Trồng cây so đũa lấy lá nuôi dê

Anh Đỗ Văn Tú, phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) bước đầu đã thành công với mô hình nuôi dê nhốt chuồng bằng lá so đũa. Anh Tú nói, để nuôi đàn dê nái, dê thịt, anh đã phải trồng 200 cây so đũa để lấy lá cho dê ăn…

Cây so đũa được trồng để lấy lá cho dê ăn

Nuôi dê là một trong những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả đang được nhiều hộ nông dân (ND) vùng ven thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) lựa chọn. Quỹ Hỗ trợ ND của Hội ND đã giúp nhiều hộ có vốn đầu tư xây dựng mô hình.

Phù hợp với nông dân ít vốn

Mô hình nuôi dê nhốt chuồng hiện nay đang được nhiều ND trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu lựa chọn, bởi dê là loài vật dễ chăm sóc, mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện tự nhiên và những hộ vốn ít.

Được Hội ND thị xã Vĩnh Châu giới thiệu, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi dê nhốt chuồng của nhiều hộ ND trên địa bàn. Theo đó, Khánh Hòa là một trong những phường có nhiều hội viên ND thành công từ mô hình này. Ông Nguyễn Văn Dễ – Chủ tịch Hội ND phường Khánh Hòa cho biết: “Mô hình nuôi dê ở địa phương được triển khai thực hiện năm 2016 từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) của thị xã, với nguồn vốn ban đầu là 50 triệu đồng, chia đều cho 4 hộ vay. Thấy được việc chăn nuôi dê có hiệu quả, nhiều bà con ở phường đã làm theo. Toàn phường có 945 hội viên ND thì có tới hơn 60 hội viên nuôi dê”.

Anh Đỗ Văn Tú ở khóm Kinh Ven -1 trong những hộ được vay vốn từ Quỹ HTND đầu tư nuôi dê nhốt chuồng tâm sự: “Với số tiền 12,5 triệu đồng được vay từ Quỹ HTND, tôi mua 7 con dê giống. Chuồng dê được tôi đổ cột bê tông cố định nên bền và chắc. Do chăm sóc tốt nên đàn dê của gia đình tôi tăng nhanh số lượng, hiện nay có 13 con dê nái và dê thịt thương phẩm”.

Chặt từng cành so đũa non cho dê ăn, anh Tú phấn khởi chia sẻ thêm: “Tôi mới bán 3 con dê thịt, thương lái vào tận nhà mua với giá 90.000 đồng/kg. Nuôi dê chi phí thấp, chỉ cần nguồn vốn hỗ trợ ban đầu để mua con giống, chịu khó và học hỏi thêm kinh nghiệm thì có thể có thu nhập. Hơn nữa, dê rất dễ nuôi, nguồn thức ăn rất đa dạng gồm tất cả các loại cây tạp, nhưng để cho dê bóng và đẹp thì phải cho ăn thêm lá cây so đũa. Hiện nay, tôi đang trồng trên 200 cây so đũa mới đủ nguồn thức ăn cho dê”.

Tuyên truyền để nhân rộng

Gia đình anh Thái Văn Pha cùng ở khóm Kinh Ven cũng là 1 trong những hộ bước đầu thành công từ mô hình nuôi dê nhốt chuồng. Từ số tiền được vay của Quỹ HTND, anh Pha mua 4 con dê giống về nuôi. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người nuôi trước cộng thêm sự siêng năng, cần cù, đàn dê của anh Pha ngày càng phát triển.

Dẫn chúng tôi ra tham quan mô hình nuôi dê của gia đình, anh Pha phấn khởi cho hay: “Nuôi dê nhốt chuồng chi phí thấp, nguồn thức ăn của dê rất dễ kiếm, chủ yếu các phế phẩm nông nghiệp. Thường thì một con dê nái mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lần chỉ đẻ 2 con nhưng con dê nái nhà tôi lần này đẻ được 3 con dê cái. Hiện gia đình tôi có 7 con dê cái, tôi sẽ để nhân giống mở rộng đàn”.

Cho dê ăn lá cây so đũa

Để có đàn dê khỏe mạnh, yếu tố đầu tiên là phải chọn con giống tốt, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, đặc biệt, thức ăn phải để khô ráo trước khi cho dê ăn để tránh dê bị đau bụng. Từ thành công bước đầu của nhiều hộ nuôi dê nhốt chuồng ở phường Khánh Hòa, Hội ND thị xã Vĩnh Châu sẽ tuyên truyền để nhân rộng ở những địa phương phù hợp, qua đó giúp ND có thêm thu nhập từ nghề chăn nuôi mới…

Theo tintaynguyen.com được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Đặc điểm heo rừng lai

1. Giống và đặc điểm giống heo rừng lai

Heo rừng lai là con lai giữa heo rừng đực với heo nái là heo địa phương thả rông của người dân tộc thường nuôi (giống heo gần như hoang dã) tạo ra con lai với ưu thế lai cao của cả bố và mẹ: Có sức đề kháng mạnh, khả năng chịu đựng kham khổ với môi trường sống tự nhiên cao, ít dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt rất thấp. . .

Heo rừng lai

Vóc dáng: Heo rừng lai cân đối, nhanh nhẹn, di chuyển linh hoạt, hơi gầy, dài đòn, lưng thẳng, bụng thon, chân dài và nhỏ, cổ dài, đầu nhỏ, mõm dài và nhọn, tai nhỏ vểnh và thính, răng nanh phát triển mạnh, da lông màu hung đen hay xám đen, một gốc chân lông có 3 ngọn, lông dọc theo sống lưng và cổ dày, dài và cứng hơn, ánh mắt lấm lét trông hoang dã.

Trọng lượng lúc trưởng thành (con đực thường lớn hơn con cái), con đực nặng 50 – 70kg, con cái nặng 30- 40kg.

Tập tính sinh hoạt và môi trường sống: Heo rừng lai hơi nhút nhát, thính giác, khứu giác tốt, sinh hoạt bầy đàn và chọn lọc tự nhiên thể hiện tính hoang dã. Thích sống theo bầy đàn nhỏ vài ba con, heo đực thường thích sống một mình (trừ khi heo cái động dục). Môi trường sống thích hợp là vườn cây, trảng cỏ gần ao hồ. Thích hoạt động về ban đêm, ban ngày tìm nơi yên tĩnh, kín đáo để ngủ, nghỉ.

Giá trị và thị trường: Thịt heo rừng lai màu hơi nhạt, không đỏ như thịt heo nhà, nhưng nhiều nạc, ít mỡ, da mỏng và dồn, thịt dòn thơm ngon rất đặc trưng, hàm lượng Cholerteron thấp, người tiêu dùng rất ưa chuộng nên bán được giá cao.

2. Chọn giống và phối giống heo

– Chọn giống:

Chọn những con đầu thanh, ngực sâu, mình nở, hoạt bát, lưng thẳng, bụng to vừa phải, hông rộng, lông mịn, bốn chân chắc khẻ, bộ phân sinh dục phát triển và hoặc động tốt. Nêu co điều kiện nên chọn lọc qua đời trước(dòng, giống bố mẹ, ông bà), qua bản thân(ngoại hình, khả năng thích nghi, khả năng sản xuất) và qua đời sau.

Chọn giống những con có khả năng sinh sản tốt

– Ghép đôi giao phối:

Tốt nhất nên cho heo rừng lai nái phối giống với heo rừng đực hoặc cho heo rừng lai nái phối giống với heo rừng lai đực để tạo ra con lai thương phẩm nuôi thịt.

3. Phối giống và thời điểm phối giống thích hợp

Bỏ qua 1-2 lần động dục đầu tiên vì cơ thể chưa hoàn thiện, trứng rụng ít, phối giống và đậu thai hiệu quả thấp.

Chu kỳ lên động dục của heo là 21 ngày, thời gian động dục kéo dài 3-5 ngày. Thời điểm phối giống thích hợp vào cuối ngày thứ 2 hoặc đầu ngày thứ 3 (tùy theo giống tuổi) cho nên cần theo dõi biểu hiện của heo lên giống. Khi âm hộ chuyển từ màu hồng tươi sang màu hồng tái, có nếp nhăn và dịch nhờn tiết ra nhiều, tai chĩa về phía trước, có phản xạ đứng im là thời điểm phối giống thích hợp nhất.

Khi heo nái có dấu hiệu động dục ta cho heo đực vào vườn nuôi heo nái hay cho heo nái vào vườn nuôi heo đực. Heo đực sẽ phối giống liên tục, bất kể ngày đêm đến khi nào heo nái không chịu nữa mới thôi. Có thể cho phối kép 2 lần vào buổi sáng sớm và chiều mát (hoặc ngược lại). Sau 21 ngày, heo nái không động dục trở lại,có thể heo nái đã có bầu.

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Vỗ béo, thụ tinh nhân tạo ở đàn bò

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định, trong kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi mà Bộ NN-PTNT đang triển khai, giống là khâu then chốt mở đầu cho cả quá trình chuyển đổi, vì vậy việc ứng dụng thụ tinh nhân tạo (TTNT) là tiền đề nhằm nâng cao chất lượng bộ giống Quốc gia. Dù vậy, quy trình TTNT chưa được áp dụng rộng rãi, thực hiện chương trình Sind hóa đàn bò đã lâu nhưng đến năm 2016 mới chỉ đạt 57%, riêng các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc là 21%.

“Sử dụng kỹ thuật vỗ béo trong chăn nuôi gia súc mang lại hiệu quả cao, công nghệ chuyển giao đơn giản, dễ thực hiện, rút ngắn thời gian nuôi giúp cho người nông dân nâng cao ít nhất giá trị kinh tế từ 10 – 15% so với phương thức truyền thống.

Từ những lý do đó, việc triển khai dự án là cần thiết tại các cùng chăn nuôi chính, góp phần chuyển hướng chăn nuôi sang hình thức bán thâm canh và thâm canh hàng hóa”, bà Hạnh chia sẻ.

Đối với mô hình cải tạo đàn bò ưu tiên lựa chọn các xã có tỷ lệ bò lai thấp, chủ yếu đang áp dụng bằng phương pháp phối giống trực tiếp, đảm bảo số lượng bò cái nền đạt tiêu chuẩn, nằm trong độ tuổi sinh sản. Tương tự, bò tham gia mô hình vỗ béo phải đảm bảo đúng đối tượng, không sử dụng vào mục đích cày kéo, vắt sữa, sinh sản. Từ những yếu tố trên, dự án đã sàng lọc và lựa chọn được 630/856 hộ đăng ký, chiếm tỷ lệ 73,6% thực hiện trình diễn trên 9 mô hình, bao gồm 4 mô hình cải tạo và 5 mô hình vỗ béo.

Năng suất, chất lượng đàn bò tham gia mô hình có nhiều ưu điểm vượt trội hơn

Tham gia mô hình, các hộ phải tự đối ứng 50%, phần còn lại sẽ được nhà nước hỗ trợ. Cụ thể 1 con bò cái nền có chửa được cấp 120 kg thức ăn hỗn hợp, 0,5 liều tinh, 0,5 lít nitơ; với bò vỗ béo là 135kg thức ăn hỗn hợp, 0,5 liều thuốc nội ký sinh trùng, 0,5 liều thuốc ngoại ký sinh trùng, 0,5 liều sán lá gan.

Đặc biệt, tại mỗi điểm trình diễn sẽ có 2 cán bộ chuyên ngành chăn nuôi thú y, có kinh nghiệm hoạt động khuyến nông thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho các hộ cũng như theo dõi tình hình sinh trưởng của đàn bò.

Ghi nhận thực tế tại các địa phương cho thấy năng suất, chất lượng đàn bò tham gia mô hình có nhiều ưu điểm vượt trội so với trước đây. Áp dụng phương pháp nhân giống bằng TTNT giúp tăng nhanh tổng đàn, cải thiện khả năng di truyền. Với 616 con bò được TTNT, dự kiến đến đầu năm 2018 sẽ cho ra đời số bê lai tương ứng. Qua khảo sát cho thấy, mỗi con bê lai 1 tuổi có giá trị cao hơn bò nội khoảng 6 – 6,5 triệu đồng/con,

Trong khi đó, bò vỗ béo được tiêm, tẩy nội ngoại ký sinh trùng từ trước, kết hợp với việc sử dụng lượng thức ăn xanh hợp lý nên tăng trọng nhanh, bình quân đạt 740,1 gr/con/ngày, vượt so với yêu cầu 40,1 gr/con/ngày, tương ứng 5,7%. Riêng tại Hòa Bình, mỗi con bò sau 3 tháng vỗ béo cho lãi từ 3 – 3,5 triệu đồng, hiệu quả kinh tế tăng lên 12 – 15% so với các hộ không tham gia dự án.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tỷ lệ bò lại thuộc chương trình dự án tăng lên rõ rệt. Cụ thể, tại phường Bắc Sơn (thị xã Bỉm Sơn) tăng từ 49,89% lên 76,15%; tại xã Thạch Đồng (huyện Thạch Thành) tăng từ 46,92% lên 61,58%.

Bà Trịnh Thị Hòa trú tại khu phố 5, phường Bắc Sơn cho biết: “Tham gia dự án giúp tôi nắm vững được phương pháp phát hiện động dục, quy trình phối giống nhân tạo thay thế cho dùng đực nhảy và đưa giống bò BBB vào áp dụng, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị kinh tế.”

Bà Trịnh Thị Hòa cho biết chất lượng bò được cải thiện rõ rệt

Ông Nguyễn Viết Thái, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa khẳng định, kết quả bước đầu được đông đảo bà con nông dân đón nhận, đánh giá cao, trong tương lai việc nhân rộng mô hình hoàn toàn khả thi.

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Kỹ thuật tăng vân mỡ cho thịt bò mà không làm tăng độ béo tổng thể

Brad Johnson – một chuyên gia về phát triển cơ xương ở gia súc đã dẫn dắt một nghiên cứu kiểm tra biện pháp tăng vân mỡ cho thịt bò mà không làm tăng độ béo tổng thể.

Giáo sư Brad Johnson từ trường Đại học Tài nguyên thiên nhiên và Khoa học nông nghiệp hợp tác với Giáo sư Stephen B. Smith từ trường Đại học Texas A & M đã khám phá ra chìa khóa để tìm ra miếng thịt ngon nhất nằm ở màu vân mỡ của nó, và họ đã phát hiện ra một cách để làm tăng vân mỡ mà không làm tăng độ béo.

Johnson cho biết: Chìa khóa nằm ở việc cô lập một thụ thể trong tế bào tạo mỡ của vân mỡ, đó là những tế bào mỡ cạnh mô cơ. Kích hoạt các thụ thể đó, được gọi là thụ thể bắt cặp với prôtêin G-coupled 43 (GPR 43) tạo ra chất béo và chất béo là những thành phần quan trọng trong vân mỡ.

“Chúng tôi cảm thấy nếu có thể điều tiết thụ thể này trong vân mỡ, chúng ta có thể tăng vân mỡ mà không làm cho gia súc béo hơn”, Johnson nói. “Khi gia súc bị béo, hiệu quả thức ăn sẽ giảm và người tiêu dùng sẽ cắt bỏ tất cả phần mỡ béo dư thừa. Nhưng nếu vân mỡ là cái mà người tiêu dùng muốn, chúng tôi có thể làm tăng vân mỡ vào những thời điểm khác nhau trong chu trình cho ăn mà không làm cho gia súc béo hơn, và đó sẽ là một lợi ích rất lớn cho ngành công nghiệp thịt bò”.

Nghiên cứu kiểm tra biện pháp tăng vân mỡ cho thịt bò mà không làm tăng độ béo tổng thể của bò

Mặc dù vân mỡ và mỡ dắt có thể trông giống nhau trên cùng một miếng thịt thăn vai, có một sự khác biệt sinh học giữa mỡ dắt và vân mỡ, và nó ảnh hưởng đến vị ngon của thịt bò. Vấn đề then chốt nằm trong thành phần của tế bào mỡ tạo ra mỡ dắt và vân mỡ.

Tế bào mỡ dưới da thường được gọi là mỡ dắt. Tế bào mỡ trong cơ thường được gọi là vân mỡ và có thể nhìn thấy ở dạng thớ giữa các phần của mô thịt bò, hoặc thịt đỏ. Điều mà Johnson và Smith đã thực hiện được thông qua các biện pháp sinh học và sinh hóa là cô lập các tế bào mỡ và phát triển chúng trong hệ thống nuôi. Trong những thử nghiệm đó, Johnson và Smith đã phát hiện ra sự khác biệt giữa các tế bào mỡ dưới da và các tế bào mỡ bắp.

Tế bào vân mỡ có kích thước nhỏ hơn nhiều và đường kính lớn hơn các tế bào mỡ dưới da, có xu hướng tập trung lại với nhau.

Một khác biệt nữa là vấn đề trao đổi chất, hoặc nguồn năng lượng để tạo ra mỡ dắt hoặc vân mỡ. Tế bào mỡ của mỡ dắt sử dụng acetate – một axit béo dễ bay hơi được tạo ra trong dạ cỏ của bò. Tuy nhiên, tế bào vân mỡ đòi hỏi phải có glucose, Johnson cho biết đó là một nguồn năng lượng cao cấp cho cả người và động vật.

Phát hiện lớn nhất là thụ thể GPR 43 trong tế bào mỡ của vân mỡ làm tăng sản sinh ra các chất béo, tăng sản sinh vân mỡ mà không làm tăng chất béo. Johnson nói. “Trên thực tế, từ một quan điểm cơ học, kết quả cuối cùng là bạn có một số lượng lớn các vân mỡ và một số lượng lớn mỡ dắt. Vân mỡ cần glucose để chuyển hóa. Mỡ dắt có thể làm điều đó với acetate”.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Nuôi lợn rừng trên vùng đất cát ven biển

Sau khi xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp, ông Trương Tiến Lương đã mạnh dạn đưa giống lợn rừng về nuôi ngay tại vùng rừng đước ven biển xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh). Ý tưởng mới cùng với sự táo bạo đã mở ra hướng chăn nuôi hiệu quả, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Trương Tiến Lương sinh ra thôn Liên Hải (xã Thạch Hải), vùng đất miền biển chịu nhiều hệ lụy từ dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Phần lớn diện tích đất đai địa phương đều nằm trong quy hoạch của mỏ sắt, hoang hóa nhiều năm liền, đất đai chủ yếu các loại cây hoang dại phủ kín, đời sống người dân xã Thạch Hải gặp muôn vàn khó khăn. Bởi vậy, bản thân ông luôn đau đáu khát vọng làm giàu ngay trên chính miền quê khắc nghiệt này.

Ông Trương Tiến Lương với mô hình nuôi heo rừng ven biển

Nhận thấy vùng Bàu Soi nằm cạnh mỏ sắt Thạch Khê có tiềm năng nhưng bị bỏ hoang hóa lâu năm, ông làm đơn xin UBND xã Thạch Hải cho mượn gần 4ha để phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Được chính quyền địa phương đồng ý, tháng 9/2016, HTX Liên Hợp được thành lập với 10 thành viên tham gia do ông Lương làm giám đốc.

“Lúc mới vào đây đường sá không có, toàn bộ khu vực này đều được bao phủ bởi những vườn tràm và các loại cây hoang dại. Anh em xắn tay áo dọn dẹp cả tháng trời mới giải tỏa được mặt bằng. Bước đầu, HTX trồng thử các loại cây ăn quả trên cát như cam, bưởi, ổi… Sau thời gian thấy cây phát triển tốt các thành viên tiếp tục mở rộng sang chăn nuôi dê, gà, bò… với số lượng hàng trăm con nhằm tái đầu tư cho cây ăn quả. Việc chăn nuôi tại HTX Liên Hợp chủ yếu dùng các sản phẩm phụ nông nghiệp như cám gạo, vỏ lạc, bột đậu, ngô… nên được người dân tin dùng”, ông Lương cho biết.

Với ý tưởng tạo ra bước đột phá ở vùng quê miền biển, ông Lương bàn với các thành viên của HTX đưa giống lợn rừng về nuôi. Cuối năm 2016, ông ra Hải Dương mua 20 con lợn giống và lợn thịt về thả nuôi tại khu rừng tràm bỏ hoang lâu nay.

“Lúc mới đưa về lợn bỏ ăn vì không hợp khẩu vị. Ở ngoài Bắc họ chủ yếu cho ăn loại cám mạch nhưng đưa loại cám này về đây giá thành đội lên rất cao. Các thành viên HTX phải thay nhau ra biển mua cá vụn về chế biến để cho lợn ăn nhằm kích thích khẩu vị. Sau một thời gian, đàn lợn rừng đã thích ứng được, sinh trưởng tốt và tăng đàn nhanh. Ưu điểm của giống lợn này là hầu như không mắc bệnh tật, ăn rất tạp nên dễ nuôi và cho chúng chạy cát nên thịt càng săn, ít mỡ và ngon. Đến nay, đàn lợn rừng đã tăng lên hơn 100 con, trị giá hơn 1 tỷ đồng”, ông Lương phấn khởi.

Để nuôi một con lợn rừng từ khi mới đẻ đến khi xuất chuồng (50 – 60kg) mất khoảng 1 năm, chủ yếu ăn bằng thức ăn tự nhiên như bã đậu, vỏ lạc, cám ngô… Bình quân mỗi con lợn 1 ngày ăn hết khoảng 5.000 đồng, rất ít so với nuôi lợn thịt công nghiệp và lợn thịt truyền thống. Tính đến cuối năm, nếu công việc thuận lợi, đàn lợn rừng của HTX Liên Hợp sẽ có tổng trọng lượng khoảng 6 tấn, dự kiến xuất khoảng 3 tấn lợn thịt ra thị trường với giá 160 triệu đồng/tấn. Trừ các chi phí có thể đem lại lợi nhuận gần 300 triệu đồng.

Cũng theo ông Lương, việc đưa giống lợn rừng về vùng cát là một cách làm mới và khá mạo hiểm. Ngoài mục đích phát triển kinh tế, việc chăn nuôi này còn mục đích bảo vệ nguồn gen động vật hoang dã ngày càng cạn kiệt, cung cấp nguồn thực phẩm sạch, tránh sự săn bắt động vật hoang dã trên rừng.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Tác hại của việc sử dụng kháng sinh tăng trọng trong chăn nuôi heo

Trong chăn nuôi heo, việc sử dụng kháng sinh với mục đích kích thích tăng trưởng, phòng trị bệnh không đúng cách có thể dẫn đến sự tồn dư kháng sinh làm ảnh hưởng đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng.

Việc tồn dư kháng sinh trong thực phẩm gây nên những tác hại sau:

– Sử dụng thường xuyên kháng sinh trong thức ăn sẽ làm phá vỡ cân bằng tự nhiên của hệ vi sinh vật trong đường ruột gây rối loạn tiêu hóa

– Gây phản ứng đối với người nhạy cảm kháng sinh hoặc gây dị ứng sau khi tiêu thụ sản phẩm có tồn dư kháng sinh

– Giảm hiệu quả điều trị của kháng sinh và có thể tạo ra thể vi sinh vật kháng thuốc, gây khó khăn cho công tác điều trị nhiễm khuẩn trong thú y và nhân y, do đó tốn kém về mặt hiệu quả kinh tế

– Một số kháng sinh có thể gây ung thư cho người tiêu thụ

– Trên bản thân thú nuôi giảm sự đáp ứng miễn dịch cơ thể, con giống sẽ bị yếu ớt.

Chính những tác hại trên, nên nhiều quốc gia đã cấm sử dụng kháng sinh kích thích tăng trọng (Các nước Liên minh châu Âu đã cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi từ ngày 1-1-2006).

Việc sử dụng thuốc kháng sinh kích thích tăng trọng vô cùng có hại cho heo

Để thay thế sử dụng kháng sinh kích thích tăng trọng trong chăn nuôi cần áp dụng những biện pháp sau:

– Con giống: chọn giống nuôi tốt được bắt từ các trại an toàn dịch bệnh.

– Quản lý chuồng trại: Chuồng trại và khu vực chăn nuôi cần quy hoạch xây dựng phù hợp; xây dựng nơi cao ráo, thoát nước tốt, không bị mưa tạt gió lùa, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp về mùa đông, diện tích và mật độ nuôi phù hợp với từng giai đoạn nuôi dưỡng. Chuồng trại có tường rào bao quanh nhằm đảm bảo kiểm soát được người ra vào, ngăn chặn động vật truyền bệnh (chuột, chim…) từ ngoài xâm nhập vào khu vực chăn nuôi.

– Nuôi heo an toàn sinh học: nhằm giảm thiểu mầm bệnh xâm nhập chuồng nuôi, ngăn ngừa sự phát tán của bệnh dịch, ngăn ngừa phát sinh dịch bệnh bằng sát trùng toàn bộ chuồng nuôi định kỳ, vệ sinh thiết bị chăn nuôi, áp dụng quy tắc cùng vào cùng ra, kiểm soát các loại động vật vào trại,…

– Vaccin: tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin do ngành Thú y quy định.

– Dinh dưỡng: chọn nguyên liệu thức ăn có chất lượng tốt, thức ăn cung cấp đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng cho thú nuôi, đặc biệt là acid amin, vitamin và chất khoáng để vật nuôi có thể trạng tốt.

– Dùng các chế phẩm sinh học để ức chế vi khuẩn có hại, tạo điều kiện vi khuẩn có lợi phát triển từ đó nâng cao sức tăng trưởng của heo.

– Axit hóa khẩu phần thức ăn bằng cách dùng các loại axit hữu cơ như: Lactic, Butyric, Propionic, Acetic,…

– Sử dụng Enzymes cải thiện sự tiêu hóa thức ăn, ảnh hưởng tốt cho bộ máy tiêu hóa vật nuôi.

– Dùng thảo dược (như tỏi, gừng,cỏ nhọ nồi, xuyên tâm liên,…) ức chế vi khuẩn có hại phòng bệnh cho vật nuôi.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Bổ sung Betaine cải thiện năng suất ở lợn

Trong chăn nuôi lợn, đặc biệt là lợn con, hợp chất này hoạt động như một osmolyte và như một chất cho methyl. Betaine tốt nhất có thể được mô tả như là một dẫn xuất trimethyl của glycine axit amin xảy ra một cách tự nhiên với số lượng tương đối lớn ở động vật thuỷ sinh và củ cải đường. Làm thế nào để các phương thức hoạt động của các dạng betaine tự nhiên được chiết xuất từ mật củ cải đường và bã rượu, mang lại lợi ích đặc biệt ở các giai đoạn sản xuất chính? Và làm thế nào dạng betaine tự nhiên bổ sung được thêm nhiều giá trị hơn so với dạng tổng hợp của nó?

Dạng kép của betaine

Hoạt động bổ sung giá trị từ lúc thụ thai, mang thai và cho con bú qua các giai đoạn phát triển-vỗ béo của lợn. Trong thời gian cai sữa, hiện tượng mất nước gây ra bởi stress sinh lý là một thách thức lớn cho các nhà sản xuất. Thông qua chế độ hoạt động như một osmolyte, betaine tự nhiên giúp tăng cường giữ nước/hấp thu và giảm chi phí năng lượng thông qua các tác động tích cực của nó tới cân bằng nước và ion trong tế bào. Là một osmolyte, nó cũng đặc biệt hiệu quả trong việc thúc đẩy năng lượng trong những tháng hè nóng bức khi khả năng sinh sản ở lợn nái có thể bị suy giảm.

Betaine có ở động vật thuỷ sinh và củ cải đường

Tác dụng của việc bổ sung betaine

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc bổ sung betaine tự nhiên có thể dẫn đến những cải thiện sức khỏe đường ruột – nơi có thể bị suy yếu bởi những trở ngại như stress nhiệt. Khi nhiệt độ môi trường tăng, lưu thông máu sẽ ưu tiên cho da để giải phóng nhiệt. Điều này làm giảm lưu lượng máu đến dạ dày và ruột, do đó dẫn đến suy giảm tiêu hóa và làm giảm khả năng tiêu hóa chất dinh dưỡng.

Căng thẳng có thể dẫn đến những thay đổi trong cấu trúc ruột của lợn đang trong giai đoạn phát triển, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của ruột nếu không được kiểm soát. Bổ sung betaine tự nhiên có tác dụng tích cực tới cấu trúc đường ruột và hệ thống miễn dịch của con vật. Lợi ích cho đường ruột có thể giúp bảo vệ vật nuôi chống lại điều kiện khử nước liên quan đến các tình trạng chẳng hạn như bệnh cầu trùng hoặc sự gia tăng của vi sinh vật không mong muốn khác trong ruột, có thể góp phần làm giảm hiệu suất.

Một lợi ích bổ sung cho sản xuất trong tăng cường sức khỏe đường ruột là giảm hiện tượng nứt ruột và khả năng rò rỉ đường tiêu hóa vào thịt trong quá trình chế biến ở các lò mổ khi lấy ruột ra.

Ngoài ra, đóng góp của betaine cho những yêu cầu methyl hóa cũng làm tăng đáng kể giá trị sản xuất. Bổ sung cho lợn nái có thể giúp giảm tổn hại đến thai, nâng cao hiệu suất sinh sản và tăng quy mô lứa đẻ. Nó cũng giúp dự trữ năng lượng duy trì cho lợn ở mọi lứa tuổi, để lại nhiều năng lượng chuyển hóa hơn cho tạo nạc và cải thiện sức sống của vật nuôi. Lợi ích này là đặc biệt quan trọng trong quá trình cai sữa khi nhu cầu năng lượng duy trì là cao hơn.

Bổ sung betaine nâng cao hiệu suất sinh sản và tăng quy mô lứa đẻ

Tác động tích cực của betaine tự nhiên tới hiệu suất khiến cho nó rất có giá trị ở các thị trường như Mỹ – nơi dự trữ lợn đã bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch tiêu chảy do vi rút ở lợn (PED). Tăng trưởng nhanh, sớm là có giá trị kinh tế – mỗi kg tăng thêm trong giai đoạn cai sữa cũng sẽ làm giảm 4-5 ngày cho chu kỳ sản xuất.

Các nhà dinh dưỡng cũng nên xem xét sự sẵn có của các công cụ hỗ trợ nhằm đảm bảo rằng định lượng betaine hỗ trợ thay thế chính xác và an toàn cho methionine và choline tốn kém để tiết kiệm được tiền bạc trong khi lại cải thiện được hiệu suất.

Như vậy có nhiều bằng chứng về vai trò quan trọng của betaine trong khẩu phần ăn của lợn. Nghiên cứu cũng cho thấy những lợi ích của việc sử dụng betaine tự nhiên so với dạng tổng hợp.

Cải thiện thành phần thịt, tốc độ tạo nạc, giảm nhu cầu về năng lượng duy trì, cải thiện khả năng chịu stress nhiệt và hỗ trợ cấu trúc đường ruột là một số trong những lợi ích chính đã được thể hiện trong các thử nghiệm betaine tự nhiên. Thực tế là những lợi ích này đã được chứng minh ở lợn nái, lợn con và lợn nuôi vỗ béo cho thấy một ứng dụng rộng rãi trên đàn lợn và chỉ có rất ít nghi ngại về sử dụng betaine tự nhiên có thể giúp cải thiện hiệu suất và giảm chi phí sản xuất trong chăn nuôi lợn.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm đến năng suất sinh sản và sữa ở bò (Phần 2)

Ngành sữa Israel đã phát triển các phương pháp giảm stress nhiệt trong hơn 30 năm qua, nhằm giúp bò để phát huy tối đa tiềm năng của chúng. Ở Israel, làm mát được dựa trên sự bốc hơi nước từ bề mặt của con vật bằng việc kết hợp làm ẩm và thông gió cưỡng bức. Bò được làm mát tích cực vào mùa hè cho ít hơn 0,6 kg/ ngày so với các con vật nuôi cùng đàn trong mùa đông. Tuy nhiên, khi không được làm mát vào mùa hè, khoảng cách giữa mùa đông và mùa hè là 3,6 kg / ngày. “Tỷ lệ sản xuất hè -đông” là 98% đối với bò được àm mát tích cực và là 90% đối với bò không được làm mát.

Tỉ lệ thụ thai của bò được thụ tinh đạt 45%. Bò đươc làm mát tích cực có tỷ lệ đậu thai là 34% trong mùa hè, so với chỉ 17%, ở bò không được làm mát. Bò làm mát cần 0,55 kg thức ăn để sản xuất 1 kg sữa, trong khi bò không làm mát cần 0,61 kg thức ăn, cải thiện 10% hiệu quả cho ăn.

Các kinh nghiệm thu được ở tại Israel chỉ ra rằng trong mùa hè nếu làm mát thì cả năng suất sữa và sinh sản được cải thiện. Kết quả tương tự có thể được dự kiến ​​trong ngành sữa khác từ các khu vực nóng của thế giới trong tương lai. (Từ Báo cáo tóm tắt của các ngành công nghiệp sữa của Israel cho năm 2011 bởi ICBA).

Vào mùa hè nếu làm mát thì cả năng suất sữa và sinh sản được cải thiện

Tính mùa vụ trong việc cung cấp sữa cho các ngành công nghiệp chế biến và thị trường là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến nền kinh tế hầu hết các ngành sản xuất sữa của Israel. Do ảnh hưởng của khí hậu, sản xuất sữa mùa hè không đạt được nhu cầu thị trường, và, do đó, sữa mùa đông đang “di chuyển” để được tiêu thụ trong mùa hè. Mỗi năm, gần 40 triệu lít sữa là “di chuyển” ở Israel từ mùa đông sang mùa hè, với một chi phí hàng năm bổ sung 8 triệu US $ (0,2 US $ một lít).

Từ các số liệu chúng ta có thể thấy rằng tỷ lệ thụ thai của bò tơ hậu bị đạt trung bình là 62%. Gần 20% số bò cái được thụ tinh dưới 13 tháng tuổi và tỷ lệ thụ thai ở lần phối đầu tiên (65%), không có sự khác biệt với bọn phối giống muộn hơn. Chỉ 5% số bò cái được phối giống được thụ tinh sau hơn 18 tháng tuổi. Ở lớp bò cái mang thai, 20% có thai trước 13 tháng tuổi, 75% trong số chúng có thai cho đến khi 15 tháng tuổi và chỉ có 7% lượng bê hậu bị có thai trên 18 tháng tuổi. Tỷ lệ thụ thai của bê cái hậu bị suy giảm theo lần phối. Gần 60% số bò cái được hình thành để phối giống đầu tiên và gần 80% số bò cái thai sau hai lần phối giống.

Tỷ lệ thụ thai tương đối tốt của bò tơ cho phép một bộ phận lớn nông dân Israel thu được nhiều bò thụ thai để có được nhiều lứa đẻ hơn vào mùa xuân và đầu mùa hè trong mục đích “thu hẹp khoảng cách” thiếu sữa trong mùa hè.

Khác với trước đây, nông dân Israel phối giống cho bê hậu bị sớm hơn và trong năm 2010, gần 75% lượng bò sữa lứa 1 được thụ tinh trong 00 ngày đầu chu kỳ.

Trong góc độ thực hành thụ tinh sớm cho bò lứa 1 đã không giúp được gì nhiều, khi ít hơn 10% số bò như thế có thai trong 75 ngày đầu chu kỳ sữa và chỉ có 45% có thai trong 110 ngày. Gần 30% số bò lứa 1 có thai quá 150 ngày đầu chu trong sữa và trung bình số ngày chửa lại đầu tiên là 129 ngày.

Bò sữa trưởng thành được thụ tinh lại từ ngày thứ 50 sau khi đẻ. Gần 90% loại bồ này được thụ tinh lại từ 50 đến 110 ngày đầu chu kỳ sữa và chỉ có 10% sau hơn 150 ngày. Tỷ lệ thụ thai của bò được làm mát tích cực cao hơn đáng kể so với bò không được (59% so với 17% và 57% Vs 17%), trong phối lần đầu và tất cả các lần phối giống, tương ứng. Tỷ lệ mang thai sau 90, 120 và 150 ngày sau khi đẻ khác biệt đáng kể giữa các nhóm (44%, 59% và 73% và 5%, 11% và 11%) tương ứng cho các các nhóm được làm mát và không. Trong một bài giảng trong sự kiện này, công trình nghiên cứu được tiến hành tại Khoa Khoa học động vật của Đại học Hebrew, Jerusalem đã được trình bày. Trong hơn hai thập kỷ các nhà khoa học đã nghiên cứu để phát triển các phương pháp điều trị nội tiết tố hỗ trợ để cải thiện khả năng sinh sản vào mùa hè bò. Trong số các điều trị đó ta có thể tìm thấy những điều sau đây:

Những nỗ lực đó nhằm điều khiển lượng progesterone trong máu sau khi thụ tinh để hỗ trợ mang thai, điều trị hormon GnRH trong giai đoạn phối giống để cải thiện điêu khiển thời gian hợp lý (timing) giữa rụng trứng và thụ tinh, sự cải thiện của trứng chất lượng thông qua điều trị nội tiết tố để loại bỏ nang già tuổi được sản xuất trong điều kiện stress nhiệt và sử dụng kỹ thuật thụ tinh mùa hè có ấn định thời gian và cấy phôi. Một phần lớn các phương pháp điều trị đã được phát hiện để cải thiện tỉ lệ thụ thai trong mùa hè cùng việc làm mát cho vật nuôi.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm đến năng suất sinh sản và sữa ở bò (Phần 1)

Ravagnolo et al. (2000) báo cáo rằng nhiệt độ tối đa và độ ẩm tương đối tối thiểu là các biến quan trọng nhất để định lượng stress nhiệt, và cả hai biến được dễ dàng kết hợp thành một chỉ số gọi là THI.

Sản lượng sữa giảm 0,2 kg theo THI tăng 1 đơn vị khi THI vượt quá 72. Các tác giả kết luận rằng THI có thể được sử dụng để ước lượng ảnh hưởng của stress nhiệt đến sản xuất.

Rõ ràng với kích thước cơ thể tương tự và diện tích bề mặt, con bò đang cho sữa chứa nhiều hơn đáng kể lượng nhiệt để giải tỏa hơn so với một con bò không cho sữa và sẽ gặp khó khăn lớn hơn để làm việc này trong môi trường nóng, ẩm ướt. Nếu so sánh bò không cho sữa, hoặc cho sữa ít (18,5 kg / ngày) hoặc cao (31,6 kg / ngày), con bò có năng suất cao và thấp tạo ra nhiệt nhiều hơn 27 và 48% so với bò không cho sữa bò mặc dù có thấp hơn về khối lượng cơ thể (752, 624, và 597 kg cho tương ứng 3 loại bò không vắt sữa, thấp, và cao, tương ứng) (Purwanto et al., 1990).

Nhiệt độ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất sữa của bò

Thở nhiều và đổ mồ hôi tăng sự phụ thuộc vào mức tăng làm mát bay hơi. Thở làm giảm CO2 qua thông qua phổi, làm giảm nồng độ trong máu của axit carbonic và làm xáo trộn sự cân bằng quan trọng của axit carbonic để bicarbonate cần thiết để duy trì độ pH trong máu, dẫn đến nhiễm kiềm hô hấp (Benjamin, 1981). Việc bồi thường cho các nhiễm kiềm hô hấp liên quan đến việc tăng tiết niệu bài tiết bicarbonate (Benjamin, 1981), dẫn đến một sự suy giảm nồng độ bicarbonate huyết.

Beede và Collier (1986) đã xác định ba chiến lược quản lý để giảm thiểu những ảnh hưởng của stress nhiệt:

1) thay đổi vật lý của môi trường (bóng, làm mát)

2) Tăng cường cải tiến di truyền tạo nên các giống/dòng chịu nhiệt

3) cải thiện dinh dưỡng. Dựa trên kiến ​​thức hiện nay, sự kết hợp các hoạt động này có thể tối ưu hóa để tối ưu hóa khả năng sản xuất sữa trong khí hậu nóng ẩm.

Lợi ích từ phun nước và quạt đã được nghiên cứu ở môi trường ôn đới và khí hậu ẩm ướt (Bang Kentucky, Mỹ) cho thấy, tại đó bò cho hơn 3,6 kg sữa (15,9%) trong khi tiêu thụ hơn 9,2% thức ăn mỗi ngày so với nhóm đối chứng (Turner et al., 1992). Công trình Missouri và Israel cho thấy sữa tăng 0,7 kg / ngày ở nhiệt độ vừa phải (Igono et al., 1985) và 2,6 kg kg trong môi trường nóng ẩm (Her et al., 1988. Tần suất làm ướt và thời gian làm mát là rất quan trọng đối với hiệu quả của hệ thống làm mát. Bò được làm ướt 10 giây ít hiệu quả so với bò được làm ướt 20 hoặc 30 giây (có tác dụng tương tự) (Flamenbaum et al., 1986)

Tương tự, bò được làm lạnh bằng vòi phun nước và quạt trong thời gian cạn sữa duy trì nhiệt độ cơ thể thấp hơn và bê được đẻ ra nặng hơn 2,6 kg và cho thêm 3,5 kg sữa / ngày trong 150 ngày đầu của chu kỳ so với bò chỉ được ở trong bóng mát (Wolfenson et al. , 1988).

Tuy nhiên nghiên cứu từ miền nam Hoa Kỳ và vùng Caribbean chỉ ra rằng bò cái giống Holstein được nuôi ở vĩ độ thấp hơn 34°N có khối lượng sơ sinh bé hơn 6-10%, và lúc trưởng thành bé hơn 16% so với bò được nuôi ở các vĩ độ phía bắc, ngay cả khi chúng là con của một bò đực giống (NRC, 1981).

Bởi vì bê cái hậu bị sinh ra ít nhiệt cơ thể và có thể giải tỏa nhiệt dễ dàng hơn so với bò cho sữa, vậy làm mát chúng sẽ có lợi gì?

Tại Ai Cập, bê được cho tiếp xúc với 3 môi trường: mùa đông (17,3 ° C, 54,5% RH), mùa hè (36 ° C, 47% RH), và mùa hè có phun nước phun cùng với cho uống thuốc gây thoát mồ hôi (oral diaphoretic) (Marai et al., 1995). Thuốc thuốc gây thoát mồ hôi (trong thí nghiệm này acetate) là một hợp chất được cho gia súc ăn để tăng tiết mồ hôi. Bê hậu bị được phun nước bảy lần mỗi ngày trong khoảng thời gian nóng nhất trong ngày. Bê hậu bị được làm lạnh có nhiệt độ trực tràng và tần suất thở đều thấp hơn và tăng trọng thêm 26,1% nhờ được làm mát trong mùa hè, một sự gia tăng mạnh mặc dù bê chỉ được phun nước trong thời gian nóng nhất trong ngày mà không sử dụng quạt.

Phân hủy protein thức ăn có thể đặc biệt quan trọng trong điều kiện stress nhiệt. Chế độ ăn với hàm lượng đạm thô thấp (31,2%) và cao (39,2%) đạm không phân hủy (undegraded feed protein – RUP) trong điều kiện thời tiết nóng không tác động đến thu nạp vật chất khô (Dry Matter Intake – DMI); tuy nhiên năng suất tăng thêm 2,4 kg/ngày và lượng Ure trong máu giảm từ 17,5 xuống 13,3 /100 ml đối với chế độ ăn uống có chứa đạm không phân huy cao hơn (Belibasakis et al., 1995).

Công trình nghiên cứu tại bang Arizona được tóm tắt bởi Huber et al. (1994) cho thấy rằng một khi bò được đưa vào môi trường nóng thì đạm có thể phân hủy trong dạ cỏ (Rumen Degradable Protein – RDP) không được vượt quá 61% protein thô trong khẩu phần, và tổng số protein không được vượt so với khuyến nghị của tiêu chuẩn NRC (Mỹ) quá 100 g Nito /ngày. Một trăm gram N tương đương với khoảng 3,1% đạm thô trong khẩu phần ăn, với giả sử là 20 kg lượng vật chất khô thu nạp / ngày. Lysine trong khẩu phần cao (241 g/ ngày, 1% vật chất khô) tăng sản lượng sữa thêm 3 kg so với khẩu phần có chứa 137g lysin /ngày (= (0,6% vật chất khô) (Huber et al., 1994).

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Bệnh viêm mắt ở dê

Bệnh viêm mắt là một trong những bệnh lây lan và gây thiệt hại lớn trên đàn dê, để phòng và trị bệnh hiệu quả cần nắm vững một số kiến thức về nguyên nhân và cách phòng trị như sau:

 1. Nguyên nhân và đặc điểm truyền lây của bệnh

– Dê bị viêm mắt do nguyên nhân cơ học, sau đó nhiễm khuẩn kế phát trong quá trình chăn thả hoặc nuôi nhốt tại chuồng bị dị vật như que, gai hoặc các loại lông, lá cây, bụi bẩn và chất thải rơi vào mắt.

– Viêm mắt do các vi khuẩn kế phát từ các bệnh gây viêm vú, viêm phổi, viêm khớp, viêm phế mạc…

2. Triệu chứng lâm sàng

– Ban đầu bệnh nhẹ thì thấy vùng lông, da dưới mắt cạnh mắt bị ướt do nước mắt chảy nhiều sau đó kết mạc mắt đỏ và sưng.

– Sau vài ngày niêm mạc mắt xung huyết nặng, giác mạc mắt bị mờ một phần ở giữa hoặc mờ đục hoàn toàn nếu nặng hơn thì có thể thấy loét giác mạc, con vật đau mắt khó chịu, mắt nhắm hờ và hay nháy mắt. Nếu cả hai mắt bị mờ hoặc loét thì thấy dê sút cân rõ rệt do dê không ăn được.

– Một số con viêm mắt nhưng mắt không bị loét thì có thể tự khỏi trong khoảng 1 – 2 tuần.

3. Phòng và trị bệnh

– Chăm sóc và quản lý đàn dê khi chăn thả nhằm tránh dê ngã, lăn dốc hoặc húc nhau.

– Loại bỏ dị vật ở bãi chăn và chuồng nuôi tránh tổn thương cho dê, giữ vệ sinh chuồng nuôi.

– Khi dê có triệu chứng viêm cần tiến hành rửa mắt cho dê bằng dung dịch nước muối loãng nồng độ 15‰ hoặc dùng nước sôi để nguội rửa sạch bụi bẩn, ngoại vật và các chất nhầy.

– Dùng các loại thuốc nhỏ mắt dạng mỡ như Tetracyclin bôi vào mắt dê sẽ đem lại hiệu quả tốt, các loại thuốc nhỏ mắt nhóm Chloramphenicol có tác dụng rất tốt nhưng không dùng cho dê nuôi lấy sữa vì kháng sinh sẽ tồn lưu trong sữa gây hại cho người.

– Trường hợp mắt kéo màng, dùng sulphát kẽm 10% nhỏ 2 – 3 lần/ngày.

– Nếu đàn dê mắc nhiều hoặc mắc các bệnh như viêm vú hay viêm phổi thì cần phải điều trị triệt để bằng kháng sinh cho khỏi các bệnh trên và kết hợp với vệ sinh và dùng thuốc nhỏ mắt.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam.