Nguyên nhân cá nổi đầu và biện pháp phòng trừ

Thời tiết trong giai đoạn giao mùa, nắng mưa xen kẽ, những ao thâm canh thường có hiện tượng cá nổi đầu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, cần tìm hiểu và có biện pháp khắc phục kịp thời.

Hiện tượng cá nổi đầu

Cá nổi đầu do thiếu ôxy

Biểu hiện

Nguyên nhân của hiện tượng này là do các vi sinh vật háo khí có hại hoạt động mạnh, làm giảm lượng ôxy hòa tan trong nước hoặc có thể do mật độ tảo quá dày về ban đêm khi tảo hô hấp hoặc khi tảo tàn phân hủy mạnh gây ra hiện tượng thiếu ôxy cục bộ vào thời điểm nửa đêm về sáng.

Ôxy trong ao được hình thành từ sự khuếch tán không khí và trong tầng nước, nhờ quá trình quang hợp của tảo, thiết bị sục khí, máy quạt nước… Ôxy bị mất đi chủ yếu do quá trình hô hâp của cá, tảo, vi khuẩn và phân hủy các vật chất lắng tụ ở đáy ao… Ôxy hòa tan có vai trò thiết yếu cho sinh vật thủy sinh phát triển, là điều kiện không thể thiếu của quá trình phân hủy hiếu khí của vi sinh vật. Khi nước bị ô nhiễm bởi các chất hữu cơ dễ bị phân hủy bởi vi sinh vật thì lượng ô xy hòa tan trong nước sẽ bị tiêu thụ bớt.

Thếu ôxy hòa tan nhẹ: Cá nổi đầu mờ sáng, chỉ nổi ở giữa ao, khi có bóng ngươi hoặc tiếng động mạnh, cá quẫy mạnh rồi chìm ngay khi mặt trời lên thì hết nổi đầu. Cá phân tán ở các nơi trong ao, miệng cá vừa há vừa đớp, trực tiếp hớp lấy ôxy trong không khí trên mặt nước một cách bình tĩnh.

Thiếu ôxy hòa tan nặng: Cá nổi đầu ngay cả ban đêm và nổi ở cả vùng ven bờ ao; khi có tiếng động cá không quẫy cũng không chìm; khi mặt trời lên cá vẫn nổi đầu.

Giải pháp

Để khắc phục tình trạng này, cần kiểm soát lượng ôxy hòa tan trong ao nuôi vào lúc nửa đêm về sáng bằng cách bố trí máy sủi khí tạo ôxy hòa tan, máy thổi khí, quạt nước… Hoặc có thể bơm thêm từ 30 – 50 cm nước vào trong ao và tùy tình hình cá nổi đầu do thiếu ôxy nặng hay nhẹ mà có thể quyết định cho cá dừng ăn 1 – 2 ngày.

Khi cá bị nổi đầu do thiếu ôxy thì tốt nhất là không bón thêm phân hữu cơ, phân chuồng vào trong ao nuôi. Đồng thời, cứ 15 – 20 ngày dùng vi sinh xử lý đáy, vi sinh đáy để kiểm soát vi sinh vật trong ao và lượng hữu cơ tồn đọng ở đáy ao nuôi. Bên cạnh đó, luôn kiểm soát tốt các loại tảo độc trong ao như tảo lam, tảo đỏ, tảo mắt bằng thuốc diệt tảo, vi sinh đáy tránh hiện tượng tảo tàn gây thiếu ôxy hòa tan vào sáng sớm.

Cá nổi đầu do bị trúng độc

Biểu hiện

Cá bơi lội không định hướng, chao đảo rồi hôn mê, khi cá bị nặng thì toàn thân chuyển màu thâm đen, tăng độ nhớt, mất năng lực hoạt động mà chết. Cá bị trúng độc sẽ khiến chết hàng loạt, thậm chí là cả ao nuôi nếu không có biện pháp xử lý kịp thời. Các ao nuôi hay bè nuôi, cá bị chết do nước thải từ các nhà máy thải ra khu vực nuôi, những chất thải này thường chứa kim loại nặng, độc tố cao làm cá chết nhanh.

Với trường hợp cá nuôi bị nhiễm khí độc từ đáy ao như H2S, NH3, NO2, CH4…; do đáy ao có nhiều mùn bã hữu cơ, quá trình hô hấp yếm khí tạo ra các khí độc.

Giải pháp

Trường hợp cá bị chết do nguồn nước thải, ở mức độ nhẹ có thể ùng chế phẩm giải độc nước bằng BIO-POWER kết hợp ôxy khan, ôxy viên bố trí bơm nước thêm vào ao, thay nước mới, máy sủi, máy sục, máy thổi khí để cung cấp ôxy cho ao, lồng bè nuôi giải độc cho cá.

Với trường hợp cá bị nhiễm khí độc từ đáy ao nuôi, thì cần dừng ngay việc bón phân chuồng, phân xanh nước thải chăn nuôi xuống ao, sục khí đáy ao bằng các loại máy sục khí đáy, sục khí chìm, máy thổi khí đáy giúp cung cấp ôxy, ngăn chặn việc hô hấp yếm khí, giải phóng khí độc đáy ao, dùng các chế phẩm vi sinh xử lý đáy, men xử lý đáy để phân hủy triệt để nguồn hữu cơ, hấp thu khí độc. Thay nước mới với lượng 30 – 50 cm.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Bí quyết nuôi thủy sản có lãi thời giá cả xuống thấp

Đầu tư xây dựng ao bài bản, tuân thủ chặt chẽ quy trình VietGAP, chủ động con giống nuôi đầu vào…, trang trại thủy sản của gia đình anh Ngô Văn Quang ở thôn Đông Nghè, xã Dĩnh Trì, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang vẫn có lãi khá.

Trại cá của anh Quang

Hơn 10 năm nay, năm nào gia đình anh Ngô Văn Quang cũng kết dư được 300 – 400 triệu đồng từ gần 1ha ao nuôi thâm canh cá. Có được nguồn lợi nhuận ổn định trên, là do gia đình anh Quang đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chăn nuôi thủy sản hiệu quả. Nhằm chủ động nguồn con giống đầu vào, khi quy hoạch ao nuôi anh Quang đã xây dựng riêng 2 – 3 ao nhỏ, để nuôi gột cá hương thành cá phân cho ao nuôi thương phẩm. Như vậy đã giảm được chi phí đầu tư mua con giống, chất lượng con giống đảm bảo tốt hơn, ngoài ra còn có thể đáp ứng nhu cầu cá giống cho một vài trang trại khác.

Ao hồ được kè cứng bờ và thành, có hệ thống cấp thoát nước thuận tiện, tránh được rò rỉ gây thất thoát nước ao, dễ dàng cho thay bổ sung nước mới thường xuyên, giúp cá tăng trọng nhanh, tăng năng suất, tăng sản lương, gia tăng thu nhập, rút ngắn thời vụ, giảm chi phí thức ăn.

Anh Quang cho biết, đầu tư cho cứng hóa thành bờ ao không tốn nhiều kinh phí, chỉ cần bỏ ra lợi nhuận 1 năm nuôi cá, sẽ yên tâm thả cá nhiều năm mà không lo vỡ bờ thẩm lậu nước ao, nhất là vào những năm có mưa bão nhiều.

Theo anh Quang: Trong nuôi cá VietGAP quan trọng nhất là phải giám sát chặt chẽ sự biến đổi của thời tiết khí hậu và thủy văn. Con cá cũng như cây trồng và con người, đều phải chịu sự tác động rất lớn của khí hậu thời tiết và thủy văn, trong đó các loại cá nuôi thường mẫn cảm rất cao với sự thay đổi của thời tiết.

Vì vậy, vào những ngày nhiệt độ ngoài trời từ 37 độ C trở lên phải dừng cho cá ăn công nghiệp, bổ sung thêm vitamin C cho cá ăn để tăng sức đề kháng. Định kỳ 10 ngày thay mới cho 20 – 30% nước ao, cá sẽ tăng trọng nhanh.

Ao cá nuôi thâm canh bắt buộc phải có máy quạt nước hoặc hệ thống sục khí để cung cấp ô xy kịp thời cho cá. Mùa xuân và mùa hè quạt nước/sục khí cho ao cá 2 lần, từ 1 giờ đêm đến 6 giờ sáng và từ 12 giờ trưa đến 4 giờ chiều. Mùa thu, mùa đông chỉ cần sục khí 1 lần từ 1 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Những ngày trời mưa, thời tiết âm u, không có ánh sáng phải tăng cường thời lượng quạt nước/sục khí lên gấp đôi. Sau mỗi lần thời tiết hết mưa phải quạt nước/sục khí ngay, kết hợp xử lý nước ao bằng nước vôi bột, liều lượng 2kg vôi cục để tả pha loãng tạt cho 100m2 mặt nước ao…

Bằng cách nuôi thủy sản này, mà suốt thời gian giá cá thương phẩm giảm sâu, một số trang trại phải giảm hoặc tạm dừng nuôi, thì gia đình anh Quang vẫn duy trì đủ lượng đàn cá nuôi, có lãi khá.

Bà Ngụy Thị Vân, Trưởng trạm Khuyến nông TP Bắc Giang ví von: Anh Quang rất “mát tay” tay nuôi cá. Gần như thả vào bao nhiêu con thì sau đó xuất ra đủ bấy nhiêu con. Cá anh nuôi 4 tháng đã bằng người khác nuôi 5 tháng.

Anh Quang nói vui: “Nuôi cá theo cách này tối thiểu là hòa còn đâu là lãi”. Hiện giá một số loại cá trên thị trường đã nhích lên, trang trại của anh bắt đầu có lãi cao. Nếu xuất hết số cá trong ao bây giờ, trừ hết mọi chi phí chắc chắn gia đình anh Quang sẽ bỏ túi được 70 – 80 triệu đồng.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Tạo sông nhân tạo nuôi cá

Mới thoạt nghe tưởng như trăm phần trăm hư cấu nhưng thực tế chàng trai ấy đã bán được 20 dòng sông cho những người nông dân thỏa chí nuôi thả cá sạch…

Nể phục chàng boxing chế ra sông nhân tạo nuôi cá số 1 Việt Nam

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Trong khi những con sông tự nhiên đang dần cạn khô, đặc quánh rác, tanh hôi mùi tử khí thì lại có một người nghĩ ra ý tưởng đem rao sông nhân tạo để phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản. Chàng trai đó mới chỉ ngoài hai mươi tuổi, là cựu vận động viên boxing chuyên nghiệp của tỉnh Hưng Yên, Vũ Duy Hào.

Hào đang thu hoạch cá

Trong trận tranh chức vô địch của một kỳ đại hội thể dục thể thao anh bị đối thủ đấm tụt cả vai nên đành phải chấp nhận huy chương bạc, giải nghệ trở về với nghiệp làm nông, nuôi cá gia truyền. Và từ đây, anh còn bị xây xẩm mặt mày hơn xưa gấp bội bởi các trận đấu trên võ đài còn có thời gian ngơi nghỉ, còn có trọng tài phân định thắng thua nhưng những trận đấu giữa cuộc đời thì bất kể sớm khuya, mưa nắng.

Đã biết bao lần anh phải vớt cả tấn cá chết vì sự cố kỹ thuật hay dịch bệnh, bao lần phải chịu cảnh bão giá sản phẩm làm ra bán với giá rẻ mạt. Bề ngoài tỏ ra bền gan, bền chí nhưng nước mắt cứ chảy ngược, lặn vào trong, xa xót. Vất vả ngược xuôi mãi rồi cũng dần phải quen bởi cuộc đời đâu có cho anh thời gian đủ để để xỏ găng tay hay đeo ngàm bảo vệ răng như khi xưa từng chiến đấu?

Tình cờ một dịp bà Vũ Thị Thắm – Chủ nhiệm HTX thủy sản Hòa Phong (huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) mẹ anh khi đi dự hội thảo của một công ty cám cò Mỹ đã được nghe chuyên gia ngoại kể về mô hình làm sông nhân tạo ở trong ao ở nước họ.

Mô hình đó thú vị ở chỗ năng suất đạt rất cao (37 tấn/trong khoảng 100m2 sông) trong khi chất lượng cá lại rất tốt vì đã cách ly khỏi bùn, không bị ám mùi. Chuyên gia ấy có phát tài liệu cho mọi người nhưng cả trăm đại biểu nông dân hôm đó hờ hững cầm, hờ hững nghe như chuyện người ta phóng tên lửa lên mặt trăng chứ không nghĩ là sẽ áp dụng được bởi không có hình vẽ tổng thể mà chỉ là những phần rời rạc, trừ có một người. Đó chính là mẹ của vận động viên boxing Vũ Duy Hào.

Lăn lộn từ người bán cá ngoài chợ thành tổng đại lý thủy sản của cả một vùng, sở hữu trong tay không biết bao nhiêu m2 đất mặt đường, giàu có thuộc dạng nhất nhì xã nhưng bà lại không chọn con đường an nhàn để tận hưởng. Sau khi đấu thầu, mua dần ngót 9 ha ruộng hoang ở quê bà đổ ra cả núi của để đào ao lập nên một HTX thủy sản và truyền lửa nghề cho các con.

Sau khi có được những hình vẽ rời rạc mà chẳng hiểu gì vì tiếng Tây một chữ bẻ đôi cũng không biết bà về bàn với con trai thử làm một dòng sông nhân tạo để nuôi thủy sản bởi vì thừa biết nhược điểm của cá nuôi trong ao tĩnh rất lười vận động, tiêu hóa chậm, thịt tanh hôi mùi bùn. Mất mấy ngày đêm Hào mới mày mò hình dung, tính toán để cho ra được toàn cảnh của dòng sông nhân tạo.

Cấu tạo của một con sông nhân tạo

Xong đâu đấy thì thuê thợ xây, thợ cơ khí hoàn thiện luôn một cái dài 25m, rộng 5 m, sâu 2 m tường xây bằng gạch, đáy đổ bê tông, đầu vào là hệ thống bơm sục khí tạo dòng chảy ngầm qua một bức vòm cong, đầu ra là hệ thống hút phân. Tất cả được đặt trong một cái ao rộng 3.000m2. Trong sông nuôi cá với mật độ cao còn trong ao lấy nước vào sông thì thả 200-300 con cá mè để lọc sạch nước.

Lứa đầu tiên nuôi thất bại hoàn toàn vì vòm cong không đủ chuẩn, khí từ 144 cái ống nhỏ bên dưới thay vì đi ngầm để tạo dòng chảy cho sông lại thổi thẳng lên trời khiến cho 4 tấn cá điêu hồng, chép bên trong đột ngột mất ô-xy, ngửa trắng bụng, phải vớt bỏ.

Lần thứ hai dù đã tạo vòm chuẩn rồi nhưng vì làm bằng tôn nên nhanh chóng bị rỉ, hỏng. Lần thứ ba khi đã thay vòm bằng chất liệu inox thì lại đến sự cố lưới chắn bằng nhựa cản dòng chảy của nước, đinh vít lưới bằng chất liệu kém đã bung ra khiến cho cá bục từ “sông” tràn sang ao.

Mỗi lần như thế đều phải làm lại từ đầu rất mất thời gian mà cá có lứa có thì không thể nay thả, mai bắt được. Trải qua tất cả 4 thế hệ thì nay cơ bản nguyên lý của dòng sông nhân tạo đã hoàn thiện trong đó có nhiều cải tiến so với mô hình mẫu của Mỹ.

Nghe tin Hào là người đầu tiên ở Việt Nam làm được sông nhân tạo, một đoàn Tây đen có, Tây trắng có gần 20 người đã cùng kéo nhau về xứ đồng hẻo lánh này để xem xét tỉ mỉ từng bộ phận rồi đều nhất loạt giơ ngón tay cái lên, thán phục: “Tốt, rất tốt”.

Đàn cá dày đặc cảm giác như phải dùng tay rẽ ra mới thấy nước bên dưới. Hào gọi chúng là cá thể thao vì bơi lội 24/24 ít khi thấy nghỉ ngơi. Cá trong ao tĩnh ngày ăn 2 bữa đã là thừa thãi, gặp khi thời tiết xấu thì bỏ bữa nhưng cá nuôi trong sông vận động liên tục nên ngày phải cho ăn đến 4 lần.

Cận cảnh đàn cá

Năng tập thể dục lại có chế độ ăn uống giàu đạm, hít thở đậm đặc o-xy nên chúng lớn nhanh như thổi, chất lượng thịt cũng khác hẳn, săn chắc, thơm ngon chứ không còn hôi tanh mùi bùn như cá nuôi ở trong ao. Diêu hồng khi mổ ra bụng hầu như không có màng đen như thường thấy mà hồng rực lên như một chỉ dấu đặc biệt sạch.

Chuyển giao công nghệ

15 dòng sông đã được dựng lên trong những cái ao của HTX với tổng chi phí hết khoảng 5-6 tỉ đồng. Nước từ những sông ấy chứa nhiều dưỡng chất còn được lấy lên, ngâm ủ để phục vụ cho nuôi trồng rau sạch bằng công nghệ thủy sinh trong hệ thống nhà lưới rộng 700m2. Một vòng tròn khép kín và sinh thái cứ thế mà diễn ra tuần tự.

Tiếng sông chảy róc rách, tiếng cá đớp mồm bôm bốp, tiếng của những cái máy cho ăn, máy hút phân sè sè tự động di chuyển như một bầy rô-bốt đã hớp hồn không chỉ của những khách tham quan mà ngay cả chủ nhân của chúng.

Cá nuôi trong sông

Chỉ cần ngắm đàn cá tung tăng bơi lội dưới sông đã đủ no nên nhiều khi Hào mê mải đến nỗi giờ ăn vợ phải chạy ra gọi mới chợt sực nhớ ra rằng mặt trời đã quá ngọ tự lúc nào. Có ông giám đốc ngân hàng huyện, chỗ thân cận của mẹ con Hào thấy khách vào ra trang trại nườm nượp đã mắng rằng: “Ai đến cũng tiếp, cũng chỉ dạy tỉ mỉ như thế rồi sau này nó làm ra hàng loạt sông lại cạnh tranh cho chính mình thì sao?”. Họ chỉ mỉm cười đáp rằng: “Nếu mà chúng tôi tham giữ công nghệ thì đã giàu từ lâu rồi. Cùng lan tỏa công nghệ nuôi sạch để cộng đồng làm theo thì đất nước mình mới mong có hàng nông sản sạch để mà ăn bác ạ!”.

Xây dựng một dòng sông nhân tạo từ trang thiết bị đến vật liệu tất tật hết khoảng 120-150 triệu nhưng Hào vẫn chỉ lấy người ta một chút công chứ không hề tính lãi từ phần công nghệ. Bởi thế mà đã có rất nhiều nông dân được chuyển giao công nghệ thành công như ông Chí ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương có 3 cái, ông Quang ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương có 5 cái, ông Lừng ở huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội có 2 cái, ông Thành ở Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa có 2 cái… Tổng cộng đã có khoảng 20 dòng sông nhân tạo được bán ra như vậy và anh vẫn mong chờ những phản hồi, góp ý từ chính phía người dùng để thế hệ sau chúng thêm hoàn thiện.

Nguồn: Nongnghiep.vn được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Cá tươi & cá lạnh đông đều có lợi ích sức khoẻ như nhau

Đó là khẳng định của các nhà khoa học tại công ty Sintef, Na Uy vừa công bố trên tạp chí Fresh.news (FN) số ra ngày 19/11.Theo FN, mặc dù phần lớn cho rằng “tiền tươi thóc thật” là một lựa chọn tối ưu, nhất là thực phẩm, nhưng theo nghiên cứu thì hai nhóm cá này đều có lợi ích sức khoẻ như nhau.

Thậm chí cá tươi chỉ kéo dài 2-3 ngày sau khi đánh bắt, nhưng cá lạnh đông lại “có thể kéo dài từ 4 đến 6 tháng trong tủ đá mà chất lượng không hề suy chuyển”, các chuyên gia dinh dưỡng tham gia nghiên cứu khẳng định.

Cá tươi và cá lạnh đông đều có lợi ích sức khoẻ như nhau

Thực ra, mục tiêu của nghiên cứu là tìm kiếm các phương pháp xử lý, đông lạnh, và làm tan băng cá để đảm bảo chất lượng thực phẩm cho người tiêu dùng, đồng thời tìm ra cách để giảm nguy cơ ký sinh trùng có trong cá sống. Khi nghiên cứu về tác động của các phương pháp lạnh đông và tan băng tới chất lượng và thời hạn sử dụng của cá, các nhà khoa học đã xác định được 3 yếu tố có thể tăng cường chất lượng cá lạnh đông.

– Thứ nhất, cá cần được đông lạnh ngay khi đánh bắt.

– Thứ hai, cá cần được đông lạnh ở nhiệt độ ổn định và thấp, không bị gián đoạn trước khi được làm tan.

– Thứ ba, việc tan băng phải diễn ra ngay trước khi cá được bán.

Các mẻ cá tham gia trong cuộc kiểm tra này được xác định “tốt nhất là trong 10 ngày sau khi tan băng”. Điều này có nghĩa là cá không có vi khuẩn và kết cấu, màu sắc cũng như chất lượng nhất quán khi được xử lý lạnh đông một cách chính xác. Chính điều này, mà “cá tươi cũng giàu dinh dưỡng như cá lạnh động”, chuyên gia dinh dưỡng Tara Condell, người tham gia nghiên cứu cho hay. Riêng tại Mỹ, Cơ quan Quản lý Thực & Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) yêu cầu cá lạnh đông trước khi bán phải được làm tan băng.

Lạnh đông được thực hiện ngay sau khi cá được đánh bắt tại chỗ, mức nhiệt độ lạnh đông vào khoảng -20 độ Fahrenheit (6,7 độ C) để giúp cá đóng băng cứng trong giây lát. Ngoài ra, theo FDA, người mua hàng cũng nên kiểm tra mùi vị cá và hiện tượng bỏng đá, còn hãng sản xuất nên đông lạnh và tan đá một cách hợp lý để đảm bạo độ tươi và chất lượng.

Lời khuyên bảo quản cá tươi

– Lấy cá ra khỏi túi chứa.

– Rửa cá trong nước lạnh và làm khô bằng khăn giấy.

– Đặt cá vào giá, không chạm hoặc chồng lên nhau.

– Nên chứa vào khay lớn, rắc đá lên, đừng để đá trực tiếp lên giá.

– Dùng túi plastic hoặc giấy nhôm đậy kín khay và đặt vào ngay ngắn trong tủ lạnh

– Nếu giữ cá hơn một ngày, hãy thay đá khi tan và đổ nước dư thừa đi.

Lời khuyên về khử đá

– Lấy cá ra khỏi khay chứa.

– Rửa cá trong nước lạnh và làm khô bằng khăn giấy.

– Đặt cá trong túi hoặc hộp chứa, và dán nhãn thời gian để tiện theo dõi.

– Lưu grữ túi cá trong tủ đông ở mức 0 độ hoặc lạnh hơn.

– Khử đá và chuẩn bị cá tươi trong vòng hai tuần để có hương vị và chất lượng cao nhất.

– Khử đá ngay trong tủ lạnh là cách tốt ưu nhất.

Nguồn: Tổng hợp bởi Farmtech VietNam.

Ức chế virus hoại tử thần kinh (VNN) trên cá bằng ribavirin

Trong thí nghiệm này, các nhà khoa học Israel đã báo cáo rằng việc xử lý ấu trùng cá ngựa vằn với ribavirin trước khi nhiễm virus hoại tử thần kinh (NNV) sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do virus trong 10 ngày đầu sau nhiễm.

Thuốc ribavirin ức chế virus hoại tử thần kinh (VNN) trên cá.

Giới thiệu

Bệnh VNN là bệnh cấp tính xuất hiện từ trại ương giống. Ấu trùng (từ 10-25 ngày tuổi) hoặc cá giống bỏ ăn, cá chết rải rác, bơi lờ đờ trên tầng mặt do bóng hơi trương phồng. Bệnh gây thiệt hại lớn cho ngành nuôi cá giống.

Ribavirin tương tự guanosine là thuốc chống virus phổ rộng, chủ yếu được sử dụng trong thực hành phòng trị lâm sàng của con người. Chúng có hoạt tính in vitro và trong cơ thể chống lại 20 loại virus của RNA và DNA.

Cơ sở khoa học

Trong thí nghiệm này, các nhà khoa học Israel đã báo cáo rằng việc xử lý ấu trùng cá ngựa vằn với ribavirin trước khi nhiễm virus hoại tử thần kinh (NNV) sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do virus trong 10 ngày đầu sau nhiễm.

Ribavirin, Ribavirin điều trị hoại tử thần kinh, hoại tử thần kinh trên cá, bệnh trên cá

Cá bị hoại tử thần kinh.

Kết quả

Bộ gen RNA của NNV thu được từ ấu trùng ấu trùng được cấp ribavirin có chứa ba đột biến đồng nhất và một đột biến không đồng nhất, dẫn đến việc thay thế một codon serine với một codon glycine trong gen RNA polymerase RNA của virus.

Việc bổ sung thêm lượng guanosine vào ribavirin trước khi ấu trùng không làm cản trở hiệu quả hoạt động kháng virus. Xử lý bằng ribavirin trên ấu trùng cá ngựa vằn không ức chế làm giảm mức bazơ IFNγ, nhưng làm tăng mức biểu hiện mRNA IL-1β. Hơn nữa, ấu trùng nhiễm với NNV sau khi điều trị ribavirin làm giảm nồng độ biểu hiện gen IFNγ, IFN-I, Mx và TNF-α, trong khi biểu hiện IL-1β tăng lên.

Kết luận

Những kết quả này cho thấy hiệu quả điều tiết cytokine đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động của ribavirin chống lại NNV. Tỷ lệ tử vong của hơn 40 loài cá xa bờ, chủ yếu là ấu trùng và cá non, từ NNV là một trở ngại chính đối với các trại sản xuất giống và cản trở việc cung cấp cá non cho các trại nuôi.

Do đó, điều trị bằng ribavirin có hiệu quả về mặt chi phí nên được xem như là biện pháp hữu hiệu để giảm nguy cơ của NNV.

Nguồn: Tepbac.com được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Phòng trừ dịch bệnh thuỷ sản sau bão, lũ

Sau khi lũ chấm dứt, cần thu gom lượng tôm, cá nuôi sót lại. Xử lý môi trường (thủy sản chết, rác thải nếu có) đúng theo quy định; tuyệt đối không vứt xác thủy sản chết, rác thải gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh.

1. Ổn định môi trường

Đối với các ao nuôi không bị sạt lở và vỡ bờ, người nuôi cần xả bớt lượng nước tầng mặt trong ao để duy trì mực nước thích hợp và chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh và bán thâm canh. Khi xả nước cần phải lưu ý để tránh làm giảm độ mặn đột ngột (trong ao nuôi tôm), tránh tràn bờ, vỡ cống (do lượng nước sau mưa bão là rất lớn). Thường xuyên theo dõi mức nước, màu nước trong ao để kịp thời điều chỉnh.

Cần đảm bảo môi trường ao nuôi cho cá, tôm ổn định bằng các biện pháp như sử dụng vôi nước bón định kỳ cho ao nuôi để điều chỉnh pH. Khi kiểm tra pH trong ao nếu chỉ số chưa đạt ngưỡng thích hợp cần bón CaCO3 với lượng 15 – 20 kg/100 m². Ngoài ra, người nuôi còn phải kiểm tra các yếu tố khác như lượng khí độc trong ao để có biện pháp xử lý kịp thời. Sau khi ổn định được độ trong, cần tiến hành gây lại màu nước cho ao nuôi để đảm bảo sự phát triển ổn định của vật nuôi.

Xử lý ao nuôi bằng vôi

Đối với ao tôm, hạn chế tối đa việc sử dụng trực tiếp nguồn nước ngoài sông, rạch đưa vào nuôi. Nước cần được lấy qua ao lắng và xử lý trước khi bơm vào ao.

2. Chăm sóc

Thường xuyên quan sát tình trạng cá, tôm bơi lội trong ao. Khi có hiện tượng cá, tôm nổi đầu cần xác định nguyên nhân, nếu là do thiếu ôxy, cần tăng quạt nước hoặc phun nước, thay một phần nước ao, hoặc cấp thêm nước mới vào ao, tiến hành san thưa để giảm bớt mật độ. Nếu tôm, cá có các biểu hiện bất thường, người nuôi cần liên hệ với cán bộ khuyến nông cơ sở để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh thiệt hại.

Cần theo dõi tình hình thời tiết để điều tiết lượng thức ăn cho động vật nuôi; sau khi mưa lũ chấm dứt hoàn toàn mới cho thủy sản ăn trở lại nhưng chỉ cho ăn với lượng 30 – 50% so lúc bình thường. Cần cho tôm, cá ăn đầy đủ, tránh những thức ăn bị hư, thối. Đồng thời bổ sung Vitamin C, khoáng trộn vào thức ăn cho cá ăn hàng ngày. Liều lượng tùy theo đối tượng nuôi, ví dụ như rô phi là 50 – 60 mg/kg cá/ngày. Hoặc dùng chế phẩm sinh học và enzyme tổng hợp để tăng cường tiêu hóa và bảo vệ đường ruột. Liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Người nuôi có thể sử dụng dầu mực để bao bọc thức ăn và thuốc, tránh tan rữa nhanh trong môi trường nước. Tạo mùi hấp dẫn cho cá, tôm bắt mồi nhiều. Liều dùng 10 g/kg thức ăn.

Thường xuyên theo dõi tình hình của các động vật nuôi

Đối với các loài nhuyễn thể nuôi (ngao/nghêu, hầu, sò huyết…), ngoài vấn đề kiểm tra các yếu tố môi trường cơ bản (như pH, nhiệt độ, độ mặn…), người nuôi cần tiến hành vệ sinh bãi nuôi sạch sẽ, chủ động san thưa, không để mật độ nuôi quá dày, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.

Trên các lồng, bè nuôi trồng thủy sản, cần kiểm tra các yếu tố môi trường nơi đặt lồng, bè nuôi, đảm bảo nằm trong ngưỡng cho phép. Cùng đó, thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời. Sử dụng chất khử trùng (có thể treo túi vôi hoặc viên TCCA) treo trong lồng/bè để khử trùng môi trường nước, diệt các tác nhân gây bệnh cho cá nuôi.

Thời điểm này, tôm cá thường dễ bị bệnh do các yếu tố thay đổi thất thường, nhất là thủy sản nuôi lồng bè. Một số bệnh thường gặp chủ yếu là do ký sinh trùng (trùng mỏ neo, trùng bánh xe…), vi khuẩn (Aeromonas, Vibrio…) gây ra. Phòng trị bệnh bằng cách cho ăn đảm bảo chế độ dinh dưỡng, dùng thuốc hoặc hóa chất tắm cho cá trong ao nuôi như muối ăn 2 – 4%, CuSO4 2 – 5%, Formaline 25 – 30 ppm hoặc phun trực tiếp xuống ao với liều lượng nhỏ hơn 10 lần.

Theo nhanong.com.vn được tổng hợp lại bởi Farmtech Vietnam.

Thịt cá hồi tự nhiên có nhiều chất ô nhiễm môi trường hơn so với cá hồi nuôi

Kết quả của một nghiên cứu gần đây ở Na Uy cho thấy hàm lượng các chất ô nhiễm môi trường trong cá hồi tự nhiên cao hơn trong cá hồi nuôi.

Đây là nghiên cứu chuyên đề đầu tiên so sánh cá hồi tự nhiên sống ở các vùng biển của Na Uy (Salmo salar) với cá hồi nuôi.

Anne-Katrine Lundebye, nhà khoa học hàng đầu tại Viện Nghiên cứu Hải sản và Dinh dưỡng Quốc gia Na Uy (the National Institute of Nutrition and Seafood Research – NIFES) nói rằng: “Người ta vẫn cho rằng cá hồi nuôi chứa nhiều chất ô nhiễm môi trường hơn cá hồi tự nhiên, nhưng trong trường hợp này thì không”.

Lundebye đã chủ nhiệm một dự án nghiên cứu ở Na Uy. Ở dự án này, hàm lượng các chất ô nhiễm môi trường và các dưỡng chất trong cá hồi tự nhiên và cá hồi nuôi đã được phân tích. Nghiên cứu đã cho thấy cá hồi nuôi có hàm lượng các chất ô nhiễm môi trường thấp hơn nhiều so với cá hồi tự nhiên, bao gồm dioxin, PCB (là một nhóm các hợp chất nhân tạo, chủ yếu trong các thiết bị điện nhưng đã bị cấm vào cuối những năm 1970 ở nhiều nước bởi những nguy cơ gây hại cho môi trường và sức khỏe), BFR (là chất được phủ ngoài các linh kiện máy tính nhằm tăng khả năng chịu nhiệt và chống cháy) và các loại thuốc trừ sâu. Lundebye giải thích rằng sự khác biệt này xuất phát từ chế độ ăn của chúng.

Lundebye cho rằng cá hấp thụ những gì chúng ăn được, kể cả các chất ô nhiễm môi trường và chất dinh dưỡng. Có thể kiểm soát thức ăn của cá nuôi, nhưng cá tự nhiên thì không thể.

Các thay đổi trong thành phần thức ăn là một trong những lý do liên quan đến hàm lượng thấp các chất ô nhiễm hữu cơ trong cá hồi nuôi. Thức ăn cho cá ngày nay chứa ít dầu cá hơn, mà trước đây dầu cá là nguồn chủ yếu của các chất không mong muốn trong thức ăn.

Cá hồi tự nhiên và cá hồi nuôi đều là nguồn cung cấp tốt các acid béo omega-3

Trong nghiên cứu này, cá hồi nuôi và cá hồi tự nhiên đều có hàm lượng các chất ô nhiễm môi trường tương đối thấp, thấp hơn nhiều so với giới hạn tối đa cho phép. Nghiên cứu cũng cho thấy cá hồi tự nhiên có hàm lượng cao các dưỡng chất sắt, đồng, kẽm và selen. Các chất này làm cho các acid béo omega-3 và omega-6 trong cá hồi tự nhiên có giá trị hơn so với cá hồi nuôi.

Lundebye nói rằng: “Omega-3 trong cá hồi nuôi vẫn có tác dụng tốt, mặc dù tỷ lệ omega-3/omega-6 ở cá hồi nuôi thấp hơn so với cá hồi tự nhiên”.

Mặc dù có sự khác biệt giữa cá hồi nuôi và cá hồi tự nhiên về hàm lượng các dưỡng chất và các chất ô nhiễm môi trường, nhưng Lundebye không ngần ngại khi khuyến cáo: người tiêu dùng đừng nên lo lắng, bởi vì cả 2 loại này đều là nguồn cung cấp tốt các acid béo omega-3, chúng cũng không chứa các chất ô nhiễm môi trường đến mức phải báo động, chúng tôi đảm bảo rằng cả 2 đều tốt cho sức khỏe.

Nghiên cứu lớn nhất trong khu vực

Nghiên cứu được tiến hành rộng rãi, có 100 mẫu cá hồi được đánh bắt từ tự nhiên và 100 mẫu cá hồi nuôi, điều này đã đem lại những kết quả đáng tin cậy. Cá hồi tự nhiên được đánh bắt từ vùng biển Bắc Na Uy, nhưng Lundebye cho rằng các kết quả sẽ không có sự khác biệt lớn so với các con cá được đánh bắt dọc theo bờ biển Na Uy.

Lundebye nói thêm: “Do cá hồi là loài di cư nên vị trí khi bị đánh bắt cũng có sự thích hợp tương đối. Trước đây, người ta đã chứng minh rằng cá hồi ở Na Uy chỉ kiếm ăn ở biển Na Uy, ở một mức độ nào đó có thể là biển Barents. Các nghiên cứu khác cho thấy, cá hồi bị đánh bắt ở một khu vực thì đã từng sống ở những khu vực hoàn toàn khác nhau trong vùng biển. Nhưng chúng tôi không biết chính xác những con cá hồi trong nghiên cứu này đã từng sống ở đâu. Lý do mà chúng tôi đã sử dụng cá hồi được đánh bắt ở biển Bắc Na Uy trong nghiên cứu này là vì hầu hết cá hồi tự nhiên được đánh bắt ở đây”.

Mâu thuẫn với các nghiên cứu trước

Nghiên cứu được công bố rộng rãi nhất về các chất ô nhiễm môi trường ở cá hồi nuôi và cá hồi tự nhiên là một nghiên cứu của Mỹ được công bố trên tạp chí “Science” vào năm 2004. Nghiên cứu này đã báo cáo rằng cá hồi nuôi có hàm lượng các chất ô nhiễm môi trường cao hơn so với cá hồi tự nhiên. Lundebye hoài nghi về nghiên cứu năm 2004, vì nghiên cứu này so sánh hai loài cá hồi khác nhau. Trong nghiên cứu của Mỹ, cá hồi tự nhiên được lấy mẫu là cá hồi Thái Bình Dương, trong khi cá hồi nuôi là cá hồi Đại Tây Dương.

Lundebye giải thích rằng hai loài này có hàm lượng chất béo khác nhau và do đó rất khó để so sánh chúng. Cá hồi Đại Tây Dương có nhiều mỡ hơn, nó sẽ có lượng chất ô nhiễm hữu cơ hòa tan trong chất béo cao hơn cá hồi Thái Bình Dương, bất kể là chúng được nuôi hay từ tự nhiên.

Kết quả nghiên cứu

Hàm lượng các chất ô nhiễm môi trường sau đây trong cá hồi nuôi thấp hơn so với cá hồi tự nhiên: dioxin, PCB, BFR, các loại thuốc trừ sâu (DDT, toxaphene, dieldrin, lindane, chlordane, hexachlorobenzene, mirex) và thủy ngân.

Hàm lượng các chất dinh dưỡng trong cá hồi tự nhiên cao hơn so với cá hồi nuôi: selen, đồng, kẽm, sắt, thành phần có lợi của các acid béo omega.

Hàm lượng các chất ô nhiễm môi trường sau đây tương tự nhau ở cá hồi nuôi và cá hồi tự nhiên: cadmium, chì, thuốc trừ sâu endosulfan và pentachlorobenzene.

Nguồn: NIFES được kiểm duyệt bởi Farmtech VietNam.

Phòng trị một số bệnh trên cá điêu hồng

Cá rô phi đỏ hay còn gọi là cá điêu hồng (Red Tilapia) hiện đang được nuôi khá phổ biến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, mang lại giá trị kinh tế cao. Những đặc điểm sinh học cơ bản trong điều kiện thả nuôi được xác định như sau: về dinh dưỡng là loài cá ăn tạp các chất như: mùn bả hữu cơ, tảo, ấu trùng côn trùng, trong ao nuôi hoặc bằng bè, cá ăn thức ăn tự chế từ các phụ phẩm nông nghiệp, thức ăn viên (đạm từ 20 – 25%). Về sinh sản, cá rô phi đỏ là loài mắn đẻ, đẻ quanh năm, ấp trứng trong miệng. Có thể ương cá con trong ao hoặc trong chậu, lồng. Khi ương trong ao cần bón phân gây thức ăn tự nhiên để nuôi cá bột, còn khi ương trong lồng, chậu thì không cần bón phân nhưng phải thường xuyên vệ sinh chập, lồng.

Môi trường nuôi chủ yếu trong ao hoặc lồng bè. Trong ao, sau 1 năm nuôi, cá đạt 200 – 500g/cn; khi nuôi bè cá lớn nhanh hơn (đạt trọng lượng 200 – 500g/con chỉ 7 – 8 tháng) và tỷ lệ hao hụt thấp.

Phòng trị một số bệnh thường gặp:

Bệnh do ký sinh trùng:

Các bệnh do ngoại ký sinh trùng có tác động mạnh đến cá con trong quá trình ương. Thực tế cho thấy, nhiều cơ sở ương giống có tỉ lệ hao hụt từ 50 – 70% chủ yếu là do cá con bị bệnh đốm trắng (trùng quả dưa tấn công), bệnh do trùng mặt trời và tà quản trùng, bệnh do sán lá đơn chủ, bệnh do giáp xác ký sinh (Argulus và Ergasilus).
Cách phòng trị: ao ương hoặc nuôi cá phải có sục khí. Khi phát hiện cá bị bệnh cần bón: Formol nồng độ 25 – 30ml/m3 trị thời gian dài và nồng độ từ 100 – 150ml/m3 nếu trị trong 15-30 phút; CuSO4 (phèn xanh) nồng độ 2-5g/10m3 trị thời gian dài và từ 20 – 50g/10m3 trị trong 15 – 30 phút, cách ngày trị một lần; muối ăn dùng để phòng và trị bệnh cho cá, nồng độ 1-3% trị thời gian dài và 1-2% trị trong 10-15 phút.

– Bệnh xuất huyết:

Bệnh do vi khuẩn Aemomas hydrophia hoặc Edwardsiellatarda gây ra. Cá có dấu hiệu toàn thân bị xuất huyết, hậu môn sưng lồi, bụng trương to, có dịch vàng hoặc hồng, đầu và mắt cá sưng và lồi ra. Bệnh thường xuất hiện ở cá rô phi đỏ nuôi bè.
Biện pháp đề phòng: là tránh thả cá nuôi và hạn chế thay nước lúc giao mùa. Nên định kỳ bón khử trùng nơi cho ăn. cách trị là bón vôi và khử trùng nước, có thể trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn cá, tỷ lệ tuỳ theo tình trạng bệnh.

– Cá trương bụng do thức ăn:

thường xảy ra ở các ao, bè cho cá ăn thức ăn tự chế không được nấu chín, không đảm bảo chất lượng làm cá không tiêu hoá được thức ăn, bụng cá trương to, ruột chứa nhiều hơi. Cá bơi lờ đờ và chết rải rác.
Biện pháp khắc phục: là kiểm tra chất lượng và thành phần thức ăn để điều chỉnh lại cho thích hợp. Nếu trường hợp nặng, thường xuyên có thể thay đổi thức ăn. Trong thức ăn nên bổ sung men tiêu hóa (các probiotic…)

– Cá chết do mật độ dày:

Hiện tượng này thường xảy ra ở các ao, bè nuôi thâm canh với mật độ quá dày. Cá chết không có dấu hiệu bệnh lý, chỉ nổi lờ đờ và chết hàng loạt. Tỉ lệ cá chết lệ thuộc vào mật độ và chất lượng nước. Mật độ thích hợp để thả nuôi cá rô phi thịt là 100-150con/m³. nếu mật độ trên 200 con/m³ có thể gây chết đột ngột lúc giao nước hoặc sau những cơn mưa lớn.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Phòng trị một số bệnh ở cá rô phi

Một trong những yếu tố quan trọng để tăng năng suất nuôi thâm canh cá rô phi là quản lý tốt sức khỏe vật nuôi. Nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, có điều kiện khí hậu ấm áp để sản xuất cá rô phi hướng tới mục tiêu xuất khẩu nhưng đồng thời đó cũng là môi trường cho bệnh tật phát triển. Tuy là loài cá nuôi bị sốc với biến đổi của môi trường và có khả năng kháng một số bệnh nhưng trong quá trình ương nuôi cá giống và nuôi cá thương phẩm thường gặp một số bệnh sau:

Bệnh xuất huyết


Tác nhân gây bệnh:
Cầu khuẩn Streptococcus sp, Gram dương.
Dấu hiệu bệnh lý:
Ðầu tiên cá yếu bơi lờ đờ, kém ăn hoặc bỏ ăn, hậu môn, gốc vây chuyển màu đỏ; mắt, mang, cơ quan nội tạng và cơ xuất huyết; máu loãng; thận, gan, lá lách mềm nhũn. Cá bệnh nặng bơi quay tròn không định hướng, mắt đục và lồi ra, bụng trương to.
Phân bố và lan truyền bệnh:
Bệnh gặp ở nhiều loài cá nước ngọt. Khi nuôi cá rô phi năng suất cao trong hệ tuần hoàn khép kín, cá dễ phát bệnh. Bệnh có thể lây cho người khi chế biến cá không vệ sinh an toàn.
Phòng trị bệnh:
Bón vôi (CaO hoặc CaCO3 hoặc CaMg(CO3)2) tùy theo pH môi trường, liều lượng 1-2kg/100m3, 2 – 4 lần/tháng.
Dùng Erythromyxin: trộn vào thức ăn từ 3-7 ngày, dùng 2-5 g/100kg cá/ngày. Có thể phun xuống ao nồng độ 1-2 ppm, sau đó sang ngày thứ 2 trộn vào thức ăn 4 g/100kg cá, từ ngày thứ 3-5 giảm còn một nửa. Thuốc KN-04-12 cho ăn 4g/1kg cá/ngày và 3 – 6 ngày liên tục. Vitamin C phòng bệnh xuất huyết, liều dùng thường xuyên 20 – 30mg/1kg cá /ngày, liên tục 7-10 ngày.

 Bệnh viêm ruột


Tác nhân gây bệnh:
Vi khuẩn Aeromonas hydrophila, Gram âm.
Dấu hiệu bệnh lý:
Tương tự bệnh xuất huyết do cầu khuẩn Streptococcus sp. Bệnh tích điển hình ruột trương to,chứa đầy hơi.
Phân bố và lan truyền bệnh
Thường gặp ở cá rô phi nuôi thương phẩm và cá bố mẹ nuôi sinh sản khi môi trường nuôi bị ô nhiễm, đặc biệt là thức ăn không đảm bảo chất lượng, tỷ lệ nhiễm bệnh thấp.
Phòng trị bệnh
Dùng một số kháng sinh cho cá ăn như Erythromyxin hoặc Oxytetramyxin, liều dùng 10 – 12 g/ 100 kg cá/ngày đầu, từ ngày thứ 2-7 liều bằng 1/2 ngày đầu; thuốc KN-04-12.

Bệnh trùng bánh xe
Tác nhân gây bệnh:
Một số loài trong họ trùng bánh xe Trichodinidae như : Trichodina centrostrigata, T. domerguei domerguei, T. heterodentata, T. nigra, T. orientalis, Trichodinella epizootica, Tripartiella bulbosa, T. clavodonta.
Dấu hiệu bệnh lý:
Khi mới mắc bệnh, trên thân, vây cá có nhiều nhớt màu hơi trắng đục, ở dưới nước thấy rõ hơn so với khi bắt cá lên cạn. Da cá chuyển màu xám, cá cảm thấy ngứa ngáy, thường nổi từng đàn lên mặt nước. Một số con tách đàn bơi quanh bờ ao. Khi bệnh nặng trùng bám dày đặc ở vây, mang, phá huỷ các tơ mang khiến cá bị ngạt thở, những con bệnh nặng mang đầy nhớt và bạc trắng. Cá bơi lội mất phương hướng. Cuối cùng cá lật bụng mấy vòng, chìm xuống đáy ao và chết.
Phân bố và lan truyền bệnh
Trùng bánh xe gây bệnh chủ yếu ở giai đoạn cá giống, là bệnh ký sinh đơn bào nguy hiểm nhất của giai đoạn này. Trùng bánh xe ít gây bệnh ở giai đoạn cá thịt. Khi ương cá trong nhà, bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng tỷ lệ chết cao 70-100%. Bệnh thường phát vào mùa xuân, mùa thu, khi nhiệt độ nước 25-30 độ C.
Phòng trị bệnh
Dùng nước muối NaCl 2-3% tắm cho cá 5-15 phút, dùng CuSO4 nồng độ 3-5 ppm tắm cho cá 5-15 phút hoặc phun trực tiếp xuống ao với nồng độ 0,5-0,7 ppm (0,5-0,7g cho 1 m3 nước). Dùng formalin nồng độ 200-250 ppm (200-250 ml/m3) tắm trong 30-60 phút hoặc nồng độ 20-25 ppm (20-25 ml/m3) phun xuống ao.

Bệnh trùng quả dưa
Tác nhân gây bệnh: trùng quả dưa Ichthyophthyrius multifiliis.
Dấu hiệu bệnh lý: Da, mang, vây của cá bệnh có nhiều trùng bám thành các hạt lấm tấm rất nhỏ, màu hơi trắng đục (đốm trắng), có thể thấy rõ bằng mắt thường (người nuôi cá còn gọi là bệnh vẩy nhót . Da, mang cá có nhiều nhớt, màu sắc nhợt nhạt.
Cá bệnh nổi đầu trên tầng mặt, bơi lờ đờ yếu ớt. Lúc đầu cá tập trung gần bờ, nơi có cỏ rác, quẫy nhiều do ngứa ngáy. Trùng bám nhiều ở mang, phá hoại biểu mô mang làm cá ngạt thở. Khi cá yếu quá chỉ còn ngoi đầu lên để thở, đuôi bất động cắm xuống nước.
Phân bố và lan truyền bệnh
Bệnh gặp ở nhiều loài cá nuôi. Cá rô phi lưu qua đông ở miền Bắc hoặc nuôi trong nhà, thường bị bệnh trùng quả dưa làm cá chết hàng loạt. Bệnh phát vào mùa xuân, mùa đông.
Phòng trị bệnh
– Dùng xanh malachit phun trực tiếp xuống ao hoặc bể kính với nồng độ 0,1- 0,3 ppm 2 lần/tuần.
– Cá nuôi lồng vào mùa phát bệnh thường xuyên treo xanh malachit trong lồng, liều lượng 5g/10m3 lồng.
– Dùng formalin nồng độ 200-250 ppm (200-250 ml/m3) tắm trong 30-60 phút hoặc phun xuống ao với nồng độ 20-25 ppm(20-25 ml/m3), 2 lần/tuần.

Bệnh sán lá đơn chủ


Tác nhân gây bệnh: sán lá đơn chủ Cichlidogyrus tilapiae, C. sclerosus, Gyrodactylus niloticus
Dấu hiệu bệnh lý: Cichlidogyrus, Gyrodactylus ký sinh trên da và mang cá, làm cho mang và da cá tiết ra nhiều dịch nhờn ảnh hưởng đến hô hấp cá. Tổ chức da và mang có sán ký sinh bị viêm loét tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm và một số sinh vật xâm nhập gây bệnh.
Phân bố và lan truyền bệnh
Cá có thể bị bệnh khi ương giống với mật độ dày và có thể gây chết hàng loạt trong giai hoặc bể ương. Bệnh phát vào mùa xuân, mùa thu, mùa đông.
Phòng trị bệnh
– Dùng nước muối NaCl 2-3% tắm cho cá 5-15 phút
– Dùng KMnO4 nồng độ 20 ppm (20g/m3) tắm cho cá 15 -30 phút
– Dùng formalin nồng độ 200 – 250 ppm (200 – 250 ml/m3) tắm trong 30-60 phút hoặc nồng độ 20 – 25 ppm (20 – 25 ml/m3) phun xuống ao.

Bệnh rận cá
Tác nhân gây bệnh: rận cá Caligus sp.
Dấu hiệu bệnh lý: Rận cá thường ký sinh ở vây, mang cá rô phi, làm cho da cá bị viêm loét tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng khác xâm nhập, vì vậy nên nó thường cùng lưu hành với bệnh đốm trắng, bệnh đốm đỏ, lở loét nên dẫn đến làm cá chết hàng loạt. Cá bị Caligus ký sinh có cảm giác ngứa ngáy, vận động mạnh trên mặt nước, bơi lội cuồng dại, cường độ bắt mồi giảm.
Phân bố và lan truyền bệnh
Rận cá ký sinh ở nhiều loài cá nuôi. Cá rô phi nuôi mật độ dày, rận cá ký sinh đã gây chết hàng loạt ở các đầm nước lợ hoặc nước ngọt.
Phòng trị bệnh
– Dùng KMnO4 nồng độ 3-5 ppm (3-5g/m3) hoặc chlorin nồng độ 1ppm (1g/m3) phun xuống ao.
– Dùng formalin nồng độ 20-25 ppm(20-25 ml/m3) phun xuống ao.

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam

Phòng trị bệnh cho cá tra và cá basa nuôi trong bè

Nuôi cá bè là một trong những kỹ thuật nuôi thâm canh có hiệu quả. Nhưng do nuôi mật độ cao và cung cấp một lượng lớn thức ăn, nên dẫn đến môi trường trong bè và xung quanh dễ dàng bị ô nhiễm và là điều kiện để bệnh cá bộc phát, lây lan gây thiệt hại cho người nuôi. Theo điều tra hàng năm ở khu vực nuôi cá bè đồng bằng sông Cửu Long, tỷ lệ hao hụt mà chủ yếu do bệnh cá gây chết ở cá basa nuôi bè là 15%, có khi lên tới 30 – 40%.


Nguyên nhân

Các bệnh không truyền nhiễm (Bệnh do môi trường gây ra)

Cá basa rất nhạy cảm với những biến đổi của môi trường, do đó vào các tháng 1 – 2, khi nhiệt độ hạ thấp đột ngột, làm cho cá kém ăn hoặc bỏ ăn, dẫn đến cá suy dinh dưỡng và dễ nhiễm bệnh gây chết ở các tháng sau đó.

Vào tháng 4-5, nhiệt độ lên cao (có ngày tới 31 – 32 độ C) cũng dễ làm cho cá nhiễm bệnh, đặc biệt xuất huyết đường ruột gây chết hàng loạt. Cá basa dễ bị chết ngạt do thiếu oxy ở những thời gian nước đứng (đặc biệt từ giữa đến cuối mùa khô), khi thiếu oxy, cá thường bơi nhào lên, làm cho cá dễ bị lộn ruột và chết. Cá có thể chết do nước có nhiều khí độc như H2S, CH4, NH3 … hoặc CO2 quá cao, nước nhiễm phèn, nước thải công nghiệp có độc tố, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ …

Ngoài ra, thức ăn và vấn đề cho ăn cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của cá. Nếu nguyên liệu chế biến thức ăn để quá lâu (như bột cá để lâu quá sẽ bị hư, mốc và nấm độc phát triển, cá tạp bị ươn thối, cám gạo bị mốc…) sẽ có nguy cơ gây độc cho cá. Thức ăn không đủ hàm lượng đạm sẽ làm tăng trưởng chậm và dễ nhiễm bệnh. Thiếu vitamin sẽ làm sức tăng trưởng giảm, cá bị co giật.

Các bệnh truyền nhiễm

Gồm có nhiều tác nhân gây bệnh cho cá như vi khuẩn, virus và ký sinh trùng. Bệnh cá bè hầu như xuất hiện quanh năm, tuy nhiên cũng có một số bệnh xuất hiện theo mùa rõ rệt như bệnh viêm ruột gây chết cá basa vào các tháng đầu năm, bệnh đốm đỏ, đốm trắng xuất hiện nhiều vào các thời điểm giao mùa (tháng 2-3 và 5-6), bệnh nhiễm giun tròn xuất hiện ở tất cả các tháng trong năm.

Biện pháp phòng trị một số bệnh phổ biến

Bệnh đốm đỏ


Xuất hiện vào lúc giao mùa, nhiễm trên cả cá tra, basa và nhiều loài cá khác. Bệnh gây do một số loài vi khuẩn như Aeromonas hydrophila và Pseudomonas fluoresen. Cá bị bệnh thường bơi lờ đờ trên mặt nước, trên thân xuất hiện điểm xuất huyết nhỏ li ti, nếu bệnh nặng thì các gốc vây cũng xuất huyết. Bụng cá trương to, thành ruột xuất huyết, cá ít ăn hoặc bỏ ăn. Các tia vây lưng, hậu môn và vây đuôi bị rách xơ xác. Cách phòng trị: Nếu cá còn ăn được thức ăn thì trộn thuốc vào thức ăn như sau: Nitrofurazon 2 gam (hoặc Oxytetracyclin) 2 gam + Vitamin C, 3 gam/100kg cá. Cho cá ăn liên tục 5-7 ngày, lưu ý thức ăn trộn thuốc nên giảm đi một nửa.

 Bệnh trắng da (hay bệnh mất nhớt)


Bệnh dễ xuất hiện khi cá bị xây xát hoặc bị sốc do đánh bắt, vận chuyển hoặc do nhiệt độ môi trường nước thay đổi đột ngột. Tác nhân gây bệnh là do vi khuẩn Flexibacter columnaris. Cá nhiễm bệnh thường bỏ ăn, yếu dần, gốc vây lưng xuất hiện màu trắng, lan dần đến cuống đuôi và toàn thân. Bệnh nặng xuất hiện các vết loét ăn sâu vào cơ. Vây cá rách xơ xác yếu ớt rồi chìm xuống đáy và chết. Cách phòng trị: Trộn vào thức ăn Oxytetracycline 5 gam/100kg cá bệnh, hoặc Sulfadimezin 5 gam + Oxytetracycline 2 gam/100kg cá. Cho cá ăn liên tục 5-7 ngày.

Bệnh xuất huyết đường ruột


Bệnh xuất hiện vào các tháng mùa khô, khi nhiệt độ cao gây cho cá bị xuất huyết nội tạng (chủ yếu ở cá basa) và gây thiệt hại lớn cho nghề nuôi cá basa. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Staphylococcus sp. Cá bị bệnh thì bụng bị trương to, hậu môn lồi, sưng đỏ, vây bụng xuất huyết, cá biếng ăn, bơi tách đàn. Khi giải phẩu nội tạng thấy đường ruột bị xuất huyết, cơ xoang bụng cũng bị xuất huyết, đôi khi mỡ cũng có màu hồng. Để phòng bệnh, nhiều chủ bè đã dùng cây cỏ mực băm nhỏ, nấu chung với thức ăn, đã phòng bệnh cho cá vào đầu mùa khô rất tốt. Lượng dùng: 1kg cỏ mực + 0,5g muối + 70kg cám. Cứ cách một tuần cho ăn một lần. Cách trị bệnh Dùng Sulfathiazone 6 gam + Thiromin 0,5gam/100kg cá bệnh Hoặc Sulfaguanin 5-10gam + 70kg cám/100kg cá bệnh, cho ăn đến ngày thứ 3 thì giảm đi 1/2 liều, đến ngày thứ 5 cá sẽ hết bệnh.

Bệnh do ký sinh trùng

Bệnh giun tròn: do tác nhân thuộc giống Philometra ký sinh trong ruột cá. Chúng không gây thành dịch lớn, nhưng ảnh hưởng đến sức tăng trưởng của cá, phá hoại niêm mạc ruột và gây viêm ruột, đôi khi tắc ruột, thủng ruột hoặc tắt ống dẫn mật. Cách xổ giun: Dùng thuốc Nova – Parasite trộn với thức ăn theo liều 1 kg/300 kg thức ăn cho ăn 1 lần/ngày (buổi sáng), liên tục 3 – 5 ngày. Dùng thuốc Praziquantel trộn vào thức ăn, liều lượng 50 – 75 mg/kg thức ăn cho ăn liên tục 4 – 6 ngày, nên kết hợp trộn thêm Vitamin C để tăng sức đề kháng của cá.

Bệnh sản lá 16 móc (Dactylogyrus): là loài sán có kích thước cơ thể dài 0,5-1mm, thường ký sinh trên mang cá tra và basa. Chúng bám chặt vào mang và niêm mạc của mang để hút máu, gây viêm loét mang cá. Cách phòng trị: Treo giỏ thuốc Sulfat đồng (CuSO4) 5-7ppm (1gam trên mét khối nước)).

Tổng hợp bởi Farmtech Vietnam