng. Các triệu chứng làm cho con non chậm phát triển thường kèm theo tình trạng viêm da nặng ở chân, miệng và mô mắt. Mí mắt của con vật thường bị dính lại do gỉ mắt tiết ra.

Điều trị: khi các triệu chứng này kéo dài có thể gây ra những tổn thương không thể phục hồi được và khi đó nếu có bổ sung vitamin bị thiếu thì cũng sẽ không chữa khỏi được. Tuy nhiên, bổ sung vitamin B2 sẽ có tác dụng rất nhanh nếu thần kinh chưa bị tổn thương tới mức không thể hồi phục được. Có thể ngăn chặn gần như hoàn toàn tất cả tình trạng trên bằng cách bổ sung vitamin vào khẩu phần ăn hàng ngày với liều lượng thích hợp.

5. Mangan

Khả năng hấp thu mangan ở ruột chim tương đối kém. Thiếu mangan thì sẽ dẫn tới bộ xương bị dị dạng và chất lượng vỏ trứng không tốt.

Các triệu chứng: Đà điểu non và nhỡ được nuôi với một chế độ ăn thiếu mangan có biểu hiện chậm lớn và chân bị dị tật. Đối với đà điểu trưởng thành, thiếu mangan sẽ làm giảm rất nhiều sản lượng và khả năng nở của trứng. Phôi bị dị dạng (như phần mỏ dưới bị ngắn, tạo ra một cái mỏ giống như “mỏ vẹt”) và con non nở ra sẽ bị động kinh.

Điều trị: khi đà điểu có các triệu chứng của bệnh thì rất khó có khả năng chữa khỏi cho chúng. Phương pháp phòng ngừa bệnh là bổ sung đủ lượng mangan trong chế độ ăn hàng ngày cho đà điểu.

Danh sách một số loại thức ăn tương đối rẻ tiền có thể thay thế các nguồn cung cấp vitamin được trình bày trong bảng dưới. Loại dầu từ quả cọ (hoặc dừa, thốt nốt) rất có ích trong việc điều trị bệnh thiếu vitamin A và vitamin D. Dầu gan cá có chứa từ 2000 tới 6000 IU vitamin D3 trên một gam tùy theo từng loại cá (dầu của loại cá như cá ngừ và cá thu có chứa loại vitamin này nhiều nhất). Cỏ linh lăng khô là một nguồn cung cấp vitamin D rẻ tiền và có chất lượng phù hợp (khoảng 1.200 IU/kg) (xem bảng dưới).

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.