Bái phục lão nông làm trang trại tổng hợp trên vùng đất cát, thu 3 tỷ đồng/năm

Từ hai bàn tay trắng, ông Nguyễn Thuận (58 tuổi) đã gây dựng thành công trang trại quy mô trên vùng cát ở xã Quảng Vinh (huyện Quảng Điền, TT-Huế), cho doanh thu mỗi năm trên 3 tỷ đồng.

Trước đây nguồn thu nhập chính của gia đình ông Nguyễn Thuận dựa vào sản xuất lúa, hiệu quả kinh tế thấp. Luôn trăn trở để tìm hướng phát triển sản xuất nhằm làm giàu cho gia đình và đóng góp xã hội, cuối năm 2006 ông cùng vợ làm đơn, phác thảo dự án rồi xin huyện cấp đất xây dựng trang trại ở xã Quảng Vinh.

Ông Thuận hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà

Vùng đất nơi gia đình ông đến lập nghiệp thời gian đó chỉ toàn sỏi và cát, nắng nóng khắc nghiệt. Để bắt tay thực hiện giấc mơ làm giàu, ông dùng số vốn eo hẹp đầu tư nuôi khoảng vài trăm con gà, mấy con heo và trồng thêm nấm rơm.

“Cuối năm 2006 tôi chuyển vào Rú Cát xây chòi để ở và chăn nuôi. Lúc ấy có đồng nào tôi đầu tư đồng đó, nuôi khoảng 500 con gà, vài con heo. Thời điểm đó tôi cũng chưa có nhiều kiến thức cần thiết về sản xuất theo hướng trang trại nên việc phát triển mô hình gặp khó khăn. Ngoài ra do cây trồng và vật nuôi không chống chịu được với điều kiện khắc nghiệt nên bị thua lỗ nặng”, ông Thuận tâm sự.

Sau thất bại đó, ông được đi tập huấn và tham gia các lớp học về kỹ thuật chăn nuôi, giới thiệu những mô hình trang trại hiệu quả. Trở về nhà, ông bắt tay cải tạo môi trường vùng cát bằng việc trồng cây xanh, phát triển trang trại theo hướng đa ngành nghề, phối hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi.

Năm 2012 trang trại của ông đạt tiêu chí trang trại thu nhập trên 1,2 tỷ đồng. Từ cuối năm 2016 đến nay, ông Thuận đã chủ động liên kết với Cty CP Greenfeed nuôi lợn theo công nghệ cao. Ông mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây chuồng trại, mở rộng quy mô sản xuất và trang thiết bị hiện đại như lắp đặt hệ thống lạnh, máng ăn và máng uống tự động, làm hầm chứa và xử lý chất thải, hầm biogas; áp dụng công nghệ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.

Trên diện tích 2ha, mỗi năm trang trại nuôi hơn 30.000 con gà lai ri, 500 ngan Pháp, 400 con lợn thịt, 40 con lợn nái. Ngoài nuôi gà, heo ông còn nuôi 3 ao cá và 1,3 ha rừng tràm.

Theo ông Thuận, để chăn nuôi đạt hiệu quả cao, trước hết phải xây dựng hệ thống chuồng trại bảo đảm khoa học. Nắm chắc các kỹ thuật từ khâu lựa chọn con giống đạt chất lượng tốt đên khâu chăm sóc. Đặc biệt, chủ động ổn định nhiệt độ trong khu chuồng trại để tránh dịch bệnh cũng như đảm bảo trọng lượng xuất chuồng.

Lão nông chia sẻ: “So với mặt bằng chung trong nông nghiệp thì chăn nuôi mang lại nguồn kinh tế cao, doanh thu trung bình năm trên 3 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí tính ra mỗi năm có lãi khoảng 1 tỷ. Làm trang trại phải có đam mê, năng động, chịu khó thì thành công sẽ đến, khi thấy lỗ đừng nản mà phải chủ động tìm giải pháp”.

Hơn 10 năm lao động vất vả trên vùng đất cát khô nóng, ông Thuận đã miệt mài không ngừng để có được trang trại quy mô, hiện đại như hiện nay. Nhờ trang trại mà 5 người con của ông được ăn học đến nơi đến chốn, ông còn xây dựng được ngôi nhà khang trang và tạo việc làm cho 12 lao động với mức lương ổn định từ 3 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, trang trại của ông hằng năm còn nhận sinh viên vào thực tập, hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc, chế độ ăn uống của gà, heo…

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Làm giàu ở nông thôn: 9X nuôi thỏ, “bỏ túi” hơn 20 triệu/tháng

Anh Phan Văn Cư, SN 1996 ở xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn (Quảng Nam) đã chọn mô hình nuôi thỏ làm hướng khởi nghiệp, đem lại thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng

Thu nhập 20 triệu/tháng.

Trò chuyện với Dân Việt, anh Cư cho biết, tốt nghiệp phổ thông năm 2015 nhưng không thi đại học, ở nhà tìm hiểu sách báo, mạng internet chi tiết về mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Và anh Cư thấy tâm đắc nhất là mô hình nuôi thỏ.

Trang trại nuôi thỏ của anh Phan Văn Cư cho thu nhập trên 20 triệu/tháng

“Với số tiền vay mượn của người thân hơn 50 triệu, tôi đầu tư xây dựng chuồng trại, lồng nuôi. Lứa đầu tiên thả nuôi 50 con giống; mỗi thỏ nái đẻ từ 8 – 10 con/lứa, trung bình 1 năm thỏ đẻ 6 – 7 lứa. Năm đầu tiên, với kinh nghiệm chưa nhiều nhưng đã có lãi trên 75 triệu đồng. Thấy nuôi thỏ khá thuận, hiệu quả nên từ số tiền lãi thu được, tôi dồn và tiếp tục đầu tư mở rộng trang trại. Đến nay, trại thỏ đã tăng lên trên 700 con. Hiện nay, ngoài việc cung cấp giống, thức ăn thỏ, tôi còn nhận thu mua, bao tiêu thỏ thành phẩm của bà con trên địa bàn…”.

Theo anh Cư, hiện nay mỗi kg thỏ thịt làm sẵn có giá 130.000 – 150.000 đồng/kg, thỏ hơi có giá 70.000 – 85.000 đồng/kg. Mỗi ngày, anh Cư cung cấp ra thị trường khoảng 15 – 20kg thỏ thịt; còn thỏ giống thì bán với giá 120.000 – 150.000 đồng/kg. Mỗi tháng thu lãi đều đặn hơn 20 triệu đồng.

Mô hình nuôi thỏ của anh Phan Văn Cư cho hiệu quả kinh tế cao

Lai tạo giống thỏ mới

Anh Cư cho biết thêm: “Miền Trung có khí hậu nắng nóng nên không phù hợp với giống thỏ thuần New Zealand, sinh sản kém, lượng sữa cho con bú ít, dẫn đến thỏ con chậm lớn, tỉ lệ hao hụt cao. Để có loại giống thỏ tốt, tôi đã cho lai 2 giống thỏ New Zealand và California (Mỹ), cho ra giống thỏ lai mới. Giống thỏ lai này có nhiều màu sắc, rất dễ nuôi, phù hợp với khí hậu miền Trung. Đặc biệt, khi đẻ, thỏ mẹ cho sữa nhiều, con nhanh lớn, nuôi khoảng 2,5 – 3 tháng là có thể xuất chuồng bán”.

Theo 9X Phan Văn Cư, để thỏ nuôi khỏe mạnh thì chuồng trại phải được thoáng mát

“Thỏ dễ nuôi là vậy, nhưng để nuôi thỏ với số lượng lớn là chuyện không hề đơn giản. Để thỏ luôn khỏe mạnh, yêu cầu chuồng trại phải thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ. Thỏ là loại rất nhạy cảm nên chuồng trại phải thường xuyên dọn vệ sinh, không để tồn phân 2-3 ngày. Bệnh thường gặp ở thỏ là bệnh cầu trùng nhưng chỉ cần cân đối lượng thức ăn là thỏ sẽ hết bệnh ngay. Cần cho thỏ uống nước sạch; thức ăn là cỏ và cám chuyên dụng, cho ăn 1 – 2 lần/ngày.

“Để tăng dinh dưỡng và đề phòng bệnh cho thỏ, cần tiêm vắc xin cho thỏ mẹ 6 tháng/lần, thỏ con từ 1,5 tháng tuổi sẽ tiêm một lần cho tới khi xuất bán. Ngoài ra, thỉnh thoảng còn pha các loại vitamin vào nước hoặc thức ăn, để thỏ ăn nhiều, nhanh lớn…” – anh Cư chia sẻ.

Theo anh Cư, thời gian tới, 9X sẽ tiếp tục mở rộng trang trại, tăng số lượng đàn thỏ lên khoảng 1.000 con, đồng thời hợp tác với các đơn vị, nhà phân phối để cung ứng ra thị trường TP.Đà Nẵng và các huyện ở Quảng Nam.

Thỏ trong trang trại của 9x Phan Văn Cư được nuôi trong lồng sắt, rất kiên cố

Ông Phạm Công Thạnh – Chủ tịch UBND xã Phước Ninh nhận xét: “Trang trại nuôi thỏ của anh Cư là một trong những mô hình chăn nuôi điển hình không những của xã Phước Ninh mà cả huyện miền núi Nông Sơn. Ngoài việc làm kinh tế giỏi, anh còn rất nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật cho bà con có nhu cầu nuôi thỏ. Thời gian tới, xã sẽ khuyến khích nhân rộng mô hình này nhằm tăng thu nhập cho bà con…”.

Nguồn: Danviet.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm

Quản lý kháng sinh, vấn đề cấp bách

Trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đã đưa ra danh sách các loại kháng sinh quan trọng trong nhân y và trong thú y. Việc sử dụng kháng sinh có trách nhiệm cho vật nuôi làm thực phẩm cho con người là cần thiết để đảm bảo hiệu quả của kháng sinh. Trong chăn nuôi, duy trì sức khỏe vật nuôi rất quan trọng trong sản xuất thực phẩm an toàn cho người, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân trên thế giới trong việc tìm kiếm protein có nguồn gốc động vật với giá cả phải chăng cho khẩu phần ăn hàng ngày của mình.

Chính sách lành mạnh có thể được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, và tốt nhất cần phải xem xét các bài học và kinh nghiệm toàn cầu. Những kinh nghiệm và bài học của các nước, bao gồm của Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ có thể đóng góp vào quá trình ban hành chính sách, quy định mang tính khoa học cho từng quốc gia. Việc áp dụng các nguyên tắc phân tích rủi ro, bao gồm đánh giá rủi ro, quản lý rủi ro và truyền thông rủi ro, có thể giúp các quốc gia kết hợp những kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất vào quá trình quản lý động vật làm thực phẩm.

Các bài học và thực tiễn đều chứng minh rằng, một cách tiếp cận mang tính chiến lược để xác định kháng kháng sinh là vô cùng quan trọng. Nhận thức về hiện trạng và mục tiêu mong muốn của một quốc gia và sau đó xây dựng một quy trình thông qua các luật, quy định và thực tiễn để làm cầu nối giữa hiện trạng đến trạng thái mong muốn là điều quan trọng nhất để đảm bảo rằng chính sách và khoa học được thực hiện đạt kết quả cao nhất. Hành động chính trị mà không có lý do khoa học chính đáng hoặc thực tiễn thực tế sẽ dẫn đến hậu quả không mong đợi và lãng phí nguồn lực vốn còn hạn chế.

Kháng sinh thường được kiếm soát như một phần của quy trình phê duyệt thuốc thú y

Quy trình pháp lý này bao gồm đánh giá an toàn (con người, động vật và môi trường), chất lượng và hiệu quả (công bố trên nhãn với các công dụng đã được phê duyệt). Đánh giá an toàn về mặt pháp lý đối với con người của kháng sinh trong lịch sử được xem là an toàn về mặt độc tính và vi  giới hạn dư lượng tối đa (MRLs) để đảm bảo việc sử dụng sản phẩm một cách an toàn.

Gần đây, việc đánh giá an toàn kết hợp phân tích rủi ro cho kháng kháng sinh, bao gồm đánh nguy cơ phơi nhiễm, quản lý rủi ro thông qua hướng dẫn sử dụng nhãn và truyền thông rủi ro nhằm đảm bảo sử dụng có trách nhiệm. Trọng tâm chính là giảm thiểu các mầm bệnh trong thực phẩm và sự kháng lại các vi khuẩn khiến cho bệnh trên người không thể điều trị được.

Quan điểm của các nước

Trong hai thập kỷ qua, EU và Hoa Kỳ đã tìm kiếm để ngăn chặn sự kháng kháng sinh thông qua các luật, quy định của mình, đồng thời đưa ra các thực tiễn về sử dụng kháng sinh có trách nhiệm. Mỗi phương pháp tiếp cận tiên tiến khác nhau đưa ra những kinh nghiệm và bài học khác nhau. Trên toàn cầu, kháng sinh tiếp tục được sử dụng ở tất cả các quốc gia trong chăn nuôi động vật làm thực phẩm; không có quốc gia nào loại bỏ được tất cả các loại kháng sinh.

EU đã xây dựng các quy định về kháng sinh sử dụng qua đường tiêm, nước chứa thuốc và thức ăn chứa thuốc. Phân tích nguy cơ kháng kháng sinh đóng vai trò quan trọng trong quá trình phê duyệt pháp lý. Bác sỹ thú y đóng vai trò chính, là người kê đơn sử dụng kháng sinh. Ở châu Âu, hiện có nhiều cuộc tranh luận về sử dụng kháng sinh cho KTTT trong thú y, và EU đã cấm sử dụng kháng sinh cho KTTT từ 1/01/2016.

Quan trọng là, lệnh cấm của EU không phải là lệnh cấm cho một hoạt chất cụ thể mà mang ý nghĩa về chỉ dẫn sử dụng, rằng nếu một hoạt chất có chỉ dẫn về mục đích điều trị và KTTT thì KTTT sẽ bị cấm, tuy nhiên hoạt chất này vẫn được lưu hành trên thị trường cho mục đích điều trị.

Cách tiếp cận của EU đối với việc cấm KTTT đã có “những hậu quả không mong muốn” dẫn đến gia tăng tỷ lệ mắc bệnh viêm ruột hoại tử ở gia cầm và bệnh lị trên heo. Sự gia tăng sử dụng Tetracylin và Peniciline dẫn đến mức độ kháng các nhóm kháng sinh này càng tăng trong các mầm bệnh lây qua thực phẩm, đặc biệt là các chủng Samonella.

Dữ liệu từ DanMap 2013 của Đan Mạch cho thấy sau khi KTTT bị cấm, mức độ kháng Tetracycline và Ampicillin đã tăng, và điều này được phản ánh trong việc sử dụng các nhóm kháng sinh này cho mục đích điều trị. Rõ ràng, quyết định của EU dựa trên nguyên tắc thận trọng hơn là các dữ liệu khoa học.

Hoa Kỳ đã xây dựng các quy định về kháng sinh và phân tích rủi ro về kháng kháng sinh như một phần quan trọng trong quá trình phê duyệt pháp lý của mình. Các kháng sinh có thể được phê duyệt cho mục đích trị bệnh, kiểm soát và phòng bệnh, và cho KTTT. Bác sỹ thú y đóng vai trò chính trong việc kê đơn sử dụng kháng sinh, bao gồm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi theo “chỉ thị của bác sỹ thú y trong thức ăn chăn nuôi”.

Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phân loại kháng sinh thành 3 nhóm: nhóm chỉ dùng trong nhân y, nhóm chỉ dùng trong thú y và nhóm sử dụng chung cả trong nhân y và thú y. Các công ty thuốc thú y được khuyến khích tự nguyện rút KTTT khỏi nhãn sản phẩm với các kháng sinh thuộc nhóm sử dụng chung; trong đó, KTTT có thể được sử dụng đối với các kháng sinh chỉ dùng trong nhân y.

Từ ngày 1/01/2017, kháng sinh thuộc nhóm dùng chung chỉ được phép sử dụng cho mục đích điều trị (trị, kiểm soát và phòng bệnh) theo kê đơn của bác sỹ thú y. Các kháng sinh thuộc nhóm chỉ dùng trong thú y có thể được dùng cho mục đích điều trị theo kê đơn của bác sỹ thú y hoặc có thể tiếp tục được dùng cho KTTT và được bán tại quầy thuốc.

Theo nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

Giống bò BBB – ‘cỗ máy’ sản xuất thịt

Các nhà khoa học của Trung tâm Giống vật nuôi chất lượng cao, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu nhập nội thành công giống bò BBB cho cải tạo đàn bò thịt lai Sind ở nước ta.

Bò BBB hay bò lang trắng xanh có nguồn gốc từ Bỉ. Một số nơi nông dân còn gọi bò 3B. Giống có đặc điểm ngoại hình da loang lổ màu trắng xen xanh xám, cơ bắp phát triển, đặc biệt là vùng đùi sau và phần cơ mông (phát triển hơn 40% so với bò thông thường).

Bò BBB nhập nội từ Bỉ

Đây là giống bò thịt cao sản. Được mệnh danh là “cỗ máy” sản xuất thịt. Khối lượng bò trưởng thành đạt 900 – 1.250kg với con đực và 600 – 800kg với con cái. Khả năng tăng trọng trung bình đạt 1,3kg/ngày. Tỷ lệ thịt xẻ đạt 66 – 70%. Tỷ lệ thịt tinh/thịt xẻ đạt 78%. Tuổi đẻ lứa đầu trung bình là 32 tháng. Thời gian mang thai 280 ngày. Tỷ lệ đẻ hàng năm đạt 80%. Khoảng cách lứa đẻ là 14 tháng.

Nhược điểm của bò cái BBB là sự đàn hồi của cơ xương chậu kém, nên ở Bỉ trên 90% bò cái BBB khi đẻ phải mổ để lấy thai. Ở Việt Nam, bò BBB đã được Bộ NN-PTNT giao cho Trung tâm Giống vật nuôi chất lượng cao (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nhập nội, nuôi giữ, khai thác và sản xuất tinh bò đực BBB thuần, phục vụ chương trình cải tạo đàn bò thịt lai Sind thành đàn bò lai F1 BBB hướng thịt, có khả năng thích nghi tốt, tăng trọng nhanh, thịt ngon và cho hiệu quả kinh tế cao. Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Cty CP Giống gia súc Hà Nội sản xuất tinh cọng rạ trên dây chuyền hiện đại, và phân phối tinh Bò đực BBB thuần trên toàn quốc.

Bò BBB đã nuôi thử nghiệm rất thành công trên địa bàn Hà Nội. Bê lai BBB ở 1 tháng tuổi đã có thể bán được 14 – 15 triệu đồng/con (cao hơn so với bê lai khác từ 5 – 6 triệu đồng/con), đến 18 tháng tuổi có thể bán từ 35 – 40 triệu đồng/con (cao hơn bò lai khác từ 12 – 15 triệu đồng/con).

Để chăn nuôi hiệu quả bò lai BBB, TS Phạm Kim Đăng, Phó Trưởng khoa Chăn nuôi (Học viện Nông nghiệp Việt Nam ) khuyến cáo:

– Cần mua bê lai BBB ở những cơ sở nhân giống có uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

– Bê lai BBB có tốc độ sinh trưởng nhanh, nên thức ăn phải đảm bảo năng lượng cao, lượng cho ăn hàng ngày tối thiểu đạt 2,5% khối lượng cơ thể. Nên cân đối khẩu phần hoàn chỉnh trên cơ sở phối trộn 55 – 60% thức ăn thô với 40 – 45% thức ăn tinh (tính theo vật chất khô trong khẩu phần).

– Chuồng trại cũng giống như khuyến cáo nuôi bò thịt cao sản khác như, xây dựng chuồng ở nơi cao ráo sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Đảm bảo diện tích chuồng bình quân 4,5 – 5,5 m2/con.

– Thực hiện đúng quy trình vệ sinh thú y đối với bò thịt. Đặc biệt chú ý phòng trị bệnh nội và ngoại ký sinh trùng.

– Thường xuyên liên hệ với các chuyên gia về vật nuôi để có được tư vấn tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi bò lai BBB nói riêng, gia súc, gia cầm nói chung.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Thanh Hóa: Đưa Vịt Cổ Lũng từ thoái hóa đến thương phẩm có giá trị

Sau 4 năm tự bỏ tiền túi ra làm nghiên cứu, ThS Trương Tiến Hải – hiện là cán bộ BQL Dự án nguồn lợi ven biển, thuộc Sở NN&PTNT Thanh Hóa – cho biết đã phục tráng thành công giống vịt Cổ Lũng vốn bị lai tạp quá nhiều.

Thạc sỹ Trương Tiến Hải tại mô hình nuôi vịt Cổ Lũng của gia đình

Phục tráng giống vịt với tỷ lệ đồng nhất 95%

Vịt Cổ Lũng (Bá Thước – Thanh Hóa) nổi tiếng xưa nay là giống thủy cầm đặc sản bản địa. Theo mô tả của những người cao tuổi ở địa phương và các hộ nuôi, giống vịt này có đặc điểm mình bầu, chân ngắn, cổ ngắn và to, màu lông giống chim sẻ, đặc biệt quanh cổ có viền khoang trắng, thịt rất thơm ngon.

Thế nhưng, lần đầu tiên quan sát, đo đếm các đàn vịt mà các hộ dân đang chăn nuôi tại địa phương cách đây sáu năm, ThS chuyên ngành nuôi trồng thủy sản Trương Tiến Hải nhận thấy màu sắc của vịt lộn xộn, đen pha trắng, 70% không có khoang cổ, cổ nhỏ và dài. Qua nghiên cứu, anh đánh giá sơ bộ vịt Cổ Lũng đã bị lai tạp với vịt Bầu đất, Bầu cánh trắng, vịt siêu trứng, tỷ lệ lai tạp chiếm đến trên 60%. Nhận thấy loài vịt này có thể phục hồi được nguồn gene, anh đã quyết định đem về cho sinh sản, nuôi ghép, chọn lọc.

Vì muốn tập trung cho nghiên cứu, đầu năm 2014 anh Hải xin thôi vị trí Phó Giám đốc trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ của trường Đại học Hồng Đức, Thanh Hóa, và về nhà mở trang trại.

Bởi việc nghiên cứu hoàn toàn do cá nhân thực hiện, không nằm trong đề tài hay dự án nào thuộc nhà nước nên anh gặp không ít khó khăn. “Đầu tiên phải nói đến vốn đầu tư trang trại, vốn mua thức ăn, mua giống. Đồng lương của giáo viên thì ít ỏi, cho nên tôi phải làm rất nhiều nghề mà đến bây giờ nhiều khi nghĩ mãi không hiểu tại sao lúc đó mình làm được” – anh Hải tâm sự.

Ban đầu, anh Hải chia toàn đàn (có tỷ lệ lai tạp trên 60%) ra làm 6 ô chuồng, mỗi ô chuồng là một đàn khác nhau về nguồn gốc, gồm 2 trống 8 mái. Sau một tháng lấy trứng, anh cho đảo trống giữa đàn nọ với đàn kia, cứ như vậy đến hết lượt. Chỉ những trứng thu trong nửa sau của tháng mới được đưa vào ấp, tránh trường hợp tinh trùng của đàn trống cũ vẫn còn trong đàn mái ban đầu. Sau đó, anh tiếp tục nuôi đàn vịt con lên 4 tháng tuổi, chọn lọc theo đặc điểm gần giống mô tả nhất, rồi lại cho lai theo phương pháp ban đầu. Cứ như vậy sau 4 năm nghiên cứu, Ths Hải đã tạo được đàn vịt sản xuất với tỷ lệ đồng nhất so với mô tả trên 95%, đồng thời có sức đề kháng tốt hơn giống vịt gốc cũ, cân nặng cũng tăng từ trung bình 1,3 kg lên 1,8 kg.

Mở rộng ra các tỉnh khác

Tự hào nói về kết quả của mình, anh Hải cho biết: “Trước khi được phục tráng, số vịt bị lai tạp là 100%, tổng số vịt có trong dân từ 1.000-1.500 con. Sau khi phục tráng, số vịt bị lai tạp giảm xuống còn khoảng 10%, tổng số vịt có trong dân tăng lên hơn 15.000 con. Riêng gia đình tôi ở thời điểm hiện tại sở hữu đàn “ông bà” 100 con, đàn “bố mẹ” 400 con, đàn vịt thịt 1.500 con, vịt giống 1.000 con”.

Theo anh Hải, giống vịt phục tráng chống chịu tốt với biến đổi của thời tiết, ít dịch bệnh, đặc biệt có lợi nếu tận dụng nuôi vào thời điểm sau khi gặt. Anh Hải còn nghiên cứu thức ăn công nghiệp cho giống vịt này với thành phần bao gồm men vi sinh, thảo dược và một số loại ngũ cốc. Kết quả, thời gian nuôi ngắn hơn 20 ngày, hàm lượng glutamic trong thịt (hay độ ngọt của thịt) dựa trên phân tích bằng máy cho thấy cao hơn 2,5 lần so với vịt cánh trắng, trong khi tỷ lệ mỡ thấp.

Do những ưu điểm nêu trên, giờ đây, vịt Cổ Lũng không chỉ được nuôi ở Bá Thước mà còn lan ra các huyện khác như Quan Sơn, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Hoằng Hóa hay phường Quảng Thành… Khi cung cấp giống cho bà con, anh Hải đều hướng dẫn cách chăm sóc và tiêm phòng cho vịt và hiện đã có hai huyện Bá Thước và Hoằng Hóa chủ động được giống.

Nguồn: Khoahocvaphattrien.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Nghệ An: Bùng phát bệnh Lepto trên lợn?

Theo người dân xóm 10, xã Ngọc Sơn (Thanh Chương, Nghệ An), xóm có nhiều lợn bị chết.

Thế nhưng, xã xác nhận chỉ có 1 số con bị nhiễm bệnh. Điều đáng nói, trên QL 46 đi qua xã Ngọc Sơn thời gian qua có rất nhiều lợn chết bị vứt dọc đường.

Người dân không đồng ý tiêm phòng?

Ông Thái Văn An, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết, cách đây vài ngày xuất hiện tin đồn tại xóm 10 có một số con lợn khi người dân mổ thịt bán có mùi hôi, thịt màu vàng không thể sử dụng được. Còn một người dân xóm 10 khẳng định, một tuần trở lại đây, xóm có rất nhiều lợn chết vì bệnh Lepto(?).

Rác thải, xác động vật thường xuyên dạt vào các đập tràn của xã Ngọc Sơn

“Chúng tôi nghe thông tin như thế nhưng qua kiểm tra thì chỉ có 4 con lợn bỏ ăn hoặc ăn ít. Trong số đó, một con bị rối loạn tiêu hóa đã được điều trị khỏi bệnh. Đề nghị ngành thú y lấy mẫu xét nghiệm, nếu xuất hiện dịch bệnh chúng tôi sẽ triển khai ngay các biện pháp dập dịch”, ông An cho biết.

Ngày 18/11, sau khi được báo cáo, Trạm Chăn nuôi – Thú y huyện Thanh Chương đã cấp 6 lít bencocid cho xóm 10 và cử cán bộ xuống những hộ có lợn ốm để lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm. Sau khi kiểm tra lợn của hộ ông Nguyễn Văn Cường và bà Nguyễn Thị Thủy có các dấu hiệu như kén ăn cám, ăn nhiều rau, thân nhiệt cao, ông Đào Quang Biên, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi – Thú y huyện Thanh Chương cho rằng, đó là dấu hiệu của bệnh Lepto.

“Tại xóm 4, xã Xuân Tường, giáp ranh với xóm 10 xã Ngọc Sơn đã ghi nhận một cá thể lợn chết do Lepto. Lợn của người dân xóm 10 kén cám, ham rau, thân nhiệt cao là dấu hiệu của bệnh Lepto. Thời gian điều trị bệnh này dài nhưng khả năng khỏi bệnh thấp. Chúng tôi không chờ kết quả xét nghiệm mà sẽ làm tờ trình xin cấp vacxin để tiêm phòng. Đề nghị UBND xã Ngọc Sơn cử cán bộ phụ trách cùng vào cuộc và hỗ trợ người dân vôi bột, tuyên truyền để người dân tích cực chống dịch”, ông Biên cho biết.

Trạm Chăn nuôi – Thú y huyện Thanh Chương lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm

Theo thống kê, xóm 10 có tổng đàn lợn 158 con. Tuy nhiên, khi triển khai đăng ký mua vacxin có 22 hộ (nuôi 22 con lợn) không đồng ý tiêm phòng. “Họ nói, nếu tiêm phòng xảy ra chuyện gì thì xã, huyện phải cam kết chịu trách nhiệm. Nhưng quan điểm của chúng tôi là có dịch thì phải dập dịch, hộ nào không tiêm phòng thì căn cứ Luật Thú y để xử lý. Hộ nào tiêm phòng, nếu gia súc chết thì xã sẽ làm thủ tục để xin Nhà nước hỗ trợ theo quy định. Xã sẵn sàng trích kinh phí mua vacxin và vôi bột để cùng người dân dập dịch”, ông Thái Văn An cho biết thêm.

Nhiều nguy cơ bùng phát dịch

Ngọc Sơn nằm sát QL 46, giáp với các xã Xuân Tường, Võ Liệt, Thanh Ngọc. QL 46 đi qua xã Ngọc Sơn là địa bàn nối nhiều huyện phụ cận, đường trung chuyển động vật từ khắp nơi đổ về đi các địa phương khác tiêu thụ; sông Lam, sông Gang chảy theo chiều dọc của xã.

Xác lợn chết vứt dọc QL 46 đoạn giáp ranh giữa Ngọc Sơn và Thanh Ngọc

Nhiều đặc điểm cho thấy, đây là địa bàn có nhiều nguy cơ xảy ra và lây lan dịch bệnh. Và thực tế, trong vài năm trở lại đây, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở đây diễn biến phức tạp. Theo ghi nhận, tại xóm 3, từ năm 2014 – 2016 từng xảy ra dịch tụ huyết trùng thể cấp tính khiến hàng chục con trâu bò bị chết. Tháng 11/2017, đàn vịt của người dân xóm 10 cũng chết như ngả rạ nhưng mẫu bệnh phẩm dương tính với virus H5N1.

Một nguy cơ nữa xuất phát từ sự thiếu ý thức và trách nhiệm của một số hộ chăn nuôi. Một ngày giữa tháng 12/2017, QL 46 đoạn qua núi Nguộc, điểm giáp ranh giữa xã Ngọc Sơn và xã Thanh Ngọc xuất hiện một con lợn chừng trên 100kg đã được mổ ruột, màu vàng nghệ bị vứt bỏ bên lề đường.

Người dân ở đây phỏng đoán, có thể con lợn trên bị bệnh Lepto, đã mổ thịt đem đi chợ bán nhưng không bán được nên đem về vứt cạnh đường. Thực tế, thời gian qua, đoạn đường này thường xuyên xuất hiện những bao tải chứa xác động vật chết bốc mùi hôi thối. Do nằm ở địa phận xã, UBND xã Ngọc Sơn đã nhiều lần phải cử lực lượng đem xác động vật đi chôn nhưng tình trạng trên vẫn không thuyên giảm.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cảnh báo những hệ lụy từ “đạm giả” trong thức ăn chăn nuôi

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản về việc phát hiện một số doanh nghiệp sử dụng hóa chất trong sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua thanh tra đột xuất một số công ty sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát hiện một số doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh chất Cyanuric acide, Dicyandiamide và Ammelide trong “Bột dinh dưỡng cao đạm” để đưa bổ sung vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho cá da trơn, gia súc, gia cầm nhằm nâng cao độ đạm.

Tuy nhiên, việc nâng cao độ đạm này không có tác dụng về mặt dinh dưỡng (đạm giả), mặt khác gây tồn dư trên động vật và gây các bệnh về thận cho động vật và con người khi dùng sản phẩm có chất này.

Kiểm tra một cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi

WHO cho biết, 3 hoạt chất axit Cyanuric, Ammelide và Melamine có thành phần cấu trúc khá giống nhau và có thể có tác động như nhau. Nhưng các nghiên cứu về việc các chất trên và hàm lượng của nó là bao nhiêu, có thể gây nguy hiểm cho con người hay không thì chưa có nghiên cứu hay bằng chứng khoa học nào chỉ rõ.

Trước đó, khi phát hiện các chất này, Thanh tra Bộ NN-PTNT đã khẳng định, việc bổ sung các chất trên sẽ gây tồn dư đạm trên động vật, gây ra các bệnh về thận cho động vật và con người.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu Cục Chăn nuôi phối hợp với Tổng cục Thủy sản rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi đảm bảo không sử dụng các chất trên, thẩm định và chỉ định Phòng kiểm nghiệm đối với chất Cyanuric acide, Dicyandiamide và Ammelide phục vụ cho việc phát hiện, xử lý vi phạm. Nghiên cứu đề xuất việc đưa các chất trên vào danh mực chất cấm sản xuất, kinh doanh trong thức ăn chăn nuôi nếu đủ cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ công tác quản lý Nhà nước về thức ăn chăn nuôi.

Đồng thời, các đơn vị tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác hại của việc sử dụng chất Cyanuric acid, Dicyandiamide và Ammelide; nâng cao cảnh giác và nói không với việc sử dụng hóa chất công nghiệp trong chăn nuôi, bảo vệ người chăn nuôi, sức khỏe người dân và chống hành vi nhập lậu, gian lận thương mại.

Nguồn: Vietnamplus được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tỷ phú giữa vùng đất chết

Theo con đường mình chọn

Đến trang trại ông Nguyễn Lợi Đức (65 tuổi; ngụ xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) những gì  làm được đã thôi thúc chúng tôi tìm hiểu. Chúng tôi gặp lúc vợ chồng ông cùng ăn cơm chiều với hàng chục công nhân trong không khí ấm áp, chân tình. Bữa cơm đạm bạc với cá rô đồng, cá lóc kho lạt, canh chua bông súng, bầu luộc, dưa leo, rau muống xào nhưng đầy ắp tiếng cười.

Anh Võ Văn Hai (40 tuổi), công nhân trang trại Lợi Đức, vui vẻ kể: “Ở đây không có sự phân biệt giữa chủ và 40 người làm công. Những người ở xa được ông Đức cho ngủ tại chỗ và bao cơm ăn. Có làm gì sai thì ổng nhắc nhở rất khéo, rất hài hước mà mình thấy nhột nên sửa sai tức thì. Người ta tốt như vậy nên công nhân không làm hết mình mới lạ. Giàu có vậy mà ổng toàn ăn cơm chung với công nhân, hiếm người được vậy lắm”.

Xuất thân từ nông dân nghèo ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, từ nhỏ ông đã theo gia đình định cư ở Campuchia. Ở đây, ông học đến lớp 7 rồi nghỉ. Thời gian này giúp ông thông thạo ngôn ngữ cũng như cung cách làm ăn của xứ chùa Tháp. Năm 1973, ông trở về Việt Nam và sinh sống tại xã biên giới Khánh An (huyện An Phú, tỉnh An Giang) bằng nghề mua bán các loại thủy sản và mắm đồng. Thuận lợi tiếp nối, năm 1978, ông chuyển sang nghề nuôi cá bè trên sông. Thời kỳ này được xem là “hoàng kim” của ông.

Trong một lần về thăm quê, ông quyết định chuyển nghề để canh tác 30 công đất đầu tiên với cách làm rất riêng.

Ông Đức nhớ: “Tôi quyết định đăng ký theo học các khóa tập huấn nông nghiệp do Trường Đại học Cần Thơ tổ chức. Vì thế, tôi được đích thân GS-TS Võ Tòng Xuân trực tiếp định hướng phát triển cây lúa trên vùng đất nhiều người gọi là “đất chết” này. Từ đó, giúp tôi mở rộng tầm nhìn. Hồi đầu ai cũng nói tôi tưng tưng nhưng tôi bất chấp để đi theo con đường mình chọn”.

Trang trại nuôi bò thành công của ông Nguyễn Lợi Đức

Nói là làm nhưng tính toán

Dự đoán nhà nước sẽ đầu tư lớn về giao thông đường thủy lẫn đường bộ, trong đó có kênh đào T5 (còn gọi là kênh Võ Văn Kiệt đấu nối sông rạch của xã Lương An Trà vào kênh Vĩnh Tế) để “giải cứu” hàng chục ngàn hecta đất phèn đang “chết”; cạnh đó là dự án đầu tư nhà máy chế biến bột mì lớn nhất ĐBSCL đang hoàn thành, ông Đức tranh thủ nhận chuyển nhượng lại quyền sử dụng hàng chục rồi hàng trăm công đất vốn chỉ canh tác được một vụ với sản lượng chỉ đạt từ 6-8 giạ lúa/công) rồi liên kết với Trường Đại học Nông Lâm TP HCM thực hiện mô hình cào phẳng đồng ruộng bằng tia laser.

Mô hình này rất thành công nên mở ra một triển vọng mới cho ruộng đồng quê ông lẫn các xã lân cận. Cùng với việc triển khai sản xuất trên diện rộng, ông còn mang về cho nông dân rất nhiều giống lúa đạt năng suất rất cao như OM 50504, 2517, 4518…

Với trên 1.000 công ruộng luôn trúng mùa, mỗi năm mang lại cho gia đình ông Đức hàng trăm triệu đồng. Thừa thắng xông lên, ông mở cửa hàng phân bón, thuốc trừ sâu, bán lúa giống cho nông dân quanh vùng. Mỗi năm, lãi từ nguồn thu của 10.000-15.000 tấn lúa giống mang về cho ông từ 4-5 tỉ đồng, chưa kể lãi từ kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tiếng lành đồn xa.

Năm 2013, ông Đức quyết định thu hẹp lĩnh vực kinh doanh lúa giống để chuyển sang phát triển trang trại nuôi bò tại xã Vĩnh Gia. Lý giải về quyết định bất ngờ này, bà Nguyễn Thị Thanh – vợ ông – bật mí: “Thấy rơm rạ của 1.000 công đất nhà hơi bị dư, ổng bàn với tui chuyển sang nuôi bò thịt lẫn bò con theo phương thức công nghệ hiện đại để tận dụng triệt để nguồn rơm khô, tui nhất trí liền. Tánh khí ổng là vậy, hễ nói là làm nhưng làm phải tính toán khoa học”.

Hiện với diện tích trên 71 ha, ông Đức dành khoảng 3 ha làm trang trại bò nuôi hơn 400 con bò thịt và 200 con bò nái với các giống bò Pháp, bò Lai Sin, bò Úc… Sau chi phí, mỗi năm ông còn lãi từ 4-5 tỉ đồng từ việc bán bò.

Vừa có tiền vừa đỡ hao tốn

Ông Đức kể: “Tôi nuôi trên 600 con bò, dự kiến sẽ tăng lên 1.000 con trong tương lai, nếu không tận dụng hết nguồn phân mỗi tháng từ 130-140 tấn/tháng thì rất lãng phí. Từ đó, tôi nghĩ đến mô hình dùng phân bò để bón cho 55 ha chuối xuất khẩu, vừa có tiền vừa đỡ hao tốn nguồn phân”.

Với cách làm này, năm đầu tiên (2016), ông đã thu lãi trên 3 tỉ đồng. Ông cũng khác người ở chỗ với những buồng chuối bị “lỗi” không thể xuất khẩu, ông tận dụng làm thức ăn xen kẽ rơm cho đàn bò để tiết kiệm chi phí thức ăn và giúp đàn bò tăng trọng nhanh, màu da đẹp, thịt săn chắc.

Ông Đức còn cho biết đang làm mô hình nuôi trùn quế trên diện tích 3.000 m², kết quả rất khả quan. “Đây là mô hình tương đối khó làm nhưng nguồn lợi rất lớn. Nguồn thức ăn chủ yếu vẫn là phân bò, nếu thành công tôi sẽ tiếp tục đầu tư với quy mô lớn hơn” – ông Đức tin tưởng và còn cho biết vợ ông đang khẩn trương xây nhà nuôi yến và đang trồng 4.500 cây bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc.

Với những thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, ông Nguyễn Lợi Đức đã được tặng nhiều bằng khen của các cấp, được công nhận là Nông dân sản xuất giỏi toàn quốc năm 2009. Đặc biệt mới đây, ông còn được Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao tặng Huân chương Lao động hạng ba.

Theo nhanong.com.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech Vietnam.

12 cách người Israel thay đổi nền nông nghiệp thế giới (P2)

Từ tưới nhỏ giọt đến thuốc bảo vệ thực vật sinh học, cuộc cách mạng nông nghiệp của Israel đang mang đến những phương thức mới để thay đổi bộ mặt của sản xuất nông nghiệp.

7. Công nghệ tưới nước nhỏ giọt từ không khí

Tal-Ya là công nghệ tưới nước bằng khay nhựa dùng nhiều lần để thu thập sương, hơi nước từ không khí, giúp giảm lượng nước phải tưới cho cây trồng, nó có thể tiết kiệm lên đến 50% lượng nước tưới. Mấu chốt của công nghệ là các khay vuông có răng cưa, được làm từ nhựa tái chế với các bộ lọc tia cực tím, nó sẽ bao quanh gốc cây.

Với sự thay đổi nhiệt độ ngày – đêm, hơi nước bốc lên và sương đêm buông xuống sẽ đọng lại trên cả hai bề mặt của khay Tal-Ya, theo phễu sương và tưới thẳng vào rễ cây. Nếu trời mưa, các khay này sẽ hứng nước mưa và tưới cho cây, nó làm tăng hiệu quả hiệu quả tưới của mỗi milimet nước mưa lên 27 lần.

Ngoài ra các khay cũng còn hạn chế ánh mặt trời để cỏ dại không thể bén rễ, và bảo vệ thực vật khỏi sự thay đổi nhiệt độ khắc nghiệt tại các vùng sa mạc, đất cằn, đồng thời cũng làm giảm sự ô nhiễm nước ngầm.

8. Công nghệ bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường

Để giải quyết vấn đề bảo vệ thực vật mà vẫn thân thiện với môi trường, công ty chuyển giao công nghệ của Đại học Hebrew hợp tác với Makhteshim Agan, công ty hàng đầu thế giới về các sản phẩm bảo vệ cây trồng đã phát triển và thương mại hóa các sản phẩm thuốc diệt cỏ chậm phát tán vào đất và thuốc trừ sâu không gây tổn hại cho côn trùng có ích.

Cách tiếp cận của Israel là sản xuất các túi thuốc diệt cỏ có tính chất vật lý giống đất sét, mang điện tích âm để cho phép phát tán vào đất chậm và có thể kiểm soát, làm giảm thẩm thấu vào các lớp đất sâu hơn trong khi vẫn duy trì tác động diệt cỏ trên lớp đất bề mặt.

Điều này làm tăng hiệu quả diệt cỏ và giảm liều lượng cần thiết. Với thuốc trừ sâu, các kỹ sư Israel chế tạo ra các loại thuốc đặc chủng chỉ tác động đến 1 hoặc một số loài sâu bệnh trong khi đó không có tác dụng đến các loài khác, điều này làm giảm tác động của thuốc trừ sâu đến các côn trùng có ích, đảm bảo đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.

9. Nuôi cá trong sa mạc

Đánh bắt quá mức là một mối đe dọa nghiêm trọng đến việc duy trì sản lượng các loại cá, cá là nguồn chính cung cấp protein cho hàng trăm triệu người trên thế giới. Rất nhiều quốc gia đang đau đầu vì muốn phát triển nguồn cung cấp cá trong nước, nhưng điều kiện về diện tích nuôi trồng lại bị giới hạn bởi điều kiện tự nhiên và nguồn nước. Những lo lắng đó có thể được giải quyết với một công nhệ của Israel khi cho phép cá có thể được nuôi tại hầu như bất cứ nơi nào, ngay cả trong sa mạc.

Đó là hệ thống GFA (Grow Fish Anywhere). Hệ thống nuôi cá này là một khu vực nuôi cá được khép kín và có thể đặt ở bất cứ đâu, không phụ thuộc vào các điều kiện về điện, nguồn nước cũng như môi trường bên ngoài, nó cho phép loại bỏ các vấn đề về làm sạch môi trường trong nuôi cá thông thường, và không phụ thuộc vào nguồn nước sẵn có. Đặc biệt, hệ thống sử dụng các vi khuẩn được phát triển làm sạch bể nuôi cũng như mầm bệnh ở cá khiến cho hầu như không có chất thải trong ao nuôi và không cần thay nước.

10. Sản xuất thực phẩm từ khí nhà kính

Công nghệ nuôi tảo từ khí thải nhà kính của các nhà máy

Khí nhà kính – CO2 là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, nhưng nếu nó được sử dụng để nuôi trồng thì sao? Đó là điều mà công nghệ seambiotic của Israel mang lại. Từ lâu con người đã biết tảo là loài thưc vật có thể mang lại giá trị cao gấp 30 lần so với bất kỳ loại cây trồng nào từng được biết đến, và nó cũng là nhân tố chủ chốt trong việc tạo ra phần lớn lượng Ôxy cho chúng ta hít thở hàng ngày. Thức ăn chính của tảo là gì? Chính là CO2 và ánh sáng, và hệ thống seambiotic sẽ đem CO2 được phát thải từ các nhà máy biến thành nguồn cung cấp thức ăn cho tảo.

Tại các vùng châu Phi và Trung Đông, thứ không bao giờ thiếu đó là ánh sáng mặt trời, với thời gian có ánh sáng hàng năm cao nhất thế giới, hai khu vực này chính là thiên đường cho việc nuôi tảo. Còn gì tuyệt với hơn khi một công nghệ vừa có thể giải quyết vấn đề phát thải CO2 ra không khí lại vừa đem lại giá trị kinh tế cao, đó là điều tuyệt vời mà người Israel đã mang lại cho thế giới.

11. Nhân giống cá chép châu Phi

Nửa thế kỷ trước, trong khu vực hồ Victoria, cá chép châu Phi là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống của người dân Uganda gần đó. Nhưng khi cá rô sông Nile xâm nhập được vào hồ, nó đã cạnh tranh và tàn sát hầu hết các loài cá trong hồ, kể cả cá chép châu Phi. Cư sân xung quanh đó không có dụng cụ cũng như kỹ thuật đánh bắt cá rô sông Nile cũng như không có kỹ thuật nhân giống và nuôi cá nên đã xảy ra tình trạng thiếu hụt thực phẩm trầm trọng. Từ đó chế độ dinh dưỡng của cư dân bị suy giảm, các vấn đề sức khỏe đã xảy ra.

Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn cung, Giáo sư Berta Sivan của Đại học Hebrew đã thực hiện một dự án kéo dài nhiều năm để giúp đỡ các gia đình châu Phi. Nhóm nghiên cứu của bà đã áp dụng các kỹ thuật nhân giống, lai tạo cũng như nuôi trồng được phát triển qua nhiều năm cho người nuôi Israel để giải quyết vấn đề này.

Qua nhiều năm, dự án đã mang lại sự thay đổi to lớn cho Uganda, không chỉ nhân giống được các loại cá chép châu Phi để nuôi tại các trang trại cá Uganda, mà nó còn cung cấp các khóa đào tạo về làm thế nào để khai thác và nuôi trồng giống cá này với quy mô nhỏ. Bây giờ trẻ em địa phương có một nguồn cung cấp dồi dào protein cùng với trái cây và rau quả của họ, vấn đề dinh dưỡng đã căn bản được giả quyết.

12. Hạt giống chất lượng cao cho mùa vụ bội thu

Tại Đại học Hebrew, các nhà khoa học nông nghiệp Ilan Sela và Haim D. Rabinowitch đã phát triển công nghệ TraitUP, một công nghệ cho phép cấy ghép vật liệu di truyền vào hạt giống mà không sửa đổi cấu trúc DNA gốc của chúng. Phương pháp này đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng hạt giống cây trồng ngay trước khi chúng được gieo trồng. Với công nghệ này, các nhà khoa học có thể đưa các đặc tính về kháng sâu bệnh, tăng cường các đặc điểm thích nghi với thổ nhưỡng và khí hậu vào các hạt giống để nâng cao chất lượng cây trồng về sau.

Công nghệ này mở ra các cơ hội cho việc phát triển các giống cây trồng chuyên biệt cho từng vùng khí hậu, thổ nhưỡng nhằm tối đa hóa năng suất, đảm bảo chất lượng. Điều này mang đến cơ hội cho các quốc gia đang phát triển trong việc nang cao năng suất và chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực và tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

12 cách người Israel thay đổi nền nông nghiệp thế giới (P1)

Từ tưới nhỏ giọt đến thuốc bảo vệ thực vật sinh học, cuộc cách mạng nông nghiệp của Israel đang mang đến những phương thức mới để thay đổi bộ mặt của sản xuất nông nghiệp.

An ninh lương thực đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu cho mọi quốc gia trong bối cảnh dân số không ngừng phát triển hiện nay. Khi mà tài nguyên đang dần cạn kiện trong khi dân số vẫn không ngừng tăng lên, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực bền vững đang là điều mà bất cứ quốc gia nào cũng khao khát. Và cho đên nay, chưa từng có một quốc gia nào có các điều kiện canh tác nông nghiệp khó khăn hàng đầu thế giới có thể đóng góp các thành tựu để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp thế giới tốt hơn Israel.

Từ những năm 1950, người Israel không những chỉ tìm ra phương thức tuyệt với để phủ xanh cho những sa mạc mà họ đã chia sẻ, chuyển giao những sáng kiến này đến các quốc gia khác thông qua các tổ chức hợp tác quốc tế của họ một cách rộng rãi. Và dưới đây là 12 thành tựu của người Israel đã mang đến cho nhân loại, giúp thay đổi bộ mặt của nền sản xuất nông nghiệp toàn cầu, đem đến phương thức sản xuất hiệu quả và là cách thức để giải quyết vấn đề an ninh lương thực hiện nay.

1. Công nghệ tưới nhỏ giọt

Hình: Nông dân Senegal và hệ thống tưới nhỏ giọt Tipa

Có lẽ không có thành tựu nào có được sự ảnh hưởng to lớn đến nền nông nghiệp Israel cũng như cả thế giới như phát minh này. Khái niệm tưới nhỏ giọt đã có từ trước khi nhà nước Israel ra đời, nhưng nó chỉ được thực sự trở thành cuộc cách mạng với sự phát hiện của kỹ sư tài nguyên nước Israel – Simcha Blass, người tình cờ phát hiện ra rằng sự nhỏ giọt chậm và đều đặn dẫn đến khả năng kích thích tăng trưởng đáng kể trên thực vật. Từ phát hiện trên, ông đã chế tạo ra một loại ống dẫn nước có các đầu tưới từ từ nhỏ từng giọt nước theo tỷ lệ tối ưu nhất cho từng loại cây trồng.

Từ đó đến nay, công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel và các giải pháp tưới tiêu vi thủy lợi nhanh chóng lan rộng trên toàn thế giới. Chúng liên tục được phát triển, làm cho tốt hơn, các mô hình tưới nhỏ giọt mới nhất là công nghệ tự làm sạch đường ống và duy trì tốc độ dòng chảy thống nhất bất kể chất lượng nước và áp suất nước trong hệ thống tưới.

Một ví dụ rất nhỏ để thấy được ý nghĩa của công nghệ này đến nền nông nghiệp của các quốc gia là hệ thống Tipa, có nghĩa là “nhỏ giọt”, một sản phẩm của Israel phát triển cho thị trường nước ngoài đã cho phép 700 hộ nông dân ở Senegal có thể canh tác ba vụ một năm thay vì chỉ một vụ mỗi năm vào mùa mưa, đối với cả những vùng đất tưởng chừng không thể trồng trọt được. Các kết quả tương tự ở Kenya, Nam Phi, Benin và Nigeria có thể chứng minh hiệu quả của hệ thống này.

2. Kén tồn trữ lương thực

 Kén tồn trữ lương thực

Người Israel đã thiết kế sản phẩm kén tồn trữ lương thực nhằm đưa ra một giải pháp đơn giản, rẻ tiền cho các nông dân châu Á và châu Phi để tồn trữ lương thực sau thu hoạch một cách hiệu quả nhất.

Sản phẩm này chỉ đơn giản là một chiếc túi khổng lồ – được thiết kế bởi Giáo sư công nghệ thực thẩm quốc tế Shlomo Navarro – giúp lương thực tránh được việc tiếp xúc với không khí và độ ẩm. Nó đang được sử dụng rộng rãi ở các nước đang phát triển tại châu Phi, Trung Đông và cả những quốc gia không có quan hệ ngoại giao với Israel như Pakistan.

Với các phương pháp tồn trữ lương thực truyền thống, 50 % lượng ngũ cốc thu hoạch được và 100% sản lượng đậu bị tổn thất là do côn trùng và ẩm mốc. Tại các quốc gia đang phát triển, nông dân chỉ tồn trữ lương thực họ thu hoạch được bằng các phương tiện thô sơ như giỏ, bồ, túi, bao tải, những thứ không thể bảo vệ lương thực của họ thoát khỏi sự đói khát của côn trùng và các tác nhân gây hại từ bên ngoài. Và sản phẩm kén tồn trữ lương thực sinh ra để giải quyết các vấn đề đó, đặc biệt là sức nóng và độ ẩm cao.

3. Kiểm soát côn trùng theo phương pháp sinh học

Các kỹ sư Israel đã lai tạo ra các giống côn trùng có ích nhằm giải quyết vấn đề kiểm soát sâu bệnh tuân theo các nguyên lý sinh thái học tự nhiên, đồng thời họ cũng lai tạo các giống công trùng chuyên biệt như giống ong vò vẽ chuyên thực hiện thụ phấn tự nhiên trong môi trường nhà kính.

Theo Tiến sĩ Shimon Steinberg của cơ quan ISRAEL21c, việc sử dụng giống nhện kích thước chỉ dài 2mm hình quả lê màu cam hiện đang là giải pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tình trạng bọ ký sinh trên cây trồng, kể cả các loại bọ tàn phá cây trồng nông nghiệp rất khó bị loại trừ bằng các phương pháp hóa học. Ông cho biết: “60% sản lượng dâu tây của California từ năm 1990 đến nay đã được cứu bằng các giống nhện ăn thịt bọ ký sinh từ Israel”, ông cũng cho biết, tại Israel, các sản phẩm sinh học đã cho phép nông dân giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học đi 75% trong canh tác.

4. Công nghệ chăn nuôi bò sữa công nghiệp

Israel là quốc gia đã phát triển các công nghệ chăn nuôi bò sữa tập trung theo quy mô công nghiệp đầu tiên trên thế giới, đây là những hệ thống cho phép người chăn nuôi có thể quản lý, theo dõi, giám sát và cho ăn đàn gia súc tập trung thông qua các thiết bị máy tính. SAE Afikim là một trong 10 công ty của Israel đã tham gia vào dự án 5 năm trong việc phát triển đàn bò sữa trị giá 500 USD tại Việt Nam, đó là sự án chăn nuôi lớn nhất thế giới mà họ tham gia. Trong dự án này các hoạt động sẽ bao gồm phát triển đàn bò 30.000 con tại 12 vùng chuyên canh chăn nuôi – sản xuất sữa tập trung với sản lượng 300 triệu lít mỗi năm và tăng dần qua các năm. Đến cuối năm 2012, 500.000 lít sữa đã được sản xuất hàng ngày.

5. Nông nghiệp trực tuyến

Đó là Hệ thống Kiến thức nông nghiệp trực tuyến (Agricultural Knowledge On-Line (AKOL), đây là một hệ thống tương tác trực tuyến trên toàn cầu, nó liên kết kho dữ liệu về kiến thức nông nghiệp, các chuyên gia và nông dân để giải quyết bất cứ một vấn đề gì trong nông nghiệp. Mọi nông đân giờ đây có thể truy cập vào hệ thống này, học hỏi các kiến thức, kinh nghiệm và yêu cầu sự giúp đỡ, tư vấn phương pháp, giải pháp nông nghiệp từ các chuyên gia hàng đầu, các nhà sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp về vấn đề của họ.

6. Giống khoai tây có thể trồng ở những nơi khắc nghiệt

Phải mất gần 30 năm nghiên cứu, Giáo sư David Levy developedstrains của Đại học Hebrew mới lai tạo được giống khoai tây có thể phát triển mạnh trong khí hậu nóng, khô, và có thể được tưới bằng nước mặn. Đây là giải pháp trồng trọt vô cùng hiệu quả và mang lại lối thoát cho việc canh tác tại các vùng cát sa mạc, ven biển.

Khoai tây là một trong những nguồn lương thực chính của hàng triệu người trên thế giới, nhưng trước đây người ta không thể trồng được một củ khoai tây nào trong các vùng sa mạc như Trung Đông. Bây giờ nông dân ở các khu vực này có thể phát triển khoai tây là một loại cây trồng đem lại lợi ích kinh tế lớn.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.