Biện pháp chăm sóc, quản lý Trâu, Bò trong vụ rét

Để tránh những thiệt hại nặng nề cho đàn trâu, bò trong vụ rét, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện biện pháp chăm sóc, quản lý đàn trâu, bò như sau:

1. Thường xuyên theo dõi thời tiết

Trước những diễn biến về khí tượng thủy văn ngày càng phức tạp thì người chăn nuôi cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết để có kế hoạch phòng, chống rét cho trâu, bò đạt hiệu quả cao. Trên thực tế, nguyên nhân gia súc chết rét một phần là do khí hậu lạnh giá khắc nghiệt, nhưng phần lớn là do thói quen thả rông gia súc trong rừng của người dân miền núi.

2. Quản lý đàn trâu, bò

Những ngày trời rét, nhiệt độ xuống dưới 150C nên đưa trâu, bò về nuôi nhốt tại chuồng, không nên chăn thả. Khi nhiệt độ xuống dưới 120C không cho gia súc làm việc (cày, kéo…). Trong trường hợp đặc biệt nếu bắt buộc phải đưa gia súc gia ngoài cần đảm bảo giữ ấm gia súc bằng cách mặc áo ấm trước khi đưa ra ngoài. Thời gian đưa gia súc gia ngoài tốt nhất sau 8 giờ sáng và trở về chuồng trước 17 giờ.

3. Cung cấp thức ăn và nước uống tại chuồng

Để tăng cường sức đề kháng cho trâu, bò cần cho ăn đầy đủ và cân đối khẩu phần thức ăn xanh và thức ăn tinh.

Những ngày bình thường mỗi trâu, bò trưởng thành cho ăn khoảng 25 – 30 kg thức ăn thô xanh và 1 – 1,5 kg thức ăn tinh. Nhưng nếu vào những ngày rét đậm, rét hại nhiệt độ dưới 150C thì tăng lượng thức ăn tinh lên khoảng 2 kg/con/ngày để giúp trâu, bò chống lại giá rét. Ngoài thức ăn thô xanh và thức ăn tinh, bà con cần bổ sung vitamin và khoáng chất. Có thể sử dụng tảng đá liếm hoặc dùng muối ăn, nếu sử dụng tảng đá liếm thì treo tại chuồng; nếu sử dụng muôi thì pha như sau: Pha với nước ấm 37 – 380C, nồng độ 0,1 – 0,3% (tương đương 10 – 30g muối/10 lít nước).

Cách cho ăn: Thức ăn thô xanh bổ sung trong máng thường xuyên, thức ăn tinh chia làm 2 bữa trong ngày, cho trâu bò ăn thức ăn thô xanh trước, thức ăn tinh và uống nước sạch đầy đủ theo nhu cầu.

4. Các biện pháp chống rét

a. Chất độn chuồng

Sử dụng chất độn chuồng bằng rơm, rạ, cỏ khô lót chuồng sẽ làm giảm đáng kể ảnh hưởng thời tiết lạnh đến đàn trâu, bò.

Tùy vào điều kiện thực tế có thể rải một lớp độn chuồng dày khoảng 5 – 15 cm. Các chất độn chuồng này có thể để suốt mùa đông mà không cần phải dọn (chỉ dọn phân). Chất độn chuồng luôn đảm bảo khô, không bị ẩm ướt.

b. Che chắn tránh gió

Sử dụng bạt hoặc các tấm phên, các bao tải đan lại. Không nên che kín, chỉ che qua chiều cao của con vật khoảng từ 1,8 – 2m.

c. Đốt lửa chống rét

Khi nhiệt độ xuống dưới 120C thì cần áp dụng phương pháp đốt lửa chống rét. Dùng xô, chậu cũ để đựng củi, trấu (chú ý nhóm củi bén ở ngoài chuồng cho bớt khói rồi mới đưa vào trong chuồng). Nên đặt khay lửa ở cuối chuồng để khói không tạt vào mặt trâu, bò và tránh xa chất độn chuồng, bạt che để phòng bén lửa gây cháy.

d. Mặc áo chống rét

Khi nhiệt độ xuống dưới 120C thì bà con cần mặc áo chống rét cho trâu, bò. Với 1 chiếc áo, bà con có thể sử dụng cho 01 trâu, bò trong suốt mùa, tuy nhiên bà con lưu ý không nên mặc áo chống rét cho trâu, bò cả ngày, lúc trời nắng ấm nên bỏ áo để trâu bò hưởng nắng ấm.

Khi mặc áo cho trâu, bò cần chú ý chiều dài áo phủ từ thân đến hết đuôi, chiều ngang vừa đủ choàng qua thân, các dây buộc thắt như khuy áo buộc dưới bụng.

5. Vệ sinh chuồng trại

Vệ sinh chuồng trại có vai trò quan trọng, giúp hạn chế mầm bệnh cho trâu, bò. Hàng ngày, cần quét dọn vệ sinh chuồng trại, thu gom phân và chất thải ra khỏi chuồng nuôi. Định kỳ phun thuốc khử trùng từ 2 – 3 tuần một lần để tăng cường tiêu độc khử trùng. Có thể sử dụng một trong các loại thuốc sau: Han – Iodine, cloramin B, Virkon,… Cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Lưu ý: Khi có gia súc bị chết do rét, người chăn nuôi cần báo ngay với chính quyền địa phương và cán bộ thú y để xác định thiệt hại.

Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Một số lưu ý khi úm gia cầm trong mùa lạnh

Gia cầm non dễ bị tổn thương, đặc biệt thời tiết lạnh làm chậm hoặc không tiêu túi lòng đỏ, gây viêm, ảnh hưởng đến sức khỏe, làm giảm sức đề kháng, kế phát nhiều bệnh gây tăng tỷ lệ chết, giảm năng suất, chất lượng đàn gia cầm. Vì vậy để hạn chế các tác động có hại đến gia cầm non, khi úm cần chú ý một số vấn đề sau đây:

1. Quây úm

Để tập trung nguồn nhiệt, tránh gió lùa, trong thời gian úm nên sử dụng các tấm cót quây với chiều cao 50 cm, thường quây hình tròn hoặc hình ê-líp để nguồn nhiệt tỏa đều trong quây. Mỗi quây có đường kính 1,5 – 2 (m) nuôi úm 120 – 200 con. Chất độn chuồng nên đổ dày đều 5 – 7 cm để giữ ấm cho gia cầm. Từ ngày thứ 5 tăng diện tích quây để gà có thể di chuyển dễ dàng đến máng ăn, máng uống. Gia cầm non cần được đưa vào khu vực nuôi úm ngay sau khi xuống chuồng, phân bổ số lượng gia cầm đồng đều vào các quây úm.

Gia cầm non cần được đưa vào khu vực nuôi úm ngay sau khi xuống chuồng

2. Nhiệt độ chuồng nuôi úm

Việc giữ ấm cho gia cầm con theo nhu cầu sinh lý trong các tuần tuổi đầu (đặc biệt là 2 tuần đầu) mới xuống chuồng rất quan trọng. Nếu không đảm bảo đủ nhiệt độ, tỷ lệ nuôi sống, khả năng sinh trưởng sẽ bị ảnh hưởng các bệnh hô hấp, tiêu hoá dễ phát sinh.

Từ ngày 22 – 28 cần chú ý đến tốc độ mọc lông ở gia cầm để điều chỉnh nhiệt độ cho thích hợp.

Trong quá trình nuôi phải quan sát phản ứng của gia cầm đối với nhiệt độ:

+ Nếu gia cầm tập trung gần nguồn nhiệt, chen lấn chồng đống lên nhau là chuồng nuôi không đủ nhiệt độ gia cầm bị lạnh.

+ Nếu gia cầm tản xa nguồn nhiệt nháo nhác, khát nước, há mỏ để thở là bị quá nóng cần phải điều chỉnh giảm nhiệt độ.

+ Nếu gia cầm tụm lại một phía là bị gió lùa rất nguy hiểm cần phải che kín hướng gió thổi.

+ Khi đủ nhiệt gia cầm vận động ăn uống bình thường ngủ, nghỉ tản đều.

Cần quan sát kỹ các biểu hiện của gia cầm trong giai đoạn nuôi úm bởi vì đây là chỉ dẫn tốt nhất về nhiệt độ hợp lý.

Thiết bị sưởi ấm: có thể dùng bóng điện, bóng hồng ngoại ở những nơi có điện hoặc đèn thắp sáng, lò ủ trấu, đốt củi khô ở vùng sâu vùng xa (có ống thoát khói cao, không để khói ảnh hưởng đến gia cầm). Vị trí đặt thiết bị sưởi ấm trong quây hay trong ô chuồng cao hay thấp tuỳ thuộc vào yêu cầu về nhiệt độ ở từng giai đoạn.Chú ý khi dùng bóng hồng ngoại để sưởi ấm, nếu để bóng thấp, nhiệt độ quây úm cao dễ gây khô chân, khô niêm mạc của gia cầm.

Yêu cầu về nhiệt độ (0C) đối với gà:

Ngày tuổi

Nhiệt độ tại quây úm

Nhiệt độ chuồng nuôi

0-3

37

31 – 32

4-7

35

31 – 32

8-14

32

29 – 30

15-21

29

28 – 29

22-35

21 – 28

Yêu cầu về nhiệt độ (0C) đối với vịt, ngan:

+ Ngày tuổi 1 – 3: 32 – 33oC

+ Ngày tuổi 4 – 5: 29 – 31oC

+ Ngày tuổi 6 – 14: 25 – 28oC

+ Từ 15 ngày tuổi: 24 – 25oC

3. Độ thông thoáng

Gia cầm non cần phải được nuôi dưỡng trong điều kiện nhiệt độ phù hợp có đủ không khí sạch. Tuy nhiên chuồng úm gia cầm 1 ngày tuổi phải che kín, sự thay đổi không khí gần như bằng không nhưng vần đủ không khí cung cấp cho gà.

Khoảng 3 ngày sau cần phải thay đổi không khí với tốc độ 0,2 m/giây để tránh bị ẩm thấp, ngột ngạt làm gia cầm chậm phát triển. Điều kiện ngột ngạt, ẩm thấp có thể làm cho bệnh tật phát sinh, các bệnh ký sinh trùng, bệnh cầu trùng và nhiều bệnh truyền nhiễm phát triển mạnh. Gia cầm càng lớn, lượng thức ăn, nước uống tiêu thụ càng nhiều, lượng chất thải lớn do đó không khí chuồng nuôi chứa nhiều khí độc như NH3, H2S, nếu không đủ thông thoáng dễ phát sinh các bệnh đường hô hấp….

4. Mật độ

Tuỳ thuộc vào điều kiện chuồng nuôi, thời tiết, khí hậu mà quyết định mật độ nuôi. Trong điều kiện tất cả các yếu tố khác là thích hợp thì mật độ phù hợp sẽ cho khả năng tăng trưởng càng cao và tỷ lệ nhiễm bệnh càng thấp.

Mật độ nuôi vận dụng cho nuôi nền sử dụng chất độn:

Gà lông màu: 20 – 40 con/ m2

Mật độ nuôi vận dụng trên sàn:

Gà lông màu: 25-50 con/ m2

Ngan, vịt siêu thịt 1 tuần tuổi: 15 – 20 con/m2 nền chuồng, 2 tuần tuổi: 8 – 10 con/m2 nền chuồng, từ 3 – 8 tuần tuổi: 6 – 8 con/m2 nền chuồng. Từ 9 – 25 tuần tuổi: 5 – 6 con/m2 nền chuồng.

5. Chăm sóc nuôi dưỡng:

– Kỹ thuật cho uống:

Nước là nhu cầu đầu tiên của gia cầm khi mới xuống chuồng. Nước cung cấp cho gia cầm uống phải đảm bảo vệ sinh, không được lạnh, tốt nhất là hơi ấm trong 2 ngày đầu. Để tăng sức đề kháng trong những ngày đầu có thể pha vào nước vitamin C hoặc vitamin tổng hợp, liều theo hướng dẫn sử dụng.

Vị trí đặt máng uống phải bố trí cho gia cầm con dễ tiếp cận không bị máng ăn che khuất.

Chú ý đặt máng uống cân và độ cao phù hợp để gia cầm non dễ uống nhưng không nhảy vào máng hoặc vảy nước làm ướt nền chuồng sẽ gây ướt lông làm gia cầm bị lạnh.

– Thức ăn và kỹ thuật cho ăn:

Thức ăn đảm bảo giá trị dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của từng giống gia cầm.

+ Máng ăn: 1-3 ngày đầu có thể dùng giấy xi măng, giấy báo cũ trải lên chất độn chuồng để gia cầm dễ ăn. Trong 1-3 tuần đầu sử dụng khay ăn bằng tôn, nhựa với kích thước 3 x 50 x 80 cm cho 100 gia cầm con. Sau 3 tuần nên thay máng ăn dài hoặc máng P50 cho hợp vệ sinh.

Khi dùng máng treo cần phải thường xuyên điều chỉnh độ cao ngang vai gia cầm để ăn dễ dàng và tránh bị rơi vãi thức ăn.

+ Kiểm soát thức ăn

Thức ăn nuôi gia cầm con phải được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Sử dụng các nguyên liệu mới, chất lượng tốt, không nấm mốc.

+ Kỹ thuật cho ăn

Sau khi gia cầm đã được uống nước thì cho chúng ăn.

Đối với gia cầm con: Cần cho gia cầm ăn nhiều lần trong ngày. Lượng thức ăn mỗi lần cân đối đủ theo nhu cầu để thức ăn luôn được mới, sạch sẽ, kích thích tính thèm ăn của gia cầm. Mỗi lần cho ăn cần loại bỏ chất độn chuồng và phân lẫn trong máng để tận dụng cám cũ.

Chỉ nên cung cấp một lượng thức ăn nhỏ và sẽ cấp bổ sung khi gia cầm ăn hết thức ăn. Tránh cấp lượng thức ăn lớn gia cầm không ăn hết dẫn đến ẩm, hôi làm mất tính thèm ăn của gia cầm. Hơn nữa thức ăn cho nhiều dẫn đến rơi vãi lẫn với chất độn chuồng, gây nấm mốc, khi gia cầm ăn vào sẽ độc hại, ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng hoặc hít bào tử nấm vào phổi sẽ gây nấm phổi.

6. Thú y phòng bệnh

+ Thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng bệnh: đảm bảo yếu tố cách ly, vệ sinh thức ăn, nước uống, chuồng nuôi và môi trường xung quanh. Thường xuyên quan sát, theo dõi sức khỏe đàn gia cầm.

+ Dùng vắc-xin phòng bệnh: Thực hiện tốt lịch phòng bệnh cho gia cầm bằng vắc-xin, tuy nhiên, với những ngày quá lạnh, nên tiêm hoặc nhỏ vắc-xin cho gia cầm vào thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày, thao tác phải nhanh, đảm bảo nhiệt độ quây úm duy trì ổn định. Trước và sau khi dùng vắc-xin 2-3 ngày, bổ sung vitamin tổng hợp để tăng sức khỏe cho gia cầm và đáp ứng miễn dịch tốt hơn.

Với những ngày quá lạnh, nên tiêm hoặc nhỏ vắc-xin cho gia cầm vào thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày

Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Công nghệ số giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh của Bò Sữa

Những thiết bị gọn nhẹ có thể tự động gửi thông báo đến chủ trang trại nếu bò gặp vấn đề sức khỏe.

Vòng cổ thông minh (Smart Collar) là một thiết bị công nghệ phân tích sự thay đổi trong hành vi của bò có liên quan thế nào đến sức khỏe chúng, từ đó thông báo đến người chủ trang trại qua hệ thống máy tính và điện thoại.

Thiết bị này đã được dùng để theo dõi sức khỏe của những chú bò tại một trong trại ở Scotland từ năm 2010. Ban đầu vòng cổ được thiết kế và phát triển bởi một startup có tên là Glassgow. Chức năng duy nhất là theo dõi khả năng sinh sản của bò bằng cách theo dõi những hoạt động của chúng.

Bò sẽ di chuyển nhiều hơn khi chúng có nhu cầu sinh sản. Dựa vào đặc điểm này, thiết bị sẽ thông báo với người chủ trang trại khi những con bò đã sẵn sàng giao phối qua tin nhắn đến điện thoại hoặc máy tính.

Hiện nay, nhiều chức năng mới đã được thêm vào từ khi Afimilk – một công ty chuyên phát triển công nghệ trong ngành chế biến sữa được chuyển giao và tiếp tục nghiên cứu để phát triển vòng cổ thông minh.

Những chiếc vòng đeo cổ giúp người nông dẫn giám sát được những thay đổi về sức khỏe của chúng.

Những chức năng mới đã được thêm vào cho chiếc vòng như: phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tật bằng cách kiểm tra thời gian trung bình mỗi con bò ăn uống và nhai lại. Sau khi phân tích thông tin, báo cáo sẽ được gửi đến điện thoại của người chủ trang trại nếu các hoạt động này có dấu hiệu suy giảm.

Richart Dewhurst – người chuyên nghiên cứu về vấn đề dinh dưỡng cho động vật ở trường đại học nông nghiệp Scotland cho biết: “Chúng tôi đang tìm kiếm thêm nhiều sự thay đổi hành vi nhạy cảm của bò và mối liên hệ đến các vấn đề sức khỏe như đi khập khiễng hoặc bị nhiễm axit”. Các nhà khoa học đang phát triển thuật toán để phân tích các dữ liệu thu thập được từ những chiếc vòng cổ.

Trong một phần nghiên cứu khác, Dewhurst phân tích nồng độ xeton và sulfua trong hơi thở của mỗi con bò để tìm hiểu về sự thiếu ăn, sự phân hủy của các mô hay việc thiếu hụt protein trong chế độ ăn của chúng.

Ngoài dùng vòng theo dõi, camera cảm ứng nhiệt cũng được phát triển để theo dõi những vấn đề sức khỏe của bò.

Bệnh viêm vú trên bò sữa là căn bệnh có nguyên nhân từ việc bò bị nhiễm trùng tuyến vú, chính là bệnh phổ biến nhất ở bò sữa. Để phát hiện căn bệnh này, những máy quay cảm ứng nhiệt đã được đặt trong chuồng để có thể nhận ra những điểm nóng hoặc nhiễm trùng trên núm vú, điều này giúp bò có thể được điều trị sớm hơn.

Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu phát triển một thiết bị để gắn lên tai của những chú bò nhằm giúp phát hiện mức độ căng thẳng.

Theo Berkmans một nhà nghiên cứu động vật cho hay, bò càng căng thẳng thì mức độ dinh dưỡng trong thịt lại càng suy giảm. Chính vì vậy thiết bị đeo vào tai sẽ giúp phát hiện và thông báo cho người nông dân kịp thời qua hệ thống điện thoại và máy tính khi có vấn đề xảy ra.

Nguồn: Nature được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cầu kỳ trang trại nuôi Gà hướng tới đẻ trứng Omega 3

Cơ thể con người không thể tự sản xuất ra Omega 3 mà phải nhờ nguồn thực phẩm bên ngoài bổ sung vào. Đây cũng chính là lý do và mục tiêu mà HTX Chăn nuôi tổng hợp Thạch Tiến hướng tới nuôi gà đẻ trứng Omega 3.

Chuồng nuôi giống gà Brown Nick đẻ trứng Omega 3

Được thành lập năm 2015, HTX Chăn nuôi tổng hợp xã Thạch Tiến, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh có tổng diện tích đất SX 4.500 m2 được quy hoạch 3 khu chuồng trại nuôi gà tập trung.

Đến cuối năm 2015, HTX nuôi tổng cộng 19.000 con gà, trong đó có gần 10.000 gà Ai Cập đẻ trứng, còn lại là gà ri lai thương phẩm và gà con. Mỗi ngày HTX thu được 6.000 – 7.000 quả trứng, đưa về nguồn thu gần 10 triệu đồng/ngày, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 6 lao động.

Có được kết quả đó, HTX đã đầu tư trên 5 tỷ đồng để xây dựng hệ thống chuồng trại theo tiêu chuẩn VietGAP đồng thời đào tạo đội ngũ kỹ thuật, công nhân bài bản.

Không chỉ dừng lại ở đó, giữa năm 2016, sau khi tìm hiểu thị trường về trứng gà Omega 3, chị Lê Thị Hiền, Giám đốc HTX quyết định đầu tư nuôi 5.000 con gà Brown Nick, là giống có nguồn gốc từ dòng gà trứng cao sản của Mỹ được nhập về Việt Nam từ năm 1993. Bằng việc bổ sung thêm các chất dinh dưỡng qua đường thức ăn của gà mái kết hợp công nghệ nuôi tiên tiến chính là cách mà HTX Chăn nuôi tổng hợp Thạch Tiến đã áp dụng đối với gà Brown Nick để hướng tới gà đẻ trứng Omega 3.

Đầu tiên phải kể đến chế độ dinh dưỡng của gà đẻ trứng Omega 3, khá cầu kỳ và tốn kém. Khẩu phần thức ăn của gà chứa loại axit béo này gồm những nguyên liệu cơ bản được phối trộn với nhau theo tỷ lệ thích hợp, có thêm thảo dược, tảo biển, dầu cá…

Điều khác biệt nữa là HTX không sử dụng chất kháng sinh, thay vào đó là cho gà uống vitamin C để tăng sức đề kháng. Ngoài chế độ ăn cám như gà đẻ trứng thông thường, chị Hiền cho công nhân đi lấy bèo tây về, xay nhỏ, trộn thêm mật mía và men vi sinh. Sau khi trộn đều, đem ủ hỗn hợp trên 4 – 5 ngày rồi mới cho gà ăn.

Xay bèo tây ủ mềm làm thức ăn cho gà

Khi cho gà ăn, trộn thêm dầu cá biển, tảo biển vào để mùi vị hấp dẫn. Với thức ăn chế biến thêm này, gà được ăn 1 ngày 1 lần vào buổi trưa. Cho ăn như vậy để vừa tăng thêm chất xơ cho gà, tiêu hóa tốt, phân không hôi và quan trọng nhất là tăng thêm hàm lượng Omega 3 trong trứng gà.

Bên cạnh đó, yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng trứng cũng quyết định bởi điều kiện sinh sống của gà mái. Để đảm bảo cho đàn gà khỏe mạnh, dãy chuồng được HTX thiết kế hệ thống hút đẩy không khí tuần hoàn luân chuyển khiến chuồng trại luôn sạch sẽ, thoáng mát, nhiệt độ giữ ổn định ở mức 25 – 26 độ C, sử dụng bóng điện thắp sáng thường xuyên. Phân gà thải ra được tưới thêm men vi sinh, mỗi tuần dọn một lần nên phân khô và không hôi thối.

Theo anh Nguyễn Thái Học, kỹ sư phụ trách kỹ thuật của HTX: “Một tháng trung bình một con gà đẻ khoảng 20 – 24 trứng gà. Thông thường, gà đẻ suốt một năm khoảng hơn 250 quả, có sổ ghi chép theo dõi vì nếu con nào một tuần đẻ từ 5 – 6 trứng nhưng giảm còn khoảng 3 – 4 trứng sẽ bị loại”.

Sau khi thu hoạch, trứng gà Omega 3 được làm sạch, đóng dấu và đóng vỉ. Do cách bảo quản phải theo đúng quy trình kỹ thuật như vậy nên HTX chỉ sản xuất cung cấp cho siêu thị Metro tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An và một số cửa hàng thực phẩm sạch chứ không bán ra thị trường chợ, tránh tình trạng bị trứng thường trà trộn hoặc không bảo đảm chất lượng do cách bảo quản kém.

Thu hoạch trứng gà

Vì áp dụng quy trình chăn nuôi phức tạp và chi phí đầu vào cao nên giá trứng gà Omega 3 bán đắt hơn so với trứng thường, trứng gà bình thường được nhập với giá 3.000 – 3.500đ/quả, trứng gà Omega 3 nhập với giá 4.500 – 5.000đ/quả. Tuy nhiên, nếu so về giá trị dinh dưỡng thì trứng gà Omega 3 không quá đắt vì hàm lượng của nó mang lại gấp 2 – 3 lần so với trứng gà ta. Và chỉ bằng cách đem xét nghiệm mới phân biệt được trứng gà Omega 3 và trứng thường cũng như để biết hàm lượng chất dinh dưỡng trong quả trứng. Theo cảm quan, người mua có thể cảm nhận trứng gà này qua mùi vị ăn thơm, ngon, béo và lượng lòng đỏ trong trứng gà Omega 3 nhiều hơn trứng thường, đặc biệt là khi bể trứng cũng không tanh.

Mô hình nuôi gà đẻ trứng theo hướng Omega 3 của HTX Chăn nuôi tổng hợp Thạch Tiến đã làm phong phú, đa dạng các mô hình sản xuất ở nông thôn, kích thích cho nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư tìm hướng làm ăn mới, góp phần không nhỏ giải quyết việc làm cho số lao động nông nhàn.

Là HTX nuôi gà tập trung lớn nhất ở Hà Tĩnh áp dụng công nghệ cao để sản xuất ra sản phẩm tiên tiến, trong thời gian tới HTX sẽ không ngừng đầu tư cải tiến kỹ thuật hơn nữa để nâng cao hàm lượng Omega3 trong trứng gà, đảm bảo chất lượng, số lượng cung cấp cho thị trường.

Nguồn: Trung tâm khuyến nông Hà Tĩnh được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Hướng dẫn kỹ thuật làm chuồng nuôi chồn hương

Là một loài động vật hoang dã nhưng nhờ có giá trị cao về dược liệu và thực phẩm nên hiện nay việc nuôi chồn hương ngày càng phổ biến. Dưới đây là một số hướng dẫn và kinh nghiệm nuôi chồn hương để bạn đọc tham khảo.

Chồn hương là một loài động vật hoang dã, được sử dụng như một loại dược liệu quý hiếm. Không chỉ vậy chồn hương còn được biết đến là món đặc sản thơm ngon, thịt ngọt và mềm nên rất được ưa chuộng trong các nhà hàng.

Chồn hương có dáng dài thon, lông ngắn xám đen và có khoang màu trên thân, dọc sống lưng có các vết sọc dưa xám đen thành hàng chạy từ vai xuống đến mông, đầu mõm nhọn, chân ngắn, đuôi dài với 7 vòng trắng xen kẽ 7 vòng đen. Có nguồn gốc tự nhiên nhưng do nhu cầu sử dụng lớn và có giá trị về kinh tế cao nên hiện nay nghề nuôi chồn hương ngày càng phổ biến tại nhiều địa phương.

1. Kỹ thuật xây chuồng và phòng bệnh

Yếu tố đầu tiên cần chú ý trong kỹ thuật nuôi chồn hương là chuồng trại. Chuồng nuôi chồn nên làm theo hướng đông nam, mái lợp ngói hoặc lá, đảm bảo thoáng mát, cao ráo, có hệ thống cửa sổ đóng – mở thuận tiện cho đông ấm, hè mát phù hợp với khí hậu Việt Nam.

Tùy theo số lượng chồn mà có thể thiết kế các kiểu chuồng nuôi khác nhau, nếu nuôi nhiều thì xây chuồng thành các tầng (khoảng từ 2 đến 3 tầng), mỗi tầng cao từ 0,7 đến 0,8m bằng bê tông, gỗ hay tre thật chắc chắn để đặt các lồng nuôi nhốt chồn.

Chú ý nền chuồng cần làm dốc thoải để dễ dàng thoát nước tiểu. Trên cùng một tầng, giữa các lồng nên ngăn kín để chồn không nhìn thấy nhau, có thể gây nên tình trạng bị stress.

Lồng nuôi nhốt chồn hương thường được làm kiên cố bao quanh bằng lưới sắt B40 hoặc có thể đan bằng gỗ, tre nhưng phải có then cài thật chắc chắn để chồn không chui ra ngoài được.

Kích thước chuồng nuôi

Kích thước lồng tham khảo: Chiều cao 0,7 – 1m, rộng từ 0,8 – 1 m, dài 1,2m. Khi làm chuồng bằng gỗ, tre thì cần tạo các khe hở để phân lọt xuống dưới nền. Nếu lồng nuôi chồn đẻ thì phần đáy lại càng phải quan tâm hơn, nên làm đáy bằng gỗ nhẵn, các tấm gỗ rộng 3cm và có độ dày khoảng 1cm, chỉ để khe hở khoảng 1cm giữa các tấm để chồn con không bị lọt chân, đồng thời giữ cho khu vực lồng nuôi chồn đẻ thật yên tĩnh.

Vệ sinh chuồng trại: Đây cũng là vấn đề rất cần quan tâm, bạn phải giữ cho môi trường nuôi chồn không bị ô nhiễm, luôn khô ráo sạch sẽ vì vậy mỗi ngày đều phải quét dọn khu chuồng trại, cho phân và nước tiểu thoát ra ngoài thông qua hệ thống rãnh để tránh ô nhiễm môi trường.

2 Chọn giống nuôi

Để có những con chồn nuôi chất lượng bạn nên chọn nuôi những con nhanh nhẹn, không dị tật, lông mượt mà, mắt mũi tinh anh, không bị thương… còn nếu chọn con làm giống thì tốt nhất lấy những con nuôi từ nhỏ lên vì chúng đã có thời gian thích nghi với môi trường nuôi nhốt.

Chồn sinh sản phải từ 8 tháng tuổi trở lên. Chồn cái đến giai đoạn động đực thường phát ra tiếng kêu lạ, bỏ ăn phá chuồng còn con đực tiết ra xạ hương thơm để quyến rũ con cái. Khi đó bạn thả con đực vào để chúng giao phối, nên thực hiện ngay khi chồn động đực để có chất lượng và hiệu quả cao nhất.

Khi chồn giao phối xong, bạn lại tách con cái và đực ra để nuôi riêng. Nếu sau 1 tháng không thấy chồn cái có thai thì cần tiếp tục quan sát và cho giao phối lại.

Chồn mang thai trong vòng 90 ngày, sau khi sinh chồn con sẽ mở mắt sau 7 đến 10 ngày. Thời gian đầu chồn con sẽ bú sữa mẹ, đến khi được 35 ngày tuổi chồn sẽ tập ăn thức ăn của mẹ, khi được 60 ngày tuổi thì cho tách bầy.

Khi ở ngoài tự nhiên, mỗi năm chồn hương đẻ 1 lứa, khi được thuần hóa thì có thể đẻ 2 lứa, mỗi lứa đẻ từ 3 đến 6 con. Thời gian sinh sản thường từ tháng 2 đến tháng 10 âm lịch.

3 Thức ăn

Chú ý tới thức ăn của chồn hương cũng là một yêu cầu trong kỹ thuật nuôi chồn hương
Thức ăn yêu thích của chồn hương là côn trùng như kiến, mối, chim, chuột hay các loại bò sát như rắn, nhông và một số loại quả: đu đủ, chuối, cafe, mít, rễ cây… Còn đối với chồn nuôi, bạn cần cho ăn cơm với thức ăn có cá, thịt đã được chế biến. Chồn bắt từ ngoài tự nhiên về nuôi thường rất nhát nên bạn cần kiên trì tập cho chúng ăn.

Bữa ăn chính của chồn nên thực hiện vào buổi tối, bữa sáng chỉ là phụ. Bạn cần cho chồn ăn đầy đủ thức ăn và nước uống, ngoài ra để đảm bảo sự phát triển của chồn thì sẽ không thể thiếu các chất dinh dưỡng như B.complex, cám gà đậm đặc (concentrat)…

4 Phòng và trị bệnh

Việc phòng và trị bệnh là khâu quan trọng trong kỹ thuật nuôi chồn hương. Trong điều kiện nuôi nhốt, chồn hương rất dễ bị mẫn cảm với những loại thức ăn mới lạ. Chúng rất dễ bị mắc bệnh tiêu chảy, bạn nên phòng bệnh này cho chồn bằng cách trộn thuốc kháng sinh vào trong thức ăn mới.

Ngoài ra chồn hương cũng dễ mắc bệnh cầu trùng tức bệnh phân lẫn máu hoặc bị bệnh thương hàn giống như nhiều loại gia súc, gia cầm khác với biểu hiện sốt cao, phân lỏng màu vàng. Bạn có thể mua các loại thuốc thú y đặc trị, sử dụng theo hướng dẫn liều lượng thuốc/kg thể trọng trên bao bì.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Khởi nghiệp từ nuôi chồn hương đến làm cà phê chồn,

Khởi nghiệp với đủ thứ nghề như bỏ mối hải sản, nuôi rắn, môi giới thị trường chứng khoán, cuối cùng anh Nguyễn Văn Cừ (37 tuổi) ở thôn Tân Phú, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú (Bình Phước) đã tìm cho mình được hướng đi mới.

Năm 2014, anh Cừ bắt đầu nuôi dưỡng, phát triển đàn chồn hương và cho ra “lò” một loại thương phẩm, dân gian quen gọi là cà phê Chồn.

Từ chồn thương phẩm

Chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Bá Cừ vào một buổi trưa tháng Mười. Nắng ngoài trời đang lên giữa đỉnh đầu. Anh Cừ đang nhanh tay đảo đều các phên cà phê phơi ngay trước thềm, cười bảo: “Tranh thủ những ngày nắng đẹp, mình hong cà phê. Nắng đẹp thế này, chất lượng cà sẽ rất tốt, hương thơm, vị đậm đà hơn.”

Chồn hương giúp anh Cừ có thu nhập ổn định kinh tế hộ

Anh Cừ bắt đầu câu chuyện về trại chồn và hương và hướng đi của mình bằng một ly cà phê đặc biệt mời khách. Ly cà phê này được anh lấy máy xay và pha trực tiếp tại bàn. Bột cà phê có màu nâu cánh dán mịn màng, tỏa ra một mùi thơm dịu nhẹ. Khi nhấp chút cà phê vô miệng, nghe vị chát nơi đầu lưỡi. Một chút sau vị hậu ngọt kéo dài, đậm đà tới tận trong cuống họng. Anh Cừ cho biết, cà phê Robota khi được thải ra từ chồn sẽ có vị chát mạnh. Sau đó, vị hậu ngọt sẽ kéo dài rất dễ chịu. Đây chính là một trong những giá trị làm lên thương hiệu cà phê Chồn từ trước đến nay.

Để nuôi chồn hương thành công, anh Cừ đã phải quan sát rất kỹ, hiểu được tập quán, tính cách của từng con. Nhất là mùa sinh sản, chồn cái rất chảnh. Khi không chấp nhận chồn đực, anh Cừ phải đổi bạn tình cho chúng. Cừ quan tâm bầy chồn hương như chính con mọn của mình. Với 30 con chồn sinh trưởng hiện tại, mỗi năm trại chồn của anh có có ít nhất 50 lứa chồn non. Mỗi lần chồn cái đẻ được 2-4 chồn con. Giá chồn con khoảng 6 triệu động/cặp. Chồn thương phẩm từ 1,5 đến 1,8 triệu đồng/kg. Mỗi năm từ chồn con và chồn thương phẩm gia đình anh thu lời ít nhất 100 triệu đồng.

Thức ăn của chồn rất đa dạng. Chồn là thứ ăn tạp, vừa chay vừa thịt. Ngoài các loại trái cây như chuối, mít, chôm chôm…chồn còn ăn thịt heo luộc, cháo thịt bằm. Chính vì vậy, việc nuôi chồn được anh Cừ ví như nuôi con mọn. Đặc biệt chồn rất khoái ăn cà phê. Khứu giác lại đặc biệt thính nên nếu cà phê hay trái cây có thuốc, nó sẽ không ăn. Để bảo vệ sức khỏe đàn chồn, anh Cừ đã tiêm thuốc phòng trừ các dịch cúm, vi rút cho chúng. Nhờ vậy đàn chồn của anh Cừ luôn phát triển khỏe mạnh, giúp anh tạo nên một thương hiệu của riêng mình.

Đến cà phê Chồn

Trước đây, anh Cừ từng nuôi rắn ráo trâu. Một đêm, khi đang đi kiếm nhái làm mồi cho rắn, anh Cừ thấy một con chồn chạy trong lô cao su. Trong đầu anh khởi lên ý định sẽ nuôi chồn, kinh doanh chồn thay cho rắn. Thế rồi, anh tìm mua một cặp chồn giống. Chẳng bao lâu, anh đã có bầy chồn hương với 30 chuồng. Bầy chồn này cho anh 100kg cà phê thành phẩm. Số lượng còn hạn chế, nhưng đó là sự khởi đầu đầy hân hoan với anh Cừ và gia đình.

Sản phẩm chê Chồn được hong phơi trong nắng

Hiện đang vào đầu mùa cà phê, anh Cừ liên hệ với các nông dân ở các vùng lân cận để tìm nguồn cà phê sạch làm thức ăn cho bầy chồn. Chồn rất thích ăn trái cà phê, đặc biệt là những trái chín mọng, thơm ngon. Sau khi tiêu hóa xong phần cùi, chồn sẽ thải ra những hạt cà phê còn lại. Người nuôi lấy những hạt này đem phơi nắng. Nếu được nắng đẹp, cà phê có vị rất đặc trưng, ít vị đắng, vị hậu ngọt khéo dài. Hiện tại anh Cừ đã tìm được một số nguồn mua cà phê nguyên liệu. Điều ấp ủ nhất của anh lúc này là tạo ra được thương hiệu của chính mình.

Chia sẻ về bước đi sắp tới, anh Cừ cho biết mình sẽ xây dựng thương hiệu, đăng ký bản quyền thương hiệu. Từ đây, anh Cừ hy vọng cà phê chồn Bình Phước sẽ có hướng đi mới, trở thành món quà kỷ niệm của quê hương Bình Phước cho du khách tới công tác, du lịch.

Mô hình nuôi chồn hương và sản xuất cà phê chồn của anh Cừ đã đem lại thu nhập gần cho gia đình với trên 500 triệu đồng mỗi năm.

Ông Hoàng Phú Quốc, Phó chủ tịch Hội nông dân xã Thuận Phú nhận xét: Mô hình nuôi chồn hương, sản xuất cà phê Chồn của anh Cừ là là một trong những điển hình sản xuất ít đất mà hiệu quả kinh tế cao nhất ở xã Thuận Phú hiện nay.

Anh Cừ tự tay xay, chế và giời thiệu về loại đặc biệt của gia đình mình

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nuôi chồn hương lãi hàng trăm triệu mỗi năm

Trang trại của bà Nguyễn Thị Cậy ở khu vực 1, phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ nuôi gần 40 con chồn hương, hàng năm bán con giống và chồn thương phẩm có lãi 280 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Cậy chăm sóc chồn hương 1,5 tháng tuổi

Trước kia, bà Cậy từng có thâm niên công tác trong ngành chế biến nông sản. Năm 2011, bà nghỉ hưu. Dịp tình cờ, thăm nhà người bạn, bà biết đến mô hình nuôi chồn hương. Bà bàn bạc với gia đình và lên kế hoạch mua 5 cặp chồn giống về nuôi thử. Ban đầu nuôi không có kinh nghiệm nuôi nên thất bại.

Không nản lòng, bà tiếp tục đến tỉnh Bình Dương mua con giống và lặn lội đến các tỉnh miền Đông và ĐBSCL để học hỏi kinh nghiệm nuôi chồn. Sau 2 năm thực hiện, mô hình của bà đã phát huy hiệu quả. Hiện nay trang trại có hàng chục con chồn bố mẹ và chồn con.

Bà Cậy cho biết, chồn hương còn gọi là cầy hương, cầy xạ, chồn mướp (tên khoa học là Viverricuola indica). Mỗi năm chồn cái đẻ tối đa 3 đợt, khoảng 1 – 3 chồn con/đợt. Bình quân mỗi năm, 17 chồn cái sinh sản sinh được khoảng 112 chồn con, tương đương gần 60 cặp. Với giá bán dao động chồn giống 1,5 tháng tuổi từ 5 – 5,5 triệu đồng/cặp, chồn thịt nuôi 2 – 3 năm đạt từ 3,5 – 4,5kg/con bán giá 1,3 triệu đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí còn lãi khoảng 280 triệu đồng.

Để đảm bảo chồn phát triển nhanh, hạn chế bệnh, bà Cậy luôn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và thoáng mát. Cho ăn mỗi ngày một lần vào buổi chiều gồm chuối xiêm, cua, cá, hột vịt lộn, thỉnh thoảng bổ sung phổi heo được nấu chín. Bồi dưỡng chồn đang mang thai bằng thức ăn giàu canxi như cua, ốc, hột vịt lộn, thịt heo luộc… Với những chú chồn con chưa thể bú mẹ, bà cho bú sữa bò bằng bình, sau gần 2 tháng chăm sóc có thể xuất bán mỗi cặp giá 5 triệu đồng.

Bà Cậy phấn khởi cho biết, mới đây vừa xuất chuồng hơn 10 cặp chồn giống, thu 50 triệu đồng. Ngoài việc bán con giống, bà sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho người có nhu cầu. Nhiều người liên hệ đặt hàng nên đầu ra luôn ổn định và thậm chí không đủ hàng để cung cấp. Ngoài bán chồn giống, bà dự định mở rộng trang trại và nâng tổng đàn lên hàng trăm con.

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật ấp trứng Chim Trĩ bằng máy ấp trứng

Người nuôi chưa có kinh nghiệm ấp trứng chúng tôi khuyên không nên ấp nhiều ngay từ đầu, hãy bắt đầu tập bằng một số lượng trứng nhỏ từ 10 đến 20 quả hoặc là số lượng mà quý khách có thể chấp nhận được nếu rủi ro xảy ra.

8 ngày đầu: Giai đoạn hình thành phôi thai, hệ thần kinh, hệ tuần hoàn

Nhiệt độ cài đặt ở 37 độ C.

Nhiệt độ thực tế trong quá trình ấp khi kiểm tra bằng nhiệt kế thủy ngân chấp nhận trong khoảng 37 độ C đến 37.5 độ C vì lý do nhiệt kế thủy ngân đặt trực tiếp lên trứng nên sẽ có sai khác so với đầu cảm biến nhiệt độ, mặt khác tại các vị trí khác nhau trong máy cũng có sự trênh lệch về nhiệt độ.

Độ ẩm giai đoạn này cài đặt ở 50%.

8 ngày tiếp theo: Giai đoạn hình thành nội tạng, da thịt

Nhiệt độ cài đặt 36.8 độ C.Ở giai đoạn này trứng tự bản thân đã có nhiệt độ phát ra. Người nuôi bắt đầu tắm trứng mỗi ngày một lần vào thời gian nóng nhất trong ngày, cách tắm như sau: trước khi tắm đem trứng ra khỏi máy để cho mát tự nhiên khoảng 10 đến 15 phút, sau đó dùng bình xịt nước xịt lên trứng cho ướt đều, hoặc có thể nhúng trứng vào nước rồi kéo lên, sau đó để khoảng 10 đến 15 phút sau cho trứng vào ấp tiếp.

Độ ẩm giai đoạn này cài đặt 55%.

Chú ý: dùng nước có nhiệt độ khoảng 32 đến 35 độ C, không dùng nước lạnh hơn hoặc nóng hơn để xịt trứng. Không xịt nước lên trứng khi trứng mới lôi trong máy ra còn đang nóng , tránh sốc nhiệt chết trứng. Nếu thời tiết có nhiệt độ thấp (dưới 26 độ C) thì rút ngắn thời gian nghỉ mát lại, nếu trời rét có thể không cần nghỉ mát cho giai đoạn này.

Ngày thứ 15 cho tới khi bắt đầu mổ vỏ đầu tiên: Giai đoạn hình thành da lông

Cần đặt nhiệt độ 36.6 độ C.

Làm mát cho trứng 2 lần mỗi ngày, lúc giữa 11 đến 12 giờ trưa và lúc 2 đến 3 giờ chiều. Mỗi lần cho trứng nghỉ mát khoảng 40 phút sau đó xịt nước, tiếp tục để khoảng 20 đến 30 phút nữa cho trứng khô tự nhiên rồi cho vào ấp tiếp.

Độ ẩm giai đoạn này cài đặt 60%.

Chú ý: Nếu trời rét có thể rút ngắn thời gian nghỉ mát của trứng, dùng nước ấm (33 đến 35 độ C) để xịt lên trứng,không dùng nước lạnh.

Giai đoạn nở: trứng bắt đầu mổ vỏ cho tới khi nở hoàn toàn

Nhiệt độ cài đặt ở 36 độ C.

Giai đoạn này không cần xịt trứng nữa, nhưng nếu thấy trứng có hiện tượng khi gà con mổ vỏ, vỏ mưa của trứng khô bết vào lông thì có thể dùng nước ẩm xịt lên trứng đang mổ vỏ để bổ xung độ ẩm cho trứng, không xịt nhiều khỏi làm ướt trĩ con.

Độ ẩm vẫn để 60%.

Quan sát kết quả lứa ấp đầu tiên và rút kinh nghiệm:

Trường hợp 1: Trĩ con nở đều, đẹp, bắt đầu nở vào cuối ngày 22, nở rộ đến hết vào ngày 23, tỷ lệ nở đạt từ 90% trở lên thì quý khách nên giữ nguyên cài đặt ban đầu.

Trường hợp 2: Trĩ con nở bắt đầu vào ngày 24 hoặc muộn hơn.

Trường hợp này thường kéo theo hiện tượng một số con chết lưu trong trứng, trĩ con nở ra bụng to, dáng đi khệ nệ, một số con liệt chân. Nguyên nhân là do thiếu nhiệt độ nên đến ngày nở mà nội tạng chưa được chuyển hóa hoàn toàn, lòng đỏ trưa được tiêu hóa đủ.

Nếu nở lai rai tới 26 hoặc 27 ngày là do nhiệt độ các vị trí trong máy không đều, quý khách đã không tiến hành thay đổi vị trí của trứng ở các nơi có nhiệt độ khác nhau trong máy hàng ngày.

Đây là trường hợp nở muộn, nguyên nhân là do thiếu nhiệt độ, quý khách vui lòng cài đặt tất cả các giai đoạn trong quá trình ấp tăng thêm 0.2 độ C nữa, kết hợp với việc thay đổi vị trí của trứng hàng ngày, tiếp tục theo rõi lứa tiếp theo.

Trường hợp 3: Trĩ con khẻ mỏ sớm vào ngày 20-21. Đây là trường hợp do nhiệt độ ấp quá cao.

Nếu có con nở sớm, kèm theo một số con chết lưu, một số con khẻ mỏ trào nước vàng ra miệng, nở lai rai là do nhiệt độ cao và không đều, quý khách đã không chú ý đảo vị trí của trứng từ vị trí nóng hơn sang vị trí lạnh hơn hàng ngày, cũng không chú ý kiểm tra nhiệt độ thực tế trong máy bằng nhiệt kế thủy ngân

Khắc phục: hạ nhiệt độ ấp thấp hơn mức cũ 0.7 độ C, tiếp tục theo rõi lượt ấp tiếp theo.

Trường hợp 4: Trĩ con đang nở đều đẹp ở mấy lứa đầu, bỗng nhiên tỷ lệ nở và chất lượng con giống không đạt như trước

Có một số lý do có thể làm thay đổi chất lượng nở của trứng, quý khách xem mình rơi vào trường hợp nào nhé:

– Do đầu cảm biến nhiệt độ bị rút ngắn lên trên bảng điện so với lúc đầu nên đo nhiệt độ không chính xác. Quý khách kiểm tra lại vị trí của đầu cảm biến nhiệt độ, đính lại đúng vị trí do trong quá trình vận hành có thể vô tình làm đầu cảm biến lệch khỏi vị trí ban đầu.

– Do quạt bị hỏng dẫn tới không đẩy nhiệt độ đều trong máy.

– Do điện trở bị hỏng không phát nhiệt. Miếng điện trở nào bị hỏng thị sẽ lạnh, quý khách có thể kiểm tra bằng cách cắm máy cho chạy vài phút, sau đó rút điện nguồn, mở máy sờ tay kiệm tra các miếng điện trở xem có hoạt động không, miếng nào bị đứt sẽ lạnh, nếu máy đã dùng từ 3 năm trở lên có thể thay mới tất cả các miếng điện trở cho đảm bảo.

– Do thời tiết thay đôi. Sự đổi mùa cũng thường dẫn tới giảm chất lượng nở, do nhiệt độ và độ ẩm không khí thay đổi. Quý khách có thể căn cứ vào kết quả nở của lứa ấp mới bị giảm chất lượng để điều chỉnh tăng hoặc giảm nhiệt độ cho phù hợp. Nếu nở sớm hơn, có biểu hiện của sự thừa nhiệt thì giảm nhiệt độ, nếu nở muộn hơn, có biểu hiện của sự thiếu nhiệt thì cần tăng lên.

– Do chế độ dinh dưỡng của trĩ mái thay đổi.

– Do tuổi của trĩ mái đã cao.

– Do sức khỏe của trĩ trống không đảm bảo.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật ấp trứng chim trĩ

Chim trĩ giống bình quân sau khi nuôi đến 8 tháng tuổi có thể đẻ trứng . Thời gian đẻ thường từ đầu tháng 1 âm lịch đến khoảng tháng 4 âm lịch. Sau đó chim trĩ ngừng đẻ khoảng 1 tháng rồi tiếp tục đẻ lứa thứ 2 đến khoảng tháng 8 âm lịch thì nghỉ .Bình quân mỗi năm 1 chim mái có thể đẻ từ 68 -80 trứng .

Với các tỉnh phía bắc nước ta nơi có mùa đông lạnh và kéo dài chim thường đẻ muôn hợn ,thường mùa đẻ chỉ bắt đầu khi vào mùa xuân ấp áp , Các tình khu vực phía Nam nơi có thời tiết nắng ấm mùa đẻ của chim trĩ thường sớm hơn và kéo dài hơn , Ngoài ra số trứng , thời gian đẻ còn phụ thuộc vào kỹ thuật nuôi , chế độ cho ăn , và quản lý vật nuôi . Nếu cho ăn tặng lượng đạm động vật , canxi và sử dụng 1 số tác nhân phụ có thể cho chim trĩ đẻ 2 quả / ngày hoặc đẻ quanh năm theo ý thích của người nuôi . Tuy nhiên phương pháp này chỉ áp dụng cho trường hợp khai thác trứng chim trĩ làm thương phẩm . Việc nhân giống chim không nên áp dụng , sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của chim bố mẹ cũng như chất lượng con giống sinh ra

Chim trĩ trong tự nhiên không tự ấp trứng , chim thường đẻ nhờ vào tổ chim khác . Vì vậy khi đưa vào nuôi trong môi trường nhân tạo ta phải dùng tác nhân phụ để ấp trứng cho chim .Tỉ lệ nở phụ thuộc vào 2 yếu tố : là chất lưng phôi trứng , và kỹ thuật ấp
. Thường có 2 cách cơ bản để ấp trứng trĩ

Dùng vật nuôi khác có thân nhiệt và điều kiện ấp nở tương tự ( Thường dùng , gà mái hoa mơ , gà tre ..vv ) . Cách ấp này đơn giản như ấp trứng gia cầm thông thường tuy nhiên cho tỷ lệ thành công thấp và khó áp dụng cho nuôi quy mô lớn

Dùng máy ấp : Sử dụng loại máy ấp trứng gia cầm thông thường để ấp . Thời gian ấp nở khoảng 22 -23 ngày . Hiệu chỉnh nhiệt độ , độ ẩm tùy theo giai đoạn

Nhiệt độ ấp trong tuần đầu : 37,5 độ C , Độ ẩm 55 %

Tuần thứ 2 Nhiệt độ 37,3 độ C , Độ ẩm 60 %

Tuần thứ 3 trở đi nhiệt độ 37 độ , Độ ẩm 75 %

nuoi chim tri, ky thuat ap trung va cham soc chim tri thoi ky de trung

( Lưu ý sử dụng hoàn toàn nước cất để tạo độ ẩm , không dùng nước bẩn , có chứa tạp chất sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình bay hơi của nước )

Các tia máu hình thành trong trứng trĩ thường rất mờ và khó phân biệt vì vậy đừng vội bỏ trứng ra khỏi lò xớm , Bản thân bên trong trứng trĩ cũng có chất hóa học bảo quản trứng rất tốt . Thường thì những quả trứng không có sống mà ấp tới 15 ngày vẫn không bị thối như trứng gà trứng vịt , Vẫn có thể ăn bình thường mà không nguy hại cho sức khỏe

Sau nhiều năm nuôi thực nghiệm đến nay trại hươu Xứ Nghệ đã thành công trong phương thức ấp nở đạt tỉ lệ 70 -80 % . Tỉ lệ nuôi sống thành công sau ấp nở đạt 85% .

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Kỹ thuật nuôi và chăm sóc chim trĩ bóc trứng

Nuôi chim trĩ khá đơn giản và đem lại hiệu quả kinh tế cao, đem lại giá trị cao gấp nhiều lần so với nuôi gà thông thường. Nhưng nuôi trĩ cần có kỹ thuật nuôi và kiến thức về chăm sóc chim con sẽ giúp bà con đi đến thành công nhanh hơn!

Khó khăn nhất trong việc nuôi chim trĩ chính là chăm sóc chim trĩ bóc trứng đến 30 ngày tuổi. Trong 30 ngày đầu, nếu không có kinh nghiệm nuôi và chăm sóc có thể gây thiệt hại rất lớn, nhẹ thì chết 30 – 50% nặng thì chết cả đàn. Nguyên nhân phần lớn do chưa có kinh nghiệm nuôi hoặc sơ ý thiếu cẩn thận đã gây tổn thất rất đáng tiếc với bà con và những người mới vào nghề nuôi.

7 Nguyên tắc khi úm chim trĩ non cần ghi nhớ:

1. Luôn luôn phải đảm bảo nhiệt độ 37 – 38 độ C (24/24) trong lồng úm để giữ nhiệt ấm cho chim: Trong trường hợp mất điện cần có phương án thay thế kịp thời (Ví dụ: Máy phát điện, Ăc quy,… để thắp bóng điện sưởi, hoặc tăng thêm độ dày của sàn lót, thu nhỏ quây lồng úm,….). Đây là phần khó nhất và cũng là phần quan trọng nhất trong kỹ thuật úm chim non.

2. Định kỳ kiểm tra tình hình chim thường xuyên: Người nuôi cần chú ý định kỳ tối thiểu 1 – 2 tiếng/lần phải kiểm tra chim 01 lần tránh tình trạng lồng úm quá nóng, thiếu bóng điện hoặc quá nhiều bóng để có thể điều chỉnh bóng đèn sưởi, thiếu không khí, bị gió lùa, hết nước, chim dẫm đạp lên nhau, cắn mổ nhau…

3. Luôn luôn phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ thức ăn, nước uống: Hệ tiêu hóa của chim trĩ non rất yếu (yếu hơn rất nhiều so với gà) do vậy rất nhạy cảm với môi trường thiếu vệ sinh dẫn đến chim đau bụng và chết không rõ nguyên nhân. Dấu hiệu của hiện tượng này là chim bị đi ỉa, ướt đít,.. Do vậy thức ăn cho chim mới nở cần ăn có hàm lượng đạm thấp (nên trộn thêm cám ngô, cám gạo, đậu tương rang chín nghiền sẵn cho chim ăn), nước uống đun sôi để nguội, tìm cách không cho chim dẫm đạp vào máng uống bằng cách bỏ những viên sỏi (tuyệt trùng) vào khe máng uống.

4. Phải giữ môi trường không khí sạch và tránh tiếp xúc với khuẩn lạ: Khuẩn lạ thường đi theo khách xem chim, từ những vật nuôi gia cầm xung quanh, hoặc từ chim tự nhiên bay tới… Do vậy, cần hạn chế tối đa người ra và xem chim non, với người chăm sóc chim non cần cắt cử 01 người chuyên biệt và phải có trang phục riêng mỗi khi vào chăm chim non, không để người chăm chim ở chuồng khác vào khu vực úm chim non,…

5. Làm thuốc phòng đúng lịch và đúng cách: Việc làm thuốc đúng lịch cho chim là rất cần thiết. Tuy nhiên, chỉ làm làm thuốc phòng khi chim khỏe mạnh và nhanh nhẹn thì mới có tác dụng và hiệu quả, ngược lại nếu không chim sẽ chết sau khi làm thuốc. Nếu tình trạng sức khỏe của chim không tốt cần tìm cách cải thiện sức khỏe cho chim, hoặc những con chim có bệnh cần chữa bệnh cho chim trước rồi làm thuôc phòng dịch. Trong trường hợp nguy cấp cần kết hợp vừa chữa bệnh và phòng dịch. Cần tham khảo thêm từ các Bác sỹ thú y có kinh nghiệp về gia cầm tại địa phương.

6. Hạn chế vận chuyển, di chuyển chim non từ 2 ngày đến 30 ngày tuổi, đặc biệt là tránh mang chim ở giai đoạn này đi quá xa: Việc vận chuyển chim non đi xa chỉ nên làm đối với chim mới bóc trứng (kỹ thuật khá phức tạp, chỉ những người chuyên chim con gà con mới giảm thiểu được chết và hao hụt khi vận chuyển đi xa đối với chim bóc trứng), còn nếu chim con đã cho ăn và cho uống không nên vận chuyển vì chim sẽ bị sóc bụng và ảnh hưởng tới tiêu hóa. Với chim sau 1 tháng tuổi trước khi chuyển phải cho uống thuốc trước khi đem đi, sau khi về tới trại mới cũng cần bộ trợ thêm thuốc để chim không bị ngã nước hoặc sinh bệnh.

7. Tách riêng và phần chia dàn: Những con nhiễm bệnh nhốt riêng để tránh lây lan từ những con bị bệnh san con không bị, và nới rộng lồng úm hoặc tách đàm theo thời gian chim lớn dần để tránh mổ nhau, cắn nhau. Đồng thời những con bị bệnh cần xác định các bệnh và điều trị kịp thời.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.